Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2020

SIÊU VI KHUẨN QUẤT SỤM NỀN KINH TẾ - Mai Loan

 

Tựa đề ở trên chính là do ban biên tập của nhật báo The Wall Street Journal lựa chọn để chạy hàng tít thật lớn ngay trên trang đầu của ấn bản ra ngày thứ Sáu cuối tuần qua, đó là “Virus Batters Economy”. Đây là một trong những tờ báo uy tín hàng đầu không những ở Hoa Kỳ mà cả trên toàn thế giới, đã được phát hành từ hơn cả trăm năm trước (từ năm 1889) và do công ty Dow Jones làm chủ, một công ty về ấn loát và xuất bản những thông tin tài chính trên thị trường chứng khoán được xem là biểu tượng của nền kinh tế theo tư bản chủ nghĩa hàng đầu trên thế giới. Hiện nay, tờ báo này có số phát hành mỗi ngày vào khoảng gần 3 triệu số, trong đó có cả những ấn bản bằng tiếng Hoa và tiếng Nhật. Những bài vở và thông tin được đăng trên tờ báo này do đó được xem là rất đáng tin cậy, chứ không thể chụp mũ kiểu “vơ đũa cả nắm” để gọi đó là “fake news” mỗi khi có những thông tin nào bất lợi cho cá nhân hoặc chính quyền đương thời tại Hoa Kỳ.
<!>
Bài viết do hai nhà báo Josh Mitchell và Joshua Zumbrun thật ra có tựa đề nguyên thuỷ dài hơn để nói rằng “các kinh tế gia đều thấy rằng những mối nguy về nền suy thoái toàn cầu đang gia tăng” (Economists See Rising Risks of Recession World-Wide). Nhưng ban biên tập đã rút gọn lại tựa đề đập mắt vào độc giả nhằm thu hút sự chú ý lớn do thói quen nghề nghiệp của ngành truyền thông trên báo giấy.
Nội dung bài báo tường thuật về những diễn biến đã dồn dập nổ ra trong những ngày vừa qua do hậu quả của sự lan truyền và lây nhiễm của dịch bệnh coronavirus với tốc độ nhanh đáng ngại (nhất là không ai rõ là nó sẽ lên cao đến mức nào, và bao giờ mới được coi là đến điểm cao nhất) để từ đó có thể thẩm định về mức độ thiệt hại và những biện pháp đối phó cần thiết và hữu hiệu. Quan trọng hơn nữa là hậu quả về kinh tế toàn cầu do con siêu-vi-khuẩn lần này sẽ tuỳ thuộc vào mức độ phản ứng nhanh nhẹn và hiệu quả ra sao của các chính quyền khắp nơi để đối phó và kiểm soát được cơn đại dịch này.
Bài báo ghi lại những hệ quả rất tiêu cực chưa bao giờ xảy ra trên rất nhiều ngành nghề trong xã hội đã vừa diễn ra với tốc độ gần như chóng mặt khi các chính phủ khắp nơi đã phải lấy những quyết định mạnh bạo chưa từng thấy từ trước tới nay do bởi những con số của các người bị nhiễm dịch bệnh CoVid-19 và số người tử vong cũng gia tăng dữ dội khiến người dân và các chính quyền cũng đâm ra hoảng hốt theo.
Tưởng cũng nên nhắc lại là thoạt đầu bệnh dịch cúm coronavirus này đã nổ ra vào cuối năm 2019 (và do đó được đặt tên là CoVid-19) bên Tầu (nên có người còn gọi là bệnh dịch Tầu Ô) và gây ra hậu quả tai hại với con số các nạn nhân tăng vọt do bởi thời điểm xảy ra vào dịp Tết âm lịch khi đa số người dân đều trở về nhà để quây quần và tụ họp vui chơi vào dịp lễ trọng đại này. Sau khi tìm cách dấu diếm những chi tiết tệ hại của tình trạng lây nhiễm tràn lan nhưng không kịp vì con số các nạn nhân đã tăng vọt, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã áp dụng biện pháp cứng rắn chưa từng thấy là cô lập và cách ly cả một thành phố rộng lớn là Wuhan (Vũ Hán) ở tỉnh Hubei (Hồ Bắc) có hơn 11 triệu cư dân, đồng thời cũng giới hạn nghiêm ngặt việc di chuyển của khoảng 500 triệu người dân tại các vùng lân cận.
Đến khi những tin tức này được loan báo công khai, dịch bệnh coronavirus cũng đã lan truyền ra khoảng gần 30 quốc gia khác, nhưng tuyệt đại đa số các bệnh nhân cũng như những người bị tử vong đều là người nằm trong nội địa nước Tầu. Riêng tại Hoa Kỳ, chính quyền Trump đã lập tức áp dụng chính sách cứng rắn để ngăn không cho những người từ bên Tầu được nhập cảnh vào nước Mỹ, và những công dân Mỹ đến từ Trung Cộng cũng đều phải trải qua những cuộc xét nghiệm tại phi trường để ngăn ngừa và kiểm tra những người có thể bị lây nhiễm.
Trong suốt thời gian gần 2 tháng sau lúc bột phát ban đầu, tại những quốc gia khác con số các người bệnh chỉ từ vài người cho đến vài chục người, và con số nạn nhân bị tử vong cũng rất thấp, khiến cho nhiều người nghĩ rằng có lẽ đây chỉ là một dịch bệnh nổ ra bên trong nước Tầu, và đã được nhanh chóng cô lập nên người dân và chính phủ tại các nước khác có thể đã rơi vào một tình trạng tương đối ỷ y, không còn quá lo ngại, nhất là khi Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) cũng chưa quyết định gọi nó là một cơn đại dịch toàn cầu (pandemic).
Đột nhiên đến gần cuối tháng 2 thì người ta mới bắt đầu chú ý đến hiện tượng con số các bệnh nhân mới được phát giác bị lây nhiễm bỗng tăng vọt hơi bất thường tại 3 nước là Nam Hàn, Ý Đại Lợi và Ba Tư (Iran). Tình hình tại 3 quốc gia này tiếp tục tệ hại hơn nữa từ đó đến nay, dẫn đến việc chính quyền tại Ý cuối cùng phải đi đến quyết định cứng rắn tương tự như tại Trung Cộng khi ra lệnh cô lập toàn vùng Lombardy ở phía bắc bao gồm khoảng 15 triệu cư dân. Để rồi chưa hết ngày đầu tiên của lệnh mới này, chính quyền Ý tự động thay đổi quyết định để cô lập luôn toàn thể gần 60 triệu của cả nước do bởi tình trạng tăng vọt con số các nạn nhân có dấu hiệu không thuyên giảm.
Liền sau đó không lâu, tình trạng lây nhiễm tại những quốc gia khác ở Âu Châu cũng tăng vọt theo khiến cho chính quyền các nơi phải thay nhau áp dụng những quy định mới nhằm giới hạn việc tụ tập đông người xuyên qua những quyết định như đóng cửa các tụ điểm du lịch nổi tiếng, buộc các quán nước và nhà hàng phải đóng cửa cũng như cho các học sinh và sinh viên được nghỉ ở nhà vì tất cả các trường học cũng đều bị đóng lại để chính phủ có thể đối phó với tình hình mỗi ngày thêm bi quan.
Riêng tại Hoa Kỳ, chính quyền Trump, nhất là cá nhân vị đương kim tổng thống, vẫn tiếp tục đưa ra những lời lẽ trấn an, hoặc tệ hơn nữa là dường như tỏ ra không hề lo lắng rằng tình hình có thể trở nên tệ hại. Thậm chí, những người ủng hộ TT Trump như các bình luận gia theo lề phải như trên đài Fox News còn lên tiếng chỉ trích rằng chuyện báo động về vụ coronavirus chỉ là một tin đồn thổi (hoax) quá đáng, được thổi phồng và lợi dụng về mục đích chính trị nhằm chỉ trích chính quyền Trump.
Ngay cả cố vấn kinh tế cao cấp nhất ở Toà Bạch Ốc là ông Larry Kudlow còn xem nhẹ những lời báo động nghiêm trọng của Tổng Nha Phòng Chống Bệnh Dịch (CDC) để cả quyết rằng “con siêu-vi-khuẩn này đã bị giam lại” (the virus has been contained) trong nội địa Hoa Kỳ, và những hậu quả xấu về kinh tế cũng sẽ rất giới hạn. Thậm chí ông Kudlow còn dụ giới đầu tư là hãy nên nhảy vào để mua chứng khoán với giá rẻ ngay lúc đó, vì chỉ số trên thị trường chứng khoán Dow Jones đã bị tụt giảm hơn 1,000 điểm vì những nhà đầu tư bắt đầu lo ngại trước viễn tượng bi quan.
Cùng lúc đó ở cách xa thủ đô Washington hàng ngàn dặm, TT Trump trong lúc đang công du tại Ấn Độ cũng bắn ra những mẩu tweets để đưa ra những lời trấn an đầy lạc quan và đổ lỗi cho các đài truyền hình đã tìm đủ cách để bi-thảm-hoá vụ Caronavirus, (theo cách viết sai của ông), và gây hoảng sợ trên các thị trường chứng khoánÔng Trump cũng đổ lỗi luôn lên đầu những người thuộc phe Dân Chủ là những người bất tài, không làm nên chuyện gì cả mà chỉ nói tào lao và kết luận rằng “Hoa Kỳ đang trong tình trạng rất tốt” (USA in great shape.) Lập luận này cũng đầy lạc quan một cách chắc nịch như khi TT Trump đã cam đoan rằng “Chúng ta đã hoàn toàn kiểm soát tình hình này” (We have it totally under control) khi trả lời với phóng viên của đài CNBC vào dịp tham dự Diễn đàn Kinh tế tại Davos, Thuỵ Sĩ trước đó không lâu.
Lý do của những lời lẽ quá lạc quan nhưng lại xa rời thực tế rất bi quan như những lời cảnh báo của các viên chức y tế thuộc cơ quan CDC là vì TT Trump luôn tìm đủ cách để làm giảm nhẹ sự lo lắng của nhiều người về mối nguy của cơn dịch bệnhTuy đi công du ở xa nhưng TT Trump vẫn luôn theo rõi sự tụt giảm trên thị trường chứng khoán, và ông nghĩ rằng chính những lời báo động nghiêm trọng (mà ông nghĩ là quá đáng) từ cơ quan CDC đã khiến cho giới đầu tư hoảng sợ. Trong chốn riêng tư, ông Trump đã rất giận dữ khi thấy thị trường chứng khoán bị tụt dốc, và bầy tỏ sự bực tức với ông Alex Azar là Tổng Trưởng Bộ Y Tế vì đã không biết cách giải quyết vụ này. Sau đó, TT Trump đã quyết định tước quyền của ông Azar để giao lại cho PTT Mike Pence là người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm đối phó với cơn dịch bệnh và ra lệnh cho tất cả các viên chức y tế cao cấp đều phải thông báo cho ông Pence biết rõ nội dung trước khi phát biểu. 
Tuy nhiên, bắt đầu từ tuần qua, con số các người bị xác nhận lây nhiễm dịch bệnh CoVid-19 tại nhiều nước ở Âu Châu đã tăng vọt đến mức đáng ngại khiến cho cơ quan WHO đã gọi vùng này giờ đây đã trở thành trung tâm điểm của cơn đại dịch (với điều éo le là con số các bệnh nhân bị lây nhiễm tại Trung Cộng giờ đây đã tụt xuống rất nhiều và coi như là nước này đã qua khỏi thời kỳ lo ngại). Và riêng tại Hoa Kỳ, tình hình tiếp tục nghiêm trọng hơn với con số các nạn nhân tăng cao mỗi ngày một cách đáng ngại. Tính đến sáng thứ Ba 17/3, tổng cộng đã có khoảng 6,000 người tại Hoa Kỳ bị xác nhận là đã bị lây nhiễm, với khoảng 100 người bị mạng vong, và những con số này sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn nữa trong những ngày kế tiếp.
Dù đã trải qua nhiều ngày liên tiếp với các chỉ số trên các thị trường trao đổi chứng khoán tụt dốc không phanh, để rồi sau đó được Ngân Hàng Trung Ương Hoa Kỳ nhảy vào trợ giúp xuyên qua quyết định giảm mức phân lời xuống để trấn an các công ty và giới đầu tư, nhưng xem chừng lần này nền kinh tế của Hoa Kỳ cũng như trên toàn cầu khó có phương cứu vãn và càng ngày càng tụt dốc vào tình trạng suy thoái khó tránh khỏi khi mà rất nhiều các ngành nghề thương mại đa dạng đều lần lượt phải tạm đóng cửa và chỉ số Dow Jones cứ liên tục tụt dốc không phanhcho dù là chính quyền Trump và Quốc Hội gần như đang đồng thuận để đưa ra những đạo luật mới nhằm hỗ trợ tài chính cho nhiều công ty, cửa hàng và nhân viên khắp nơi đang bị điêu đứng vì cơn dịch bệnh này.
Trong ngày thứ Năm vừa qua, chỉ số Dow Jones tụt giá khoảng 10%, tương tự như chỉ số của Nasdaq và S&P để có thể được xem là đã chính thức rơi vào thời kỳ thụ động bi quan (bear market) chứ không còn hùng hổ lạc quan (bull market) như trước đây. Điều đáng ngại hơn nữa là tình hình về sự tăng vọt của cơn đại dịch này tiếp tục đen tối hơn nữa trong những ngày cuối tuần nên các thị trường chứng khoán này tiếp tục tụt giảm cực mạnh trong ngày thứ Hai đầu tuần, dẫu rằng Ngân Hàng Trung Ương tiếp tục cắt giảm mức phân lời thêm lần thứ hai đến mức nó tụt xuống gần như là zero, và còn hứa sẽ bỏ thêm khoảng 700 tỷ Mỹ-kim để mua một số những trái phiếu để trấn an nhiều giới đầu tư.
Cùng lúc đó, Quốc Hội sau khi đã thông qua đạo luật tài trợ khoảng 8 tỷ rưởi Mỹ-kim vào tuần trước (sau khi TT Trump yêu cầu khoảng 2 tỷ rưởi) để giúp các chương trình nghiên cứu thuốc chữa trị và trợ giúp các tiểu bang trong kế hoạch đối phó, lại vừa mới biểu quyết dự luật tại Hạ Viện để giúp tài trợ miễn phí cho việc xét nghiệm dịch bệnh coronavirus cũng như trợ cấp tài chính cho những người bị mất việc từ cơn đại dịch này. Các viên chức ở Thượng Viện nói rằng dự luật này cũng sẽ được sớm thông qua và đưa sang cho TT Trump ký ban hành.
Tuy vậy, tất cả những nỗ lực to lớn trong 3 ngày cuối tuần dường như cũng không làm giảm bớt bầu không khí căng thẳng nên mới dẫn đến hậu quả là chỉ số thị trường Dow Jones đã tụt xuống đến gần 3,000 điểm vào cuối ngày thứ Hai đầu tuần, một sự tụt giảm cao nhất chưa từng thấy kể từ sau vụ tụt dốc vào tháng 10/1987 trước đây.
Phần lớn sự tụt giảm này nằm trong cổ phiếu của các hãng hàng không và những công ty du lịch trên du thuyền gần như bị đình lại do bởi hậu quả thê thảm khiến các chính quyền còn phải đưa ra những biện pháp giới hạn việc di chuyển. Hãng United bị tụt giá đến 25%, hãng Delta bị tụt xuống khoảng 21% và công ty Royal Caribbean Cruises bị tụt giá đến 32%.
Tại Âu Châu, chỉ số của thị trường Stoxx Europe 600 cũng bị tụt giá đến 11.5%, dù rằng Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu cũng đưa ra lời cam kết là sẽ cho vay nợ với phân lời rất thấp và mua lại một số khoản nợ trong vùng Euro nhằm làm giảm bớt hậu quả chấn động của cơn đại dịch này.
Tại Hoa Kỳ, các chính quyền liên bang cũng như tiểu bang đã ban hành những quyết định huỷ bỏ hoặc đình hoãn nhiều đường bay thương mại, nhiều buổi đại hội thường niên trong nhiều kỹ nghệ lớn cũng như tất cả những chương trình lễ hội hoặc giải trí to lớn, những cuộc tranh tài thể thao quy mô. Cùng lúc đó, tất cả những công ty sản xuất dầu hoả cũng đều bị chết điếng khi giá dầu thô bỗng tụt giá thảm hại với hai nguyên nhân xa là mức cầu đã tụt giảm từ vài năm qua, và gần nhất là cuộc đối đầu giữa hai nước Saudi Arabia và Nga Sô khiến cho giá dầu bị tụt dốc.
Tất cả những diễn biến kể trên đều góp phần gia tăng nguy cơ khiến nền kinh tế của Hoa Kỳ cũng như trên thế giới sẽ rơi vào giai đoạn suy thoái sau khi đã trải qua một thời kỳ tăng trưởng kéo dài kỷ lục kể từ cuối năm 2008, theo như nhận định của hầu hết các kinh tế gia.
Từ hơn cả tháng qua, phần lớn các hãng hàng không đều đã phải trải qua tình trạng co cụm đến mức nhiều công ty như American Airlines đã quyết định cắt giảm đến gần 75% các chuyến bay trong vòng vài tháng tới. Tuy nhiên, giờ đây với quyết định của TT Trump được loan báo bất ngờ trong bài diễn văn vào thứ Tư tuần trước để ngăn cấm những du khách từ Âu Châu đến Hoa Kỳ trong vòng 30 ngày tới, nhiều người cho rằng có lẽ điều này được xem như là cú đấm thoi mạng đến khả năng cầm cự của những công ty làm ăn trong ngành này.
Việc chính quyền ra lệnh bắt buộc hoặc các công ty và chủ nhân tự động đóng cửa, huỷ bỏ những buổi hội họp lớn nhỏ, các quán nước và nhà hàng, các rạp hát và sân khấu kịch nghệ, các sòng bài tại Las Vegas, các trung tâm giải trí lớn như Disneyland và Disney World, có thể giúp giảm bớt nguy cơ lan truyền và lây nhiễm dịch bệnh coronavirus. Nhưng chắc chắn là những điều đó sẽ dẫn đến hậu quả khốc hại tất nhiên khi có hàng chục triệu người sẽ lâm vào cảnh mất việc, và mức độ tiêu thụ của người dân trong nước, vốn là bộ máy chính để đẩy mạnh nền kinh tế quốc gia, chắc chắn sẽ bị co cụm lại rất nhiều.
Nói như lời của ông Joshua Shapiro là chuyên gia kinh tế của công ty cố vấn MFR Inc để giải thích về chuỗi sự kiện trong hệ thống giây chuyển, một khi chúng ta đi đến xem một trận đấu thể thao hoặc một chương trình văn nghệ, không phải chúng ta chỉ bỏ tiền ra để mua vé vào xem, chúng ta còn sẽ mua bia và nước ngọt để hưởng thụ, rồi chúng ta cũng có thể đi ăn ở tiệm trước hoặc sau đó v.v., chưa kể là có nhiều người còn phải mua vé máy bay và khách sạn để đến nơi giải trí. Vì thế nên khi nhiều người dân không còn được dịp, hoặc không còn khả năng và hứng thú để bỏ tiền ra vào những thứ giải trí đa dạng đó, điều này sẽ dẫn đến những hậu quả tai hại cho rất nhiều những người dân làm trong các ngành nghề đa dạng và liên hệ.
Cùng lúc đó trên thị trường năng lượng với giá tụt xuống ở mức 30 Mỹ kim cho một thùng dầu thô, các công ty khoan dầu bắt đầu loan báo những quyết định sẽ tạm ngưng việc khoan dầu và cắt bớt nhiều ngân sách và sa thải rất nhiều nhân viên. Các công ty như Apache Corp, Matador Resources Co., Marathon Oil Corp đều đồng loạt cho biết là sẽ cắt giảm rất mạnh ngân sách hoặc đình chỉ nhiều chương trình khai thác để sản xuất dầu. Điều này sẽ dẫn đến việc nhiều công ty liên hệ trong việc lọc dầu và chế biến các sản phẩm liên hệ cũng bị ảnh hưởng theo và từ đó cũng sẽ giảm bớt mức sản xuất và bắt buộc phải sa thải bớt nhân viên, với những con số cụ thể của những người sẽ bị thất nghiệp trong những ngày tháng sắp tới tại những tiểu bang như Texas và Oklahoma.
Theo nhận định của Ngân hàng JPMorgan Chase, nền kinh tế sẽ rơi vào tình trạng suy thoái trong nửa đầu năm nay, coi như chấm dứt thời kỳ tăng trưởng liên tục bắt đầu từ năm 2009. Tuy nhiên, những cơn suy thoái kinh tế nhiều khi phải mất một thời gian vài tháng sau đó mới được biểu hiện bằng những con số của mức GDP đã tụt xuống trong hai tam cá nguyệt liên tiếp. Nhưng với nhiều người, nó có thể được biểu hiện qua việc con số những đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp có thể bắt đầu gia tăng trong vòng vài tuần lễ sắp tới, và từ đó mức độ tiêu thụ của người dân cũng như mức đầu tư của chủ nhân cũng tụt giảm theo.
Một trong những dấu hiệu đáng chú ý khác là Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), một trong những cơ quan cho vay nợ cuối cùng mà nhiều quốc gia có thể cần đến, vừa loan báo họ đã bắt đầu đón nhận nhiều đơn thăm hỏi hoặc cứu xét từ những quốc gia có thể cần đến sự trợ giúp tài chính sau những hậu quả tai hại của cơn đại dịch lần này. Trong số các quốc gia này có Ba Tư (Iran) là một trong số những nước bị ảnh hưởng nặng nề với cơn đại dịch, vừa mới cho biết là đang cần một chương trình cứu giúp vào khoảng 5 tỷ Mỹ-kim. Cơ quan IMF cho biết là họ có sẵn ngân quỹ $50 tỷ Mỹ-kim để có thể được cung cấp một cách nhanh chóng cho những chương trình cứu trợ vì dịch bệnh coronavirus, trong tổng số khoảng 1,000 tỷ Mỹ-kim để giúp cho nhiều quốc gia khác có thể nộp đơn xin cứu xét.

MAI LOAN

Viết thêm:
Tình hình biến đổi quá nhanh chóng và thay đổi tệ hại từng giờ chứ không còn là từng ngày nữa. Vì thế nên những bình luận và dự phóng đầy bi quan của các ký giả trong bài viết sau đó cũng gần như không còn chính xác nữa, vì có phần còn tệ hại hơn. Trong một chừng mực nào đó, nội dung của bài viết có thể trở thành không còn giá trị nữa, và có thể bị chê là “fake news”.
Điển hình là con số những người bị xác định là lây nhiễm dịch bệnh vào tuần trước tại Hoa Kỳ vào khoảng 6,000, vốn tự nó đã tăng vọt so với con số vài trăm vào tuần trước, nhưng giờ đây đã tăng vọt lên hơn 32,000, qua mặt nhiều nước khác như Tây Ban Nha, Đức, Ba Tư, Pháp, Nam Hàn v.v. vốn trước đó được coi như là những nước có con số cao kỷ lục. Trong thực tế, con số thực sự tại Hoa Kỳ có thể cao hơn nhiều, do bởi trước đó cơ quan CDC đã có những quy định quá nghiêm ngặt nên số người được xét nghiệm rất giới hạn, và cuối cùng chính phủ đành phải để cho các viện bào chế tư nhân và các chính quyền tiểu bang và địa phương nhập cuộc để tự mở các trạm xét nghiệm hầu có thể trấn an sự lo sợ của dân chúng.
Kế đến là việc chính phủ Mỹ cũng đột ngột quyết định đưa ra lời khuyên tất cả công dân không nên đi du lịch đến bất cứ nơi nào trên thế giới, kể cả hai lân bang Canada và Mexico, và sau đó các nước khác cũng có những quyết định gần như tương tự. Hệ quả là cả ngành hàng không và khách sạn trên thế giới gần như bị ngừng lại, có lẽ còn tệ hại hơn cả vụ 9/11 năm xưa, vì ít ra nó chỉ giới hạn lúc đó ở nước Mỹ mà thôi, mà chỉ kéo dài có vài ngày và chỉ riêng trong ngành hàng không, nhưng lần này cả một loạt các sinh hoạt đa dạng trong xã hội đều đồng loạt đóng cửa. Những hậu quả về thiệt hại kinh tế sẽ lên đến một mức mà mọi người phải chóng mặt khi phải tính đến.
Đây quả tình là một tình huống chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử theo đúng nghĩa của nó, do bởi tình trạng chưa ai biết rõ nó sẽ đi về đâu, và đến mức nào mới chấm dứt, cho dù là con số người thiệt mạng, khách quan mà nói, cũng còn rất thấp so với những cơn thiên tai hay nhân tai đã từng xảy ra.
Chúng ta chỉ đành chờ đợi và xem sao. “Wait and see” là vậy.  

Không có nhận xét nào: