Ảnh minh họa: Một hố chôn tập thể tại Bucha, ngoại ô Kiev, thủ đô Ukraina. Ảnh chụp ngày 04/04/2022. AP - Rodrigo Abd - Trọng Nghĩa
Các vụ thảm sát thường dân Ukraina mà lính Nga bị cáo buộc là thủ phạm tiếp tục gây chấn động trong làng báo Pháp ra ngày hôm nay 06/04/2022, được Le Monde và Libération nêu bật trong tựa lớn trang nhất. Đối với báo chí Pháp, tội ác của lính Nga tại Ukraina rất hiển nhiên, nhưng Matxcơva không ngần ngại tiến hành cả một chiến dịch tuyên truyền rầm rộ, cả trong nước lẫn ngoài nước để phủ nhận các bằng chứng ngày càng nhiều và càng cụ thể
Cho dù đó là những lời nói dối, nhưng theo nhận định của nhật báo Công Giáo La Croix, tại Trung Quốc, các luận điệu tuyên truyền của Nga đã được hệ thống truyền thông trong tay Nhà Nước lập lại gần như là nguyên văn.
La Croix: Báo chí Trung Quốc “mù quáng” theo Nga
Trong bài phân tích: “Truyền thông Trung Quốc mù quáng đi theo tuyên truyền của Mátxcơva”, La Croix ghi nhận tình trạng là cho đến nay, các phương tiện truyền thông Trung Quốc hàng ngày đều sao chép hay cắt dán các bài tuyên truyền của Nga để phổ biến cho một dư luận hoài nghi mà trong lịch sử, chưa bao giờ có một hình ảnh tốt đẹp nào về Nga.
Tờ báo nêu bật ví dụ gần đây nhất về vụ thảm sát tại Bucha, với việc một giáo sư kiêm nhà bình luận quân sự nổi tiếng Tống Trung Bình (Song Zhongping) đã thản nhiên giải thích trong bản tin truyền hình đài Phoenix TV ngày 04/04 rằng “Những gì được cho thấy ở Bucha là một sự dàn dựng của Ukraina”. Về cảnh các thi thể được tìm thấy, nhân vật này còn khẳng định một cách nghiêm túc mà không chứng minh bất cứ điều gì, đổ lỗi cho tất cả mọi người trừ Nga: “Vả lại, khi chiếc xe đang quay phim rời đi, chúng ta có thể nhìn thấy trong gương chiếu hậu những xác chết sống lại và ngồi dậy”.
Trong các bản tin buổi tối kênh truyền hình trung ương CCTV đã phát sóng một “phóng sự” về vụ thảm sát mà theo ông David Demes, giáo sư xã hội học tại Đại Học Đài Loan: “Hơn 90% chương trình này chỉ là bản cắt dán những hình thức tuyên truyền của Nga, với kết luận: Đó là một hành động khiêu khích mới của Ukraina, không có thường dân nào bị sát hại ở Bucha”. Kênh CGTN bằng tiếng Anh còn đưa ra một lời giải thích khác: “Đó là những người gốc Nga đã ủng hộ binh lính Nga và vào lúc quân đội Nga rút đi, người Ukraina đã giết họ để đổ lỗi cho Nga.”
“Hơi quá mạo hiểm” theo một đồng minh đang thua trận?
Theo La Croix, nếu các bản tin đều mở đầu bằng cuộc tổng động viên toàn quốc chống lại dịch Covid-19 ở Thượng Hải, thì tất cả các phương tiện truyền thông (như báo viết, đài phát thanh, đài truyền hình) đều đưa tin về quan điểm ngoại giao của Trung Quốc đối với Nga: Đó là từ chối lên án đồng minh, đi theo lập luận của Matxcơva quy trách nhiệm về cuộc xung đột là do sự can thiệp của Mỹ và sự mở rộng của NATO. Bắc Kinh bảo vệ tình hữu nghị "vững như bàn thạch” này, ngay cả khi vụ thảm sát Bucha và có thể là những bằng chứng khác về "tội ác chiến tranh" có nguy cơ khiến vị thế chính thức của Trung Quốc ngày càng trở nên mỏng manh trong mắt cộng đồng quốc tế cũng như với một bộ phận dư luận của mình.
Đối với tờ báo Công Giáo Pháp, dưới mắt dư luận Trung Quốc, và bất chấp những lời tuyên truyền, ông Tập Cận Bình có nguy cơ khó bảo vệ được lập trường theo đó hậu thuẫn kiên định dành cho Nga là lựa chọn chiến lược tốt nhất cho đất nước.
Theo La Croix, trong các cơ quan chức năng của Đảng Cộng Sản, một số đang bất bình, cho rằng Trung Quốc đã hơi quá mạo hiểm theo một “đồng minh” không đáng tin cậy đang thua trận trong cuộc chiến Ukraina.
Trên mạng xã hội, những người dùng Internet Trung Quốc vốn dĩ không thích Nga, đã không ngần ngại chỉ trích Matxcơva. Họ chưa sẵn sàng chấp nhận bị phương Tây trừng phạt chỉ vì lợi ích của Vladimir Putin.
La Croix: “Cuộc đua nói dối” tại Nga
Trên trang nhất, dù không dành tựa lớn cho chủ đề Ukraina, nhưng nhật báo Công Giáo La Croix đã đăng toàn văn bài xã luận mang tựa đề “Cuộc đua nói dối”, nội dung nhấn mạnh sự cần thiết của một cuộc điều tra quốc tế sau các vụ thảm sát ở vùng ngoại ô thủ đô Kiev của Ukraina.
Theo La Croix, sau cơn chấn động, bàng hoàng, việc cấp bách là phải thu thập chứng cứ. Hiện trường của những hành động tàn bạo trong những tuần gần đây - những tội ác chiến tranh, thậm chí là tội ác chống nhân loại - không chỉ là ở thị trấn Bucha ở vùng ngoại ô Kiev.
Sẽ mất thời gian để xác lập các sự kiện và quy kết trách nhiệm. Hiện tại chưa biết được số lượng chính xác các nạn nhân dân sự, danh tính của họ, tính chất của các vụ lạm dụng. Tuy nhiên, để biết sự thật, trước hết là phải bắt đầu bằng việc điều tra.
Một lần nữa, tuyên truyền của Nga đã cố gắng đánh lừa tất cả mọi người. Từ hôm 03/04, Matxcơva đã tung hỏa mù, tìm mọi cách để gây hoài nghi về các bằng chứng, từ video, hình ảnh, cho đến trình tự của vụ việc. Một phát ngôn viên của Điện Kremlin tố cáo một sự dàn dựng. Và hệ thống truyền hình công cộng cố chứng minh một "hoạt động chiến tranh tâm lý của người Ukraina".
Theo La Croix, lập luận nói trên chủ yếu dành cho chính những người Nga, vốn không được biết sự thật kể từ khi cuộc xâm lược ngày 24 tháng 2 bắt đầu. Còn tại nước ngoài, lập luận đó không lừa dối được nhiều người. Hôm thứ Ba 05/04, các hình ảnh vệ tinh đã phản bác cách giải thích của Điện Kremlin, nhưng những yếu tố này cũng phải được xử lý một cách thận trọng.
Đối với La Croix, thái độ nghi ngờ có phương pháp và sự kiên nhẫn tìm kiếm sự thật vẫn là những gì phân biệt rõ nhất các nền dân chủ với một chế độ chìm trong hoang tưởng và chạy đua nói dối.
Libération: Zelensky đòi LHQ trục xuất Nga ra khỏi HĐBA
Về cuộc chiến Ukraina, hầu như mọi tờ báo lớn tại Pháp đều có những phóng sự do các đặc phái viên và thông tín viên của họ từ chiến trường gởi về, mô tả thảm cảnh mà người dân Ukraina đang phải trải qua dưới bom đạn Nga, ghi nhận lời chứng của cư dân trong các vùng từng bị lọt vào tay Nga về các hành vi tàn ác của quân chiếm đóng.
Trong toàn cảnh đó, bài phát biểu vào hôm qua của tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenski trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã rất được báo giới quan tâm. Ngay trên trang nhất của mình, nhật báo thiên tả Pháp Libération đã trích nguyên văn một lời tố cáo không khoan nhượng của ông Zelensky: “Liên Hiệp Quốc đang cho phép Nga gieo rắc cái chết”.
Trong bài “Thảm sát tại Ukraina, bế tắc tại Liên Hiệp Quốc”, tường trình về phiên họp hôm qua của Hội Đồng Bảo An về Ukraina, nơi mà tổng thống Ukraina được phát biểu lần đầu tiên từ ngày Nga phát động cuộc chiến xâm lược hôm 24/02, Libération đã nêu bật yêu cầu khó có thể thực hiện được của ông Zelensky: Đó là Liên Hiệp Quốc phải trục xuất Nga ra khỏi Hội Đồng Bảo An.
Theo tờ báo, trước các nhà ngoại giao tham gia cuộc họp thứ 14 của Hội Đồng dành cho cuộc chiến Ukraina, thông qua cầu truyền hình, ông Zelensky đã liệt kê những tội ác của lính Nga được ghi nhận ở Bucha, một thị trấn vùng ngoại ô Kiev: Hãm hiếp, hành quyết vô tội vạ, cho xe tăng đè bẹp các chiếc ô tô bên trong có thường dân chỉ để đùa vui, cắt lưỡi và tay chân những người bị bắt…
Đối với Libération, tổng thống Ukraina đã xuất hiện “như một tấm gương phản chiếu lương tâm đang bị cắn rứt của một Liên Hiệp Quốc bất lực, bị quyền phủ quyết của Nga làm cho tê liệt”. Ông đã kêu gọi thành lập một cơ chế đại diện mới của các quốc gia, tránh được việc các quyết định bị một thiểu số có quyền lực ngăn chặn. Ông đồng thời đả kích cơ chế điều hành Liên Hiệp Quốc vì đã không có khả năng bảo vệ pháp quyền và nền hòa bình vốn là cơ sở cho việc thành lập đinh chế quốc tế này vào năm 1945.
Phải ngăn chặn những vụ thảm sát khác
Bài xã luận của Libération với tựa đề “Phản Công” đã kêu gọi thế giới mạnh dạn hơn nữa trong việc chống lại hành động hung tàn của Nga tại Ukraina, để ngăn chặn những vụ thảm sát trong tương lai.
Tờ báo đã đối lập lời cảnh báo của tổng thống Ukraina trước Hội Đồng Bảo An vào hôm qua - “Không có một tội ác nào mà quân đội Nga không dám làm” - với lập luận phản bác cố hữu của đại diện của Nga: Mọi thứ đều là dối trá, không có gì là thật, các sự kiện không hề tồn tại, hình ảnh đều giả tạo, vệ tinh cũng nhầm lẫn, thi thể lại biết cử động, và những lời phủ nhận máy móc khác.
Theo Libération, đối mặt với trận mưa của những điều không đúng sự thật đó, và rủi thay vẫn kèm theo những trận mưa bom thực sự trút xuống miền nam và thủ đô Ukraina, phương Tây đã tăng cường phản ứng: tăng trừng phạt, phá vỡ hợp đồng. Liên Hiệp Châu Âu chưa đi xa như tổng thống Mỹ, Joe Biden, đã bác bỏ tính hợp pháp của chế độ Putin, nhưng một số thành viên Liên Âu đang tiến gần đến mức này.
Đối với Libération, trước những phản ứng kiên quyết và nhất trí kể trên trong vụ Ukraina, mọi người có thể tiếc rằng đã không có cuộc điều tra quốc tế nào được thực hiện sau những hành động tàn bạo trước đây, chẳng hạn như những gì đã xảy ra ở Aleppo, Syria. Thế nhưng, điều chính yếu bây giờ là phải ngăn chặn cuộc xâm lược tiếp theo, và tránh những cuộc thảm sát tiếp theo.
Le Monde: Thêm trừng phạt Nga vì những hành vi tàn ác
Giống như các đồng nghiệp, Le Monde cũng đề cập đến các vụ thảm sát tại Ukraina, nhưng lại chú ý đến phản ứng của phương Tây. Tựa lớn trang nhất của tờ báo ghi nhận: “Các biện pháp trừng phạt mới sau những hành động tàn ác”
Tính chất tàn bạo của các vụ thảm sát đã được đặc phái viên Le Monde tại Bucha nêu bật trong phóng sự về một người Ukraina tên Sergei Matuk, nguyên là một nhân viên cấp cứu y tế, nhưng do tình thể bắt buộc, đã phải trở thành nhân viên mai táng. Theo chính quyền Ukraina, họ đã phát hiện tại Bucha hàng trăm thi thể thường dân, mà theo lời nhiều nhân chứng đã bị quân đội Nga giết hại.
Những hành vi này đã buộc phương Tây dùng tới các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhắm vào Mátxcơva với khả năng cấm vận than đá của Nga.
Trong bối cảnh tranh luận vẫn diễn ra về sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, Berlin đã đặt công ty con Gazprom của Đức dưới sự giám sát của nhà nước.
Tranh cử tổng thống Pháp
Bên canh chủ đề Ukraina, cuộc vận động tranh cử tổng thống Pháp trong giai đoạn chạy nước rút tiếp tục ngự trị trên trang bìa báo Le Figaro và La Croix. Riêng Les Echos tập trung chú ý đến hợp đồng thế kỷ mà tập đoàn không gian Pháp Arianespace vừa giành được.
La Croix đã dành tựa lớn trang nhất cho cuộc bầu cử tổng thống Pháp mà vòng 1 được tổ chức ngày 10/04 tới đây, đề cập đến “Cuộc bầu phiếu đầu tiên của họ” - từ “họ” ở đây chỉ các thanh niên lần đầu tiên được tham gia cuộc bầu cử tổng thống.
Đối với La Croix, đại dịch Covid và những vấn đề tự lập về tài chánh hay sinh thái phát sinh từ đó có thể định hướng chọn lựa cho các cử tri trẻ lần đầu tiên đi bỏ phiếu.
Le Figaro cũng chạy hàng tựa lớn trên trang nhất: “Bầu cử tổng thống: Trận chiến của các cương lĩnh tranh cử”.
Nhận xét chung của tờ báo thiên hữu, là các ứng cử viên chủ yếu đưa ra một danh mục các đề xuất hơn là một tầm nhìn về tương lai, do đó họ đã gặp khó khăn trong việc thuyết phục cử tri.
Amazon tặng quà cho Ariane
Riêng nhật báo kinh tế Les Echos đã dành trang nhất cho một tin vui đối với Pháp với hàng tựa lớn trang nhất: “Amazon tặng cho Ariane một hợp đồng thế kỷ”.
Tờ báo cho biết là tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu thế giới của Mỹ là Amazon vừa thỏa thuận được với tập đoàn không gian Pháp Arianespace về hợp đồng phóng hàng trăm vệ tinh trong 18 chuyến bay của tên lửa Ariane 6 trong vòng 3 năm.
Ngoài giá tri kinh tế của hợp đồng – được ước tính là từ một đến hai tỷ đô la, thỏa thuận với Arianespace còn thể hiện sự tin tưởng vào công nghệ tên lửa Pháp vì loại hỏa tiễn Ariane 6 đang trong vòng thử nghiệm, và chuyến bay đầu tiên được hy vọng diễn ra vào cuối năm nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét