Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 1 tháng 1, 2024

Giò heo nấu giả cầy - Phan


Tôi không thích giả, nếu không có thật thì thôi chứ ăn cái đùi gà chay về phương diện ẩm thực thì ngon đấy, nhưng bớt ngon vì nghĩ ngợi trong đầu? Sao không gọi là món mì căng cuộn tàu hủ ki cho nó đúng đắn mà phải gắn chữ gà vào một món ăn chay, sao phải dùng cọng sả để giả cái xương đùi gà? Rồi lại có người chế ra món thịt heo quay chay, tất cả là bột nhưng phải công nhận là họ khéo tay nên nhìn như thịt heo quay thật. Về phần hương vị, không biết họ nêm nếm gia vị ra sao mà mùi hương cũng gần giống. 
<!>
Có rất nhiều món chay giả mặn nhìn như thật qua bàn tay khéo léo của phật tử, nhưng tôi lại nhìn ở góc độ khắt khe, thiếu thông cảm nên không có thiện cảm với những món chay giả mặn trong khi bản thân lại rất thích món bì cuốn chay. Ngày xưa, trong nhà có bà cô đi tu. Ngày thường cô tôi ở ngoài chùa nhưng hôm nhà có giỗ thì cô về với gia đình. Dĩ nhiên cô không tham gia bên bếp mặn, nhưng lại làm bếp trưởng bên bếp chay. Rất nhiều cô, dì, thím, chị trong xóm hăng hái làm phụ bếp chay cho cô tôi để học nghề nấu món chay.Phần tôi sau khi được mấy cái đầu cây chả lụa bên bếp mặn đã ấm bụng. Tôi tạt qua bếp chay, hưởng tiếp những cái đầu bì cuốn chay. Tôi còn nhớ bì cuốn chay cuốn như gỏi cuốn, nhưng chục cái nhập lại thì cắt khoanh, để mười khoanh bì cuốn chay lên cái dĩa tròn trông rất đẹp mắt. Khi ăn gắp bằng đũa từng khoanh từng khoanh một, ngon nhất là nước chấm pha bằng nước tương với chanh, đường, tỏi ớt như nước mắm chua ngọt nhưng ăn ngon hơn nước mắm nhiều. Trong nhà cứ gọi tôi là thằng chệt chó vì tôi thích ăn nước tương hơn nước mắm. Sau khi ai đó cắt bì cuốn chay xếp lên dĩa thì tôi hưởng đầu đuôi của chục cái bì cuốn chay vì khoanh nó không no tròn như đoạn giữa nên không bày lên tiệc. Cứ thế là no nên bì cuốn chay, húp nước chấm đã đời, mặc kệ bị rầy đừng ăn mặn quá!

Nhớ lại khi nhỏ, tôi chọn món bì cuốn chay là món ngon nhất mà tôi từng được ăn. Viết luôn vào bài tập làm văn khi cô giáo dạy kèm ra đề: “Hãy tả lại món ăn mà em thích nhất.” Nhưng không lâu sau thì tôi biết đến món ngon hơn bì cuốn chay. Ậm ực vì đó cũng là một món giả, nhưng nó ngon quá thì biết làm sao? Đó là chuyện không quên từ khi xảy ra tới lúc bạc đầu ngồi nhớ thuở đầu trần chân đất chạy lung tung làng trên xóm dưới. Chuyện từ một trưa hè xưa cũ. Phải kể phần trước khi kể chuyện gọi là dẫn truyện theo cô giáo dạy phải có đầu có đuôi. Chuyện đầu đuôi là xóm nhà tôi ở dài đúng một cây số. Bắt đầu từ đồn Nghĩa quân, chi khu cảnh sát với Hội đồng xã chung trong một bờ rào kẽm gai, có gài mìn claymore. Trời ơi, hồi nhỏ mà nghe tới ông cò trên quận về thì đám trẻ con chúng tôi tròn mắt nhìn ông oai vệ từ trên xe jeep bước xuống, đeo kính rayban đen thui như thám tử trong truyền hình, đeo súng ngắn kè kè, xệ xệ như cao bồi….

Một xóm làng hiền hoà với tối thứ bảy thì bà con tập trung ở sân Hội đồng xã xem truyền hình, thường là một tuồng cải lương do mấy chú Xây dựng nông thôn phụ trách. Xóm tôi không có trộm cắp, không cướp giật; chỉ có việt cộng thỉnh thoảng đêm về thu gom lúa gạo từ những gia đình theo phe họ, hoặc không theo nhưng khá giả thì họ kề súng vào đầu mà lấy tiền. Họ cũng bị bên quốc gia phục kích đánh cho tơi bời, có lần trước cồng trường tiểu học của tôi xếp hàng dài mười bốn xác việt cộng tối qua về gom.

Sơ lược xóm tôi là thế, vùng xôi đậu ở ngoại ô Sài gòn bình yên cho tới tết Mậu thân 1968 về sau mới quốc cộng trà trộn, bất ổn với đám ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản. Nhưng trong xóm vẫn nổi bật hình ảnh chú chín Giấm. Chú đi làm cho căn cứ Mỹ nên chiều về, đằng sau xe đạp của chú lá một thùng carton đầy ắp cổ gà. Về đến đầu làng là chú rao, “cổ gà chín Giấm về tới rồi bà con ơi…” Vậy là những gia đình nào thích thì cắp rổ ra vệ đường đứng đợi chú ghé cho mỗi nhà chừng chục cái cổ gà để họ nấu canh bầu bí thì nhà ai cũng có sẵn ngoài vườn, hay kho gừng, kho sả ớt ăn cơm cũng ngon lắm. Chú chín chừa lại chừng chục cái cổ gà cho bác ba Xệ. Bác ba làm lò rèn nên sẵn than hồng, bác nướng cổ gà xát muối ớt, nhìn thôi đã chảy nước miếng. Hôm bác quấn lá sả nướng xù thì thôi nó thơm ra tới bờ sông, bọn trẻ bỏ tắm sông chạy về lò rèn xin ăn om xòm cả xóm.

Chú chín Giấm về nhà tắm rửa xong thì thả bộ qua lò rèn nhậu cổ gà với bác Ba, thường chú Bảy bánh mì cũng hay có mặt. Chú Bảy là lính Nghĩa quân nhưng ở nhà nhiều hơn ngoài đồn, chú giàu kinh nghiệm phục kích việt cộng đêm đêm hay về quấy rối xóm làng nên ban ngày cứ thấy chú bảy hay ngủ võng ở lò rèn của bác ba, hay nhậu lai rai với bác ba, chú chín, nhưng đêm đến thì chú bảy tàng hình, không ai biết chú đi đâu.

Sự việc bắt đầu từ hôm thím bảy đón đường chú chín xin chục cái cổ gà về kho cho con ăn. Nhưng thím đang đậu chến tứ sắc với mấy bà vợ lính Nghĩa quân tới hồi gây cấn, nên thím quên luôn kho cổ gà cho con ăn. Rồi con chó nhà thím xơi tái hết rổ cổ gà. Và nó ăn quen nhịn không quen nên nghe mùi cổ gà ở sau xe đạp của chín thì nó rượt theo, chú chín đạp hết sức cũng không thoát nó táp gót chân chú, chảy máu đỏ lè.

Sau đó chú nói với chú chín, bác ba lúc ba người nhậu cổ gà ở lò rèn. Chú nói chú chín bữa nào rảnh, anh xử con vện nhà tui đi. Nó bây giờ ăn thịt sống, bắt gà bắt vịt hàng xóm ăn tươi. Tui mắc cỡ với hàng xóm quá!

Vậy là một trưa hè êm ả nắng. Thím chín đi thăm đẻ ở nhà hộ sinh, thím nói chú chín là thím về muộn vì còn đi chùa cúng sao giải hạn cho chú bớt xui chó cắn. Thím đâu ngờ ở nhà chú chín xách cọng dây thừng thắt thòng lọng qua nhà chú bảy với cục xí quách mới nhậu lai rai với bác ba.

Ai mà ngờ được thím chín đi thăm đẻ mới biết mình cấn bầu, thím vội về nhà cho chú chín hay tin vui, bỏ đi chùa cúng sao giải hạn vì hết xui rồi. Thím về tới nhà thấy chú chín đang luộc mấy cái đùi chó, mớ ướp ngủ vị hương cho món sườn nướng, mớ ướp cà ri để xào lăn… Thím liệng hết nồi niêu son chảo ra sân, làm một trận quá trời quá đất. Bác ba chẩu về lò rèn, chú bảy bận hành quân nên tàng hình chóng vánh. Quá trời quá đất tôi mới biết khi thím chín nổi giận. Tôi cũng lăng ba vi bộ đi tắm sông để tránh họa thớt bay dao ném kinh hoàng.

Tới chiều chạng vạng rồi, không thấy ba người bạn nhậu khề khà như mọi khi ở lò rèn bác ba. Tôi tò mò ngõ ngách nhà này qua nhà kia theo những con đường mòn để xem tông tích con chó nhà chú bảy bây giờ ra sao? Cuối cùng phát giác được chú chín ngồi nhậu một mình ngoài chòi, nhà chú có cái chòi sau rẫy mía. Chú ngồi nhìn ra sông rất buồn. Trước mặt chú là cái đùi chó luộc để trên lá chuối, chén mắm tôm ruồi bu, trái ớt sừng cắn dở, chai rượu ba người thường uống, tôi là đứa hay được sai đi mua. Tôi thích đi mua rượu cho mấy chú vì tay cầm cái cổ gà nướng muối ớt, quấn quấn mấy vòng lá chuối cho bớt nóng tay cầm, rồi vừa đi vừa gặm ra tới tiệm tạp hoá có bán rượu là vừa hết. Ba hương vị đậm đà của thịt ngọt, muối mặn, ớt cay cứ lưu luyến trong miệng để nhanh chân đem rượu về, may ra còn kịp ăn thêm cái cổ gà nướng nữa vì những đứa khác không đủ uy tín đi mua rượu, các chú sợ chúng làm bể chai gây thương tích nên bọn chúng lại được ngồi nhà ăn thả cửa…

Giờ chú ngồi một mình khi trời nhá nhem tối. Chưa bao giờ tôi thấy chú chín buồn vì chú rất giống hề Tùng Lâm với cái mỏ chuột không cần nói cũng thấy mắc cười. Chú lại thương trẻ con trong xóm như con chú, chú mua kẹo kéo, mua cà rem cho cả đám con nít ăn không phân biệt con chú hay con nhà hàng xóm. Chú là người tử tế nhất xóm làng, chú tát tai bất cứ đứa nào dám chửi thề mà chú nghe được. Vậy mà giờ đây chú ngồi một mình ngoài chòi cho muỗi chích vì bị thím chín đuổi đi. Tôi có cảm giác thấy thương một người lần đầu là thương chú chín. Tôi khép nép ngồi xuống sạp tre với chú như một sự chia buồn thầm lặng…

Hai chú cháu không nói với nhau câu nào một lát. Tôi cứ ngồi đập muỗi vo ve như tiếng sáo chiều. Chú lên tiếng trước, “Con gom mớ lá mía khô hun muỗi được không?”

“Dạ được.”

“Quẹt nè…” chú ném cho tôi cái quẹt zippo mà ngày thường chú cưng như trứng mỏng.

Những con chó trong xóm bắt đầu lảng vảng vì thấy đống lửa hay nghe mùi thịt gì đó. Chú chín dùng con dao nhỏ của lính Mỹ ngày xưa, có hai chữ US tổ bố ở cán dẹp. Chú lẻo từng miếng thịt luộc ném ra cho chúng. Trong ba con chó chực chờ, có con ngửi ngửi miếng thịt rồi bỏ đi, con thứ hai cũng vậy, nhưng con thứ ba đớp hết ngon lành, còn gầm gừ đuổi hai con kia đi. Chú chín tặng cho nó một cục gạch thẻ bị gãy đôi vào lưng, nó cụp đuôi ẳng ẳng chạy trối chết vào bóng tối của rẫy mía. Chú chửi theo nó, đồ chó má.

Tôi nghĩ trong đầu: Chó má là con chó mẹ, chó ba là con chó cha, cũng như ba má của người ta vậy. Nhưng chưa nghe ai gọi con chó mẹ là chó má, người ta chỉ nói chó mẹ, chó con. Sao chú chín gọi là chó má, gọi với giọng tức bực như chửi nó vậy? Tôi hỏi.

Chú trả lời, “Con còn nhỏ quá làm sao hiểu được chuyện chó má trên đời. Con chó với con má giống nhau đến không phân biệt được, nhưng quăng miếng thịt chó ra thì con chó chỉ ngửi rồi bỏ đi, nhưng con má xơi tuốt. Đến con chó cũng không ăn thịt đồng loại, nhưng việt cộng thì giết đồng bào. Con thấy chú bảy là người đi bắt việt cộng vì chúng giết đồng bào, đêm đêm chúng về nhà nào kha khá, có lúa gạo mà không cung cấp cho chúng thì chúng giết, khác gì chúng ăn thịt đồng loại. Trong khi sáng ra, chú bảy dẫn về đồn mấy thằng du kích bị chú phục kích bắt được đêm qua. Chúng nhìn y như chú bảy, y như mình; ai mà tin, biết trước được để phòng hờ chúng. Mình không giết đồng bào mình nhưng chúng không chừa ai. Chúng là những con quỷ trong loài người như con má trong loài chó. Nhìn như chó nhưng ăn thịt chó”.

Câu chuyện chó má của một tiền bối trong xóm làng đã chu du với tôi hơn nửa thế kỷ, và có lẽ sẽ cùng tôi rong ruổi tới cuối đời. Triết lý của người bình dân rất đơn giản như chính họ vậy. Chú ngồi buồn không giấu diếm một lát, cứ hút thuốc điếu nọ nối điếu kia. Tôi đâu có hiểu là chú nghĩ cách làm hoà, xin lỗi thím chín vì người trong nam ngày xưa đâu có ăn thịt chó. Chỉ người bắc di cư mới tay cầm bó rau, tay kia cầm sợi dây để trói con cầy.

Nhưng hồi chú bảo tôi thử một miếng cho biết. Tôi trả lời, “Thôi chú ơi! Con ăn thịt chó, mẹ con đánh con chết.” Chú không nói nữa, nhưng lẻo miếng thịt chó, chấm vô chén mắm tôm điệu đàng, gắp lên nhưng chưa ăn, uống ngụm rượu đế rồi khà một cái mới đưa cay. Cắn thêm miếng ớt tươi rồi hít hà làm tôi chịu hết nổi. Tôi nói, “chú cho con một miếng ăn thử. Con ăn không thôi vì con không biết ăn mắm tôm. Nhưng chú đừng nói với mẹ con nha?”

Vậy là miếng thử trót lọt. Rồi miếng này miếng nữa miếng giữa miếng chót, lót thêm một miếng vừa nhai vừa chạy về nhà vì trời tối thui rồi.

Trời ơi! Mẹ tôi ngồi ghế thấp, cầm cây chổi lông gà chờ thằng con quỷ quái ngay cửa lớn. Tôi len theo hàng bông bụp bên hông nhà để vào cửa bếp, có bà vú là đồng minh thân yêu vì vú buồn sao ngày nào tôi cũng ăn đòn. Ngày nào cũng ăn đòn chí tử như vầy thì làm sao lớn hả con? Nhưng mẹ tôi tinh mắt lắm, chỉ thoáng thấy bóng tôi là mẹ đã lên tiếng, “thằng ranh con lại đây bảo. Con đi đâu mà giờ này mới về, chưa tắm rửa, không ăn cơm chiều. Con lại gương nhìn con đi, con nhà mồ côi còn sạch sẽ hơn con…”

Tôi lí rí đi qua mặt mẹ để xuống nhà dưới thì mới đi tắm được. Nhưng mẹ gọi giật lại, “Con vừa ăn thịt chó, có đúng không?”

Tôi không dám nói không, không đủ can đảm nhận có. Mẹ tôi hơi cúi người để ngửi mồm tôi. Mẹ tôi ói thốc ói tháo cả bữa cơm chiều ra nền nhà, người xanh như tàu lá làm tôi hốt hoảng gọi to bà vú. Bà vú hớt hải dưới bếp chạy lên nhà trên cứu cấp mẹ tôi. Bà vú cũng ngửi được mùi thịt chó nên vụt tôi xối xả với cây chổi lông gà. Không còn thương thằng mập ăn đòn như cơm bữa nữa…

Đêm đó tôi ngủ với con Mực nhà tôi dưới gầm cầu thang. Chỗ bạn bè tri kỷ với nhau nhưng đêm đó nó cũng lạnh nhạt với tôi như một mất một còn. Bình thường tôi xoa đầu, xoa cổ nó là nó thích thú, nằm im re. Nhưng đêm đó đụng đến nó là nó nhe răng nanh, gầm gừ. Tôi nghĩ nó chửi tôi đồ chó má. Thiệt là buồn khổ đến sớm với tuổi đời còn mong manh quá mà chơi với chó cũng bị chó đuổi đi. Rồi đâu đã hết đêm dài lắm mộng sáng mai bị đòn, mới nửa đêm tôi đã gào khóc lên vì đau bụng, ói mửa tùm lum cho bà vú hú hồn một phen. Về sau mới biết chú chín luộc thịt đâu đã chín, bị thím chín vác đòn gánh quật chí mạng nên chú chạy thoát thân với cái đùi chó tái…

Từ đó tôi nổi tiếng trong đám trẻ con trong xóm là tôi đã từng ăn thịt chó. Hồi thì tụi nó thán phục tôi gan lì vì dám ăn, hồi thì tụi nó nguyền rủa là ác qủy, ăn cả thịt chó.

Đến hôm tôi đi học về, thấy bác ba, chú chín, chú bảy, cả bố tôi nữa. Bốn ông ngồi nhậu ở lò rèn của bác ba. Bác ba gọi tôi vui vẻ, “ê mập, vô đây ăn thịt chó với bác ba…”

Tôi không trả lời, cắm đầu chạy một mạch về nhà. Chạy loanh quanh vườn tược, khu chuồng heo chuồng gà tìm mẹ tôi để học chuyện, “chính mắt con thấy bố đang ngồi nhậu thịt chó với bác ba, chú chín, chú bảy ở lò rèn. Mẹ tôi cười ra vẻ ưng ý lắm! Ưng ý thằng con trời gầm đã biết nghe lời mẹ là không bao giờ ăn thịt chó nữa. Mẹ dẫn tôi vào bếp, mở nồi giò heo nấu giả cầy cho tôi xem và hỏi, “có phải thịt chó này không?”

“Con không biết! Bác ba gọi con vô lò rèn ăn thịt chó là con bỏ chạy luôn, con không vô, không thấy nên không biết!”

“Con ngoan lắm! Hôm nay bố con nghỉ phép nên bố con nấu món giò heo thui, nhìn như thịt chó nhưng là thịt heo. Bố con đem cho bác ba một tô vì bác ba thích món này. Không phải thịt chó đâu.”

Loay hoay vài năm thì bố tôi đã đi tù cải tạo. Chú bảy bị trả thù. Họ xử bắn chú bảy trước cửa nhà chú, trước mặt vợ con chú ngay trưa ngày ba mươi tháng tư. Chú chín trốn về quê dưới miền tây vì sợ họ truy ra chú làm việc cho Mỹ thì khó thoát tù đày. Thỉnh thoảng chú có lên Sài gòn thì ghé thăm bác ba chớp nhoáng, gởi cho thím bảy chút tiền nuôi con, ghé nhà tôi chớp nhoáng để cho mẹ tôi vài ký gạo…

Có hôm tôi lớn rồi, ngồi thui giò heo với bác ba ngay lò rèn đã đóng cửa nhưng còn hoạt động chui lai rai để bác ba kiếm sống qua ngày. Nhìn bác rưới ly rượu xuống đất cho chú bảy trước khi nhậu, bác đi thắp nhang bàn thờ tổ cầu khẩn cho bố tôi sớm về, chú chín được bình an dưới quê, không bị phát hiện từng làm việc cho Mỹ… Tôi thấm cái tình người xưa đậm đà như món giò heo nấu giả cầy.

Hôm bố tôi bệnh quá trong tù nên người ta thả về để chết ở nhà vì nhà nước đã bị quốc tế lên tiếng về việc có quá nhiều tù nhân chính trị chết trong trại cải tạo. Hôm ấy tôi ra tay nấu nồi giả cầy cho bố nhậu với bác ba lần cuối trong đời hai người chòm xóm vì sau đó bố tôi mất, không lâu sau bác ba cũng chết buồn trong cái lò rèn tới hai hôm chòm xóm mới hay bác đã qua đời.

Sáng nay nghỉ tết tây ở một nơi xa quê nhà nửa vòng trái đất. Xa người xưa càng xa với âm dương cách biệt. Đêm lạnh quá ngủ không được nên dậy luôn, nổi lửa thui giò heo ngoài garage; bắc nồi giả cầy tưởng nhớ cha chú một thời thương yêu con trẻ cả chòm xóm chứ không ích kỷ như người bây giờ đèn nhà ai nấy tỏ.

Mong hương linh trên trời cha chú được an yên./.

Phan

Không có nhận xét nào: