7) Giai đoạn thứ bảy: Sống ở trên đời, sáu căn chúng ta, tiếp xúc sáu trần, vẫn còn khởi lên, vọng tâm vọng tưởng, vọng thức vọng niệm. Ý nghĩ mới này, vừa dấy khởi lên, bao nhiêu tạp niệm, liền khởi tiếp theo. Tuy nhiên hằng ngày, chúng ta đã biết, chăn trâu nghĩa là: luôn luôn sống trong, tỉnh giác tỉnh thức, sống trong chánh niệm. Chính nhờ công phu, tu tập lâu ngày, con trâu tạm thuần, mỗi khi niệm khởi, chúng ta liền biết, cho nên không theo. Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ có dạy: "Đừng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm", chính là nghĩa đó. Vọng tâm vọng tưởng, vọng thức vọng niệm, do đó lặng đi. Đó là công phu, tu tập đã sâu, sức mạnh con trâu, đã giảm đi nhiều, là sức cuồng loạn, tâm ý không còn. Ý nghĩa thiết yếu, của việc hành trì, tu tâm dưỡng tánh, theo chính đạo Phật: Trong tâm khởi niệm, nếu giác kịp thời, liền biết không theo, đó là chân tâm. Trong tâm khởi niệm, nếu còn mê muội, không giác kịp thời, trở thành vọng tâm.<!>
Cũng ví như là: khi có gió thổi, mặt biển nổi sóng, gọi là biển động. Khi có gió thổi, mặt biển vẫn yên, là biển thái bình, được ví như là: bản tâm thanh tịnh. Tu theo đạo Phật, không phải chỉ có, cúng kiến lễ lạy, cầu nguyện van xin, không còn gì khác.
Sau khi chăn dắt, được một thời gian, thuần phục con trâu, đạt được tới đâu, khỏe khoắn tới đó. Tu tập dụng công, tới lúc này đây, đã được nhẹ nhàng, bớt phần nhọc nhằn. Con trâu tâm ý, không còn thích đi, húc càn giẫm đạp, lúa mạ của người. Con trâu của mình, đã khá ngoan ngoãn. Tu tập đến đây, hành giả không còn, bị con trâu mình, dẫn dắt lôi kéo, nên đã quyết chí, dừng nghiệp chuyển nghiệp, không còn tạo tội, tạo nghiệp mới nữa.
Thí dụ như là: ở trong gia đình, có chuyện bất bình, nhưng trong tâm ý, không còn khởi niệm, bực tức giận hờn, một cách dễ dàng, như trước kia nữa. Thí dụ như là: khi đang làm việc, hoặc đang chạy xe, ở trên đường phố, gặp cảnh bực bội, chuyện bất như ý, tâm ý vẫn không, khởi chút niệm nào, dù là niệm tốt, như tự nhủ rằng, mình có thi ân, cũng bất cầu báo, chẳng hạn như vậy.
Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ có dạy:
"Không khởi niệm nào, nghĩ thiện nghĩ ác".
"Bản lai diện mục, hiện tiền trước mặt".
Dù khởi niệm thiện, hay niệm bất thiện, tâm thức con người, cũng bị xao động. Khi trong tâm thức, không có niệm khởi, con người sống với, cảnh giới niết bàn, hiện tiền trước mắt. Đó là lời dạy, Lục Tổ Huệ Năng, đã giúp khai ngộ, thượng tọa Huệ Minh, nhận được nơi mình, "bản lai diện mục", còn được gọi là: Chân tâm Phật tánh.
Lợi ích thiết thực, pháp môn chăn trâu, đem cho chúng ta: ngày ăn được ngon, tối ngủ được yên, đêm không ác mộng. Tại sao như vậy? Bởi vì con trâu, đã ngoan ngoãn rồi, theo sự chăn dắt, cũng ngủ yên rồi! Ban ngày sinh hoạt, tâm trí loạn động, ban đêm nhất định, nằm ngủ ác mộng. Ban ngày sinh hoạt, tâm trí tự tại, bình tĩnh thản nhiên, ban đêm nhứt định, giấc ngủ an lành. Những người nào đã, chăn được con trâu, tánh tình trở nên, vui vẻ cởi mở, hiền hòa tươi tắn, dễ thương dễ chịu, hòa hợp mọi người, thích ứng mọi cảnh, nhẫn chịu mọi thời, hài lòng mọi việc, không hay khiếu nại, không thích nhiều chuyện, không muốn tranh đua, không chịu hơn thua, không tranh cãi nữa. Do đó cuộc sống, đương nhiên an lạc, và đạt hạnh phúc.
Ở trong kinh sách, chư Tổ có dạy:
"Nội cần khắc niệm chi công".
"Ngoại hoằng bất tranh chi đức".
Bên trong khắc chế, thúc liễm tâm niệm, lăng xăng lộn xộn, tức là luôn luôn, hành trì chăn trâu, được gọi đó là, công phu tu tập. Bên ngoài hành trì, đức độ người tu, không tranh cãi nữa. Đó là những việc, phải làm của người, chân tu thực học.
Những chuyện cũ rích, năm xửa năm xưa, trong buổi chiều mưa, nếu hiện trở lại, ở trong tâm trí, chúng ta không theo, dừng lại kịp thời, không tiếp tục nghĩ, đến chuyện đó nữa, nó sẽ lặng đi, lâu ngày như vậy, cũng sẽ quên luôn! Kho tàng tâm thức, dần dần vơi đi, cho đến một khi, hoàn toàn trống rỗng, không còn gì hết. Tâm trí dần dần, nhẹ nhàng khinh an. Cái gì còn nhớ, lập đi lập lại, nhiều lần nhiều lúc, thì sẽ nhớ dai, nhớ kỹ nhớ rõ, nhớ từng chi tiết.
Thí dụ như là: bản nhạc quen thuộc, hiện lên trong trí, nếu mình ư ử, ca theo âm điệu, mình sẽ nhớ dai, nhớ nó lâu dài, nhớ đến suốt đời. Thí dụ như là: có người thường hay, bụng bảo dạ rằng: thù người truyền kiếp, năm mười năm sau, trả thù không muộn, sống thì để dạ, chết sẽ mang theo. Thực là dễ sợ! Con người như vậy, sẽ bị con trâu, của mình lôi kéo, tạo tội tạo nghiệp, từ chỗ phải chết, đến bị thương thôi.
Đến giai đoạn này, công phu tu tập, đem lại ích lợi, nhiều cho thế gian, hành giả được người, xưng tụng tán thán, khởi tâm ngã mạn, liền phải gặp ngay, chướng ngại đường tu. Hành giả cảm thấy, công phu tu tập, của mình khá quá, ít người đạt được, trình độ như mình, khởi tâm ham thích, làm thầy thiên hạ, tự xưng sơn tăng, tự lập thiền trang, mang danh trang chủ, ham làm thiền sư, tự tung tự tác, bắt đầu bị kẹt, danh lợi nhà đạo, ngay trên đường tu. Trường hợp của ngài, Ngộ Đạt quốc sư, là một thí dụ.
Trong kinh Di Giáo, đức Phật có dạy:
"Chủng chủng hý luận, kỳ tâm tắc loạn".
"Nhược đắc định giả, tâm tắc bất tán".
Người nào không tu, chứa chấp quá nhiều, những chuyện thị phi, đúng sai phải quấy, tranh đua hơn thua, tâm ý người đó, tất nhiên loạn động. Còn như người nào, chăn được dắt được, con trâu của mình, tức khắc chế được, tâm niệm của mình, người đó đạt được, cảnh giới thiền định, hoặc là sơ thiền, nhị thiền tam thiền, hay được tứ thiền, tâm ý luôn luôn, không còn tán loạn.
8) Giai đoạn thứ tám: Sau một thời gian, lâu hay là mau, dài hay là ngắn, tùy theo căn cơ, trình độ khả năng, hoàn cảnh mỗi người, hành giả phát nguyện, quyết tâm chăn trâu, quyết chí tu dưỡng, tận tâm tận tình, tận sức tận lực, chuyển hóa tâm tánh, nhất định dụng công, thuần phục con trâu, tâm ý của mình. Lúc đó hành giả, hoàn toàn tự tại, giải thoát phiền não, khổ đau cuộc đời, không còn hay bị, cảnh trần kích động, lôi cuốn quyến rũ, chi phối tác động.
Hành giả luôn luôn, hướng về những việc, ích lợi mọi người, lời nói đạo đức, êm dịu hòa nhã, ý nghĩ hiền hậu, tư tưởng hòa vui, từ bi hỷ xả, thêm bạn bớt thù, có đủ khả năng, đem đạo vào đời, tạo đời an vui, làm sáng thêm đạo, xoa dịu nỗi khổ, làm cho mát lòng, của nhiều người khác, ví như cam lồ, của đức Quán Âm, rưới khắp thế gian, tắm mát tâm hồn, đang bị nhiệt não. Đó là những bực, chân tu thực học, thiện hữu tri thức, có thể giúp đỡ, những người hữu duyên, trên đường tu tập, hoặc chuyển hóa được, tâm niệm những người, sống ở chung quanh, bất luận người thân, hay là kẻ thù.
Tu tập đến đây, lúc nào hành giả, cần phải suy nghĩ, thì cứ suy nghĩ, lúc nào làm việc, thì cứ làm việc, mọi thời khắc khác, trống không lặng lẽ, vô tâm vô niệm. Tu tập càng tiến, tâm trí thanh cao, thảnh thơi nhẹ nhàng, nhận thấy người nào, cũng có điểm tốt, để mình noi theo, thấy cảnh vật nào, chung quanh nơi mình, cũng vui cũng tươi, cũng đẹp đẽ hơn.
Người nào chưa tu, hay mới bắt đầu, phát tâm tu tập, tâm trí còn loạn, vì chứa chấp nhiều, những chuyện đấu tranh, thành kiến định kiến, cố chấp cho chặt, chấp nê phiền não, cho nên cảm thấy, cảnh vật chung quanh, buồn bã chán chường, cảm thấy người nào, cũng là xấu xa, hạ liệt đê tiện, phiền toái bực mình, đâm ra cau có, quạu quọ nhăn nhó, tửng tửng tàng tàng, xóm làng đều biết. Nếu khéo điều phục, biết cách chăn trâu, một thời gian sau, tâm trí an lạc, cảm nhận hạnh phúc, cảm thấy mọi người, dễ mến dễ thương, cảnh vật tươi sáng, không gian đẹp đẽ.
Chúng ta nên biết: Tu tâm dưỡng tánh, chính là chuyển đổi, sao cho tâm tánh, gọi là chánh báo, trở nên thanh tịnh, trong sáng tốt đẹp, chứ không chuyển đổi, cảnh vật bên ngoài, gọi là y báo.
"Chánh báo thế nào, y báo thế ấy", chính là nghĩa đó.
Bởi vậy cho nên, trong sách có câu:
"Tâm buồn cảnh được vui sao"
"Tâm an dù cảnh ngộ nào cũng an".
Trong giai đoạn này, là lúc hành giả, đã biết dừng nghiệp, và biết chuyển nghiệp. Mắt trông thấy sắc, thấy rồi thì thôi, thôi không bàn tới, không còn lưu giữ, bất cứ sắc nào, vào trong kho tàng, tâm thức của mình, dù đẹp dù xấu, dù rất dễ thương, dù là thấy ghét. Tai nghe thấy tiếng, nghe rồi thì không, không giận không hờn, không yêu không hận.
Trong lòng của mình, hay trong tâm thức, không hề khởi lên, bất cứ niệm nào, khởi lên liền biết, nhất định không theo, nó sẽ lặng đi. Không theo nghĩa là: không để con trâu, dẫn dắt mình đi, tạo tội tạo nghiệp! Tu tập đến đây, hành giả nhận ra, hạnh phúc mọi người, sống trên thế gian, cũng đều chính là, hạnh phúc của mình. Tâm địa bồ tát, tấm lòng vị tha, vì người quên mình, ngày càng tăng trưởng. Hành giả tâm nguyện, mang đạo vào đời, làm đẹp cho đời, mà không bị đời, làm cho ô nhiễm. Hành giả thanh thản, thảnh thơi thơi thới, nhẹ nhàng bước ra, khỏi nhà hầm lửa, thoát cảnh trầm luân, sanh tử luân hồi.
Cho nên kinh sách, có bài kệ sau:
Mắt trông thấy sắc rồi thôi.
Tai nghe thấy tiếng nghe rồi thì thôi.
Trơ trơ lẳng lặng cõi lòng.
Nhẹ nhàng ta bước khỏi vòng trầm luân.
Tánh giác con người, hiển lộ rõ ràng, ở nơi sáu căn: mắt tai mũi lưỡi, cùng thân và ý. Khi nào sáu căn, tiếp xúc sáu trần: sắc thanh hương vị, cùng xúc với pháp, mà không sanh khởi, vọng tâm vọng tưởng, vọng thức vọng niệm, là lúc con người, sống trọn vẹn với, bản tâm thanh tịnh.
Chẳng hạn như khi, có người đến chửi, mắng nhiếc nhục mạ, tức là lỗ tai, tiếp xúc với tiếng, phê phán phỉ báng, mà mình vẫn luôn, bình tĩnh thản nhiên, tức là khi đó, âm thanh khó nghe, không làm cho mình, nổi lên sân hận, không làm cho mình, phát khởi vọng tâm, vọng tưởng vọng thức, vọng niệm gì cả. Nói một cách khác: dù gặp bát phong, có gió thổi đến, bản tâm thanh tịnh, ví như mặt biển, không hề gợn sóng, dù nhỏ dù lớn. Lúc đó nên biết, công phu tu tập, thuần thục lắm rồi.
9) Giai đoạn thứ chín: Tu tập đến đây, hành giả đạt được: "cảnh giới bất nhị", tức là không còn, kẹt pháp hai bên, không thiên cực đoan, không còn cố chấp, không còn thị phi, không còn tranh chấp, không còn tranh cãi, không còn phải quấy, không còn hơn thua, không còn tạo tội, không còn tạo nghiệp!
Kinh sách còn gọi, đó là cảnh giới: "vô tâm vô niệm".
Bát nhã tâm kinh, đức Phật có dạy:
"Lúc đó hành giả, an lạc tự tại, tâm vô quái ngại, vô hữu khủng bố, viễn ly tất cả, điên đảo mộng tưởng, đạt được cứu cánh, cảnh giới niết bàn".
Khi đạt cảnh giới, vô tâm vô niệm, an lạc tự tại, tâm không quái ngại, không bị sợ hãi, xa lìa tất cả, điên đảo mộng tưởng, hành giả đạt được, mục đích cứu cánh: cảnh giới niết bàn.
Trong kinh Tịnh Danh, kinh Tâm Địa Quán, đức Phật có dạy:
"Tâm tịnh thì độ tịnh".
"Tâm địa bình thì thế giới bình".
Tâm được thanh tịnh, gọi là chánh báo, tất nhiên cảnh vật, cũng được thanh tịnh, chúng sanh chung quanh, cũng được bình yên, gọi là y báo. Tất cả những thứ, vọng tâm vọng tưởng, vọng thức vọng niệm, đều đã dứt sạch. Tâm tham không còn, tâm sân không còn, tâm si không còn.
"Chánh báo thế nào, y báo thế ấy" chính là nghĩa đó.
Vua Trần Nhân Tông, Điều Ngự Giác Hoàng, là vị sơ tổ, thiền phái Trúc Lâm, có ngâm bài kệ:
Cư Trần Lạc Đạo thả tùy duyên
Cơ tắc san hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
Nghĩa là:
Sống đời vui đạo hãy theo duyên
Khi đói thì ăn mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Gặp cảnh không tâm hỏi chi thiền.
Đối trước cảnh trần, người nào không khởi, bất cứ niệm gì, vô niệm vô tâm, sống đời vui đạo, tùy duyên hành sự, tức là lúc đó, hành giả sống trong, cảnh giới thiền định, khi đói thì ăn, khi mệt thì ngủ, ông chủ trong nhà, đúng là của báu, không cần tìm kiếm, không cần phải hỏi, khỏi cần phải nghi, chớ hỏi chi thiền, thiền là vậy đó!
Bá Trượng Hoài Hải, thiền sư chỉ dạy:
"Tâm địa nhược không, tuệ nhựt tự chiếu".
Khi nào tâm địa, tâm thức hành giả, hoàn toàn không tịch, trống rỗng lặng lẽ, lẳng lặng thanh tịnh, không còn chứa chấp, vọng tâm vọng tưởng, vọng thức vọng niệm, rỗng rang tịch tịnh, mặt trời trí tuệ, trí tuệ bát nhã, tự nhiên chiếu sáng.
Trong một căn phòng, ngàn đời tăm tối, chỉ cần bật điện, hay đem ngọn đèn, liền sáng tỏ ngay, đâu cần đợi đến, ngàn năm sau nữa, mới chịu sáng lại. Cũng như vậy đó, khi nào hành giả, chịu mồi ngọn đuốc, trí tuệ của mình, với đuốc chánh pháp, mười phương chư Phật, lập tức ngọn đuốc, trí tuệ của mình, bừng sáng lên ngay.
Giây phút bừng sáng, ở trong thiền tông, gọi là "ngộ đạo". Cũng như mây đen, khi tan biến hết, tức là tất cả, phiền não không còn, tâm thức trống rỗng, lặng lẽ an nhiên, trí tuệ bát nhã, tự dưng chiếu sáng.
Trong kinh Di Giáo, đức Phật có dạy:
"Chế tâm nhứt xứ, vô sự bất biện".
Khi mình thực sự, chế ngự con trâu, ở yên một chỗ, bằng cách tụng kinh, niệm Phật ngồi thiền, thiền hành thiền quán, qua sự áp dụng, hiểu biết chánh pháp, tâm trí hành giả, bình tĩnh thản nhiên, không còn chuyện gì, để cãi vã nữa, để tranh chấp nữa.
Cho nên không có, sự gì việc gì, không thể biện luận, không thể hiểu biết, một cách thông suốt, một cách rõ ràng. Không vị Phật nào, không biết thuyết pháp, độ tận chúng sanh.
Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ có dạy:
"Tâm thông thuyết thông", chính là nghĩa đó.
Bất cứ người nào, thực tâm tu học, không hề phân biệt, tại gia cư sĩ, xuất gia tu sĩ, tâm trí thông suốt, đạt được đến đâu, thuyết giảng đến đó, làm lợi chúng sanh. Ví như trước kia, có học có hành, ngày sau người đó, có thể làm thầy, chỉ dạy người khác.
Hành giả đạt đến, giai đoạn mới này, tâm địa mở rộng, đồng nhứt bản thể, với muôn vạn pháp, thấy mình cùng với, mọi loài chúng sanh, đồng nhau không khác, trí tuệ bát nhã, ngày càng phát triển, thế giới chư Phật, ngày càng mở rộng. Đó là thế giới, của tình yêu thương, hòa hợp cảm thông, an vui lợi lạc, giác ngộ giải thoát. Hành giả cảm thông, nỗi khổ tâm bệnh, các loài chúng sanh. Chúng sanh bị bệnh, thì hành giả bệnh, chính là nghĩa đó.
Cho nên lúc nào, tâm từ tâm bi, của người tu tập, cũng hướng về khắp, chúng sanh mọi loài, sống ở chung quanh. Tu tập đến đây, bất cứ hành động, bất cứ lời nói, bất cứ ý nghĩa, của người tu tập, đều phát xuất từ, bản tâm thanh tịnh, bản tánh sáng suốt, cho nên đem lại, thực nhiều ích lợi, cho khắp thế gian, mọi người chung quanh, ngưỡng mộ kính phục, quy y nương tựa, bởi vì cảm thấy, an ổn mát dịu, mỗi khi gần gũi, cảm thấy yên tâm, mỗi khi quan hệ, cảm thấy ích lợi, mỗi khi cầu học. Đó là bóng mát, là ánh từ quang, các bậc chân đức, chân tu thực học.
10) Giai đoạn thứ mười: Khi nào đạt được, cảnh giới trên đây, hành giả biết rằng, thực sự bước đến, gần quả vị Phật, nghĩa là tâm trí, của người tu tập, cũng gần như là, tâm của chư Phật. Hành giả đã được, thảnh thơi lắm rồi, nhưng còn có một, cổng rào cuối cùng, mới xong việc được. Có sách thiền tông, gọi đó chính là: mạt hạ lao quan.
Tại sao như vậy? Bởi vì tới đây, hành giả chưa quên, công phu tu tập, từ trước đến giờ, nghĩa là con trâu, đã biến đâu mất, người chăn vẫn còn. Hành giả đã mặc, được áo nhẫn nhục, của đức Như Lai, hành giả đã vào, được nhà từ bi, của đức Như Lai, nhưng chưa an vị, trên tòa pháp không, của đức Như Lai, y như đức Phật, đã dạy trong kinh: Diệu Pháp Liên Hoa.
Trong Tây du ký, tác giả diễn tả, giai đoạn này bằng, hình ảnh của ngài, Tam tạng pháp sư, có thể bỏ hết, của cải vật chất, địa vị thế gian, cái gì cũng bỏ, để đi tìm đạo. Nhưng khi đến được , trên đất Phật rồi, ngài vẫn không chịu, đưa cho vị tăng, giữ tàng kinh các, cái áo cà sa, bình bát bằng vàng, do vua ban thưởng, tượng trưng cho các, công phu tu tập, từ trước đến nay, cho nên cũng chẳng, thỉnh được kinh sách, giá trị cao siêu, chưa thể đọc được, bản kinh vô tự, ví như vẫn chưa, được quả vị Phật.
Ở trong thiền tông, giai đoạn này được, ví như trâu trắng, chui lọt lỗ kim, nhưng vẫn còn kẹt, một sợi lông đuôi, chính là nghĩa đó. Hành giả nào đạt, được cảnh giới này, tâm không còn vướng, mảy may bụi trần, an nhiên tự tại, trước mọi bát phong, bình tĩnh thản nhiên, trước mọi sóng gió, của cuộc đời này, dửng dưng trước những, thăng trầm thế sự. Tứ vô lượng tâm: đại từ đại bi, đại hỷ đại xả, hoàn toàn viên mãn, đã ba la mật.
Nếu như hành giả, đã vượt qua được, đầu sào trăm trượng, hay vượt qua được, cái vũng nước chết, trong sách nhà thiền, gọi: vùng tử thủy, khi ấy mới được, gọi là viên giác, tức là giác ngộ, một cách viên mãn, một cách hoàn toàn, một cách trọn vẹn.
Đến lúc này đây, con trâu biến mất, từ lâu lắm rồi, và bây giờ đây, người chăn không còn. Cảnh giới vô ngã, vô tâm vô niệm, viên giác niết bàn, được diễn tả bằng, vòng tròn trống rỗng, không thêm một chữ, không nói một lời, đời đời vẫn vậy.
Kinh sách có câu:
"Đạo bổn vô ngôn. Ngữ ngôn đạo đoạn".
Nguồn gốc của đạo, vốn không có lời, có thể diễn đạt, tâm được thanh tịnh, tức khắc khai ngộ, mở lời nói năng, chắc chắn không còn, thấy đạo nữa rồi. Tất cả chỉ là, phương tiện tạm dùng, chẳng hạn như là: để chỉ mặt trăng, cần dùng ngón tay, thay cho lời nói, mọi người đều thấy, nếu không hiểu vậy, bàn cãi loanh quanh, chỉ là hý luận!
Lý đạo đạt được, ngã pháp đều không, hoàn toàn thanh tịnh, hoàn toàn không tịch, hoàn toàn sáng suốt. Trước kia chúng ta, phát tâm bồ đề, tu tâm dưỡng tánh, hành giả đọc tụng, và phát nguyện là: "chúng sanh vô biên, đều thệ nguyện độ".
Sau một thời gian, tu tâm dưỡng tánh, hành giả đạt được, cảnh giới sau đây: "Chúng sanh vô biên, độ tận xong rồi". Ở trong tâm thức, không còn chứa chấp, bất cứ mảy may, một chúng sanh nào, tức là không còn, khởi lên bất cứ, niệm nào nữa cả, bởi vì mỗi niệm, đều có bóng dáng, của các chúng sanh.
Lịch sử có ghi, trước khi đắc đạo, đức Phật Thích Ca, ngày đêm cuối cùng, kho tàng tâm thức, hiện lên đầy đủ, tất cả những niệm, từ vua Tịnh Phạn, đến nàng công chúa, Gia Du Đà La, cho đến quỷ vương, thiên ma ba tuần, tất cả đều được, đức Phật độ tận, độ xong thành đạo, chứng bậc vô thượng, chánh đẳng chánh giác.
* * * * *
III. Kết luận:
Tóm lại, pháp môn chăn trâu, giúp đỡ chúng ta, tu tâm dưỡng tánh, cứu cánh rõ ràng, tiến bộ vững vàng, không còn thắc mắc, từ thấp lên cao, thấy rõ khả năng, bước tiến của mình, không bị lầm lạc. Chúng ta hiểu rằng, tu tập đó là: "trước khổ sau vui", nếu còn ham vui, không chịu tu tập, đó chính thực là: "trước vui sau khổ", cho đến nỗ lực, khắc phục thân tâm, khó khăn bước đầu, để tiến đến chỗ, thành tựu viên mãn. Giờ đây chúng ta, cùng nhau hát lên:
Ai bảo chăn trâu là khổ? Chăn trâu sướng lắm chứ!
Chúng ta hiểu biết, pháp môn chăn trâu, quyết tâm chăn dắt, con trâu của mình, trong từng giây phút, cuộc sống hằng ngày, không lơ không là, giải đãi lười biếng, không tâm ngã mạn, tự ti tự tôn, không bị khủng bố, chẳng hề sợ sệt, lo lắng bi quan, đau khổ lầm than, suốt đời suốt kiếp!
Trong kinh Di Đà, đức Phật có dạy:
"Lúc còn sanh thời, người nào đạt được, nhứt tâm bất loạn, đến khi lâm chung, tâm không điên đảo, thì được chư Phật, cùng như thánh chúng, rước về tây phương, cực lạc quốc độ".
Trong kinh sách có câu:
"Năng lễ sở lễ tánh không tịch".
"Phật và chúng sanh, tánh thường rỗng lặng".
Chúng ta tìm hiểu, câu chuyện sau đây: có người đến hỏi, thiền sư Tùng Thẩm, tên là Triệu Châu:
Con chó nó có, Phật tánh hay không?
Ngài đáp rằng: - KHÔNG!
Người đó hỏi lại:
Kính bạch thưa ngài, đức Phật có dạy, ghi trong kinh sách, rằng mọi chúng sanh, đều có Phật tánh, tại sao con chó, nó lại không có?
Ngài Triệu Châu đáp: - "Nghiệp Thức Che Đậy!".
Tức là Phật tánh, có cũng như không!
Người khác đến hỏi:
Con chó nó có, Phật tánh hay không?
Ngài đáp rằng: - CÓ!
Người đó hỏi lại:
Kính bạch thưa ngài, Phật tánh đó là, tánh giác sáng suốt, tại sao không chọn, nơi nào sung sướng, tốt đẹp đầu thai, lại chọn nhằm cái, đãy da lông lá, lù xù chui vào, để làm con chó?
Ngài Triệu Châu đáp: - "Biết Mà Cố Phạm!".
Trong kinh Tịnh Danh, đức Phật có dạy:
"Mặt trời mặt trăng, vẫn thường sáng tỏ, tại sao người mù, họ lại chẳng thấy?"
"Cũng như vậy đó, chúng sanh không tỏ, nghiệp thức che đậy, trong đời thường hay, biết mà cố phạm, cho nên chẳng thấy, thế giới Như Lai, thanh tịnh trang nghiêm, chẳng nhận ra được, bản tâm thanh tịnh, thường hằng hiện hữu!"
Từ giờ trở đi, phát tâm sám hối, tìm lối quay về, tu tâm dưỡng tánh, xin phát nguyện rằng: mỗi khi nhận thấy, con trâu Chân Tuệ, bắt đầu quá tệ, xổng chạy lung tung, bung đi khắp nơi, rong chơi khắp chốn, khốn đốn xóm làng, dẫn dắt thân tâm, tạo tội tạo nghiệp, tự mình nhắc nhở: "Thôi chăn trâu đi!".
Và cũng nhớ rằng, không bao giờ hỏi, bất cứ ai khác: "Chăn trâu đến đâu? Còn lâu hay không?". Tại sao như vậy? Bởi vì khi đó, biết đâu con trâu, của người ta đã, trắng trẻo mịn màng, hoặc đã biến mất, từ lâu lắm rồi, chỉ còn có một, con trâu Chân Tuệ, sắp sửa tuôn ra, húc người ta đó!
"Thôi, chăn trâu đi! Nhiều chuyện mà chi!"
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét