Vừa thấy tên họ tôi viết xuống tờ giấy có hẹn, cô thư ký ngước đầu lên cười hỏi tôi:
"Có phải cô là đứa con suýt bị bỏ lại?.. Ba của cô đã kể cho tôi nghe chuyện đó."
Bị hỏi bất ngờ nên tôi có hơi lớ ngớ, nhưng vài giây sau tôi đã hiểu ngay, bèn cười trả lời: "Ồ! Câu chuyện đó! Đúng là tôi, đứa con suýt bị bỏ lại." Đó là một câu chuyện mà ba tôi hay kể với bạn bè, đồng nghiệp, ngay cả với mấy cô thư ký, y tá ở văn phòng bác sĩ - là bác sĩ gia đình mấy chục năm nay. Cô này mới vô làm chưa nghe nên mới nghe lần đầu.
Thứ ba, ngày 22 tháng tư, năm 1975, ba tôi đã nhận được một cú điện thoại của một người Mỹ. Không, chính xác là hai cú. Cú đầu cho biết chỉ cho hai thằng con lớn đi. "Hai thằng con lớn" năm đó chỉ mới 16 tuổi và 12 tuổi. Cú sau là cả gia đình 8 người được đi. Được dặn ăn mặc giả bộ như đi dự tiệc và mỗi người chỉ được mang theo một túi xách tay nhỏ. Tại một cái biệt thự trên đường Công Lý vào lúc 6 giờ chiều.
Không nỗi mừng nào bằng, vì hai tháng trời ba tôi đã chạy ngược chạy xuôi tìm đủ phương tiện để đi...Các tỉnh miền Trung mất, trong đó có Quy Nhơn: người thân chạy vào tị nạn; cao nguyên triệt thoái: gia đình dì tôi chạy về sau khi đã bỏ 3 mạng người nhà trên con đường đó, kể cả dì. Dì đòi phải để dì ở lại dưới gốc cây vì dì bị trúng pháo kích, máu ra nhiều quá, chắc là không sống nổi. Dì mất ngày nào, chẳng rõ.
....Khi đã ngồi trên máy bay trên đường bay qua Phi Luật Tân, hẳn là ba má tôi đã hoàn hồn và thấy được cái phúc đức ông bà tổ tiên để lại cho con cháu. Không người nào trong gia đình bị để lại.
Tôi còn đi học, chưa biết tiếc giùm ba má tôi cái tài sản mà hai người đã để lại cũng như chưa cảm được cái may mắn lúc đó là cả cái gia đình nhỏ của ba má đang ngồi đủ trên máy bay.
Trở lại vài tiếng đồng hồ trước đó. Khi cả nhà có mặt đầy đủ để chuẩn bị ra đi thì tôi không có mặt ở nhà. Không ai biết tôi đã đi đâu! Cậu em kế đã đi chiếc PC đến nhà bạn thân của tôi trên đường Trương Tấn Bửu, gần góc đường Trương Tấn Bửu và Võ Tánh, để tìm xem tôi có chơi ở đó không. Bạn tôi bảo không thấy tới.
Em tôi trở về mà không có tôi. Ba má tôi quýnh lên. Tôi không có mặt ở nhà vào lúc đó nên không thấy nỗi lo của ba má tôi hay cái cảnh quýnh quíu, lăng xăng của mọi người như thế nào. Khi tôi về nhà, chỉ nghe kể là má tôi khóc, không chịu đi, và ba tôi đã nói rằng, "thà để lại một đứa con còn hơn là cả gia đình bị kẹt lại". Sẽ không có một cách nào khác hơn!
Những ngày trước đó, vì tình hình ở Sài Gòn đã bắt đầu nguy ngập nên ba tôi đã không cho tôi đi học. Ở nhà không làm gì nên buồn, nên tôi đi coi phim ở rạp Đại Lợi, trên đường Thoại Ngọc Hầu, gần nhà, đi bộ chừng 10 phút, hẳn ba má tôi không biết là tôi hay đi coi phim ở đây nên đã không kêu cậu em tôi đến đó kiếm. Thời gian này họ hay chiếu phim tình cảm, và bữa đó có lẽ tôi đang coi phim Mùa Thu Lá Bay, do Đặng Quang Vinh và Chân Trân đóng, dựa theo cuốn tiểu thuyết ăn khách của nhà văn Quỳnh Dao.
Cái số của tôi quá hên là tôi đã không ngồi miết trong rạp Đại Lợi để coi tới coi lui - nó chiếu liên tục, không đuổi khách ra. Là khi về ngang qua nhà, lối cửa sau, tôi định không vô nhà mà tới nhà cô bạn hàng xóm chơi, thì người nhà thấy được và kêu về (giờ thì không nhớ là ai đã thấy và kêu).
Tôi qua nhà bác T, xin 8 cái túi vải bột mì. Bác trai làm cho hãng làm bột mì. Bác gái hỏi làm gì mà xin nhiều vậy. Tôi không giấu bác nên cho biết là sắp đi, cần túi để mọi người đựng áo quần. Bác chúc đi bình an, nói nhà bác có mấy trăm lượng vàng, cũng muốn đi mà không biết đi làm sao.
Lái xe tới chỗ hẹn, ba tôi dặn mọi người chờ trong xe để ba vào trong trước để tìm ông Bob Smith, làm ở Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ. Tôi thấy trước villa có đậu mấy xe gắn máy của quân cảnh người Việt, thấy người vô ra, từng nhóm với nhiều hành lý.
Bên trong, ba tôi không thấy ông Bob đâu. Lại có một ông Mỹ khác đang bận rộn sắp xếp người đi, tay cầm máy nói, đi tới đi lui. Có nhiều ông chỉ chở bỏ vợ con ở đó để chờ đi, còn họ ở lại. Có người lo nói không biết qua Mỹ sống làm sao, làm gì. Ba tôi nhìn cái ông Mỹ nửa muốn hỏi thăm về ông Bob, nửa ngại ngùng, rồi cuối cùng mạnh dạn hỏi ông có biết ông Bob không. Ông này hỏi lại ba tôi, có phải ông là gia đình 8 người? Ba tôi trả lời phải, thì ông nói, ông Bob bận việc phải đi, có dặn tôi lo cho một gia đình 8 người.
Thế là ba tôi ra xe kêu má tôi với tụi tôi vào. Ngay lúc đó, anh P, con bà cô thứ ba của tôi bỗng từ đâu tình cờ lúp xúp chạy bộ tới. Ba tôi nói gia đình sắp đi vào phi trường, hỏi anh có đi không thì đi luôn. Anh nói anh muốn đi nhưng giờ phải về lấy giấy tờ, rồi sẽ trở lại.
Ngày 30 Tháng Tư, anh với người em chạy ra bến tàu, leo lên được tàu Trường Xuân, lúc ở HongKong liên lạc được với ba tôi qua Hồng Thập Tự, và tháng 10 năm đó hai anh em đã đoàn tụ với gia đình tôi. Anh kể, "bữa đó, lúc về nhà nói chuyện với ba má và lấy giấy tờ, khi quay trở lại thì gia đình cậu đã đi rồi".
Ông Mỹ đưa một số lên xe lớn, cửa sổ che màn kín bít bùng, ông còn dặn đừng kéo lên. Ai cũng biết lúc này chính quyền VNCH còn, đi như thế này có thể bị bắt giam. Trong villa, một số ở lại, có lẽ chờ chuyến sau.
Qua cổng trại, được lính chào và cho qua. Mới đầu xe chở vào một biệt thự, thuộc cư xá Air Việt Nam, kêu mọi người xuống, ở tạm, để chờ chuyến bay, đã có sẵn gạo, nước mắm. Nhưng chưa ai xuống xe thì đã có lệnh được chở qua khu làm thủ tục giấy tờ để chuẩn bị lên máy bay. Nơi đây đã có đông đảo người đang chờ đợi.
Lúc quân cảnh Mỹ hướng dẫn nhóm lên máy bay thì ở ngoài sân bay cũng đang có nhiều người vừa từ đâu tới. Có vài quân cảnh Việt hỏi mấy người lớn của nhóm chúng tôi, "các bác ở đâu về, có phải Phú Quốc?" Không ai trả lời. Vì không phải về mà đi!
Có ông chạy theo sau dặn ba tôi, qua Phi có gặp vợ con ông (cho tên) thì nhắn giùm là cứ an tâm, ông sẽ sắp xếp đi sau.
Người thì đông, có biết ai là ai mà nhắn. Không biết sau này ông có gặp lại vợ con?
Và cái gia đình nhỏ khác gồm một bà mẹ với hai người con gái lớn đi cùng, mặt ai cũng buồn hiu. Không biết sau này ông bố có đi được hay bị kẹt lại rồi?
Lúc này mặt trời đã bắt đầu lặn, sáng một màu hồng đỏ ở cuối chân trời. Mọi người được giúp đưa lên máy bay quân sự C-141, Starlifter của US Air Force, không có ghế, tất cả ngồi bệt trên sàn.
Ngay lúc đó tôi nhớ tới cuộc chạy trốn cộng sản của người Hung Gia Lợi, trong một phim thời sự. Chắc là cũng như thế này? Người Hung Gia Lợi được người của tổ chức Hồng Thập Tự ra đón tiếp. Chắc là mình cũng sẽ thế? Quả đúng như vậy, khi tới Phi, vừa bước xuống máy bay thì đã thấy có hai hàng dài người HTT đang đứng, để dìu người già yếu, giúp bế những đứa bé, xách hộ những cái va li, túi xách. Trong phi trường, họ cho nước uống, bánh cookies, sandwiches, ...
Trời đã khuya. Xe buýt chở người tị nạn đến ở một khu gọi là Tent City, những lều vải vừa được dựng lên vội vã trong Clark Field Air Force Base, một căn cứ không quân của Mỹ.
Gia đình chúng tôi ở đây gần một tuần thì được đưa qua đảo Guam. Trời nắng gắt, đất đỏ bụi bay mù trời. Dọc đường tới trại, tôi thấy có nhiều cây me tây có trái. Ở trại Orote Point, các lều vừa được dựng lên vài tiếng trước đó - những người đến trước thì được ở trong trại Andersen - tôi gặp lại cô bạn mà em trai tôi đã đến nhà nó tìm tôi. Có ông anh đi du học ở Gia Nã Đại làm giấy bảo lãnh, gia đình nó đi được mà thiếu hai ông anh khác và bà chị dâu, vì bị giữ lại ở phi trường. Ba má nó buồn lắm. Một gia đình Bắc, đã từ Bắc chạy vào Nam, giờ từ Nam chạy qua nước khác.
Tôi tình nguyện phụ nhà bếp đứng phát cơm, nước, bánh trái. Còn nó thì buồn, chiều nào cũng ra ngồi bờ đá nhìn ra cái hồ hay biển - mà tôi chỉ theo nó ra đó có một lần. Có lẽ nó đã yêu ai mà người đó bị kẹt ở lại?
Khi còn ở Guam, tôi nghe tin Sài Gòn vừa mất vào tay cộng sản...từ cái radio nhỏ hiệu Sony mà tôi đã mang theo được. Không hiểu tôi nghĩ gì mà nhất quyết mang theo cái radio trong khi quần lót thì không nhớ, chỉ có một cái đang mặc trong người!
43 năm trôi qua rồi mà ngày về vẫn còn xa tít mù khơi!
Linh Vang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét