Văn Thơ Lạc Việt Giới Thiệu Chương Trình Văn Nghệ Mừng Tết Giáp Thìn 2024, Dành Riêng Cho Tuổi Trẻ Hải Ngoại! Lúc 3 giờ chiều Thứ Bảy, ngày 27 tháng 1 năm 2024 Tại 70 W. Hedding St. Hall #114, San Jose, Ca 95110 Trong mục đích “Tiếng Việt Còn, Nước Việt Còn!” Độc đáo, hay lạ, tươi vui nhất, của Mùa Xuân năm nay! Vào cửa tự do!
<!>
Văn Thơ Lạc Việt Giới Thiệu Chương Trình Văn Nghệ Mừng Tết Giáp Thìn 2024, Dành Riêng Cho Tuổi Trẻ Hải Ngoại!
Lúc 3 giờ chiều Thứ Bảy, ngày 27 tháng 1 năm 2024
Tại 70 W. Hedding St. Hall #114, San Jose, Ca 95110
Trong mục đích “Tiếng Việt Còn, Nước Việt Còn!”
Độc đáo, hay lạ, tươi vui nhất, của Mùa Xuân năm nay!
Vào cửa tự do!
Tin Quốc Tế Đó Đây
Hội Đồng Bảo An Yêu Cầu Houthi Ngừng Tấn Công “Ngay Lập Tức” Tàu Hàng ở Hồng Hải
(Hình: Để tránh Hồng Hải vì các cuộc tấn công của Houthi, các tàu thương mại phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng, Nam Phi, để đến Âu Châu.)
-Lực lượng Houthi của Yemen phải “ngừng ngay lập tức” các vụ tấn công nhắm vào tàu chở hàng ở Hồng Hải. Đó là nội dung Nghị quyết do Mỹ và Nhật Bản đề xuất được thông qua hôm 10/1/2024, với 11 phiếu thuận trong số 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Nga, Trung Quốc, Algeria và Mozambique không tham gia bỏ phiếu.
Lực lượng Hồi giáo Houthi theo hệ phái Shiite, được Iran yểm trợ và hiện đang kiểm soát một phần lớn Yemen, đã liên tục tấn công vào các tàu chở dầu và chở hàng trong khu vực Hồng Hải kể từ khi Do Thái mở chiến dịch oanh kích dải Gaza.
Trước các cuộc tấn công này, Mỹ dẫn đầu một liên minh quốc tế tăng cường an ninh hàng hải trong khu vực, nơi trung chuyển 12% giao thương quốc tế. Thông tín viên Carrie Nooten của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) từ trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York (Hoa Kỳ) giải thích:
“Không có gì đáng ngạc nhiên khi Hội đồng Bảo an tìm được đồng thuận để lên án các vụ tấn công của phe Houthi, “tối thiểu hơn 20 vụ”, nhắm vào các tàu chở hàng từ hôm 19/11 vừa qua. Văn bản yêu cầu lực lượng Houthi “ngừng ngay lập tức các vụ tấn công gây cản trở giao thương quốc tế và tự do hàng hải ở Hồng Hải, phá hoại hòa bình và ổn định khu vực”.
Nghị quyết của Hội đồng Bảo an kêu gọi tất cả các quốc gia tôn trọng lệnh cấm vận vũ khí nhắm vào phe nổi dậy của Yemen. Kể từ khi tàu chở hàng Galaxy Leader và 25 thuyền viên bị bắt làm con tin, 15 thành viên trong Hội đồng Bảo an dễ dàng lên án các hành vi nói trên.
Trái với lập trường của Mỹ đã nhiều lần quy trách nhiệm cho Iran, Nga giải thích là các vụ tấn công nói trên chỉ nhằm phản đối trực tiếp các đợt oanh kích vào Gaza. Mạc Tư Khoa đã đề nghị một sửa đổi theo chiều hướng này trong bản Nghị quyết, nhưng đề xuất của Nga đã bị bác.
Ngoài ra, Mạc Tư Khoa còn tỏ ra lo ngại trước “giải pháp bằng vũ lực” mà Hoa Thịnh Ðốn đã chọn. Tháng trước, Hoa Kỳ thành lập một liên minh quốc tế để bảo vệ giao thông hàng hải quốc tế (trong khu vực Hồng Hải)”.
Liên Quân Mỹ-Anh Tấn Công Đáp Trả Phiến Quân Houthi Tại Yemen
(Hình: Tàu chiến Anh HMS Diamond hoạt động tại Hồng Hải, ngày 10/1/2024.)
-Đêm 11/1/2024, liên quân Mỹ-Anh đã tấn công phiến quân Houthi ở Yemen, sau khi phe này gia tăng bắn phá vào các tàu hàng bị cho là liên quan đến Do Thái hoặc đồng minh của Do Thái ở Hồng Hải, nhằm thể hiện tinh thần "đoàn kết" với người dân Palestine ở Gaza. Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định hoạt động quân sự lần này của hai nước đã “thành công” và sẵn sàng thực hiện các biện pháp khác để “bảo vệ tự do lưu thông thương mại toàn cầu”.
Từ thủ đô Hoa Thịnh Ðốn của Hoa Kỳ, thông tín viên Guillaume Naudin của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:
Từ nhiều tuần nay, Hoa Kỳ và các cường quốc phương Tây đã luôn kêu gọi Houthi ngừng bắn vào các tàu hàng ở Hồng Hải. Hai ngày sau khi Houthi tiến hành cuộc tấn công lớn nhất trong vòng ba tháng kể từ đầu cuộc chiến giữa Do Thái và Hamas, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, với sự hỗ trợ của Canada, Hà Lan, Úc và quốc gia Ả Rập Bahrain, đã quyết định can thiệp quân sự.
Báo chí dẫn lời các quan chức cấp cao của Mỹ, cho biết các cuộc tấn công được thực hiện bằng các phương tiện tác chiến trên không và trên biển, kể cả từ tàu ngầm. Mục tiêu là để phá hủy các bệ phóng và kho chứa vũ khí của Houthi. Trong một thông cáo, ông Joe Biden cũng cẩn thận nêu rõ rằng những cuộc tấn công này là hành động tự vệ sau những lần phe Houthi bắn tên lửa chống hạm và drones vào quân đội Mỹ cũng như vào các tàu thuyền vận tải thương mại. Số các mục tiêu tấn công chưa được xác định và vì vậy ông sẽ không đưa ra bản tổng kết cuộc tấn công.
Nhiều công ty vận tải đường biển đã quyết định tránh Hồng Hải, vốn là tuyến trung chuyển thương mại quan trọng của thế giới. Điều này đã làm gia tăng đáng kể khoảng cách, thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa. Tổng thống Mỹ cũng cảnh báo rằng trong trường hợp cần thiết, ông sẽ không ngần ngại thực hiện các biện pháp khác để bảo vệ người Mỹ cũng như việc tự do lưu thông thương mại toàn cầu.
Nhiều nước đã có phản ứng về cuộc tấn công này. Nga lên án Anh và Mỹ “vi phạm hoàn toàn luật pháp quốc tế khiến căng thẳng leo thang trong khu vực nhằm đạt được mục tiêu hủy diệt", còn Trung Quốc bày tỏ "quan ngại" trước tình hình căng thẳng tại vùng biển này.
Về phần mình, phát ngôn viên của Houthi cho biết sẽ tiếp tục tấn công các tàu có liên quan tới Do Thái ở Hồng Hải, đồng thời tố cáo các cuộc tấn công "phi lý" của Mỹ-Anh. Chính quyền Iran cũng lên án cuộc tấn công, cho đây là “hành động tùy tiện” và “vi phạm trắng trợn chủ quyền” của Yemen.
Đức Cho Xuất cảng 150 Phi Đạn Tầm Xa Sang Ả Rập Saudi
(Ảnh: Phi đạn IRIS-T được gắn dưới cánh của chiến đấu cơ Eurofighter tại căn cứ Không quân Rostock-Laage, miền Bắc nước Đức, ngày 5/12/2005.)
-Hôm 10/1/2024, Đức đã chấp thuận bán phi đạn cho Ả Rập Saudi. Đây là một thay đổi quan trọng trong chính sách của nước này trong khi vào năm 2018, Bá Linh đã chặn việc xuất cảng vũ khí cho chính quyền Riyadh.
Từ thủ đô Bá Linh của Đức, thông tín viên Nathalie Versieux của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:
“Quyết định cung cấp 150 phi đạn tầm xa loại Iris cho Riyadh đã được chính thức thông qua. Ngoài ra, Đức sẽ không phản đối Anh cung cấp 48 chiến đấu cơ Eurofighters cho Ả Rập Saudi. Đây là một sự thay đổi đáng kể đối với Đức, quốc gia có truyền thống không cung cấp vũ khí cho các nước đang có chiến tranh, ngoại trừ những trường hợp ngoại lệ hiếm hoi như Ukraine và Do Thái.
Những người thân cận với Ngoại trưởng Đức, bà Annalena Baerbock, thuộc đảng Xanh, giải thích: “Ả Rập Saudi đã thay đối và đang đóng một vai trò quan trọng giúp ổn định đối với Do Thái sau cuộc tấn công của Hamas”.
Nhưng quan điểm này của các Bộ trưởng thuộc đảng Xanh lại hoàn toàn trái ngược với thỏa thuận của liên minh cầm quyền. Thậm chí, lập trường này cũng bị phản đối ngay trong nội bộ đảng Xanh, vốn vẫn ôn hòa”.
Trước đó, vào năm 2018, Đức đã tuyên bố ngừng xuất cảng trực tiếp vũ khí sang Ả Rập Saudi, đồng thời ngăn các nước đồng minh tham gia chương trình vũ khí chung gồm Pháp, Anh, Ý Ðại Lợi và Tây Ban Nha bán vũ khí cho Riyadh, do Ả Rập Saudi can thiệp quân sự tại Yemen và đặc biệt sau vụ ám sát nhà báo đối lập Khashoggi trong Tòa Lãnh sự Ả Rập Saudi ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, năm 2018.
Một số thành viên đảng Dân chủ-Xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz cũng phản đối sự thay đổi này. Dân biểu Ralf Stegner của đảng SPD giải thích Ả Rập Saudi “tham gia vào cuộc chiến ở Yemen, đàn áp người dân trong nước và sát hại các nhà báo, đó là tất cả những lý do để phản đối cuộc chuyển giao vũ khí này”.
Pháp Công Bố Thành Phần Tân Chính Phủ
(Hình: Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne (trái) và Bộ trưởng Văn hóa Rachida Dati tại điện Elysée, Paris, Pháp, ngày 12/1/2024.)
-Hai ngày sau quyết định từ nhiệm của bà Elisabeth Borne, tân Thủ tướng Pháp Gabriel Attal, hôm 11/1/2024, đã lập xong chính phủ.
Chiều tối 10/1/2024, Tổng Thư ký Phủ Tổng thống Pháp đã thông báo thành phần tân chính phủ. Nhiều nhân vật quan trọng chủ chốt vẫn giữ nguyên vị trí như Bruno Le Maire tiếp tục điều hành bộ Kinh tế, Gerald Darmanin phụ trách Bộ Nội vụ, Sébastien Lecornu lãnh đạo bộ Quân Lực và Eric Dupond-Moretti nắm giữ bộ Tư Pháp.
Theo thông tấn xã AFP, nếu như nhiều gương mặt cánh tả đã bị gạt ra khỏi tân chính phủ lần này, thì tân Thủ tướng Pháp đã gây bất ngờ khi bổ nhiệm nhân vật cánh hữu là bà Catherine Vautrin, người từng nắm giữ nhiều chức vụ dưới thời Tổng thống Jacques Chirac, làm Bộ trưởng Lao động, Y tế và Đoàn kết và cựu Bộ trưởng Tư pháp thời Tổng thống Sarkozy là bà Rachida Dati làm Bộ trưởng Văn hóa.
Đặc biệt, việc bà Rachida Dati quyết định tham gia chính phủ Macron đã dẫn đến một phản ứng mạnh mẽ từ chính đảng của bà là đảng Những Người Cộng Hòa (LR). Ngay khi có thông báo bổ nhiệm, Chủ tịch đảng LR Eric Ciotti tuyên bố khai trừ bà Dati khỏi đảng.
Một bất ngờ khác là quyết định bổ nhiệm Stéphane Séjourné, Chủ tịch đảng Những Người Cộng Hòa Tiến Bước, đảng của Tổng thống Macron thay bà Catherine Colonna lãnh đạo Bộ Ngoại giao. Ông từng là bạn đời của tân Thủ tướng Gabriel Attal,
Ông Séjourné là người ủng hộ Emmanuel Macron ngay từ những ngày đầu tiên, từ năm 2014, khi ông Macron còn là Bộ trưởng Kinh tế dưới thời Tổng thống cánh tả François Hollande.
Là một người kín đáo, ông là một trong số những Cố vấn thân cận nhất của chủ nhân điện Elysée. Ông tham gia vận động bầu cử Liên Hiệp Châu Âu (EU) năm 2019 và hiện là Chủ tịch nhóm Renew Europe ở Nghị Viện Châu Âu (EP).
Năm nay 38 tuổi, Stéphane Séjourné trở thành vị Ngoại trưởng trẻ nhất trong lịch sử ngành ngoại giao Pháp. Theo giới quan sát, việc bổ nhiệm nhân vật thân tín ở Nghị Viện Châu Âu làm chủ nhân Quai D’Orsay cho thấy Tổng thống Macron đang có trong tay một lá chủ bài cho cuộc bầu cử Liên Hiệp Châu Âu.
Tuy nhiên, hãng tin Pháp cũng dự báo, tân Ngoại trưởng Pháp sẽ đối mặt với nhiều thách thức lớn vào lúc các căng thẳng ở Trung Đông cũng như ở châu Á cho đến cuộc xung đột ở Ukraine đang diễn gay gắt.
Kim Jong Un Gọi Nam Hàn Là “Kẻ Thù Chính”, Tuyên Bố Sẽ “Không Né Tránh Chiến Tranh”
(Hình: Lãnh đạo Cộng sản Bắc Hàn Kim Jong Un thị sát một nhà máy quốc phòng ngày 8 và 9/1/2024.)
-Theo hãng thông tấn Bắc Hàn KCNA, trong chuyến đi thị sát một nhà máy sản xuất vũ khí hôm 10/1/2024, lãnh đạo Kim Jong Un xác định Nam Hàn là “kẻ thù chính”, đồng thời tuyên bố sẵn sàng sử dụng mọi thứ có trong tay để “huỷ diệt hoàn toàn Nam Hàn”. Ông cũng khẳng định ưu tiên hiện nay là “tăng cường khả năng quân sự để tự vệ và răn đe nguyên tử”.
Từ thủ đô Hán Thành của Nam Hàn, thông tín viên Nicolas Rocca của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết cụ thể:
“Khắc phục những “yếu kém” trong sản xuất phi đạn để đối đầu với kẻ thù thực sự: Nam Hàn. Đây là những điểm chính mà ông Kim Jong Un nêu lên trong chuyến đi thị sát một nhà máy quốc phòng, theo tin từ truyền thông nhà nước Bắc Hàn hôm qua. Lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng tiếp tục tỏ thái độ cứng rắn với Hán Thành và tuyên bố không có ý định né tránh chiến tranh, nhưng cũng nêu rõ là ông sẽ không đơn phương sử dụng vũ lực.
Chuyến đi thị sát này càng cho thấy là Bình Nhưỡng, với sự hỗ trợ của Nga và Trung Quốc, giờ không còn trông đợi nhiều vào các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ. Trong chiếc áo khoác bằng da màu đen quen thuộc, Kim Jong Un kêu gọi tăng cường sản xuất vũ khí khi ông đứng trước các bệ phóng và các phi đạn-đạn đạo tầm ngắn, trong đó có phi đạn Hwasong 11A và 11B.
Đây là những loại vũ khí đã được Nga sử dụng tấn công Ukraine và đã bị phát giác vào tuần trước. Đây rất có thể là lần đầu tiên phi đạn-đạn đạo của Bình Nhưỡng được đưa vào thực chiến. Và dường như lần đầu tiên này sẽ còn lặp lại”.
Đáp trả tuyên bố nói trên của ông Kim Jong Un, hôm nay, tân Ngoại trưởng Nam Hàn Cho Tae Yul cho biết ưu tiên hiện tại trong chính sách của nước này đối với Bắc Hàn là tăng cường khả năng răn đe. Ông cũng khẳng định sẽ không tìm kiếm đối thoại trong khi Bình Nhưỡng liên tục có hành động khiêu khích trong những tuần gần đây.
Ngoại Trưởng Đức Chỉ Trích Các Động Thái Nguy Hiểm của Tàu Trung Quốc Tại Biển Đông
(Hình: Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock phát biểu tại họp báo chung với Ngoại trưởng Phi Luật Tân Enrique Manalo tại Manila ngày 11/1/2024.)
-Vào ngày 11/1/2024, khi đang có mặt tại Phi Luật Tân, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock lên tiếng chỉ trích các động thái nguy hiểm của Trung Quốc tại Biển Đông, gồm các việc sử dụng tia laser và vòi rồng đối với tàu nước khác tại vùng biển tranh chấp này. Các động thái nguy hiểm như thế gây quan ngại không chỉ đối với Đức mà đối với Âu Châu.
Thông tấn xã Reuters loan tin dẫn chỉ trích vừa nêu của Ngoại trưởng Đức đưa ra tại cuộc họp báo chung với người tương nhiệm Phi Luật Tân Enrique Manalo tại Manila.
Theo Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock, những động thái nguy hiểm của phía Trung Quốc vi phạm quyền và cơ hội phát triển kinh tế của chính Hoa Lục và các quốc gia láng giềng. Các quốc gia trên thế giới đặt vấn đề về quyền tự do vận chuyển được bảo đảm theo luật pháp quốc tế qua tuyến hàng hải Biển Đông.
Chuyến thăm Phi Luật Tân hai ngày của Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock là chuyến thăm đầu tiên của một viên chức ngoại giao hàng đầu nước Đức đến Phi Luật Tân trong hơn một thập niên qua.
Năm nay Bá Linh và Manila kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Bầu Cử Sơ Bộ Đảng Cộng hòa Mỹ: Chris Christie, Ứng Cử Viên Chống Trump, Rút Lui
(Hình: Ông Ron DeSantis và bà Nikki Haley, hai ứng cử viên tranh với ông Donald Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa, trong buổi tranh luận tại Des Moines, ngày 10/1/2024.)
-Năm ngày trước cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa tại tiểu bang Iowa để chọn người đại diện cho đảng ra tranh cử Tổng thống Mỹ 2024, hôm 10/1/2024, ông Chris Christie, ứng viên duy nhất trong đảng dám mạnh mẽ chỉ trích đối thủ nặng ký Donald Trump, tuyên bố rút lui.
Theo kết quả một khảo sát được Reuters/Ipsos công bố hôm 9/1, ông Chris Christie (61 tuổi), cựu Thống đốc tiểu bang New Jersey, chỉ được 2% ý định bỏ phiếu so với tỉ lệ 12% và 11% của hai ứng cử viên Nikki Haley và Ron DeSantis, thua xa tỉ lệ 49% của cựu Tổng thống Donald Trump.
Hôm qua cũng là ngày diễn ra cuộc tranh luận cuối cùng trên truyền hình giữa các ứng viên đảng Cộng hòa. Từ Miami (tiểu bang Florida), thông tín viên David Thomson của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:
“Trong cuộc tranh luận đầu tiên trên truyền hình trong kỳ bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa cách nay 6 tháng có 8 ứng viên, nhưng đến tối qua chỉ còn lại hai người trong cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng trên kênh CNN trước cuộc bỏ phiếu hôm thứ Hai (15/01) ở tiểu bang Iowa.
Cuộc tranh luận này giống như một trận chung kết nhỏ để giành vị trí thứ hai trên bục vinh quang. Ron DeSantis đấu với Nikki Halley. Nhưng người nhận được nhiều ý kiến ủng hộ nhất trong các cuộc thăm dò ý kiến lại một lần nữa vắng mặt. Ông Donald Trump không tham gia bất cứ cuộc tranh luận nào trên truyền hình trong chiến dịch tranh cử lần này. Trái lại, lần nào tên ông cũng xuất hiện khắp nơi.
Các đối thủ của Donald Trump chỉ dám miễn cưỡng chỉ trích ông ấy. Chẳng hạn Ron DeSantis khi nói về nhập cư: “Tôi đánh giá cao những gì Tổng thống Trump làm, nhưng thành thật mà nói, ông đã không giữ lời hứa, bởi vì ông từng nói sẽ xây bức tường biên giới và Mễ Tây Cơ sẽ phải chi tiền cho việc xây dựng bức tường đó”.
Đối mặt với Thống đốc tiểu bang Florida, bà Nikki Haley, cựu Ðại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc, có thái độ ôn hòa hơn. Đang vươn lên trong các cuộc thăm dò, bà Nikki Haley cũng chỉ dám đi xa hơn một chút trong việc chỉ trích Donald Trump và lên án những lời nói dối của ông trong bầu cử. Bà Haley nói: “Trump đã thua trong kỳ bầu cử lần vừa rồi. Biden đã thắng. Điều xảy ra hôm 6/1 thật là kinh khủng và tôi tin rằng Tổng thống Trump sẽ phải trả lời về vụ này”.
Trong lúc đó, Donald Trump lại trở thành ngôi sao khách mời trong một chương trình truyền hình trực tiếp trên kênh Fox News. Năm ngày trước cuộc bỏ phiếu, theo các cuộc thăm dò, cựu Tổng thống Trump vẫn áp đảo các đối thủ, dẫn trước họ khoảng 40 điểm”.
Ủy Ban Giao Dịch và Chứng Khoán Mỹ Cho Phép Hình Thức Đầu Tư Mới Vào Bitcoin
(Ảnh: Logo của Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) và tiền ảo Bitcoin.)
-Hôm 10/1/2024, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) đã cho phép các công ty tài chánh lớn đề xuất các sản phẩm dựa trên đồng tiền ảo Bitcoin. Đây được xem là một bước ngoặt quan trọng đối với việc sử dụng tiền ảo, thậm chí được xem là có thể làm thay đổi sâu rộng lĩnh vực này.
Theo thông tấn xã AFP, sản phẩm tài chánh mà Ủy Ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) bật đèn xanh là ETF, một chứng chỉ quỹ, cho phép các nhà đầu tư hưởng lợi từ sự tăng giảm của Bitcoin mà không cần trực tiếp đặt tiền của họ vào loại tiền ảo này.
Ra đời vào đầu những năm 1990, ETF chỉ thật sự phát triển kể từ đầu thập niên 2000. Theo báo cáo từ công ty Oliver Wyman, đến cuối năm 2022, khoảng 6.700 tỉ Mỹ kim đã được đầu tư vào chứng chỉ quỹ ETF. Từ Hoa Thịnh Ðốn, thông tín viên Guillaume Naudin của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm:
“ETF là tên viết tắt của Exchange Traded Fund, tức là chứng chỉ quỹ. Đây là những sản phẩm tài chánh bám sát theo sự tăng giảm một chỉ số chứng khoán hay giá trị của một chứng khoán. Ngay từ hôm nay, 11 công ty tài chánh có thể đề xuất cho mọi người đầu tư gián tiếp vào Bitcoin.
Các chuyên gia về tiền điện tử hy vọng việc cấp phép sẽ giúp mở rộng lĩnh vực này. Đối với họ, có một lợi thế là, thông qua các công ty nổi tiếng, như BlackRock hay Fidelity, các nhà đầu tư cảm thấy yên tâm hơn, bớt cảm thấy mơ hồ hơn nhiều so với việc đầu tư trực tiếp vào các loại tiền ảo. Quả thực, tiền ảo có tiếng là trồi sụt bất thường và thị trường thì thiếu minh bạch.
Quyết định này rất được trông đợi, thậm chí còn được thông báo sớm hơn 24 tiếng đồng hồ do việc phát tán một thông cáo giả của cơ quan quản lý thị trường chứng khoán Mỹ khi tài khoản Twitter của họ bị tin tặc tấn công trong thời gian ngắn. Kết quả là mỗi đồng Bitcoin đã tăng lên đến hơn 45.000 Mỹ kim, trong khi giá của loại tiền ảo này đã xuống đến mức 17.000 Mỹ kim cách đây vài tháng, đặc biệt là do các vụ phá sản và lừa đảo trong lĩnh vực tiền điện tử, Lĩnh vực này hy vọng là việc cho phép đầu tư sẽ làm cho mọi người bớt nghi ngại hơn”.
Lực Lượng Mỹ và Anh Đẩy Lùi ‘Cuộc Tấn Công Lớn Nhất’ của Houthis ở Biển Đỏ
(Hình: Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps.)
-Hôm 9/1/2024, lực lượng Hải quân Hoa Kỳ và Anh đã bắn hạ 21 thiết bị bay không người lái và phi đạn do lực lượng Houthi trú đóng ở Yemen bắn về phía Nam Biển Đỏ, Hoa Kỳ cho biết, trong khi Anh nói hàm ý sẽ có các biện pháp tiếp theo để bảo vệ các tuyến vận tải quốc tế.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps cho hay đây là cuộc tấn công lớn nhất trong khu vực của phiến quân tính đến nay, khi cuộc chiến kéo dài 3 tháng giữa Do Thái và Hamas ở Gaza lan sang các khu vực khác ở Trung Đông.
“Đây là một tình huống không thể kéo dài”, ông Shapps nói với các phóng viên, đồng thời nói rằng “hãy theo dõi thêm”, ám chỉ những hành động có thể diễn ra tiếp theo từ phía Anh và các đối tác quốc tế.
“Tình trạng này không thể tiếp diễn và không được phép tiếp diễn”, Bộ trưởng Anh nói.
Bộ Tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ cho biết không có thương tích hay thiệt hại nào được báo cáo, đồng thời nói rằng đây là vụ tấn công thứ 26 của Houthi nhằm vào các tuyến vận tải thương mại ở Biển Đỏ kể từ ngày 19/11/2023.
Sau đó trong cùng ngày, phát ngôn viên của lực lượng Houthi, ông Yahya Saree cho hay các chiến binh được Iran hậu thuẫn đã phóng một số lượng lớn phi đạn-đạn đạo, phi đạn Hải quân và thiết bị bay không người lái vào một tàu Mỹ đang “hỗ trợ” cho Do Thái.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình, ông Saree không cho biết cuộc tấn công của Houthi xảy ra khi nào hoặc chiếc tàu có bị thiệt hại gì hay không, nếu có, nhưng nói rằng hoạt động này là “phản ứng ban đầu” đối với cuộc tấn công trước đó của Mỹ khiến 10 chiến binh Houthi thiệt mạng.
Ðệ ngũ Hạm đội của Hoa Kỳ, có căn cứ tại vùng Vịnh, cùng với lực lượng Hải quân của Anh được khai triển để bảo vệ hoạt động vận tải trên Biển Đỏ trước tình trạng các cuộc tấn công của Houthi ngày càng gia tăng.
Hạm đội này không trả lời ngay lập tức cho lời đề nghị đưa ra bình luận của thông tấn xã Reuters.
Nga Tìm Cách Ngăn Ukraine Tấn Công Belgorod
(Ảnh: Vùng Belgorod của Nga, giáp biên giới Ukraine, bị oanh kích ngày 30/12/2023.)
-Hôm 9/1/2024, Ðiện Cẩm Linh tuyên bố sẽ tìm “mọi biện pháp” để ngăn chặn các cuộc tấn công của Ukraine vào thị trấn Belgorod của Nga, nơi bị Kyiv oanh kích liên tục trong thời gian qua.
Thông tấn xã AFP dẫn lời phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh Dmitry Peskov đề cập đến những cuộc tấn công ở Belgorod: “Quân đội sẽ tiếp tục làm hết khả năng của mình để trước tiên là giảm thiểu và sau đó là loại bỏ hoàn toàn mối nguy hiểm”.
Ông Peskov cáo buộc Kyiv cố tình nhắm vào “thường dân” trên lãnh thổ Nga bằng những thiết bị quân sự do phương Tây cung cấp. Những cáo buộc này được đưa ra trong bối cảnh từ 10 ngày qua, thị trấn Belgorod, nằm cách biên giới Ukraine chưa đầy 40 cây số, liên tục hứng chịu những trận oanh kích dữ dội của quân đội nước này.
Vụ oanh kích của Ukraine vào thị trấn Belgorod hôm 30/12/2023 khiến 25 người thiệt mạng là cuộc tấn công đẫm máu nhất trên lãnh thổ Nga kể từ khi chiến tranh Ukraine nổ ra ngày 24/2/2022. Để trả đũa, Tổng thống Vladimir Putin muốn “gia tăng” các cuộc tấn công, và Ðiện Cẩm Linh tiếp tục thực hiện những cuộc oanh kích quy mô lớn vào Kyiv và các thành phố khác của Ukraine, như vào ngày 2 và 8/1.
Vẫn về tình hình chiến sự, chính quyền Nga tuyên bố tổn thất của quân đội Ukraine đã vượt mốc 215.000 người vào năm 2023. Chỉ còn 2 tháng nữa là diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Nga, Mạc Tư Khoa vẫn đang làm mọi cách để cho thấy là xung đột với Ukraine không ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày và an ninh của người dân Nga.
Trong khi đó hôm 9/1, Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky tuyên bố nhận thấy “những dấu hiệu rõ rệt về sự chững lại” trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga và kêu gọi các nước tiếp tục hành động để loại bỏ những kẽ hở trong các biện pháp trừng phạt Mạc Tư Khoa.
Tổng Thống Ukraine Bất Ngờ Thăm Các Nước Baltic Vào Lúc Viện Trợ Cho Kyiv Có Dấu Hiệu “Suy Giảm”
(Hình: Tổng thống Lithuania, ông Gitanas Nauseda (phải) và đồng nhiệm Ukraine, ông Volodymyr Zelensky, trong cuộc họp báo tại Vilnius, thủ đô của Lithuania, ngày 10/1/2024.)
-Hôm 10/1/2024, Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky đã có mặt ở Vilnius, thủ đô của Lithuania, trong khuôn khổ chuyến thăm các quốc gia vùng Baltic, những đồng minh thân cận của Kyiv. Chuyến công du không được thông báo trước cho báo chí.
Thông tấn xã AFP dẫn lời nguyên thủ Ukraine cho biết: “Estonia, Latvia và Lithuania là những người bạn đáng tin cậy và là đối tác kiên định của chúng tôi. Hôm nay, tôi đến Vilnius trước khi đến Tallinn và Riga”.
Tổng thống Zelensky sẽ có các cuộc hội đàm tại 3 quốc gia nói trên về những vấn đề liên quan đến an ninh, tiến trình gia nhập Liên Hiệp Âu Châu (EU), Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO), hợp tác về kỹ thuật điện tử phục vụ chiến tranh....
Đây là chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của ông Zelensky trong năm nay, trong bối cảnh các đồng minh khác của Ukraine đang lưỡng lự về việc tiếp tục viện trợ quân sự cho Kyiv.
Vào tháng trước, Tổng thống Zelensky đã tổ chức những cuộc đàm phán trực tiếp với các viên chức từ Hoa Kỳ, Đức và Na Uy và kêu gọi các đồng minh tiếp tục hỗ trợ quân sự.
Tân Thủ Tướng Pháp Gabriel Attal Ráo Riết Thành Lập Chính Phủ
(Hình: Tân Thủ tướng Pháp Gabriel Attal sau buổi lễ nhậm chức tại thủ đô Paris ngày 9/1/2024.)
-Một ngày sau khi được bổ nhiệm làm tân Thủ tướng, hôm 10/1/2024, ông Gabriel Attal bắt tay vào việc thành lập chính phủ mới, với hy vọng tạo một xung lực mới cho nhiệm kỳ của Tổng thống Emmanuel Macron.
Nhưng khó khăn đối với vị Thủ tướng trẻ tuổi nhất trong lịch sử Cộng hòa Pháp đó là Nội các mới phải gọn nhẹ, với số Bộ trưởng nam nữ ngang bằng nhau, đồng thời bảo đảm được sự cân bằng trong phe đa số cầm quyền.
Trước mắt, hôm 10/1, phủ Thủ tướng thông báo bổ nhiệm ông Emmanuel Moulin làm Chánh văn phòng của ông Gabriel Attal. Ông Moulin là một nhân vật thân cận với Bộ trưởng Kinh tế Bruno Le Maire và của Tổng Thư ký điện Elysée Alexis Kohler.
Các cuộc thương lượng, mặc cả đã bắt đầu ngay từ hôm 9/1 để chọn lựa các thành viên chính phủ mới. Theo hãng tin AFP, trong số các Bộ trưởng chính phủ tiền nhiệm, Bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin gần như chắc chắn sẽ giữ nguyên chiếc ghế này. Trong khi đó, có tin đồn là Bộ trưởng Kinh tế Bruno Le Maire có thể không muốn làm việc dưới quyền của ông Attal, trước đây là quốc vụ khanh trong Bộ Kinh tế. Cũng có khả năng là trong thành phần tân Nội các sẽ không còn phát ngôn viên chính phủ Olivier Véran cũng như Bộ trưởng Giao thông Clément Baune, vốn đã chỉ trích nặng nề việc thông qua luật nhập cư mới, một thái độ khiến Tổng thống Macron rất bực bội.
Nhiều Bộ trưởng thuộc cánh tả trong chính phủ tiền nhiệm cũng đã bất đồng với xu hướng ngày càng nghiêng về cánh hữu của phe đa số cầm quyền, cho nên có khả năng là những nhân vật này sẽ không được giữ lại. Tân Thủ tướng Attal đặc biệt phải tìm người thay thế ông làm Bộ trưởng Giáo Dục, chiếc ghế mà ông chỉ nắm giữ trong 5 tháng.
Theo lời Chủ tịch Thượng viện Gérard Larcher, từ đây đến cuối tuần, tân Nội các sẽ được lập xong. Do chưa có chính phủ mới, cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng hàng tuần, trên nguyên tắc diễn ra sáng nay, được dời lại vô thời hạn.
Gần 50 Nước Lên Án Bắc Hàn Chuyển Vũ Khí Cho Nga
(Hình: Một số mảnh phi đạn mà giới chức Ukraine cho rằng do Bắc Hàn chế tạo, đã được Nga sử dụng để tấn công Khakiv, Ukraine, hồi đầu tháng 1/2024.)
-Lãnh đạo ngoại giao Hoa Kỳ, Liên Hiệp Âu Châu (EU) và 47 nước, trong thông cáo chung công bố ngày 9/1/2024, đã lên án “mạnh mẽ” Bắc Hàn giao phi đạn cho Nga, “làm gia tăng đau khổ cho người dân Ukraine”.
Theo thông tấn xã AFP, gần 50 nước ra thông cáo sau khi Hoa Kỳ khẳng định nhiều phi đạn mà Bình Nhưỡng giao cho Mạc Tư Khoa đã được quân đội Nga sử dụng tấn công Ukraine, trong đó có nhiều công trình dân sự và nhà dân. Thông cáo chung kêu gọi Nga và Bắc Hàn “ngừng ngay mọi hoạt động” vi phạm “trắng trợn” các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Hàn, đồng thời khẳng định “theo dõi sát sao xem Nga cấp cho Bắc Hàn những gì để đổi lại số vũ khí đó”.
Cùng ngày, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan điện đàm với đồng nhiệm Nam Hàn Chang Ho Jin. Hai bên lên án “mạnh mẽ” việc Bắc Hàn giao phi đạn cho Nga. Còn phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby tái khẳng định “sau những lần sử dụng phi đạn Bắc Hàn ngày 30/12/2023 và 2/1/2024, Nga đã sử dụng nhiều loại vũ khí này hơn nhắm vào Ukraine”, trong đó có một phi đạn rơi xuống Kharkiv. Mỹ sẽ nêu vấn đề này tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ngày 10/01.
Về phía Nga, ngày 9/1, khi được hỏi về việc sử dụng phi đạn Bắc Hàn tấn công Ukraine, phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh Dmitri Peskov “không bình luận” và chuyển hướng sang các vụ tấn công nhắm vào “nhiều khu vực dân sinh và trung tâm thành phố Belgorod” sát biên giới với Ukraine.
Đại Sứ Trên Thực Tế của Đài Loan Gặp Chủ Tịch Hạ Viện Mỹ, Trung Quốc Nổi Đóa
(Hình: Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Mike Johnson, phải, tiếp Đại sứ trên thực tế của Đài Loan tại Hoa Kỳ, ông Dư Đại Lôi, tại Điện Capitol, Hoa Thịnh Ðốn, ngày 9/1/2024.)
-Đại sứ trên thực tế của Đài Loan tại Hoa Kỳ gặp Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Mike Johnson hôm 9/1/2023, Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết ngày 10/1, khiến Bắc Kinh chỉ trích gay gắt.
Hoa Kỳ là nhà cung cấp vũ khí và hậu thuẫn quốc tế quan trọng nhất của Đài Loan mặc dù thiếu quan hệ ngoại giao chính thức với hòn đảo mà Trung Quốc coi là lãnh thổ của mình.
Ông Dư Đại Lôi đảm nhận chức vụ mới vào tháng trước, thay thế bà Tiêu Mỹ Cầm, người hiện đang tranh cử chức Phó Tổng thống trong cuộc bầu cử ở Đài Loan vào ngày 13/1.
Bộ Ngoại giao Đài Loan nói ông Dư cảm ơn Quốc hội Hoa Kỳ vì sự hỗ trợ lâu dài của các đảng đối với Đài Loan và cam kết tăng cường khả năng phòng thủ của hòn đảo.
Bộ nói đây là lần đầu tiên hai người gặp nhau.
Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận xung quanh Đài Loan vào tháng 8 năm 2022 sau khi Chủ tịch Hạ viện lúc đó là bà Nancy Pelosi đến thăm Đài Bắc. Tại Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ sự tức giận trước cuộc gặp Johnson-Dư.
Phát ngôn viên Mao Ninh nói với các phóng viên rằng các nhà Lập pháp Hoa Kỳ nên “ngưng gửi tín hiệu sai tới các lực lượng ly khai độc lập của Đài Loan và không được can thiệp vào cuộc bầu cử ở khu vực Đài Loan dưới bất kỳ hình thức nào”.
Trung Quốc thường xuyên phản đối bất kỳ hình thức nào mà họ coi là liên lạc chính thức giữa các viên chức Đài Loan và Mỹ, nói rằng đó là sự can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Bắc Kinh cho rằng Đài Loan là vấn đề nhạy cảm và quan trọng nhất trong quan hệ Trung-Mỹ.
Chính phủ Đài Loan phản đối các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, nói rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chưa bao giờ cai trị hòn đảo và không có quyền lên tiếng hay kiểm soát hòn đảo này vì chỉ người dân Đài Loan mới có thể làm điều đó.
Khí Hậu Nóng Kỷ Lục…, Nhưng Việc Giã Từ Năng Lượng Hóa Thạch Đã Bắt Đầu
-Các nhật báo Pháp hôm 10/1/2024 dành nhiều hồ sơ chính cho chủ đề khí hậu. Theo báo Les Echos, nước Bỉ - Chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Âu Châu (EU) 6 tháng đầu năm nay – có trách nhiệm nặng nề trong việc thúc đẩy thông qua nhiều văn bản luật trong Thỏa ước chuyển sang kinh tế Xanh trước cuộc bầu cử Nghị viện Âu Châu.
Báo La Croix giới thiệu báo của Copernic, cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Âu Châu, về các xu thế khí hậu năm 2023 với nhiệt độ cao nhất chưa từng được ghi nhận, các hiện tượng thời tiết cực đoan đạt mức kỷ lục, khí thải cũng đạt mức kỷ lục, tốc độ băng hà tan chảy gia tăng. Hàng loạt thông tin đáng sợ.
Tuy nhiên, theo La Croix, trong năm vừa qua đã xuất hiện một số xu thế mang lại lạc quan: cộng đồng quốc tế bước đầu đạt thỏa hiệp từ bỏ năng lượng hóa thạch, cuộc chiến chống khí thải mê-tan tăng tốc. Năng lượng tái tạo tăng tốc hơn dự kiến, với tổng công suất lắp đặt là 440 GW, tăng 30% so với năm trước. Lần đầu tiên đầu tư cho năng lượng mặt trời vượt quá cho dầu mỏ.
Tổng Thống Mỹ Biden Không Hề Biết Bộ Trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin Bị Ung Thư
(Ảnh: Bộ trưởng Quốc Phóng Mỹ Lloyd Austin tại cuộc họp báo với đồng nhiệm Do Thái Yoav Gallant tại Tel Aviv, Do Thái, ngày 18/12/2023.)
-Hôm 9/1/2024, Tòa Bạch Ốc, thông báo rằng từ 1 tháng qua, Tổng thống Joe Biden không hề biết việc Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin được chẩn đoán bị ung thư tiền liệt tuyến từ đầu tháng 12/2023.
Bộ trưởng Austin đã lên tiếng nhận trách nhiệm, song sự việc này khiến chính quyền Hoa Kỳ rơi vào hoàn cảnh tương đối “khó xử”. Từ Hoa Thịnh Ðốn, thông tín viên Guillaume Naudin tin của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết cụ thể:
Lloyd Austin bị ung thư tiền liệt tuyến và Tổng thống Biden biết được tin này vào hôm 9/1, cùng ngày với toàn thế giới. Tuy nhiên, ông Austin được chẩn đoán bị ung thư từ đầu tháng 12/2023, nghĩa là 1 tháng qua, không ai trong Tòa Bạch Ốc biết rằng vị Bộ trưởng tham gia vào việc ra những quyết định chiến lược và quân sự, và đặc biệt, nếu cần, quyết định sử dụng vũ khí nguyên tử, lại đang bị ung thư.
Đối mặt với làn sóng chỉ trích dữ dội, Lloyd Austin cho biết trong một thông cáo rằng ông nhận toàn bộ trách nhiệm về sự thiếu minh bạch vốn không phù hợp với truyền thống của Mỹ. Từ 1 tháng qua, đã có một chẩn đoán được giữ bí mật cho đến hôm 9/1, lần nhập viện đầu tiên với ca phẫu thuật gây mê vào ngày 22/12, sau đó là lần nhập viện thứ hai vào đầu tháng 1 để điều trị nhiễm trùng trong khoa chăm sóc đặc biệt, những thông tin mà Tòa Bạch Ốc mới biết từ thứ Năm (4/1) tuần trước. Cấp phó của Lloyd Austin, Catherine Hicks, người được chuyển giao các công việc của Bộ trưởng, đang đi nghỉ ở Puerto Rico và không hề biết thủ trưởng đang nằm trên giường bệnh.
Tòa Bạch Ốc cho biết tập trung vào sự hồi phục của ông Austin, đang làm việc từ bệnh viện. Chính quyền cho biết muốn rút ra bài học từ sự việc này. Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia ngượng ngùng thừa nhận, đó không phải là “một tình thế hay ho nhất”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét