Lời Giới Thiệu: Tháng Tư lại về, ký ức đau thương của người dân miền Nam lại gợi nhớ những chết chóc tang thương do cuộc chiến phi nghĩa của cộng sản Bắc Việt tạo ra. Một trời đau thương cho góa phụ khi chồng tử trận mà hình ảnh gây xúc động mãnh liệt được ghi lại qua bài hát “Tưởng Như Còn Người Yêu” phổ từ thơ của Lê Thị Ý. Bài hát rất phổ biến vào cuối thập niên 70. Trẻ xin giới thiệu bài viết của LS. Anh Thư về buổi trò chuyện với nhà thơ Lê Thị Ý tại Virginia. Thời tiết Virgina đang ấm áp như nụ cười luôn nở trên môi người tình muôn thuở của lính, cô Lê Thị Ý – tác giả bài thơ bất hủ “Thương Ca 1” mà nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài “Tưởng Như Còn Người Yêu”. Mắt cô ánh lên một cách nồng nàn “con tim và đôi mắt của tôi lúc nào cũng hướng về người lính.” Ðó là lời mở đầu cho buổi trò chuyện mà tôi hân hạnh được gặp cô Lê Thị Ý tại Saigon Quán trên đường Hechinger ở Virginia.
<!>
Tôi có dịp thăm Virginia khi vùng đất này chuẩn bị đón chào mùa hoa anh đào. Dịp gặp gỡ và trò chuyện với những người thân quen và gia đình họ hàng của tôi là ông Nguyễn Minh Nữu và hiền thê của ông, bà Mai, đã mở ra cơ duyên cho tôi được gặp cô Lê Thị Ý.
Ðó là khi tôi vừa nghêu ngao hát bài “Tưởng Như Còn Người Yêu” và bày tỏ sự thán phục của mình về cách dùng từ đầy cảm xúc của cô Lê Thị Ý với ông Nguyễn Minh Nữu, thế là ông nói ngay: “Nhà thơ Lê Thị Ý với tụi này thân thiết lắm. Anh Thư có muốn gặp không?” Tôi mừng rỡ nhờ ông liên lạc với cô ngay. Bên cạnh đó, anh Võ Thành Nhân, trưởng Hướng Ðạo và là người làm việc trong giới truyền thông, cũng ngỏ lời giới thiệu thêm với cô mà tôi đã được cô Lê Thị Ý nhận lời đi ăn trưa.
Lê Thị Ý sinh tại miền Bắc, xuất thân trong một gia đình văn nghệ, là em ruột nhà thơ Vương Đức Lệ (tên thật là Lê Đức Vượng), người chị lớn là nhà văn Kiều Phương và em gái là nhà văn Lê Thị Nhị. Bà làm thơ rất sớm từ khi còn học trung học.
Tác phẩm:
– Thơ Ý (Sài Gòn, 1967)
– Thương ca (1970)
– Cuộc tình và chân dung tôi (Sài Gòn, 1972)
– Quê hương và người tình (Hoa Kỳ, 1992)
– Vùng trời dấu yêu (Hoa Kỳ, 2000)
Với dáng người nhỏ nhắn, nước da trắng ngần và một khuôn mặt phúc hậu, rạng ngời, cô Lê Thị Ý vui vẻ ngay khi tôi tiến ra cửa để đón chào cô vào nhà hàng. Cô tặng cho tôi tờ nguyệt san Kỷ Nguyên Mới của gia đình cô và thân hữu của Câu Lạc Bộ Văn Học & Nghệ Thuật vùng Hoa Thịnh Ðốn thực hiện. Sau khi gọi vài món ăn Bắc như bún chả Hà Nội, bún đậu mắm tôm, chúng tôi rôm rả trò chuyện.
Tôi hỏi cô Lê Thị Ý làm sao mà dù cô chưa bao giờ lập gia đình hay có con, nhưng cô lại có thể cảm nhận được sự mất mát khốc liệt để có thể lột tả được nỗi đau của chiến tranh qua những bài thơ của cô. Với lối nói chuyện lôi cuốn, chân tình và dí dỏm, cô đã dẫn tôi vào một khoảng trời ký ức của cô và giúp cho tôi hiểu rõ hơn về tâm tình của một người từng sống qua sự điêu linh, bởi chiến tranh, nhất là của những phụ nữ có chồng tử trận.
Sau khi từ Bắc Ninh di cư vào Nam, cô Lê Thị Ý sống với gia đình ở Pleiku 5 năm trời gần nhà quàn của lính. Cô cũng từng có người tình là lính bị tử trận và từ đó nảy sinh những cảm xúc và ý tưởng để cô viết bài thơ “Thương Ca 1”. Tuy nhiên, cô nhấn mạnh, cả cuộc đời cô chỉ “thoang thoảng” những mối tình chứ không hề có một mối tình nào quá đậm sâu. Cô giải thích rằng có 2 loại tình cảm khác nhau. Ðối với cô “người bồ” thì chỉ để đi chơi thôi, nhưng “người tình” mới là đặc biệt vì người tình là người mình thật sự yêu say đắm trong trái tim dù tình yêu đó câm nín, lặng lẽ, không cần phải bày tỏ. Cô mỉm cười nhẹ nhàng tiếp lời: “Nếu tưởng tượng một tình yêu đẹp thì tôi vẫn thích nhất là người yêu lính nhưng thực sự tôi cũng chưa bao giờ có được một tình yêu trọn vẹn, đúng nghĩa.”
Nguồn gốc của bài hát “Tưởng Như Còn Người Yêu” mà nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc được cô Lê Thị Ý giải thích rằng cô viết rất nhiều bài thơ, trong một lần cụ Nguyễn Ðức Quỳnh đọc thơ cô, cụ thích bài thơ “Thương Ca 1” quá rồi chuyển ngay cho nhạc sĩ Phạm Duy. Nhạc sĩ Phạm Duy đã hoàn tất bài nhạc phổ thơ trong vòng 15 phút. Ca sĩ Duy Quang là người đầu tiên trình bày bài hát này. Cô giải thích rằng cô chấp nhận nhạc sĩ Phạm Duy bỏ đi 2 câu thơ “Chiếc quan tài phủ cờ màu. Hằn lên ba vạch đỏ au phũ phàng…” trong bài thơ của cô cho bài hát được nhẹ nhàng hơn dù nó không thật sự đúng ý cô, vì cô muốn phân biệt rõ ràng đây là hình ảnh không lẫn vào đâu được của người quả phụ Việt Nam Cộng Hòa.
Nhà thơ Lê Thị Ý (bên trái) và nhà văn Nguyễn Minh Nữu
Cô Lê Thị Ý chia sẻ cô bắt đầu sinh hoạt với nhóm Văn Bút từ năm 1970 khi cô theo gia đình từ Pleiku về sống ở Sài Gòn. Ðặc biệt, vì cô luôn bị ám ảnh bởi thời cuộc khi cô còn ở Việt Nam nên thơ của cô thường là viết về chiến tranh và về lính. Tôi hỏi cô sáng tác nào cô tâm đắc nhất, cô nhoẻn miệng cười bảo rằng ở lứa tuổi bát tuần, cô không còn nhớ nhiều nhưng cô luôn nặng lòng với quê hương và cô xót xa nhắc đến “quê hương hai tì vết”, sông Gianh (chia cắt đất nước trong thời Trịnh – Nguyễn phân tranh) và sông Bến Hải (đất nước lại một lần nữa bị chia cắt giữa Quốc Gia và Cộng Sản), nên cô có làm bài thơ “Vòng Tay Mẹ” về đứa bé thơ bị bom đạn giết chết hai lần. Trong bài thơ này, cô diễn tả sự nghiệt ngã của chiến tranh qua hình ảnh người mẹ trẻ đang thương khóc ôm đứa con mình đã chết trên tay thì đạn bom dội về một lần nữa giết chết cả hai mẹ con.
Tôi hỏi cô Lê Thị Ý bí quyết gì giúp cô luôn lạc quan và yêu đời. Cô lại mỉm cười bảo: “Cái gì đối với tôi cũng nhẹ nhàng. Nhưng cũng có lẽ vì bản chất thơ trong tôi mà chuyện gì tôi cũng không ‘serious’ nên không làm được việc gì lớn. Tôi sống tự nhiên theo bản năng, không gò bó chính mình và cũng không bắt bẻ, chấp nê hay phê phán nhiều quá. Mình phải yêu người trước, rồi người ta sẽ yêu mình. Và khi chứng kiến những đau thương, khốn khó chung quanh mình thì tôi lại càng cảm thấy mình yêu đời và yêu người hơn.”
Tôi không tránh được tò mò và hỏi cô về những hối hận hay nuối tiếc gì cô có trong cuộc đời thì cô chân thật trả lời: “Tôi hối hận là đã không lập gia đình và có con. Nhưng bên cạnh đó tôi rất yêu và gần gũi gia đình lớn của mình. Tôi yêu các cháu đến đỗi tôi có cảm giác như không cần có con cái riêng của mình. Và ngược lại các cháu và anh chị em chung quanh cũng rất thương yêu, chăm sóc tôi nên tôi không bao giờ cảm thấy buồn hay tủi thân.”
Năm 1981, cô Lê Thị Ý vượt biên sang trại tị nạn Songkhla, Thái Lan. Sáu tháng sau cô sang định cư ở Maryland, USA. Khi về hưu cô dọn về sống với gia đình người em ở Virginia. Cô dí dỏm kể thêm rằng khi cô sang Mỹ thì cô đã bốn mươi mấy tuổi, nhưng cô thấy rằng mình thích hợp với cuộc sống ở Mỹ ngay và mình phải ở Mỹ thôi vì khi ở Việt Nam cô không biết chạy xe đạp hay xe gắn máy. Cô nói khi sang Mỹ cô phải đi học lại, làm work study trong trường, và đi bán hàng. Dù cuộc sống bắt đầu với hai bàn tay trắng ở xứ người nhưng vật chất và tiền bạc không bao giờ làm cô lo lắng vì sau nhiều thăng trầm của cuộc đời, cô thấy rằng cái gì cũng vượt qua được, ngoại trừ thiếu tình yêu và cô may mắn là cô có được nhiều tình yêu trong cuộc đời cũng như tình yêu của những người trong gia đình lớn của mình.
Ngoài việc viết lách, cô Lê Thị Ý có những thú vui đơn giản hằng ngày như xem video clips tiếng Việt trên Youtube, gặp gỡ một số ít bạn bè trong giới văn/thi sĩ. Cô so sánh tình cảm nam nữ mà cô xem trong phim của Việt Nam trên Youtube thì “họ gọi nhau là ‘mày/tao’, rồi xắn quần xắn áo lên đi đánh nhau, không còn gì lãng mạn nữa.” Trong khi đó, thời của cô chỉ có một cái nắm tay đã run “lẩy bẩy”, và tình cảm nam nữ thời ấy đầy chất “thơ”. Và món ăn mà cô thích là món cà ri nhưng cô tự hào rằng mình nấu ngon nhất là món bún riêu.Tôi hỏi cô có muốn nhắn nhủ gì với độc giả báo Trẻ trước khi kết thúc buổi trò chuyện không. Với nụ cười hiền lành, cô nhìn mông lung rồi lấp lửng bảo: “Bỏ bớt…”
Tôi sánh bước cùng cô Lê Thị Ý ra khỏi Sài Gòn Quán trong một buổi trưa giao mùa vùng Virginia mà lòng bỗng thấy lâng lâng, thanh thản. Mái tóc ngắn đen tuyền ôm gọn khuôn mặt sinh động, nhân hậu của cô. Ðôi mắt long lanh, sáng ngời mỗi khi nhắc về người lính Việt Nam Cộng Hòa như một tình yêu đoan chắc cô dành riêng cho người tình trong mộng của mình. Bóng dáng nhỏ nhắn, thanh mảnh trong bộ Âu phục trang nhã màu đen của cô trải dài nghiêng nghiêng trong ánh nắng rực rỡ. Tiếng hát của Ý Lan nghẹn ngào lại vang lên trong tim tôi: “Dài hơi hát khúc thương ca. Thân côi khép kín trong tà áo đen...”
HHAT
Arlington, TX. Tháng Tư, 2019
Thương Ca 1
“Ngày mai đi nhận xác chồng
Say đi để thấy mình không là mình
Say đi cho rõ người tình
Cuồng si độ ấy hiển linh bây giờ
Cao nguyên hoang lạnh ơ hờ
Như môi thiếu phụ nhạt mờ dấu son
Tình ta không thể vuông tròn
Say đi mà tưởng như còn người yêu
Phi cơ đáp xuống một chiều
Khung mây bàng bạc mang nhiều xót xa
Dài hơi hát khúc thương ca
Thân côi khép kín trong tà áo đen
Chao ơi thèm nụ hôn quen
Ðêm đêm hẹn sẽ chong đèn chờ nhau
Chiếc quan tài phủ cờ màu
Hằn lên ba vạch đỏ au phũ phàng
Em không thấy được xác chàng
Ai thêm lon giữa hai hàng nến chong?
Mùi hương cứ tưởng hơi chồng
Nghĩa trang mà ngỡ như phòng riêng ai.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét