Lou Jiwei (Lâu Kế Vĩ) có thể không phải là một cái tên quen thuộc ở phương Tây, nhưng cựu bộ trưởng tài chính Trung Quốc này rất nổi tiếng và được kính trọng trong giới tài chính và các nhà hoạch định chính sách kinh tế. Tuy nhiên, hồi đầu tháng này, chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố cho thôi chức chủ tịch quỹ an sinh xã hội quốc gia của ông Lou. Động thái này phản ánh một sự thay đổi trong cách tiếp cận của lãnh đạo Trung Quốc đối với quản trị có khả năng gây ra những tác động sâu sắc tới tương lai đất nước.
<!>
Việc loại bỏ ông Lou khỏi chức vụ của ông thể hiện một sự từ bỏ tiền lệ: ba người tiền nhiệm của ông đều phục vụ trung bình 4,5 năm, và tất cả đều nghỉ hưu ở tuối 69. Ông Lou, 68 tuổi, mới chỉ đảm nhiệm chức vụ này hơn hai năm. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không đưa ra lý do sa thải ông Lou, nhưng có một lời giải thích khả dĩ hơn cả. Lou gần đây đã nổi lên như một nhà phê bình thẳng thắn về chính sách công nghiệp đầy tham vọng của Trung Quốc, có tên “Made in China 2025”, gọi nó là một sự lãng phí tiền công.
Kế hoạch “Made in China 2025” đã làm dấy lên sự nghi ngờ từ các đối tác thương mại của Trung Quốc. Họ coi chương trình này là một nỗ lực của Trung Quốc nhằm sử dụng các biện pháp không công bằng – cụ thể là sự hỗ trợ của chính phủ cho các lĩnh vực chiến lược – để thay thế phương Tây trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu trong các ngành công nghệ tiên tiến. Kế hoạch này là một trong những yếu tố thúc đẩy cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Trung Quốc.
Kể từ khi chiến tranh thương mại nổ ra, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cố tình giảm tuyên truyền về Made in China 2025, cho thấy họ nhận ra chi phí cao khi thúc đẩy chương trình. Trong bối cảnh này, những lời chỉ trích của Lou không có gì ghê gớm – tất nhiên trừ khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc chỉ đơn thuần giả vờ hoãn chính sách lại cho đến khi căng thẳng thương mại giảm bớt.
Nhưng những hệ lụy của việc sa thải ông Lou vượt ra ngoài chuyện kế hoạch Made in China 2025. Lou là một nhà cải cách mạnh bạo với một bảng thành tích đáng nể. Việc ông bị bãi nhiệm cho thấy mức độ không khoan dung của chính phủ Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình đối với những bất đồng chính sách nhỏ nhất, ngay cả về vấn đề kinh tế, vốn thường được tranh luận khá cởi mở giữa các nhà lãnh đạo. Cách tiếp cận này có thể trở thành một thảm họa.
Kể từ khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012, các quy trình ra quyết định ở cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã được thay đổi rất nhiều. Trước đây, phong cách lãnh đạo tập thể cho phép các quan điểm bất đồng được nêu lên, và các quyết định được đưa ra phần lớn dựa trên đồng thuận – một quá trình chậm chạp đôi khi khiến các cơ hội bị bỏ lỡ. Nhưng nó cũng là một cơ chế quản lý rủi ro quan trọng. Sự cởi mở với nhiều quan điểm khác nhau đã giúp đảm bảo rằng những ý tưởng không thực tế hoặc nguy hiểm sẽ bị loại trừ, và ĐCSTQ không mắc phải những sai lầm chính sách thảm khốc dưới thời hai người tiền nhiệm của ông Tập là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.
Tuy nhiên, ông Tập đã thay thế việc ra quyết định tập thể bằng sự lãnh đạo tập trung. Không gian cho sự đa dạng quan điểm chính đáng đã bị thu hẹp bởi kỳ vọng về sự trung thành và tuân thủ chính trị. Trên thực tế, ĐCSTQ trên thực tế đã hình sự hóa việc nêu những ý kiến trái ngược với lập trường lãnh đạo cấp cao. Hành vi phạm tội đó – gọi là wangyi zhongyang, có nghĩa là “nói trái trung ương” – có lẽ là lý do lớn hơn cả sự sai phạm thực tế trong cuộc chiến chống tham nhũng của ông Tập trong những năm gần đây.
Kết quả là sự thiếu phản biện mang tính xây dựng khiến những ý tưởng quá rủi ro hoặc chưa được xem xét thấu đáo có thể trở thành chính sách quốc gia của Trung Quốc dưới thời ông Tập. Và vì vậy trong năm năm qua, Trung Quốc đã phạm một số sai lầm chính sách lớn do không có tranh luận nội bộ thỏa đáng.
Một ví dụ là quyết định vội vàng vào mùa hè năm 2015 nhằm sử dụng công quỹ để hỗ trợ giá cổ phiếu khi thị trường lao dốc. Chính sách đó đã không thể giúp ổn định giá chứng khoán, lãng phí hàng nghìn tỷ nhân dân tệ và làm suy yếu uy tín của các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc.
Một sai lầm chính sách lớn khác là việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông và sau đó lắp đặt các cơ sở quân sự trên đó. Động thái này có vẻ như là một bước đi chiến lược thông minh đối với một số người trong chính quyền ông Tập. Nhưng bằng cách tạo ấn tượng rằng Trung Quốc đang có ý định thống trị Đông Á thông qua cưỡng chế, nó là một yếu tố chính góp phần làm suy giảm nhanh chóng mối quan hệ của Trung Quốc với Hoa Kỳ.
Tương tự, ngoài việc bị nghi ngờ về mặt kinh tế, Sáng kiến Vành đai và Con đường khổng lồ của Tập Cận Bình – với hơn 1 nghìn tỷ đô la dự định đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở khu vực Á-Âu và các nơi khác – đã gây ra sự nghi ngờ ở phương Tây về tham vọng địa chính trị của Trung Quốc. Sai lầm này đã làm tổn thương mối quan hệ của Trung Quốc không chỉ với Mỹ mà còn với các đồng minh quan trọng khác của Mỹ, những nước coi sự can dự của Trung Quốc với các nước đang phát triển – và theo đó là mối quan hệ giữa họ với Trung Quốc – với sự khó chịu ngày càng lớn.
Nếu ĐCSTQ tiếp tục tuân thủ việc ra quyết định tập trung, nhiều sai lầm – có thể với hậu quả lớn hơn – rất có thể tiếp tục xảy ra. Chẳng hạn, các lãnh đạo Trung Quốc có thể quyết định tấn công Đài Loan, điều có nguy cơ dẫn tới một cuộc chiến thảm khốc với Mỹ. Trong tình huống như vậy, người ta chỉ có thể hy vọng rằng ở đâu đó trong chính phủ vẫn còn những nhân vật can đảm như Lou sẵn sàng đứng lên để thể hiện sự bất đồng.
Minxin Pei là giáo sư ngành quản trị chính quyền của Đại học Claremont McKenna và là tác giả cuốn China’s Crony Capitalism.
Nguồn: Minxin Pei, “The Closing of the Chinese Mind”, Project Syndicate, 16/04/2019.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét