Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2024

CHÚ CHÁU CÙ HUY XUÂN THI ĐÓN TẾT DƯƠNG LỊCH 2024 TẠI KINH ĐÔ THĂNG LONG - HÀ NỘI - Cù Huy Hà Vũ

Chú cháu Cù Huy Xuân Hiếu – Cù Huy Xuân Thi, Hà Nội, Tết dương lịch 2024
Chú Xuân Hiếu làm việc ở xa Hà Nội, tít tận Australia, xứ sở của các con chuột túi. Thành thử, Xuân Thi sinh ra và lớn lên không ở gần Chú. Thế nhưng, Xuân Thi luôn biết Bố Xuân Đức có một người em trai, nghĩa là nó có một người chú. Ký ức bé bỏng của nó vẫn còn lưu lại hình ảnh, dù không thật rõ nét, của Chú và người yêu của Chú, Cô Fay, khi hai người về thăm nhà cách đây 3 năm, lúc nó mới 2 tuổi. Bố Mẹ lao xao tiếp đón Chú, đặc biệt cô bạn gái mắt phượng tuyệt xinh đẹp của Chú nên Xuân Thi, điều này phải nói thực, có lúc bị để lại hậu trường. 
<!>
Những lúc ấy Xuân Thi “vò đầu bứt tai” theo đúng nghĩa đen của từ này. Tỏ cái ý trong nhà nó là “cô gái” duy nhất và vì vậy, là “đối tượng” duy nhất đáng được săn sóc, chiều chuộng!

Nhưng rồi với thời gian, Xuân Thi hiểu dần các mối quan hệ gia đình. Với bản năng của một phụ nữ tương lai, Xuân Thi dần trung hòa được hai trạng huống trái ngược nhưng không đối lập nhau: được người khác yêu chiều và yêu chiều người khác. Dĩ nhiên, ở khía cạnh thứ hai, “đối tượng” là Bố Mẹ, Ông Bà Nội, rồi Chú Xuân Hiếu... Bố Mẹ thì ở với mình hàng ngày nên mình yêu chiều Bố Mẹ biết là bao nhiêu dường như vẫn không thực sự gây chú ý đặc biệt nơi hai người lớn ấy. Quấn quýt bên Bố, giúp Mẹ dọn cái này, cái kia…không phải là sự kiện. Ông, Bà Nội cũng ở xa lắc, tận bờ bên kia Thái Bình Dương, cách nhà cả nửa vòng Trái đất. Có facetime thì cũng quanh đi quẩn lại,“Cháu chào Ông, Bà ạ! Ông, Bà có khỏe không ạ? Xuân Thi nhớ Ông Bà lắm!” Rồi trả lời vài câu hỏi của Ông, Bà. Mà mấy câu hỏi ấy cũng đã thành khuôn. Thực tình mà nói, Ông, Bà hỏi để mà hỏi, cốt được ngắm khuôn mặt thánh thiện và nghe giọng nói thần tiên của đứa cháu nội gái duy nhất, càng lâu càng tốt.

Vậy là chỉ với Chú Xuân Hiếu thì Xuân Thi mới có thể có một giao tiếp chủ động, tức đóng vai “chủ thể” chứ không chỉ là “đối tượng” của các quan hệ gia đình. Lần gần nhất gặp Chú là đầu tháng 3 vừa qua, bên Bangkok, khi làm "phù dâu nhí" trong đám cưới của Chú với Cô Fay. Nghĩa là vẫn trong vai trò bị động. Thế nên, được tin Chú sẽ về hôm trước ngày cuối năm để cùng đón Tết Dương lịch, Xuân Thi cả ngày chộn rộn. Đó không chỉ là dịp bày tỏ tình cảm của cô cháu gái duy nhất với ông chú duy nhất, mà còn là cơ hội để Xuân Thi, giờ đã lên 5, thể hiện bản thân.

Trời xẩm tối, Chú Xuân Hiếu mới từ sân bay về tới nhà bằng taxi. Xuân Thi vội cùng Bố Mẹ ra ngoài cổng Nhà 24 Điện Biên Phủ để đón. Thấy một ôtô đang đánh đèn ngoặt vào cửa nhà, nó nhảy cẫng lên, chỉ tay vào xe và hét tướng với Bố Mẹ: “A! Chú kia kìa!”, như thể vừa phát minh một điều gì to tát. Thế rồi chân sáo, Xuân Thi nhảy đến sát cửa xe, mái tóc đen mượt chấm hông tung tăng theo. Cửa mở, Chú Xuân Hiếu bước ra, nó giang cả hai tay hướng về Chú. Chú ôm lấy đôi vai bé bỏng của cô cháu gái cưng thì nó lại quay đi. Con gái tính thẹn thùng hay để che dấu xúc động? Có lẽ cả hai.

Chú Xuân Hiếu đưa Xuân Thi một túi quà to. Quà nào mình cũng thích! Mẹ Mai Hương, Ông Nội hay gọi là Xuân Hương (Ông bảo cứ ai là con cháu Ông thì đều có tên đệm là Xuân hết!), nhanh chóng dọn ra bữa tối ngon thật là ngon. Mẹ bảo Mẹ đã chuẩn bị từ chiều để Bố và Chú hàn huyên với nhau trong ấm cúng. Bố lúc nào cũng hể hả: “Em trai! Em trai!” Thế mới biết, Chú có thành đạt bao nhiêu, về nhà Chú vẫn chỉ là cậu em bé bỏng của Bố. Mặc dù ưu tiên nói chuyện với Bố Mẹ, Chú vẫn để Xuân Thi ngồi bên, chốc chốc lại âu yếm hỏi han để tỏ quan hệ “liên minh” giữa hai chú cháu. Có nhiều chuyện để Xuân Thi khoe với Chú. Nhưng thôi! Giờ thì muộn rồi, đã đến giờ lên giường của Xuân Thi. Chú Xuân Hiếu cũng vậy, chú cần phải ngủ để phục sức sau một chuyến bay dài.

Sáng hôm sau, cả nhà đi ăn sáng. Chú Xuân Hiếu cứ tấm tắc đồ ăn Hà Nội sao mà ngon thế! Chỉ món bún thôi cũng đã đủ cả một "hệ sinh thái"(theo cách nói thời thượng): bún Mọc dọc mùng, bún chả, bún ốc, bún thang, bún cá, bún đậu mắm tôm...Chuyện này thì chả trượt vào đâu. Người Hà Nội từ xưa đã nổi tiếng thanh lịch, ăn uống cầu kỳ nhưng cũng lại rất tinh tế. Mặc dù vậy, xa quê hương lâu ngày cộng với cái kiểu ăn quà độc đáo, hay nói đúng hơn, “chả giống ai” - bàn ghế mini bày tràn vỉa hè, chốc chốc lại chạy công an phường như chạy giặc - hẳn đã góp phần khiến Chú chấm “ăn quà Hà Nội” điểm tuyệt đối!


Chú cháu Cù Huy Xuân Hiếu – Cù Huy Xuân Thi, Hà Nội, Tết dương lịch 2024

Chốn đầu tiên Xuân Thi định dắt Chú đi khoe là Trường mầm non Happy Kids, nơi nó đã là thành viên được hơn 3 năm. Tiếp theo sẽ là Học viện quốc gia âm nhạc Việt Nam ở Ô Chợ Dừa, nơi nó đang học piano. Thế nhưng cả hai trường đều nghỉ lễ nên cả nhà kéo nhau đến Gym nơi Bố Mẹ hàng ngày luyện tập. Bên Australia, chú Xuân Hiếu cũng là đệ tử của Gym. Chú có một thể hình tuyệt vời, chả kém gì Bố. Mẹ cũng vậy, là một thành viên thường trực của ngôi đền sức khỏe này. Xuân Thi chả chịu kém, cũng theo Bố Mẹ đến đây để tập đấm bốc. Chả là trong lớp có thằng Chuối hay bắt nạt Xuân Thi và mấy bé gái khác. Chẳng bao lâu nữa đâu, nó tự nhủ, thằng Chuối sẽ "biết tay"! Và các bạn gái cùng lớp sẽ không còn phải sợ hãi nữa!

Bổ sung cho câu chuyện tíu tít giữa hai chú cháu, Chú Xuân Hiếu kéo Xuân Thi đến thăm ngôi trường nơi Chú từng học, cách nhà chỉ hơn trăm mét, đi bộ được luôn.

Đó là Trường tiểu học Thăng Long ở Ngõ Trạm, cạnh chợ Hàng Da. Trường đã gần trăm tuổi, gắn với những người nổi tiếng của nước Việt hiện đại. Năm 1928, Cụ Hoàng Minh Giám đã lập ra và là Hiệu trưởng trường này, lúc đó có tên Trường trung học tư thục Thăng Long và là trường tư thục lớn nhất Hà Nội. Mục đích chính của Trường là chống chính sách ngu dân của thực dân Pháp, nối chí Đông Kinh Nghĩa Thục khơi dậy và nuôi dưỡng nơi học sinh lòng yêu nước, tự hào dân tộc, không chịu làm nô lệ. Trong số các cựu giáo viên của trường có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nhà báo Phan Thanh, Giáo sư Đặng Thái Mai, Giáo sư Phạm Huy Thông, Giáo sư Nguyễn Xiển, Kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện, Luật sư Phan Anh, Giáo sư Nguyễn Lân, Luật sư Vũ Đình Hòe, Nhà văn Khái Hưng, Nhà thơ Vũ Đình Liên, Nhà thơ Xuân Diệu...

Hiện tại, Xuân Thi chưa hiểu được công trạng của những tên tuổi ấy, nhưng chí ít nó biết được hai điều. Thứ nhất, "Thăng Long". Khi đưa cả lớp đi thăm Hoàng thành Thăng Long, cô giáo giải thích: "Thăng Long" có nghĩa "Rồng bay lên", được Vua Lý Công Uẩn lấy làm tên cho kinh đô mới vào năm 1010, tức Thủ đô Hà Nội ngày nay." Thứ hai, "Xuân Diệu". Đó là Cụ của Xuân Thi, người mà nó thừa hưởng đôi lông mày đầy nghĩa khí. Mà Cụ Xuân Diệu cũng là một con Rồng. Cụ vẫn hay nói với mọi người: “Má tôi bảo tôi sinh ngày Thìn, tháng Thìn, năm Thìn (Bính Thìn, 1916).”

Vẻ trịnh trọng, Bố thông báo năm học tới, Xuân Thi sẽ vào học lớp 1 tại ngôi trường tiểu học nổi tiếng bậc nhất này của Việt Nam. Xuân Thi reo lên: "Hay quá! Con sắp được học trường của Chú Xuân Hiếu rồi!" Rồi không kém phần nghiêm trang, nó bảo: "Khi nào con vào học, Bố nhớ chỉ cho con lớp Cụ Xuân Diệu đã dạy nhé!" Cả nhà ngẩn người. Thế mới biết trẻ con bây giờ khôn thật!

Tiếp đó, cả nhà đến Nhà thờ Lớn Hà Nội, có tên nguyên thủy là Saint - Joseph. Đó là công trình xây dựng đầu tiên và là một kiệt tác của chủ nghĩa thực dân Pháp trên đất kinh kỳ. Với cột trụ cao, cửa sổ hình cung và đỉnh nóc hình chóp đặc trưng của kiến trúc Gothic, nhà thờ được xây trên nền cũ của chùa Báo Thiên vào năm 1884 và khánh thành đúng Giáng sinh hai năm sau đó, 24/12/1886,. Sẽ không ngoa nếu nói rằng tòa kiến trúc Công giáo này là hiện thân của Nhà thờ Đức Bà Paris (Nôtre Dame de Paris), vốn rất nổi tiếng qua tiểu thuyết cùng tên của đại văn hào Pháp Victor Hugo. Mười năm nữa thôi, Xuân Thi sẽ đọc tác phẩm văn học kinh điển này. Chắc rồi cô nàng cũng sẽ thổn thức, như bao thiếu nữ khác trên toàn thế giới, với mối tình đơn phương nhưng quyết liệt của Quasimodo, một gã kéo chuông nhà thờ thiệt thòi đến tột đỉnh, vừa gù, vừa mù, vừa thọt, với nàng vũ nữ đường phố kiều diễm có tên Esméralda...


Chú cháu Cù Huy Xuân Hiếu – Cù Huy Xuân Thi, 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội, Tết dương lịch 2024

Một trong những nơi ưa thích nhất của Xuân Thi ngoài trường học là các hiệu sách. Cụ thể là những khoang sách thiếu nhi. Thế là nó bảo Bố Mẹ dẫn Chú Xuân Hiếu và nó đến một trong những nơi đó. Đây là thế giới của em, là "sàn diễn" của em! Em là “chủ thể” chốn đây! Xuân Thi tỏ vẻ. Chả thế, đứng chụp ảnh với Chú mà nó tạo dáng cứ như người mẫu chuyên nghiệp vậy!

Bữa trưa, cả nhà đến quán “Phố Ngon”. Trong lúc đợi nhà hàng sắp chỗ, Xuân Thi đàng hoàng ngồi tiếp chuyện Chú ở sảnh. Nó hỏi, "Chú ơi, nơi chú có nhiều bé gái như cháu không? Các bạn ấy có bị bắt nạt không?" Lại hỏi, "Bao giờ Chú có em bé?" Rồi "buộc" luôn, "Khi nào có, Chú nhớ mang em bé về chơi với cháu nhé! Cháu sẽ bón cho em bé ăn"... Chú Xuân Hiếu ôn tồn trả lời, bởi đã quen với các cuộc phỏng vấn đầy thách thức khi đi tìm việc. Nhưng đôi khi trước câu hỏi của cô cháu gái xinh xắn, chú cũng chẳng biết đâu mà lần. Mà các câu hỏi của Xuân Thi thì giải đáp cả ngày chả hết! May thay, người phục vụ xuất hiện, báo đã có bàn. Xuân Thi lập tức tự giới thiệu: “Em là Cù Huy Xuân Thi. Còn đây là Chú của em, Cù Huy Xuân Hiếu. Hai chú cháu đều là Cù Huy cả!” Đến khi vào bàn ăn, Xuân Thị lại chọn ngồi bên cạnh Chú. Cứ là gắn với Chú như keo!

Buổi tối, Mẹ dọn bữa Giao thừa trên cái bàn đặt giữa sân. Món chủ đạo là một cái đùi dê nướng. Có lẽ để có vị Tết Tây, nhất là Chú Xuân Hiếu từ Australia về. Như thành lệ, Xuân Thi sẽ sàng lại ngồi bên Chú. Mọi người, kể cả Xuân Thi, cụng ly trong ánh nến lung linh. Có điều ly của nó là Coca thay vì rượu vang. Câu chuyện rôm rả làm mọi người quên khuấy cả thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Chỉ khi có tiếng lốp bốp của pháo hoa, Chú Xuân Hiếu mới vội dắt Xuân Thi chạy ra hè phố, nơi nhiều người khác cũng đã túa ra, để có thể thoải mái ngắm các quầng lửa đủ màu vọt lên từ tám hướng…

Xuân Thi chạy đi chạy lại quanh Chú, khuôn mặt rạng ngời, đôi mắt ánh lên muôn nghìn tia sáng... Giá ngày nào cũng là Tết, để cả nhà được sum họp, nó thầm ước. Để được hãnh diện khoe với mọi người: “Đây là Chú của em, Cù Huy Xuân Hiếu!”

C.H.H.V
1/1/2024
Garden Grove, California, Hoa Kỳ

Không có nhận xét nào: