Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 6 tháng 1, 2024

ĐIỂM BÁO PHÁP QUỐC NGÀY 06/01/2024 - Duke Nguyên

Khủng bố tại Iran : Hoa Kỳ « mừng thầm » ? Xung đột Israel-Hamas, tình trạng nhập cư trái phép ở Pháp, khủng bố tại Iran là những chủ đề được các tờ báo Pháp quan tâm nhất hôm nay 05/01/2024. Đám tang các nạn nhân trong hai vụ khủng bố ở Kerman, Iran, ngày 05/01/2024. AFP - - Minh Phương | Phan Minh Cuộc tấn công khủng bố tại Iran được nhiều báo Pháp số ra hôm nay tập trung khai thác. Trong bài viết mang tựa đề « Cuộc tấn công tàn khốc nhất tại Iran kể từ sau Cách Mạng », nhật báo Le Monde đã tóm tắt lại tình hình. Cụ thể, vụ khủng bố diễn ra ngày 03/01 tại thành phố Kerman, trong buổi lễ tưởng niệm ngày mất của tướng Ghassem Soleimani. 
<!>
Hai túi xách chứa bom đặt tại lối vào của nghĩa trang đã được kích nổ từ xa, cướp đi sinh mạng của 84 người và khiến 284 người khác bị thương.

Tờ báo cũng cho biết vụ khủng bố diễn ra trong bối cảnh xung đột leo thang tại khu vực. Ngay từ đầu cuộc chiến giữa Israel và Hamas, Teheran đã luôn bày tỏ lập trường ủng hộ Hamas, nhưng đồng thời, Iran cũng luôn « thận trọng » để tránh rơi vào cuộc chiến toàn diện với Israel và đồng minh của họ là Hoa Kỳ. Tuy vậy, thế cân bằng này khó có thể bảo toàn, khi hiện giờ tại Liban, các cuộc giao tranh giữa Hezbollah và Nhà nước Do Thái ngày một khốc liệt, nhất là sau cái chết của Saleh Al-Arouri, nhân vật số 2 của Hamas. Còn tại Syria và Irak, quân đội Mỹ đã trở thành mục tiêu tấn công của các lực lượng vũ trang thânIran không dưới 100 lần. Trên biển, phiến quân Houthi tại Yemen cũng không ngừng tấn công các tàu thương mại được cho là « liên quan đến Israel ».

Lý lịch của tướng Ghassem Soleimani


Cùng chủ đề, tờ La Croix chú ý đến khía cạnh khác : hồ sơ lý lịch của tướng Soleimani. Theo nhật báo Công Giáo, sinh thời, ông Ghassem Soleimani đã chỉ huy lực lượng Al-Qods trực thuộc Quân đoàn Vệ binh Cách mạng và giám sát các hoạt động trên khắp Trung Đông. Ông còn đóng vai trò quyết định trong việc đánh bại nhóm thánh chiến ở Syria và Irak. Nhưng Soleimani đã bị hạ sát trong một cuộc tấn công bằng drone của quân đội Hoa Kỳ vào ngày 03/01/2020.

La Croix đồng thời khẳng định, trong suốt cuộc đời mình, tướng Soleimani đã gây thù kết oán với rất nhiều người. Tờ báo dẫn lời bà Mahnaz Shirali, chuyên gia về xã hội và chính trị Iran, cho biết ông Soleimani từng bị coi là « nhà tôn giáo sát nhân » và bị ghét bỏ tại chính quê hương minh. « Tôi cho rằng phần lớn người dân Iran cũng không còn niềm tin vào thể chế chính trị của nước mình », bà Shirali nhận định.

Tờ báo cũng phân tích phản ứng của các bên liên quan. Mặc dù tổ chức Nhà nước Hồi Giáo IS, trong một thông báo trên mạng Telegram, đã đứng ra nhận trách nhiệm về vụ khủng bố này, nhưng Teheran vẫn cho rằng trách nhiệm thực sự thuộc về phía Israel và Hoa Kỳ, « còn khủng bố chỉ là một công cụ ». Ngay sau tuyên bố của Iran, Washington đã bác bỏ lập luận trên. La Croix đặt câu hỏi liệu Joe Biden có muốn « đổ thêm dầu vào lửa » khi mà trước đó, chính người tiền nhiệm, cựu tổng thống Trump đã ra lệnh thủ tiêu Soleimani ?

Xung đột ở Gaza : Cuộc chiến không hồi kết
Vẫn tại Trung Đông, nhật báo thiên tả Libération chạy tựa bài xã luận « Vừa mù vừa điếc ». Lời nhận xét này được tờ báo đặc biệt dành cho những nhà lãnh đạo Israel khi đã bỏ qua tất cả các lời cảnh báo từ chính những đồng minh của mình.

Bài xã luận phân tích các lý do khác khiến cuộc chiến tại Gaza không thể kết thúc. Không chỉ muốn tiêu diệt Hamas, các bộ trưởng cực hữu của Israel dường như còn muốn đuổi tất cả người Palestine khỏi lãnh thổ này để rồi biến họ thành một dân tộc thuộc địa. Còn với người dân Israel, những người vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ tấn công của Hamas hôm 07/10, thì vẫn « tiếp tục ủng hộ các cuộc oanh kích ở Gaza ».

Không chỉ vậy, phần xã luận của cả Le Monde lẫn Libération đều nói về một nhân tố khác khiến cuộc chiến không thể chấm dứt : thủ tướng Benyamin Netanyahou. Theo Le Monde, thủ tướng Israel vướng vào nhiều chỉ trích như « tầm thường hoá những lời nhận xét bài ngoại » trong các cuộc tranh luận hay liên minh với những người theo « chủ nghĩa Do Thái thượng đẳng ». Dù phải chịu phần trách nhiệm to lớn trong sự kiện ngày 07/10, vốn được coi là một « thất bại về mặt an ninh » của chính quyền Netanyahou, cùng những cáo buộc tham nhũng, nhưng « sẽ chẳng ai loại bỏ nhà lãnh đạo trong khi đại bác vẫn đang bắn ầm ầm, dù ông ta có mất uy tín đi chăng nữa », theo nhận định của Libération. Và rồi « chiến tranh sẽ là đồng minh tuyệt vời nhất » của vị thủ tướng Israel.

Hoa Kỳ : « Nhà hòa giải » giữa Israel và Hamas
Về vế ngoại giao, nhật báo kinh tế Les Echos có bài viết về việc Hoa Kỳ đang tìm cách ngăn chặn xung đột Israel và tổ chức Palestine Hamas bằng mọi giá. Ngoại trưởng Antony Blinken hôm qua sang Trung Đông đang trong tình trạng « nước sôi lửa bỏng » để tìm kiếm các biện pháp làm xuống thang căng thẳng.

Trong bối cảnh chiến sự giữa Israel và Hamas diễn ra hết sức khốc liệt, Nhà Trắng một lần nữa đang tìm cách vào vai « nhà hòa giải ». Nhà khoa học địa chính trị Frédéric Encel nhấn mạnh : « Ngoại trưởng Blinken đến Trung Đông để tái khẳng định tình đoàn kết của Hoa Kỳ với Israel, cam kết tiếp tục chuyển đạn dược cho Nhà nước Do Thái. Mỹ cũng sẽ phải gây áp lực với Israel, nhưng chỉ ở khía cạnh nhân đạo, để đạt được một thỏa thuận hưu chiến ngắn hạn và yêu cầu Israel giảm cường độ các cuộc oanh kích. Tuy nhiên, Washington sẽ không yêu cầu Israel phải chấm dứt xung đột ở dải Gaza - đồng nghĩa với một thảm họa đối với Nhà nước Do Thái. »

Vấn đề nan giải này của Mỹ sẽ là trọng tâm chuyến đi của ông Blinken, theo nhà khoa học chính trị Dominique Moïsi : « Làm thế nào có thể hỗ trợ Israel trong khi đồng thời vẫn muốn tìm cách thay đổi chính sách của họ ? Israel đã làm theo lời khuyên của Mỹ với việc thực hiện một cuộc oanh kích có mục tiêu, rất hiệu quả và mang tính biểu tượng nhắm vào nhân vật số 2 của Hamas mà không gây thương vong cho dân thường. Nhưng đấy chẳng phải là ‘giọt nước tràn ly’, điều có thể khiến tổ chức Hezbollah ở Liban hay chính Palestine quyết định tham chiến chống lại Israel ? »

Về phần mình, Israel đã huy động lực lượng dự bị với số lượng lớn và chính phủ Netanyahou rất có thể sẽ bị cám dỗ khiến ông quyết định tấn công luôn cả Hezbollah để « diệt trừ hậu họa ».

Hoa Kỳ không muốn Israel sa lầy ở Gaza
La Croix thì nhận định rằng Hoa Kỳ và Israel có cùng chung một mục tiêu là đánh bại Hamas, nhưng bất đồng về chiến lược cần phải áp dụng để « giải quyết » xung đột này. Tuy vậy, Hoa Kỳ biết rõ rằng họ không thể bỏ rơi Israel, quốc gia mà Washington hết sức cần vì lợi ích chiến lược lâu dài ở Trung Đông, còn Israel thì biết rõ rằng họ không thể tham gia cuộc chiến này nếu không có sự hậu thuẫn trực tiếp của Hoa Kỳ. Chính bởi hai nước phụ thuộc lẫn nhau mà Washington đang tìm cách định hướng lại chiến lược của Israel, còn Israel thì cố gắng lôi kéo Mỹ vào cuộc, khi đặt Washington trước chuyện đã rồi.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có nhiều kinh nghiệm trong cuộc chiến ở Irak và không muốn chứng kiến Israel mắc phải sai lầm tương tự khi tìm cách chiếm đóng toàn bộ dải Gaza. Tuy nhiên, La Croix nhận định rằng tiếng nói của Hoa Kỳ sẽ không có nhiều trọng lượng trong việc tìm những biện pháp tiết chế các hành động của Israel ở Gaza, bởi mặc dù Israel coi Mỹ là đồng minh chiến lược quan trọng hàng đầu, song khi phải đối mặt với các mối đe dọa về an ninh, Nhà nước Do Thái sẽ không tin tưởng bất kỳ một ai.

Làm thế nào để kiểm soát tình trạng nhập cư trái phép ở Pháp ?


Trang nhất và bài xã luận của tờ Le Figaro cảm thấy ngao ngán về tình trạng nhập cư trái phép ở Pháp. Các báo cáo của Thẩm Kế Viện thường đi vào quên lãng và đó là điều hết sức đáng buồn. Nhật báo thiên hữu nhận định rằng những số liệu do cơ quan này đưa ra trong cuộc chiến chống nhập cư trái phép cũng sẽ đi vào dĩ vãng.

Dựa theo báo cáo của Thẩm Kế Viện, Le Figaro đánh giá luật nhập cư được Quốc Hội Pháp thông qua cách đây hơn 2 tuần sẽ không khiến tình hình thay đổi nhiều. Điều kỳ lạ là báo cáo này được công bố sau khi luật đã được Nhà nước thông qua, bởi các chuyên gia của Thẩm Kế Viện không muốn làm « đảo lộn » các cuộc tranh luận tại Hạ Viện. Tờ báo thiên hữu đặt câu hỏi về tính chính đáng của định chế này và mỉa mai rằng dường như không có sự ngẫu nhiên trong chính trị - bộ trưởng Nội Vụ Gérald Darmanin hôm qua đã tự hào tuyên bố rằng số người nhập cư bị trục xuất vào năm 2023 đã tăng 30%, và trong cùng ngày, Thẩm Kế Viện công bố con số 4.686 người bị trục xuất, tức nhiều hơn 1.000 trường hợp bị trục xuất so với năm 2022 : một con số quá ít ỏi so với khoảng 500.000 trường hợp được cấp giấy phép cư trú và nộp đơn xin tị nạn vào năm đó.

Le Figaro cho rằng chính phủ không có gì đáng để tự hào, bởi khi nói về tình trạng nhập cư trái phép, Pháp là một điểm đến lý tưởng. Các biện pháp kiểm soát biên giới rất hạn chế, các cửa khẩu không lấy dấu vân tay hay lưu lại danh tính của những người nhập cảnh. Có một sự phối hợp rất lỏng lẻo giữa công an biên phòng và lực lượng hải quan, giống như giữa các cơ quan hành chính. Với một bộ máy hành chính hết sức quan liêu và cồng kềnh, cơ quan chức năng chỉ trục xuất được vỏn vẹn 10% những trường hợp bị buộc rời khỏi lãnh thổ Pháp, trong khi mức trung bình của Liên Âu là 40% !

Đối mặt với tình trạng hỗn loạn này, Thẩm Kế Viện đề xuất xây dựng một « chiến lược tổng thể », và đó sẽ chỉ là bước đầu. Nhật báo thiên hữu cho rằng chính phủ cũng phải xem xét lại cả chính sách nhập cư hợp pháp, thường xuyên bị di dân lợi dụng những kẽ hở và « đục nước béo cò ». Le Figaro cho rằng nếu so sánh với những nước láng giềng, xứ lục lăng tỏ ra quá « hào phóng » với dân nhập cư, và chính sách thị thực dành cho công dân của các nước thuộc địa cũ quá mềm dẻo.

Pháp : Lũ lụt kinh hoàng ở Pas-de-Calais


Vẫn tại Pháp, tờ La Croix dành trang nhất nói về lũ lụt hoành hành ở tỉnh Pas-de-Calais, miền bắc đất nước. Quảng trường Roger-Salengro ở thành phố Arques giờ đây chẳng khác gì một cái ao lớn. Thông thường là nơi nhộn nhịp nhất thành phố với các quán cà phê và nhà hàng tọa lạc, quảng trường này đã biến thành nơi tụ điểm của những người dân bất lực có mặt để đánh giá mức độ thiệt hại. Tất cả mọi người đều tỏ ra buồn thảm, không khí hết sức nặng nề.

Trong số những người này có Charles-André và Anne-Sophie, cặp vợ chồng đến từ Lille, lần lượt là luật sư và công chứng viên, và cả hai đều có văn phòng tại Arques. Anne-Sophie than thở : « Chúng tôi luôn quen sống với nước, nhưng trận lũ lụt này đã vượt xa sức tưởng tượng của mọi người. » Chỉ hai tháng sau trận lũ lụt kinh hoàng hồi tháng 11, lũ lụt lần này đã khiến nước sông Aa, chảy qua Arques và nhiều nơi khác, tràn bờ và làm ngập đường phố, nhà cửa và nhiều cơ sở kinh doanh khác nhau.

Kể từ ngày 21/11, một ban tiếp nhận thông tin liên quan đến thiên tai đã được thành lập trong vùng. Tính đến ngày 01/01, đã có 97 người được cơ quan này tiếp nhận và hỗ trợ. Élise Bouncer, nhà tâm lý học của tổ chức France Victimes, thuật lại : « Con số này tương đối nhỏ so với tổng số nạn nhân được ghi nhận, bởi hiện nay, những thiệt hại về vật chất vẫn đang được ưu tiên giải quyết so với trường hợp của những người gặp nạn bị sang chấn tâm lý. » Theo bà Bouncer, không kể những thiệt hại về về vật chất và tài chính, tâm lý bị tổn thương - gây ra chứng lo âu hoặc rối loạn trầm cảm là điều những người bị nạn hoàn toàn có thể gặp phải sau những biến cố như vậy.

Tuy nhiên, nhà tâm lý học cũng trấn an rằng mọi thứ còn phụ thuộc vào khả năng thích ứng của mỗi người, từ tình trạng thể chất và tinh thần của họ, cùng với tập thể xung quanh, đi kèm với sự tương hỗ lẫn nhau giữa những người hàng xóm, có thể giúp cho những người gặp nạn không bị ảnh hưởng tâm lý.

Không có nhận xét nào: