Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 10 tháng 1, 2024

Bắc Cali: Tưởng Niệm 50 Năm (1974-2024) Hoàng Sa! Và Kính Chuyển Tin Thế Giới Đó Đây Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Liên Hội CQN VNCH Bắc Cali: Kêu Gọi Cộng Đồng, Hội Đoàn và Đồng Hương, Tham Dự Thật Đông, Lễ Tưởng Niệm 50 Năm (1974-2024) Trận Hải Chiến Hoàng Sa. Lên Án Trung Cộng Xâm Lăng, Việt Cộng Bán Nước! Nêu Cao Tinh Thần Quyết Chiến, Quyết Đấu, Bảo Vệ Lãnh Thổ, Lãnh Hải của Quân Lực VNCH.
Lúc: 11 giờ sáng Chủ Nhật, ngày 21 tháng 1 năm 2024
Tại: Thư Viện Tully, 880 Tully Rd, San Jose, Ca 95121.
50 Năm Hoàng Sa! Không Quên Xương Máu Việt Nam!
<!>



50 Năm, Vết Thương Vẫn Còn Rỉ Máu…Tươi!
"Hoàng Sa ơi! Đảo Hoàng Sa ơi!
Một mảnh giang sơn đã mất rồi
Ta như mất cả phần da thịt
Tổ Quốc còn đau một góc trời!"


Hoàng Sa Mãi Mãi Thuộc Về Đất Nước Việt Nam!
Tài liệu lịch sử cho thấy, từ thế kỷ thứ 17 các triều đại vua Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Các sự kiện lịch sử cận đại cũng chứng minh các nước trên thế giới chưa bao giờ phủ nhận chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này. Vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa là ngư trường đánh bắt truyền thống của ngư dân Việt Nam từ bao đời qua.
Thế nhưng ngày 19 tháng 1 năm 1974, các lực lượng quân sự Trung Quốc đã tấn công hải quân Việt Nam Cộng Hòa, đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Và kể từ đó Bắc Kinh không ngừng gia tăng bành trướng quân sự tại Biển Đông, tấn công, đánh cướp các ngư dân Việt Nam ngay trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trong 50 năm qua, người dân Việt Nam chưa bao giờ chấp nhận sự chiếm đóng bất hợp pháp của Trung Quốc. Ngay từ những ngày đầu sau trận hải chiến Hoàng Sa cho đến nay, người Việt Nam trong và ngoài nước vẫn liên tục lên tiếng khẳng định chủ quyền của quốc gia và phản đối sự xâm chiếm của Trung Quốc.


Cuộc Chiến Dành Lại Chủ Quyền Vẫn Còn Tiếp Tục Dù Đã Qua Nửa Thế Kỷ!

Ngày 19 tháng 1 năm 2024 đánh dấu 50 năm quân đội Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa, (Tầu Cộng) xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Sự chiếm đóng bất hợp pháp này chưa bao giờ được cộng đồng quốc tế công nhận và người dân Việt Nam cũng chưa bao giờ chấp nhận.
Triều đại nhà Nguyễn đã tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, nằm ngoài khơi bờ biển phía đông của Việt Nam. Các đoàn thám hiểm chính thức và ngư dân Việt Nam thường xuyên ghé vào quần đảo này từ thời đó.

Vào đầu thế kỷ 20, trong thời kỳ Pháp đô hộ Việt Nam đã cho quân đội chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa. Tại hội nghị San Francisco về Hiệp ước Hòa bình với Nhật Bản năm 1951, đại diện của Quốc Gia Việt Nam đã tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Năm 1955, Việt Nam Cộng Hòa đóng quân tại đảo Hoàng Sa (Pattle), đảo lớn nhất trong nhóm đảo Lưỡi Liềm ở Hoàng Sa, để xác nhận chủ quyền lãnh thổ của mình.
Vào ngày 19 tháng 1 năm 1974, các lực lượng quân sự Trung Quốc đã tấn công đơn vị đồn trú của Việt Nam và trong trận hải chiến sau đó, 74 sĩ quan và thủy thủ Việt Nam đã hy sinh. Việt Nam Cộng Hòa đã chính thức phản đối lên Liên Hiệp Quốc, nhưng Bắc Kinh đã sử dụng quyền phủ quyết của mình tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc để ngăn chặn sự việc được đưa ra tranh luận.


Cho dù đã 50 năm qua, Người Việt Nam vẫn khẳng định và kiến nghị với dư luận Quốc Tế:
1. Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế khi cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc, tất cả các quốc gia thành viên phải giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và không thể sử dụng vũ lực để thay đổi biên giới.
2. Việc Trung Quốc tiếp tục chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa là mối đe dọa đối với hòa bình quốc tế, tự do hàng hải và ngư dân Việt Nam. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã sử dụng sự chiếm đóng quân sự của mình ở quần đảo Hoàng Sa để quấy rối ngư dân Việt Nam và giúp biện minh cho những yêu sách chủ quyền phi lý của họ trên Biển Đông.
3. Chính phủ CS Việt Nam hiện nay phải có những hành động cụ thể để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và vùng biển lân cận, bao gồm: (i) lên án hành động chiếm đóng của Trung Quốc tại các cuộc họp của ASEAN và tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc và (ii) đệ đơn kiện Bắc Kinh tại Tòa Án Trọng Tài Thường Trực ở The Hague.
4. Cộng đồng quốc tế có thể duy trì luật pháp quốc tế bằng cách công nhận chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, thảo luận về vấn đề này trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và yêu cầu Trung Quốc trả lại chủ quyền và ngừng quấy rối ngư dân Việt Nam hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hoặc vùng biển quốc tế.
5. Trong năm thập niên qua, người Việt Nam và những người ủng hộ luật pháp quốc tế đã liên tục lên án hành động xâm chiếm bất hợp pháp của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Và người Việt Nam, Chúng tôi, sẵn sàng làm điều này trong năm thập niên nữa, cho đến khi quần đảo Hoàng Sa được trả về với Đất Mẹ Việt Nam!


Nhắc Nhở! Bắc Cali: Tham Dự Thật Đông, Lễ Tưởng Niệm 50 Năm (1974-2024) Trận Hải Chiến Hoàng Sa.
Lên Án Trung Cộng Xâm Lăng, Việt Cộng Bán Nước! Nêu Cao Tinh Thần Quyết Chiến, Quyết Đấu Bảo Vệ Lãnh Thổ, Lãnh Hải của Quân Lực VNCH.
Lúc: 11 giờ sáng Chủ Nhật, ngày 21 tháng 1 năm 2024
Tại: Thư Viện Tully, 880 Tully Rd, San Jose, Ca 95121.
50 Năm Hoàng Sa! Không Quên Xương Máu Việt Nam!


50 Năm, Vết Thương Vẫn Còn Rỉ Máu…Tươi!
"Hoàng Sa ơi! Đảo Hoàng Sa ơi!
Một mảnh giang sơn đã mất rồi
Ta như mất cả phần da thịt
Tổ Quốc còn đau một góc trời."


Hình Liên Quan Đến Trận Hải Chiến Hoàng Sa


Công hàm bán nước của CSVN!



Tin Quốc Tế Đó Đây

Quốc hội Hoa Kỳ đạt được thỏa thuận chi tiêu 1.59 nghìn tỷ USD để ngăn chính phủ đóng cửa!
(Joseph Lord)


(Ảnh: Lãnh đạo Khối đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) và Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) lắng nghe diễn thuyết tại buổi lễ thắp sáng Điện Capitol Menorah tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn hôm 12/12/2023.)
-Thỏa thuận này là một cột mốc quan trọng trong các cuộc đàm phán giữa thượng viện Đảng Dân Chủ và hạ viện Đảng Cộng Hòa.
Hôm 07/01, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) thông báo ông đã đạt được một thỏa thuận với Đảng Dân Chủ tại Thượng viện và Tòa Bạch Ốc về các con số chi tiêu chính yếu, một bước quan trọng trong cuộc đua ngăn chặn chính phủ đóng cửa trong những tuần tới.

Ông Johnson đã công bố bước tiến này trong một bức thư “Kính gửi Đồng nghiệp” gửi tới các nhà lập pháp.
Ông Johnson nói: “Sau nhiều tuần đối thoại và tranh luận, chúng tôi đã đạt được những nhượng bộ khó khăn để mở ra các con số chính yếu của năm tài khóa 2024, và cuối cùng là cho phép Ủy ban Phân bổ Ngân sách bắt đầu đàm phán và hoàn thành mười hai dự luật phân bổ hàng năm.”
Đề nghị này đưa ra một con số cao nhất là 1.590 nghìn tỷ USD cho năm tài khóa 2024.
Con số đó, phù hợp với các yêu cầu theo luật định của Đạo luật Trách nhiệm Tài chính, được thông qua hồi năm ngoái, bao gồm 886 tỷ USD cho quốc phòng và 704 tỷ USD cho các khoản chi tiêu phi quốc phòng.

Ông Johnson tự hào nói rằng thỏa thuận tạm thời này sẽ bao gồm việc cắt giảm chi tiêu thêm 16 tỷ USD so với khuôn khổ đã đàm phán trước đó và mức cắt giảm tổng thể 30 tỷ USD so với kế hoạch chi tiêu ban đầu của Thượng viện.
Theo Đạo luật Giảm Lạm Phát trị giá 740 tỷ USD, một trong những đạo luật lập pháp cuối cùng của Quốc hội lần thứ 117, Sở Thuế vụ (IRS) đã được cấp 60 tỷ USD tài trợ. Việc hủy bỏ nguồn tài trợ này là ưu tiên hàng đầu của các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa tại Quốc hội lần thứ 118.
Thỏa thuận mới đề nghị cắt giảm khoảng một phần ba số tiền đó, tổng cộng là 20 tỷ USD.
Ngoài ra, ông Johnson còn nói về việc cắt giảm 6.1 tỷ USD trong “các quỹ phung phí” của thời kỳ đại dịch, mà ông cho biết là Đảng Cộng Hòa đã giành chiến thắng “bất chấp sự phản đối gay gắt từ Tòa Bạch Ốc.”
Ông viết, “Kết quả là những khoản tiết kiệm thực sự cho người đóng thuế ở Mỹ quốc và những cắt giảm thực sự trong bộ máy hành chính cồng kềnh của liên bang.”

Ông thừa nhận rằng “các mức chi tiêu cuối cùng này dù sao cũng không thể làm hài lòng hết tất cả mọi người, và họ không cắt giảm nhiều chi tiêu như nhiều người trong chúng ta mong muốn.”
Tuy nhiên, dù sao thì ông vẫn ca ngợi thỏa thuận này, nói rằng: “Thỏa thuận này cung cấp cho chúng ta một con đường để 1) thúc đẩy tiến trình tiến bước; 2) sắp xếp lại mức độ ưu tiên tài trợ trong danh sách chính yếu hướng tới các mục tiêu bảo tồn truyền thống, thay vì gói dự luật tổng hợp Pelosi-Schumer (12 dự luật trở lên) hồi năm ngoái; và 3) đấu tranh cho những điều khoản chính sách bổ sung quan trọng có trong dự luật Hạ viện năm tài khóa 2024 của chúng ta.”

Thỏa thuận này là một cột mốc quan trọng trong các cuộc đàm phán giữa thượng viện Đảng Dân Chủ và hạ viện Đảng Cộng Hòa.
Trước đây, Hạ viện đã ấn định các mức chi tiêu dưới những mức quy định trong Đạo luật Trách nhiệm Tài chính, một thỏa thuận được đàm phán bởi Chủ tịch Hạ viện khi đó là ông Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California), vốn nâng mức trần nợ và tìm cách đưa ra một khuôn khổ cho các cuộc đàm phán chi tiêu trong tương lai.
Trong khi đó, Thượng viện đã hiệu chỉnh các dự luật cao hơn số tiền được nêu trong Đạo luật Trách nhiệm Tài chính.
Thỏa thuận này có thể làm những người bảo tồn truyền thống trong nhóm họp kín của Đảng Cộng Hòa tức giận, nhiều người trong số họ chỉ trích Đạo luật Trách nhiệm Tài chính, cho rằng đạo luật này mang lại quá nhiều lợi ích cho Đảng Dân Chủ trong các cuộc tranh đấu về chi tiêu và mức trần nợ trong tương lai.

Phản ứng của Đảng Dân Chủ
Tuy nhiên, Đảng Dân Chủ đã nhanh chóng ca ngợi thỏa thuận tạm thời này.
Trong một tuyên bố chung, Lãnh đạo Khối thiểu số Hạ viện Hakeem Jeffries (Dân Chủ-New York) và Lãnh đạo Khối số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) nói rằng thỏa thuận chính yếu này “dọn đường cho Quốc hội hành động trong vài tuần tới để duy trì các ưu tiên tài trợ quan trọng cho người dân Mỹ và tránh được tình trạng đóng cửa của chính phủ.”
Họ nói rằng khoản tài trợ phi quốc phòng do thỏa thuận này cung cấp sẽ cho phép họ “bảo vệ các ưu tiên quan trọng trong nước như phúc lợi cho cựu chiến binh, chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ dinh dưỡng khỏi những cắt giảm hà khắc mà những người cực đoan cánh hữu theo đuổi.”

Tòa Bạch Ốc cũng ca ngợi thỏa thuận này, nói rằng thỏa thuận “đưa chúng ta tiến một bước gần hơn tới việc ngăn chặn tình trạng đóng cửa không cần thiết của chính phủ và bảo vệ các ưu tiên quan trọng của quốc gia.”
Tổng thống Joe Biden viết: “Hiện giờ, các thành viên Đảng Cộng Hòa trong quốc hội phải thực hiện công việc của mình, ngừng đe dọa đóng cửa chính phủ và hoàn thành trách nhiệm cơ bản của mình là tài trợ cho các ưu tiên quan trọng trong nước và an ninh quốc gia, bao gồm cả yêu cầu bổ sung của tôi. Đã đến lúc họ phải hành động.”

Theo một dự luật chi tiêu thay thế tạm thời được ông Johnson thông qua hồi năm ngoái, Hoa Kỳ sẽ đóng cửa một phần chính phủ vào ngày 19/01 nếu các dự luật chi tiêu không được thông qua.
Thỏa thuận chính yếu này không phải là một sự bảo đảm trước việc chính phủ đóng cửa.
Các nhà đàm phán vẫn cần xác định những chi tiết cụ thể của các gói chi tiêu trong giới hạn đã thỏa thuận.


Iran Điều Khu Trục Hạm Alborz Tới Hồng Hải


(Ảnh: Chiến hạm Mỹ kiểm soát eo biển Bab-el-Mandeb, giữa Hồng Hải và vịnh Eden, thông ra Ấn Độ Dương.)
-Hôm 1/1/2024, truyền thông Iran đưa tin cho hay khu trục hạm Alborz của Iran đã qua eo biển Bab-el-Mandeb để vào Hồng Hải trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên tuyến hàng hải chiến lược này, nơi lực lượng Houthi ở Yemen không ngừng tấn công các tàu chở hàng “có liên quan đến Do Thái”.
Từ thủ đô Tehran của Iran, thông tín viên Siavosh Ghazi của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết cụ thể:

Khu trục hạm Alborz băng qua eo biển Bab-el-Mandeb để vào Hồng Hải và gặp một chiến hạm khác của Iran đã có mặt trong khu vực.
Tehran ủng hộ về mặt chính trị và quân sự lực lượng Houthi, vốn đang kiểm soát phần lớn Yemen và đã gia tăng các cuộc tấn công ở Hồng Hải nhắm vào các tàu “có liên quan đến Do Thái” trong những tuần gần đây, nhằm thể hiện tình đoàn kết với người Palestine ở dải Gaza.
Khu trục hạm Iran tiến vào khu vực này trong bối cảnh quân đội Mỹ hôm Chủ Nhật cho biết đã đánh chìm ba chiến hạm của Houthi sau khi lực lượng này tấn công một tàu chở hàng của một công ty vận tải Đan Mạch. Mười chiến binh đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của Hoa Kỳ, và Houthi đã thề sẽ trả thù.

Kể từ đó, căng thẳng đã gia tăng giữa Tehran và các nước phương Tây. Ngoại trưởng Anh Quốc đã điện đàm với người đồng nhiệm Iran để cảnh cáo về các cuộc tấn công tiếp theo của lực lượng Houthi.
Về phần mình, Hossein Amir Abdollahian đã tố cáo “thái độ tiêu chuẩn kép” của một số nước phương Tây.
Điều này cho thấy Iran can thiệp ngày càng sâu đối với cuộc xung đột Palestine-Do Thái đang ngày càng lan rộng trong khu vực. Ngoại trưởng Iran đã tiếp phát ngôn viên của lực lượng Houthi và hoan nghênh sự ủng hộ của họ đối với Palestine.


Ukraine: Nga Tấn Công Bằng Phi Đạn Vào Kyiv và Kharkiv


(Hình: Nga oanh kích Kyiv sáng sớm ngày 2/01/2023.)
-Sáng 2/1/2024, quân đội Nga đã mở một loạt cuộc tấn công từ trên không vào Ukraine, phóng nhiều phi đạn vào thủ đô Kyiv và thành phố Kharkiv ở miền Đông. Còi báo động đã vang lên trên toàn lãnh thổ Ukraine do mối đe dọa từ các oanh tạc cơ của Nga.
Những vụ tấn công ồ ạt bằng phi đạn diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Vladimir Putin đe dọa gia tăng oanh kích vào Ukraine để trả đũa vụ Ukraine oanh tạc với quy mô chưa từng có vào thành phố Belgorod của Nga hôm thứ Bảy tuần trước, khiến 25 người chết và hơn 109 người bị thương. Từ Kyiv, thông tín viên Stéphane Siohan của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:

Từ khoảng 7 giờ 30 sáng, tại khu vực thủ đô Kyiv đã vang lên nhiều tiếng nổ, tiếng súng phòng không, tiếng phi đạn bị bắn chặn, tạo nên những chấn động làm rung chuyển các bức tường và cửa sổ các tòa nhà.
Ít nhất đã có khoảng hơn 10 vụ nổ lớn, nhưng hiện giờ chưa thể biết được bao nhiêu phi đạn đã bị bắn chặn và bao nhiêu phi đạn đã bắn trúng đích.
Rất có thể đó là những phi đạn siêu thanh Kinjal được bắn từ các oanh tạc cơ của Nga, bởi vì vào cuối đêm qua, hoạt động của 16 máy bay đã được ghi nhận.

Đến giờ này, báo động vẫn được duy trì, chúng tôi đang nhận được những thông tin đầu tiên về những thiệt hại. Một tòa nhà đã bị bắn trúng, khiến 10 người bị thương. Ở vùng ngoại ô Kyiv, một siêu thị và các kho hàng đã bốc cháy. Chắc phải nhiều tiếng đồng hồ nữa mới có thể thẩm định được thiệt hại vật chất cũng như thiệt hại nhân mạng
Nhưng điều đáng nói là điện đã bắt đầu bị cúp tại 4 quận của thủ đô Ukraine, và ở một số nơi trong Kyiv, mạng Internet không ổn định, cho thấy là các cơ sở hạ tầng năng lượng đã bị tấn công.
Theo thống kê mới nhất của chính quyền Ukraine, ít nhất có 4 thường dân đã thiệt mạng và hơn 90 người bị thương trong các cuộc oanh kích hôm 2/1/2024, chủ yếu ở Kyiv và Kharkiv. Hơn 250.000 người bị cúp điện ở Kyiv sau các cuộc oanh tạc. Còn quân đội Ukraine thì khẳng định quân Nga đã phóng tổng cộng 99 phi đạn, trong đó có 72 phi đạn đã bị bắn hạ.


Năm 2024: Nga Tăng Cường Oanh Kích, Ukraine Lui Về Thế Thủ


(Hình: Thủ đô Kyiv của Ukraine sau cuộc oanh kích Nga sớm ngày 2/1/2024.)
-Cuộc chiến xâm lược Ukraine của Nga sắp bước sang năm thứ ba. Vào những ngày đầu năm 2024, Nga không giảm cường độ các cuộc oanh kích nhắm vào Ukraine, đặc biệt là thủ đô Kyiv. Nguyên thủ hai nước còn có những lời dọa dẫm nhau trong các phát biểu đầu năm.
Vào lúc quân đội Nga bắt đầu lấy lại sự năng động, quân đội Ukraine buộc phải xem lại chiến lược của mình sau khi cuộc phản công không đạt được sự đột phá như mong đợi nhằm chiếm lại vùng biển Azov. Hiện nay, Ukraine đối mặt với hai vấn đề nan giải: Thiếu quân và vũ khí. Đạn dược, phi đạn, drone… chi viện từ phương Tây giảm dần.

Trả lời ban tiếng Pháp đài RFI, nhà nghiên cứu Florent Parmentier, Tổng Thư ký tại Trung tâm Nghiên cứu Chính trị trường Đại học Khoa học Chính trị Sciences Po (Cevipof), phân tích tiến triển cuộc chiến trong năm 2024:
“Nhìn vào thất bại của cuộc phản công Ukraine, vấn đề đặt ra hiện nay đối với Nga là phải biết nên tiếp tục tấn công ở đâu và nếu có thành công, làm thế nào khai thác những thành công đó. Từ quan điểm này, người ta nhận thấy, nếu quân Ukraine tiếp tục tấn công sẽ là phức tạp và vì vậy, họ đã ngừng chiến dịch, đơn giản chỉ vì cuộc phản công này đã không mang lại hiệu quả như mong đợi.

Vấn đề đặt ra cho năm 2024 sẽ không phải là một cuộc phản công mới của Ukraine mà là khả năng nước này chống lại các cuộc tấn công mới của Nga. Trong bối cảnh này, ông Vladimir Putin chắc chắn sẽ có ý định tăng cường oanh kích nhằm làm cho tiềm năng sản xuất kinh tế và công nghiệp của Ukraine rệu rã, tốt nhất là làm cho nền kinh tế, công nghiệp Ukraine suy yếu tối đa, cho đến một thời điểm mà quân đội Nga cho rằng cuộc tấn công phải được tiến hành trên lãnh thổ Ukraine”.


Liên Hiệp Quốc Sẽ Tăng Khẩu Phần Lương Thực Cho Người Tị Nạn Rohingya ở Bangladesh


(Hình: Người tị nạn Rohingya ở Bangladesh.)
-Hôm 2/1/2024, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho biết Liên Hiệp Quốc sẽ tăng khẩu phần thực phẩm cho mỗi người tị nạn Rohingya ở Bangladesh thêm 2 Mỹ kim/tháng, lên mức 10 Mỹ kim, kể từ ngày 1/1/2024.
Năm 2023, Liên Hiệp Quốc giảm 1/3 mức viện trợ lương thực cho người tị nạn, xuống còn 8 Mỹ kim/tháng, vì tổ chức này chỉ huy động được chưa đến một nửa số tiền 876 triệu Mỹ kim cần có để hỗ trợ họ.
Gần một triệu người thuộc cộng đồng Hồi giáo thiểu số từ Miến Ðiện sống trong các trại bằng tre và tấm nhựa ở huyện biên giới Cox’s Bazar của Bangladesh, hầu hết trong số họ đã chạy trốn khỏi cuộc đàn áp của quân đội vào năm 2017.

WFP cắt tiền hỗ trợ thực phẩm của người tị nạn từ mức 12 Mỹ kim xuống còn 10 Mỹ kim vào tháng 3/2023 và giảm thêm vào tháng 6, xuống mức 8 Mỹ kim/tháng, trong bối cảnh họ bị eo hẹp tài chánh nghiêm trọng.
Ông Dom Scalpelli, Giám đốc cơ quan WFP ở Bangladesh, nói trong một tuyên bố: “Tình trạng lương thực và dinh dưỡng xấu đi nhanh chóng trong các trại là điều vô cùng đáng lo ngại”.
“Trước hoàn cảnh này, cộng đồng các nhà tài trợ đã sát cánh cùng người Rohingya - tất cả là nhờ những đóng góp hào hiệp của họ mà giờ đây chúng tôi có thể có được mức tăng này và cũng có thể bổ sung thêm gạo chất lượng tại địa phương vào gói hỗ trợ lương thực của WFP”.


Động Đất Lớn ở Nhật Bản, Gần 50 Người Thiệt Mạng


(Hình: Ảnh của Jiji Press - được thông tấn xã Reuters dẫn lại - cho thấy nhà cửa bị đổ ở Wajima, tỉnh Ishikawa, Nhật Bản, hôm 2/1/2024.)
-Một trận động đất mạnh xảy ra ở miền Trung Nhật Bản hôm thứ Hai (1/1), ngày đầu năm mới 2024, làm chết ít nhất 48 người. Nhiều người khác có thể còn bị mắc kẹt trong các đống đổ nát khi nhiệt độ lạnh ở mức gây ra đóng băng.
Trận động đất phá hủy nhiều nhà cửa, làm mất điện cho hàng ngàn hộ dân và làm gián đoạn việc đi lại trong khu vực. Chính quyền ban hành cảnh báo người dân phải di tản khỏi một số khu vực trên bờ biển phía Tây.

Trận động đất với cường độ ban đầu là 7,6 độ Richter đã gây ra các đợt sóng cao khoảng 1 mét dọc theo các khu vực bờ biển Nhật Bản, và chính quyền cho biết các đợt sóng lớn hơn có thể kéo theo.
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) ban hành cảnh báo sóng thần cho các tỉnh ven biển Ishikawa, Niigata và Toyama. Cảnh báo sóng thần lớn - lần đầu tiên kể từ trận động đất và sóng thần ở vùng Đông-Bắc Nhật Bản vào tháng 3 năm 2011 - ban đầu được ban hành cho Ishikawa nhưng sau đó đã hạ cấp.

Nga cũng ra cảnh báo sóng thần ở các thành phố viễn đông Vladivostok và Nakhodka.
Phát ngôn viên chính phủ Yoshimasa Hayashi nói với các phóng viên rằng nhiều nhà cửa bị phá hủy, các đơn vị quân đội được điều đến hỗ trợ hoạt động cấp cứu và chính quyền vẫn đang đánh giá mức độ thiệt hại.
Ông Toshihiro Shimoyama, viên chức của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, cảnh báo rằng những trận động đất mạnh hơn trong khu vực có hoạt động địa chấn diễn ra trong hơn ba năm qua có thể xảy ra trong những ngày tới.

Trong bình luận với báo chí ngay sau khi trận động đất xảy ra, Thủ tướng Fumio Kishida cũng cảnh báo người dân chuẩn bị cho nhiều thảm họa hơn.
Thủ tướng Kishida nói: “Người dân cần cảnh giác với những trận động đất tiếp theo có thể xảy ra và tôi kêu gọi người dân ở những khu vực có thể có sóng thần hãy di tản càng sớm càng tốt”.


Nam Hàn: Lãnh Đạo Phe Đối Lập Bị Đâm Dao


(Hình: Lãnh đạo đối lập Nam Hàn Lee Jae-myung phát biểu trong chuyến đi Busan, Nam Hàn, ngày 2/1/2024.)
-Cảnh sát Nam Hàn cho hay hôm 2/1/2024, lãnh đạo đảng Dân chủ, thuộc phe đối lập, Lee Jae-myung, đã bị một người đàn ông trong đám đông đóng giả làm người ủng hộ ông đâm dao vào cổ tại Busan, phía Nam Nam Hàn. Vết thương không nguy hiểm đến tính mạng, còn hung thủ đã bị bắt giữ và tra hỏi
Từ Hán Thành, thông tín viên Célio Fioretti của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm chi tiết:
Đảng Dân chủ đã lên án “một cuộc tấn công khủng bố và một mối đe dọa đối với nền Dân chủ” sau khi lãnh đạo đảng Lee Jae-myung bị tấn công. Theo các nhân viên y tế, ông Lee nhiều khả năng sẽ qua khỏi và hiện vẫn đang được phẫu thuật tại một bệnh viện ở thủ đô Hán Thành. Hung thủ đã ngay lập tức bị bắt giữ và đang bị cơ quan chức năng tra hỏi.

Vụ tấn công này xảy ra 100 ngày trước cuộc bầu cử Quốc hội quan trọng vào tháng 4. Đảng Dân chủ của Lee Jae-myung hiện chiếm đa số trong Quốc hội và sẽ tìm cách duy trì đa số này. Theo các cuộc thăm dò gần đây, cuộc bầu cử hứa hẹn sẽ rất sít sao, nhưng đảng Dân chủ được đánh giá cao hơn.
Dân biểu 59 tuổi này cũng đang bị xét xử về tội tham nhũng khiến hình ảnh của ông bị hoen ố đáng kể. Từ một năm qua, đảng cầm quyền không ngừng tấn công ông Lee trên các phương tiện truyền thông để duy trì bầu không khí bất bình trong xã hội đối với lãnh đạo đảng Dân chủ. Đây cũng không phải là lần đầu tiên chính trị gia này trở thành mục tiêu bị nhắm đến. Năm 2023, mộ của bố mẹ ông Lee Jae-myung đã bị đập phá.
Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk-yeol đã lên án cuộc tấn công nhắm vào đối thủ của ông và kêu gọi xã hội không dung thứ cho bạo lực chính trị.


Bắc Kinh Chỉ Trích Việc Hòa Lan Cấm ASML Xuất cảng Thiết Bị Làm Chip Sang Trung Quốc


(Hình: Trụ sở công ty ASML ở Veldhoven, Hòa Lan.)
-Thông tấn xã Reuters đưa tin cho hay hôm 2/1/2024, Trung Quốc kêu gọi Hòa Lan “tôn trọng các nguyên tắc thị trường”, một ngày sau khi hãng chế tạo máy làm chip ASML cho biết chính phủ Hòa Lan đã thu hồi giấy phép xuất cảng đối với việc vận chuyển một số thiết bị của họ sang Trung Quốc.
Công ty ASML có trụ sở tại Veldhoven, Hòa Lan, nói hôm 1/1/2024 rằng các lô hàng bị ảnh hưởng bao gồm một số hệ thống in thạch bản.

Công ty cho hay: “Giấy phép vận chuyển hệ thống in thạch bản NXT:2050i và NXT:2100i vào năm 2023 vừa bị chính phủ Hòa Lan thu hồi một phần, ảnh hưởng đến một số ít khách hàng ở Trung Quốc”.
ASML thống trị thị trường toàn cầu về hệ thống in thạch bản, sử dụng tia laser để giúp tạo ra mạch điện tử.
Khi được hỏi về động thái này của chính phủ Hòa Lan, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm 2/1/2024 kêu gọi Hòa Lan “công tâm, tôn trọng các nguyên tắc thị trường và luật pháp, thực hiện các hành động thiết thực để bảo vệ lợi ích chung của cả hai nước và các công ty của nhau cũng như duy trì sự ổn định của chuỗi cung ứng quốc tế”.
ASML không nêu rõ khách hàng nào lẽ ra sẽ nhận được các thiết bị này, nhưng khách hàng của họ ở Trung Quốc bao gồm Tập đoàn Quốc tế Sản xuất Chất bán dẫn (SMIC) và những khách hàng khác, theo các tài liệu được công bố của công ty.
SMIC và các công ty cùng ngành như Hua Hong, Nexchip Semiconductor, Beijing Xinxin Integration Dianlu Manufacturing và United Nova Technology không trả lời khi được đề nghị đưa ra bình luận.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc là thị trường lớn thứ ba của ASML sau Đài Loan và Nam Hàn, nhưng lại là thị trường lớn nhất vào quý III năm 2023, chiếm 46% doanh thu của công ty.


Hồng Kông: Tỉ Phú Lê Trí Anh Không Nhận Tội Trong Phiên Tòa Xét Xử


(Hình: Trước cửa phiên tòa xét xử ông Lê Trí Anh (Jimmy Lai), Hồng Kông, ngày 18/12/2023.)
-Ngày 2/1/2024, nhà tỉ phú ủng hộ dân chủ Lê Trí Anh (Jimmy Lai) đã không nhận tội trong phiên tòa xét xử ông với tội danh “vi phạm an ninh quốc gia”.
Theo thông tấn xã AFP, ông Lê Trí Anh (76 tuổi) hiện đang bị giam tù, đã bị cáo buộc 3 tội danh: Âm mưu tạo dựng các tài liệu nổi loạn, một hành vi phạm tội theo đạo luật có từ thời thuộc địa; Âm mưu thông đồng với các thế lực ngoại quốc, và Thông đồng.
Với 2 tội danh sau cùng, chủ tòa soạn nhật báo Apple Daily, một nhật báo tự do và chỉ trích chính quyền bị đóng cửa năm 2021, có nguy cơ lãnh án tù chung thân căn cứ theo một đạo luật khắt khe về an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt năm 2020.

Tuy nhiên, các Công tố viên trong phiên xử hôm nay đã từ bỏ cáo buộc “thông đồng” vì tội danh này cũng nằm trong cáo buộc “âm mưu thông đồng”.
Nhiều cựu lãnh đạo khác của tòa báo cũng bị đưa ra xét xử. Phiên tòa xử ông Lê Trí Anh được giới truyền thông theo dõi sát sao, được xem như là một thước đo về tình trạng quyền tự do công dân ở Hồng Kông.
Anh, Mỹ đã kêu gọi trả tự do cho ông Lê Trí Anh, vốn cũng là một công dân Anh Quốc, trong khi Liên Hiệp Âu Châu và Liên Hiệp Quốc bày tỏ lo lắng cho số phận của ông.
Bắc Kinh đã bác bỏ tất cả các chỉ trích, xem đấy như là một hành động bôi nhọ và can thiệp nội bộ.


Thái Lan và Trung Quốc Miễn Thị Thực Cho Công Dân của Nhau Từ Tháng 3/2024


(Hình: Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin.)
-Thông tấn xã Reuters đưa tin cho hay hôm 2/1/2024, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết rằng chính quyền nước này và Thái Lan đang liên lạc và mong muốn thực hiện việc miễn thị thực cho công dân hai nước.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân cho hay trong một cuộc họp báo rằng cả hai bên cũng sẽ tăng cường giao lưu nhân dân.
Cũng hôm 2/1/2024, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin nói rằng Thái Lan và Trung Quốc sẽ miễn trừ lâu dài các yêu cầu về thị thực đối với công dân của nhau kể từ tháng 3.


Tài Chánh: Thuế Tối Thiểu Toàn Cầu Bắt Đầu Có Hiệu Lực


(Hình: Đảo Man, trực thuộc quyền quản lý của Nữ hoàng Anh, từng được coi là một thiên đường “trốn” thuế.)
-Thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia đã bắt đầu có hiệu lực kể từ hôm 1/1/2024. Mục tiêu của loại thuế này là nhằm chặn đứng việc các tập đoàn quốc tế dồn đầu tư vào những nước đánh thuế thấp, vào những “thiên đường thuế”, khiến những nước khác mất những nguồn thu nhập cần thiết.
Thuế tối thiểu toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE) cùng với nhóm G20 thiết lập. Vào tháng 10/2021, 140 nước đã ký kết thỏa thuận áp thuế này đối với các công ty đa quốc gia có tổng doanh thu trên 750 triệu Euro. Riêng Việt Nam đã thông qua việc áp thuế này trong phiên họp của Quốc hội vào tháng 11 năm 2023.

Kể từ hôm qua, thuế tối thiểu toàn cầu bắt đầu có hiệu lực, nhưng không phải đối với toàn bộ 140 nước ký kết bởi vì nhiều nước vẫn chưa phê chuẩn thỏa thuận, trong đó có hai cường quốc hàng đầu thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Tại Mỹ, chính quyền của Tổng thống Dân chủ Joe Biden ủng hộ việc áp thuế này, nhưng đảng Cộng hòa, chiếm đa số ở Hạ viện, kiên quyết chống lại.
Kể từ hôm qua, cho dù khai lợi nhuận ở nước nào, các công ty đa quốc gia đều phải đóng mức thuế tối thiểu 15%. Ví dụ, một công ty Pháp đóng thuế 9% ở một nước mà họ có chi nhánh, sẽ phải đóng mức thuế chênh lệch 6% cho Nhà nước Pháp.

Tổ chức OCDE hy vọng là thuế tối thiểu toàn cầu sẽ mang lại một nguồn thu thuế bổ sung lên tới 220 tỉ Mỹ kim hàng năm cho các quốc gia. Trong khi một số nhà kinh tế hoan nghênh, thì những chuyên gia khác không mấy lạc quan về hiệu quả của thuế mới, vì họ cho là các nước sẽ cạnh tranh với nhau để thu hút đầu tư dưới những hình thức khác, chẳng hạn như trợ cấp cho các doanh nghiệp.

Không có nhận xét nào: