19 triệu cử tri Đài Loan, hôm nay 13/01/2024, được kêu gọi bầu lại tổng thống cho một nhiệm kỳ 4 năm và 113 đại biểu Quốc Hội trong bối cảnh Trung Quốc liên tục duy trì sức ép. Vào lúc cử tri xếp hàng trước các phòng phiếu, hãng tin Pháp AFP ghi nhận Trung Quốc điều chiến đấu cơ đến tận đảo Bình Đàm (Pingtan), hòn đảo gần sát nhất với Đài Loan.Áp phích tranh cử của ông Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) tại Đài Bắc, Đài Loan, ngày 12/01/2024. © Ann Wang / REUTERSThanh Hà
Suốt từ đầu tuần, Bắc Kinh liên tục gia tăng áp lực cả về mặt quân sự lẫn ngoại giao trước một cuộc bầu cử được cho là mang tính quyết định với tương lai của gần 24 triệu dân Đài Loan. Chính quyền Đài Bắc khẳng định, 5 khinh khí cầu do thám của Trung Quốc đã vượt qua đường trung tuyến, một chục chiến đấu cơ và 6 tàu chiến của Trung Quốc đã áp sát hòn đảo. Kèm theo đó là lời đe dọa quân đội nước này « nghiền nát » mọi ý đồ ly khai.
18.000 phòng phiếu trên toàn bộ hòn đảo đóng cửa từ 4 giờ chiều giờ địa phương và Đài Loan bắt đầu kiểm phiếu. Trong cuộc bầu cử lần trước hồi năm 2020, tỷ lệ cử tri tham gia đạt 75%. Giới quan sát dự đoán lần này, cử tri Đài Loan cũng sẽ tham gia đông đảo, vì « khác với ở Hoa Lục », Đài Loan là « một nền dân chủ thực thụ và người dân có quyền dùng lá phiếu để bày tỏ chính kiến », như một số cử tri đã cho biết.
Từ Đài Bắc, thông tín viên của RFI Adrien Simorre tường thuật :
« Các phòng phiếu vừa đóng cửa và chỉ trong chốc lát một số kết quả sẽ bắt đầu được thông báo, vì ở đây, cuộc kiểm phiếu được truyền hình trực tiếp. Cử tri Đài Loan từ 8 giờ sáng đã bắt đầu đi bầu và mỗi người phải đóng ba condấu trên thẻ cử tri : một để bầu lại tổng thống và hai con dấu khác để chọn đại biểu Quốc Hội.
Như đã biết, có ba đảng chính gồm Đảng Dân Tiến cầm quyền. Đảng này chủ trương cứng rắn với Trung Quốc. Quốc Dân Đảng là phe đối lập chính có lập trường hòa hoãn với Bắc Kinh và kêu gọi đàm phán với đảng Cộng Sản Trung Quốc. Bất ngờ là Đảng Nhân Dân Đài Loan của ông Kha Văn Triết (Ko Wen Je). Ông này tập trung vào những chủ đề mang tính nội bộ để huy động cử tri.
Các phương tiện truyền thông ghi nhận cử tri xếp hàng dài trước các phòng phiếu và tỷ lệ tham gia chắc sẽ cao nhờ trời hôm nay rất đẹp, nhưng có thể là tỷ lệ người đi bầu không được cao như so với 4 năm trước.
Tôi đang có mặt tại trụ sở của Đảng Dân Tiến. Mọi người bắt đầu chuẩn bị cho cuộc mít tinh tối nay, nhưng chưa thể nói là mọi người đang hồ hởi. Nhiều người tỏ ra lo lắng cho ứng cử viên của đảng này là phó tổng thống mãn nhiệm Lại Thanh Đức (Lai Ching Te), bởi một phần cử tri đang bị ứng viên họ Kha chiêu dụ. Ở đây, mọi người cũng đang lo lắng trước khả năng đảng cầm quyền mất đa số ở Quốc Hội ».
Trong Quốc Hội sắp mãn nhiệm, Đảng Dân Tiến của tổng thống Thái Anh Văn có 63 đại biểu trên tổng số 113 ; bên Quốc Dân Đảng chiếm được 38 ghế và đảng Nhân Dân Đài Loan hiện chỉ có 5 đại biểu trong cơ chế lập pháp này.
Theo kết quả giờ chót, ứng viên Lại Thanh Đức thuộc Đảng Dân Tiến đắc cử với hơn 40 % số phiếu. Tuy nhiên đảng này mất đa số tại Quốc Hội.
An ninh ở Hồng Hải : Mỹ tiếp tục tấn công « ít nhất một căn cứ quân sự » của Houthi ở Yemen
Thêm một cuộc tấn công nhắm vào cơ sở của lực lượng nổi dậy Houthi ở Yemen do quân đội Mỹ tiến hành. Đài truyền hình Al Mashirah trong tay phe Hồi Giáo theo hệ phái Shia ở Yemen, sáng 13/01/2024, cho biết « ít nhất một căn cứ » tại thủ đô Sanaa bị nhắm tới. Bộ Chỉ Huy Trung Ương Hoa Kỳ Centcom xác nhận chiến dịch nói trên đã diễn ra trước 4 giờ sáng ngày hôm nay giờ địa phương. Mục tiêu là « một căn cứ radar » của Yemen.
Biểu tình phản đối Mỹ và Anh Quốc thực hiện các cuộc oanh kích ở Yemen. Ảnh chụp ở Seattle, bang Washington, Hoa Kỳ, ngày 12/01/2024. REUTERS - DAVID RYDER
Thanh Hà
Trong chưa đầy 24 giờ, đây là đợt oanh kích thứ nhì do liên quân Anh – Mỹ tiến hành nhắm vào phiến quân Houthi ở Yemen được Iran yểm trợ. Để phản đối Israel tấn công dải Gaza và thể hiện liên đới với người Palestine, phe ly khai Houthi gia tăng các cuộc tấn công nhắm vào tàu chở hàng được cho là của Israel hay của các quốc gia ủng hộ Nhà nước Do Thái.
Tại Liên Hiệp Quốc, Nga lên án Anh – Mỹ vi phạm « trắng trợn » chủ quyền lãnh thổ của Yemen qua các đợt oanh kích nói trên. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kêu gọi các bên « tránh để căng thẳng leo thang ».
Thông tín viên Carrie Nooten từ New York tường trình :
« Ngay sau thông báo về những đợt oanh kích do Anh và Mỹ tiến hành, Nga đã lập tức triệu tập Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Matxcơva lên án Luân Đôn và Washington ‘gây hấn’ nhắm vào một quốc gia có chủ quyền là Yemen, đẩy xung đột ở Gaza lên một tầm mức mới.
Anh và Mỹ cùng bảo vệ tính chính đáng của hành động nói trên. Đôi bên cùng cho rằng từ tháng 11 đến nay đã nhiều lần cảnh cáo, nhưng phe nổi dậy Houthi thậm chí đã không dừng tay sau quyết định chính thức đã được Hội Đồng Bảo An đưa ra cách nay 3 ngày. Tương tự như đồng nhiệm Mỹ, đại sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc khẳng định liên quân hành xử trong khuôn khổ ‘tự vệ’ và trong ‘những giới hạn cần thiết và chừng mực’.
Tuy nhiên, Luân Đôn và Washington khó thuyết phục một số thành viên trong Hội Đồng Bảo An. Những quốc gia này lo ngại xung đột hủy hoại tiến trình vãn hồi hòa bình cho Yemen sau 9 năm chiến tranh.
Trung Quốc đánh giá hành động của Anh và Mỹ là ‘vô tránh nhiệm’. Thụy Sĩ kêu gọi các bên tôn trọng luật pháp quốc tế, và các đợt oanh kích chỉ nhằm bảo vệ các tàu hàng khi số này bị tấn công. Hoa Kỳ không mấy quan tâm về những chỉ trích nói trên và lại tiến hành một đợt tấn công mới trong đêm qua, rạng sáng nay ».
Thỏa thuận hỗ trợ an ninh ‘‘chưa từng có’’ giữa Anh và Ukraina
Thủ tướng Anh Rishi Sunak có chuyến công du bất ngờ đến Ukraina. Hôm qua, 12/01/2024, lãnh đạo hai bên đã ký kết một thỏa thuận hợp tác an ninh. Luân Đôn cam kết hỗ trợ an ninh Ukraina trong 10 năm, sẵn sàng ứng phó khẩn cấp giúp Kiev chống xâm lược, nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky (P) tiếp thủ tướng Anh Rishi Sunak tại Kiev, Ukraina, ngày 12/01/2024. © Reuters
Trọng Thành
Luân Đôn cam kết sẽ nâng viện trợ quân sự cho Kiev lên 2,5 tỉ bảng Anh trong 2 năm tới. Thủ tướng Anh kêu gọi phương Tây duy trì hỗ trợ Ukraina, đồng thời cảnh báo ‘‘nếu tổng thống Nga chiến thắng tại Ukraina, ông ta sẽ không dừng ở đó’’.
Thông tín viên Stéphane Siohan từ Kiev cho biết thêm :
‘‘Đây chưa phải là một cuộc chiến tranh Crimée, như chiến tranh Crimée thế kỷ 19, với việc Vương Quốc Anh đối đầu với đế quốc Nga, nhưng việc ký kết một thỏa thuận hợp tác an ninh song phương giữa Anh và Ukraina vào ngày thứ Sáu 12/01/2024 tại Kiev là ‘‘một sự kiện lịch sử, không hề cường điệu khi nói như vậy’’, như lời của Ihor Jovka, một cố vấn thân cận của tổng thống Volodymyr Zelensky.
‘‘Điều này trước hết có nghĩa tăng cường hỗ trợ an ninh, vũ khí chống tăng, tên lửa, hàng trăm ngàn đạn pháo mới và huấn luyện hàng nghìn binh sĩ Ukraina,’’ theo thủ tướng Anh Rishi Sunak, người đã được hoan nghênh nhiệt liệt tại Quốc Hội Ukraina, sau khi giương quốc kỳ Vương Quốc Liên Hiệp Anh và Bắc Ireland, với chữ ký của tất cả các thành viên nội các.
Đây là lần đầu tiên một quốc gia ký kết với Ukraina một thỏa thuận an ninh tương hỗ như vậy : văn bản này bảo đảm rằng trong trường hợp bị xâm lược hoặc tình hình hiện tại trở nên tồi tệ hơn, Vương Quốc Anh cam kết phối hợp ứng phó khẩn cấp trong vòng 24 giờ.
Ứng phó này, nếu cần, sẽ bao gồm việc chuyển giao ngay lập tức và một cách tự động, các thiết bị quân sự cả trên bộ, trên biển hoặc trên không mà không cần yêu cầu trước. Ngay lập tức, ông Dmitry Medvedev, phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, tuyên bố mọi hành động triển khai quân đội Anh ở Ukraina sẽ bị coi là lời tuyên chiến của Luân Đôn chống Matxcơva.’’
Tân ngoại trưởng Pháp Stéphane Séjourné hôm nay có cuộc họp báo với đồng nhiệm Ukraina, Dmytro Kuleba, tại Kiev. Lãnh đạo ngoại giao Pháp khẳng định ‘‘Ukraina tiếp tục là ưu tiên của nước Pháp’’, ‘‘bất chấp các khủng hoảng liên tiếp’’. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ngoại trưởng Séjourné.
Phần Lan tiếp tục đóng biên giới với Nga
Chính phủ Phần Lan, ngày 11/01/2024, tuyên bố sẽ tiếp tục đóng biên giới với Nga sau khi lượng di dân vượt biên từ nước này vào Phần Lan nói riêng và Liên Hiệp châu Âu (EU) nói chung tăng đột biến, điều mà Helsinki cáo buộc là một cuộc « tấn công hỗn hợp » (hoạt động xâm nhập nằm trong chiến lược chiến tranh hỗn hợp) từ phía Matxcơva.
Cửa khẩu Nuijamaa ở Lappeenranta giữa Phần Lan và Nga, ngày 16/11/2023. © via REUTERS - LEHTIKUVA
Phan Minh
AFP dẫn tuyên bố của chính phủ Phần Lan cho biết « các cửa khẩu biên giới trên bộ giữa Phần Lan và Nga sẽ tiếp tục đóng đến ngày 11/02/2024 ». Bộ trưởng Nội Vụ Phần Lan Mari Rantanen nói thêm : « Dựa vào thông tin do chính quyền thu thập, rất có khả năng Nga sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động gây nhiều ảnh hưởng như chúng ta từng thấy, và do đó, cần phải tiếp tục đóng biên giới phía đông. »
Quốc gia Bắc Âu này, ngày 16/11/2023, đã đóng 4/8 cửa khẩu với Nga trước khi đóng toàn bộ biên giới vào ngày 28/11. Ngày 14/12, Helsinki đã mở lại biên giới trong vài giờ trước khi lại phải đóng mọi cửa khẩu, khi đối mặt với dòng người tìm cách tràn vào lãnh thổ EU một cách ồ ạt.
Việc Phần Lan tiếp tục đóng biên giới là một tin rất xấu đối với hàng nghìn người Nga đang sống và làm việc tại Phần Lan, những người bị chia cắt với gia đình, chẳng hạn như Anna, một công dân Nga sống ở miền bắc Phần Lan, đã tâm sự với nhà báo Julien Chavanne của RFI Pháp ngữ :
Tôi phải thu xếp đồ đạc, máy tính xách tay, điện thoại, ôm hôn bố mẹ và lên đường sang Phần Lan. Thật khó để diễn tả tình hình vì mẹ tôi rất muốn được gần gũi với cháu của bà. Nếu chính phủ Phần Lan không mở lại biên giới, gia đình và cuộc sống của chúng tôi sẽ tan vỡ. Tại sao Estonia không đóng biên giới với Nga ? Tại sao Phần Lan không học được gì từ các nước láng giềng ? Tôi thực sự không hiểu.
Singapore và Malaysia đồng ý thành lập một đặc khu kinh tế
Hai nền kinh tế nặng ký của Đông Nam Á là Singapore và Malaysia, hôm 11/01/2024, đồng ý cùng phát triển đặc khu kinh tế tại bang Johor, miền nam Malaysia. Mục tiêu nhằm « thu hút đầu tư và tự do hóa các luồng trao đổi về hàng hóa và mở rộng tự do đi lại ». Thủ tướng Lý Hiển Long và đồng cấp Anwar Ibrahim đã có mặt tại một công trường xây dựng, chứng kiến lễ kết nối hệ thống đường sắt giữa thủ phủ Johor Bahru với Singapore.
Ảnh tư liệu : Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (P) tiếp đồng nhiệm Malaysia Anwar Ibrahim tại Singapore, ngày 30/10/2023. AP - Afiq Hambali
Thanh Hà
Theo thông tín viên của RFI trong khu vực, Juliette Pietraszewski, người dân Malaysia, đặc biệt ở thành phố Forest City bang Johor, sát cạnh lãnh thổ Singapore, đang rất phấn khởi :
« Đây là một tin vui đối với rất nhiều người ở Forest City, nơi được coi là một thành phố ma trong thời kỳ xảy ra đại dịch Covid. Đây là nơi chỉ có 9.000 dân trong khi các cơ sở hạ tầng đủ để đón nhận đến 700.000 người.
Với đặc khu kinh tế, dự án 100 tỷ đô la để phát triển Forest City đang gặp khó khăn sẽ được hưởng lợi, theo lời các giới chức chính trị.
Malaysia và Singapore trông đợi nhiều vào tuyến đường sắt mới đang được xây dựng, và trên nguyên tắc, sẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2026.
Một biện pháp khác liên quan đến việc đôi bên sẽ cùng kiểm soát giấy thông thành của các công dân qua cửa khẩu bằng mã QR Code.
Soubatira, một cư dân tại đây tỏ ra hài lòng với việc Malaysia và Singapore đạt được đồng thuận cùng phát triển đặc khu kinh tế. Chồng của bà hàng ngày vẫn sang Singapore làm việc. Bà nói ‘thông thường, nếu làm việc buổi sáng, chồng tôi phải ra khỏi nhà trước 2 hay 3 giờ đồng hồ. Còn nếu như làm ca tối tức là từ 7 giờ tối, thì anh ấy ra khỏi nhà trước 5 giờ chiều. Thành thử, nếu rút ngắn thời gian kiểm soát giấy tờ ở cửa khẩu, điều đó thật là hữu ích !’
Ở bên kia đường biên giới, bộ trưởng thương mại Singapore đánh giá thỏa thuận sẽ cho phép hai nước cùng phát triển các hoạt động trong khu vực. »
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét