Chị Thảo Phạm (trái), thợ nail ở Tacoma, cùng với chị Kati và nhóm thiện nguyện, may tặng hơn 2,000 khẩu trang cho nhân viên y tế ở các bệnh viện tại Tacoma, Washington. (Hình: Thảo Phạm)- Tâm An/Người Việt - WESTMINSTER, California (NV) – Dịch COVID -19 khiến nhiều bệnh viện và các cơ sở y tế ở Mỹ thiếu khẩu trang, quần áo bảo hộ, nước sát trùng, và nhiều thiết bị y tế khác. Hiểu được tình cảnh này, nhiều người gốc Việt đã sử dụng thời gian rảnh khi tuân thủ lệnh ‘ở tại nhà’ để may khẩu trang tặng nhân viên y tế, bệnh nhân trong các bệnh viện.Từ thành phố Phoenix, tiểu bang Arizona, chị Tường Vi, thợ sửa quần áo, cho biết: “Tôi đóng cửa tiệm đã một tháng nay, tôi tự đi mua vải về để may khẩu trang rồi đem tặng cho người cao niên ở viện dưỡng lão. Họ cảm động muốn rơi nước mắt. Các y tá họ cũng xin, chủ yếu họ đeo bên ngoài cái khẩu trang y tế. Họ nói làm như vậy thì khẩu trang N95 sẽ đỡ bị nhiễm hơn, có thể dùng lâu dài..”<!>
Một người khác, chị Thảo Phạm, một thợ nail ở thành phố Tacoma, tiểu bang Washington, cùng với nhiều thiện nguyện viên “đã tự may và tặng được hơn 2,000 chiếc khẩu trang cho các y tá bệnh viện trong đó có bệnh viện St. Joshep là 500 cái, bệnh viện Nhi Multicare-Mary Bridge là 200 cái, và nhiều trung tâm y tế.”
Mỗi ngày, chị Thảo cùng gần chục thiện nguyện viên cặm cụi may khoảng 200 chiếc khẩu trang bằng vải để tặng cho các y tá. Để tránh lây nhiễm virus COVID-19, mỗi thiện nguyện viên nhận về nhà mình tự may rồi mang tới giao cho chị Thảo. Trong số đó, có cả một bà cụ 92 tuổi, là bà nội của một thiện nguyện viên, cũng tham gia may khẩu trang.
Đại diện tại các trung tâm y tế tới nhận món quà là các khẩu trang tự may của nhóm chị Thảo Phạm, Kati tại Tacoma, Washington. (Hình: Thảo Phạm)
Nói về sự khởi đầu ý tưởng này, chị Thảo kể: “Tôi có một vài người bạn làm nhân viên tại bệnh viện St. Joshep ở Tacoma. Họ nói với tôi họ rất cần khẩu trang, họ nhờ tôi hỏi những người làm nail, coi có ai dư khẩu trang không, thì cho họ vì trong bệnh viện rất thiếu...”
“Tôi lên Facebook đăng tin xin khẩu trang y tế của những anh chị đồng nghiệp làm nail. Nhờ đó, tôi quen được chị Kati Nguyễn cũng ở cùng thành phố này. Chị ấy muốn tặng những chiếc khẩu trang bằng vải tự may. Tôi không ngờ các y tá đều đồng ý nhận. Vậy là chúng tôi kêu gọi nhiều người góp sức, nhất là các thợ nail, thợ tóc đang lúc rảnh rỗi thất nghiệp, cùng nhau góp sức để mua vải, cắt rồi may hàng ngàn chiếc khẩu trang,” chị Thảo kể tiếp.
Chị Kati Nguyễn, người làm thợ may có thâm niên hàng chục năm, có shop may nhỏ ở thành phố Tacoma thường may đồ cho người Mỹ. Từ khi dịch bệnh còn chưa bùnh phát, chị Kati đã thường tự làm khẩu trang để dùng và bán cho khách hàng với giá $15/cái.
Chị Kati nói: “Tới khi dịch bệnh bùng phát tại tiểu bang này, tôi không còn nghĩ tới chuyện buôn bán nữa, tôi nghĩ tới việc tặng cho những người cần, đó là những y tá, bệnh nhân trong bệnh viện và viện dưỡng lão.”
“Chúng tôi may hai lớp, giống như một cái túi, để các y tá bỏ một lớp màng lọc (filter) vào giữa. Cuối ngày có thể thay lớp màng lọc khác, còn cái khẩu trang thì đem giặt để tái sử dụng được. Vì thế các y tá và bệnh nhân có thể dùng như một khẩu trang y tế, rất tiện lợi và tiết kiệm,” chị Kati nói thêm.
“Các y tá và bệnh nhân nhận món quà của chúng tôi họ rất vui và cảm động,” chị Thảo vui vẻ cho biết.
Việc làm của chị Kati và chị Thảo được rất nhiều bạn bè, đồng hương ủng hộ và khen ngợi. Tiếng lành đồn xa, rất nhiều phóng viên liên lạc để xin chụp hình, phỏng vấn như báo Reuters News, Nothwest Asian Weekly và một số tờ báo tiếng Việt kể cả trong nước và hải ngoại.
“Từ hôm may khẩu trang để tặng tới giờ, tôi có cơ hội quen được rất nhiều người bạn tốt. Có những người ở tận Texas cũng gửi vải qua đường bưu điện tới nhà tôi để tặng cho tôi may khẩu trang. Thảo là người nhiệt tình nhất, luôn luôn tới sớm về trễ để kịp giao cho các y tá đang mong chờ,” chị Kati nói.
“Tôi nhận được hàng chục điện thoai từ các tiểu bang khác, người thì muốn hiến tặng vải, người thì muốn xin khẩu trang. Nhưng vì họ ở xa quá nên tôi không thể tặng khẩu trang cho họ, tôi lên Facebook kêu gọi mọi người giúp sức để may khẩu trang càng nhiều càng tốt, nhằm cứu vãn đồng hương của mình,” chị Kati nói thêm
“Tình hình dịch bệnh xảy ra khắp toàn cầu, cho nên khắp nơi thiếu thốn, đâu phải mình nước Mỹ thiếu khẩu trang. Các bạn y tá của tôi cho biết, lý do chính mà bệnh viện thiếu khẩu trang và quần áo bảo hộ là vì những thứ này đều nhập từ Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc chính là nơi xảy ra dịch bệnh đầu tiên nên họ đã thiếu hụt về loại mặt hàng này, nói gì tới xuất cảng đi các nước.”
Chị Thảo Phạm (trái) và chị Kati Nguyễn là hai tình nguyện viên chính ở Tacoma, trở thành đôi bạn thân nhờ may hàng ngàn khẩu trang tặng cho bệnh viện. (Hình: Thảo Phạm)
Hỏi về sự trợ giúp từ gia đình, chị Kati vui vẻ nói: “Ông xã tôi rất tự hào về tôi. Ông ấy là người Mỹ, ông gọi cho má chồng tôi ở tiểu bang khác và khoe rằng tôi đang may khẩu trang để tặng cho bệnh viện. Má chồng tôi nghe xong, bà gọi tôi là ‘anh hùng’!”
Tuy nhiên, chị Thảo Phạm cũng muốn gửi tới lời nhắn nhủ với đồng bào muốn may khẩu trang thiện nguyện rằng: “Tôi được biết không phải bệnh viện nào họ cũng nhận khẩu trang tự làm như thế này. Vì thế trước khi may khẩu trang, quý vị nên hỏi các y tá hoặc tới trực tiếp bệnh viện đó, để hỏi xem họ có cần không và cần loại khẩu trang như thế nào, cho đỡ mất công.”
Chị Thảo giải thích thêm: “Hầu hết ban điều hành các bệnh viện họ đều không lên tiếng xin khẩu trang tự làm của dân, mà chỉ là các nhân viên y tế xin hỗ trợ với tư cách cá nhân. Vì nếu muốn tặng trực tiếp cho bệnh viện thông qua ban giám đốc bệnh viện thì thủ tục rất rườm rà.”
Tại Little Saigon, Nam California, hiện đang có rất nhiều nhóm thiện nguyện viên khởi nguyện làm khẩu trang để tặng. Chị Trinh Phí, ở Westminster, cũng đang bắt đầu cắt vải để đưa tới cho các thợ may thiện nguyện.
Chị Trinh Phí, vốn là một nhân viên bán bảo hiểm, nay cùng các con ở nhà cắt vải, cho biết: “Tôi được hướng dẫn rằng chỉ cần mua loại vải 100% cotton là được. Chúng tôi đi mua vải về rồi cắt ra sau đó đưa cho ai biết may để làm giúp. Chúng tôi chọn loại vải kẻ để dễ cắt thẳng vải, các loại vải khác mình cắt không quen dễ bị lẹm.”
Chị Trinh Phí cho biết, người khởi xướng nhóm của chị là chị Kiều Dung, thuộc gia đình Phật Tử Huệ Quang và chị Uyên Trang, thuộc gia đình Phật Tử Phổ Hòa.
Chị Uyên Trang là một kỹ sư về nhu liệu điện toán, cư dân Cypress, cho biết: “Xuất phát từ thỉnh nguyện của một y tá tại bệnh viện San Diego cần khẩu trang, chúng tôi đã cùng nhau mua vải về cắt và nhờ các gia đình biết may làm theo website hướng dẫn của Cơ Quan Phòng Chống Dịch Bệnh (CDC). Đến nay chúng tôi đã làm được khoảng 500 cái và hiện đang được rất nhiều bạn bè và các Phật tử ủng hộ để tiếp tục may thêm nữa.”
Trang web chị Uyên Trang làm theo là trang: https://www.deaconess.com/How-to-make-a-Face-Mask?
Không chỉ cá nhân, mà một số công ty nhỏ cũng góp sức vào phong trào này.
Bà Anne Oliver, giám đốc điều hành công ty House of M Beauty, ở Anaheim cho biết, “Công ty chúng tôi đã quyên góp 5,000 chai nước rửa tay khô (hand sanitizer), 10,000 mặt nạ phẫu thuật (surgical mask) và 5,000 khẩu trang tương đương N95 (N95-equivalent mask) cho nhân viên y tế, bác sĩ, y tá và các tổ chức cộng đồng.. Hiện tại đã có trên 30 bệnh viện đã ghi danh để nhận, thông qua việc ghi danh tại đường link sau: http://houseofmbeauty.com/supplyrequest/
Một nhóm khác cũng ở Little Saigon đang đi tìm nguồn cung cấp khẩu trang để tặng cho bệnh viện. Chị Tammy Nguyễn, đại diện công ty T-Entertainment và chị Thảo Nguyễn, chủ nhà hàng Chợ Đông Ba, cho biết: “Chúng tôi đã tìm được một xưởng may bên Việt Nam, họ nhận may miễn phí không tính tiền công và tiền vải, chúng tôi chỉ mất tiền ship sang Mỹ thôi, số lượng là 10,000 cái để tặng cho các nhân viên y tế và bệnh nhân.”
Chị Tammy cho biết thêm một thông tin rất hữu ích: “Chúng tôi biết một trang web hướng dẫn, là trang www.weneedmasks.org có dạy cách cắt khẩu trang rất bài bản. Ngoài ra trang này còn giúp các cơ sở y tế, bệnh viện ở tất cả các tiểu bang vào đó để ghi danh xin khẩu trang. Do đó, chúng tôi đã biết rõ nơi nào cần và cần bao nhiêu. Rất đơn giản và tiện lợi.” (Tâm An)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét