Tin rất được nhiều người chú ý! Vì nhân vật có nhiều nhà cửa ở vùng Bay Area, quen biết rất nhiều người ở San Jose, Nguyễn Công Khế, (cựu tổng biên tập báo Thanh Niên), đàn em Trương Tấn Sang, bị bắt! hôm qua! -Sau nhiều lời đồn đoán, Nguyễn Công Khế, cựu tổng biên tập báo Thanh Niên đã bị bắt, sau khi đã bị triệu tập liên miên vài tháng qua, cũng như bị cấm xuất cảnh. Báo đảng hôm qua, 16/1 cho hay, Nguyễn Công khế bị khép tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.”
<!>
Cùng bị bắt với Khế là Nguyễn Quang Thông, người kế nhiệm tại báo Thanh Niên.
Hồ sơ của Công an TP.HCM cho hay, Khế và Thông “có nhiều vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện dự án cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp tại 151 – 155 Bến Vân Đồn, phường 6, quận 4, TP.HCM.”
Trên trang cá nhân, blogger Bùi Thanh Hiếu bình luận: “Nguyễn Công Khế có quan hệ mật thiết với ít nhất bốn đời chủ tịch nước từ Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng.
Những chủ tịch nước này đều qua lại gắn bó thân tình với Khế, từ việc gia đình cưới xin, giỗ lạt hay hội hè. Hiếm có một nhân vật nào mà có quan hệ được bốn đời chủ tịch nước như vậy.
Trong nhiều năm với sự ảnh hưởng do quen thân các đời chủ tịch nước, Khế là trung tâm của việc mua quan bán chức và móc nối những phi vụ làm ăn giữa các đại gia lớn. Có tin từ nội bộ, có mạng lưới truyền thông phủ rộng cả nước, nắm trong tay những tờ báo lớn cùng với đội ngũ truyền thông mạng gồm những cây viết sừng sỏ. Nhiều quan chức và các đại gia đều khiếp sợ trước Khế.
Đòn quen thuộc của Khế là dùng báo chí như báo Thanh Niên, Một Thế Giới đưa tin. Các tay chân truyền thông hứng tin bơm thổi lên. Bên trong các ủy viên Bộ Chính trị thân thiết với Khế đưa ý kiến trong các buổi họp Bộ Chính trị về nhân vật nào đó, đề nghị xử lý kỷ luật.
Ngoài ra Khế còn chiêu dụ các nhân sĩ, trí thức háo danh. Những loại nhân sĩ, trí thức thấy ảnh hưởng của Khế lớn, mò đến xin gặp, xin được chụp tấm hình ở tư gia nhà Khế và lấy đó làm vinh dự. Kể cả những nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ trong và ngoài nước đều lấy việc ngồi ở nhà Khế như là vinh dự, như đẳng cấp của họ đã được nâng lên một tầm khác.
Nếu phía Bắc có Hoàng Văn Chánh tức Chánh Buôn Vua thì phía Nam có Khế Buôn Vua. Chánh ít nhiều còn kín tiếng, không phô trương quá mức. Còn Khế thì thể hiện công khai ảnh hưởng và uy quyền của mình. Chánh lợi dụng ảnh hưởng kiếm chác quanh mấy công ty xây dựng sân sau, còn Khế phủ sóng tất. Từ bất động sản, văn hoá nghệ thuật… cái gì Khế cũng thọc tay vào kiếm chác. Điển hình sự khốn nạn của Khế là vụ Kit thử của Việt Á và vụ vắc xin Nanocovax của Hồ Nhân. Nếu như Nguyễn Xuân Phúc không bị tố cáo vì để vợ gây ra vụ Việt Á, chắc hẳn tiếp đó sẽ có Hồ Nhân hốt bộn bạc ngân sách nhà nước từ thứ vaccinn được sản xuất công nghệ như Việt Á làm kit.
Khu du lịch Yến Xuân của vợ chồng Khế bị phát hiện chứa ổ nhóm thanh niên bay lắc vào ngày 30/1/2023, báo chí đưa tin không dám nhắc tên, tờ báo nào nhắc tên đều tự động hôm sau gỡ bỏ.
Khôi hài là tờ báo Thanh Niên trước đó đăng nhiều tin chi tiết về các vụ khu sinh thái, du lịch, khách sạn ở mọi nơi chưa chấp bay lắc, sử dụng ma tuý. Nhưng đến vụ cơ sở của ông trùm Công Khế thì tờ báo này im bặt.
Khế dập được vụ bay lắc diễn ra tại khu du lịch, nghỉ dưỡng của vợ chồng y tại Bình Thuận êm ả. Báo chí không dám nhắc đến bài thứ hai, không thấy tin tức xử lý nhóm thanh niên bay lắc cũng như xử phạt chủ cơ sở kinh doanh.
Việt Nam muốn thay đổi thể chế cộng sản này phải cần đến những người như Nguyễn Công Khế. Đây là sự thật. Vì chỉ có những nhân tố như Khế mới làm tha hóa, bại hoại được quan chức, Khế móc nối cho các quan chức cao cấp các mối kiếm tiền, kiếm chức.
Cần có nhiều kẻ như Hòa Thân mới khiến triều đình cạn kiệt ngân khố, quan lại tham nhũng, đất nước mục rỗng và triều đại mới đi đến diệt vong.”
Danh sách một số nhà của Nguyễn Công Khế ở Mỹ.
(Hình: Tổng biên tập báo Thanh Niên của CSVN, cùng toàn thể gia đình trên đất Mỹ)
Người “chiến sĩ cách mạng” năm xưa, từng hăng say biểu tình chống chế độ VNCH và phục vụ đảng CSVN cả cuộc đời, giờ sắm cả hàng loạt nhà bên Mỹ cho con cái ở trên đất Mỹ, chưa kịp xuất cảnh, thì bị bắt!
• 3565 Seven Hills Rd, Castro Valley, CA 94546-2045
• 3657 Seven Hills Rd, Castro Valley, CA 94546-2047
• 4648 Mia Cir, San Jose, CA 95136-2325
• 3427 Salisbury St, Oakland, CA 94601-3133
• 4 Captain Dr Apt E203, Emeryville, CA 94608-1715
– (Bùi Thanh Hiếu FB)
Hai Nguyên Tổng Biên Tập Báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế và Nguyễn Quang Thông Bị Bắt Giam
-Ông Nguyễn Công Khế-nguyên Tổng biên tập Báo Thanh Niên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên, và ông Nguyễn Quang Thông-nguyên Tổng biên tập báo Thanh Niên vào ngày 16/1/2024 bị khởi tố, bị bắt giam, bị khám xét nhà ở và nơi làm việc.
Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Công an Tp. HCM thông báo các biện pháp vừa nêu trong cùng ngày đối với hai ông Nguyễn Công Khế và Nguyễn Quang Thông.
Cả hai bị điều tra tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" trong quá trình khai triển, thực hiện Dự án cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại và căn nhà cao cấp tại khu đất 151-155 Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4, Sài Gòn.
Viện Kiểm sát Nhân dân Tp HCM đã phê chuẩn các quyết định và lệnh tố tụng vừa nêu.
Theo các thông tin được đăng tải trên cổng thông tin Chính phủ vào từ truyền thông nhà nước, vào năm 2008, báo Thanh Niên có chủ trương mua Khu đất của Nhà máy Thuốc lá Sài Gòn (địa chỉ số 151-155 Bến Vân Đồn, phường 6, quận 4) để xây dựng trụ sở tòa soạn.
Ông Nguyễn Công Khế lúc đó là Tổng biên tập báo Thanh Niên đã ký Hợp đồng hợp tác với Công ty Cổ phần Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên (Báo Thanh Niên chiếm 51% vốn điều lệ) và Công ty Cổ phần Du lịch và Dịch vụ Vinpearl thành lập Công ty Cổ phần Bất động sản Thanh Niên để thực hiện Dự án cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại và căn nhà cao cấp trên khu đất này. Báo Thanh Niên góp vốn là quyền sử dụng khu đất.
Tuy nhiên, sau đó hai bên đã thoả thuận chấm dứt hợp đồng và khu đất được chuyển nhượng cho tư nhân, gây thất thoát tài sản Nhà nước.
Ông Nguyễn Công Khế là nhà báo đồng sáng lập báo Thanh Niên và đảm trách vai trò Tổng biên tập từ năm 1988 đến năm 2008. Trước năm 1975, ông Khế hoạt động trong phong trào sinh viên, học sinh chống chính quyền Sài Gòn. Sau năm 1975, ông công tác tại Thành đoàn Tp. HCM. Ông từng có thời làm tại báo Phụ Nữ Việt Nam trước khi sáng lập Báo Thanh Niên.
Ông Nguyễn Quang Thông làm Tổng biên tập báo Thanh Niên từ năm 2009 đến năm 2021.
Tin Quốc Tế Đó Đây
***
Phi Đạn Iran Tấn Công "Căn Cứ Gián Điệp" Do Thái ở Iraq
(Hình: Cho thấy khói bốc lên từ một tòa nhà tại Irbil, Iraq, ngày 16/1/2024, được cho là mục tiêu tấn công của Iran.)
-Trong đêm 15, rạng sáng 16/1/2024, Iran đã tấn công bằng phi đạn vào nhiều mục tiêu tại Iraq và Syria.
Theo Bộ Ngoại giao Iran, các cuộc tấn công với "độ chính xác cao" này là phù hợp với "quyền tự vệ chính đáng" của Tehran nhằm bảo vệ an ninh quốc gia. Thông tín viên Siavos Ghazi của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình từ thủ đô Tehran của Iran:
Theo tuyên bố của lực lượng Vệ binh Cách mạng, các căn cứ của Daech, đặc biệt là chi nhánh Khorasan và đảng Turkestan, ở cực Bắc Syria giáp với Thổ Nhĩ Kỳ, đã là mục tiêu tấn công để đáp trả vụ khủng bố ngày 3/1 ở Kerman khiến gần 100 người thiệt mạng, vụ khủng bố mà Daech đã nhận trách nhiệm.
Trong khi đó, các cuộc tấn công nhắm vào Erbil, khu vực người Kurdistan ở Iraq, vào một trung tâm gián điệp Mossad của Do Thái, là nhằm đáp trả việc Do Thái ám sát các chỉ huy của lực lượng Vệ binh Cách mạng và các lực lượng thuộc liên quân chống Do Thái. Một viên chức cấp cao của Vệ binh Cách mạng, Seyed Razi Moussavi, đã bị giết vào cuối tháng 12/2023 trong một cuộc tấn công của Do Thái ở Damas, cũng như một thủ lĩnh Hezbollah và một viên chức Hamas đã thiệt mạng trong hai cuộc tấn công ở Lebanon vào tháng 1.
Các cuộc tấn công của Iran diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực vốn đã căng thẳng, chiến tranh giữa Do Thái và Hamas làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột lan rộng trong khu vực, đặc biệt là khi các mục tiêu nhắm tới ở Syria nằm cách Iran hơn 1.200 cây số. Đây là một thông điệp gửi tới Do Thái, cũng nằm ở một khoảng cách tương tự. Bất chấp cảnh báo từ Hoa Kỳ và Anh, Iran đã thực hiện các cuộc tấn công này, nhằm chứng tỏ Tehran không sợ các đe dọa từ Hoa Thịnh Ðốn và Luân Đôn.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 16/1 đã lên án cuộc tấn công của Iran vào khu vực của người Kurdistan ở Iraq. Về phần mình, Bộ Ngoại giao Pháp nhấn mạnh đây là các hành động xâm phạm chủ quyền của Iraq "không thể chấp nhận được" và "góp phần làm gia tăng căng thẳng tại khu vực".
Hamas Trưng Bày Thi Thể 2 Con Tin Để Gây Áp Lực Với Do Thái
(Hình: Khách tham quan trong một đường hầm mô phỏng đường hầm ở Gaza, một cách để tỏ tình liên đới với các con tin trong tay Hamas. Tel Aviv, Do Thái, ngày 13/1/2024.)
-Ngày 15/1/2024, lực lượng vũ trang Palestine Hamas phổ biến một video cho thấy thi thể của 2 con tin Do Thái và một phụ nữ trẻ, cũng là con tin, thông báo cái chết của họ. Trong một video khác, các con tin Do Thái kêu gọi Nhà nước Do Thái ngưng chiến để cứu sống họ.
Mục tiêu của phe Hamas là buộc chính phủ Do Thái phải chấp nhận ngừng bắn ở Gaza trong khi tình hình nhân đạo đã trở nên nguy kịch: Hơn 23 ngàn người chết trong các cuộc tấn công của Do Thái, theo số liệu do Bộ Y tế Hamas đưa ra.
Từ thủ đô Jerusalem của Do Thái, thông tín viên Sami Boukhelifa của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường thuật:
Một video và một đoạn âm thanh đáng sợ. Khuôn mặt của ba con tin người Do Thái trong tay phe Hamas xuất hiện. Một dấu chấm hỏi mầu trắng trên nền mầu đỏ. Câu hỏi đó là: Ai còn sống, Ai đã chết? Đoạn video theo kiểu phim giật gân, tình tiết hấp dẫn, kết thúc bằng câu: "Quý vị sẽ biết được điều đó tối nay".
Vài tiếng đồng hồ sau đó, phe Hamas cho đăng đoạn video thứ hai. Có ba con tin, hai đàn ông, một phụ nữ phát biểu riêng lẻ, giới thiệu họ tên và tuổi tác, mô tả điều kiện bị giam giữ "không nước, không thức ăn". Một người trong số họ khẩn khoản cầu xin Thủ tướng Do Thái: "Benyamin Netanyahu, xin ông hãy ngưng cuộc chiến này".
Người phụ nữ trẻ bị bắt là Noa Argamani. Cô ấy nói nhiều hơn. "Chúng tôi được đối xử tốt, dù là thiếu thốn đủ thứ. Chúng tôi từng trú trong một tòa nhà, đã bị chiến đấu cơ của Do Thái oanh kích, một chiếc F-16, bắn ba phi đạn. Chúng tôi được tìm thấy dưới đống đổ nát. Những binh sĩ của Qassam (nhánh vũ trang của phe Hamas) đã cứu sống tôi. Hai con tin khác đã bị chết". Đó là lời kể của cô gái trẻ trong đoạn video được ghi lại dưới sự cưỡng ép.
Quả thực, quân đội Do Thái bày tỏ "lo lắng về cái chết của hai trong số ba con tin" xuất hiện trong video, nhưng phủ nhận hoàn toàn mọi trách nhiệm về cái chết của họ".
Thông tấn xã AFP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Do Thái Yoav Gallant hôm 16/1/2024 tuyên bố "giai đoạn dồn dập nhất của cuộc chiến tại miền Nam dải Gaza sắp kết thúc". Chính phủ Do Thái trước đó đã thông qua một ngân sách bổ sung 15 tỉ Mỹ kim nhằm chi trả cho cuộc chiến.
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres hôm 15/1 đã một lần nữa kêu gọi một "lệnh ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức" nhằm bảo đảm cho công tác trợ giúp nhân đạo, cũng như "tạo điều kiện cho việc trao trả con tin".
Ukraine Khẳng Định Bắn Hạ 2 Máy Bay Chỉ Huy và Trinh Sát của Nga
(Hình: Một máy bay trinh sát tầm xa Beriev A-50 của Nga. Ảnh do Không quân Na Uy chụp trong bầu trời vùng biển quốc tế ngoài khơi Na Uy ngày 17/8/2027.)
-Ngày 15/1/2024, quân đội Ukraine cho biết đã phá hủy 2 máy bay chiến lược của Nga trên không phận vùng biển Azov.
Hai phi cơ này dường như đang hoạt động theo hướng vùng Kherson, nơi đang diễn ra các trận giao tranh ác liệt bên bờ tả ngạn sông Dniepr. Từ thủ đô Kyiv của Ukraine, thông tín viên Stéphane Siohan của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm thông tin:
Sáng 15/1, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Ukraine, Tướng Valery Zaloujny đã xác nhận thông tin lan truyền từ nhiều tiếng đồng hồ trước, theo đó, Không quân Ukraine đã triệt hạ một máy bay cảnh báo sớm loại Beriev A-50 cũng như vô hiệu hóa một máy bay chỉ huy loại Iliouchine 22 của Nga.
Chiếc đầu tiên dường như đã bị nổ tung khi đang bay, còn chiếc thứ hai có lẽ đã bị bắn trúng và bị hư hại nghiêm trọng. Iliouchine 22 dường như đã bay về được căn cứ quân sự Anapa của Nga, nhưng kể từ giờ thì không thể sửa chữa được.
Những chiếc máy bay A-50 khổng lồ này chuyên thu thập thông tin tình báo trên không phận Ukraine. Quân đội Nga chỉ có 9 chiếc và đây có lẽ là chiếc thứ ba bị ngừng hoạt động.
Theo nhiều chuyên gia hàng không Ukraine, đây có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử quân sự thế giới một máy bay radar bị bắn hạ trên không trong lúc tác chiến.
Hiện chưa biết loại hệ thống phòng không nào đã được sử dụng để bắn trúng hai chiếc máy bay này. Tầm bắn của hệ thống phi đạn Patriot nằm trong khoảng từ 80 đến 100 cây số.
Dầu sao thì cuộc tấn công táo bạo này được coi là một dấu hiệu đáng khích lệ trước khi Ukraine khai triển những chiến đấu cơ F-16 đầu tiên trong năm 2024.
Putin Nói Các Cuộc Bầu Cử Trước Đây ở Mỹ Bị Gian Lận!
(Hình: Tổng thống Nga Vladimir Putin.)
-Hôm thứ Ba (16/1/2024), Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng các cuộc bầu cử trước đây ở Hoa Kỳ đã bị gian lận bằng cách bỏ phiếu qua đường bưu điện. Ông Putin hiện đang tranh cử nhiệm kỳ sáu năm mới trong cuộc bầu cử mà các đối thủ của ông cho là sự nhại lại nền Dân chủ.
"Ở Mỹ, các cuộc bầu cử trước đó đã bị làm giả thông qua bỏ phiếu qua đường bưu điện… họ mua phiếu bầu với giá 10 Mỹ kim, điền thông tin và ném vào hộp thư mà không có bất kỳ sự giám sát nào từ người quan sát, thế là xong", ông Putin nói mà không đưa ra bằng chứng.
Các đối thủ của ông Putin nói rằng cuộc bầu cử tháng 3 ở Nga không phải là một cuộc cạnh tranh thực sự vì Tổng thống nắm giữ quyền lực không thể thách thức và đối thủ chính của ông, ông Alexei Navalny, đang phải ngồi tù hơn 30 năm với những cáo buộc mà ông Navalny cho là bịa đặt.
Họ nói rằng cách thức bỏ phiếu điện tử tạo cơ hội cho chính quyền thao túng cuộc bỏ phiếu theo hướng có lợi cho ông Putin mà không bị phát giác.
Thụy Sĩ Nhận Lời Tổ Chức Hội Nghị Quốc Tế Vì Hòa Bình Cho Ukraine
(Hình: Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd tiếp Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky, tại Kehrsatz, gần Bern, thủ đô của Thụy Sĩ, ngày 15/1/2024.)
-Trong cuộc họp báo chung hôm 15/1/2024, tại Kehrsatz, gần thủ đô Bern của Thụy Sĩ, Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky và đồng nhiệm Thụy Sĩ Viola Amherd, thông báo Thụy Sĩ đã nhận lời tổ chức một hội nghị "cấp cao" vì hòa bình cho Ukraine.
Thông tấn xã AFP dẫn lại thông cáo chung Ukraine-Thụy Sĩ, theo đó, Thụy Sĩ tuyên bố "sẽ tổ chức một hội nghị quốc tế về một giải pháp hòa bình"' cho Ukraine, "theo yêu cầu của Tổng thống Ukraine"'. Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd, cho biết ngay từ ngày 17/1, hai bên sẽ bắt tay vào việc chuẩn bị cho hội nghị này.
Về phần mình, Tổng thống Ukraine bày tỏ hy vọng "hội nghị sẽ mang lại một nguồn động lực quan trọng cho tất cả những gì đã được bàn bạc" và "công lý sẽ được phục hồi". Trả lời câu hỏi của một nhà báo về khả năng tham dự của Nga, Tổng thống Ukraine đã gián tiếp bác bỏ, tuyên bố: "Hội nghị này mở cửa cho tất cả những ai, những quốc gia nào tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi, như vậy chúng ta có thể suy ra được là ai sẽ được mời".
Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine tháng 2/2022, Thụy Sĩ vẫn giữ lập trường trung lập về quân sự, không viện trợ vũ khí cho Ukraine, mà còn không cho phép các nước như Đức tái xuất sang Ukraine các vũ khí do Thụy Sĩ sản xuất. Tuy nhiên, Thụy Sĩ tham gia các trừng phạt quốc tế chống Nga, cũng như hỗ trợ nhân đạo cho Kyiv, đặc biệt về rà phá mìn. Kyiv cũng hy vọng các tài sản Nga tại Thụy Sĩ, đang bị phong tỏa, sẽ được sử dụng để tái thiết Ukraine.
Trước đó, ngày 14/1, tại Davos (Thụy Sĩ) đã diễn ra cuộc họp thứ tư về kế hoạch 10 điểm của Tổng thống Zelensky "vì một nền hòa bình công bằng và bền vững" cho Ukraine. Theo kênh truyền hình Pháp ngữ TV5 Monde, các Cố vấn An ninh Quốc gia của hơn 80 nước đã tham dự cuộc họp này. Phụ tá của Tổng thống Ukraine, ông Adrii Iermak và Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis đồng chủ trì các thảo luận.
Phụ tá của Tổng thống Ukraine bảo đảm là đã không có áp lực để buộc Kyiv phải đánh đổi lãnh thổ lấy hòa bình. Về phần mình, Ngoại trưởng Thụy Sĩ cũng nhấn mạnh "tầm quan trọng rất lớn" của việc Ấn Độ, Ba Tây, Nam Phi – ba quốc gia trong khối BRICS cùng với Nga – tham gia vào các thảo luận này, bởi đây là các nước có mối quan hệ gần gũi với Mạc Tư Khoa, và cần phải có sự tham dự của Nga bằng một cách này hay cách khác, bởi sẽ không thể có hòa bình nếu Nga không có tiếng nói trong hồ sơ này". Tuy nhiên, lãnh đạo ngoại giao Thụy Sĩ nhấn mạnh điều đó "không đồng nghĩa với việc chờ đợi Nga làm một điều gì đó. Mỗi phút trôi qua, hàng chục thường dân Ukraine bị giết hoặc bị thương. Chúng ta không có quyền chờ đợi".
Kim Jong Un Yêu Cầu Ghi "Nam Hàn Là Kẻ Thù Số Một!" Vào Hiến Pháp Bắc Hàn
(Hình: Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un phát biểu tại Hội nghị Nhân dân Tối cao (Quốc hội), ở thủ đô Bình Nhưỡng, ngày 15/1/2024.)
-Hôm 16/1/2024, Thông tấn xã Trung ương Bắc Hàn (KCNA) đưa tin cho hay tại Hội nghị Nhân dân Tối cao (Quốc hội) ở Bình Nhưỡng hôm 15/1, Chủ tịch Kim Jong Un đã yêu cầu sửa đổi Hiến pháp, để phản ánh mục tiêu chiếm đóng hoàn toàn và bình định Nam Hàn trong trường hợp chiến tranh xảy ra, và sáp nhập miền Nam Triều Tiên vào lãnh thổ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Bắc Hàn).
Từ thủ đô Hán Thành của Nam Hàn, thông tín viên Trần Công của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:
Ông Kim Jong Un còn yêu cầu nhân dân Bắc Hàn không nên dùng những từ ngữ "đánh tráo khái niệm" rằng miền Bắc và miền Nam (Triều Tiên) là đồng bào trong Hiến pháp, chẳng hạn như "80 triệu người", "đại đoàn kết dân tộc", hay "độc lập, thống nhất". Theo lãnh đạo Bắc Hàn, người dân phải được giáo dục để họ "kiên quyết coi Nam Hàn là quốc gia thù địch số một và là kẻ thù chính không thay đổi".
Ông cũng nhấn mạnh "biên giới phía Nam của chúng ta được vẽ rõ ràng, nên không có đường biên giới "phía Bắc" (ngụ ý đường biên giới liên Triều) nào cả". Và nếu Nam Hàn dám xâm phạm lãnh thổ hoặc lãnh hải thì đó sẽ được xem là hành động khiêu khích chiến tranh. Ông Kim Jong Un còn đe dọa "cuộc chiến sẽ mang lại sự tàn phá và hủy diệt khủng khiếp cho Nam Hàn" và " sẽ mang lại thảm họa và thất bại không thể tưởng tượng được cho Hoa Kỳ".
Bắc Hàn cũng đã chính thức giải thể các cơ quan phụ trách đàm phán và trao đổi liên Triều, bao gồm Ủy ban Thống nhất Hòa bình Tổ quốc, Cục Hợp tác Kinh tế Quốc gia và Cục Du lịch Quốc tế Núi Kumgang.
Ngay trong cuộc họp Nội các sáng 16/1, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã có những phát biểu đanh thép đáp trả Bắc Hàn, xem chế độ Kim Jong Un là "nhóm phản dân tộc và phản lịch sử", khẳng định chính sách trừng phạt mạnh mẽ để đáp lại những hành động khiêu khích vượt quá giới hạn của Bình Nhưỡng. Văn phòng Tổng thống tin rằng các thông điệp của Bắc Hàn là một "cuộc chiến tâm lý chống lại Nam Hàn", nhằm chia rẽ nhân dân miền Nam Triều Tiên trước cuộc tổng tuyển cử vào tháng 4 và gây áp lực lên chính phủ đương nhiệm.
Bộ Thống nhất Nam Hàn tuyên bố Hán Thành sẽ tiếp tục hợp tác với cộng đồng quốc tế vì tự do của nhân dân Bắc Hàn. Theo họ, Bình Nhưỡng sẽ không thể đạt được bất kỳ yêu sách nào về an ninh, kinh tế bằng việc sử dụng vũ khí nguyên tử hoặc phi đạn.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nam Hàn trong buổi họp báo thường kỳ hôm nay cho biết bộ này vẫn duy trì tư thế phòng thủ vững chắc, đối phó với những hành động uy hiếp, khiêu khích từ Bắc Hàn. Quân đội Nam Hàn sẽ bảo vệ ranh giới liên Triều trên biển (NLL) trong bất cứ tình huống nào.
Ngay sau những tuyên bố của Kim Jong Un, Hoa Kỳ cho biết thất vọng về việc Bắc Hàn "tiếp tục bác bỏ đối thoại và gia tăng phát biểu thù nghịch đối với Nam Hàn". Trả lời Yonhap ngày 15/1, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ tái khẳng định "hợp tác liên Triều là cần thiết để tái lập hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên".
Phía Mỹ "sẽ tiếp tục tham vấn chặt chẽ với Nam Hàn, Nhật Bản và các đồng minh, đối tác khác về cách đàm phán tốt hơn với CHDCND Triều Tiên, ngăn chặn mọi hành vi gây hấn và phối hợp các biện pháp đáp trả của quốc tế trước những hành vi vi phạm liên tục các Nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc của CHDCND Triều Tiên".
Phi Luật Tân Chúc Mừng Tân Tổng Thống Đài Loan, Bắc Kinh Nghiêm Trọng Cảnh Cáo "Đừng Đùa Với Lửa!"
(Hình: Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr. phát biểu nhân kỷ niệm thứ 88 ngày thành lập quân đội Phi Luật Tân tại Quezon, Phi Luật Tân, 21/12/2023.)
-Hai ngày sau khi ông Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) đắc cử Tổng thống Đài Loan, Tổng thống Phi Luật Tân hôm 15/1/2024, đã gửi lời chúc mừng và mong muốn sớm được làm việc với ông. Hôm sau 16/1, Trung Quốc giận dữ cảnh báo Manila "đừng chơi với lửa", đồng thời triệu Ðại sứ Phi Luật Tân lên để phản đối.
Trả lời họp báo, phát ngôn viên Mao Ninh (Mao Ning) của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết "Trung Quốc cực lực phản đối" hành động "xâm phạm nghiêm trọng nguyên tắc một nước Trung Hoa duy nhất, xâm phạm nghiêm trọng các cam kết chính trị của Phi Luật Tân với Trung Quốc, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc". Theo bà Mao Ning, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã yêu cầu phía Phi Luật Tân "đưa ra một giải thích có trách nhiệm".
Theo thông tấn xã Reuters, hôm 15/1, trong một thông điệp trên mạng X (Twitter cũ), nguyên thủ quốc gia Phi Luật Tân đã "thay mặt toàn thể nhân dân Phi Luật Tân, chúc mừng Tổng thống tân cử Lại Thanh Đức". Lãnh đạo Phi Luật Tân cũng cho biết mong muốn "hợp tác chặt chẽ, thúc đẩy các lợi ích song phương, nỗ lực vì hòa bình và bảo đảm sự thịnh vượng cho nhân dân chúng ta trong những năm tới".
Sau phát biểu nói trên của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr., Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân đã tái khẳng định nguyên tắc một nước Trung Hoa, đồng thời giải thích rõ là thông điệp chúc mừng của Tổng thống Phi Luật Tân là một cách để "ghi nhận mối quan hệ mật thiết giữa Phi Luật Tân và Đài Loan", nơi có khoảng 200.000 người lao động Phi Luật Tân sinh sống. Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân nhấn mạnh: "Thông điệp chúc mừng Tổng thống tân cử Đài Loan của Tổng thống Marcos là cách để ông cám ơn Đài Loan đã tiếp đón những người lao động Phi Luật Tân và tổ chức thành công một cuộc bầu cử dân chủ".
Sau khi ông Lại Thanh Đức đắc cử Tổng thống Đài Loan, giới chức cao cấp một số nước, trong đó có các Ngoại trưởng Mỹ và Nhật Bản, đã gửi lời chúc mừng, đồng thời kêu gọi tìm một giải pháp hòa bình cho căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan. Theo nhà báo Sebastian Strangio của trang mạng The Diplomat, việc đích thân nguyên thủ quốc gia Phi Luật Tân gửi lời chức mừng Tổng thống tân cử Đài Loan là một động thái ngoại giao đáng chú ý.
Hải Quân Các Nước Thái Bình Dương Thảo Luận Về Ứng Xử Trong Tình Huống Bất Ngờ
(Ảnh: Các tàu Dân quân biển Trung Quốc tập trung tại khu vực Đá Ba Đầu (Whitsun Reef), vùng biển Phi Luật Tân đòi chủ quyền ở Biển Đông, ngày 2/12/2023.)
-Khoảng 70 đại diện của 30 nước vùngThái Bình Dương thảo luận về các vấn đề hàng hải trong cuộc họp kéo dài 3 ngày, từ 16 đến 18/1/2024, tại Nam Kinh, Trung Quốc. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, đại diện các nước sẽ bàn về việc cập nhật các quy tắc ứng xử trong những tình huống bất ngờ.
Cuộc họp lần này đặt nền móng cho Hội nghị chuyên đề Hải quân Tây Thái Bình Dương diễn ra 2 năm một lần, sẽ được tổ chức tại thành phố Thanh Đảo, Trung Quốc, vào tháng 4 tới. Nhật Bản đã là nước tổ chức sự kiện này vào tháng 11/2022 và đã thảo luận với Mỹ và Nam Hàn về những thách thức ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong đó có vấn đề Bắc Hàn.
Theo thông tấn xã Reuters, cuộc họp tuần này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông. Từ nhiều tháng qua, tàu của Phi Luật Tân và Trung Quốc thường xuyên va chạm. Hai bên cáo buộc nhau gây hấn trong vùng biển tranh chấp chủ quyền. Ngày 15/1, Manila thông báo cải tạo những thực thể mà Phi Luật Tân khẳng định chủ quyền để các lực lượng đồn trú có thể ở được.
Phía Trung Quốc luôn phản đối kịch liệt sự hiện diện của Hải quân Mỹ ở trong vùng, dù Hoa Thịnh Ðốn khẳng định chỉ thực thi quyền tự do hàng hải ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.
Năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực The Hague (Hòa Lan) khẳng định những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc về Biển Đông không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào. Bắc Kinh đã phản đối phát quyết đó. Các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) thì coi như vẫn giậm chân tại chỗ từ năm 2002.
Hoa Kỳ: Donald Trump Thắng Bầu Cử Sơ Bộ của Đảng Cộng Hòa ở Iowa
(Hình: Ông Donald Trump tại cuộc mít-tinh sau khi thắng trong bầu cử sơ bộ tại tiểu bang Iowa, Hoa Kỳ, đêm 15/1/2024.)
-Như dự đoán của truyền thông Mỹ, hôm 15/1/2024, cựu Tổng thống Donald Trump đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên của đảng Cộng hòa tại tiểu bang Iowa. Ông củng cố vị thế của mình như là một ứng viên "nặng ký", đại diện đảng Cộng hòa ra tranh cử Tổng thống vào tháng 11/2024.
Từ tiểu bang Iowa, đặc phái viên David Thomson của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường thuật:
Thắng lợi vang dội của Donald Trump tối qua đã khẳng định rằng hơn bao giờ hết ông là người hùng của đảng Cộng hòa, người hùng của cánh hữu Mỹ. Trong cuộc bầu cử sơ bộ tại vùng đất nông thôn này của Iowa vốn theo cựu Tổng thống, những người ủng hộ Donald Trump đã tham gia đông đảo.
Những người ủng hộ Ron DeSantis đã đi từ Florida đến để cố gắng đảo ngược tình thế, ra sức ca ngợi công lao của Thống đốc tiểu bang Florida, nhưng đã hoài công. Họ đã nỗ lực thuyết phục các cử tri rằng ứng viên của họ là người tốt nhất, họ đặc biệt nêu bật thành tích của ông về giải quyết dịch bệnh Covid-19 tại Florida, một cách giải quyết đã gây nhiều tranh cãi về chính sách chống đeo khẩu trang, chính sách chống chích ngừa. Nhưng các cử tri ở đây quá gắn bó với Donald Trump, một mối quan hệ gần như là phi lý.
Tất cả những ai được hỏi đều xem Trump như là một người hùng chính trị. Trong mắt họ, những cáo buộc, những rắc rối với Tư pháp chỉ càng củng cố vị thế của ông. Một người về hưu nói rằng, ông Trump bị truy tố chỉ vì để bảo vệ họ. Thậm chí nhiều người còn sợ Donald Trump bị ám sát.
Một cử tri nói, "cầu mong cho ông ấy lại thắng. Người ta muốn ngáng đường ông". Để hướng tới Tòa Bạch Ốc, luận điệu "nạn nhân" của chủ nghĩa Trump được lặp đi lặp lại không ngừng trên tất cả các mạng lưới truyền thống của phe bảo thủ, vận hành hết công suất đối với những người ủng hộ. Donald Trump vẫn còn được lòng dân hơn bao giờ hết!
Tin Việt Nam Hôm Nay
Việt Nam 'Xác Minh Thông Tin' Du Học Sinh Mất Liên Lạc ở Úc Ðại Lợi
(Ảnh: Một du học sinh Á Châu tại Úc Ðại Lợi.)
-Hôm 15/1/2023, Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng về thông tin một số du học sinh Việt Nam không liên lạc được tại khu vực Nam Úc, đồng thời cho biết đã "liên hệ" với chính quyền địa phương để "xác minh thông tin".
Theo báo Thế giới và Việt Nam, Bộ Ngoại giao cho biết "đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Úc Ðại Lợi liên hệ các cơ quan chức năng sở tại để tìm hiểu thông tin" sau khi có tin về các trường hợp du học sinh Việt Nam bị mất liên lạc.
Cơ quan báo chí của Bộ Ngoại giao cho biết: "Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Úc Ðại Lợi đã liên hệ với cảnh sát khu vực nơi các học sinh Việt Nam được thông báo mất liên lạc để xác minh thông tin, theo dõi sát tiến trình điều tra cũng như chủ động liên hệ với gia đình các học sinh Việt Nam để thông báo và trao đổi tình hình cụ thể".
Trang tin news.com.au hôm 12/1 dẫn lời cảnh sát nói rằng họ đã "nắm tin" 4 thiếu niên quốc tế "được thông báo mất tích" tháng 12 năm 2023 và tháng Một năm 2024.
Một phát ngôn viên cảnh sát được trang tin trên dẫn lời nói rằng các cuộc điều tra cho thấy rằng một số em "có thể đã đi du lịch xuyên bang và vẫn ở đó".
Theo news.com.au, cảnh sát cho biết, "hiện không có chỉ dấu nào cho thấy những người trẻ này đang gặp nguy hiểm".
Báo Thế giới và Việt Nam dẫn lời Bộ Ngoại giao cho biết rằng Bộ này và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Úc Ðại Lợi "sẽ tiếp tục theo dõi sát sao sự việc này".
VietNamNet dẫn thống kê công bố tháng 4/2023 cho biết rằng số lượng du học sinh Việt Nam đang học tập tại Úc Ðại Lợi vào khoảng 24.000 người, đứng thứ 5 trong số các quốc gia có đông du học sinh nhất.
Việt Nam và Phi Luật Tân Sẽ Ký Thỏa Thuận Về Gạo Vào Tháng Này
(Hình: Công nhân nhất chất gạo lên tàu tại một nhà máy gạo ở Việt Nam năm 2017.)
-Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr. dự kiến sẽ ký một thỏa thuận về gạo với Việt Nam trong chuyến công du đến Hà Nội vào cuối tháng 1/2024.
Bộ trưởng Nông nghiệp Phi Luật Tân Francisco Laurel Jr. cho truyền thông nước này biết tin vừa nêu trong ngày 16/1. Ông nói rõ một Dự thảo về Thỏa thuận làm việc đã có.
Vào tháng 9/2023, bên lề Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN) lần thứ 43 ở Jakarta, thủ đô của Nam Dương, Tổng thống Phi Luật Tân và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã đồng ý sẽ đúc kết một thỏa thuận về gạo có hiệu lực năm năm giữa hai nước.
Truyền thông Phi Luật Tân dẫn lại phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính rằng "Chúng tôi mong có một khung hợp tác ổn định về mua bán gạo cho một giai đoạn kéo dài; ít nhất là năm năm".
Phi Luật Tân hiện là nhà nhập cảng gạo lớn nhất thế giới, và là khách hàng lớn nhất của gạo Việt Nam. Trong tháng 7/2023, Phi Luật Tân nhập gần 1,94 triệu tấn gạo của Việt Nam với tổng kim ngạch gần 985 triệu Mỹ kim. Con số này chiếm đến gần 38% tổng kim ngạch xuất cảng gạo của Việt Nam.
Việt Nam vào năm 2023 là nhà xuất cảng gạo lớn thứ ba thế giới, đứng sau Ấn Độ và Thái Lan.
Vào tháng 7/2023, Ấn Độ tuyên bố ngưng xuất cảng gạo nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và kiềm chế lạm phát. Biện pháp này khiến giá gạo thế giới tăng lên mức cao nhất trong vòng 15 năm qua.
Thủ Tướng Việt Nam Đến Thụy Sĩ Tham Dự WEF, Sau Đó Công Du Hung Gia Lợi và Lỗ Ma Ni
(Hình: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân tới Zurich, Thụy Sĩ, bắt đầu chuyến công tác tham dự WEF Davos 2024.)
-Phái đoàn Việt Nam dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã đến Thụy Sĩ vào sáng ngày 16/1/2024 (giờ địa phương).
Thông tấn xã Việt Nam loan tin cho biết đoàn do ông Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu.
Tin nói, Việt Nam là một trong chín đối tác được WEF đề xuất phối hợp tổ chức Đối thoại Chiến lược Quốc gia với WEF tại hội nghị năm nay theo chủ đề "Tái thiết niềm tin".
Hội nghị kéo dài đến ngày 19/1.
Lịch trình của phái đoàn Việt Nam lần này được cho biết, sau khi tham dự Hội nghị WEF Davos 2024, ông Phạm Minh Chính sẽ công du chính thức Hung Gia Lợi và Lỗ Ma Ni. Chuyến công du hai nước này diễn ra từ ngày 18-23/1/2024.
Đây là lần trao đổi đoàn ở cấp Thủ tướng Chính phủ đầu tiên giữa Việt Nam và Hung Gia Lợi trong bảy năm qua; và giữa Việt Nam và Lỗ Ma Ni trong vòng năm năm qua.
Hãng Xe Skoda của Cộng Hòa Czech Bắt Đầu Xuất Cảng Xe Vào Việt Nam
(Hình: Các mẫu xe Skoda.)
-Hãng xe Skoda của Cộng hòa Czech bắt đầu xuất cảng hai dòng xe là Kodiaq và Karoq vào thị trường Việt Nam sau khi đã mở đại lý tại Hà Nội. Trang blog chuyên về xe của Âu Châu là Automotive Logistics loan tin này hôm 15/1/2024.
Skoda thuộc Tập đoàn Volkswagen đã bắt đầu đưa các xe này theo đường tàu đến cảng Bremerhaven của Đức rồi sau đó sẽ chuyển tới Sài Gòn và Hải Phòng trong khoảng thời gian một tháng.
Hãng này cho biết trong một thông cáo báo chí hồi tháng 9 năm 2023 rằng hãng có kế hoạch sẽ mở rộng mạng lưới phân phối đến 30 đại lý, lắp ráp khoảng 30.000 xe CKD (toàn bộ thiết bị nhập từ ngoại quốc) và bán 40.000 xe mỗi năm tại Việt Nam cho đến năm 2030.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi Skoda và Tập đoàn Thành Công (TC Group) của Việt Nam tuyên bố hợp tác để phân phối, sản xuất và lắp ráp các xe Skoda tại Việt Nam trước đó hơn một năm.
TC Group cho biết, hãng sẽ hợp tác cùng Skoda Auto về kỹ thuật để sản xuất, lắp ráp trong nước ngay tại Nhà máy xe hơi Thành Công Việt Hưng, thuộc Tổ hợp công nghiệp xe hơi và phụ trợ Thành Công Việt Hưng, Khu công nghiệp Việt Hưng, tỉnh Quảng Ninh do Tập đoàn Thành Công làm chủ đầu tư. Đây cũng là nhà máy Skoda đầu tiên tại Đông Nam Á.
Theo dự kiến, những xe của Skoda đầu tiên được sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam sẽ xuất xưởng vào cuối năm 2024, đầu năm 2025. Các dòng xe được lựa chọn lắp ráp tại đây hướng tới các phân khúc SUV và Sedan hạng B phù hợp với thị hiếu và xu hướng của người Việt, và sẽ mở rộng sang các dòng xe điện thân thiện với môi trường sau năm 2026.
Nestlé Đầu Tư Thêm 100 Triệu Mỹ Kim Vào Nhà Máy ở Việt Nam
-Hãng Nestlé Việt Nam hôm 8/1/2024 công bố dự định đầu tư thêm 100 triệu Mỹ kim và nhà máy hiện có của hãng tại tỉnh Đồng Nai, đưa tổng vốn đầu tư của nhà máy này lên hơn 500 triệu Mỹ kim. Mục tiêu là nhằm đáp ứng nhu cầu thế giới cho các dòng sản phẩm như Nescafé, Nescafé Dolce Gusto và Starbucks.
Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất cảng cà-phê lớn thứ hai thế giới và Nestlé là công ty mua nhiều cà-phê của Việt Nam nhất với tổng chi phí thu mua hàng năm lên đến hơn 700 triệu Mỹ kim.
Nhà máy Trị An của Nestlé ở Đồng Nai là một trong sáu nhà máy mà hãng hiện có tại Việt Nam và cũng là nhà máy lớn nhất chuyên sản xuất các dòng sản phẩm bao gồm cà-phê, nước uống ca cao, gia vị nấu ăn. Sản phẩm cà-phê từ nhà máy này đã được xuất đi hơn 29 quốc gia với các dòng sản phẩm Nescafé, Nescafé Dolce Gusto, Nesperesso,Starbucks, và Blue Bottle (dòng sản phẩm cao cấp cho thị trường Mỹ).
Tính đến nay, Nestlé đã đầu tư gần 830 triệu Mỹ kim thông qua Công ty trách nhiệm hữu hạn Nestlé Việt Nam với bốn nhà máy và hai trung tâm phân phối. Riêng tại tỉnh Đồng Nai, công ty đang vận hành ba nhà máy.
Dự Án Điện Mặt Trời của Hãng Trung Quốc Kết Nối Với Mạng Lưới Điện
(Hình: Nhà máy của Trinasolar.)
-Hãng sản xuất pin mặt trời của Trung Quốc là Trinasolar mới đây thông báo việc kết nối vào mạng lưới điện dự án điện mặt trời áp mái công suất 12,6 MW tại nhà máy của hãng ở tỉnh Thái Nguyên.
Trinasolar là hãng đầu tư và xây dựng của dự án này.
Dự án được dự kiến sẽ cung cấp khoảng 11,29 KW giờ điện mỗi năm, đáp ứng toàn bộ nhu cầu điện của nhà máy. Sản lượng tế bào và module pin năng lượng mặt trời của nhà máy dự kiến sẽ đạt 4GW và 6GW, cải thiện khả năng cung ứng của công ty cho thị trường Đông Nam Á.
Trinasolar (còn gọi là Trina) hiện là nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời lớn nhất tại Việt nam.
Hồi tháng 9 năm 2023, thông tấn xã Reuters cho biết Trina đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy thứ ba tại Việt Nam để tránh lệnh trừng phạt của Mỹ đối với mặt hàng này từ Trung Quốc.
Thông tấn xã Reuters dẫn 3 nguồn tin giấu tên cho biết nhà sản xuất pin điện mặt trời này sẽ đầu tư từ 400 triệu đến 600 triệu Mỹ kim vào nhà máy mới có diện tích 25 ha tại một khu công nghiệp. Nhà máy dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2025.
Hồi giữa năm 2023, Bộ Thương mại Mỹ đưa ra kết luận rằng Trina và 4 công ty sản xuất pin mặt trời khác của Trung Quốc sử dụng nhà máy ở Thái Lan và các nước khác trong khu vực Đông Nam Á để lẩn tránh thuế trừng phạt lên tấm pin năng lượng mặt trời do Trung Quốc sản xuất mà Mỹ áp đặt.
Đắc Nông: Xử Nghiêm Vụ Phá Hơn 6.000 Mét Vuông Rừng Tại Huyện Đắc G'long
(Hình: Hiện trường vụ phá rừng.)
-Truyền thông loan tin cho hay trong ngày 15/1/2024, Văn phòng Tỉnh ủy Đắc Nông có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy xử nghiêm vụ phá hơn 6.000 mét vuông rừng tại huyện Đắc G'long.
Theo đó, Thường trực Tỉnh ủy Đắc Nông giao Ban Cán sự Đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo xác minh, điều tra, sớm hoàn tất hồ sơ, giải quyết nghiêm theo đúng quy định của pháp luật sự việc để tạo sự răn đe vụ huỷ hoại rừng trái pháp luật trên địa bàn huyện Đắc G'long.
Trước đó, vào chiều 5/1, Trạm Kiểm lâm địa bàn liên xã Đắc R'măng (huyện Đắc G'long) phối hợp Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đắc R'măng kiểm tra tại tiểu khu 1768, đã phát giác trên 10 người đang phá rừng trái phép.
Bị phát giác, nhóm người này bỏ chạy vào rừng sâu. Lực lượng chức năng truy đuổi và bắt được đối tượng Ma Seo Chù (sinh năm 1964, trú xã Đắc R'măng). Tại hiện trường, kiểm lâm ghi nhận diện tích rừng bị phá là 8.446 mét vuông. Trong đó, có 6.092 mét vuông quy hoạch rừng sản xuất.
Tình trạng phá rừng, hủy hoại rừng, lấn chiếm đất rừng ở Đắc Glong (Đắc Nông) vẫn diễn ra thường xuyên.
Theo Công ty Quảng Sơn (đơn vị quản lý rừng), trong quý III/2023, đơn vị phát giác 14 vụ vi phạm lâm luật. Trong số này có 3 vụ phá rừng, 3 vụ hủy hoại rừng trồng và tám vụ dựng nhà, lấn chiếm đất lâm nghiệp.
Theo Chi cục Kiểm lâm Đắc Nông, Đắc Glong vẫn là địa phương dẫn đầu về các vụ vi phạm phá rừng. Tình trạng vi phạm diễn biến phức tạp tại lâm phần của một số đơn vị như: Công ty Quảng Sơn, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắc R'măng…
Phía Công an tỉnh Đắc Nông nhận định, tình trạng phá rừng tại khu vực Đắc Glong, đặc biệt là xã Quảng Sơn diễn biến phức tạp. Nơi đây còn tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh-trật tự do tình trạng tranh chấp, xung đột giữa các cá nhân, các nhóm đối tượng liên quan đến đất rừng.
Gia Lai: Bắt Giữ Một Cựu Thẩm Phán Tàng Trữ Ma Tuý Trái Phép
(Hình: Ông Nguyễn Thành Dũng từng là Thẩm phán Tòa án Nhân dân huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai.)
-Ông Nguyễn Thành Dũng - cựu Thẩm phán sơ cấp của một Tòa án Nhân dân huyện ở Gia Lai - bị bắt quả tang đang tàng trữ hơn 1 gram ma tuý.
Phòng Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Ma túy (Công an tỉnh Gia Lai) cho truyền thông hay trong ngày 15/1/2024 đã bàn giao ông Nguyễn Thành Dũng cho Công an thành phố Pleiku để điều tra theo thẩm quyền về hành vi "Tàng trữ trái phép chất ma túy".
Theo Công an, vào tối 11/1, tại một khách sạn trên địa bàn xã Trà Đa ( thành phố Pleiku), lực lượng thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý đã bắt quả tang ông Dũng cùng với hơn một gam tinh thể màu trắng. Ông Dũng khai là ma túy.
Ông Dũng vào ngày 9/1 đã được Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai ra quyết định cho thôi việc theo nguyện vọng cá nhân. Tin không nói rõ vì sao ông này xin nghỉ việc tuy nhiên hai ngày sau khi nhận quyết định nghỉ việc, ông Dũng bị công an phát giác tàng trữ ma tuý trái phép.
Cục Phó Cục Đăng Kiểm Nguyễn Vũ Hải Bị Bắt Cùng 5 Lãnh Đạo, Cán Bộ Khác
(Hình: Công an đọc lệnh khởi tố ông Nguyễn Vũ Hải.)
-Vào ngày 16/1/2024, Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an Tp. HCM cho biết Cục phó Cục Đăng kiểm Việt Nam, ông Nguyễn Vũ Hải, cùng 5 lãnh đạo, cán bộ khác trong ngành này vừa bị khởi tố và bị bắt giam do những sai phạm trong công tác đăng kiểm.
Sáu người bị khởi tố, bị bắt giam, nơi ở và nơi làm việc bị khám xét gồm các ông Nguyễn Vũ Hải - Cục phó Cục đăng kiểm Việt Nam; Trần Kỳ Hình - nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam; Bùi Quốc Hưng-Trưởng phòng Tàu sông; Đậu Ngọc Bình- Phó Phòng Tàu sông; Phan Huy Liêm - đăng kiểm viên Phòng Tàu sông; Vũ Văn Sơn - đăng kiểm viên Phòng Tàu sông. Cả 6 người bị khởi tố và bị bắt theo cùng tội danh "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Ông Trần Kỳ Hình vào ngày 16/1/2023 cũng bị khởi tố về tội "Nhận hối lộ" trong vụ án liên quan đến các sai phạm trong lĩnh vực đăng ký đường bộ.
Nhóm sáu người vừa nêu bị cho có những sai phạm liên quan hoạt động đánh giá, cấp đánh giá năng lực cho các cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện thủy nội địa.
Vào ngày 22 tháng 12 năm 2023, cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an Tp. HCM đã khởi tố 9 người, trong đó có sáu người phạm phải những sai phạm liên quan hoạt động đánh giá, cấp xác nhận đánh giá năng lực xưởng gồm Đỗ Trung Học- nguyên Trưởng phòng Tàu sông: Lê Ngọc Tú - đăng kiểm viên Phòng Tàu sông, về tội "Nhận hối lộ"; Nguyễn Xuân Hào - đăng kiểm Viên Chi cục Đăng kiểm Long An; Vũ Tiến Thuật-Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ tàu thủy sông Hồng, về tội "Đưa hối lộ"; Phạm Hoài Hà-Giám đốc Chi cục Đăng kiểm Long An, về tội "Môi giới hối lộ" và Nguyễn Thành Lê - Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn và thiết kế công nghiệp tàu thủy Vietship, về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Liên quan đến các sai phạm, tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm thủy nội địa, tính đến ngày 16/1/2024, cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an Tp. HCM đã khởi tố tổng cộng 35 bị can về các tội "Đưa hối lộ; nhận hối lộ; Môi giới hối lộ; Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Đối với đại án về sai phạm, tiêu cực liên quan hoạt động đăng kiểm đường bộ, đường thủy nội địa và mở rộng lĩnh vực đào tạo sát hạch lái xe, đến nay các đơn vị thuộc Công an Tp. HCM đã khởi tố, điều tra tổng cộng chín vụ án với 251 bị can về bảy tội danh "Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Môi giới hối lộ; giả mạo trong công tác; Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, nhu liệu điện toán để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; xâm phạm trái phép vào mạng máy điện toán, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác; Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Ngoài nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Trần Kỳ Hình vừa bị khởi tố thêm tội danh như vừa nêu; nguyên Cục trưởng Đặng Việt Hà bị bắt về tội "Nhận hối lộ" vào ngày 11/1/2023.
Bắt Giám Đốc Công Ty Xây Dựng Nâng Khống Giá Đầu Tư Hạ Tầng, Trục Lợi Trên 30 Tỉ Đồng
(Hình: Ông Công Minh Thảo tại Cơ quan điều tra.)
-Trong ngày 16/1/2024, truyền thông nhà nước loan tin theo nguồn Công an tỉnh Phú Thọ cho hay Giám đốc Công ty sản xuất thương mại và xây dựng Phương Thành vừa bị bắt với cáo buộc nâng khống giá trị đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, gây thiệt hại hơn 30 tỉ đồng.
Cụ thể, Công an tỉnh Phú Thọ cho biết Phòng Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Kinh tế, Tham nhũng và Buôn lậu (PC03)-Công an tỉnh này vừa ra lệnh bắt giữ khẩn cấp ông Công Minh Thảo (67 tuổi, trú Vĩnh Phúc) về tội sử dụng giấy tờ giả và tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.
Theo PC03, ông Thảo và một số nhân viên của công ty đã sử dụng báo cáo kiểm toán tài chánh giả, khai thác trái phép tài nguyên, nâng khống các hợp đồng thi công xây dựng nhà máy khử lọc, phân hủy nước thải và các công trình hạ tầng khác, nâng khống giá trị đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp thị trấn Sông Thao (Phú Thọ) để trục lợi.
Đến nay, PC03 xác định thiệt hại mà ông Thảo và thuộc cấp gây ra ước tính hơn 30 tỉ đồng.
PC03 Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, đây là thủ đoạn phạm tội mới, được phát giác, điều tra liên quan đến lĩnh vực đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét