Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 11 tháng 11, 2017

KÝ-ỨC VỀ GIÁO-SƯ LÊ HỮU MỤC - Thanh Thanh Lê Xuân Nhuận

Giáo-Sư Lê Hữu Mục đã từng ở Huế, và tôi thì suốt thiếu-thời ở Huế, cho nên Giáo-Sư Lê Hữu Mục đã là một phần trong ký-ức của tôi.   Hồi đó, tôi được động-viên chuyên-môn với tư-cách văn-nghệ-sĩ & ký-giả vào làm việc tại Phòng 5 Bộ Tham-Mưu Đệ-Nhị Quân-Khu, từ tháng 4 năm 1954 đến tháng 10 năm 1956, thời-gian xảy ra nhiều biến-cố sôi-động nhất trong lịch-sử nước nhà.
<!>          Tôi vừa viết bài tuyên-truyền và cũng đích-thân lên xe Tác-Động Tinh-Thần (Moral Action= tiền-thân của Tâm-Lý-Chiến [Chiến-Tranh Tâm-Lý], rồi Chiến-Tranh Chính-Trị sau này) của Đại-Đội Võ-Trang Tuyền-Truyền đi phổ-biến tại các nơi giáp vùng Việt-Minh, vừa phụ biên-tập tuần-báo Tiếng Kèn của ký-giả Lê Đình Thạch, vừa nhập vào toán phóng-sự chiến-trường của nghệ-sĩ Tô Kiều Ngân, vừa viết thời-luận hằng ngày cho chương-trình phát-thanh Tiếng Nói Quân-Đội tại Đệ-Nhị Quân-Khu.
         Tôi được Bộ Tư-Lệnh, do Tham Mưu Trưởng là Thiếu-Tá Trần Thiện Khiêm ký Công-Vụ-Lệnh (bằng tiếng Pháp), cử kiêm-nhiệm Trưởng Ban Phát-Thanh, thông-thường gọi là Trưởng Đài hoặc Giám-Đốc Đài Tiếng Nói Quân-Đội tại Miền Trung, thay-thế nhạc-sĩ Anh-Chương.
           Khi ông Ngô Đình Diệm về nước làm Thủ-Tướng, Trung-Tướng Nguyễn Văn Hinh, với tư-cách Tổng Tham-Mưu-Trưởng Quân-Đội Quốc-Gia Việt-Nam, đã sử-dụng quân-đội để chống lại, với khẩu-hiệu Mười Vé Phi-Cơ cho gia-đình họ Ngô [ra khỏi Việt-Nam], hay là tính-mạng của cả trăm ngàn (?) chiến-sĩ Quốc-Gia?
          Tại Đệ-Nhị Quân-Khu, dưới quyền Tư-Lệnh là Đại-Tá Trương Văn Xương, Phòng 5, do Đại-Úy Đặng Văn An chỉ-huy, cầm đầu các hoạt-động của quân-đội, và cả dân-chúng, chống lại họ Ngô.  Và tôi là người phụ-trách viết bài thời-luận, tuyên-truyền, hiển-nhiên phải nằm trong phe Hinh+Xương.

          Nhưng tôi tự mình tách ra, tránh né âm-mưu của họ, bằng cách không những đã không viết gì chống-đối Ông Diệm, mà còn đả-kích thực-dân Pháp lúc đó đang còn thao-túng chính-quyền Quốc-Gia và có cố-vấn trong Quân-Đội Việt-Nam, đồng-thời đề-cao lý-tưởng tự-do mà Hoa-Kỳ gieo-rắc khắp năm châu. 
           Đài Huế hồi đó phát trên làn sóng rất mạnh, thính-giả nghe rõ cả ngoài Miền Bắc lẫn trong Miền Nam.
           Trong những ngày khởi-sự ủng-hộ Ông Diệm, tôi được người bạn là nhạc-sĩ Ngọc-Linh, từ nhóm thân-Diệm đầu tiên, đến móc nối để lợi-dụng Tiếng Nói Quân-Đội mà củng-cố vị-thế của thủ-tướng đang bấp-bênh trong Nam.
          Tôi biết rõ hơn về nhân-vật Ngô Đình Diệm, lúc đó vẫn còn xa-lạ đối với đại-đa-số đồng-bào, phần lớn là nhờ nhạc-sĩ Ngọc-Linh.
          Thế là tôi công-khai ly-khai, dùng Đài Quân-Đội Miền Trung để chính-thức chống lại Hinh+Xương, tức là chống lại Pháp, và hậu-thuẫn Diệm  người của Thế-Giới Tự-Do tức của Hoa-Kỳ.

           Phe Hinh+Xương phải lập một đài phát-thanh khác, nhưng nhỏ và yếu nên chỉ nghe được quanh Huế mà thôi.
           Kết-quả là Tiếng Nói Quân-Đội của tôi, nghe được khắp nước, nhất là ở Sài-Gòn, đã góp một phần tích-cực tác-động quân-sĩ, trấn-an dân-nhân, ổn-định tình-hình, giúp Ngô Thủ-Tướng thoát cảnh khốn-đốn ban đầu...
           Nhạc-sĩ Ngọc Linh là bào-đệ của Giáo-Sư Lê Hữu Mục.          Tôi quen Giáo-Sư Lê Hữu Mục trước tiên là qua nhạc-sĩ Ngọc-Linh.  
           Lê Hữu Mục là một trong số các nhà khoa-bảng/trí-thức hiếm-hoi của Huế thời bấy giờ. Ông dạy đại-học, nhưng ông cũng là một tay chơi đàn tuyệt-vời.
          Chương-trình phát-thanh của tôi, ngoài các mục bình-luận thời-cuộc, tin-tức thời-sự, điểm báo, phóng-sự chiến-trường, quân-nhân tìm hiểu, Anh-ngữ thực-hành (lớp dạy tiếng Anh vô-tuyến đầu tiên cho người Việt-Nam do tôi đảm-trách), thi-ca, kịch vô-tuyến, nhạc ngoại-quốc, cổ-nhạc, dân-ca 3 Miền, đương-nhiên là có tân-nhạc; mà mục tân-nhạc của Đài Quân-Đội Miền Trung hồi ấy thì vượt trội hẳn mục tân-nhạc của Đài dân-sự Huế, vì các tài-năng, nhất là giới trẻ, đều đã đổ dồn qua phía nhà-binh (một phần là do Phòng 5 trả tiền thù-lao cao hơn).
          Các ca-sĩ như Ngọc-Cẩm & Nguyễn Hữu Thiết, Kim Tước, Hà Thanh, Bạch Yến, v.v... đều hát ở đây trước khi dời vào Sài-Gòn.
          Điều-khiển ban tân-nhạc thì có các nhạc-sĩ tên-tuổi như Lê Quang Nhạc, Ưng Lang, Lâm Tuyền, Văn Giảng, Lê Trọng Nguyễn, v.v...

          Nhưng trong mấy năm có Ngọc Linh giúp tôi ở Đài Quân-Đội Miền Trung thì trên thực-tế Giáo-Sư Lê Hữu Mục là nhạc-trưởng, vì ông có tài sử-dụng và phối-hợp các nhạc-cụ, sắp-xếp chương-trình, giải-quyết các vấn-đề liên-quan.
          Điều đáng nói nhất là Giáo-Sư Lê Hữu Mục chỉ đến chơi đàn với tư-cách nghệ-sĩ và thân-hữu, cống-hiến tài-năng cho thính-giả bốn phương, chứ không phải là bán công trình-tấu để nhận tiền thù-lao.
          Do đó, Giáo-Sư Lê Hữu Mục có nhiều uy-tín hơn và được mọi người kính trọng hơn.

           Tôi gần-gũi với Giáo-Sư Lê Hữu Mục nhiều hơn là vào thời-gian ông ra tờ tuần-báo Rạng Đông.
          Tôi thấy ông làm mọi việc, hầu như là chủ-nhiệm kiêm chủ-bút kiêm tổng-thư-ký tòa-soạn, đích-thân đọc kỹ từng bài lai-cảo, tìm hiểu từng tác-giả, giải-đáp thắc-mắc cho từng người.
          Thế mà ông còn lo về phần trước-tác của chính ông.
          Trong lúc đó, ông là giáo-sư giảng-dạy tại Viện Đại-Học Huế, nơi có đặc-san Đại Học với sự đóng góp bài-vở giá-trị, nhất là nghiên-cứu văn-học, triết-học, lịch-sử, v.v... của những thành-phần ưu-tú như ông.

           Riêng với tờ tuần-báo Rạng Đông, tôi được ông giao giữ mục Vườn Thơ.
          Rõ-ràng là ông, nếu không làm thơ, thì cũng là một tay rành về thơ, hơn là chỉ một độc-giả yêu thơ; và ông đã dành thời-gian mời các nhà-thơ đến dự những buổi mạn-đàm về thơ, tại tư-thất ông là nơi dùng làm tòa-soạn của tờ Rạng Đông.

           Trong ký-ức tôi, ít nhất có hai kỷ-niệm vẫn còn đậm nét sau bao khúc quanh thời-gian.
           Từ cuối tháng 10 năm 1956 trở đi, mãn hạn quân-dịch, tôi rời Tiếng Nói Quân-Đội ra khỏi môi-trường văn-nghệ (văn thơ kịch nhạc) của chính-quyền, về lại với ngành Cảnh-Sát Công-An.
          Bên phía Thông-Tin (chủ-chốt văn-nghệ), từ Nha Trung-Phần đến Ty Thừa-Thiên, có chuyện tranh-giành ảnh-hưởng giữa các nhân-vật, đều là nhà-thơ, về các chức-vụ chỉ-huy trong ngành Thông-Tin. Trong khung-cảnh đó, có việc dò-xét moi-móc đời tư của nhau, cốt dìm người khác để mình leo lên.
          Trong một buổi họp tại tòa-soạn tuần-báo Rạng Đông, nhà-thơ Đỗ Tấn (tên thật là Đỗ Tấn Xuân, tác-giả tập thơ Mùa Hoa Sim Nở), đã đùa chỉ tôi mà bảo: Anh là cảnh-sát văn-nghệ đấy nhé!  Nó chỉ có nghĩa là một viên-chức cảnh-sát mà làm văn-nghệ, nhưng nó cũng có nghĩa ngầm là một viên-chức mật-vụ, hoặc văn-nghệ-sĩ mà làm công-tác dò-xét, nhắm chính vào giới văn-nghệ.  Ý hẳn Đỗ Tấn muốn chọt một kẻ nào đó trong số nhà-thơ viên-chức Thông-Tin có mặt trong buổi họp ấy, song câu nói đó làm tôi nổi sùng, vì tôi không ở trong ngành Thông-Tin.
          Tôi thấy Giáo-Sư Lê Hữu Mục có vẻ tinh-ý thông-cảm tâm-trạng của tôi.
          Lát sau, ông lấy ra một bài thơ của tôi, đọc lên, phê-bình với lời ngợi-khen, rồi kết-luận:    

          Thanh-Thanh bao giờ cũng vẫn là Thanh-Thanh.
          Tôi đoán là ông gián-tiếp trả lời Đỗ Tấn giùm tôi, nên tôi thầm cám ơn ông.

           Hồi đó, dân Huế vẫn còn thủ-cựu, nếu không nói là cổ-hủ, lạc-hậu hay quan-liêu.  Đi ra khỏi nhà thì phải phục-sức đường-hoàng, nhét áo trong quần, không mặc sơ-mi chim-cò (có hình, có hoa).  Nói-năng thì phải lựa lời, nhất là tôn-trọng tuổi-tác, địa-vị xã-hội, cấp-chức chính-quyền.
          Những ai tiếp-xúc với Giáo-Sư Lê Hữu Mục, dù không phải là học-sinh/sinh-viên, cũng vẫn gọi ông là giáo-sư, thông-thường thì gọi ông là ông.

          Thế mà, có một hôm, trong buổi họp, nhà-thơ Trần Dạ Từ, đã gọi Giáo-Sư Lê Hữu Mục  anh.
          Tiếng anh  Trần Dạ Từ, người trẻ tuổi nhất, chưa có sự-nghiệp, dùng để gọi một giáo-sư đại-học, một trong số ít các nhà trí-thức được chế-độ trọng-vọng, đã gây ngạc-nhiên cho nhiều người.
          Trần Dạ Từ thì hồn-nhiên, không để ý gì đến chuyện đó.
          Nhưng khi ra khỏi tòa-soạn Rạng Đông, tôi nghe có tiếng xì-xầm: ông Mục bất-bình vì Trần Dạ Từ gọi ông là anh.
          Dù sao, tôi vẫn không tin là Giáo-Sư Lê Hữu Mục bực Trần Dạ Từ về chuyện đó, bởi ông không hề có ý lập nên một Hội của các nhà-thơ, để giữ chức-vụ Hội-Trưởng hay Chủ-Tịch (như bên Hội Văn-Nghệ-Sĩ và Ký-Giả Miền Trung), không phân-biệt gì khi mời các nhà-thơ đến họp, và trước sau ông cũng vẫn là một người yêu thơ, có tâm-hồn thơ.   

           Về sau, vì hoàn-cảnh chung của Đất Nước, cũng như riêng của cá-nhân, tôi không còn gặp mặt Giáo-Sư Lê Hữu Mục, nhưng vẫn gặp ông trong một số tác-phẩm của ông.
          Về mặt văn-học nghệ-thuật, ông đã đóng góp vào kho tàng Văn-Hóa Việt-Nam nhiều công-trình biên-khảo có giá-trị cao.
          Tuy ở xa ông, nhưng khi đề-cập đến ông, tôi vẫn còn nhớ thời-gian cộng-tác với ông qua tờ tuần-báo Rạng Đông với lòng kính mến như tự ngày nào.

                                                                                 Alameda, Tháng Tư 2007
                                                                                 Thanh-Thanh (Lê Xuân Nhuận)

Không có nhận xét nào: