Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2019

Bạo Lực Học Đường - Trần Khải

image.png
Tại sao bạo lực vào sân trường Việt Nam nhiều tới không kể xiết? Tại sao thầy cô vẫn bạo hành, lạm dụng, thậm chí dâm ô với học trò như chuyện thường ngày? Tại sao các học trò đánh nhau thường xuyên, kể cả các nữ sinh bậc trung học cơ sở vẫn vung tay, đá chân ngay trong sân trường? Vấn đề cần trị ngay tận gốc, là gây ý thức và vun trồng lòng từ bi, yêu thương mới bứng tận gốc bạo lực học đường. Báo Người Lao Động kể: Bộ GD-ĐT khẳng định việc học sinh đánh bạn ở Bình Dương cần lên án mạnh mẽ vì đã làm xấu hình ảnh học sinh. Trước đó, trên mạng xuất hiện một đoạn clip ba nữ sinh lớp 8 túm tóc, đấm đá liên tục vào một nữ sinh lớp 9 trưa 19-10 tại sân Trung tâm hội nghị thị xã Bến Cát.
<!>
Những học sinh trong clip sau đó được xác định là học sinh Trường THCS Lê Qúy Đôn, Thị xã Bến Cát (Bình Dương) do có mâu thuẫn với nhau về màu sắc của đôi giày nên nữ sinh trên đã vây đánh một nữ sinh lớp 9.

image.png

Trong khi đó, báo Hà Nội Mới kể chuyện học trò Hà Nội: Nhắc đến Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình, Hà Nội), nhiều người thường cho rằng, đây là ngôi trường chỉ tiếp nhận những học sinh cá biệt, thiếu ý thức, học kém và không ở đâu muốn nhận. Nhưng bằng phương pháp sư phạm riêng, những người thầy, người cô ở ngôi trường từng bị đọc trại là “Đinh Kinh Hoàng” này đã giúp nhiều học sinh trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội...   

Với hơn 10.000 gia đình có con từng học ở Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng, nơi đây thực sự là một mái ấm nâng đỡ các em vượt qua thời điểm khó khăn, khơi dậy niềm tin tưởng của biết bao ông bố, bà mẹ với những đứa con nghịch ngợm tưởng chừng như “hết thuốc chữa”. Những phương pháp giáo dục dựa trên nền tảng của sự tôn trọng, nhân văn của nhà trường đã cảm hóa được nhiều học sinh “cá tính” và đang dần lan tỏa.
Bản tin VTC kể chuyện học trò tỉnh Hưng Yên: Tòa án Nhân dân huyện Ân Thi (Hưng Yên) sẽ mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án nữ sinh lớp 9 trường THCS Phù Ủng bị bạn lột đồ, đánh hội đồng. Sau nửa năm, Tòa án Nhân dân huyện Ân Thi (Hưng Yên) quyết định mở phiên xét xử sơ thẩm vụ việc nữ sinh lớp 9 trường THCS Phù Ủng bị bạn cùng lớp lột quần áo, đánh hội đồng vào 8h ngày 29/10.

Theo đó, đơn vị này sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án dân sự về việc tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại giữa gia đình nạn nhân là nữ sinh N.T.H.Y. và gia đình nhóm nữ sinh tham gia đánh hội đồng em Y.
Báo Thanh Niên kể chuyện cô giáo bạo hành học trò, bị sa thải: Liên quan đến vụ giáo viên nhéo tai, đánh mắng liên tục học sinh, ngày 22.10, UBND quận Tân Phú, TP.SG ban hành quyết định buộc thôi việc bà Nguyễn Hồng Hà, giáo viên Trường tiểu học Phan Chu Trinh, quận Tân Phú.
Được biết, vào ngày 5.10, một số phụ huynh học sinh lớp 2/11 Trường tiểu học Phan Chu Trinh đã phản ánh và cung cấp cho báo chí đoạn video được ghi tại lớp học vào cuối tháng 8 với hình ảnh giáo viên chủ nhiệm Nguyễn Hồng Hà của lớp này nhéo tai và đánh liên tục vào lưng học sinh.

image.png

Sau đó, ông Tạ Tân, Trưởng phòng Giáo dục quận Tân Phú, xác nhận đoạn video ghi lại cảnh giáo viên nhéo tai và đánh liên tục vào lưng học sinh trong lớp xảy ra tại Trường tiểu học Phan Chu Trinh. Ông Tân cũng cho hay, đoạn video này đã được phụ huynh gửi trực tiếp đến Thanh tra của UBND quận Tân Phú.
Báo Ngôi Sao kể chuyện Quảng Nam: Học sinh trả lại 3 triệu đồng cho người đánh rơi… Chính quyền xã Tam Hòa, huyện Núi Thành bàn giao số tiền mà ba học sinh nhặt được trên đi học về cho người đánh rơi.
Trưa 21/10, em Bùi Ngọc Đại, Bùi Gia Huy (học lớp 6/3, Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng) và Nguyễn Tấn Thức (học lớp 5/4, Trường tiểu học Trần Đại Nghĩa), xã Tam Hòa đi học về thì nhặt được một chiếc ví, bên trong chứa gần 3 triệu đồng và nhiều giấy tờ tên Đặng Ngọc Tuấn trú cùng địa phương.

Báo Lao Động kể chuyện học trò Sài Gòn: Trưa 22.10, 2 nữ sinh lớp 8 trường THCS Hoàng Văn Thụ (quận 10, TP.SG) túm tóc, đánh nhau trước cổng trường. Vụ việc xảy ra vào khoảng trưa ngày 22.10 trước cổng trường trung học cơ sở Hoàng Văn Thụ, quận 10, TP.SG. 2 nữ sinh trong bộ đồng phục của trường túm tóc, ẩu đả nhau ngay trước cổng trường. Một người đi đường thấy cảnh này đã quay clip lại và đăng tải lên trang cá nhân. Người quay clip trên cho biết trưa 22.10, anh đi ngang qua cổng trường THCS Hoàng Văn Thụ, thấy sự việc và quay lại. Lúc này là giờ tan lớp, nhiều học sinh và người đi đường dừng lại xem 2 nữ sinh đánh nhau, có học sinh còn cổ vũ cho hai bạn.

VTC  kể chuyện thầy không ra thầy: Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan phẫn nộ khi cán bộ liên quan vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 không ăn năn, hối cải, chỉ tìm cách thoát tội. “Có trường hợp ra tòa xử mà nói như ở hành tinh nào xuống, không còn gì gọi là liêm sỉ”, bà nói về thái độ trước tòa của một số cán bộ.
Theo bà Lan, với sai phạm như gian lận điểm thi, lẽ ra, cán bộ phải thấy có lỗi, nhận tội, thấy được vi phạm của mình đánh mất lòng tin của rất nhiều người, tương lai của nhiều con em. Ngày trước, kém 0,25-0,5 điểm, thí sinh đã không có cửa vào đại học. Thế nhưng, với việc nâng điểm hàng loạt ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, một số cán bộ lại chối bỏ một cách hết sức ấu trĩ. Bà Lan khẳng định không thể chấp nhận việc cán bộ không có thái độ ăn năn, hối cải khi vụ việc bị phát hiện mà chỉ “điên cuồng phản ứng bằng mọi cách để thoát tội".

Kênh 14 kể: Mong muốn những em nhỏ sẽ có được tương lai tươi sáng hơn, sẽ thoát được cảnh nghèo khó, anh công nhân Hoàng Trọng Khánh đã thuê phòng trọ mở lớp dạy học cho các em. Với anh, chẳng phải tiền bạc hay tài sản, những tiếng chào, những tâm sự của các em mới là thứ làm anh thấy cuộc sống mình giàu có.
Cứ đều đặn từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, sau khi tan ca nơi nhà máy xí nghiệp anh Hoàng Trọng Khánh (38 tuổi, quận 9, TP.SG) lại vội vã chạy về để "vào ca" cùng các em học trò.
Học sinh của anh hầu hết là con em của những người lao động trong công ty anh làm việc và những cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trong khu dân cư. Ban đầu lớp chỉ có 3 em, dần dần miệng truyền miệng nên ngày càng có nhiều học sinh tìm đến xin học. Sau hơn 9 năm mở lớp, học trò của anh Khánh nay có em đã vào đại học.

Báo Dân Trí kể: Những bàn tay nhân ái giúp cô bé mồ côi chiến thắng ung thư cất bước tới trường… Đã từng ở lằn ranh của sự sống chết bởi căn bệnh ung thư, Nga đã được cứu sống nhờ những tấm lòng nhân ái. Bản thân Nga cũng không tin được rằng, em lại tiếp tục được sống để cất bước tới trường, cuộc sống hiện tại đối với em là một điều kì diệu. Bố chết, mẹ đi lấy chồng, cô bé Nga lại phát hiện căn bệnh ung thư tuyến giáp nhưng không có tiền điều trị.
Sau khi biết được hoàn cảnh của cô bé Nga, bạn đọc cùng các nhà hảo tâm đã chia sẻ giúp đỡ bà cháu Nga với tổng số tiền gần 300 triệu đồng. Số tiền quá lớn của bạn đọc báo Dân Trí dành tặng mà bà cháu cô bé không bao giờ dám nghĩ đến, hai bà cháu đã ôm nhau khóc. Ca phẫu thuật thành công, các tế bào ung thư được cắt bỏ và kiểm soát chặt chẽ nên chỉ ít ngày sau Nga được xuất viện trở về nhà. Sức khỏe khá hơn, tinh thần cũng trở lại lạc quan, yêu đời, em tiếp tục cất bước đến trường để học tập cùng bạn bè trong lớp.

VnExpress kể về một tấm lòng nhân ái: cô Lê Thị Hòa (46 tuổi) đã có hơn 20 năm dạy miễn phí cho trẻ khuyết tật trí tuệ. Sáng thứ bảy, khoảng sân sau của chùa Hương Lan (xã Đông Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội) náo nhiệt nhờ lớp học của cô Hòa. Khác với lớp thông thường, 63 học sinh đều bị khuyết tật trí tuệ bẩm sinh, nhận thức kém.
Thấy Khuê (8 tuổi) loay hoay không viết được chữ "thủ đô", cô Hòa lại gần, cầm tay em tập viết. Giúp Khuê xong, cô qua chỗ Minh (9 tuổi), giảng giúp em bài toán lớp 1. "Xoay đi xoay lại như vậy cũng hết cả buổi sáng", cô Hòa cười nói.

12 năm nay, mỗi sáng thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, lớp học tình thương của cô Hòa (quê Ngọc Hòa, Chương Mỹ) đều đặn diễn ra ở sân chùa. Lớp rộng khoảng 100 m2, một nửa dành cho học sinh chưa biết đọc, một nửa cho các em làm được toán lớp 1. Bàn kê từ thấp đến cao, phù hợp với chiều cao các em. Ngoài cô Hòa dạy chính còn có 5-6 cô giáo ở địa phương, một số người về hưu cùng hỗ trợ.

Phải chi người người đều nhân ái với nhau…

Trần Khải

Không có nhận xét nào: