Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 24 tháng 4, 2019

Chia sẻ vài bài thơ của học giả Thái Bá Tân. - Thien Ho



    Một lần nữa, ngày kỷ niệm biến cố lịch sử 30 tháng 4 lại sắp đến. Kính mời các bạn xem vài bài thơ dưới đây của học giả Thái Bá Tân rất phù hợp với biến cố này để biết Sài Gòn đă được giải phóng, hay chính Sài Gòn đã giải phóng đoàn quân và người dân Bắc Việt? 
    Bài thứ hai nói về hậu quả của cuộc cách mạnh vô sản. Bài thứ ba nói về chuyện cải tạo các sĩ quan của QLVNCH. Bài thứ tư viết cho các thuyền nhân đã vượt biên để lánh nạn cộng sản. Và bài thứ năm kể lại câu chuyện rùng rợn gây ra bởi Bên Thắng Cuộc.<!>

   Học giả Thái Bá Tân, sinh quán ở Nghệ An, được gửi đi du học ở Moscow trong thời kỳ thập niên 60-70. Sau khi trở về, Ông sinh sống ở Hà Nội bằng nghề dạy học, viết văn, dịch sách, và làm thơ. Những bài thơ 5 chữ của ông mang nhiều tính chất nâng cao dân trí rất hay và rất thâm đến tận tim can. 

   Mỗi bài thơ của Ông đều mang theo một thông điệp để gửi cho một số đối tượng, với lời lẽ nhẹ nhàng nhưng rất thâm thuý. 

Link: https://www.facebook.com/ThaiBaTan02

SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
Thái Bá Tân, March 2019

Ta, đoàn quân Bắc Việt,
Như thác lũ phăng phăng,
Từ rừng rú miền núi
Tiến thẳng về đồng bằng.

Bao nhiêu năm mơ ước
Ngày giải phóng Sài Gòn
Khỏi Mỹ Ngụy áp bức,
Cặn bã và du côn.

Hừng hực lửa cách mạng,
Với lý tưởng chói ngời,
Ta hăng hái giải phóng,
Nhưng bất chợt, lặng người.

Cái ta muốn giải phóng,
Tưởng thấp hèn, xấu xa,
Giờ tận mắt thấy nó
Đẳng cấp cao hơn ta.

Một cảm giác đau buốt
Thường nhức nhối về đêm.
Ta, những người thắng cuộc,
Tự nhiên thấy yếu mềm.

Và rồi ta tự hỏi,
Ta, xẻ dọc núi non,
Được Sài Gòn giải phóng,
Hay giải phóng Sài Gòn?

****************************************
CÁCH MẠNG
Thái Bá Tân, March 2019

Mục đích của cách mạng
Vô sản và công nông
Là thông qua bạo lực
Biến của tư thành công.

Khi cách mạng thắng lợi,
Nhanh chóng hoặc từ từ,
Các quan chức cộng sản
Biến của công thành tư.

Cộng sản gây đau khổ
Cho hàng triệu, triệu người
Rốt cục để mang lợi
Cho một số ít người.

*
Một sự thật chua xót -
Các vấn đề của ta,
Cách này hay cách nọ,
Từ cộng sản mà ra.

**********************
CẢI TẠO
Thái Bá Tân, April 2019

Khi chiến tranh kết thúc,
Bên thắng cuộc, bên ta,
Bắt, đưa đi cải tạo
Các sĩ quan Cộng Hòa.

Mà diện cải tạo ấy
Nhiều lắm, nhiều vạn người.
Thời gian phải cải tạo
Đến cả chục năm trời.

Cải tạo nhằm bắt họ
Từ bỏ cái văn minh
Để đi theo cộng sản
Vĩ đại và quang vinh.

Vậy là các tướng tá,
Hàng ngày phải ngồi nghe
Mấy anh lính mông muội
Vừa mới ở rừng về.

Nghe, rồi viết “thu hoạch”
Về Mác và Lê-nin,
Để “cảm hóa”, “tiến bộ”
Và thay đổi niềm tin.

Một, niềm tin chính trị,
Khi đã chui vào đầu
Thì không thể thay đổi,
Dù cố gắng đến đâu.

Hai, người bị cải tạo
Phần nhiều học thức cao,
Người cải tạo rừng rú
Thì cải tạo thế nào?

Ba, mình đang đói khổ,
Nuôi không nhiều vạn người
Thì tiền đâu cho lại,
Hơn thế, nhiều năm trời?

Bốn, việc cải tạo ấy
Càng khoét sâu thù hằn,
Không giúp tái hòa giải,
Là cái vốn rất cần...

*
Một việc làm ngu ngốc,
Khiến nhiều người chết oan.
Cộng sản luôn ngu ngốc.
Điều ấy khỏi phải bàn.

Hậu quả việc ngu ấy
Còn đến tận ngày nay.
Phải nói, chỉ cộng sản
Mới nghĩ được trò này.

PS
Thương, cả một thế hệ
Con tướng tá Cộng Hòa
Bị phân biệt đối xử.
Có đâu như xứ ta?

*********************
ĐÃ ĐẾN LÚC
Thái Bá Tân, April 2019

Tặng hương hồn những đồng bào
bỏ mạng trên con đường tìm tự do.

Cũng phải có ai đấy
Chịu trách nhiệm chuyện này.
Chuyện thuyền nhân di tản
Mấy mươi năm trước đây?

Thường chiến tranh, loạn lạc
Mới bỏ nhà ra đi.
Tại sao ta, “giải phóng”,
Hàng triệu người ra đi?

Ra đi bằng mọi giá,
Mọi lúc và mọi nơi.
Hàng chục vạn người chết,
Bỏ mình giữa biển khơi.

Một bi kịch vĩ đại.
Một nỗi đau tột cùng.
Nạn nhân một chế độ
“Vinh quang và anh hùng”.

Một tội ác rùng rợn,
Không phải do chiến tranh,
Mà tội ác diệt chủng
Của một thời hòa bình.

Đã đến lúc lịch sử
Phải phán xét chuyện này.
Chuyện thuyền nhân di tản
Mấy mươi năm trước đây.

**************************
RÙNG RỢN
Thái Bá Tân, April 16, 2019

Rùng rợn, lính Hàn Quốc
Giết đồng bào Quảng Nam.
Càng rùng rợn, lính Mỹ
Rải chất độc da cam.

Nhưng Mỹ và Hàn Quốc
Đến tạ lỗi, xin tha.
Thì dẫu rùng rợn thật,
Người Việt Nam đã tha.

Nhưng rùng rợn hơn cả -
Nghe nói giải phóng quân,
Những người lính cách mạng,
Cũng đã từng giết dân.

Mà giết nhiều, chủ ý.
Giết chính đồng bào mình.
Không một lời xin lỗi,
Cứ bịt tai lặng thinh.

Những nỗi đau oan trái,
Những tội ác ghê người
Rồi sẽ được hóa giải,
Vì luôn luôn có trời.

*
Anh có thể lừa dối
Một trăm, một nghìn người.
Nhưng không thể lừa dối
Cả chín mươi triệu người.

Anh có thể che dấu
Một năm, hai mươi năm.
Nhưng không thể che dấu
Một trăm, hai trăm năm.

Thậm chí anh có thể
Tắt nến, kéo hết rèm
Để ngôi nhà anh sống
Luôn chìm trong bóng đêm.

Nhưng tiếc, anh không thể
Giơ tay che mặt trời.
Mặt trời mọc, soi rõ
Mặt quỉ và mặt người.

Không có gì vĩnh cửu.
Chế độ lại càng không.
Cái gì đến sẽ đến.
Đừng trốn mà mất công.
———
30 THÁNG TƯ, 1975
Thái Bá Tân, Apr. 19, 2019

Bộ đội Miền Bắc chết
Một triệu một trăm nghìn.
Số lính Miền Nam chết -
Hai trăm tám hai nghìn.

Vì chiến tranh, dân chết -
Trên dưới hai triệu người.
Lính Miền Nam cải tạo,
Ngồi tù - một triệu người.

Trong số một triệu ấy, 
Một trăm sáu lăm nghìn
Chết vì đói, lao lực,
Vì không còn niềm tin.

Trốn chạy khỏi cộng sản -
Hơn một triệu rưỡi người.
Hai trăm nghìn đã chết,
Bỏ xác ngoài biển khơi.

Từ đấy, dẫu đất nước
Hết chiến sự, bình yên,
Chín mươi triệu người Việt
Mất tự do, nhân quyền.

Vậy xin hỏi các vị:
Ngày ấy là ngày gì?
Vui mừng và kỷ niệm?
Nhưng vui mừng cái gì?


Được gửi từ iPad của tôi

Không có nhận xét nào: