2) Giai đoạn thứ hai: Đến khi nghe được, bạn đạo bàn chuyện, "pháp môn chăn trâu", mình mới bắt đầu, thấy dấu chân trâu, nhưng vẫn chưa thấy, nguyên hình con trâu. Điều này tức là, con người thỉnh thoảng, có cái cảm giác, mình làm việc thiện, thỉnh thoảng cũng có, cảm giác rằng mình, làm việc bất thiện, nhưng chưa phân biệt, việc nào là thiện, việc nào bất thiện, bởi vì chưa hiểu, chưa biết chánh pháp.Trong giai đoạn này, mình nhận biết được, tâm ý của mình, thay đổi liên miên, lăng xăng lộn xộn, lúc thích thế này, lúc thích thế kia. Lúc muốn giúp đỡ, người này người kia, khi muốn hãm hại, người này người khác, lúc phát từ tâm, làm việc phước thiện, bố thí cúng dường, muốn làm người tốt, tạo được phước báu. Lúc muốn sang đoạt, của cải tiền bạc, vốn liếng phần hùn, tác quyền tác phẩm, công ăn việc làm, trở thành kẻ xấu, tạo tội tạo nghiệp! Lúc muốn hùn phước, ấn tống kinh sách, đi chùa lạy Phật, góp quỹ từ thiện, cứu trợ nạn nhân, thiên tai bão lụt, muốn làm người tốt, tạo được phước báu. Lúc tính mưu kế, vu khống kiện người, đòi hỏi bồi thường, hơn ba bốn triệu, trở thành kẻ xấu, tạo tội tạo nghiệp!<!>
Lắm lúc nhiều khi, làm ăn bất chánh, gặp thời trúng mánh, giựt hụi quịt nợ, lường gạt sang đoạt, giả tạo thương tích, tròng tréo giấy tờ, khai gian hoàn cảnh, cờ gian bạc lận, dụ dỗ kẻ khờ, làm việc bất lương, vồ được một vố, tiền của khá lớn. Con người sợ sệt, mang tội một mình, chắc đọa địa ngục, chịu nhiều khổ đau, bèn đem chút ít, tiền lẻ cúng chùa, trút hết tội lỗi, cho các nhà sư, gánh vác thay mình, hoa quả nhang đèn, hối lộ tượng Phật, để được tạm thời, an tâm chút chút!
Người nào phát tâm, tu theo đạo Phật, nương theo chánh pháp, hiểu biết mọi người, đều có tánh giác, nhưng chỉ biết suông, chưa biết rõ ràng, một cách tường tận. Chẳng hạn như là, mới chỉ biết được, các đồ trang sức, dù là vòng xuyến, hoa tai dây chuyền, nhẫn trơn nhẫn cưới, tuy có khác nhau, về mặt hình thức, nhưng mà tất cả, đều cùng bản chất, đó là chất vàng. Cũng ý như vậy, tất cả mọi người, tuy không giống nhau, về các màu da, cũng không đồng nhau, về mặt kiến thức, cũng không hợp nhau, về các sở thích, cũng không cùng nhau, về các hình tướng, nam phụ lão ấu, nhưng mà tất cả, đều cùng bản chất, điều đó chính là: "Bản tâm thanh tịnh", người nào cũng có. Chẳng hạn như là, nếu không có việc, thù oán trước đây, cạnh tranh nghề nghiệp, ganh tị đố kỵ, đụng chạm tự ái, va chạm quyền lợi, chắc chắn mọi người, đối xử với nhau, rất là cởi mở, rất là tốt đẹp, rất là nhân đạo.
"Hay nói cách khác: bản thân thanh tịnh, tất cả mọi người, giống nhau không khác, đều đồng nhứt thể. Chỉ vì con người, tạo nghiệp khác nhau, cho nên sinh ra, hình tướng khác nhau. Có rất nhiều người, thường hay phát biểu: không ai chọc ghẹo, tôi hiền lắm đó! Điều này chứng tỏ, mọi người đều là, thực sự hiền lành, bản tâm thanh tịnh, nhưng có điều kiện: không gặp nghịch duyên, không gặp trái ý!"
"Bản tâm thanh tịnh, không có hình tướng, không là một vật, ở trong kinh sách, thường được gọi là: Tánh giác Chân như, Diệu tánh Diệu đạo, Chân tâm Phật tánh, Pháp thân Huệ mạng, Trí tuệ bát nhã, Bản lai diện mục, Bản tánh sáng suốt, Bản thể chân thật, Bản nguyên thường hằng, Con người chân thật, Con người bất tử, Kim cang bất hoại, Tịch diện hiện tiền, Vô tâm Vô thức, Vô sanh pháp nhẫn, là Pháp vô sanh, là Pháp bất diệt, là Pháp bất tử, là Pháp tối thượng, là viên giác tánh. Tùy theo kinh sách, tên gọi khác nhau, nhưng đều chỉ cùng, không phải một vật, từ xưa đến nay, từ trước đến nay. Trong kinh Pháp Bảo Đàn, đức Lục Tổ có dạy: "bản lai vô nhất vật", chính là nghĩa đó vậy."
3) Giai đoạn thứ ba: Sau một thời gian, học hiểu chánh pháp, đem lời Phật dạy, quán chiếu xét soi, hành động lời nói, ý nghĩ của mình, lúc đó mới hay, mình đã tạo ra, quá nhiều nghiệp xấu, còn nghiệp thiện lành, hình như chẳng có, chút nào đáng kể! Ở trong bóng tối, cuộc đời của mình, nơi cuối đường hầm, có chút ánh sáng, le lói lung linh, đủ soi thấy bóng, con trâu còn đen.
"Con trâu tâm ý, mới hiện nguyên hình: đó là con trâu, đen thủi đen thui, từ đầu tới đuôi. Con trâu đen thui, tượng trưng cho những, ý nghĩ tư tưởng, ác nhân thất đức, xấu xa độc địa, cúp điện tối đen, hắc ám mịt mờ, ti tiện nhỏ nhen, gian giảo điêu ngoa, đầy trong tâm địa, tất cả mọi người, ngày cũng như đêm, quanh năm suốt tháng."
Con người nhận thấy, con trâu của mình, đen thủi đen thui, quá sức to lớn, cảm thấy sợ hãi, bắt đầu vùng vẫy, cố gắng giẫy giụa, nói một cách khác, tức là ra sức, biện bạch bào chữa, cho những lỗi lầm, trong lúc hành động, cũng như lời nói, phát ngôn bừa bãi. Đôi khi lắm lúc, con người tỏ ra, ăn năn hối cải. Ví như sau khi, đọc kinh thủy sám, đức Phật chỉ dạy, một cách rành rẽ, những việc làm nào, những lời nói nào, những ý nghĩ nào, tạo tội tạo nghiệp, chúng ta mới biết, giựt mình tỉnh giấc, cảm thấy tội lỗi, chất cao như núi. Cũng giống như là: "tấm gương chiếu yêu", soi thấy tâm địa, yêu ma quỷ quái, ẩn tàng bên trong, hình dáng con người, nhờ "gương chiếu trâu", chúng ta nhận thấy, một cách rõ ràng, từ trước đến giờ, mình luôn luôn nghĩ, tự kỷ ám thị, thấy chuyện mình tốt, che dấu tội lỗi, đã và đang làm, bằng các chiêu bài, bằng các danh nghĩa, bằng các bình phong, bằng các mỹ từ, đao to búa lớn.
Chẳng hạn như muốn, ám hại người nào, chỉ vì ganh tị, bèn khoác bên ngoài, các thứ chiêu bài: trừ gian diệt bạo, thế thiên hành đạo. Chẳng hạn như muốn, tiêu diệt đối thủ, triệt hạ đối phương, cạnh tranh nghề nghiệp, bèn khoác bình phong: bảo vệ công lý, nêu cao chính nghĩa, tranh đấu tự do, bênh vực lẽ phải. Chẳng hạn như vì, tham tiền tham vàng, tham lợi tham danh, sẵn sàng đấu tranh, hơn thua giành giựt, ngay cả với anh, với chị em ruột, ở trong gia đình, bất kể mẹ cha, mình cũng chẳng tha, biện bạch lý do: vì vợ vì chồng, vì con vì cháu, vì chuyện nhân nghĩa, mới làm như vậy!
Đâu chẳng biết rằng: vợ chồng con cháu, sung sướng thụ hưởng, của cải giàu sang, do mình tranh giành, đoạt được đem về, còn mình thì sao, lãnh đủ nghiệp báo, đời này kiếp khác. Chúng ta nên biết: "có vay phải trả", "mình làm mình chịu", không ai thay được, dù là cha mẹ, dù là vợ chồng, hay là con cháu, không ai cứu được, dù có van xin, Phật trời cứu giúp, cũng chỉ vậy thôi. Đó mới thực là: công bằng tuyệt đối!
Điều quan trọng nhứt, trong việc tu tập, tu tâm dưỡng tánh, chính là chúng ta, phải biết tường tận, pháp môn chăn trâu.
Nghĩa là chúng ta, phải biết phương cách, dừng các vọng tâm, vọng tưởng vọng thức, vọng niệm liên miên.
Đó thực chính là: công phu tu tập, theo lời Phật dạy, cố gắng cải thiện, cuộc đời của mình, chuyển hóa tâm tư, tránh điều phiền muộn, trở thành vô tư, an nhiên tự tại.
Chẳng hạn như khi, tâm tham nổi lên, lợi mình hại người, muốn được bạc triệu, xài chơi cho sướng, nghĩ cách hại người, bất chấp thủ đoạn, chúng ta liền biết, lập tức dừng ngay, không nên tiếp tục, theo đuổi vọng tâm, vọng tưởng vọng thức, vọng niệm đó vậy, tức là chúng ta, đã dừng được nghiệp, và chuyển được nghiệp.
Chẳng hạn như khi, tâm sân khởi lên, muốn hại người khác, cho đã cơn tức, cho được thỏa lòng, tự ái cao độ, muốn cho kẻ thù, chết phứt cho rồi, hoặc ít ra cũng, khốn khổ khốn kiếp, tù tội te tua, tả tơi tan tành, xơ xác lá hoa, không thể kêu la, hết đường sinh sống, bức bách khổ não, thân tàn ma dại, bán gia bại sản, sự nghiệp tiêu tan, mất hết việc làm, đói rách nghèo nàn, mới thật hả giận, chúng ta liền biết, lập tức dừng ngay, không nên tiếp tục, theo đuổi vọng tâm, vọng tưởng vọng thức, vọng niệm đó vậy, tức là chúng ta, đã dừng được nghiệp, và chuyển được nghiệp.
Trong giai đoạn này, người nào phát tâm, chuyển hóa đời mình, quyết tâm muốn biến, phiền não khổ đau, thành ra an lạc, hạnh phúc hiện đời, nhứt định phải biết, pháp môn chăn trâu. Người nào không biết, pháp môn chăn trâu, đuổi theo vọng tâm, vọng tưởng vọng thức, vọng niệm liên miên, đem ra thực hiện, tức là tiếp tục, tạo thêm nghiệp mới! Người biết chăn trâu, tu tâm dưỡng tánh, sẽ liền thức tỉnh, quở trách chính mình: Lại muốn tạo tội, tạo nghiệp nữa rồi! Muốn đọa hay sao? Dừng ngay lập tức!
Chuyện này khó khăn, không phải dễ dàng, cần nhiều thời gian, mới thực hành được. Khi mình cưỡng lại, sức kéo con trâu, thực là điêu đứng, vất vả nhọc nhằn. Lắm lúc gặp phải, hoàn cảnh trái ngang, kẻ chửu người mắng, hoặc khi gặp chuyện, bất bình trái ý, hãy tự nhủ thầm: một nhịn chín lành, cho nên phải nhịn, nhịn nhịn và nhịn, mới là phải đạo, mới là người hiền, mới là người tu.
Lập tức vọng tâm, vọng tưởng vọng thức, vọng niệm của mình, nổi lên chống lại, xui khiến xúi giục: Tại sao phải nhịn? Nhịn thì là nhục, cự thì phải đục, nhịn ở đàng chân, chúng lân đàng đầu, nhịn hoài thì chúng, được nước làm tới, nhịn hoài chúng khinh, chúng khi khờ dại, chúng mắng mình ngu, nếu như làm tới, không nhịn không ngưng, chúng biết tay ông, chúng ngán tay bà, cả nhà chúng sợ!
Ôi thôi người ơi! Tâm niệm như vậy, thực là con trâu, ngang tàng hoang dã, thực đã lâu đời, ngông cuồng ngược xuôi, rất khó chăn giữ. Ngọn hỏa diệm sơn, tức là tâm sân, trong lòng mỗi người, thực là dễ sợ! Cần phải tìm được, cây quạt ba tiêu, trong Tây du ký, mới mong dập tắt, được lửa sân hận. Cây quạt ba tiêu, là cái gì vậy? Đó chính thực là: ba điều cần tiêu, cần phải diệt trừ.
Như trong kinh sách, có lời phát nguyện:
Nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não.
Nguyện đắc trí tuệ chơn minh liễu.
Phổ nguyện tội chướng tất tiêu trừ.
Thế thế thường hành bồ tát đạo.
Nghĩa là muốn dứt, phiền não khổ đau, nếu muốn đạt được, trí tuệ sáng suốt, đời đời tu tập, theo hạnh bồ tát, đem lại ích lợi, cho các chúng sanh, chúng ta phải nhớ, tiêu trừ tam chướng, nạn lớn cuộc đời, ba chướng gồm có: tội chướng nghiệp chướng, và sở tri chướng. Do tâm tham lam, sân hận si mê, chúng ta gây tạo, bao nhiêu tội lỗi, không hề hay biết, hoặc dù có biết, mà vẫn cố phạm. Do các thói quen, trong mọi hành động, lời nói tư tưởng, chúng ta tạo nghiệp, không biết bao nhiêu, không hề hay biết, hoặc dù có biết, mà vẫn cố phạm. Do sự hiểu biết, kiến thức ngoài đời, từ những bằng cấp, địa vị quyền thế, hay những hiểu biết, ở trong nhà đạo, người đời hay gặp, không biết bao nhiêu, chướng ngại khó khăn, làm cho không thể, thấy được đạo lý, càng ngày càng bị, con trâu của mình, dẫn dắt đi hoang, quá xa quê hương, dù muốn trở về, cũng không còn kịp, không biết lối nào, trở về được nữa!
Người nào hữu duyên, được gặp chánh pháp, có nhiều thiện căn, nên khi thấy được, nguyên hình con trâu, liền nhận biết ngay, mình đã có tội, nhiều tội tày trời, từ trước đến giờ, chắc chắn sẽ phải, đền trả nay mai, không thể chạy đâu, cho thoát nghiệp báo, giựt mình tỉnh thức, lập tức ngưng ngay, hành động bất thiện, liền chừa bỏ ngay, lời nói độc ác, liền dẹp bỏ ngay, tư tưởng lợi mình, ý nghĩ hại người!
Đó là giai đoạn, chăn giữ con trâu.
Chăn trâu nghĩa là: áp dụng chánh pháp, vào trong cuộc sống, của mình hằng ngày, dẹp trừ vọng tâm, vọng tưởng vọng thức, vọng niệm liên miên, chuyển hóa ba nghiệp, thân khẩu ý mình, bất lương bất thiện, thành ra ba nghiệp, hoàn toàn thanh tịnh.
Kinh sách có dạy rằng: "Tam nghiệp hằng thanh tịnh, đồng Phật vãng tây phương". Nghĩa là nên biết: khi nào ba nghiệp, thân khẩu ý mình, thường hằng thanh tịnh, tức là con trâu, được chăn thuần thục, đã biến mất tiêu, chúng ta sống được, cảnh giới tịnh độ, cũng như chư Phật, ở khắp mười phương.
4) Giai đoạn thứ tư: Lúc này con trâu, đã hiện nguyên hình, nếu không quyết tâm, chăn dắt con trâu, không chịu ra công, chế ngự thuần phục, con trâu tâm ý, người đời sẽ bị, cám dỗ dễ dàng, dễ bị sa ngã, dễ bị lôi kéo, đi vào con đường, gian tà ác đạo. Chuyện gì con người, cũng đều dám làm, dù lời nói nào, cũng phun ra được, dù ý nghĩ nào, cũng dẫn tới chỗ, lợi mình hại người, chẳng chút vị tha, bất chấp thủ đoạn. Cuộc đời đau khổ, vẫn hoàn khổ đau, không sao tránh được.
Trong giai đoạn này, người chăn còn yếu, con trâu còn mạnh, phải rất nhọc nhằn, lôi cổ nó lại, nhưng nó chống cự, trì chân ghì kéo, trở lại đường cũ. Điều đó tức là: vọng tâm vọng tưởng, vọng thức vọng niệm, vẫn theo duyên trần, dấy khởi đều đều. Con người thường sống, theo thói quen cũ, hằng ngày như vậy, rất khó điều phục, cho nên phải biết, thực sự quyết tâm, kiên gan trì chí, không được lơi lỏng, dù trong giây phút.
Chúng ta cùng nhau, chiêm nghiệm nghĩ suy, câu chuyện sau đây: Trên chuyến xe lửa, người lái ngủ say, còn các hành khách, vui chơi ca hát, nhảy nhót múa may, quay cuồng thỏa thích, cười nói huyên thiên, khoe của khoe tài, khoe giàu khoe sang, khoe nhà khoe xe, khoe con khoe cháu, nói láo xả giàn, nói xấu xóm làng, châm chích chọc chọt, khoái tỉ tì ti, lo ăn ngủ khì, nhìn trời ngắm mây, chẳng hay biết gì. Không ai biết được: chẳng bao lâu nữa, vì không người lái, chuyến xe lửa đó, tốc độ sẵn có, sẽ trật đường rầy, lao xuống hố sâu, không còn dừng được, tất cả hành khách, mạng vong thảm tử, không xót một ai!
Trong lúc hưởng thụ, mọi người sẵn sàng, tranh chấp cãi vã, tranh giành phần phải, phần hơn phần tốt, phần thắng phần lợi, về phía của mình, bà con phe nhóm, ngày này ngày khác! Đợi cho đến lúc, toa đầu xe lửa, lao xuống vực sâu, mọi người giựt mình, hoảng hốt la hét, mặt mày tái mét, lăng xăng lộn xộn, chộn rộn ngược xuôi, cầu kinh lần chuỗi, cầu cứu thánh thần, niệm Phật huyên thiên, kêu trời kêu đất, nhưng mà tất cả, đều quá muộn màng!
Cũng như vậy đó, tất cả chúng ta, đều cùng ở trên, chuyến xe định mạng, của cuộc đời này, trạm dừng cuối cùng, ai ai cũng biết: đó là nghĩa địa, hay là lò thiêu! Thế xong một đời! Vậy mà khi còn, hít thở không khí, còn làm việc được, còn nói năng được, và còn suy nghĩ, người đời không ngừng, tạo tội tạo nghiệp, vì miếng cơm ăn, vì manh áo mặc, tự ái hơn thua, mua thù chuốc oán, tức giận người khác, ganh ghét tị hiềm, đố kỵ ích kỷ, tâm tánh nhỏ nhen, bon chen danh lợi, đợi chờ dịp may, luôn luôn thích thú, nhìn thấy người khác, phiền não khổ đau. Tại sao như vậy? Con người thường nghĩ: đời của mình đây, còn dài lắm mà!
Đó là những lúc, mình làm mọi việc, thiện ác lẫn lộn, chuyện gì cũng dám, tạo phước cũng làm, tạo nghiệp chẳng từ! Thực ra nên biết, cuộc đời vô thường, danh lợi vô thường, tâm ý vô thường. Vô thường nghĩa là: nay còn mai mất, chứ không tồn tại, vĩnh viễn muôn năm. Tâm ý của mình, tạo tội tạo nghiệp, chắc chắn dẫn dắt, con người vào vòng, sanh tử luân hồi. Tuy nhiên nên biết: tội nghiệp vô thường, nếu như mình có, ý chí mạnh mẽ, con người có thể, dừng nghiệp chuyển nghiệp! Nếu biết kịp thời, dừng nghiệp chuyển nghiệp, chúng ta chắc chắn, tránh được bao nhiêu, hậu quả khó lường, khỏi được bao nhiêu, khổ đau phiền não!
Khi thấy con trâu, tức là chúng ta, thấy được bao nhiêu, ngày tháng trôi qua, trong cuộc đời mình, thực là phí phạm, tạo tội tạo nghiệp, đã quá nhiều rồi.
Có rất nhiều người, bề ngoài chơn chất, có vẻ hiền lành, nhu mì nhỏ nhẹ, nói năng từ tốn, lịch sự lịch sàng, ngôn ngữ đàng hoàng, nhưng mà bên trong, tư tưởng nảy sanh, bao nhiêu ý nghĩ, đen tối bậy bạ, miệng niệm nam mô, bên trong chứa cả, một bồ dao găm, đó chính thực là: con trâu tâm ý, cần phải chăn giữ. Người nào phát nguyện, tu tâm dưỡng tánh, thực sự phải biết, pháp môn chăn trâu, để lâu không tốt!
Có người ân hận, ăn năn sám hối, về những khổ đau, vô tình cố ý, mình đã gây tạo, cho bao người khác, vì tâm tham lam, sân hận si mê. Có người quẫn trí, mặc cảm tội lỗi, muốn chết cho rồi, để đền trả quả, nhưng vẫn cảm thấy, cũng còn chưa đủ.
Tuy nhiên những người, từ nơi chánh pháp, có chút trí tuệ, bắt đầu để dành, rất nhiều thời gian, để lo tu tâm, để lo dưỡng tánh, tìm gặp các bậc, thiện hữu tri thức, thầy lành bạn tốt, ở trong nhà đạo, cố gắng học hỏi, phương cách thế nào, lợi mình lợi người, ngõ hầu trả bớt, nghiệp báo đã tạo, đã gây đã vay, từ bao lâu nay. Người nào biết lo, tu tâm dưỡng tánh, bắt đầu tìm cho, tâm ý của mình, một nơi nương tựa, để mà mong rằng: đường đời sau này, không còn tai nạn, chẳng còn rủi ro, không lo vực thẳm, hiểm trở chông gai, để chuộc lại những, lỗi lầm đã tạo. Tâm ý sám hối, mạnh mẽ như vậy, thúc đẩy nhiều người, phát tâm hành thiện, cứu người giúp đời.
Ngày xưa có người, vô minh lâu đời, che lấp chân tánh, không được sáng suốt, cho nên lúc nào, cũng tìm mọi cách, phỉ báng đạo Phật, chê bai chánh pháp. Cho đến một ngày, hoát nhiên tỉnh ngộ, vì quá ân hận, bèn định cắt lưỡi, từ lâu đã nói, những lời sằng bậy, gây nên không biết, bao nhiêu tội nghiệp. May nhờ gặp được, một vị thiền sư, vốn là anh em, tu hành lâu năm, hết lời khuyên bảo: Nên dùng cái lưỡi, xưa nay phạm tội, để mà tuyên xưng, giảng giải chánh pháp, giúp cho nhiều người, liễu ngộ chánh đạo, hiểu biết rõ ràng, vô lượng pháp môn, tu tâm dưỡng tánh. Như vậy mới là, phương cách tốt nhất, thực tâm sám hối, để tạo phước báu, hoàn trả nghiệp báo, đền ân chư Phật, ích lợi cho mình, cho muôn người khác. Thời gian về sau, người đó trở thành, một vị thiền sư, chân tu đắc đạo, nổi tiếng khắp nơi.
Kinh Vị Tằng Hữu, đức Phật có dạy:
Tâm trước nghĩ ác,
như đám mây đen, che khuất mặt trời.
Tâm sau nghĩ thiện,
như ngọn đuốc sáng, tiêu trừ hắc ám.
Tuy đã nhận được, mình thực sự có, bản tâm thanh tịnh, vậy mà đôi khi, nghe nói trái tai, thấy điều gai mắt, gặp chuyện bất trắc, trong tâm vẫn khởi, bực tức giận hờn. Đó chính là lúc, con trâu của mình, lên cơn hung hăng. Chúng ta luôn luôn, muốn làm người tốt, trở nên người thiện. Nhưng nếu có người, bày mưu mách nước, chỉ chước kiếm tiền, dễ làm giàu nhanh, kiếm được vài triệu, bất chấp thủ đoạn, lợi mình hại người, do dự giây lâu, mình liền nghe theo. Tức là chúng ta, bị con trâu lôi, tạo tội nghiệp mới, chứ còn gì nữa!
Chăn trâu nghĩa là: Không theo sức mạnh, sức kéo sức lôi, của tánh tham lam, sân hận si mê.
Chăn trâu nghĩa là: Phải biết kềm giữ, xỏ mũi kéo lại, đừng để con trâu, dẫn mình đi đâu, tạo tội tạo nghiệp.
5) Giai đoạn thứ năm: Trong giai đoạn này, con người đã biết, pháp môn chăn trâu, nhiều khi vẫn bị, sức mạnh con trâu, dẫn đâu theo đó, kéo lôi ngược lại, có khi té ngửa, bò lê bò càng, u đầu xước trán. Sau một thời gian, cố gắng nỗ lực, tu tập tinh tấn, tâm ý không còn, điên đảo mộng tưởng. Vọng tâm vọng thức, vọng tưởng vọng niệm, khởi lên liền biết, biết rồi không theo, nên tự lắng xuống, thường xuyên tỉnh giác, không bị nghiệp lôi.
Tuy vậy nhưng mà, vọng tâm vọng tưởng, vọng thức vọng niệm, dấy lên đều đều. Nghĩa là con người, vì phải lăn lộn, sống trong trần đời, nên luôn luôn bị, vọng tâm vọng tưởng, vọng thức vọng niệm, lôi cuốn che lấp, bản tâm thanh tịnh, quanh năm suốt tháng, cả ngày quên mất, con người chân thật, của chính tự mình, kinh sách gọi là: nghiệp thức che đậy, lúc làm người tốt, khi làm kẻ xấu, sanh tử tử sanh, mãi mãi luân hồi, không biết bao giờ, mới chịu dừng nghiệp, và chịu chuyển nghiệp.
Lúc nào con người, thực sự làm chủ, con trâu tâm ý, tức là làm chủ, thân và tâm mình. Còn như khi nào, công phu chưa được, thuần thục cho lắm, chúng ta nên tránh, bớt các cơ hội, tiếp xúc với đời, gan dạ cắt đứt, các duyên liên hệ, thế gian bên ngoài, để cho tâm ý, bớt sự giao động, con trâu của mình, không có cơ duyên, nổi cơn điên cuồng, hung hăng dữ tợn.
Trong lúc tu tập, chúng ta thường thấy, hành giả chiêm ngưỡng, ba bức tượng gỗ, hình ba con khỉ: một con bịt mắt, một con bịt tai, một con bịt miệng, chính là nghĩa đó.
Thấy như không thấy, nghe như không nghe, nói như không nói. Khi gặp cảnh trần, nhưng không ý kiến, không có lập tri, không tâm phân biệt, tức là con người, không hề dấy khởi, vọng tâm vọng tưởng, vọng thức vọng niệm, cũng như bình thường, lúc không tiếp xúc, với trần duyên vậy.
Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật có dạy:
"Tri kiến lập tri, tức vô minh bổn".
"Tri kiến vô kiến, tư tức niết bàn".
Tất cả chúng ta, khi sống ở đời, hiểu biết tất cả, mọi sự mọi việc, nếu mà dấy khởi, vọng tâm vọng tưởng, vọng thức vọng niệm, thì gặp bao nhiêu, phiền não khổ đau, là gốc vô minh. Nếu không dấy khởi, vọng tâm vọng tưởng, vọng thức vọng niệm, chúng ta sống được, cảnh giới niết bàn. Nếu nói cách khác, rất là đơn giản: sống ở trên đời, hiểu biết mọi việc, người nào nhiều chuyện, người đó tự mình, chuốc khổ vào thân, khổ tâm đó vậy.
Hạnh phúc trên đời, ở chung quanh mình, nằm trong tầm tay, có sẵn từ lâu, nhưng mình quên lững, không nhận thức được, chỉ vì không sống, ở trong chánh niệm. Cho đến ngày nay, hạnh phúc hiện hữu, ở trong vòng tay, mình phải ý thức, trân quý giữ gìn, giúp ta thoát khỏi, sanh tử luân hồi.
Thời Phật tại thế, có người ngoại đạo, mê tín dị đoan, tìm giết trăm người, dâng cúng thần linh, để được thần thông, được lên thiên đàng. Anh ta đã giết, chín mươi chín người, cho nên mọi người, sợ hãi chạy trốn. Trên đường về nhà, định giết mẹ già, đủ số quy định, anh ta gặp ngay, đức Phật đang đi, chạy theo định giết. Anh ta hô to: Này sa môn kia, hãy dừng lại đi! Đức Phật bình tĩnh, thản nhiên bước đi. Anh ta đuổi theo, và hô to lên, thêm hai lần nữa.
Lúc đó đức Phật, từ tốn dạy rằng:
-Như Lai thực sự, đã dừng từ lâu, chỉ có mình ông, chưa chịu dừng thôi. Như Lai đã dừng, tạo nghiệp từ lâu, cho nên tự hưởng, tự tại an lạc. Nếu ông chịu dừng, ông cũng sẽ được, cảnh giới niết bàn, không khác chi cả.
Do bởi tấm lòng, đại từ đại bi, đại hỷ đại xả, đức Phật cảm hóa, được người ngoại đạo, mê tín dị đoan, quay về chánh đạo, tu tập tinh tấn, đắc đạo giải thoát. Đó là đại đức: Angulimala.
Có người suy nghĩ: mình đã "lỡ" tạo, quá nhiều tội nghiệp, ăn năn sám hối, cũng chỉ bằng thừa, cũng chỉ vậy thôi, chi bằng tiếp tục, làm ác như vậy, đến ngày tàn đời.
Có người suy nghĩ: chiếc áo trắng tinh, dính một vết dơ, ai ai cũng thấy. Chiếc áo quá dơ, dính thêm một vết, cũng chẳng khác gì!
Họ thường nghĩ rằng, chết đi là hết, không ai biết được, mình đã làm gì, tại sao không chịu, hưởng thụ cho sướng, cả cuộc đời này? Họ không biết rằng: sau khi chết đi, họ chỉ bỏ lại, cái thân tứ đại, còn các nghiệp báo, lành dữ đã tạo, không thể bỏ lại, sẽ đi theo họ, như hình với bóng. Dù muôn kiếp sau, họ vẫn phải trả, nghiệp quả nghiệp báo, nặng nề hơn nhiều.
Thí dụ như những, người mãn tù ra, vẫn còn sân hận, tiếp tục tạo nghiệp, bằng cách trả thù, người đã thưa gửi, kiện tụng hại mình. Thí dụ những người, có các thân nhân, tới lúc phải trả, nghiệp báo đã vay, từ nhiều kiếp trước, hưởng hết phước báu, mạng vong thảm tử, trong các tai nạn, nên biết thức tỉnh, ăn năn sám hối, nghiệp chướng nhiều đời, làm thiện tạo phước, để ngừa nạn sau, không nên dựng chuyện, kiện người đòi tiền, lòng tham sai khiến, tội nghiệp gây thêm, khổ ta khổ người!
Nếu không thức tỉnh, vẫn còn đam mê, chưa chịu chăn trâu, chưa chịu kềm chế, vọng tâm vọng tưởng, vọng thức vọng niệm. Nói một cách khác, con trâu lôi kéo, người đời đi theo, con đường tà vạy, lìa xa chánh đạo, đem lại khổ đau, nhiều đời nhiều kiếp.
Nếu như người đời, gặp tai gặp nạn, thân nhân thảm tử, theo kinh Địa Tạng, và kinh Dược Sư, chúng ta vì họ, làm điều phước thiện, cứu người giúp đời, đem tài sản họ, bố thí cúng dường, hồi hướng cho họ, giải bớt nghiệp oan, chớ nên mưu toan, tạo thêm tội nghiệp, cho họ cho mình, tuyệt đối không nên!
6) Giai đoạn thứ sáu: Trong giai đoạn này, chúng ta cảm thấy, phần nào kết quả, của việc chăn trâu. Con trâu được chút, trắng trẻo đôi phần. Tức là con người, đã biết hướng về, việc thiện nhiều hơn, biết quên thân mình, vì người nhiều hơn, cái tâm tham lam, ích kỷ nhỏ nhen, tật đố sân hận, si mê mờ tối, giảm bớt đi nhiều. Con người làm chủ, hành động của mình, làm chủ lời nói, làm chủ ý nghĩ, tức là làm chủ, con trâu của mình, chăn dắt con trâu, theo đúng con đường, mà mình mong muốn.
Trong các kinh sách, con đường chân chính, thường được gọi tên, là: "bát chánh đạo", còn người tu tập, gọi là: "hành giả", tức là con người, đang đi trên đường, tu tập hành trì, tu tập dưỡng tánh, việc trước hết là: xả bỏ dần dần, tâm tham danh lợi, sân hận si mê, tránh làm điều ác, chỉ làm việc thiện, giữ tâm thanh tịnh.
Hành sự bên ngoài, như là đi chùa, tam bộ nhất bái, mỗi chữ một lạy, tụng kinh niệm Phật, bố thí cúng dường, ấn tống kinh sách, trích huyết tả kinh, giúp đỡ người già, kiếm nhà cho trẻ, giới thiệu việc làm, trên đường tu tập, hết sức cần thiết, để tạo phước báu, nhưng như vậy thôi, thì cũng chưa đủ.
Tại sao như vậy? Bởi vì người đời, thường hay tu tướng, chẳng hướng tu tâm, làm việc từ thiện, với tâm mong cầu, được hưởng quả phước, được người khen thưởng, nhiều người biết đến, mong được đền ơn, còn hơn thế nữa, nguyện lên thiên đàng, cầu về cực lạc, đạt được ước mơ, sở cầu như ý. Tâm niệm như vậy, thực ra chính là: vọng tâm tạp niệm, chính là con trâu, đen thủi đen thui, từ đầu tới đuôi.
Tu theo đạo Phật, quyết định tu tướng, cốt lõi tu tâm, tu tướng tu tâm, tu phước tu tuệ, để đạt mục đích: giác ngộ giải thoát, tức là chuyển hóa, con trâu đen thui, thành con trâu trắng, chuyển hóa thân tâm, biến khổ thành vui, biến cõi ta bà, thành miền cực lạc.
Trong tâm nếu có, chữ "muốn" chữ "mong", là còn không được, chữ "van" chữ "xin", là không chánh tín, chữ "cầu" chữ "khẩn", là còn trói buộc, dù đó chính là: muốn về cực lạc, muốn đạt thần thông, trông mong thiên giới, nghĩ tới bản thân, được này được nọ! Khi còn mong muốn, dễ bị dụ dỗ, dễ bị gạt gẫm, mù quáng sai đường, thường hay lạc nẻo, kẻo rơi tà giáo, đáo lai ngoại đạo, lúc nào không hay.
Hành giả tu tập, tận tâm tận tình, tận sức tận lực, mới mong nhận được: bản tâm thanh tịnh. Tuy nhận ra rồi, nhưng mà vẫn còn, chợt hiện chợt ẩn. Hành giả quyết tâm, ngưng việc tạo tội, chỉ làm việc thiện, tạo phước mà thôi. Cho nên lúc này, con trâu của mình, chỗ đen chỗ trắng, mặt trời trí tuệ, lúc sáng lúc mờ, vì vẫn còn bị, mây đen che khuất, con thuyền bát nhã, còn phải vượt qua, nhiều cơn sóng gió, bát phong của đời, chưa đến bến bờ, một cách bình yên.
Tâm của chúng ta, cũng vậy chẳng khác, vừa mới an ổn, vui tươi thoải mái, bỗng dưng có người, đến nói khó nghe, hoặc cũng như là: con cái cãi lộn, không biết nghe lời, chỉ dạy của mình, hay là vợ chồng, bất đồng ý kiến, về một vấn đề, vọng tâm vọng tưởng, vọng thức vọng niệm, liền dấy khởi lên. Con trâu của mình, liền nổi cơn lên, phải thực khéo lắm, mới điều phục được. Kéo dài lâu lắm, tâm của chúng ta, mới dịu trở lại. Nhưng chẳng bao lâu, chuyện khác xảy đến, con trâu của mình, lại lồng lộn lên.
Bởi vậy cho nên, chúng ta mới thấy: Ai bảo chăn trâu, đâu không công phu? Cố gắng chăn trâu, chẳng dễ lắm đâu! Trong giai đoạn này, theo trâu thì dễ, chăn trâu khó lắm, khó lắm khó lắm, thiên nan vạn nan.
Tuy nhiên nên biết, trong sách có câu:
Vô ma khảo bất thành đại đạo.
Nhân bất phong sương vị lão tài.
Hoặc có câu rằng:
Người không sương gió khó thành công.
Người không khổ đau sao ngộ đạo.
Trên đường tu tập, hành giả nếu gặp, những cảnh ma chướng, khảo đảo gian nan, những bước thăng trầm, nghịch duyên thử thách, bát phong sương gió, mới chứng tỏ được, giá trị thành công, ý chí mạnh mẽ, trì chí kiên tâm, bồ đề tâm vững, mới trở thành người, tài ba lão luyện, gặp chuyện khổ đau, mới đạt được đạo, cao cả chí thượng.
Bàn chuyện dễ khó, có vị thiền sư, tên là Linh Chiếu, con ngài cư sĩ, tên Bàng Long Uẩn, viết kệ dạy rằng:
"Dã bất nan, dã bất dị, cơ lai khiết phạn, khốn lai thùy".
"Chẳng có khó, cũng chẳng dễ, đói đến ăn cơm, mệt ngủ khò".
Thực là đơn giản! Vậy mà ít người, chú tâm chú ý, thực hành hằng ngày! Tu tập tinh tấn, đạt được kết quả, hay không đạt được, đa phần do mình, quyết tâm mạnh mẽ, hay không mạnh nẽ, một phần cũng do, có phước có duyên, gặp được minh sư, chỉ dẫn dạy bảo, thiện hữu tri thức, hướng dẫn tận tình.
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét