Khi còn là ứng cử viên, Donald Trump đã cho thấy là ông không coi các tập quán trong chính giới Mỹ vào đâu : Từ ngôn từ, hành động, cho đến việc tuân thủ những « cấm kỵ » như tránh đụng chạm đến tôn giáo hay báo chí. Nhiều nhà quan sát từng cho rằng cung cách ông sẽ thay đổi sau khi trở thành « tổng thống tân cử » (từ ngày 08/11/2016), chuẩn bị lên nhậm chức ngày 20/01/2017. Thế nhưng không ! Trong thân phận mới, ông Donald Trump vẫn tiếp tục làm điều có thể gọi là một cuộc « cách mạng tập quán » trong chính trường Mỹ, phá vỡ mọi thông lệ mà những người tiền nhiệm luôn tôn trọng.
Hãng tin Pháp AFP ngày 18/12 đã điểm qua một số động thái phá cách của ông Donald Trump trong tư cách tổng thống tân cử để dự báo một nhiệm kỳ tổng thống rất mới lạ.
Chuyến đi vòng quanh nước Mỹ để chào mừng thắng lợi
Động thái đầu tiên của tổng thống vừa đắc cử là tổ chức « Chuyến đi chào mừng thắng lợi » vòng quanh nước Mỹ. Đây là một điều chưa từng thấy.
Peter Kastor, giáo sư bộ môn lịch sử tại Đại học Washington St Louis, ghi nhận : « Tất cả các tổng thống Mỹ (cho đến nay) đều xem việc tiến về Washington như là một thời khắc mang tính biểu tượng, nhưng Donald Trump thì không làm như bất kỳ người tiền nhiệm nào ».
Ông Donald Trump đã đi một vòng nước Mỹ để cảm ơn những người ủng hộ ông với những cuộc mít tinh không khác gì lúc vận động tranh cử, với cả nón mũ và các tấm biển ủng hộ Trump.
Trả lời AFP, giáo sư cho rằng động thái đó của ông Trump tuy rất khác thường, nhưng lại rất phù hợp với phong cách vận động của ông Trump.
Ngày 16/12, tại Mobile (bang Alabama ở miền nam nước Mỹ), chặng cuối cùng trong vòng cảm tạ, ông Trump đã nói với đám đông : « Họ nói rằng với tư cách là tổng thống, tôi không nên tổ chức mít tinh, nhưng tôi nghĩ ngược lại là cần phải làm ».
Và ông nói thêm với một nụ cười tươi, trong tiếng vỗ tay nhiệt liệt của cử tọa : « Chúng ta hoàn toàn làm khác họ ! »
Không họp báo
Điểm khác lạ thứ hai là tổng thống tân cử Donald Trump không hề tổ chức họp báo.
Cách đây 8 năm, khi tổng thống Obama còn mang thân phận tân cử, ông đã tổ chức không dưới 11 cuộc họp báo, cho dù lúc ấy kinh tế Mỹ đang khủng hoảng.
Còn Donald Trump thì sao. Cho đến giờ chưa thấy một cuộc họp báo nào, mà chỉ có một vài cuộc phỏng vấn, trong đó ba cuộc phỏng vấn dài – dành cho hai hãng truyền thông CBS và Fox News, cũng như cho nhật báo New York Times.
Các tổng thống Clinton, Bush, Obama đều giới thiệu từng người trong ê kíp chính phủ mà mình thành lập với báo chí. Donald Trump thì chỉ công bố những thông báo, hay đưa ra những thông tin ngắn trên mạng Twitter vào lúc sáng sớm hay vào buổi tối rất khuya.
Tệ hơn nữa, theo giới báo chí ở Nhà Trắng, ê kíp của tổng thống tân cử còn nghĩ đến việc bãi bỏ truyền thống tiếp xúc với báo chí hàng ngày của người phát ngôn ngành Hành Pháp Mỹ.
Màn “trình diễn” chọn người
Điểm mới lạ thứ ba là ông Donald Trump đã dàn dựng việc tuyển chọn thành viên chính phủ thành một sự kiện chẳng khác gì một cuộc tuyển chọn diễn viên.
Việc chọn 15 thành viên ‘nội các’ diễn ra hầu như trước dân chúng : các ứng viên đi đến chỗ hẹn như thể họ đến tham gia những buổi diễn thử trong các cuộc tuyển chọn diễn viên. Nơi hẹn là Trump Tower hay tại một trong những cơ sở của nhà tỷ phú ở New Jersey hoặc Florida.
Mitt Romney, cựu ứng viên đối thủ của ông Trump nay trở thành người ngưỡng mộ hàng đầu, đã phải đi thử vận mệnh vào chiếc ghế ngoại trưởng đến hai lần, nhưng rốt cuộc đã không được chọn, bị thua trước chủ tịch ExxonMobil, Rex Tillerson… mà ông Donald Trump chỉ gặp lần đầu tiên vào ngày 6/12.
Chính khách ‘chuyên nghiệp’ bị xếp xuống hàng thứ yếu
Một kiểu phá lệ khác của tổng thống tân cử Donald Trump là ông không ưu tiên chọn cộng sự viên trong giới chính khách gọi là “chuyên nghiêp”
Thông thường, các thống đốc, thượng nghị sĩ, những người lão luyện với chính trường, quen thuộc với việc điều hành công việc nhà nước, là thành phần trọng yếu trong các ê kíp chính phủ. Nhưng năm nay thì không.
Ông Donald Trump như đã áp dụng câu nói « ngưu tầm ngưu, mã tầm mã » và đã chọn những người giống ông : Ưu tiên cho giới đại chủ nhân, và các nhà đầu tư lớn.
Nếu trong ê kíp của Obama có một giải Nobel Vật Lý, thì trong nội các Donald Trump có nhiều nhà tỷ phú... và đến 3 vị tướng hồi hưu.
Nam nữ đồng đều ? Không đời nào !
Một cái mới khác với Doanald Trump là ông như đã phớt lờ các nỗ lực nhằm tạo nên sự bình đẳng giới tính hay chủng tộc, vốn luôn luôn là một thách thức ở Mỹ.
Vấn đề bình đẳng nam nữ chẳng hạn, rất được ông Obama quan tâm. Cho dù chỉ có 6 phụ nữ trên tổng số 22 thành viên ê kíp của Obama, nhưng họ đều ở vị trí đáng kể, nhân vật số hai của chính quyền từng là… Hillary Clinton.
Còn Donald Trump cho đến nay đã chọn được 4 phụ nữ vào chức bộ trưởng, nhưng chỉ là các bộ thứ yếu. Trong nội các Donald Trump, 11 vị trí đầu trong thứ tự kế nhiệm tổng thống toàn là đàn ông da trắng.
‘Nội các’ Trump chỉ có một người da đen và hoàn toàn không có người châu Mỹ La Tinh nào.
Đệ nhất phu nhân Melania vẫn ở New York
Bà Melania Trump và đứa con trai 10 tuổi sẽ không chuyển đến ở Nhà Trắng vào ngày 20/01/2017, mà tiếp tục ở lại New York trong căn hộ thông 3 tầng. Theo giáo sư Kastor, đây là một điều chưa từng xẩy ra đối với một gia đình tổng thống Mỹ.
Chuyên gia này ghi nhận: « Tiến trình chuyển giao quyền hành tổng thống ở Mỹ thường là một thời khắc quan trong của quốc gia, và thường khi là câu chuyện của một gia đình chuyển đến Washington… Từ một thế hệ nay, người ta thường cho thấy cảnh những gia đình Mỹ trung lưu dời đến nhà mới, người ta thường nói về những cái thùng các tông đựng vật dụng của họ, người ta thường nói đến những cảm tưởng khi chuyển từ một ngôi nhà ở bình thường của cá nhân đến dinh thự nhà nước to lớn này. »
Đối với giáo sư Kastor: « Lần này thì quả là chuyện chưa từng thấy ! ».
Hội đồng Nga-Nato họp lần thứ 3 trong năm
Binh sĩ Lítva cùng đồng đội thuộc 11 thành viên NATO khác tham gia tập trận trong môi trường chiến tranh đô thị gần Pabrade (Lít Va) ngày 02/12/2016.REUTERS/Ints Kalnins
Hôm nay, 19/12/2016, tại Bruxelles, hội đồng Nga-Nato họp lần thứ 3 chỉ trong vòng một năm. Mục đích là để Liên minh Bắc Đại Tây Dương thuyết phục với đại diện Nga rằng việc triển khai quân theo chương trình năm tới tại Ba Lan và các nước vùng Baltic chỉ đơn thuần là phòng thủ.
Trước phiên họp này, cuối tuần trước, đại sứ Nga tại NATO, Alexandre Grouchko cho biết sẽ thảo luận về tình hình liên quan đến an ninh châu Âu, trong đó bao gồm cả những hệ quả của việc NATO tăng cường hiện diện ở sườn đông.
Trong chương trình đầu năm 2017, NATO sẽ triển khai 4000 quân tại Estonia, Litva, Latvia và Ba Lan.
Theo Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, số quân trên được điều động là do việc Matxcova sáp nhập Crimée khiến các nước vùng Baltic lo ngại. Tổng thư ký khối NATO, Jens Stoltenberg, cho biết là việc triển khai quân lần này chỉ mang tính chất răn đe, tránh xung đột.
NATO đã đình chỉ mọi hợp tác với Matxcơva sau vụ sáp nhập bán đảo Crimée thuộc Ukraina, tuy nhiên tổ chức này vẫn nhận thấy cần tiếp tục thảo luận với Kremlin để tránh các hiểu lầm có thể dẫn đến xung đột.
Phiên họp hội đồng NATO-Nga hôm nay diễn ra trong bối cảnh, quân đội Nga hỗ trợ Damas từ hơn một năm qua đã giúp chính quyền Bachar al Assad giành thắng lợi, chiếm lại thành phố Aleppo từ quân nổi dậy, và tại Hoa Kỳ, ông Donald Trump chuẩn bị nhậm chức tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ
Đức – Pháp : Biểu tình lên án cuộc chiến Syria và đoàn kết với Aleppo
Thường dân ở đông Aleppo đang chờ đi di tản, ngày 16/12/2016.®REUTERS/Abdalrhman Ismail
Trước thảm cảnh của nạn nhân chiến sự tại Aleppo nói riêng và Syria nói chúng, hàng ngàn người đã xuống đường ngày hôm qua 17/12/2016 tại Đức và tại Pháp để tố cáo cuộc chiến tranh đang diễn ra ở Syria và đặc biệt là tại Aleppo, nơi mà « thường dân bị kẹt trong bẫy rập », trong đó có rất nhiều trẻ em.
Hãng tin Pháp AFP, trích số liệu của cảnh sát Đức, cho biết là đã có gần 3000 người tham gia hai cuộc biểu tình tại Berlin, ở trước tòa nhà Quốc Hội, và trên một quảng trường đông đảo người qua lại ở trung tâm thủ đô Đức.
Người biểu tình muốn thức tỉnh dư luận, mà theo họ, vẫn thờ ơ trước thảm cảnh tại Aleppo. Họ đã phất cờ Syria và đốt nến trước Quốc Hội Đức, giương cao các biểu ngữ như « Trẻ em Aleppo đang kêu gọi chúng ta », « Aleppo trong máu lửa mà thế giới lại đứng nhìn ».
Cuộc biểu tình do hiệp hội Adopt a Revolution tổ chức, tập hợp được rất nhiều thanh niên người Đức và cộng đồng người Syria, Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại Pháp, biểu tình cũng tập hợp được hàng trăm người tham gia tại Paris, cũng như ở một số thành phố lớn khác như Lille ở miền Bắc, hay Strasbourg ở miền Đông, Marseille ở miền Nam.
Tổng thống Venezuela gia hạn việc sử dụng giấy bạc lớn 100 bolivar
Các thiếu niên Vénézuela đang chơi với các tờ tiền 100 Bolivar, trước đây là tờ tiền có mệnh giá lớn nhất, nay đã mất giá trị, Caracas, ngày 16/12/2016.GEORGE CASTELLANOS / AFP
Trước các khó khăn mà dân chúng đang phải gánh chịu, tổng thống Venezuela Nicolas Maduro vào hôm qua, 17/12/2016 đã thông báo gia hạn việc sử dụng tờ giấy bạc mệnh giá 100 Bolivar cho đến ngày mùng 2 tháng Giêng năm 2017.
Trên nguyên tắc, loại giấy bạc 100 Bolivar, có mệnh giá lớn nhất được lưu hành cho đến nay, đã chính thức mất giá trị từ thứ Năm, 15/12.
Người dân đã phải đến đổi tiền mới hay ký thác vào ngân hàng, và thời hạn chót để làm việc này là tối thứ Năm. Thời hạn do chính quyền đề ra quá cấp bách, ngân hàng bị quá tải, chật nghẹt người, nên làm không xuể. Tệ hại nhất là giấy bạc mới vẫn không có.
Tại một đất nước mà đại bộ phận dân chúng luôn sử dụng tiền mặt - 40% dân chúng không có tài khoản ngân hàng, nhiều người đã nhanh chóng bị thiếu hụt tiền mặt để mua hàng cần thiết nhất là trong bối cảnh mùa lễ Giáng Sinh. Tình hình rất hỗn loạn, biểu tình mọi nơi, nhiều cửa hàng bị cướp bóc…
Phát biểu từ phủ tổng thống vào hôm qua, ông Maduro đã giải thích là sở dĩ các giấy bạc mới chưa đến được, đó là do có các hành vi « phá hoại, được chỉ thị từ nước ngoài ».
Cuba : Cảnh sát ngăn chận biểu tình và bắt đối lập
Một thành viên hội Các Phụ Nữ Á Trắng bị nhân viên an ninh Cuba bắt giữ nhân cuộc biểu tình ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10/12/2015 tại La Habana (Cuba)REUTERS/Alexandre Meneghini
AFP dẫn tin lãnh đạo đối lập Cuba cho biết cảnh sát Cuba vào hôm qua, 18/12 đã ngăn chận biểu tình ở hai thành phố Santiago de Cuba và Palma Sporiano, và bắt giữ hàng chục người. Người biểu tình đòi trả tự do cho các nhà đối lập bị bắt.
Theo một lãnh đạo đối lập Cuba, ông Ferrer, trả lời AFP, ngay từ sáng sớm cảnh sát bắt đầu chiến dịch lục soát nhà : 42 người bị bắt ở Santiago, 12 người ở Palma và 10 ở La Habana.
Ông Ferrer cũng bị bắt và tạm giữ vài tiếng đồng hồ. Ông cho biết bị cảnh sát đe dọa. Họ cho là kêu gọi biểu tình rất nguy hiểm, gây bạo động, xáo trộn trật tự công cộng.
Đây là cuộc biểu tình đầu tiên từ ngày Fidel Castro qua đời. Theo AFP cảnh sát thường khi ngăn chận biểu tình bằng cách tạm bắt giữ người cho là lãnh đạo.
Ở La Habana, tổ chức đối lập "Phụ nữ áo trắng", cho biết là cảnh sát cũng đã bao vây đến 20 nhà của thành viên của tổ chức này vào hôm Chủ nhật.
Theo AFP, nữ luật sư người Mỹ Kimberlay Motley đã bị bắt giữ vào hôm thứ Sáu 16/12, trong lúc bà chuẩn bị đến nhà tù thăm nhà đối lập Danilo Maldonado, nổi tiếng vẻ graffiti và có biệt danh el Sexto-người thứ 6.
Maldonado bị bắt ngày 26/11, một ngày sau cái chết của ông Fidel Castro, vì ông đã viết trên tường câu ‘"se fue – ông đã đi rồi".
Ba Lan: Tiếp tục biểu tình chống chính phủ vì các quy định phi dân chủ
Biểu tình trước trụ sở Quốc Hội ở Vacxava (Ba Lan) chống các quy định hạn chế truyền thông báo chí tại Quốc Hội Ba Lan, ngày 16/12/2016.Agencja Gazeta/Franciszek Mazur/via REUTERS
Hôm nay, 19/12 /2016, ngày thứ 3 liên tiếp, hàng nghìn người Ba Lan vẫn bám trụ trước tòa nhà Quốc Hội biểu tình bày tỏ sự phẫn nộ với việc chính quyền ban hành các quy định hạn chế hoạt động của báo chí tại Quốc hội, bị đánh giá là phản dân chủ. Trong khi đó ở bên trong nghị trường, các dân biểu đối lập tiếp tục phong tỏa diễn đàn.
Tổng thống Ba Lan từ hôm qua đã phải tiếp đại diện các đảng đối lập ở Quốc Hội nhằm là dịu tình hình. Tuy nhiên không có thỏa hiệp nào đạt được. Thông tín viên Damien Simonart tại Vacxava :
Cuộc huy động lực lượng của dân chúng trước tòa nhà Quốc Hội không hề suy yếu. Các lãnh đạo đối lập kêu gọi duy trì biểu tình ít nhất cho đến Noel. Người biểu tình đòi phải để các nhà báo được trở lại tác nghiệp ở Quốc Hội.
Theo quy định mới sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2017, chỉ có các máy quay của đài truyền hình Nhà Nước mới được ghi hình các cuộc thảo luận tại nghị trường quốc hội.
Phe đối lập còn đòi bỏ phiếu lại về ngân sách Nhà Nước cho năm 2017, sau khi họ ghi nhận có gian lận trong cuộc bỏ phiếu hôm thứ Sáu vừa qua.
Về phần mình, đảng Công Lý và Pháp Luật ( PiS) của ông Jaroslaw Kaczynski phủ nhận trách nhiệm về tình trạng hỗn loạn trong vụ các đối thủ của ông phong tỏa diễn đàn Quốc Hội từ gần ba ngày qua.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, thuộc đảng Công Lý và Pháp Luật, hôm qua đã đích thân tiếp lãnh đạo ba đảng đối lập tại nghị viện nhằm làm dịu căng thẳng. Hôm nay, ông còn có buổi tiếp cựu chủ tịch đảng của mình Jaroslaw Kaczynski.
Putin dọa Sarkozy : « Nếu anh còn tiếp tục như vậy, tôi nghiền nát anh đấy »
Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) tiếp cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Matxcơva, ngày 29/10/2016AFP PHOTO / POOL / SERGEI CHIRIKOV
Bộ phim tài liệu « Sự bí ẩn của Putin » của đài truyền hình France 2 vào tối thứ Năm 15/12/2016 đã giải đáp được một thắc mắc tồn tại từ gần một thập niên qua : Trong cuộc họp báo nhân thượng đỉnh G8 hồi tháng 07/2007, tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đến muộn và có thái độ không bình thường, phải chăng ông say rượu vì trước đó, nguyên thủ Pháp đã gặp tổng thống Nga Vladimir Putin ?
Câu trả lời là không. Và thực tế thì phũ phàng hơn. Sarkozy đã choáng váng vì bị Putin làm nhục và thẳng thừng đe dọa theo kiểu « anh chị ».
Báo Les Echos, ngày 16/12/2016, thuật lại lời kể của nhà báo Nicolas Hénin, nhân chứng trong bộ phim tài liệu. Theo các nguồn tin của ông, thì bên lề thượng đỉnh nhóm G8 (ngày 06-08/06/2007), tại Heiligendamm, Đức, Nicolas Sarkozy, vừa mới nhậm chức tổng thống Pháp trước đó hai tháng, đã có cuộc gặp với tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Pháp đến dự cuộc gặp với thái độ tự tin. « Chúng ta sẽ đề cập đến những chủ đề gây khó chịu », như cuộc chiến tranh ở Tchetchenia làm hàng trăm người thiệt mạng, vụ sát hại nữ nhà báo Anna Politkovskaïa, vấn đề nhân quyền, các quyền của cộng đồng đồng tính… Nguyên thủ Pháp khẳng định, « đối với tôi, đó là những vấn đề không thể chấp nhận được ».
Trong cuộc gặp giữa hai nguyên thủ, dường như Putin đã để cho Sarkozy nói và khi tổng thống Pháp ngừng lời thì đồng nhiệm Nga im lặng trong vài giây. Theo miêu tả của nhà báo Nicolas Hénin, thì sự im lặng này tạo nên bầu không khí khó xử.
Với vẻ mặt chế nhạo, Putin nói với Sarkozy : « Được rồi, anh đã nói xong chưa ? », rồi lưu ý rằng diện tích nước Pháp nhỏ xíu so với nước Nga. Putin cảnh cáo : « Nếu anh tiếp tục với giọng điệu như vậy, tôi sẽ nghiến nát anh hoặc là anh đừng ăn nói như vậy với tôi, anh mới trở thành tổng thống Pháp và tôi có thể biến anh thành một vị vua ở châu Âu ».
Các phát biểu sau đó của Putin thường xuyên đi kèm những lời thóa mạ, mạt sát làm cho ông Sarkozy thực sự bị choáng voáng. Điều này giải thích vì sao nguyên thủ Pháp có thái độ gây ngạc nhiên trong cuộc họp báo. Nhà báo Nicolas Hénin khẳng định, « Putin không uống rượu, Sarkozy cũng không, nhưng Sarkozy bị đo ván, như chết đứng vì bị Putin làm nhục ».
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét