Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 4 tháng 11, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 3/11 - Lê Minh Nguyên

Trump: Thế giới hết kiên nhẫn với Triều Tiên
Tổng thống Donald Trump sẽ tuyên bố với lãnh đạo các nước trong chuyến công du châu Á lần này rằng thế giới đã “hết kiên nhẫn” với khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên và ông sẽ đưa ra chiến lược cô lập Bình Nhưỡng một vài tháng trước khi có những điều chỉnh, một phụ tá cao cấp của Tổng thống Trump ngày 2/11 cho biết.<!>
Ngày 3/11 Tổng thống Trump rời Mỹ đi Hawaii, chặng dừng chân đầu tiên trên đường đến châu Á, nơi ông sẽ ghé Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines. Đây là chuyến Á du dài nhất của một Tổng thống Mỹ trong hơn 25 năm nay.

Mục đích chuyến đi này của ông Trump là nhằm gia tăng sự ủng hộ quốc tế để tước bỏ những nguồn lực của Triều Tiên như một đòn bẩy để buộc nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân.

“Tổng thống công nhận là chúng ta hết kiên nhẫn đối với Triều Tiên và sẽ yêu cầu tất cả các nước khác làm nhiều hơn nữa,” cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc H.R. McMaster nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo.

Trong khuôn khổ nỗ lực của Hoa Kỳ thúc đẩy Trung Quốc tăng áp lực với Triều Tiên, Bộ Tài chánh Mỹ ban hành một qui định chính thức cắt đứt một ngân hàng Trung Quốc bị cáo buộc rửa tiền cho Triều Tiên ra khỏi hệ thống tài chánh Mỹ. Trung Quốc là đối tác thương mại chính của Bình Nhưỡng.

Vào tháng 6 năm nay, Bộ Tài chánh Mỹ tuyên bố Ngân hàng Dandong là “mối quan ngại rửa tiền chính”, là cửa ngỏ đề Triều Tiên tiếp cận hệ thống tài chánh Hoa Kỳ và quốc tế dẫu bị chế tài của Mỹ và Liên hiệp quốc.

Cơ quan tình báo Hàn quốc ngày 2/11 cho biết Triều Tiên có thể có kế hoạch thử nghiệm thêm một phi đạn, sau khi có những hoạt động dồn dập được phát hiện tại những cơ sở nghiên cứu của nước này.

Quân đội Mỹ theo dõi chặt chẽ Triều Tiên sau khi nước này thử nghiệm phi đạn gần đây nhất vào ngày 15/9 và thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 và mạnh nhất vào ngày 3/9.

Hai máy bay ném bom Mỹ B-1B xuất phát từ căn cứ Guam đã bay ngang không phận Hàn Quốc trên dãy núi Pilsung trong một cuộc diễn tập hôm 2/11, Không lực Hoa Kỳ cho biết. - VOA

2.
Trung Quốc: Biển Đông không nằm trong nghị trình APEC - - - Đồng minh châu Á chờ tín hiệu trấn an của Donald Trump

Vấn đề Biển Đông sẽ không nằm trong chương trình nghị sự của cuộc họp giữa các lãnh đạo tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Việt Nam, và cũng không nằm trong các cuộc thảo luận xung quanh cuộc họp thượng định này, Tân Hoa Xã dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lý Bảo Đông khẳng định hôm thứ Sáu (3/11).

“Các bên khác nhau có sự nhất trí về vấn đề này”, ông Lý Bảo Đông cho biết tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh về chuyến đi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới tham dự APEC ở Đà Nẵng, sau đó thăm cấp nhà nước tới Hà Nội và kết thúc chuyến đi tại Lào.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói rằng nước này hy vọng hội nghị APEC sẽ tập trung vào vấn đề hợp tác kinh tế của khu vực châu Á Thái-Bình Dương.

Trong khi đó, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trần Hiểu Đông nhận định căng thẳng ở Biển Đông đã hạ nhiệt và có những tiến triển tích cực. Ông cho biết Trung Quốc và Việt Nam đã đạt được sự đồng thuận trong việc quản lý tranh chấp ở Biển Đông.

“Hai bên sẽ giữ vững nguyên tắc tham vấn và đối thoại thân thiện để cùng quản lý và kiểm soát các tranh chấp hàng hải, bảo vệ bức tranh lớn về mối quan hệ đang phát triển Việt-Trung”, tờ Hoa Nam Buổi Sáng dẫn lời ông Trần.

Trong khi đó, tại một cuộc họp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Hà Nội một ngày trước đó (2/11), Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh đề nghị hai bên nên giải quyết tranh chấp dựa trên sự đồng thuận và luật pháp quốc tế, tránh các hành động làm phức tạp thêm tình hình.

Trước đó vào tháng 8, một cuộc họp đã lên lịch giữ hai ngoại trưởng Việt-Trung đã bị hoãn vào phút chót do bất đồng giữa hai bên về vấn đề Biển Đông. Mặc dù lý do hoãn họp không được nêu chính thức, nhưng các hãng tin quốc tế cho biết ông Vương Nghị đã bỏ họp với ông Phạm Bình Minh vì một thông cáo chung của ASEAN đưa ra ngay trước đó, với nội dung bày tỏ quan ngại trước việc Trung Quốc bồi đắp các đảo tranh chấp và quân sự hóa Biển Đông. Bắc Kinh đổ lỗi cho Việt Nam đã vận động để đưa vấn đề này vào thông cáo chung của ASEAN.

Hoa Nam Buổi Sáng nhận định mặc dù Hà Nội có những nghi ngờ sâu sắc đối với Bắc Kinh về vấn đề an ninh, song họ vẫn duy trì mối quan hệ kinh tế chặt chẽ. Ngoài ra, quyết định rút khỏi Hiệp định Thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) của chính quyền Trump cũng là một yếu tố thúc đẩy Hà Nội tăng cường trao đổi thương mại với Trung Quốc.

Cũng trong ngày 3/11, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn cho biết Bắc Kinh mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước. Ông cho biết thêm rằng các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đã đạt 150 tỷ đôla trong năm nay. - VOA

***
Tổng thống thứ 45 của Mỹ bắt đầu chuyến công du đầu tiên tại châu Á. Trước khi khởi hành vào thứ sáu 03/11/2017, Washington đưa hai oanh tạc cơ chiến lược B1-B biểu dương lực lượng trên không phận bán đảo Triều Tiên. Hành động này có lẽ không phải là ngẫu nhiên : Donald Trump cần phải trấn an các nước châu Á, đang mất niềm tin vào đồng minh Hoa Kỳ.

Vòng công du đầu tiên của tổng thống Donald Trump ở châu Á, được giới phân tích xem là rất « tế nhị ». Các quốc gia đồng minh cốt lõi trong khu vực chờ xem chủ nhân Nhà Trắng có hành động hay tuyên bố nào xác quyết lập trường truyền thống « cột trụ an ninh » ở châu Á Thái Bình Dương trong bối cảnh Bắc Triều Tiên công khai thách thức và Trung Quốc cũng không còn che giấu tham vọng bá quyền.

Trong khi đó thì chiến lược châu Á của Donald Trump vẫn là một ẩn số. Đâu là mục tiêu sâu xa của Washington ? Những tuyên bố của tổng thống Mỹ, lúc còn là ứng cử viên, muốn xét lại mối quan hệ liên minh lịch sử giữa Hoa Kỳ với các đồng minh trên thế giới đã gây hoang mang trong công luận và chính giới các nước liên hệ, ở châu Âu cũng như ở châu Á.

Được RFI đặt câu hỏi, chuyên gia Pháp Barthélémy Courmont, giám đốc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế IRIS giải thích : Có một mối ưu tư rất lớn, đặc biệt là ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Hai nước này lo ngại vì những lời tuyên bố của Donald Trump. Trước khi đắc cử, Donald Trump kêu gọi hai nước châu Á này phải tự lo thân trước mối đe dọa của Bắc Triều Tiên. Tuyên bố này làm công luận và các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc bất an. Lo âu còn nhiều hơn nữa liên quan đến sự giao kết của Mỹ ở Biển Đông. Trên toàn châu Á, từ khi Donald Trump đắc cử, người ta thấy Mỹ muốn rút chân ra khỏi khu vực nhất là qua quyết định từ bỏ Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. Các nước trong vùng xem quyết định này là dấu hiệu Mỹ bỏ rơi những cam kết liên đới lịch sử với các đồng minh truyền thống.

Do vậy, trong chuyến công du châu Á lần này, Donald Trump phải tìm cách xóa tan những lo ngại của các đồng minh.

Lời cảnh báo Tokyo và Seoul phải tự lo thân, không nên trông cậy ô dù nguyên tử của Washington đã làm lung lay niềm tin ở các nước đồng minh châu Á . Thêm vào đó là những phản ứng ngẫu hứng của tổng thống Donald Trump trước mỗi hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng càng làm cho tình hình căng thẳng thêm.

Trong lĩnh vực kinh tế và thương mại, hồ sơ quan trọng thứ hai trong chuyến công du cũng ẩn chứa nhiều chướng ngại. Quyết định của Donald Trump không tham gia Hiệp Định TPP, cho dù người tiền nhiệm đã ký kết, chỉ làm cho uy tín của Mỹ trong khu vực, bị tác hại.

Mỹ rút chân, Trung Quốc thừa cơ hội thao túng khu vực với dự án đối tác thương mại khu vực gọi tắt là RECEP.

Tuy nhiên, biết rõ Bắc Kinh không thực tâm tôn trọng quyền tự do kinh doanh mà chỉ sử dụng hiệp ước thương mại để phục vụ ý đồ chính trị bành trướng, 11 thành viên còn lại của TPP, đứng đầu là Nhật Bản và Úc tiếp tục con đường đa phương đã định trong khi tổng thống Donald Trump cố tìm những thỏa thuận song phương có lợi cho Mỹ.

Trong vòng 11 ngày của chuyến công du châu Á từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines, chủ nhân Nhà Trắng phải chứng minh là khẩu hiệu « nước Mỹ trước đã » của ông không có tác động ngược, làm hại cho quyền lợi của nước Mỹ. - RFI
3.
Bất chấp Trung Quốc, Tổng thống Đài Loan thăm đảo Guam

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn ngày 3/11 ghé thăm đảo Guam của Mỹ trên Thái Bình Dương trên đường trở về sau khi thăm các đồng minh ngoại giao tại Thái Bình Dương-một chuyến đi gây nên sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc vốn xem Đài Loan thuộc lãnh thổ nước này.

Bắc Kinh yêu cầu Hoa Kỳ không cho phép bà Thái quá cảnh lãnh thổ Mỹ trong chuyến đi của bà bao gồm hai ngày tại Hawaii trước khi lên đường đi Tuvalu, quần đảo Solomon và quần đảo Marshall.

Thời điểm đến Guam của bà Thái đặc biệt nhạy cảm vào lúc Tổng thống Donald Trump sẽ đến Bắc Kinh vào tuần tới.

Trung Quốc xem Đài Loan tự trị và dân chủ thuộc chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc và thường xuyên gọi Đài Loan là một vấn đề nhạy cảm và quan trọng nhất giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Bắc Kinh lâu nay mạnh mẽ chống lại những chuyến quá cảnh của Tổng thống Đài Loan.

Dù văn phòng của Thống đốc Guam Edward B. Calvo mô tả chuyến viếng thăm của bà Thái là “riêng tư và không chính thức”, bà đã được cảnh sát hộ tống khi đến đảo.

Phát biểu tại buổi tiệc chào mừng, bà Thái nói “Đài Loan và Guam chia sẻ tình hữu nghị đặc biệt.”

Bà mô tả Guam như là “phần đất của Hoa Kỳ gần Đài Loan nhất” và nói thêm rằng “nhân dân Đài Loan cám ơn sự ủng hộ của các bạn.”

Ông James F. Moriarty, Chủ tịch Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan, tức phái bộ Mỹ tại Đài Loan, nhấn mạnh Hawaii, Guam và Đài Loan ràng buộc với nhau không chỉ bởi Thái Bình Dương nhưng còn vì “khát vọng dân chủ.”

Guam là nơi có căn cứ quân sự lớn của Hoa Kỳ và sẽ là vị trí quan trọng cho bất cứ sự trợ giúp nào của Mỹ đối với Đài Loan trong trường hợp có xung đột với Trung Quốc.

Bắc Kinh chưa bao giờ từ bỏ khả năng sử dụng vũ lực để đặt Đài Loan dưới sự kiểm soát của Trung Quốc.

Quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc xuống thấp kể từ khi bà Thái Anh Văn đắc cử Tổng thống hồi năm ngoái.

Trung Quốc cho là bà Thái muốn độc lập chính thức cho Đài Loan, một điều cấm kỵ đối với Bắc Kinh.

Về phần mình, nữ Tổng thống Đài Loan khẳng định muốn gìn giữ hòa bình với Trung Quốc nhưng sẽ bảo vệ dân chủ và an ninh của Đài Loan. - VOA

4.
Máy bay ném bom Mỹ diễn tập tại Hàn quốc

Hai máy bay ném bom chiến lược Mỹ đã diễn tập trên vùng trời Hàn quốc, Không lực Mỹ cho hay. Động thái này làm gia tăng căng thẳng với Triều Tiên chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Donald Trump tới thăm Seoul trong nỗ lực tìm cách chấm dứt mối đe dọa của chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Tin tức về cuộc diễn tập ngày 2/11 được Thông tấn xã KCNA của Triều Tiên loan tin lần đầu tiên vào ngày 3/11. KCNA cho biết trong cuộc diễn tập này có những máy bay phản lực chiến đấu của Hàn quốc và Nhật Bản là “cuộc diễn tập tấn công hạt nhân bất ngờ”.

Ông Trump sẽ đến châu Á ngày Chủ Nhật 5/11, bắt đầu chuyến viếng thăm vùng này lần đầu tiên trong tư cách Tổng thống. Ông sẽ đến Nhật Bản trước khi sang thăm Hàn Quốc và Trung Quốc, kế đến là Việt Nam và Philippines.

Một loạt các cuộc thử nghiệm phi đạn của Triều Tiên và vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 và mạnh nhất, bất chấp những nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã gây nên thách thức quốc tế nghiêm trọng nhất đối với chính quyền ông Trump.

Trung Quốc, dưới áp lực của Mỹ đòi phải làm nhiều hơn nữa để kìm chế đồng minh Bình Nhưỡng, ngày 3/11 nhấn mạnh là nước này đã thi hành các nghị quyết của Liên hiệp quốc và nhắc lại lập trường chống việc sử dụng vũ lực.

Mục đích chuyến đi của ông Trump sẽ là tăng cường sự ủng hộ quốc tế để tước bỏ những nguồn lực của Triều Tiên như một đòn bẩy để buộc nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân, các giới chức Hoa Kỳ nói.

Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Trump H.R. McMaster nói ông Trump đã chấp thuận một số chế tài khác nhau đối với Triều Tiên trong khi tăng áp lực đòi Trung Quốc làm thêm nữa, đang bắt đầu thúc đẩy Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân. Ông Trump cảnh báo sẽ “hủy diệt hoàn toàn”Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng đe dọa Hoa Kỳ.

Trong khi Triều Tiên chưa phóng thêm phi đạn nào kể từ ngày 15/9, khoảng thời gian lâu nhất trong năm nay, nhưng một loạt các hoạt động được phát hiện tại các cơ sở nghiên cứu phi đạn tại Bình Nhưỡng cho thấy có thể có một vụ phóng khác nữa, cơ quan tình báo Hàn quốc nói với các nhà lập pháp ngày 2/11.

Ngày 3/11, Seoul họp Hội đồng An ninh Quốc gia để thảo luận về khả năng áp đặt chế tài đơn phương đối với Bình Nhưỡng, và có thể loan báo những biện pháp này trước khi ông Trump đến Hàn quốc, một giới chức văn phòng tổng thống nói. - VOA

5.
Ngoại trưởng Cuba: Mỹ dối trá trong vụ tấn công âm thanh

Bộ trưởng Ngoại giao Cuba cáo buộc Hoa Kỳ “cố ý nói dối” về những cuộc tấn công âm thanh bí mật nhằm vào các nhà ngoại giao Mỹ ở Cuba.

Trong một cuộc họp báo hiếm có tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia ở Washington, ông Bruno Rodriguez yêu cầu chính quyền ông Trump “phải nói thật hoặc phải đưa ra chứng cứ.”

“Tôi nói là không có vụ tấn công nào xảy ra. Không có hành động cố ý nào. Không có sự kiện rõ rệt nào xảy ra. Nếu chính phủ Hoa Kỳ có ý kiến trái ngược, tôi đề nghị họ đưa ra bằng cớ.”

Tuyên bố này là phủ nhận mới nhất của các giới chức Cuba để phản bác các cáo buộc của Mỹ liên quan đến những sự số gây ảnh hưởng đến sức khỏe của ít nhất 24 viên chức tòa đại sứ Mỹ tại Havana, làm cho họ mắc phải một số chứng bệnh khác nhau trong đó có nhức đầu, những vấn đề về thính giác và những chấn thương.

Ông Rodriguez cũng nêu nghi vấn về tính xác thực của những băng thu âm mà các nhà điều tra nói đã thu được những âm thanh mà những người bị tổn thương nghe được, và nói rằng các băng ghi âm đó là ngụy tạo.

Phát biểu tại Trường đại học Howard ở Washington D.C vào tuần trước, trong một hội nghị các kiều dân Cuba sống tại Mỹ, ông Rodriguez nói các cáo buộc của Mỹ về những cuộc tấn công âm thanh bí mật nhắm vào các nhà ngoại giao Mỹ tại Cuba là “mánh khóe chính trị” và “hoàn toàn giả mạo,” được dùng để phá hoại quan hệ song phương.

Cuba cho biết không sở hữu bất cứ công nghệ nào có khả năng gây ra những cuộc tấn công đã được mô tả.

Hoa Kỳ đã cắt giảm 60% nhân viên tòa đại sứ tại Havana trong phản ứng đối với sự việc này và đã trục xuất 17 nhà ngoại giao Cuba tại tòa đại sứ Cuba ở Washington.

Hoa Kỳ cũng đã đưa ra cảnh báo đối với những công dân Mỹ đến Cuba và ngưng cấp visa cho người Cuba ở Havana. - VOA

6.
Trung Quốc: Đã giải quyết hòa bình chuyện Biển Đông với Việt Nam

Trung Quốc và Việt Nam đã đạt được thỏa thuận về việc giải quyết tranh chấp Biển Đông qua những cuộc thảo luận hữu nghị, một nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc ngày 3/11 tuyên bố, sau những tranh cãi gay gắt hồi mùa hè giữa hai nước cộng sản láng giềng.

Hai nước từ lâu đối đầu về thủy lộ chiến lược với số lượng hàng hóa trị giá hơn 3.000 tỉ đô la qua lại mỗi năm. Việt Nam nổi lên như một đối thủ lên tiếng mạnh mẽ nhất chống lại việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên đa số vùng biển này.

Cuộc gặp được dự trù vào tháng 8 giữa Bộ trưởng Ngoại giao hai nước bên lề một hội nghị khu vực tại Manila đã bị hủy bỏ giữa những tranh cãi về việc quân sự hóa Biển Đông và xây các đảo nhân tạo.

Tuy nhiên, Hà Nội và Bắc Kinh đã tìm cách đưa các mối quan hệ trở lại đúng hướng, sau khi một nhà lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc nói với người tương nhiệm hồi tháng 9 vừa qua là hai đảng cộng sản hai nước “cùng chia sẻ số phận”. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã gặp các giới chức cao cấp Việt Nam trong tuần này tại Hà Nội.

Phát biểu trước chuyến đi thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Tập Cận Bình vào tuần tới tham dự hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo châu Á Thái Bình Dương, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Trần Hiểu Đông, loan báo lãnh đạo hai nước đã có những cuộc thảo luận “sâu rộng và thẳng thắn” về các vấn đề hàng hải.

“Các bên đã đạt được sự đồng thuận quan trọng,” ông Trần nói tại một cuộc họp báo. “Cả hai phía sẽ tuân theo nguyên tắc tham khảo thân thiện và đối thoại để cùng nhau quản lý và kiểm soát những tranh chấp trên biển, và bảo vệ bức tranh lớn về mối quan hệ đang phát triển Việt-Trung và ổn định tại Biển Đông.”

Trung Quốc và các nước Đông Nam Á muốn và có thể tự giải quyết vấn đề Biển Đông, ông Trần nói, ám chỉ đến Hoa Kỳ. Những nhận định của Mỹ về tranh chấp Biển Đông và các cuộc tuần tra của hải quân Mỹ trên thủy lộ này làm Trung Quốc tức giận.

Trung Quốc dường như không hài lòng trước những nỗ lực của Việt Nam ‘huy động’ các nước Đông Nam Á trong vấn đề Biển Đông cũng như các mối quan hệ quốc phòng ngày càng tăng của Hà Nội với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ.

Vào tháng 7 năm nay, dưới áp lực của Bắc Kinh, Việt Nam đã ngưng khoan dầu ngoài khơi biển Đông mà Trung Quốc, Brunei, Malaysia, Philippines và Đài Loan cùng tuyên bố chủ quyền.

Những hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Trung Quốc đã xây dựng và lấy đất lấn biển tại Biển Đông, và chắc chắn sẽ mạnh mẽ sớm xác nhận chủ quyền tại thủy lộ này, các nhà ngoại giao và các giới chức quân đội trong vùng nói.

Chủ tịch Trung Quốc, ngoài việc đến thăm Việt Nam dự APEC, cũng sẽ sang Lào, một quốc gia cộng sản từng nằm trong quỹ đạo chặt chẽ của Việt Nam, nhưng hiện nay đang ngày càng khắn khít với Bắc Kinh. Lào cũng là nơi có một vài dự án hạ tầng cơ sở quan trọng của Trung Quốc. - VOA

7.
Trung Quốc muốn Mỹ ‘không gây rắc rối’ biển Đông trước chuyến đi của Trump

Trung Quốc hy vọng Mỹ có thể “giúp chứ không gây thêm rắc rối” trên biển Đông đang có nhiều tranh chấp, một quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc cho biết hôm thứ Sáu ngay trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump tới Bắc Kinh vào tuần sau, theo ghi nhận của Reuters.

Mỹ đã chỉ trích việc xây dựng các đảo nhân tạo và các cơ sở quân sự của Trung Quốc trên vùng biển này và lo ngại nước này có thể dùng các cơ sở đó để hạn chế việc tự do hàng hải.

Các tàu hải quân của Mỹ cũng đã tiến hành các cuộc tuần tra tự do hàng hải trên biển Đông khiến cho Trung Quốc tức giận.

Nói với các phóng viên về chuyến công du châu Á của ông Trump, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trịnh Trạch Quang nói Bắc Kinh có chủ quyền lãnh thổ không thể gây tranh cãi đối với các hòn đảo và vùng lãnh hải bao quanh đó trên biển Đông, mà Trung Quốc gọi là Biển Nam Trung Hoa. Thực chất của cuộc tranh chấp trên biển Đông là sự lấn chiếm bất hợp pháp của một số nước trên một số hòn đảo và rạn san hô, theo ông Trịnh. Vị thứ trưởng ngoại giao này nói thêm rằng Trung Quốc sẵn sàng giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình thông qua đối thoại với các nước có liên quan trực tiếp.

“Vấn đề biển Nam Trung Hoa không phải là một vấn đề giữa Trung Quốc và Mỹ,” Reuters trích lời ông Trịnh.

“Chúng tôi hy vọng rằng Mỹ, với tư cách là một quốc gia bên ngoài, có thể ‘làm nở thêm hoa và ít gai hơn’ – giúp đỡ chứ không phải là gây thêm rắc rối,” theo lời vị thứ trưởng này.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói ông hy vọng Mỹ có thể có cách nhìn khách quan về những phát triển tích cực trên biển Đông và tôn trọng các nỗ lực của Trung Quốc và các nước Đông Nam Á trong việc bảo vệ hòa bình và sự ổn định ở đây.

Theo ông Trịnh, không có vấn đề gì đối với tự do hàng hải trên biển Đông và Trung Quốc phản đối bất kỳ bên nào sử dụng một lý do nào đó để làm tổn hại đến lợi ích về chủ quyền và an ninh của Trung Quốc.

Chính quyền Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ tiến hành thêm nữa các hoạt động tuần tra lớn trên biển Đông.

Những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển đang là nơi giao thương của lượng hàng hóa giá trị 5.000 tỷ USD mỗi năm chồng lấn với các tuyên bố chủ quyền của Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam. - VOA

8.
Canada chế tài 30 quan chức Nga về cái chết của luật sư Magnitsky

Canada hôm thứ Sáu áp đặt các biện pháp chế tài lên 30 quan chức Nga mà nước này nói là đồng lõa trong cái chết hồi năm 2009 của Sergei Magnitsky, một luật sư chống tham nhũng bị Nga bỏ tù sau khi cáo buộc gian lận thuế quy mô lớn.

Các biện pháp này - phong tỏa tài sản của các quan chức này và cấm họ đến Canada - được ban hành thông qua một luật mới cho phép chính phủ nhắm mục tiêu vào những người mà họ nói là vi phạm nhân quyền, bộ ngoại giao Canada cho biết trong một thông cáo.

Trong số những người bị nhắm mục tiêu có Alexander Bastrykin, điều tra viên hàng đầu của Nga và một trợ lý thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Mỹ đã đưa tên ông ta vào danh sách đen vào tháng 1 năm 2017, dẫn ra cái chết của ông Magnitsky.

Moscow tháng trước nói rằng họ sẽ trả đũa nếu Canada cấm các cá nhân theo luật mới.

Đại sứ quán Nga tại Ottawa đã không hồi đáp ngay tức thời về yêu cầu bình luận, Reuters cho biết.

Canada đã nhiều lần lên án Moscow về việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014 và áp đặt các biện pháp chế tài cùng với các nước phương Tây khác.

Mỹ đã thông qua một luật vào năm 2012 cho phép đóng băng bất kỳ tài sản nào ở Mỹ của các điều tra viên và công tố viên người Nga, những người bị cho là có dính líu trong vụ giam giữ ông Magnitsky. Moscow trả đũa bằng cách cấm người Mỹ nhận con nuôi người Nga. - VOA

Tin Hoa Kỳ
9.
Lập pháp Mỹ muốn siết chặt đầu tư nước ngoài

Một nhóm các nhà lập pháp thuộc cả hai đảng tại Thượng viện và Hạ viện Mỹ ngày 6/11 sẽ đệ trình những dự luật tăng cường kiểm soát đầu tư nước ngoài tại Mỹ giữa những lo ngại ngày càng tăng về những giao dịch của Trung Quốc, một nguồn thạo tin cho biết.

Thượng nghị sĩ John Cornyn, một thành viên trong giới lãnh đạo đảng Cộng hòa có chân trong Ủy ban Tình báo Thượng viện, sẽ đệ trình một dự luật nới rộng quyền hạn của chính phủ bằng cách củng cố Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) để ngăn chặn việc người nước ngoài mua các công ty Mỹ. 

CFIUS là một ủy ban liên ngành do Bộ Tài chính lãnh đạo có nhiệm vụ duyệt xét những đề nghị chuyển nhượng để đánh giá quan ngại về an ninh quốc gia.

Dân biểu Cộng hòa Robert Pittenger thuộc bang North Carolina sẽ đệ trình Hạ viện một dự luật tương tự.

Có ít nhất 4 đảng viên Dân chủ ủng hộ dự luật gồm Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar, bang Minnesota, Dân biểu Rosa DeLauro bang Connecticut, Dân biểu Denny Heck bang Washington và Dân biểu Dave Loebsack bang Iowa, một nguồn tin dấu tên để bảo vệ các mối quan hệ kinh doanh cho biết.

CFIUS nổi tiếng cứng rắn đối với những thỏa thuận công nghệ cao đặc biệt liên hệ đến Trung Quốc và đã chặn việc chuyển giao có liên hệ đến những chất bán dẫn tinh vi.

CFIUS trở nên bảo thủ hơn kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức giữa những căng thẳng về chính trị và kinh tế ngày càng tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Kể từ khi ông Trump nhậm chức, ủy ban đã ngăn cản không chấp thuận một loạt các thỏa thuận với Trung Quốc, theo các luật sư chuyên đại diện các cuộc mua bán chuyển nhượng.

Các dự luật vừa kể sẽ nới rộng quyền hạn của CFIUS trong việc cứu xét những đầu tư và liên doanh nhỏ hơn, nguồn tin đọc được bản thảo dự luật cho biết. - VOA

10.
Trump nói không chắc Tillerson sẽ tiếp tục làm ngoại trưởng Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông không chắc nhà ngoại giao cao cấp nhất của ông, Rex Tillerson, sẽ tiếp tục giữ chức vụ này đến hết nhiệm kỳ của ông Trump trong Nhà Trắng, và ông "không hài lòng" về việc một số nhân viên Bộ Ngoại giao không ủng hộ chủ trương của ông.

Trong một cuộc phỏng vấn với Laura Ingraham trên đài Fox News vào cuối ngày thứ Năm, ông Trump công kích bộ trưởng ngoại giao Tillerson và nói một mình ông quyết định chính sách đối ngoại của Mỹ.

"Người quan trọng đối với tôi là tôi," ông Trump nói. "Tôi là người duy nhất có tiếng nói quyết định bởi vì, chính sách sẽ là như vậy khi nói tới chuyện này."

Khi được hỏi liệu ông có định giữ ông Tillerson lại đến hết nhiệm kỳ của ông hay không, ông Trump nói với Fox News, "Để rồi xem. Tôi không biết."

Ông Trump đang lên đường sang Châu Á trong chuyến công du 11 ngày cùng với ông Tillerson sau nhiều tháng xung đột giữa hai người.

Căng thẳng giữa ông Trump, một nhà phát triển bất động sản và ngôi sao truyền hình thực tế nhậm chức vào tháng 1, và ông Tillerson, cựu giám đốc điều hành của tập đoàn Exxon Mobil, lộ ra vào tháng trước khi tin tức cho hay ông Tillerson từng gọi ông Trump là "thằng ngu đần" và đã nghĩ đến chuyện từ chức vào mùa hè rồi.

Ông Tillerson, trong một cuộc họp báo bất thường vào thời điểm đó, nói rằng ông chưa bao giờ nghĩ đến chuyện từ chức. Ông Trump sau đó nói rằng quan hệ giữa hai người vẫn tốt nhưng chỉ trích ông Tillerson nhu nhược.

Bộ Ngoại giao dưới quyền ông Tillerson cũng đã mâu thuẫn với Nhà Trắng về các vấn đề toàn cầu khác, bao gồm căng thẳng đang gia tăng liên quan tới chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Ông Tillerson đã đề ra ra mục tiêu hàng đầu là cải tổ bộ ngoại giao và thắt chặt kiểm soát bằng cách củng cố thẩm quyền của mình. Những người chỉ trích lên án việc tái tổ chức này và tình trạng những vị trí quan trọng không có người đảm nhiệm vào lúc các cuộc khủng hoảng quốc tế tiếp tục diễn ra khắp thế giới với Syria, Iran và những nơi khác.

Hôm thứ Năm, ông Trump nói nhiều vị trí là không cần thiết và rằng ông "không hài lòng" về những người khác đang ở đó.

"Tôi muốn viễn kiến của tôi, nhưng viễn kiến của tôi là viễn kiến của tôi," ông nói. "Rex đang nỗ lực ở đó ... ông ấy đang cố gắng hết sức." - VOA

11.
Trước khi nghỉ việc, nhân viên Twitter khóa trương mục của TT Trump

Phương cách liên lạc chính của Tổng Thống Donald Trump với quảng đại quần chúng đã có lúc bị khóa trong thời gian ngắn do hành động của một nhân viên Twitter, trước khi nghỉ việc.

Một thông cáo của công ty mạng xã hội khổng lồ này cho hay “một nhân viên cung cấp dịch vụ hỗ trợ” đã có hành động này trong ngày làm việc cuối cùng của người này, theo bản tin của hãng thông tấn UPI.

Trương mục của Tổng Thống Trump–@realDonaldTrump– bị khóa trong khoảng 11 phút vào tối ngày Thứ Năm, theo Twitter.

Công ty cho hay sẽ mở cuộc điều tra kỹ càng về việc này.

“Chúng tôi đang tiếp tục cuộc điều tra và có các biện pháp để điều này không tái diễn,” theo thông cáo của công ty được UPI loan tải.

Tổng Thống Trump thường xuyên gửi các phát biểu của mình qua Twitter trong ngày. Trong thời gian bị khóa, người vào xem trang của ông đọc thấy hàng chữ: “Xin lỗi, trang này không hiện hữu.”

Công ty Twitter không cho biết tên của người cựu nhân viên hoặc lý do vì sao làm việc này. - nguoiviet

12.
Mỹ: Thêm 261,000 việc làm trong Tháng Mười

Giới chủ nhân Mỹ tạo thêm 261,000 việc làm trong Tháng Mười, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ sau khi xảy ra các vụ bão lốc tàn phá khu vực Đông Nam Mỹ hồi Tháng Chín.

Bản báo cáo của Bộ Lao Động Mỹ đưa ra ở Washington vào sáng ngày Thứ Sáu cho hay mức thất nghiệp giảm xuống còn 4.1%, thấp nhất từ gần 17 năm nay, so với mức 4.2% hồi Tháng Chín. Tuy nhiên, các phân tích gia cho hay có việc giảm mức thất nghiệp này phần lớn là vì nhiều người nay không còn đi kiếm việc làm và do đó không được coi là thành phần thất nghiệp.

Mức gia tăng việc làm trong Tháng Mười cho thấy có sự phục hồi từ sau thiên tai bão lụt, vốn tạm thời ảnh hưởng đến công ăn việc làm trong Tháng Chín. Trong ba tháng qua, mức phát triển việc làm trung bình mỗi tháng là 162,000, bằng con số trước khi có bão.

Nhiều cơ sở doanh nghiệp nay gặp khó khăn để kiếm đủ nhân viên. Con số người lớn đi kiếm việc hoặc đang làm việc giảm hồi tháng qua, xuống còn 62.7%, thấp hơn một chút so với cùng thời gian năm ngoái.

Dù rằng có tình trạng thiếu nhân công, mức lương giờ trung bình chỉ tăng 2.4% so với một năm trước đây.

Chính phủ Mỹ cũng điều chỉnh báo cáo về việc làm trong hai tháng trước để nâng con số chính thức lên cao hơn. Hồi Tháng Tám, giới chủ nhân tạo thêm 208,000 việc làm, thay vì 169,000 như đã báo cáo. Sang Tháng Chín, chỉ có thêm 18,000 ngàn vì ảnh hưởng của bão khiến nhiều nơi đóng cửa, tuy nhiên con số này cao hơn con số báo cáo trước đó là giảm 33,000 việc làm.

Các việc làm trong các nhà hàng và quán rượu giảm 98,000 trong Tháng Chín do bão, nhất là ở những khu nghỉ mát, nhưng sang Tháng Mười đã có lại được 89,000 công việc, cũng theo bản báo cáo. - nguoiviet

Tin Việt Nam
13.
Pew: 70% người Việt Nam ủng hộ quân đội cầm quyền

Một khảo sát mới công bố tuần này của Trung tâm nghiên cứu quốc tế Pew cho biết có đến 70% người Việt Nam tham gia cuộc khảo sát “ủng hộ chế độ do quân đội lãnh đạo,” một kết quả mà Pew nói là “thiểu số nổi bật” trong số 38 quốc gia được khảo sát.

“7/10 người Việt Nam nói rằng quân đội cầm quyền là một cách cai trị tốt,” trung tâm Pew cho biết về kết quả khiến Việt Nam đứng đầu trong số ít các nước ủng hộ chế độ quân đội cầm quyền.

Trung tâm nghiên cứu quốc tế cho rằng con số 70% người ủng hộ quân đội cầm quyền tại Việt Nam có thể là do sự “hoài niệm quá khứ”, khi quân đội từng đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong thời chiến tranh Việt Nam, dẫn đến việc cầm quyền của Đảng Cộng sản hiện tại.

Trong số những người ủng hộ quân đội cầm quyền, người trên 50 tuổi đông gấp đôi số người ở độ tuổi 18 – 29 (46% so với 23%). 

Thực tế ‘không phải vậy’

Nhận định về kết quả khảo sát trên, một nhà quan sát chính trị-thời sự Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, cho rằng trên thực tế nghiên cứu của ông, số người dân Việt Nam ủng hộ ý tưởng quân đội cầm quyền là rất ít.

“Họ chỉ đa số là có thiện cảm với quân đội, chẳng qua là do truyền thống quân đội. Theo họ, thứ nhất là vì quân đội có hình ảnh tương đối gắn bó với nhân dân. ‘Quân với dân như cá với nước’, đó là truyền thống trước đây, trong quá khứ. Thứ hai, trong mắt họ, dù sao quân đội cũng sạch sẽ hơn công an, ít tham nhũng hơn công an”, TS. Phạm Chí Dũng nói.

Một cựu chiến binh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông Phan Trí Đỉnh, cũng thừa nhận tình cảm “quân-dân” trước đây đã mất đi từ lâu.

Ông nói: “Ở Việt Nam, quân đội có uy tín hơn công an. Dân yêu quân đội hơn công an.Đấy là một khía cạnh của đời sống xã hội.Nhưng đến thời điểm này, điều đó rơi rớt mất rồi, không còn hình ảnh như ngày trước nữa. Hiện nay quân đội mất uy tín rất lớn”. 

Chính vì vậy, cựu quân nhân ở Hà Nội nói ông “không bằng lòng” và “không đồng ý” việc quân đội lên nắm quyền điều khiển đất nước, nhất là trong thời điểm hiện nay, khi “lòng dân đang rất xao xuyến và bức xúc”.

Trong khi đó, bà Đặng Bích Phượng ở Hà Nội, người có bác ruột là một chỉ huy quân đội đã tử trận trước năm 1975, cũng phản đối ý tưởng quân đội cầm quyền vì theo bà, quân đội hiện tại “bạc nhược” và “chịu sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Bà Phượng giải thích:“Với hiện tình đất nước, thứ nhất, [quân đội] hoàn toàn không bảo vệ được chủ quyền đất nước”. Theo bà, sự yếu kém của quân đội thể hiện rõ ràng nhất trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Bà Phượng cho rằng quân đội Việt Nam không được huấn luyện kỹ năng tốt và trang bị kém, cũng không bao giờ thực hiệc các cuộc “biểu dương lực lượng” để cho thấy sức mạnh của mình và đồng thời răn đe các nước láng giềng.

“Thứ hai là tham nhũng trong quân đội quá lớn”, bà Phượng nói thêm về lý do khiến bà phản đối việc quân đội lên nắm quyền.

Mặc dù truyền thông chính thống gần đây mới phanh phui một số vụ bê bối liên quan đến việc quân đội làm kinh tế, nhưng theo bà Phượng, nhiều người dân đã biết về những việc này từ lâu. Chính vì vậy, bà đặt nghi vấn về kết quả điều tra nói rằng đa số người dân ủng hộ quân đội.

Tương tự, TS. Phạm Chí Dũng bày tỏ quan tâm về thành phần tham gia vào cuộc khảo sát của Pew, vì theo ông, mức độ am hiểu tình hình chính trị ở Việt Nam là một yếu tố rất quan trọng đưa đến kết quả khảo sát. TS. Phạm Chí Dũng nói hầu hết những người dân tại Việt Nam mà ông tiếp xúc đều “không biết và không quan tâm” đến việc quân đội nắm quyền lãnh đạo.

Không như Thái Lan hay Myanmar, theo TS. Dũng, ý tưởng quân đội cầm quyền khá xa lạ với người dân Việt Nam. Ý tưởng này chưa từng xuất hiện trên bất cứ diễn đàn hay cuộc thảo luận về chính trị nào, kể cả “lề phải” lẫn “lề trái.”

Đảng ‘đuối lắm rồi’

Khảo sát của Pew còn cho biết thêm rằng phần lớn (87%) người Việt Nam ủng hộ hình thức dân chủ đại diện, tức hình thức người dân bầu đại biểu đại diện cho họ ở Quốc hội và các đại biểu này thay mặt họ quyết định quốc sự. Hình thức này vẫn thường được giới hữu trách Việt Nam nói “cần phải phát huy”. Tuy nhiên, theo cựu chiến binh Phan Trí Đỉnh, Việt Nam không thực sự thực hiện “bầu cử dân chủ”.

Một số lượng khá lớn khác (73%) ở Việt Nam ủng hộ cho hình thức dân chủ trực tiếp, theo khảo sát của Pew. Hình thức này cho phép mọi công dân trực tiếp tham gia vào việc quyết định các chính sách của quốc gia thông qua bỏ phiều hoặc trưng cầu dân ý.

67% người Việt Nam ủng hộ một hệ thống cai trị mà trong đó các chuyên gia, chứ không phải các quan chức đắc cử, là người đưa ra các quyết sách mà theo họ là tốt nhất cho đất nước.

Pew cho biết trong số 5 hình thức quản trị được đưa ra trong cuộc khảo sát tại Việt Nam, chỉ có hình thức “cai trị bởi một lãnh đạo mạnh mẽ” mà không có sự can thiệp của tòa án hoặc nghị viện là có số lượng người phản đối nhiều hơn (47%) so với số người ủng hộ (42%).

Những người được VOA phỏng vấn cho rằng với tình trạng hiện nay, Việt Nam khó có thể xuất hiện một hình thức cầm quyền nào khác trong tương lai gần.

Cựu chiến binh Phan Trí Đỉnh phân tích: “Bởi vì là độc đảng thành ra không có một tập hợp nào có đủ khả năng tập hợp lực lượng lại để tổ chức một chính quyền. Đó là cái yếu của các thế lực chính trị tại Việt Nam hiện nay là không có một tổ chức, nhóm hay đảng phái nào ngoài Đảng Cộng sản. Thật ra Đảng Cộng sản bây giờ yếu kém, đuối lắm rồi. Nhưng nếu không có nó thì vô chính phủ là cái chắc. Mà vô chính phủ thì chết”.

Ngay cả hình thức cai trị bởi một lãnh đạo mạnh mẽ, theo ông Đỉnh, cũng không thể có được tại Việt Nam. Ông nói thêm: “Ví dụ như Nga có Putin, một nhà lãnh đạo mạnh mẽ đã thay đổi cả trật tự xã hội. Ở Việt Nam thì tôi chưa thấy một nhân vật nào có thể làm được điều đó. Toàn bè phái thôi. Chưa có một nhân vật nào thoát ra được. Mà nếu có nhân vật nào có ý định làm người tiên phong thì đều bị các thế lực bảo thủ bóp chết”.

Pew là một trung tâm nghiên cứu phi đảng phái có trụ sở tại Mỹ. Pew chuyên nghiên cứu về các vấn đề, thái độ và xu hướng có tính định hình thế giới, thông qua các cuộc thăm dò ý kiến công chúng và phân tích, nghiên cứu về nhân khẩu học, xã hội học. Trung tâm này khẳng định không dựa trên bất cứ lập trường chính sách nào.

Khảo sát trên của Pew được thực hiện tại 38 quốc gia thuộc nhiều hệ thống chính trị khác nhau trên thế giới, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Thụy Điển, Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines, Hàn Quốc… và một số quốc gia châu Phi và Trung Đông. - VOA

14.
Thủ tướng Canada sẽ nêu nhân quyền khi gặp 'tứ trụ' Việt Nam

Thủ tướng Canada Justin Trudeau thông báo trên trang web chính thức rằng ông sẽ thăm chính thức Việt Nam tại Hà Nội và tham dự hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng.

Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Trudeau tới Việt Nam bắt đầu từ ngày 6/11.

Tại Hà Nội, nguyên thủ của Canada sẽ gặp mặt Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thủ tướng Trudeau nói trong thông cáo ra hôm 2/11 rằng “Mối quan hệ giữa Canada và Việt Nam được dựa trên những kết nối giữa 2 dân tộc và đã phát triển mạnh trong 40 năm qua. Tôi mong chờ được gặp mặt các nhà lãnh đạo Việt Nam để phát triển các vấn đề quan trọng như quản trị và nhân quyền.” Thủ tướng Canada cũng muốn tăng cường sự hợp tác thương mại và đầu tư với Việt Nam, cũng như tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho những người thuộc tầng lớp trung lưu ở cả 2 phía.

Hồ sơ nhân quyền của Việt Nam được coi là "tệ hại" khi các tổ chức nhân quyền quốc tế thường xuyên lên tiếng kêu gọi chính phủ cầm quyền thả những tù nhân lương tâm và chính trị. Theo HRW, hơn 100 nhà hoạt động đang bị giam cầm ở Việt Nam vì "thực thi quyền cơ bản" và đấu tranh ôn hòa.

Trước đây, thủ tướng Canada đã từng gặp Chủ tịch Quang bên lề một cuộc họp thượng đỉnh APEC tháng 11/2016 ở Peru và Thủ tướng Phúc bên lề cuộc họp khối G7 ở Nhật Bản vào tháng/2016.

Sau các cuộc gặp với những lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, Thủ tướng Trudeau sẽ đi thành phố Hồ Chí Minh, nơi ông sẽ gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam và tham dự một buổi thảo luận tại trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Đà Nẵng sẽ là điểm đến sau cùng của ông Trudeau trong chuyến thăm Việt Nam, theo thông cáo trên trang web của Thủ tướng Canada.

Tại cuộc gặp của các nhà lãnh đạo khối Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), thủ tướng Canada dự định sẽ quảng bá cho hình ảnh của Canada như một tối tác thương mại và đầu tư trong khu vực, cũng như sẽ làm sâu sắc thêm sự hợp tác kinh tế với các nền kinh tế thành viên APEC.

Thông cáo cho biết chuyến đi này là cơ hội cho Thủ tướng gặp gỡ với các đối tác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và quảng bá cho chương trình nghị sự thương mại đang trên đà tạo ra hàng hóa, công việc cho tầng lớp trung lưu và nhiều cơ hội hơn nữa cho mọi người ở 2 bên bờ Thái Bình Dương.

Sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng diễn ra trong 2 ngày 10-11/11, Thủ tướng Trudeau sẽ tới Manila, Philippines, dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á. - VOA

15.
HRW: Lãnh đạo APEC đừng làm ngơ hơn 100 tù chính trị

Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế Human Rights Watch (HRW) kêu gọi Việt Nam ngay lập tức thả tự do cho tất cả những người đang bị giam giữ chỉ vì họ “đã thực thi các quyền cơ bản của mình một cách ôn hòa.”

Một trang mạng mới của HRW dành riêng cho lời kêu gọi này được lập ra, trong đó nêu bật 15 trường hơp trong số hơn 100 người đang bị giam cầm vì các lý do chính trị hay tôn giáo.

Tổ chức nhân quyền có trụ sở ở New York thúc giục các nhà lãnh đạo và đối tác thương mại quốc tế tới tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC sẽ diễn ra vào tuần sau ở Đà Nẵng lên tiếng kêu gọi “nhà cầm quyền Việt Nam chấm dứt đàn áp một cách có hệ thống nhắm vào những người lên tiếng phê bình ôn hòa và bảo đảm các quyền căn bản về tự do ngôn luận, lập hội, nhóm họp, và tôn giáo cho người dân Việt Nam.

Trong một thông cáo ra ngày 2/11, HRW đưa ra danh sách của 105 blogger và nhà hoạt động nhân quyền mà tổ chức này cho là Việt Nam đang giam giữ, trong đó có những phụ nữ như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, hay còn được biết là blogger Mẹ Nấm – người bị kết án 10 năm tù giam nhưng được Đệ nhất Phu nhân Melania Trump trao vắng mặt giải Phụ nữ can đảm, Trần Thị Nga bị kết án 9 năm tù về tội tuyên truyền chống nhà nước, vàCấn Thị Thêu, một nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai bị kết án 20 tháng tù.

“Trong những lúc chụp hình chung hay ký kết hợp đồng thương mại với các lãnh đạo của nhà nước Việt Nam độc đảng, các quan chức nước ngoài tới Việt Nam dự APEC đừng nhắm mắt làm ngơ với hơn 100 tù nhân chính trị đang bị chính những nhân vật lãnh đạo Việt Nam đó giam giữ sau song sắt,” Giám đốc phụ trách châu Á của HRW Brad Adams nói trong thông cáo của tổ chức này.

“Ngay trong lúc Việt Nam đang thể hiện vai trò một nước chủ nhà thân thiện khi tiếp đón các phái đoàn quốc tế, nhà cầm quyền nước này lại gia tăng đàn áp bất cứ cá nhân nào có can đảm lên tiếng ủng hộ dân chủ và nhân quyền,” theo ông Adams.

Hơn 100 người đang bị Việt Nam giam giữ trong tù vì thể hiện quan điểm phê phán chính quyền, tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa, gia nhập các nhóm tôn giáo không được chính quyền phê chuẩn hoặc tham gia các tổ chức dân sự hoặc chính trị bị Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền cho là nguy cơ đối với quyền lực độc tôn của mình. HRW cho biết “danh sách này gần như chắc chắn không thể đầy đủ, vì chỉ bao gồm những vụ xử án mà Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có khả năng thu thập.”

Trong vòng 12 tháng qua, công an đã bắt giữ ít nhất 28 người với các tội danh “an ninh quốc gia” có phạm vi áp dụng quá rộng được dùng để trừng phạt những người lên tiếng chỉ trích, phê phán. Vụ gần nhất xảy ra ngày 17/10, theo HRW, khi công an bắt giữ nhà hoạt động vì môi trường Trần Thị Xuân ở tỉnh Hà Tĩnh với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.”

Những nhà hoạt động Việt Nam bị bắt thường bị tạm giam một thời gian dài trước khi xét xử mà không được tiếp cận nguồn hỗ trợ pháp lý hay gia đình thăm gặp, HRW nhận định. - VOA

16.
Việt Nam ra luật an ninh mạng nhằm ‘đuổi’ Google, Facebook

Mạng xã hội xôn xao chuyện Việt Nam ra dự thảo Luật An Ninh Mạng buộc tất cả các dịch vụ của nước ngoài đang cung cấp tại Việt Nam như Google, Facebook, Viber, Skype, Uber… “phải có giấy phép hoạt động, có cơ quan đại diện, có đặt máy chủ quản lý dữ liệu người dùng ở Việt Nam” mới được cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.

Báo Tuổi Trẻ hôm 3 Tháng Mười Một cho hay, Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) nói một số quy định trong dự thảo luật nêu trên “chưa phù hợp về tính thống nhất với cam kết quốc tế của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế.”

Tờ báo cũng nêu “những phát sinh tiêu cực ngày càng lớn như: tin giả, lừa đảo, xúc phạm lãnh đạo, chống phá nhà nước, tuyên truyền văn hóa tiêu cực… gây khó khăn rất lớn cho cơ quan quản lý cũng như ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển chung của đất nước.”

Tuổi Trẻ dẫn lời ông Nguyễn Hồng Văn, phó viện trưởng Viện An Toàn Thông Tin, cho biết: “Quy định này là cần thiết để cơ quan quản lý kiểm soát các dịch vụ nước ngoài tại Việt Nam. Nó là nền tảng để nhà nước có thể tiến hành các bước tiếp theo trong việc đảm bảo an ninh mạng quốc gia.”

Báo VTC News dẫn lời ông Nguyễn Thanh Hải, cục trưởng Cục An Toàn Thông Tin (Bộ Thông Tin-Truyền Thông), cho biết: “Cá nhân tôi không dùng Facebook, Viber, Zalo, YouTube vì mấy thứ này rất đau đầu và mất thời gian. Tôi thường nói vui với bạn bè là dùng mấy thứ này suốt ngày cứ phải vào xem có ai chọc ngoáy, có ai chửi mình hay không, rất nhức đầu. Mỗi người comment một tí thành ra phiền toái.”


Nói về dự thảo luật này, ông Đỗ Nguyên Ái, chuyên gia tài chính ở Sài Gòn, cho biết: “Đọc qua tin về dự thảo Luật An Ninh Mạng là muốn bỏ nước ra đi, ngay và luôn! Vẫn trò cài cắm lập lờ để tiếp tục giữ mọi công dân như những tù nhân dự khuyết. Họ bưng nguyên xi những gông cùm tư duy thế hệ một chấm không lâu nay vẫn áp đặt lên cái không gian vật lý 331.699 cây số vuông này vào không gian 4.0 mà họ vẫn mơ tưởng ‘đi tắt đón đầu.’ Người nguyên thủy vì thiếu hiểu biết nên sợ sệt mọi thứ xung quanh từ hòn đá trở đi. Nhưng trong một thế giới kết nối, cởi mở và tự do, sao cứ nằng nặc tự coi mình như những con khỉ mới vừa biết đứng thẳng lưng. Hỡi ôi, chúng ta đã làm gì để phải chịu những cùm gông này?”

Phóng viên ảnh Nguyễn Sơn của hãng AP trú tại Hà Nội viết trên Facebook: “Quy định này rất kỳ quặc vì chả đâu có cả. Các công ty như Facebook, Twitter, Google… cung cấp dịch vụ ra toàn cầu và không phải chỗ nào cũng cần đặt máy chủ. Chắc chắn các ‘ông lớn’ này sẽ không đời nào chấp nhận điều mục này. Và có khi những ông ‘bạn’ rất gần như Weibo, Baidu, Tencent sẽ sẵn sàng nhảy vào. Văn bản này còn rất nhiều điều cần mổ xẻ vì nếu nó được thông qua thì bảo đảm Việt Nam sẽ sắp sánh vai với… Bắc Hàn về mức độ tự do ngôn luận. Các bạn cứ chúi mũi vào hoa hậu và mấy thứ tào lao nữa đi. Mình đi lập tài khoản Weibo đây.” - nguoiviet

17.
TNS Janet Nguyễn đặt tên cố Trung Tá Hạnh Nhơn trên Xa Lộ 405

Quốc Hội California vừa chuẩn thuận Nghị Quyết SCR 60, chọn một đoạn trên Xa Lộ 405 để đặt tên cố Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, hội trưởng Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh nhằm tưởng nhớ cuộc đời tận tụy cống hiến của bà đối với cộng đồng Việt Nam, đặc biệt là với các thương phế binh và quả phụ VNCH, theo thông cáo từ Văn Phòng Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn.

Nghị Quyết SCR 60 sẽ chọn đoạn xa lộ đi về hướng Bắc, giữa đường Brookhurst và đường Magnolia, thuộc địa phận thành phố Fountain Valley, và đặt tên là “Xa Lộ Tưởng Niệm Thương Phế Binh VNCH của Cố Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn” (Lieutenant Colonel Nguyen Thi Hanh Nhon’s Disabled Veterans Memorial Freeway).

Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn cho rằng, “Đặt tên cho một đoạn xa lộ là một sự công nhận đặc biệt chỉ dành cho những cá nhân có những đóng góp đáng kể như cố Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn. Tôi rất hân hoan đã vận động thành công và Quốc Hội Tiểu Bang California đã thông qua sự vinh danh bà.”

“Xa Lộ 405 là một trong những xa lộ bận rộn nhất Hoa Kỳ, vì thế, việc đặt tên này là cơ hội hiếm có để tưởng nhớ công đức cố trung tá Hạnh Nhơn,” thông cáo nhắc lời của Thượng Nghị Sĩ Janet.

Xuất thân là ái nữ của một đại thần triều Nguyễn, bà Hạnh Nhơn ban đầu phục vụ trong Lực Lượng Nữ Quân Nhân VNCH, sau đó bà lên cấp bậc Trung tá binh chủng Không Quân. Khi Sài Gòn thất thủ, bà đã bị Cộng Sản bắt đi tù “cải tạo” trong gần năm năm.

Năm 1990, bà được định cư tại Hoa Kỳ và bắt đầu tham gia việc giúp cộng đồng người Mỹ gốc Việt và các thương phế binh VNCH đang sống trong khó khăn tại quê nhà.

Ngày 18, Tháng Tư, 2017, bà qua đời, để lại một sự tôn kính và yêu thương rất lớn trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt.

“Để đánh dấu việc Nghị Quyết SCR 60 được thông qua, Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn dự định một ngày gần đây sẽ tổ chức buổi lễ dựng bảng tên cố Trung Tá Hạnh Nhơn trên một đoạn của xa lộ 405,” thông cáo viết.

Nghị Quyết SCR 60 được sự ủng hộ của thành phố Garden Grove, Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Việt Nam Nam California, Hội Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH, Nhóm Chiến Sĩ Vô Danh Việt Nam Cộng Hòa, Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, Hiệp Hội Lực Lượng Đặc Biệt Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, và Trung Tâm Tây Nam Tập Thể Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa. - nguoiviet

Link:

Không có nhận xét nào: