Mỗi lần vợ tôi kho cá kèo ăn kèm với canh khoai mỡ, tôi hay đùa với mấy đứa con là hôm nay mẹ cho ăn món Trà Vinh, là quê ngoại của vợ tôi. Không bao giờ tôi kho được một niêu cá kèo đậm đà sền sệt đúng kiểu Trà Vinh như vậy, nhưng tôi biết thưởng thức chút mặn ngọt cay nồng của tộ cá. Bài viết không quá sâu xa về cá kèo kho tộ mà nói đến cuộc sống vợ chồng. Hạnh phúc có được hay không là biết rút tỉa được kinh nghiệm trong thời gian chung sống như là cách kho cá vậy, cách chung sống đại khái như kho cá, ai cũng biết, nhưng cái hương vị, cái lửa củi, thời gian... khẩu vị từng người, cái quan trọng là do kinh nghiệm từng người; ngon dở chính là ở chỗ này.
Tại sao có những người vợ chồng yêu nhau tranh đấu bằng mọi cách để được sống gần nhau, mà chỉ sau vài năm là bắt đầu lạnh lùng, sắc đẹp trở thành vô cảm; cũng có người, vợ chồng yêu nhau đến già lúc nào cũng nồng ấm cho dù nhan sắc tầm thường. Điều này chứng tỏ rằng cái cách sống là quan trọng nhất, cách sống không ai chỉ ai được vì mỗi người mỗi khác.
Kho chưa tới.
Bữa đó, má đang kho cá dở tay thì thấy con gái chạy xe vô tận thềm nhà, thắng cái két, dựng chân chống cái rầm, nện giày cao gót lộc cộc vô bếp, thưa má một tiếng rồi ngồi phịch xuống võng, mặt chằm dằm. Má ngó qua là đoán được chuyện gì rồi, nên cứ từ từ, dồn tâm trí vô nồi cá kho, hết nêm tới nếm.
Con gái chờ riết không thấy má hỏi han câu nào, tức mình, đành lên tiếng trước:
- Má, chắc tụi con thôi nhau!
Bớt lửa nồi cá kho, nếm thêm lần nữa, má mới chịu thủng thẳng hỏi lại: - Thằng chồng bây sinh tật hả? Có mèo hay cờ bạc?
Con gái lắc đầu lia lịa:
- Dạ, không có. Không mèo, không cờ bạc, rượu bia thì thỉnh thoảng mới uống.
Má ngạc nhiên, vậy sao, mắc gì…? Con gái lúng túng, không biết giải thích sao cho má hiểu. Nói chung là cuộc sống vợ chồng của con gái vô cùng lạt lẽo. Không vui mà cũng chẳng buồn. Không có chuyện gì để cãi nhau nhưng cũng chẳng có chuyện gì để cười với nhau. Tóm lại là lạt nhách. Chuyện ai người đó biết, lương ai người đó xài, điện thoại, máy tính của ai người đó mở, cấm xâm phạm. Ai cũng làm rất tốt nhiệm vụ của mình, nên không có chuyện phàn nàn nhau. Nhưng, người này cũng chẳng chia sẻ gì được với người kia chuyện của mình.
Má lẳng lặng vừa nghe vừa lo cho nồi cá kho. Đang nói, con gái ngưng ngang, hít lấy hít để, rồi reo to:
- Á, cá kèo kho rau răm. Món này của má ngon nhứt xứ. Con cá thấm mắm muối, dẽ khừ, nước thì ngọt lừ, không như nhiều quán, cá ra cá, nước ra nước, lãng ồ…
Má cười, ghẹo con gái:
- Sống với má gần ba mươi năm mà chưa ngán nồi cá kho của má là sao? Con gái:
- Ừ hé, tại má kho tới mức.
Má tắt bếp, chậm rãi giải thích:
- Đó là tại má có hiểu biết... về con cá.
Rành tánh má sáu câu, không nói thì thôi, đã nói thì thâm trầm, sâu sắc. Con gái nhíu mày suy nghĩ, rồi như chợt ngộ ra một chút gì đó, lanh chanh:
- Ý là má nói tụi con không hiểu nhau? Trời, tụi con thương ba năm trời mới cưới, hôn nhân tự nguyện chớ bộ.
Má lại cười:
- Thương chưa chắc đã hiểu, hiểu chưa chắc đã biết cách… thương, cho nên có người kho hoài mà nồi cá chưa tới là vậy.
Con gái biết má nói mình, nhắm mắt giả bộ ngủ. Bao nhiêu năm bị rầy mà con gái cũng không bỏ được tật làm biếng, mỗi lần kho cứ mắm, muối gì cũng đổ cái ào chớ không chịu nêm nhiều lần, mỗi lần một chút như má, cũng không thèm để ý xem con cá này nên kho nồi nào, kiểu gì, tẩm ướp gia vị, nêm nếm mắm muối, canh lửa củi ra sao cho đúng điệu, cứ a thần phù làm đại, làm đùa cho xong. Có lần, con gái phải bỏ cả nồi vì mặn quá, nhiều lần thì lạt nhách, ăn cá kho mà phải chấm thêm nước mắm sống.. Nghĩ tới đó, con gái hết hồn, í trời, có khi nào chồng mình “chấm thêm nước mắm” trong cuộc hôn nhân lạt nhách này không ta? Bây giờ, đoán được chồng nghĩ gì trong đầu là điều không tưởng đối với con gái. Hồi thời sinh viên, thương nhau, tưởng là hiểu nhau dữ lắm, tưởng mình biết hết ruột gan người ta rồi, vậy mà đến khi về sống chung mới té ngửa là mình không biết gì ráo.
Con gái bắt đầu thấy rã rời. Lúc mới về, gặp má nói thôi chồng là nói cho đỡ… tức, chớ con gái đâu muốn, dầu gì cũng còn đứa con.
- Giờ làm sao đây má? Có nêm nếm lại được không?
Má chặc lưỡi:
- Thì phải ráng cứu, thà cực một chút còn hơn bỏ nhưng phải kiên trì, không được gấp gáp à nghen.
Con gái gật gù rồi chào má, lủi thủi dắt xe ra cổng. Một ý nghĩ xẹt qua, hay là chiều nay mình đi chợ, thử kho một nồi cá cay xè tới mức toát mồ hôi hột theo kiểu quê chồng coi sao. Lâu rồi vợ chồng không vào bếp. Quán xá, siêu thị, tủ lạnh và lò vi sóng làm cho người ta có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn nhưng cũng khiến người ta mất đi nhiều thứ quý giá, đơn giản như chuyện vợ gắp bỏ vô miệng chồng một con tép rang còn nóng, hỏi, thấy được chưa anh? Chồng vừa thổi con tép trong miệng vừa ú ớ, ngon, ngon. Trời, có nhiêu đó thôi, mà lâu lắm rồi con gái không có được, cứ loay hoay với công việc và đám bạn trên mạng, hết lai cho đứa này đến còm cho người kia mà không thèm để ý xem chồng có còn lai mình không.
Cũng như có lần, chồng định mời bạn đồng hương về nhà thưởng thức mấy món đặc sản do hai vợ chồng nấu, con gái giãy nẩy, thôi thôi, mấy ông kéo nhau ra quán nhậu cho tự do, ở ngoài đó muốn nói, muốn ca hát nhảy múa gì cũng được, mà không thèm để ý đến nét mặt buồn xo của chồng. Từ đó, chồng không dẫn bạn về nhà, cũng thưa dần những câu chuyện về người ở ngoài quê, về dòng họ, ruộng rẫy. Chồng không nói, vợ cũng vô tư không thèm hỏi. Cứ vậy mà người này không “thấm” được vào người kia, nói sao không lạt nhách.
Kho cho tới một nồi cá đi đã rồi mới biết thương cho tới một người. Càng ngẫm nghĩ, con gái càng hiểu ý má. May là chưa đến nỗi “đổ đi”./.
Bạch Hạc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét