Khác với những gì mọi người tiên đoán và lo sợ, Đà Nẵng đã không tắm máu khi “bộ đội giải phóng” tiến chiếm thành phố. Cả một lực lượng hùng hậu hải lục không quân gồm nhiều sư đoàn của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa chỉ trong có mấy ngày tan rã thành từng mảnh. Lớp may mắn nhanh chân thoát về được các tỉnh phía Nam, lớp mắc kẹt lại thành phố, không người chỉ huy, không có được sự phối hợp hay yểm trợ cần thiết của các đơn vị bạn đã buông súng và tự động rã ngũ. Các cuộc giao tranh lớn đã không xảy ra trên đường phố. “Bộ đội giải phóng” gần như không gặp mấy trở ngại khi tiến chiếm thành phố.
Sự việc xảy ra quá nhanh đến nỗi họ cũng không thích ứng kịp với tình thế mới. Cờ “Mặt trận Giải phóng miền Nam” ngạo nghễ chiếm lĩnh và bay phất phới trên nóc các cao ốc và cơ sở chính quyền. Thành phố Đà Nẵng khá yên tĩnh. Các hành động hôi của hay phá phách do các thành phần bất hảo cũng đã chấm dứt.
Hình như uy lực của những kẻ chiến thắng cũng như những gì đã nghe được về họ trong quá khứ, cùng với tâm trạng về một sự thật khó ai có thể tin được đã thực sự xảy ra chỉ trong có một thời gian rất ngắn đem mọi người, từ những kẻ chiến thắng đến những người chiến bại và luôn cả người dân vào một tình trạng vui buồn lẫn lộn, bán tín bán nghi, nếu không muốn nói là ngây ngất hay ngẩn ngơ như trong một giấc mơ.
Nhờ kỷ luật khắt khe của “bộ đội giải phóng”, đã không có một hành động đáng tiếc nào xảy ra, dù xuất phát từ lòng thù hận, tham lam hay từ niềm tự hào của kẻ chiến thắng. “Bộ đội giải phóng” xuất hiện đó đây với chiếc nón cối, bộ đồ trận màu xanh lá mạ cùng với đôi dép râu, bên cạnh những chiếc xe với hình dáng trông ngồ ngộ.
Minh cũng như dân chúng trong thành phố khó có thể tin những cảnh đang diễn ra trước mắt mình là sự thật: những chú bộ đội với những khuôn mặt “ngô nghê”, nếu không muốn nói là “ngờ nghệch” như “nai rừng lạc xuống phố thị”, đang đứng chuyện trò với một đám thanh niên nam nữ trên những con đường phố chính, hay đang cố gắng tập sự điều hành lưu thông tại một ngã tư nhộn nhịp nào đó của thành phố. Cảm giác tự tôn của kẻ chiến thắng, lẫn tự ti của những người xuất phát từ núi rừng hoang dã hiện rõ trên gương mặt những chú bộ đội, dầu họ cố gắng giữ vẻ bình thản, thân thiện để cùng hòa đồng với mọi người. Sinh hoạt đã lần hồi trở lại bình thường. Dân chúng chạy giặc từ các tỉnh cũng đã rời thành phố trở về quê xưa chốn cũ.
“Chính quyền cách mạng” danh xưng chính quyền mới ra thông báo kêu gọi tất cả các sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ và các công viên chức chính quyền miền Nam mà họ lần lượt gọi là “ngụy quân, ngụy quyền Sàigòn” ra trình diện đăng ký tại những địa điểm chỉ định trong thành phố.
Cũng như đại đa số những người đã từng phục vụ trong chế độ cũ đang mắc kẹt lại, Minh không còn có thể làm gì khác hơn là ra đăng ký trình diện và được cấp cho một giấy chứng nhận.
Bao nhiêu tin đồn về số phận những người đã nhanh chân thoát bằng đường biển được loan truyền trong dân chúng:
Nào là những chiếc sà lan bị cắt khỏi tàu kéo và bị thả trôi ngoài biển khơi, những người ở trên sà lan phải đương đầu với bao nhiêu khốn khổ; từ cảnh phải chen chúc chật chội như nêm vì số người quá đông, sà lan lại không có phương tiện vệ sinh; đến cảnh phải chịu cái nắng cháy da, không thức ăn nước uống, chết dần chết mòn; rồi cảnh cướp của, giết người và ngay cả hiếp dâm phụ nữ do những phần tử xấu lợi dụng tình trạng vô kỷ luật gây ra. Nào là chiếc tàu Trường Thành bị “lực lượng đặc công cách mạng” cho nổ ở Vũng Rô, khiến tàu bị đắm, tất cả mọi người trên tàu bị chết đuối.
Những tin tức đó làm cho mọi người cảm thấy bị mắc kẹt lại thành phố là một điều may mắn, và làm nản lòng những ai có ý định dùng đường biển để thoát thân.
Bác sĩ Phạm Văn Lương, từng là trưởng khu giải phẫu Tổng y viện Duy Tân kêu gọi các bác sĩ đến trình diện, để phục vụ tại các bệnh viện trên đài phát thanh thành phố. Ông là người, nhiều năm trước đây lôi kéo được sự chú ý của báo chí và người dân miền Nam Việt Nam, khi tay cầm một trái lựu đạn đã được rút chốt an toàn, ngồi lỳ trước trụ sở Hạ Viện trong nhiều ngày, để đòi hỏi chính phủ phải mạnh tay bài trừ tham nhũng, sau khi người bạn của ông, bác sĩ Hà Thúc Nhơn bị hạ sát trong một hành động được xem như là một cuộc nổi loạn tại quân y viện Nguyễn Huệ, Nha Trang. Đối với ông, bác sĩ Nhơn chỉ là người bị hãm hại, khi dám đưa ra ánh sang những chuyện tham nhũng, thối nát tại quân y viện nơi ông phục vụ. Không hiểu căn cứ vào đâu, người ta đồn đài BBC loan tin chính quyền mới đã đề cử ông làm thị trưởng thành phố; một tin hoàn toàn thất thiệt.
Đáp lời kêu gọi trình diện, Minh đã đến bệnh viện toàn khoa Đà Nẵng và gặp một số đông các đồng nghiệp từng phục vụ trong quân đội cùng cảnh ngộ. Tất cả được một anh y sĩ “bộ đội” người Quảng Nam, đầu đội nón cối, chân đi dép râu tiếp đón. Nghe đâu anh được bố trí về thành hoạt động qua chương trình chiêu hồi từ nhiều năm trước đây. Anh ít nói và nhã nhặn với mọi người. Anh cho biết mới đến tiếp quản bệnh viện nên chưa nắm được tình hình, vả lại chưa nhận được lệnh, nên không biết phải xử trí như thế nào cả; anh đề nghị tất cả trở lại ngày hôm sau, hy vọng sẽ có chỉ thị rõ ràng hơn trong việc phân phối công tác cho mọi người.
Câu chuyện người y sĩ “bộ đội” được sắp xếp về thành để chuẩn bị ngày tiếp quản không làm Minh ngạc nhiên mấy, cho bằng tin chấn động về hai người bác sĩ rất gần gũi với Minh, những người đã từng phục vụ và nắm giữ những chức vụ khá quan trọng trong quân đội, những người được chế độ miền Nam diễn tả qua câu: “ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản”.
Bác sĩ Đoàn, người chỉ huy đơn vị của Minh trước đây. Vợ anh là người đã từng may cờ ngày và đêm, gia đình anh đã cung cấp cờ “Mặt trận Giải phóng” cho thành phố. Anh cũng đã nhanh chóng lột vỏ để trở thành một cán bộ “cách mạng” đầu đội nón cối, chân đi dép râu sau ngày tiếp quản.
Bác sĩ Lê, làm việc tại Tổng y viện Duy Tân, một cộng tác viên của Dưỡng đường Bão sanh viện Khánh Vân, con một gia đình có cơ sở làm ăn buôn bán lớn trong thành phố, nhưng cũng lại là thành phần kinh tài, tiếp tế và có công với “cách mạng”.
Tuy ngày ngày phải đối diện với bao nhiêu hoàn cảnh thương tâm do bom đạn gây ra, chán ghét đến cùng cực cuộc chiến đang dày xéo trên quê hương cũng như bao nhiêu chuyện tham nhũng, thối nát trong xã hội dưới chế độ ở miền Nam, thế nhưng Minh cũng chẳng biết một chút gì về cộng sản cả. Bị đặt vào một tình trạng không lối thoát, Minh không còn con đường nào khác hơn là đành phải tạm thời chấp nhận phục vụ kẻ chiến thắng với khả năng chuyên môn của mình, trong khi chờ đợi tìm kiếm một lối thoát. Hơn thế nữa, làm sao Minh có thể làm ngơ, khi vì tình hình chiến cuộc bao nhiêu ngày rồi bệnh nhân nằm trong các bệnh viện không người săn sóc, thuốc men.
Trích từ Một Thời Để Nhớ (2011) của Bác Sĩ Tống Viết Minh-YKSG 65-72, Khóa 19 QYHD
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét