Liên Hiệp Châu Âu sẽ gia tăng sản xuất đạn pháo cho Ukraina
Tuyên bố trong chuyến viếng thăm thủ đô Tallinn của Estonia hôm qua, 19/01/2024, Ủy viên châu Âu đặc trách thị trường nội địa và công nghiệp Thierry Breton cho biết Liên Hiệp Châu Âu sẽ đẩy mạnh sản xuất đạn pháo để vừa viện trợ cho Ukraina, vừa khôi phục các kho dự trữ của Liên Âu.
Theo AFP, ông Breton khẳng định từ đây đến cuối năm Liên Hiệp Châu Âu sẽ có khả năng sản xuất ít nhất 1,3 triệu đạn pháo và sẽ tăng mạnh sản lượng vào năm tới. Theo Ủy viên châu Âu đặc trách công nghiệp, phần lớn đạn pháo do các công ty châu Âu sản xuất sẽ được ưu tiên dành cho Ukraina trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nga.
Về phần thủ tướng Estonia Kaja Kallas, bà lưu ý là theo nguồn tin của Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên đã cung cấp cho Nga hơn một triệu quả đạn pháo, để được Matxcơva giúp phát triển công nghệ vệ tinh quân sự. Cho nên, đối với ông Breton, viện trợ đạn pháo cho Ukraina là một nhu cầu vô cùng cấp thiết.
Hôm qua, tổng thống Emmanuel Macron cũng đã kêu gọi các công ty quốc phòng của Pháp đẩy mạnh tiến trình chuyển sang “nền kinh tế chiến tranh” để nhanh chóng đáp ứng các nhu cầu của Ukraina. Phát biểu tại căn cứ hải quân Cherbourg ở miền bắc khi chúc Tết Dương lịch các binh chủng quân đội Pháp, tổng thống Macron tuyên bố: “ Chúng ta sẽ tiếp tục giúp đỡ Ukraina, bởi vì chúng ta không thể để cho Nga nghĩ rằng họ sẽ chiến thắng. Một chiến thắng của Nga đồng nghĩa với sự cáo chung của an ninh châu Âu”.
Trong tuần này, Paris đã thông báo viện trợ thêm cho Kiev 40 tên lửa tầm xa Scalp, cung cấp Ukraina khoảng 50 quả bom mỗi tháng trong vòng 1 năm, gia tăng sản xuất đạn pháo 155mm và tài trợ cho việc sản xuất thêm 12 súng đại bác Caesar.
Trong khi đó, hôm qua, Nga đã triệu đại sứ Pháp tại Matxcơva lên để chính thức phản đối về vai trò “ngày càng lớn” của Paris trong cuộc chiến Ukraina, vài ngày sau khi thông báo đã oanh kích vào “một nhóm lính đánh thuê Pháp”.
Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt sáu nhân vật bị cáo buộc tài trợ cho Hamas
Hôm qua, 19/01/2024, Liên Hiệp Châu Âu thông báo đã ban hành các trừng phạt đối với sáu nhân vật bị cáo buộc tài trợ cho tổ chức Hồi Giáo Palestine Hamas.
Lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu Josep Borrell trước cuộc họp báo tại Beyrouth, Liban, ngày 6/1/2024. AP - Hassan Ammar
Thanh Phương
Theo lời một quan chức cao cấp của Liên Âu, xin giấu tên, những nhân vật nói trên sẽ bị phong tỏa tài sản trong Liên Hiệp Châu Âu và sẽ bị cấm nhập cảnh vào khối này.
Liên Hiệp Châu Âu xem Hamas là một tổ chức khủng bố và kể từ sau vụ tấn công vào Israel ngày 07/10 đã gia tăng trừng phạt lực lượng này.
Tối qua, lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu Josep Borrell cáo buộc chính Israel đã “tạo ra” và “tài trợ” cho phong trào Hamas. Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet tường trình:
“Từ nhiều tháng qua, các nước châu Âu vẫn tìm cách tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh thu nhỏ về Trung Đông, với sự tham gia của tổng thư ký Liên Đoàn Ả Rập và 5 ngoại trưởng của Jordanie, Ai Cập, Ả Rập Xê Út và nhất là Israel và cơ quan quyền lực Palestine. Năm ngoại trưởng này sẽ không có mặt cả 5 trong cùng các cuộc gặp, nhưng đối với Liên Hiệp Châu Âu đây là cách tốt nhất để đề cập đến cuộc xung đột, đến viện trợ nhân đạo và đến “ngày sau đó”, ám chỉ công cuộc tái thiết, nhất là tái thiết về chính trị.
Nội bộ Liên Âu đến nay vẫn bị chia rẽ giữa một bên là phe thân Palestine, như Ireland, Tây Ban Nha hay Bỉ, và phe thân Israel, như Đức, Áo, Hung, nhưng cả hai phe có một mẫu số chung, đó là tin tưởng vào giải pháp hai nhà nước (Israel và Palestine)
Lãnh đạo ngoại giao châu Âu Josep Borrell cáo buộc chính phủ Israel đã tài trợ cho Hamas để làm suy yếu Cơ quan quyền lực Palestine. Lời cáo buộc này có vẻ như là nhằm tạo một sự cân bằng ngoại giao trước cuộc họp vào thứ hai tới, qua đó xoa dịu phía Palestine về các trừng phạt mới đối với Hamas mà Liên Hiệp Châu Âu vừa ban hành.”
Tại Hoa Kỳ, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby hôm qua cho biết, trong cuộc điện đàm với thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, tổng thống Joe Biden “vẫn tin tưởng vào khả năng thành lập một nhà nước Palestine”, nhưng “nhìn nhận là còn rất nhiều việc phải làm để đạt được mục tiêu đó”. Thứ năm vừa qua, thủ tướng Netanyahu đã bác bỏ yêu cầu của tổng thống Biden là trong tương lai sẽ có hai nhà nước Israel và Palestine chung sống hòa bình.
AIEA: Mìn được gài lại xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia của Ukraina
Trong lúc Nga và Ukraina vẫn tiếp tục giao tranh trên nhiều mặt trận, tối 19/02/2024, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) cho biết khu vực nhà máy điện Zaporijjia lại bị gài mìn", đe dọa đến an ninh của nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu.
Nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia tại Ukraina, hiện nằm dưới quyền kiểm soát của Nga. © Anissa El Jabri / RFI
Chi Phương
Thông cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, được AFP trích dẫn, nói rõ các quả mìn đã được « gỡ bỏ từ tháng 11 năm ngoái, nhưng sau đó đã được gài lại » và điều này « không phù hợp với các yêu cầu về an ninh » của nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu. Các nhân viên vận hành nhà máy bị cấm vào các khu vực có mìn, giữa hàng rào bên trong và bên ngoài của nhà máy.
AIEA cũng cho biết Nga đã ngăn cản tổ chức này tiếp cận một số lò phản ứng và nhiều khu vực khác, viện dẫn lý do an ninh.
Bị Nga chiếm đóng từ hồi tháng 03/2022, nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia đã nhiều lần bị cúp điện do các cuộc giao tranh giữa Nga và Ukraina. Quân đội Nga đã nhiều lần cáo buộc Ukraina đe dọa an ninh của cơ sở này. Nhà máy từng cung cấp một phần năm sản lượng điện cho Ukraina cũng nhiều lần bị cắt khỏi mạng lưới điện, làm dấy lên lo ngại về một thảm họa hạt nhân.
Ukraina và Nga tiếp tục giao tranh
Về tình hình chiến sự tại Ukraina, sáng nay, chính quyền thành phố Koupiansk, gần Kharkiv, cho biết một tòa nhà đã bị hư hại sau khi trúng bom của Nga. Trong đêm hôm qua, theo quân đội Ukraina, Nga tiếp tục không kích vào các thành phố Avdïivka, Horlivka, Novomykhailivkavà phía Ukraina đã bắn hạ được 4 trong số 7 drone Shahed của Nga. Kiev cũng nhận trách nhiệm về vụ tấn công vào một kho dự trữ dầu của Nga ở khu vực biên giới Bryansk, gây ra một vụ hỏa hoạn lớn vào trưa hôm qua.
Tàu vũ trụ đầu tiên của Nhật Bản đáp thành công xuống Mặt trăng
Nhật Bản hôm nay, 20/01/2024, đã trở thành quốc gia thứ năm đáp xuống Mặt trăng, nhưng tàu thám hiểm SLIM (Smart Lander for Investigating Moon) của nước này có nguy cơ thiếu hụt năng lượng do gặp vấn đề về tấm pin Mặt trời.
Thiết bị thực tế ảo mô phỏng tàu vũ trụ SLIM đáp xuống Mặt trăng, tại cơ sở của Cơ quan không gian Nhật (JAXA), ở Sagamihara, Nhật Bản, ngày 19/1/2024. REUTERS - KIM KYUNG-HOON
Thanh Phương
Theo thông báo của cơ quan không gian Nhật Bản JAXA, tàu thám hiểm mang tên Moon Sniper ( tạm dịch là Lính bắn tỉa trên Mặt trăng ) đã đáp xuống Mặt trăng vào lúc 0 giờ 20 phút giờ Tokyo và họ đã liên lạc được với tàu này.
Nhưng do các tấm pin Mặt trời hiện không hoạt động cho nên tàu Moon Sniper chỉ có đủ điện để vận hành trong nhiều tiếng đồng hồ, theo lời ông Hitoshi Kuninaka, một trong những lãnh đạo của cơ quan JAXA. Ông nói thêm là rất có thể các tấm pin Mặt trời sẽ hoạt động trở lại sau khi điều chỉnh được góc hướng về phía Mặt trời, chứ ít có khả năng là các tấm pin này bị hỏng. Trong khi chờ đợi, họ cố thu thập tối đa các kết quả khoa học mà tàu vũ trụ có được và truyền các dữ liệu này về Trái đất.
Mặc dù đã có nhiều quốc gia và công ty tư nhân phóng các tàu vũ trụ lên Mặt trăng, cho tới nay, chỉ có Hoa Kỳ, Liên Xô, Trung Quốc, và gần đây nhất là Ấn Độ đã đáp xuống được vệ tinh tự nhiên của Trái đất.
Iran và Pakistan đồng ý giảm căng thẳng biên giới
Pakistan và Iran hôm qua, 19/01/2024, thông báo đã đạt được một thỏa thuận nhằm giảm căng thẳng, sau các cuộc tấn công đẫm máu tại vùng Balochistan ở biên giới giữa hai nước trong tuần này
Thủ tướng lâm thời Anwar-ul-Haq Kakar chủ trì cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia Pakistan ngày 19/1/2024 tại Islamabad, thảo luận về hạ nhiệt căng thẳng với Iran. AP
Chi Phương
Từ Teheran, thông tín viên Siavosh Ghazhi tường trình :
« Trong một cuộc điện đàm, ngoại trưởng Iran và Pakistan đã quyết định làm dịu căng thẳng giữa hai nước. Đại sứ của Iran và Pakistan sẽ đến thủ đô của mỗi bên.Teheran và Islamabad cũng quyết định tăng cường hợp tác chống các nhóm khủng bố.
Quan hệ hai nước láng giềng đã trở nên căng thẳng sau khi Teheran tiến hành một chiến dịch nhằm tấn công một nhóm Hồi giáo cực đoan Iran Jaish ol Adl,, theo hệ phái Sunni, trên lãnh thổ Pakistan.Các tên lửa và drone đã được sử dụng, nhắm vào hai mục tiêu.
Để đáp trả, Islamabad hôm thứ Năm vừa qua đã tấn công hai mục tiêu trên lãnh thổ Iran, đồng thời khẳng định họ nhắm vào hai nhóm ly khai của Pakistan. Nhiều nước trong khu vực, nhất là Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Xê Út đã kêu gọi hai nước giảm căng thẳng. Tuy thông báo chấm dứt khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước, các quan chức Iran tuyên bố Teheran không chấp nhận việc các nhóm khủng bố Iran vẫn hiện diện ở Pakistan. »
Theo AFP, chính quyền hai nước cho biết, các cuộc tấn công qua lại giữa Iran và Pakistan đã khiến tổng cộng 11 người thiệt mạng, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Từ nhiều thập kỷ qua, các cuộc đụng độ đã nhiều lần xảy ra tại biên giới Iran - Pakistan, quốc gia Hồi Giáo duy nhất có kho vũ khí hạt nhân. Hai bên tố cáo nhau cho phép các nhóm phiến quân hoạt động trên lãnh thổ của mỗi nước.
Căng thẳng tại Hồng Hải, gánh nặng cho nền kinh tế Trung Quốc
Hôm qua 19/1/2024, Trung Quốc đã kêu gọi phiến quân Houthi Yemen ngưng tấn công vào các tàu hàng ở Hồng Hải để “duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu”. Các cuộc tấn công của lực lượng này dù chỉ nhắm vào các tàu hàng mà họ cho là “có liên hệ với Israel”, nhưng vẫn gây ra nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế Trung Quốc.
Một tàu hàng của Mỹ bị lực lượng Houthi tấn công bằng drone ở Vịnh Aden. Ảnh chụp ngày 18/1/2024. AP
Minh Phương
Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Stéphane Lagarde cho biết cụ thể :
Sau nhiều năm hạn chế đi lại do đại dịch Covid, cuộc khủng hoảng ở Hồng Hải hiện nay là giọt nước tràn ly đối với các kho hàng và khiến các nhà xuất khẩu ở bờ biển phía đông Trung Quốc tuyệt vọng. Ông Marco Castelli, người sáng lập công ty IC Trade, chuyên xuất khẩu các bộ phận cơ khí sản xuất tại Trung Quốc sang châu Âu, giải thích khủng hoảng này gây ra hai tác động lớn:
“Tác động đầu tiên là kéo dài thời gian vận chuyển. Thời gian vận chuyển giờ đây sẽ dài hơn, mất thêm khoảng 20 đến 25 ngày so với bình thường, từ đó gây ra vấn đề về chi phí và kho hàng đối với khách hàng cũng như các nhà cung cấp. Và tác động thứ hai là làm cước phí gởi hàng tăng thêm”.
Theo ông Castelli, giá container đã tăng lên gấp 3, thậm chí là gấp 4, tùy theo mức độ khẩn cấp của đơn hàng. Một số nhà nhập khẩu cũng đã rút lại một phần đơn đặt hàng của họ. Ông Mario, một nhà xuất khẩu ở tỉnh Nghĩa Ô, miền đông nam Trung Quốc, cho biết :
Hiện tại chi phí vận chuyển đang rất cao. Mọi người, dù là những người không thiếu hàng hay những người có ít hàng, đều đợi đến sau kỳ nghỉ Tết của Trung Quốc, hy vọng giá sẽ giảm trở lại. Tôi cũng đang có một khách hàng Maroc muốn đợi đến sau Tết Nguyên Đán. Hiện anh còn một ít hàng, nhưng phí vận chuyển đang quá đắt.
Lạm phát không chỉ đè nặng lên người tiêu dùng mà còn có nguy cơ làm chậm toàn bộ chuỗi sản xuất và về lâu dài có thể khiến một số khách hàng phải di dời một số nhà máy ở Trung Quốc. Giao thương với châu Âu và châu Phi chiếm tới 40% tổng trao đổi mậu dịch của Trung Quốc. Tình hình hiện giờ đang rất cấp bách, bởi vì chỉ còn chưa đầy ba tuần nữa là đến Tết Nguyên Đán và nhiều nhà máy ở Trung Quốc sẽ đóng cửa vì 300 triệu công nhân sẽ về quê ăn Tết.
Hôm qua, quân đội Hoa Kỳ tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công nhắm vào lực lượng Houthi ở Yemen, khẳng định đây là hành động "tự vệ" trước các cuộc tấn công liên tục của phiến quân này vào các tàu hàng ở Hồng Hải.
Bắc Triều Tiên: Xem phim Hàn Quốc, hai thiếu niên bị phạt 12 năm lao động cải tạo
Theo một đoạn video mà BBC thu được, hai thiếu niên Bắc Triều Tiên được cho là đã bị tuyên phạt 12 năm « lao động cải tạo » vì xem các phim do Hàn Quốc sản xuất.
Ảnh chụp màn hình từ video do SAND Institute cung cấp, cho thấy hai thiếu niên Bắc Triều Tiên bị xét xử vì xem phim Hàn Quốc. © REUTERS/SAND INSTITUTE NEWSLETTER
Chi Phương
Video do Viện nghiên cứu về phát triển Bắc Triều Tiên (SAND) cung cấp cho BBC Hàn ngữ. SAND là tổ chức chuyên làm việc với những người đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên. Các hình ảnh cho thấy hai học sinh 16 tuổi bị kết tội xem phim, nhạc Hàn Quốc. Tay bị còng, mặc quần áo màu xám, họ bị xét xử công khai tại một sân vận động trước hàng trăm học sinh khác. Tất cả học sinh đều đeo khẩu trang, ngồi cách xa nhau, nên có thể suy luận rằng video này được ghi lại trong thời gian đại dịch Covid-19.
BBC cho biết đoạn video này cũng được lồng tiếng, với những nội dung lặp lại tuyên truyền của Bình Nhưỡng : « Văn hóa của chế độ bù nhìn thối nát, (ám chỉ Hàn Quốc), đã lan rộng đến cả thanh thiếu niên,…, các em chỉ mới 16 tuổi nhưng đã hủy hoại đi tương lai của chính mình ».
Hãng tin Reuters cho biết không thể xác minh được các hình ảnh trong đoạn video. Trả lời Reuters, lãnh đạo của tổ chức SAND, ông Choi Kyong-hui, đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên từ năm 2001, cho rằng «xét về mức độ nghiêm trọng của bản án, có vẻ như vụ việc này là để răn đe người dân Bắc Triều Tiên. Nếu đúng là như vậy thì có nghĩa là văn hóa Hàn Quốc đã được phổ biến trong xã hội Bắc Triều Tiên ».
Từ nhiều năm qua, Bắc Triều Tiên đã tuyên các bản án nặng nề đối với những ai xem phim Hàn Quốc hoặc bắt chước cách nói kiểu Hàn Quốc. Vào năm 2020, Bình Nhưỡng đã thắt chặt các biện pháp kiểm soát này, ban hành luật « chống lại các tư tưởng phản động », cấm tiêu thụ, truy cập các nội dung từ nước ngoài. Những ai vi phạm đều sẽ bị giam trong các trại lao động cải tạo.
Cuba: Thân nhân của những người biểu tình bị cầm tù kêu gọi Quốc Hội ân xá
Theo hãng tin AFP, hôm qua 19/1/2024, khoảng 30 người là thân nhân của những người biểu tình bị cầm tù kêu gọi Quốc Hội Cuba thông qua một luật ân xá để có thể trả tự do cho những người này.
Cảnh sát bắt giữ một người biểu tình phản đối tình trạng vật giá leo thang, khan hiếm lương thực, Havana, Cuba ngày 11/7/2021 AP - Ramon Espinosa
Thanh Phương
Theo các số liệu chính thức, khoảng 500 người tại Cuba đã bị kết án tù lên đến 25 năm vì đã tham gia vào các cuộc biểu tình chống chính quyền trong hai ngày 11 và 12/07/2021. Tuy nhiên, theo các tổ chức nhân quyền và đại sứ quán Mỹ ở La Habana, số người bị cầm tù vì tham gia biểu tình có thể lên đến một ngàn.
Thân nhân của các tù nhân này hôm qua đã trao cho Quốc Hội Cuba một bức thư yêu cầu cơ quan lập pháp tiến hành các thủ tục để thông qua một luật ân xá. Theo nội dung bức thư mà hãng tin AFP có được, Quốc Hội thông qua một luật ân xá có nghĩa là họ nhìn nhận việc công dân bày tỏ mong muốn thay đổi dân chủ không phải là một cái tội.
Những người ký tên vào bức thư nói trên cho biết cơ quan an ninh của nhà nước truy bức và sách nhiễu vì bảo vệ những người thân đang bị giam. Họ tố cáo « quyền tự do hội họp, tự do ngôn luận của chúng tôi thường xuyên bị xâm phạm bởi các vụ bắt giữ tùy tiện, tra hỏi, điều tra hình sự, các bức thư cảnh cáo, các phương pháp theo dõi liên tục, cản trở tự do đi lại ».
Ủy ban Nhân quyền liên Mỹ vào đầu tháng 1 đã gởi một bức thư đến ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez để nhắc nhở chính quyền La Habana rằng họ có nhiều phương cách về pháp lý để trả tự do cho các tù chính trị, chẳng hạn như ân xá, khoan hồng, trả tự do có điều kiện, chuyển án tù sang hình thức khác để thọ án,...
Hoa Kỳ, Giáo hội Công Giáo Cuba và Liên Hiệp Châu Âu cũng đã nhiều lần kêu gọi chính quyền La Habana phóng thích những người biểu tình bị cầm tù.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét