Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 10 tháng 11, 2017

Một vài kỷ niệm với vị thầy dạy học của tôi: Học giả, Giáo sư, Nhạc sĩ Lê Hữu Mục - Phương Duy TDC -

Những năm đầu của thập niên 1940, tôi sinh hoạt Hướng-Đạo Việt-Nam 
trong bầy Sói con và tôi đã hát ca khúc Chèo Thuyền:
“Chèo đi, bơi đi nước non đang chờ ta. Bơi đi vững tay cầm lái và hát vang lên cho lòng hăng hái. Chèo đi, bơi đi nước non đang chờ ta. Bơi đi vững tay cầm lái vượt sóng xông lên, ta kh ông rời tay. Tay chèo hòa theo nhịp muôn sóng đưa con thuyền nhanh chóng lướt phóng theo câu hò, khó nguy ta đừng lo. Chèo... Dô hò cùng theo nhịp câu hát như mây trời bát ngát vững lái tay luôn chèo. Sóng to ta hò reo.”<!>
Lời ca của Mai-Liệu và nhạc của Lê-Hữu-Mục.
Bài ca đã nằm trong trí nhớ của tôi trên sáu thập niên, nên có thể không còn chính xác.
Khi hát bài ca sinh hoạt hướng đạo đó làm tôi rất vui, nhất là khi vào học ban văn chương trường Quốc-Học Huế 1954 tôi đã gặp tác giả Lê-Hữu-Mục, lúc đó là thầy dạy văn chương cho tôi. Thời kỳ đó tôi cũng bắt đầu sáng tác những ca khúc ngắn, và tôi không quên chép lại để xin Thầy cho ý kiến. Thầy rất vui, trong tinh thần hướng đạo, gặp thêm một “ đệ tử” nữa!
Nhạc phẩm HẸN MỘT NGÀY VỀ của Thầy ra đời trong thời kỳ này làm cho những người thích nhạc Việt-Nam rất ưa chuộng. Nhạc phẩm viết theo nhịp 3/4 chậm rãi như một nhạc phẩm bán cổ điển semi-classic do các ca sĩ thời danh như Hà-Thanh (Đài phát thanh Huế), Quỳnh-Giao, Ánh Tuyết (Đài phát thanh Saigon) hát, làm nhiều thính giả say mê.
Giáo sư Dương-Thiệu-Tống, thầy dạy tôi Anh văn, có họ với nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, viết lời ca bằng tiếng Anh, sau đó giáo sư Võ-Long-Tê (khi ở Pháp) viết lời ca bằng tiếng Pháp.
Hơn năm mươi năm trôi qua, nhưng mỗi lần nghe nhạc phẩm này tôi vẫn xúc động như lúc nghe lần đầu khi còn ở Huế.
Lời ca Hẹn Một Ngày Về bằng tiếng Anh thì tôi đã nghe một nữ ca sĩ ở Huế và một vài nữ ca sĩ ở Saigon hát, còn lời ca bằng tiếng Pháp, tôi chưa được nghe ai hát. Không biết có ai định cư tại Pháp đã được nghe chưa.
Lời ca của GS Võ Long Tê viết rất hay. Tôi ghi ra đây để các bạn cùng thưởng thức:
HẸN MỘT NGÀY VỀ Nhạc LÊ-HỮU-MỤC
C’EST PROMIS, JE REVIENDRAI UN JOUR - Lời tiếng Pháp của VÕ LONG TÊ
Nhạc phẩm HẸN MỘT NGÀY VỀ ấn phẩm năm 1955 của Nhà Xuất bản TINH-HOA (HUẾ)
Lời tiếng Pháp của GS Võ Long-Tê (Paris, France) soạn năm 1984 trao tặng tác giả Lê-Hữu-Mục xuất ngoại ngày 10 tháng 10 năm 1984 đi định cư tại Canada.
oOo
“Viens parmi ces fleurs, cher oiseau migrateur!
Về đây trong hoa lá, hỡi cánh chim giang hồ!
Viens ici fêter couleurs et senteurs.
Về đây trong hương sắc thắm tươi say mơ.
Hué et son cours d’eau nommé Parfum vivent d’attendre.
Huế lơ lửng dòng Hương năm tháng còn vương lời ai mong chờ.
Hué vibre toujours de póesie et d’amour tendre.
Huế trong tiếng dịu êm cô lái bên sông còn vang lời thơ.
L’ amour scellant nos ans . Déjoue l’oeuvre du temps.
Tình xưa không vỡ bao giờ. Mùa xưa còn thơm ngàn gió!
L’été et ses soirées atones. Prendront fin au prochain automne.
Chiều hè mờ trong sương khói mong manh.
Chờ người về trong hương thu trong xanh.
Viens parmi ses fleurs, cher d’ oiseau migrateur.
Về đây trong hoa lá hỡi cánh chim giang hồ!
Viens ici fêter couleurs et senteurs .
Về đây trong hương sắc thắm tươi say mơ.
Hué et son cours d’eau nommé Parfum vivent d’attendre
Huế lơ lửng dòng Hương năm tháng còn vương lời ai mong chờ.
Hué vibre toujours de poésie et d’amour tendre
Huế trong tiếng dịu êm cô lái bên sông còn vang lời thơ.
Je t’ai promis le jour. De mon prochain retour.
Mùa hương hẹn đến khi về. Lòng xanh còn in trời Huế.
Hélas! Langueur et nostalgie . Rongent ma vie en dolorie.
Trầm trầm thuyền đem thương nhớ qua sông. Trập trùng trời mây bay trong mênh mông.
Il m’ est douloureux d’avoir du (chữ u có dấu mũ -^- trên đầu) quitter Hué.
Từ đây sông xa bến , thuyền lướt theo trăng ngà.
Trist(e) est le destin d’un pauvr(e) exilé.
Trời đầy sương lạnh lẽo có ai bơ vơ.
Hué présent(e) en toi sera en moi comme mon âme.
Gỡ tay vướng mà đi, sông nước biệt ly, người xa kinh kỳ.
Ceux qui aiment Hué seront toujours tout feu tout flammes.”
Giữa sương gió ngàn khơi , đăm đắm trông ai, cầu mong ngày vui.
(Những chữ ghi giữa hai ngoặc đơn (e) không phát âm khi hát vì âm nhạc không có ghi notes cho những âm này.)
oOo
Tháng 12- 1956, trong dịp tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm trường Quốc-Học, thầy LHM là một trong những những giáo sư đóng góp nhiều nhất cho chương trình trình diễn văn nghệ của học sinh chúng tôi và thầy đã tập dượt cho chúng tôi đồng ca một bản nhạc “cây đinh” của buổi lễ do thầy sáng tác, đó là bài “Nhớ ơn Ngô Chưởng Giáo” là vị Thầy Hiệu trưởng khai sáng trường Quốc Học ngày xa xưa.
oOo
Năm 1991, tôi đến định cư tại Hoa Kỳ, tôi mới biết thầy LHM đang sống ở Canada, dạy học, viết sách, viết báo và là một hội viên Văn-Bút Việt-Nam Hải-ngoại. Cho đến một dịp may hiếm có, thầy đến SAN JOSÉ theo lời mời của Ban chấp hành Trung tâm Văn-Bút Bắc Cali.
Ngày 6 tháng 6 năm 2003, tôi và một vài người bạn cựu học sinh Quốc-Học được gặp lại thầy tại nhà nhà văn DIỆU-TẦN.
Thầy trông “mập” hơn trước kia và không ngờ ở lứa tuổi gần bát tuần mà thầy vẫn vui như một hướng đạo sinh tuổi ngoài đôi mươi
Trong buổi tiếp tân hội ngộ, Thầy đã cùng với các nhạc sĩ Vũ- Đức-Nghiêm, Lê-Mộng-Bảo và Trương-Duy-Cường thành một “ tứ ca nhạc sĩ lão thành” hợp ca một ca khúc rất vui. Rồi tiếp theo đó thầy solo một số ca khúc mới sáng tác của thầy như lời thầy viết cho tôi “để ghi nhận ngày tái ngộ rất cảm động tại San José.”
Ngày Thứ Bảy kế, thầy có nhã ý đến tư gia của chúng tôi để hàn huyên đặc biệt với người cựu học sinh có đôi mắt “mơ huyền” không nhìn rõ cuộc đời. Học sinh, sinh viên của Thầy có rất nhiều tại Thung lũng Hoa Vàng này chứ không chỉ có một người như tôi, nên tôi muốn chia xẻ niềm vui này với bạn bè của chúng tôi trong dịp may hiếm quý này. Một vài người bạn văn nghệ, thân hữu của Thầy được chúng tôi mời, cùng chúng tôi (Phương-Duy TDC và Hoa Hoàng Lan) gặp Thầy: chúng tôi rất vui khi nghe Thầy hát những bài hát Thầy mới sáng tác gần đây. Thầy trò và bạn bè sau nhiều thập niên mới gặp lại nhau, ôn lại chuyện cũ ở đất Thần Kinh. Chuyện học đường nhảy sang chuyện văn nghệ, chính trị, rồi thời sự, câu chuyện dài như không muốn dứt. Buổi họp mặt không ngờ kéo dài từ 6 giờ chiều đến hai giờ sáng mà ai cũng chưa muốn chấm dứt.
Từ trái: Phương-Duy, Hoa Hoàng Lan, GS Lê hữu Mục, n/v Kathy Trần, NS Lê mộng Bảo
oOo
Giáo sư LÊ-HỮU-MỤC sinh ngày 24-11-1925 tại làng Lưu-Phương, Phát-diệm, tỉnh NINH-BÌNH ( Bắc Việt-Nam).
Tốt nghiệp Đại-Học Văn-Khoa tại HÀ-NỘI một năm trước khi di cư vào Nam.
Định cư tại Huế, năm 1954 thầy làm giáo sư dạy văn chương tại trường Quốc-Học, Bình Minh.
Năm 1957 Linh Mục Cao-văn-Luận , Viện trưởng Viện Đại Học Huế mời thầy giảng dạy ở trường đại-học Văn khoa và ĐH Sư phạm .
Sau 1963 thầy thuyên chuyển vào giảng dạy đại học tại Saigon.
Thầy đỗ đầu Tiến-Sĩ Văn-Chương năm 1970.
Tiếp tục giảng dạy, nghiên cứu văn học cho đến khi thầy sang định cư tại Canada. Thầy lại dạy học, viết sách , làm báo. Hiện nay, tuổi đã cao thỉnh thoảng thầy sang Nam California giảng dạy văn chương tại Viện Việt Học.
Một trong những tác phẩm của thầy được các độc giả trong nước cũng như ở hải ngoại chú ý nhất là cuốn sách ” HỒ CHÍ MINH Không Phải Là Tác Giả NGỤC TRUNG NHẬT KÝ” do Văn-Bút Việt-Nam Hải-Ngoại ấn hành năm 1990, Làng Văn (Canada) phát hành. Cuốn sách này làm cho mọi người biết rõ HCM đã cầm nhầm sáng tác của người khác mà xưng của mình! Riêng trong nước, đảng CS cũng đã chỉ thị cho các GS đại học, học giả, những nhà nghiên cứu văn học, những cơ sở truyền thông, báo chí... phải nghiên cứu viết bài để phản bác cuốn sách của GS Lê Hữu Mục. Kết cục cũng chưa đến đâu khi chân lý vẫn là sự thật!
oOo
Những tác phẩm đã xuất bản:
Thân Thế Và Sự Nghiệp Nhất-Linh (1955)
Nhận định về Đoạn Tuyệt (1955)
Luận đề về Khái-Hưng (1956)
Luận đề về Hoàng Đạo (1956)
Chủ nghĩa Duy-Linh (1957)
Văn hóa và Nhân vị (viết chung với Bùi Xuân Bào, Võ Long Tê, 1958)
Thảm trạng của một nền dân chủ vô thần (1958)
Lĩnh Nam Chích Quái (1959)
Việt Điện U Linh Tập (1960)
Quân Trung Từ Mệnh Tập (1960)
Ức Trai Thi Tập (1961)
Nhị Khê Thi Tập (1962)
Băng Hồ Ngọc Bảo Tập (1963)
Chúa Thao Cổ Truyện (1965)
Lịch Sử Văn Học Việt Nam, tập I (1968)
Khóa Hư Lục (1973)
Hồ Chí Minh không phải là tác giả Ngục Trung Nhật Ký (1988)
Truyện Kiều và Tuổi Trẻ (1998)
(rất tiếc tôi chưa cập nhật hóa các tác phẩm sau năm 1998)
Nhạc phầm :
Nhạc sĩ LHM đã sáng tác rất nhiều nhạc phẩm, tôi chỉ ghi lại đây một vài bài mà thôi:
Chèo đi, bơi đi (Hà-Nội, 1941),
Hồn Việt-Nam ( Hà-Nội 1942),
Hẹn Một Ngày Về (Saigon 1955)
Hẹn Một Ngày Về Vinh Quang (Canada)
Hãy nghiêng tóc xuống vai ta (phổ nhạc Thơ Nguyễn Đức Hiển)
Tiếng Hát Người Cố Hương (Thơ NĐH)
Yêu Em (thơ NĐH (2004)
Có Phải Chỗ Này ( Thơ NĐH)
Tuyết Trắng Mộ (Thơ Ánh Tuyết)
Thân Yêu Tặng Nguyệt-Hạnh (Thơ Huệ Hương)
Thơ Nguyệt Viên (Thơ NĐH)
For Your Birthday (Lyric by NĐH)
Hôn Em (Thơ NĐH)
vân...vân...
Ghi lại một vài kỷ niệm với Thầy Lê Hữu Mục để tặng các bạn đồng môn QUỐC-HỌC và Đại Học Văn Khoa.
oOo
Về phần sức khỏe của Thầy hiện nay, trong năm qua, Thầy bị đột quỵ (stroke) khá nguy hiểm nhưng nay đã khỏe trở lại có thể nói chuyện với tôi bằng điện thoai nhân ngày đầu năm dương lịch 2007, tiếng nói của thầy vẫn vui khỏe. Thật đáng mừng!
Mấy tháng sau đó, qua lá thư và điện đàm với người bạn ở Texas, chị ATN cho tôi biết là chị mới qua Canada thăm thầy.
Chị có một vài nhận định khá lý thú: (trích)
*Thầy là một thi sĩ:
Hy Vọng + Thất Vọng = hóa thành Thơ
*Thầy là một nhạc sĩ:
Rung cảm giữa thiên nhiên qua tiếng chim hót , dế kêu, ve kêu, côn trùng gọi nhau trong đêm khuya.
*Thầy là một nhà giáo dục:
Bỏ đi rung cảm vật chất thành một giáo sư rất yêu thương học sinh của mình.
Vì thế đến tuổi già Thầy đã được đền bù:
• Đàn con ( 3 nữ, 1 Nam) đều thành danh tại Canada và Hoa-Kỳ.
• Thầy được sống thoải mái dưới mái nhà cao niên, đó là một Senior Housing của các Bà Sơ, rất đầy đủ tiện nghi: có bác sĩ, y tá chăm lo sức khỏe rất tận tâm; bồi bếp lo về ẩm thực rất chu đáo. Giải trí có đàn. Thỉnh thoảng có các ban nhạc, có trò quỷ thuật đến giúp vui.
Từ trái: Phương Duy, N. Châu, Hoa Hoàng Lan, Phạm Quang Trình, Đào Đức Chương, GS Lê Hữu Mục, Nhà báo Nguyễn Trung, Nhạc sĩ Lê Mộng Bảo, NV Diệu Tần
Từ trái: GS Lê Hữu Mục, Thi sĩ Hà Thượng Nhân, Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm, Nhà văn Diệu Tần
Riêng giáo sư LHM một nhạc sĩ có tài được tất cả mọi người yêu mến. Phần nhiều sau buổi cơm trưa thầy đánh đàn dương cầm những bài Plaisir d’ Amour, Élégie, La Vie en Rose, Rêverie v v... Những nhạc phẩm của Chopin, Schumann... là các bà cao niên đều thuộc các bài ấy nên họ đánh nhịp theo và có lúc hát theo. trong đó có một cụ bà đã 101 tuổi.
Họ rất vui vẻ, nhộn nhịp theo tiếng đàn của nhạc sĩ Lê Hữu Mục. Thế giới của những người cao niên ở đây rất bình thản không giống chúng ta còn phải lo trả những bills nhà, xe, linh tinh.
Theo chị, có lẻ những người cao niên này đã được đấng Tạo Hóa ưu đãi. Họ được hưởng thụ vì kiếp trước + kiếp này đã làm nhiều điều thánh thiện!”
Riêng giáo sư LHM hiện nay, tuy tuổi đã cao vẫn vùi đầu vào văn chương. Thầy sắp cho in quyển NÔM HỌC. Cái nợ văn chương vẫn chưa trả xong. Lạy Trời giúp giáo sư thành công.
Thầy cũng đã được Hospital Juif mời giảng dạy về Music Therapy ( âm nhạc trị liệu) cho người già.
Hiện nay, thầy vẫn sáng tác những bài thánh ca cho nhà thờ tại Montreal, Canada được ban nhạc rất phong phú của nhà thờ có nhiều nhạc công trẻ yêu nhạc tham gia tấu nhạc. (ngưng trích).
Chủ nhật 11 tháng Giêng năm 2009 vừa qua, Toronto mời thầy từ Montréal sang để nhận một giải thưởng trị giá 3,000 Dollars Canada mang tên “Bùng Lên Việt Nam“ về những tác phẩm văn học và âm nhạc của thầy. Tuy nay tuổi đời đã cao, nghệ sĩ tính trong thầy vẫn còn, thầy đã lên sân khấu trình bày những nhạc phẩm của mình rất hùng hồn và say mê. Khán giả rất vui thích và nhiệt liệt tán thưởng bằng nhiều tràng pháo tay.
“May God Bless Our Dearest Teacher!” đó là lời mong ước chân thành nhất mà các học sinh của thầy Lê Hữu Mục luôn luôn tâm niệm.

PHƯƠNG-DUY - TRƯƠNG-DUY-CƯỜNG
(San Jose, California) 
TB: Chúng tôi nhận đuợc tin buồn Thầy LÊ HỮU MỤC vừa qua đời tại MONTREAL, CANADA (1925-2017) .
XIN THÀNH KÍNH CHIA BUỒN CÙNG TANG QUYẾN.
ĐOC 50 KINH KÍNH MỪNG CẦU NGUYỆN LINH HỒN THẦY R.I.P.
TRƯƠNG DUY CƯỜNG & GIA ĐÌNH

Không có nhận xét nào: