Sự quan trọng của việc học ngoại ngữ thì ai ở Việt Nam cũng rõ. Để mở cánh cửa thông thương với thế giới, nhất thiết phải thông thạo, phổ biến là tiếng Anh. Nhìn sang các nước láng giềng, Thái Lan đã phổ cập Anh văn vào chương trình phổ thông. Singapore từ lâu đã nhận các sinh viên VN sang du học. Trung quốc bảo thủ trung thành với ngôn ngữ cổ truyền cũng phải đặt ra các chương trình phát triển Anh ngữ. Một cô đào nổi tiếng “kỳ nữ” của làng điện ảnh Trung quốc từng rớt kỳ thi học viện Điện ảnh Bắc kinh chỉ vì Anh văn quá ẹ.
<!>
Tuy vậy không phải ai cũng hoàn toàn đồng ý. Một ông nội từng học sinh ngữ chính Pháp văn, đưa ý kiến:
– Pháp văn cũng tốt. Tiếng Pháp nghe rất… du dương.
Bà nội tỏ ra am tường tin tức:
– Hồi đó sau khi tổng thống Miterrant đến VN, học bổng sang Pháp rất nhiều. Saigon có phong trào rủ nhau đi học tiếng Pháp. trường tiểu học song ngữ Pháp Việt mở ra phải quen lớn mới đút đơn vào được.
Mẹ thở dài:
– Pháp văn qua… mốt rồi. Bây giờ người ta chỉ học tiếng Anh thôi, rồi tới tiếng Hoa, tiếng Nhật, tiếng Hàn…
Chú góp ý kiến:
– Thằng bé không có khiếu ngoại ngữ lắm. Bởi vậy mình chọn con đường xéo một chút cho vắng người, đỡ phải tranh giành. Ai cũng Anh văn rồi chỗ đâu cho nó… đi!
Với xu thế xã hội hiện nay, tiếng Anh hầu như là ngôn ngữ bắt buộc thứ hai sau tiếng Việt mẹ đẻ. Hiệu trưởng một trưởng đại học đã khẳng định không biết tiếng Anh, sinh viên coi như… mù chữ!
Ngay cả giáo viên tiểu học, trung học cũng đòi hỏi phải có trình độ Anh văn chuẩn tức là phải đưa ra văn bằng chứng thực theo đúng đòi hỏi.
Ông thầy giáo già dạy lớp Ba học sư phạm từ thủa 9 + 3, nghĩa là học hết lớp 9 thì học thêm 3 năm để hoàn tất chương trình trung học song song với chuyên môn sư phạm. Vốn tiếng Anh của ông rơi rớt, chỉ còn vỏn vẹn chữ “Hello”. Sau này qua các cuộc cải cách nâng cao trình độ giáo viên cho kịp thời, ông phải đóng tiền ôn thi, thi theo đúng trình tự và bảo đảm nhận được một chứng chỉ theo “chuẩn châu Âu” để nộp cho ban Giám hiệu. Lăn lộn đối phó hết các lớp từ thấp lên cao, nộp văn bằng xong xuôi. Kết quả cuối cùng vẫn chỉ còn đọng trong óc ông mỗi chữ “Hello”!
Các bà mẹ hiện đại tiếp xúc nhiều với internet bắt ham khi thấy con cái của những người nổi tiếng như diễn viên, người mẫu, đại gia… lấy chồng Tây hoặc cho con đi học trường quốc tế từ lứa tuổi mẫu giáo, nói tiếng Anh vèo vèo như gió.
Thế là hội các bà mẹ bỉm sữa truyền nhau kinh nghiệm dạy tiếng Anh từ thuở nằm nôi, từ mẫu giáo bằng cách cho con nghe tiếng Anh, nhạc tiếng Anh, nói chuyện với con bằng tiếng Anh. Rồi tiếp theo xem phim hoạt hình, youtube thiếu nhi tiếng Anh. Dạy trẻ học tiếng Anh thành phản xạ tự nhiên trước tiếng Việt, trở thành mục tiêu của cha mẹ.
Thật ra giờ muốn mù tiếng Anh cũng khó biện hộ vì trường lớp mở ra nhan nhản khắp mọi nơi. Hãy xem: Gọi em là ca sĩ/ Bởi vì lúc nào anh cũng thấy em sing. Nào mình cùng yêu mình cùng feel rồi cùng chill. Tôi từng say no vì người ta tỏ thái độ. Mình đẹp ra nhờ ảnh hưởng nếp sống healthy. Học sinh trường trung học Phan Huy Uncle (Phan Huy Chú)… Nghe mà ù cả tai.
Gia đình khá cho con học trường quốc tế suốt 12 năm để sau này đi du học luôn khỏi qua thời gian luyện Anh văn.
Còn những nhà tầm tầm không thể theo đuổi trường quốc tế, chỉ đù sức học trường quốc tế ở bậc mầm non để trẻ học cách diễn đạt tự nhiên. Cách phát âm khó nhất đối với người Việt trong nước là những âm cuối. Điều này có thể khắc phục nếu được giao tiếp Anh ngữ sớm.
Vì thế con gái cô hàng bún đậu mới 2 tuổi rưỡi đã phân biệt viên kẹo màu purple và con gấu màu pink chứ không cần gọi tên màu tím hay màu hồng
Còn bé con 20 tháng tuổi của chủ tiệm trang điểm biết được fish, shoes, mirror… qua những tấm hình trước khi bập bẹ tiếng Việt. Thực ra cô bé này có cha là Việt kiều nên trong nhà mẹ nói tiếng Việt và cha nói tiếng Anh để có thể phát triển song ngữ một lúc nơi đứa bé.
Do quá ám ảnh việc vật lộn với ngoại ngữ khi tuổi đã lớn nên nhiều gia đình buộc con học từ rất sớm. Thật ra tại một số quốc gia trên thế giới, mỗi công dân từ nhỏ tuổi đã buộc phải thông thạo 2,3, thậm chí 4, 5 ngoại ngữ. Hồi Pháp thuộc, những người học chương trình Pháp nói tiếng Pháp “như gió” và thấm nhuần văn hóa Pháp nhưng vẫn giữ được ngôn ngữ, văn hóa Việt, tinh thần Việt. Trong khi đó con gái út của một hoa hậu, 3 tuổi chưa nói được tiếng Việt vì cô giáo ở trường và bà vú ở nhà người Phi đều nói tiếng Anh, anh em nói chuyện với nhau cũng tiếng Anh. Học sinh những trường này thậm chí còn không nói sõi tiếng Việt. Bởi vậy phụ huynh của một trường quốc tế với chi phí khoảng nửa tỷ đồng một năm. lại phải thuê giáo viên buổi tối về kèm con học tiếng Việt.
Đánh giá một con người bây giờ không chỉ là sắc đẹp, văn bằng chuyên môn mà còn là trình độ Anh văn. Như một sinh viên đại học Fulbright từng có biệt danh là hotgirl IELTS 8.5!
Bởi vậy, các lớp dạy tiếng Anh mọc ra như nấm đáp ứng mọi độ tuổi, mọi trình độ, mọi văn bằng, đủ các kỹ năng nói, đọc, nghe, viết… và đương nhiên mọi túi tiền.
Ngày nay việc học hành dễ dàng hơn trước vì có nhiều chương trình học Anh văn miễn phí trên mạng. Trẻ con có thể khá ngoại ngữ phần nào mà không cần tốn tiền, ngoại trừ một chiếc điện thoại mà sau đó khó tránh khỏi một hậu quả đi kèm là mắt cận thị sớm.
Các bậc cha mẹ đều hết lòng lo cho sự nghiệp ngoại ngữ của con em. Một ông bố đóng tiền cho hai con đi học thử ở một trung tâm Anh ngữ. Nghe cô thư ký giải thích một hồi về các chương trình khuyến mãi xem chừng hời hiển nhiên, bùi tai quá, bèn vay ngân hàng đóng học phí hơn trăm triệu, trả lãi vay gần 10 triệu/tháng. Chẳng may chưa được bao lâu thì mới nhận ra lớp học không như quảng cáo: không có giáo viên bản địa, thường xuyên lớp nghỉ vì trường và chủ nhà tranh chấp đòi mặt bằng nên bị cúp điện, cúp nước… Rồi một phụ huynh lại nghe lời đường mật “đóng trước cho niên học năm sau sẽ được bớt 50%”… Đi kiện để đòi lại học phí thì được hứa chờ giám đốc mới sắp xếp lại hệ thống! Nhưng chờ tới bao giờ thì không thấy nói!
Khi xét tuyển vào đại học, nhiều trường đã “chê” các chứng chỉ ngoại ngữ của VN vốn rất tai tiếng vì các vụ mua bằng. Trước kia bằng giả quảng cáo bán nhan nhản trên NET, nhưng nay là bằng giả “thật” tức là có ghi danh đóng tiền vào danh sách trường lớp thi cử hẳn hoi. Chỉ có điều kỳ thi diễn ra cho có để chính thức lấy bằng mà không cần học hành gì cả.
Bây giờ chỉ xét các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như SAT, TOEFL, TOEIC, IELTS…
Phong trào lấy bằng IELTS nở rộ. Đi đâu cũng thấy hỏi nhau. Mấy “chấm” rồi? Học luyện thi IELTS từ tiểu học chứ chẳng chơi. Một học sinh lớp 10 mất 3 buổi tối một tuần luyện thi IELTS. Ngoài ra sáng chủ nhật luyện nghe, nói một thầy, một trò với giá “hữu nghị” (vì bà cố của trò là bạn tập thể dục với bà ngoại của thày) 600 ngàn/ một buổi. Mục tiêu để khi thi tốt nghiệp trung học đã có IELTS 8 “chấm”. Nếu không đi du học thì cũng dễ thẳng tiến vào đại học.
Nhiều bé sau khi tan học lớp mầm non cũng liền được cha mẹ dắt ngay tới lớp Anh văn thiếu nhi. Phụ huynh giải thích: “Nghe nói vào lớp Một mới đi học ngoại ngữ là trễ rồi. Thời gian vàng là học trước 5 tuổi”.
Nhưng nói cho cùng đa số những bé con đó sống trong gia đình có cha hay mẹ hay cả cha lẫn mẹ cùng là giáo viên tiếng Anh, làm với công ty ngoại quốc hoặc sinh sống trong khu vực có nhiều gia đình ngoại quốc nên dễ có môi trường thực tập.
Bởi học là cả một quá trình… gian khổ chứ đâu có vài tháng thông thạo được. Cho nên tốt hơn hết nên bắt đầu từ sớm. Các trường Anh văn quốc tế khỏi nói, mọc ra như nấm với học phí trên trời mà không hề sợ ế khách.
Dù sao trường VN cũng không hề kém cạnh. Các trường mẫu giáo đều mở lớp dạy thêm Anh văn ngoài giờ. Chương trình mẫu giáo đầy đủ các môn: Toán, Vẽ, Hát… Cuối ngày hết giờ học, con nít mệt phờ, tóc tai người ngợm ướt đẫm mồ hôi chua lè vẫn phải ở lại trường lăn lóc ba tiếng đồng hồ một tuần để học thêm Anh văn. Về đến nhà, cha mẹ vô cùng sung sướng khi nghe con líu lo gút mo-ning, hao a du, théng kìu… Lên lớp Một, học sinh vẫn tiếp tục hết giờ học nhà trường tất tả đi học thêm Anh văn ba buổi tối một tuần hoặc hai buổi cuối tuần.
Giỏi nhưng không đủ tiền vào trường quốc tế là thi vào lớp song ngữ hoặc lớp chuyên ngoại ngữ trường công. Muốn vào lớp này cần luyện thi vài năm trước và sau khi đậu vào, muốn theo kịp, học sinh phải rất… khỏe mạnh. Bởi lẽ ngoài chương trình phổ thông học như tất cả mọi người, học sinh còn học thêm một số môn song ngữ.
Để theo một chương trình nặng như thế, học sinh lại phải đi… học thêm. Chen chân vào các trường có lớp song ngữ này không dễ chút nào vì đó là trường chuyên. Trong trường có nhiều lớp nhưng không phải tất cả đều là lớp song ngữ cả. Những lớp song ngữ thường nằm dãy riêng, phòng có máy lạnh cũng như mọi tiện nghi đầy đủ đẹp đẽ. Bởi dính tới Anh văn, tức dính tới… tư bản nên thường là sang như vậy!
Một giáo viên tư gia thu học phí tám trăm ngàn/tháng, tuần ba buổi, mỗi buổi một tiếng rưỡi, nếu đóng chín trăm thì được học “thầy ngoại” một tiếng/tuần. Một giờ “thầy ngoại” đắt gấp 4.5 “thầy nội” mặc dù ông thầy ngoại ở những lớp đó thường được “vớt” từ đám Tây ba lô và chỉ học bốn giờ đồng hồ trong một tháng, thậm chí có nơi thầy ngoại một tháng đứng lớp có một giờ thôi. Một giờ cho suốt một tháng thì học được bao nhiêu. Dẫu sao học viên nhìn “thầy ngoại” rất bắt mắt và tin tưởng hơn! Trung tâm nào quảng cáo “thầy ngoại” hoặc “thầy bản xứ” làm chiêu câu khách có kết quả rõ rệt… Điều đó đáp ứng nhu cầu của học viên bởi ai tới cũng hỏi câu đầu tiên: “Có thầy ngoại không?”. Có mới học, không thì thôi bất kể dạy ra sao…
Học Anh văn nhân thể trám thời gian cho lũ trẻ con khỏi rảnh rang nhiều quá, mất công la cà ngoài đường, mê mải chơi game cho nên cạnh trung tâm, các lớp tư gia cũng rộn rịp vô cùng. Nhà bà Bảy có ba người con: anh Hai tốt nghiệp Cử nhân Anh văn, chị Ba học Sư phạm khoa Nga văn với Anh văn là sinh ngữ phụ, chị Tư có chứng chỉ B Anh văn. Thế là nhà bà treo bảng Trung tâm Anh văn dạy suốt ngày sáng trưa chiều tối đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi trình độ. Lớp của anh Hai có mười em học ở phòng khách, chị Ba dạy năm trò trong phòng ngủ dẹp gọn gàng, chị Tư kèm sáu nhóc ở bàn ăn… Hết lớp này ra, lại lớp khác vào nườm nượp. Bà Bảy lo trông chừng đống giày dép trước cửa tránh kẻ gian đi ngang quơ, kiêm giám thị la hét lũ nhỏ giữ gìn trật tự, vừa bày hàng bán da-ua, bánh kẹo, nước ngọt… Cả nhà sống thảnh thơi nhờ cái Trung tâm Anh văn cấp hẻm này.
Cũng không hiểu sao nhiều nơi không gọi là trường hay lớp Anh văn… mà nhất định gọi là Trung tâm ngoại ngữ hay Trung tâm Anh văn… nghe “oai” hơn thì phải. Một số nơi học phí rẻ nên đông học viên nghèo. Mỗi lớp nhồi nhét vài chục học viên chen chúc trong phòng học nhỏ xíu. Dĩ nhiên những trung tâm loại này thường dạy căn bản với các lớp học thi lấy chứng chỉ thấp. Thiên hạ thường học quáng quàng sao lấy được những chứng chỉ buộc phải có để hoàn tất hồ sơ tốt nghiệp đại học hoặc nộp xin việc… Học… mệt lắm trong khi những kiến thức từ những tấm bằng căn bản đó chẳng đủ để dùng chuyện gì trong thực tế. Chỉ thị trường buôn bằng lúc nào cũng rộn rịp.
Vô số trường ngoại ngữ. Các trường Anh văn kiểu mới có phòng ốc máy lạnh, trang trí đẹp mắt, phương pháp học cũng mới mẻ nên thu hút nhiều học viên. Lợi nhuận thu được quá cao nên có trường mở đến mấy chục chi nhánh khắp nơi mà vẫn không gạt hết khách. Do nhiều trường mở quá nên các trường tìm mọi cách cạnh tranh.
Một phụ huynh rảo một vòng các trung tâm Anh văn để tìm chỗ học tốt cho con trai. Cô thư ký miệng trơn như bôi mỡ sau khi quảng cáo, đã yêu cầu:
– Học phí đóng ba tháng một lần.
Ba tháng gộp lại là cả một số tiền lớn nên chị nọ phân vân:
– Tôi không biết cháu nó theo kịp không?
Cô thư ký sốt sắng:
– Chị đóng trăm rưởi, em mời thầy đến “tét” ngay, rồi đóng tiền học liền.
Cảm thấy bị “ví” quá, chị thận trọng:
– Để tôi còn bàn với gia đình một chút.
Cô thư ký đổi giọng coi thường:
– Chị có “khả năng” không đó? Ý cô muốn nói có đủ tiền đóng học phí không mới nói chuyện tiếp chứ cứ bày đặt hỏi chương trình này, giáo viên nọ tới khi nghe giá tiền de luôn mất thời giờ quá. Cô dịu giọng lại ngay dỗ dành:
– Chị đóng tiền “tét” trước giữ chỗ rồi lúc nào muốn học sau cũng được. Thôi được, chị để số điện thoại và địa chỉ lại đây…
Chị phụ huynh muốn bốc hỏa khi hôm trước đi ăn đám cưới nghe con chị họ nói tiếng Anh vèo vèo nhờ anh rể là người Ấn Độ, cháu ông chú hát tiếng Anh líu lo vì có dâu lai Singapore. Chị bàn với gia đình hay là mình ra khu Đề Thám kiếm ông Tây nào đứng lớ ngớ ngoài công viên mời về nhà dạy, giá rẻ mà chất lượng thì đúng là… Tây!
Phong trào du học rầm rộ khắp nơi. Trước kia thường sau khi tốt nghiệp phổ thông xong, học sinh mới du học chương trình đại học nhưng nay thì khác, nhiều gia đình lo cho con du học từ lớp 9, lớp 10 và đi đủ khắp các nơi. Nếu không Anh, Mỹ, Canada, Úc… thì Thái Lan, Mã Lai, Singapore… Học xứ nào cũng được miễn ra khỏi biên giới VN là… bảnh rồi.
Chị bán trái cây ngoài chợ nhỏ chịu chơi tới mức thế chấp căn nhà ọp lấy tiền cho con gái đi Mỹ học từ lớp 10. Dự định hai tháng sau khi con gái rời VN, chị sẽ xin tòa lãnh sự sang thăm con rồi ở lại tìm việc làm, rửa chén lặt rau gì đó rồi tìm cách ở lại, rồi bảo lãnh tiếp cho chồng và đứa con út sang Mỹ… Thật nhất cử lưỡng tiện. Một đứa con du học mà mở đường cho cả gia đình xuất ngoại luôn!!
Cho nên sau nhiều tuần suy tính thiệt hơn, chị quyết định bàn với chồng kế hoạch thắt lưng buộc bụng nhằm dồn tài chính cho con đi học Anh văn, không phải để ganh đua ở Saigon vì xem chừng mình chẳng hơn ai nổi, mà là bắt đầu một chương trình dài hơi nhằm ươm giấc mơ… xuất ngoại!
Sài Gòn Cô Nương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét