Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2019

Nguyễn Phú Trọng ‘đẩy’ Kim Ngân đi Châu Âu trong… vô vọng - Phạm Chí Dũng

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân tại cuộc gặp Nhóm Nghị Sĩ Hữu Nghị Pháp-Việt. (Hình: TTXVN)
Tròn hai năm sau chuyến công du Châu Âu của chủ tịch Quốc Hội Việt Nam – bà Nguyễn Thị Kim Ngân – vào Tháng Tư, 2017, quan chức này lại có một chuyến “thăm Pháp và Bỉ” mà chẳng có dấu hiệu nào cho thấy chuyến đi này đạt được mục tiêu thực chất nào.Toàn bộ những chuyến xuất ngoại trên đều được trang trải bằng tiền đóng thuế của người dân Việt Nam.
<!>
Vì sao Việt Nam phải dùng đến ‘kênh Quốc Hội’?
Trong chuyến đi Pháp và Bỉ lần này, Nguyễn Thị Kim Ngân đã có cuộc gặp với hai nhân vật quan trọng là Chủ Tịch Hạ Viện Pháp Richard Ferrand và Thủ Tướng Pháp Edouard Philippe, Chủ Tịch Hạ Viện Bỉ Siegfried Bracke.
Bỉ chỉ là một nước nhỏ ở Châu Âu nhưng lại là nơi đặt trụ sở của Liên Minh Châu Âu (EU).
“Đề nghị Pháp, trên tinh thần quan hệ đối tác chiến lược, hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy Hiệp Định Thương Mại Tự Do Việt Nam – EU (EVFTA). Đây là vấn đề quan trọng, phục vụ lợi ích của cả Việt Nam và EU, trong đó có Pháp…” và một đề nghị tương tự với Bỉ – bà Ngân nhắc đi nhắc lại cái ý tứ không có gì mới hơn mà chính thể Việt Nam đã đưa vào kịch bản phát ngôn và đã từng được bà nói ở Thụy Điển, Hungaria và Czech Séc vào Tháng Tư, 2017.
Hai năm trước, Nguyễn Thị Kim Ngân “thăm và làm việc” 3 nước Châu Âu trên trong bối cảnh Nguyễn Phú Trọng và bộ sậu Bộ Chính Trị của ông ta đã phải chờ dài cổ, dù EVFTA đã được hoàn tất đàm phán từ cuối năm 2015 nhưng sau đó còn phải trải qua giai đoạn rà soát pháp lý. Giai đoạn này kéo dài mãi đến đầu năm 2018 mới hoàn thành – mất đến hơn 2 năm nếu so sánh với khoảng thời gian chỉ từ 6 tháng đến một năm hoàn tất rà soát pháp lý cho các hiệp định thương mại cùng loại giữa EU với một số quốc gia khác.
Lẽ ra, trách nhiệm vận động các nước thành viên thông qua EVFTA là của Nghị Viện Châu Âu. Nhưng hẳn do tình thế đã biến diễn bất lợi đến mức giới chóp bu Việt Nam không thể ngồi rung đùi chờ đợi Châu Âu thông qua EVFTA như cách người Mỹ đã mang Hiệp Định Song Phương Việt-Mỹ (BTA) đến tận miệng cho Việt Nam 16 năm trước, hay Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) đặc cách xét cho Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức này vào năm 2007.
Vào lúc đó, mọi chuyện trở nên khó khăn hơn rất nhiều, đặc biệt sau khi Hiệp Định TPP hầu như tan vỡ và đến Tháng Bảy, năm 2017 còn nổ ra vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” khiến cả khối Liên Minh châu Âu được “mở mắt” về khái niệm “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam” thực chất là một thể thống như thế nào.
Một cách nào đó, chủ tịch Quốc Hội Việt Nam đã làm thay công việc vận động của Nghị Viện Châu Âu. Cũng có thể hiểu một cách nào đó, Nguyễn Phú Trọng phải làm mọi cách để tìm ra một hiệp định thương mại thay thế cho TPP chết yểu, cũng là cách để ông Trọng có được thành tích mang lợi ích kinh tế về nuôi đảng và do đó sẽ kéo dài tuổi thọ tổng bí thư của ông. Rất có thể đó là lý do chính yếu mà ông Trọng “đẩy” bà Ngân đi Châu Âu vận động EVFTA với tư cách “kênh Quốc Hội” vào các năm 2017 và 2019, bất chấp chính thể Việt Nam vẫn hoàn toàn không quan tâm và càng không hề tôn trọng nhân quyền theo yêu cầu của EU.
Trong toàn bộ hơn 10 hiệp định thương mại song phương (FTA) mà Việt Nam đang tiến hành với các nước trên thế giới, trong khi Việt Nam phải nhập siêu đến khoảng $50 tỷ hàng năm từ Trung Quốc ($30 tỷ đường chính ngạch và $20 tỷ  đường tiểu ngạch), nhập siêu đến hơn $25 tỷ trong FTA với Hàn Quốc, chỉ còn lại hai thị trường mà Việt Nam xuất siêu lớn là Hoa Kỳ (hơn $35 tỷ/năm) và EU (khoảng $30 tỷ/năm).
Nhưng muốn EVFTA được thông qua, lại phải có sự thống nhất của Quốc Hội thuộc 28 nước thành viên. Sự đồng thuận giữa các nước EU lại tương đối cao về vấn đề nhân quyền. Chỉ cần 4 nước không thông qua thì EVFTA sẽ bị khựng lại. Đó là nguồn cơn khiến Nguyễn Phú Trọng phải tính toán cho Nguyễn Thị Kim Ngân một lần nữa đi Châu Âu vận động qua “kênh nghị viện” vào năm 2019 này.
Nhưng cho dù Việt Nam có được EU ưu ái cho ký trước một thành phần của EVFTA là Hiệp Định Thương Mại Song Phương (FTA), thì đó vẫn chỉ là một hiệp định mang tính chất khung về pháp lý chứ chưa bao gồm những thỏa thuận mang tính “ăn ngay” về thương mại mà Việt Nam trông đợi để “ăn sẵn.” Những thỏa thuận này nằm trong Hiệp Định Bảo Hộ Đầu Tư (IPA) – được xem là thành phần cốt yếu nằm trong EVFTA. Song muốn IPA được thông qua lại cần sự đồng thuận của toàn bộ 28 nghị viện các nước ở Châu Âu.
Không cải thiện nhân quyền, không có EVFTA!
Vào năm 2017, điều quá đáng thất vọng đối với đoàn của bà Nguyễn Thị Kim Ngân là sau các cuộc làm việc với Quốc Hội 3 nước Thụy Điển, Hungaria và Czech, đã không có bất cứ một khoản viện trợ không hoàn lại nào được phía chủ nhà thông báo dành cho Việt Nam. Ngay cả Thụy Điển – vốn được Việt Nam hy vọng nhất về “tình cảm rất đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ” – cũng không còn tỏ ra hào phóng như thường biếu một số tiền viện trợ không hoàn lại vào những lần giới lãnh đạo Việt Nam thăm Thụy Điển những năm trước. Thậm chí, lãnh đạo Quốc Hội Thụy Điển cũng không hứa hẹn bất kỳ điều gì liên quan đến viện trợ không hoàn lại trong thời gian tới cho Việt Nam.
Trong khi không nhận được khoản viện trợ nào, đoàn “quốc tế vận” của bà Kim Ngân cũng không có được văn bản cam kết nào của 3 Quốc Hội Thụy Điển, Hunggaria và Czech về “sẽ thúc đẩy để Liên Minh Châu Âu sớm phê chuẩn Hiệp Định Thương Mại Tự Do Việt Nam-EU.” Tất cả chỉ là nói miệng theo lối xã giao mà chẳng có gì chắc chắn!
Nhưng lại chắc chắn rằng nguyên do chủ yếu khiến chuyến “quốc tế vận” vào năm 2017 của Chủ ịch Ngân “chỉ có tiếng, không có miếng” là cho tới lúc đó vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy giới chóp bu Việt Nam chịu cải thiện nhân quyền theo yêu cầu chi tiết của cộng đồng quốc tế.
Hai năm sau đó, EVFTA còn phải chịu một số phận thê thảm hơn: không những không hứa hẹn bất kỳ điều gì về tương lai hiệp định này, Hội Đồng Châu Âu đã thông báo hoãn vô thời hạn việc ký kết và phê chuẩn EVFTA, với nguồn cơn thực chất là vô số vi phạm nhân quyền trầm trọng của Hà Nội mà vẫn chưa có dấu hiệu “phục thiện” nào.
Đó cũng là nguồn cơn mà trong các cuộc gặp với Chủ Tịch Hạ Viện Pháp Richard Ferrand, Thủ Tướng Pháp Edouard Philippe và Chủ Tịch Hạ Viện Bỉ Siegfried Bracke, bà Ngân đã không nhận được bất kỳ cam kết dưới hình thức văn bản nào của phía Pháp về EVFTA.
Đối với chính thể độc đảng ở Việt Nam, EVFTA quan trọng đến mức mà vào Tháng Ba, năm 2018, người đứng đầu đảng là Nguyễn Phú Trọng đã phải tự thân đến Pháp, để vận động Nghị Viện Pháp cho EVFTA được Hội Đồng Châu Âu và Nghị Viện Châu Âu “linh hoạt sớm thông qua.”
Nhưng ngay sau cuộc gặp Macron-Trọng, không phải báo đảng Việt Nam, mà những hãng thông tấn của Pháp như AFP đã loan tin là trong cuộc gặp này, Tổng Thống Pháp Macron đã đề cập một cách nhấn mạnh về tình hình nhân quyền tại Việt Nam và trường hợp các blogger và các nhà bảo vệ nhân quyền bị bỏ tù, đồng thời kêu gọi Việt Nam thực hiện những cải cách để tăng cường nhà nước pháp quyền.
Đề cập và lời kêu gọi của Tổng Thống Macron là logic với đánh giá cho rằng chính phủ Pháp đã chủ động yêu cầu phía Việt Nam phải đưa nội dung “nhấn mạnh nhân quyền” vào tuyên bố chung Việt-Pháp 2018 và đôn nội dung này lên vị trí thứ 2 trong bản tuyên bố này, vượt hơn nhiều so với vị trí thứ 6 của chủ đề nhân quyền được thể hiện trong bản tuyên bố Việt-Pháp vào Tháng Chín, năm 2013, trong chuyến công du Pháp của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ Tướng Jean-Marc Ayrault.
Còn vào lần này, việc một lần nữa Trọng “đẩy” Ngân đi Pháp vận động cho EVFTA đã gián tiếp tiết lộ một ý đồ ẩn giấu của chính thể Việt Nam: sau khi EVFTA bị Hội Đồng Châu Âu hoãn vô thời hạn, nếu giới chóp bu Việt Nam muốn làm một điều gì đó để cải thiện nhân quyền thì có lẽ họ đã chẳng cần tổ chức thêm một chuyến đi Pháp cho Nguyễn Thị Kim Ngân.
Mà tình hình hiện thời vẫn thuần đen đúa khi chưa hiện ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy chính thể Việt Nam muốn thỏa mãn bất kỳ điều kiện nào trong bản nghị quyết nhân quyền của Nghị Viện Châu Âu – được ban hành vào giữa Tháng Mười Một, năm 2018.
Hà Nội vẫn đạp trên nhân quyền mà chỉ tái diễn lối mòn “quốc tế vận” với não trạng của một kẻ láu cá, khôn vặt, buôn nước bọt và không thể tin được.
EVFTA cũng bởi thế vẫn hoàn toàn bế tắc và vô vọng.

Không có nhận xét nào: