Thương chồng nấu cháo le le/ Nấu canh bông lý, nấu chè hột sen. Có thuyết âm mưu qua ba món này không? Bạn “phây” của tôi chỉ có một người trả lời là có. Tôi lại cho rằng đầu mối âm mưu là do ông Tuệ Tĩnh mà ra.
Nấu cháo le le
Le le là một giống vịt trời con nhỏ xíu. Trông mặt đặt tên, Tây gọi nó lesser whistling duck (vịt thổi còi nhỏ). Nó có nhiều ở Nam Á và Đông Nam Á, nên còn có tên là “vịt thổi còi Ấn Độ”, “vịt thổi còi Chà Và”. Ngoài ra, có nơi thấy nó hay đậu trên cây nên gọi là “vịt cây” giống như ta gọi “vịt đồng” vì chúng ăn ngoài đồng. Tiếng kêu của nó the thé nên được đặt tên là thổi còi. Cổ tích Việt Nam còn biểu nó biết “đánh trống, thổi kèn” (trong bài đồng dao Bắc Kim Thang).
<!>
Le le từ kiếp vịt trời đã bị “bắt hết phong trần” để làm vịt ao nhà. Con vịt nhát người này trở thành vịt ao nhà chắc là bị stress, cái ngon của thịt có lẽ giảm sút. Nhưng những người nuôi le le vẫn luôn miệng nói thịt le le ngon, bổ. Nhưng “vịt ao nhà” khi nhiều lên giá do ngon bổ cũng rớt giá tuy không đến nổi như giá thanh long. Một nguồn tin từ cuốn Sổ tay chim Ấn Độ và Hồi Giáo cho biết đàn le le toàn cầu vào khoảng từ hai triệu đến 20 triệu cá thể. Le le không bị đe dọa bị săn bắn vì thịt không ngon.
Ảnh: Pixabay
Tôi đã từng ăn thịt vịt trời mang kiếp vịt nhà của xứ Tây Ninh. Thịt ít mỡ, “thon thả”. Những người không khoái vịt siêu thịt sẽ thích ăn vịt cỏ hơn, vì thịt nó không ít xỉn như thịt le le. Người hảo của lạ, cũng nên ăn thử món cháo lưu danh ca dao. Mà thịt le le nên bằm thật nhuyễn ra, nấu cháo ngon hơn là internet bày chặt miếng.
Vậy tại sao thương chồng nấu cháo le le? Tờ Tiền Phong [1] dẫn Thiền sư Tuệ Tĩnh viết về le le: Le le (vịt trời) có vị ngọt tính bình, không độc, tác dụng ích khí, bổ trung, tiêu thực, ăn uống tích trệ, trúng phong, lở nhiệt, trừ các loại trùng… Thịt le le rất tốt cho người tỳ thận hư ăn uống kém, sinh lý yếu, mồ hôi trộm lở ngứa lâu lành và các chứng liên quan đến khí huyết hư [1].
Cháo le le được những kẻ bán hàng đồn là trị yếu sinh lý, Viagra thuốc Nam. Để hữu hiệu hơn, họ còn gán cho Tuệ Tĩnh viết trong sách của ông. Ảnh: Ngữ Yên
Trong các ích dụng bài báo nêu ra, đáng chú ý nhất là ăn le le trị được “sinh lý yếu”. Phải chăng “âm mưu” nằm ở chỗ đó? Nhưng chỉ là ở bài báo dẫn Tuệ Tĩnh chớ sách Tuệ Tĩnh toàn tập [2] không có vị thuốc le le. Tội nghiệp cuộc đời của một vị Thánh y lận đận. Ông có lẽ nổi tiếng tới tai cả triều thần Trung Hoa, nên “nước lớn” đã yêu cầu cống nạp ông vào năm 1685, dưới thời Trần Phế Đế và Nghệ hoàng (Trần Nghệ Tông) nhiếp chánh.
Đó là thời Mạt Trần, quân lực yếu nhược, bị Chiêm Thành giết Trần Duệ Tông tại Bình Định, Chế Bồng Nga đánh tới Thăng Long. Lại đương lúc nhà Minh thịnh, muốn sao chẳng đặng? Rồi gần 300 năm sau, Nguyễn Danh Nho đi sứ sang Tàu tình cờ thấy mộ Tuệ Tĩnh ở Giang Nam, bia mộ có ghi “Ai về nước Nam cho tôi về với”. Nặng tình đồng hương, ông Nho về cho copy lại mộ bia bên Tàu, lập đền thờ, người khấn vái đông quá, Thiệu Trị sợ loạn, lệnh cho đục bỏ chữ và nhốt bia sau hậu điện. Bây giờ lại bị báo chí gây oan ức qua vụ cháo le le.
Nấu canh bông lý
Bông của dây leo thiên lý nấu canh chẳng hiểu sao được nhiều người thích, dầu nó có mùi hăng hăng. Có khi món canh này đi vào văn học tạo niềm yêu thích ban đầu cho người ăn. Có một ông nhà văn nổi tiếng có vẻ “lộng ngôn” rằng ông ăn tô canh vợ nấu còn động lòng người bằng mấy lúc nằm bên vợ. Đó là tô canh cua đồng nấu với bông thiên lý!
Ảnh: Pixabay
Cái này ắt làm hỏng “thuyết âm mưu” nên tôi mới biểu ông “lộng ngôn”, không sợ trừng phạt. Nhưng ông cũng có lý do chánh đáng khi giãi bày: Vợ ông nấu món canh “Bắc kỳ” (từ của bà vợ dùng) ấy theo công thức mẹ ông đã nấu được ông thuật lại trong truyện của ông. Món canh đó không hề có trong các cuốn dạy nấu món Bắc mà bà vợ tham khảo. Bà khai với chồng: “Sách dạy nấu các món ăn Bắc kỳ không có món này. Em đọc truyện ngắn của anh, bắt chước mẹ nấu canh hoa lý cua đồng cho anh ăn đó.”
Món canh bông lý có tác dụng thanh nhiệt, an thần. Ảnh: Thu Nguyễn
Dây leo thiên lý được cho là giống ngoại sinh có nguồn gốc từ bên Tàu. Người Hoa gọi là “dạ lai hương” (ghi theo âm Hán Việt). Có lẽ nhập cư vào phía Bắc. Tên tiếng Anh thông dụng là tonkin jasmine (lài bắc kỳ). Món canh bông thiên lý có lẽ cũng theo chân người Bắc vào Nam năm 1954. Thiên lý có thể leo cao đến năm thước. Ngày xưa nó thường được trồng trước sân để leo giàn lấy bóng mát.
Khi ra bông, thường được các bà mẹ hái nấu canh. Cua đồng cũng là một món nặng gốc Bắc hơn. Nó hiện diện trong các món canh Bắc như bông thiên lý, mồng tơi, rau đay, v.v. Nó hiện diện trong món bún riêu, canh bún cũng gốc Bắc luôn. Trang web của sở Y tế Nam Định ghi: “Theo Đông y, hoa thiên lý có vị ngọt tính bình, có tác dụng bồi bổ, thanh nhiệt, giải độc, phòng chống rôm sảy và nâng cao sức khỏe, là một vị thuốc an thần, điều trị chứng mất ngủ…” [4]. Tức là bông thiên lý vừa thanh nhiệt, vừa dễ lên giường đi ngủ.
Ảnh: Pixabay
Nấu chè hột sen
Rồi còn chè hột sen. Sen là loại hoa mọc nhiều ở Việt Nam. Tuy sen nổi tiếng “phản phúc” qua thành ngữ “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, nhưng nhiều ý kiến đòi chọn làm quốc hoa. Chè hột sen, nói gì nói, cũng là một món ngon. Nhưng chè hột sen nấu mắc công lắm, vì phải xử lý từng hột sen. Rồi phải hầm lâu giờ, nếu không biết đến pháp luộc nhanh bằng baking soda. Hầm đi cho tróc vỏ lụa rồi luộc lại. Chiêu bài thương chồng chịu thương chịu khó nấu chè hột sen thoạt nghe thấy chí lý. Nhưng chè hột sen có nằm trong thuyết âm mưu không? Sách vở nói nhiều bộ phận trong cây sen giúp cho dễ ngủ. Trang y tế của Vinmec ghi: “… Chè hạt sen còn có tác dụng an thần…” [3].
Chè hột sen cũng có tác dụng an thần cộng hưởng với canh bông lý. Ảnh: Thu Nguyễn
Hiệp lực canh bông lý với chè hột sen, ông chồng trong người “thanh nhiệt” mát mẻ, dễ lên giường, lại mạnh sinh lý nhờ ăn cháo le le. Thuyết âm mưu “thương chồng” này thật dễ “thương vợ” biết mấy!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét