Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 20 tháng 12, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Ba 20/12 - Lê Minh Nguyên


Trung Quốc trả lại Mỹ tàu lặn không người lái --- Mỹ lộ vẻ “cọp giấy” trước Trung Quốc, đồng minh châu Á lo ngại --- TQ gợi ý tặng vũ khí và thuyền cao tốc cho Philippines<!>
Hôm thứ Ba, 20/12, Trung Quốc đã trả lại một tàu lặn không người lái của Mỹ mà họ đã thu giữ hồi tuần trước ở vùng biển quốc tế trên Biển Đông.
Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài Peter Cook cho biết việc bàn giao đã diễn ra ở ngay địa điểm Trung Quốc vớt chiếc tàu lặn lên, tàu này đo độ mặn và nhiệt độ của các tầng nước biển.

Trong một tuyên bố, ông Cook nói: "Sự cố này không phù hợp cả với luật quốc tế lẫn các tiêu chuẩn về tính chuyên nghiệp trong ứng xử giữa các lực lượng hải quân trên biển". Ông cho biết thêm: "Hoa Kỳ đã nêu lên những điều đó với Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao và quân sự phù hợp, và đã kêu gọi nhà chức trách Trung Quốc tuân thủ các nghĩa vụ của họ theo luật quốc tế và tránh có thêm hành động cản trở hoạt động hợp pháp của Hoa Kỳ".
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết việc bàn giao đã diễn ra hoàn toàn "suôn sẻ" sau khi có "hiệp thương hữu nghị" giữa hai nước.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh sau đó nói Hoa Kỳ thường xuyên tiến hành do thám rất gần các vùng biển ven bờ của Trung Quốc, đây là việc làm bị Trung Quốc phản đối mạnh mẽ. - VOA
Vụ Hải Quân Trung Quốc lấy đi một chiếc tàu lặn không người lái của Mỹ tại Biển Đông vào hôm nay, 20/12/2016 đã được giải quyết ổn thỏa. Tuy nhiên, trước một hành động bị coi là « táo tợn » của Trung Quốc, phản ứng yếu ớt của Mỹ đã gây quan ngại nơi các đồng minh của Hoa Kỳ tại châu Á, thấy rằng Washington đã hành xử như một con « cọp giấy », đúng như Trung Quốc thường rêu rao.

Theo ghi nhận của nhật báo Mỹ New York Times ngày 18/12, hành động của Hải Quân Trung Quốc rất táo tợn vì diễn ra trong vùng hải phận quốc tế ở Biển Đông, chỉ cách Philippines 50 hải lý, một nước từng là đồng minh thân thiết của Washington.
Hơn thế nữa, như New York Times nêu bật, hành động của Trung Quốc còn diễn ra bên ngoài « đường chín đoạn » mà Bắc Kinh dùng để đánh dấu yêu sách chủ quyền của họ ở Biển Đông.

Theo các chuyên gia phân tích, khi làm như vậy, Bắc Kinh như muốn cảnh cáo các nước khác, kể cả Mỹ, rằng toàn bộ vùng biển này thuộc thẩm quyền của Bắc Kinh, bất chấp về mặt pháp lý, Hoa Kỳ hoàn toàn có quyền tiến hành các hoạt động quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines.

Trung Quốc táo tợn như vậy nhưng Hoa Kỳ hầu như không có phản ứng. Các nhà ngoại giao và chuyên gia phân tích đều ghi nhận là chính quyền Obama đã không có được một phản ứng mạnh dạn trước hành động thách thức của Bắc Kinh. Thậm chí Hải Quân Mỹ còn không dám gởi chiến hạm của mình đến hiện trường để xem xét tính hình.
Một số nguồn tin thông thạo cho biết là Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ đã họp lại để thảo luận về cách đối phó với vấn đề này, nhưng chỉ quyết định đòi lại chiếc tàu lặn mà thôi, điều mà Bắc Kinh cho biết là sẽ thực hiện, và họ đã làm vào hôm nay.

Mỹ nói mạnh nhưng hành động thiếu kiên quyết
Vấn đề đặt ra là Hoa Kỳ trong thời gian qua đã nói rất dữ về quyết tâm chống lại các hành vi trái với luật pháp quốc tế ở Biển Đông, nhưng lần này, rõ ràng là Bắc Kinh làm càn, nhưng Washington lại làm ngơ.

Theo ông Douglas H. Paal, nhà nghiên cứu tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, hệ quả của việc này rất rõ : « Các quan sát viên và các đồng minh của Mỹ không thể không kết luận rằng điều đó cho thấy là uy quyền của Mỹ trong khu vực đã giảm sút ».
Điều này lại càng đáng ngại khi Trung Quốc trong thời gian gần đây, đã không ngần ngại khẳng định quyền thống trị mà họ cho là « vốn có » của mình trong khu vực, và không ngần ngại gây sự cố để thách thức sự hiện diện của Mỹ, và thách thức cả các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ.

Theo ông Alexander Vuving, một chuyên gia về Việt Nam tại Trung Tâm Nghiên Cứu An Ninh Châu Á-Thái Bình Dương ở Hawaii, sự cố tàu lặn Mỹ bị Trung Quốc tịch thu nghiêm trọng ở chỗ nó đánh thẳng vào nguyên tắc tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế.
Chuyên gia này lo ngại rằng điều đó có thể dự báo cho việc Trung Quốc áp đặt luật lệ riêng của họ tại Biển Đông. Trả lời New York Times ông Vuving xác định : « Trung Quốc cho thấy rằng họ đang trong quá trình thiết lập các quy tắc ở Biển Đông, áp đặt quan điểm riêng của họ ở Biển Đông và nói rằng Biển Đông là sân sau của họ ».

Theo ông Vuving, «nếu Trung Quốc không bị hề hấn gì sau vụ này, điều đó sẽ gửi một thông điệp đáng sợ đến các nước trong khu vực », và một số lãnh đạo, như Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines, sẽ cảm thấy được khích lệ khi quyết định xa rời Mỹ để kết thân với Trung Quốc.

Còn đối với với Việt Nam, ông Vuving cho rằng Hà Nội « sẽ phải xem xét lại toàn cảnh khu vực". - RFI

Hôm qua, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết Trung Quốc đã đề xuất trao tặng cho Manila một số vũ khí hạng nhẹ và thuyền cao tốc với tổng giá trị lên tới 14 triệu đô la, nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống ma túy và chống khủng bố của tổng thống Rodrigo Duterte.
Đề nghị này đã được đại sứ Trung Quốc tại Philippines đưa ra trong một cuộc họp với tổng thống Duterte tại phủ tổng thống. Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana cũng cho biết thêm là Bắc Kinh cũng đã chuẩn bị sẵn 500 triệu đô la cho Philippines vay ưu đãi dài hạn để mua sắm các thiết bị khác.

Còn ngoại trưởng Perfecto Yasay hôm qua cho biết tổng thống Rodrigo Duterte đặt ưu tiên hàng đầu là cải thiện quan hệ ngoại giao với Trung Quốc trước khi thảo luận về các vấn đề nhạy cảm trong quan hệ song phương.

Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết Manila sẵn sàng chia sẻ với Trung Quốc nguồn tài nguyên dầu lửa trên Biển Đông, tại khu vực mà hai nước đều đang có đòi hỏi chủ quyền, với lý do Philippines không có khả năng quân sự mạnh như Trung Quốc.

Ông Duterte cũng cho rằng việc triển khai thủy quân lục chiến để giành lại quyền kiểm soát tại khu vực Biển Đông mà Trung Quốc chiếm giữ vào năm 2012 là không khả thi. Tổng thống Duterte nói : "Họ sẽ bị xóa sổ chỉ trong một phút. Đó sẽ là một thảm họa." - RFI

2.
Nga-Thổ Nhĩ Kỳ: Giết Đại sứ Nga là hành động khiêu khích

Hoa Kỳ lên án vụ ám sát Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ ở Ankara hôm thứ Hai. Các giới chức chia buồn với gia đình của Đại sứ Andrei Karlov và đề nghị giúp Nga và Thổ Nhĩ Kỳ điều tra vụ ám sát.
Video đài VOA có được chiếu cảnh một thanh niên cầm súng kế bên một thi thể nằm gục trên sàn nhà. Thanh niên cầm súng la lớn “Allahu Akhbar” và hô hào về vấn đề Aleppo và Syria. Nghi can giết người được giới hữu trách xác định là một nhân viên của lực lượng cảnh sát chống bạo động Ankara, 22 tuổi. Hiện chưa rõ nghi can này có liên hệ với bất cứ tổ chức nào hay không.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi vụ ám sát này là một hành động khiêu khích với mục đích phá hoại quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ:
"Chỉ có một cách duy nhất để đáp trả, đó là tăng cường chống khủng bố, và quân cướp sẽ nhận lãnh những gì chúng gây ra."

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý với Tổng thống Putin. Ông phát biểu:

"Ngay sau vụ ám sát, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Putin, chúng tôi đồng ý với nhau rằng đây rõ ràng là một hành động khiêu khích không có gì phải bàn cãi."

Tổng thống Erdogan cho biết hai nước sẽ hợp tác điều tra vụ ám sát.
Quan hệ giữa Moscow và Ankara đã xấu đi nhiều do những bất đồng về vấn đề Syria. 
Ông Alexander Golts, một chuyên gia quân sự Nga, nhận định rằng Moscow có thể dùng vụ Đại sứ Karlov bị ám sát để tiến tới trong vấn đề Syria:

"Tôi nghĩ Nga sẽ dùng vụ Đại sứ Karlov bị ám sát làm con bài lấn át tại vòng đàm phán kế tiếp về Syria, nhưng chúng tôi sẽ không quên rằng mối quan tâm về Syria của chúng tôi song hành với mối quan tâm về Thổ Nhĩ Kỳ của chúng tôi."

Nga hậu thuẫn Tổng thống Bashar al-Assad của Syria, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ phe đối lập. Quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một chiến đấu cơ của Nga ở Syria hồi tháng 11 năm 2015. Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã xin lỗi và lãnh đạo hai nước đã nối lại các cuộc tiếp xúc bình thường. Hôm thứ Ba 20/12, đại diện của các nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran trù liệu sẽ nhóm họp để bàn luận về tình hình ở Syria, nơi các lực lượng của Tổng thống Assad đang chiếm lại quyền kiểm soát khu vực phía đông thành phố Aleppo từ phe nổi dậy.

Hoa Kỳ lên án vụ sát hại Đại sứ Karlov và đã gởi lời chia buồn đến thân nhân của ông và nhân dân Nga.

Phát ngôn viên John Kirby của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phát biểu:

"Chúng tôi sẵn sàng trợ giúp những gì mà Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể yêu cầu để điều ra vụ tấn công đê tiện này. Ngoại trưởng John Kerry nói đó cũng là một cuộc tấn công vào quyền của tất cả các nhà ngoại giao phải được an toàn và bảo vệ trong khi tiến cử và đại diện cho quốc gia của họ trên khắp thế giới."

Các giới chức Mỹ từ chối bình luận về vụ ám sát cho đến khi có kết quả điều tra rõ ràng. - VOA

3.
Xe "điên" lao vào chợ Noel Berlin, ít nhất 12 người chết

Ít nhất 12 người chết và 48 người bị thương, trong đó có nhiều người đang trong tình trạng nghiêm trọng, trong vụ một chiếc xe tải đâm vào đám đông tại một chợ Noel ở trung tâm Berlin, tối hôm qua, 19/12/2016. Cơ quan công tố Đức phụ trách về khủng bố khởi sự điều tra. Theo báo chí Đức, thủ phạm có thể là một người Pakistan hoặc Afghanistan mới đến Đức xin tị nạn.
Về thảm kịch tối qua, các nhà điều tra gần như chắc chắn một điều : Đây không phải là một tai nạn, cho dù trong hiện tại vẫn chưa biết vì sao người lái xe (hoặc những người lái xe) đã hành động như vậy. Vụ việc xảy ra trên đoạn đường đi bộ Breitscheidplatz, vào giờ đông người qua lại, gần nhà thờ Tưởng niệm Hoàng đế Guillaume (Kaiser Wilhelm Gedächtniskirche), một trong những trục đường đông khách bộ hành nhất Berlin.

Theo nhà chức trách Đức, chiếc xe tải đã phá hủy nhiều gian hàng và đâm nhiều người trên đoạn đường từ 60 đến 80 mét. Nhiều nhân chứng cho biết, xe hoàn toàn không bật đèn và rất có thể đây là hành động chủ ý của người lái để gây bất ngờ tối đa.

Chiếc xe tải mang biển số Ba Lan, có nhiệm vụ chở hàng đến Berlin. Người chủ xe và cũng là chủ doanh nghiệp cho truyền thông Ba Lan biết là đã không có tin tức gì về người lái, kể từ đầu giờ chiều. Trên chiếc xe gây thảm họa, có hai người, trong đó một người đã chết. Cảnh sát Đức xác định người chết là một công dân Ba Lan, không cầm lái vào thời điểm xảy ra vụ việc. Cảnh sát Đức cũng cho biết đã bắt được tài xế, nhưng không công bố danh tính.

Trong đêm qua, bộ trưởng Nội Vụ Đức khẳng định « có nhiều lý do » để cho rằng đây là một vụ khủng bố.

Tài xế có thể là một công dân Pakistan
Theo nhật báo Đức Bild, người lái chiếc xe tử thần này là một công dân Pakistan, 23 tuổi, đến Đức xin tị nạn theo con đường qua bán đảo Balkan, vào khoảng tháng 2/2016. Kênh truyền thông Đức RBB cho biết rõ hơn : tài xế chiếc xe sinh ngày 01/01/1993 tại Pakistan, vào Đức ngày 31/12/2015, qua thị trấn Passau, giáp với nước Áo.

Sáng nay, cảnh sát tiến hành khám xét tại khu phố Tempelhof, một trong những trung tâm người tị nạn tại Berlin, nơi nghi phạm từng cư trú.

Phương thức hành động của tài xế này nhắc lại vụ khủng bố bằng xe tải cỡ lớn tại Nice, vào ngày Quốc khánh Pháp năm nay, khiến hơn 80 người chết.

Từ nhiều tháng nay, nước Đức liên tục đối diện với các đe dọa khủng bố. Cảnh sát đã can thiệp kịp thời để phá vỡ một số âm mưu khủng bố. Nếu vụ xe tải nói trên đúng là hành động khủng bố do một người tị nạn gây ra, thì thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ phải đối mặt với những chỉ trích nặng nề mới, lên án chính sách đón tiếp người nhập cư bị đánh giá là quá rộng rãi của bà, đặc biệt từ phía phe cực hữu.
Trong năm 2015, nước Đức đã tiếp nhận gần 900.000 dân tị nạn vì chiến tranh và đói nghèo, tuyệt đại đa số là các cư dân theo đạo Hồi từ Trung Đông. Trong năm nay 2016, có thêm 300.000 người mới đến.

Theo bộ Nội Vụ Đức, nghi thức tưởng niệm các nạn nhân được tổ chức vào 12 giờ, giờ địa phương, tức 11 giờ, giờ quốc tế tại một nhà thờ ở trung tâm thành phố, các công sở tại Đức để cờ rủ. - RFI

4.
Giám đốc IMF bị kết tội tắc trách nhưng không bị tù

Người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde, đã bị một tòa án Pháp kết tội tắc trách vì đã không yêu cầu một ban trọng tài xem xét về khoản tiền bồi thường 422 triệu đôla cho một nhà tài phiệt.
Vụ án liên quan đến công việc của bà Lagarde đã làm trong thời còn giữ chức Bộ trưởng Tài chính Pháp, trước khi nhận được chức vụ tại IMF. Bà sẽ không bị xử phạt và cũng không bị tù.

Hiện chưa rõ hành động pháp lý trên có tác động gì trên vị trí lãnh đạo của bà Lagarde ở IMF. Bà Lagarde bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai trong cương vị giám đốc IMF chưa đầy một năm trước. Phát ngôn viên của IMF Gerry Rice cho biết ban điều hành của tổ chức cho vay toàn cầu chuẩn bị họp “để xem xét những diễn biến mới nhất”. - VOA

5.
Sữa giúp châu Á giải quyết thách thức về dinh dưỡng

Sữa và những phó phẩm từ sữa đã trở thành một đồng minh bất ngờ trong cuộc chiến chống lại những thách thức mới nhất về dinh dưỡng của châu Á: đó là bệnh béo phì và tình trạng thiếu vitamin và khoáng chất, theo một báo cáo của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) công bố hồi gần đây.
"Báo cáo này là có tác dụng khai sáng và cảnh tỉnh ... vẫn còn gần phân nửa tỉ người bị đói trong khu vực này," bà Kundhavi Kadiresan, trợ lý Tổng giám đốc FAO nói. Bà cho biết thêm: "Gia tăng tiêu thụ sữa và những sản phẩm từ sữa có tiềm năng rất lớn để cải thiện dinh dưỡng."

Với tình hình chính trị ổn định hơn và và ngành nông nghiệp được cơ giới hóa nhiều hơn, châu Á đã có những bước tiến rõ rệt trong việc khống chế nạn đói và và tình trạng thiếu ăn. Trong 25 năm qua, tỉ lệ suy dinh dưỡng đã giảm một nửa ở châu Á từ 24,3 phần trăm xuống còn 12,3 phần trăm, đáp ứng được một trong những Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc.
Khi hàng triệu người di cư từ vùng quê ra thành phố lớn, khẩu phần ăn uống ăn đang thay đổi từ lối truyền thống với gạo chiếm vị trí chính yếu sang phiên bản Âu hóa đa dạng hơn, kết hợp nhiều loại trái cây, rau quả, và những loại thịt. Báo cáo cho thấy lượng calorie từ tinh bột giảm 50 calorie cho một người mỗi ngày trong khi calorie từ các loại trái cây, rau và thịt tăng hơn 300 calorie cho một người mỗi ngày.

Nhưng cũng như người phương Tây, người châu Á đang tập thể dục ít hơn và ăn nhiều hơn những loại thực phẩm chứa nhiều đường và chất béo. Điều này có nghĩa là nhiều người vẫn không nhận đủ những chất dinh dưỡng như kẽm, sắt hoặc vitamin A, và tỉ lệ béo phì đang tăng vọt, tăng hơn 4 phần trăm một năm.

Tuy nhiên, thị hiếu thay đổi có nghĩa là người châu Á đang uống sữa nhiều hơn, thứ mà lâu nay vắng bóng trong những nhà bếp ở châu Á nhưng nay đang được mua ào ạt từ Bangkok cho tới Bắc Kinh. Sản lượng đã gần gấp ba, từ khoảng 110 triệu tấn vào năm 1990 lên tới gần 300 triệu tấn vào năm 2013 — chiếm hơn 80 phần trăm mức tăng nguồn cung ứng sữa của thế giới tron khoảng thời gian đó.

Sự bùng nổ sản phẩm sữa đã khuyến khích các chính phủ đưa sữa đến lớp học. Những nghiên cứu nhận thấy Chương trình Sữa Quốc gia của Thái Lan đưa sữa tới trường học đã giúp học sinh trở nên cao lớn hơn và hấp thụ nhiều protein và calcium hơn. Những chương trình tương tự đã được phát động từ Ấn Độ đến Trung Quốc và Philippines.
Còn tại Việt Nam, Chương trình Sữa học đường đã được chính phủ ký ban hành hồi tháng 7 năm nay với mục tiêu “cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực học sinh mẫu giáo, tiểu học.”

Được biết chính phủ đề ra mục tiêu lớn là đến năm 2020, 100 phần trăm số học sinh mẫu giáo và tiểu học của các huyện nghèo được uống sữa; và 70 phần trăm số học sinh mẫu giáo và tiểu học thành thị, nông thôn được uống sữa.

Báo nhà nước dẫn lời Bộ trưởng Y tế, Nguyễn Thị Kim Tiến, rằng bà “trăn trở” vì “hình ảnh những học sinh lớp 5, khi được tặng hộp sữa tươi sạch, đã loay hoay không biết cắm ống hút vào đâu để uống.” Bà Tiến được báo Giáo dục Việt Nam trích thuật: “Tôi hỏi và được biết, từ lúc lọt lòng đến lớp 5, rất nhiều em chưa từng được cầm hộp sữa lần nào.”

Số liệu thống kê được nói là trích dẫn từ báo cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam cho biết lượng sữa uống của người dân Việt Nam là 15 lít một người mỗi năm. Con số này bằng một nửa Thái Lan, một phần ba Singapore và kém xa mức tiêu thụ 300 lít ở châu Âu, theo báo cáo.

"Tôi mong muốn giới trẻ Việt Nam có thể đạt mức như các nước trong khu vực, mỗi ngày chỉ cần dùng khoảng 0,5 lít sữa hoặc các sản phẩm từ sữa để thể lực và trí tuệ cải thiện," bà Mai Kiều Liên, Tổng giám giám đốc Công ty Cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk, được trang tin VnExpress dẫn lời nói tại một sự kiện ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với đối tác nước ngoài hồi tháng 9 vừa qua.
Dù giá trị dinh dưỡng của sữa là “không thể chối cãi,” nhưng giới chuyên môn cho rằng cũng có những bất lợi không thể xem nhẹ khi tăng khẩu phần sữa cho người Việt Nam, như khuyến cáo của bác sĩ Phạm Đặng Long Cơ từ California (Mỹ).

“Người Việt Nam, người Á châu chúng ta 80-90 phần trăm ruột không có chất xúc tác lactase để tiêu hóa sữa, và vì vậy nếu mình uống thì sẽ bị tiêu chảy, có thể có hại nữa là đằng khác,” bác sĩ Cơ nói.

Ông nói thêm rằng hệ quả nguy hiểm nhất là bệnh Crohn gây sưng ruột non, khó chữa và tốn kém.

Bác sĩ Cơ nói đó một thực tế mà chính phủ cần lưu ý khi phát triển chương trình sữa quốc gia vì nếu không “sẽ tạo ra vấn nạn cho quần chúng nghèo.” - VOA

6.
Máy bay MH370 ‘không có khả năng nằm trong vùng tìm kiếm’

Các nhà điều tra chỉ huy cuộc tìm kiếm chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines cho biết máy bay không có khả năng nằm trong khu vực tìm kiếm hiện tại, mà có thể nằm ở xa hơn về hướng bắc.
Các tàu tìm kiếm lục xoát một khu vực 120.000 km vuông ở Ấn Độ Dương.

Không mảnh vỡ máy bay nào được tìm thấy và hoạt động tìm kiếm dự kiến ​​sẽ kết thúc vào đầu năm 2017.

Chiếc máy bay chở 239 người trong hành trình từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh khi mất tích năm 2014.

Bộ trưởng Giao thông Úc Darren Chester nói việc tìm kiếm không có khả năng được gia hạn khi báo cáo không đưa ra được "địa điểm cụ thể" cho xác máy bay.

Các chính phủ Úc, Malaysia và Trung Quốc, đang tài trợ cho việc tìm kiếm, trước đó đã nhất trí "đình chỉ việc tìm kiếm trừ khi có chứng cứ đáng tin cậy" giúp định vị xác máy bay, ông Chester nói.
Cục An toàn Giao thông Úc (ATSB), được giao nhiệm vụ phối hợp tìm kiếm, triệu tập một cuộc họp đánh giá việc tìm kiếm hồi tháng 11/2016.

Báo cáo mới nhất sau cuộc họp cho hay "các chuyên gia tin rằng vùng biển xác định cho việc tìm kiếm trước đó đến nay không có xác máy bay mất tích".

Các chuyên gia xác định một khu vực mới rộng khoảng 25.000 km vuông về hướng bắc của khu vực tìm kiếm hiện tại có "xác suất cao nhất" về xác máy bay.
Họ nói đó là khu vực cuối cùng chiếc máy bay có thể rơi.

Kết luận của họ dựa trên các mô phỏng chuyến bay mới và phân tích thông tin liên lạc vệ tinh cũng căn cứ vào thời gian và địa điểm phát hiện các mảnh vỡ.

Một số mảnh vỡ được xác nhận thuộc về MH370 được tìm thấy dọc theo bờ biển châu Phi và các đảo Ấn Độ Dương những tháng gần đây.

Các chuyên gia cũng cho biết chiếc máy bay đã có "đường bay không ổn" phù hợp với những phát hiện trước đó của ATSB rằng chiếc máy bay "rơi nhanh và mất kiểm soát".

ATSB cho biết họ đã trình bày đề xuất với chính phủ Malaysia, Trung Quốc và Úc.
Hiện chỉ còn một tàu đang hoạt động ở khu vực tìm kiếm hiện nay. - BBC

7.
Đức: Cảnh sát nói vụ lao xe tải 'có khả năng là tấn công khủng bố'

Cảnh sát Đức điều tra "cuộc tấn công nhiều khả năng là khủng bố" sau vụ lao xe tải vào chợ Giáng sinh tại trung tâm Berlin, giết chết 12 người và làm bị thương 48 người.
Lái xe là người tỵ nạn Afghanistan hoặc Pakistan, DPA dẫn nguồn tin an ninh cho hay.

Người đàn ông này được ghi nhận đến Đức xin tỵ nạn hồi tháng Hai.

Tờ Tagesspiegel cho biết người đàn ông có tiền án phạm tội vặt.
Các chính trị gia Đức tránh gọi vụ tấn công này là do khủng bố, nhưng Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maiziere nói với kênh ARD rằng "có rất nhiều thứ hướng về điều đó".

Cảnh sát Berlin cho biết các nhà điều tra xem vụ lao xe như là một hành động cố ý.

Chợ Giáng sinh tọa lạc ở Breitscheidplatz, gần Kurfuerstendamm, phố mua sắm chính ở tây Berlin.
Chiếc xe tải, chất đầy các dầm thép, bẻ lái vào chợ đúng lúc đông người, cán qua các gian hàng bằng gỗ chật cứng du khách và người dân địa phương.

Người tài xế xe tải được ghi nhận bị bắt sau khi rời khỏi xe và chạy trốn.
Winfried Wenzel, phát ngôn viên cảnh sát Berlin nói với tờ Die Welt rằng người đàn ông chạy bộ về phía công viên Tiergarten.

Một nhân chứng chạy theo nghi phạm khoảng 2 km và gọi cảnh sát bắt giữ ông ta gần đài Chiến Thắng.
Phát ngôn viên cảnh sát cho rằng người lái xe có thể muốn "ẩn náu trong bóng tối tại công viên".

Cảnh sát xác nhận một thi thể được tìm thấy trên xe tải và nói rằng đấy là người Ba Lan. Có quan ngại rằng người này có thể là tài xế ban đầu và chiếc xe bị cướp để gây án.

Ariel Zurawski, chủ sở hữu người Ba Lan của chiếc xe tải, khẳng định người lái xe mất tích và không thể liên lạc từ 16:00 (15:00 GMT) hôm 19/12.

"Chúng tôi không có tin tức gì từ ông ta từ chiều 19/12," ông nói với AFP.
"Chúng tôi không biết điều gì đã xảy ra với ông ấy. Ông ấy là anh họ tôi." - BBC

Tin Hoa Kỳ
8.
Ông Trump chính thức được xác nhận làm Tổng thống Mỹ thứ 45

Đại cử tri đoàn ngày 19/12 vừa chính thức xác nhận ông Donald Trump làm Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Với trên 270 phiếu đại cử tri được bảo toàn, tỷ phú ‘bạo ngôn’ này sẽ chính thức bước vào Tòa Bạch Ốc trong lễ tuyên thệ vào ngày 20/1 tới đây.
Theo luật định, 41 ngày sau tổng tuyển cử, các đại cử tri của mỗi tiểu bang và khu vực thủ đô Washington DC tụ họp lại để bỏ phiếu đại cử tri, xác quyết người đắc cử làm lãnh đạo cường quốc số 1 thế giới trong nhiệm kỳ 4 năm tới đây.

Các đại cử tri, đặc biệt là các đại cử tri bên đảng Cộng hòa, đã nhận rất nhiều cú điện thoại, email, và thậm chí là những lời đe dọa yêu cầu bỏ phiếu cho người khác ngoài Trump. Rất nhiều cuộc biểu tình phản đối Trump tiếp tục nổ ra khắp nơi trong ngày bỏ phiếu quyết định hôm nay. Nhưng kết quả chung cuộc không thay đổi so với kết quả tổng tuyển cử hôm 8/11 vừa qua: nước Mỹ chọn Trump, người Mỹ muốn thay đổi. 

51 cuộc họp (ở 50 tiểu bang và thủ đô Washington) được tổ chức cùng ngày để các đại cử tri cùng bỏ phiếu. Đa số các đại cử tri tề tựu về thủ phủ các bang họ đại diện, thường là tòa nhà quốc hội của bang, để bỏ phiếu xác nhận Tổng thống thắng cử và nhiều bang đã trực tiếp truyền hình cuộc bỏ phiếu qua mạng lưới internet và truyền hình để dân chúng khắp nơi theo dõi cặn kẽ.
Đại cử tri đoàn của Mỹ gồm 538 đại cử tri cứ bốn năm một lần họp lại để bầu lên Tổng thống và Phó Tổng thống Hoa Kỳ. Các đại cử tri đại diện cho cử tri trong bang chính là những người bầu trực tiếp ra Tổng thống và Phó Tổng thống.

Luật sư Cao Quang Ánh, cựu dân biểu thuộc Đảng Cộng hòa từ năm 2009 đến 2011, người Mỹ gốc Việt đầu tiên phục vụ trong Quốc hội Hoa Kỳ, chia sẻ với VOA Việt ngữ:

“Cách đây chừng 200 năm, họ đã quyết định hệ thống bầu cử như vậy. Một trong những vấn đề họ lo là họ không muốn những tiểu bang lớn có nhiều ảnh hưởng quá đối với những tiểu bang nhỏ, không muốn những tiểu bang lớn có thể quyết định ai là Tổng thống. Từ sự lo sợ đó, họ đã thành lập hệ thống hiện tại Electoral College (đại cử tri đoàn).”

Đại cử tri là ai? Quyết định thắng thua trên lá phiếu đại cử tri, vậy tại sao nước Mỹ vẫn cần tổ chức phổ thông đầu phiếu tốn kém thời gian và tiền bạc như vậy? Ứng viên Donald Trump dù thua đối thủ Hillary Clinton về tổng số phiếu phổ thông toàn quốc nhưng vẫn đánh bại được bà Clinton nhờ lấn át về số phiếu đại cử tri, trên 270 phiếu. Việc này khiến mô hình bầu cử Mỹ gặp một số chỉ trích, nhưng cựu dân biểu Cộng hòa, Cao Quang Ánh, giải thích:

“Những người đại cử tri không phải là những dân biểu hay thượng nghị sĩ. Dựa trên số ghế dân biểu và thượng nghị sĩ của mỗi tiểu bang để quyết định có bao nhiêu đại cử tri đại diện cho tiểu bang đó. Mỗi tiểu bang họ lựa chọn các đại cử tri. Các đại cử tri phải bỏ phiếu dựa vào luật lệ mà Quốc hội tiểu bang họ đưa ra và dựa vào lá phiếu các cử tri phổ thông trong tiểu bang của họ. Ứng viên nào thắng được phiếu phổ thông tại một tiểu bang thì sẽ được hết số phiếu đại cử tri của tiểu bang đó. Cử tri trong tiểu bang đã quyết định người đại cử tri cần phải đứng ra bỏ phiếu cho ai. Cho nên, cuối cùng cũng là người dân họ quyết định, chứ không phải người đại cử tri muốn bỏ phiếu cho ai thì bỏ.”

Tu chính án 12 Hiến pháp Hoa Kỳ quy định mỗi đại cử tri phải bầu riêng cho Tổng thống và Phó Tổng thống.

Số phiếu đại cử tri của mỗi tiểu bang bằng tổng số thượng nghị sĩ của bang, thường là 2, và số dân biểu của tiểu bang đó. Đặc biệt vùng thủ đô Washington có 3 phiếu đại cử tri mặc dù không có dân biểu hay thượng nghị sĩ đại diện ở Quốc hội Hoa Kỳ.

Theo hiến định, một tháng sau cuộc bỏ phiếu đại cử tri, Quốc hội Mỹ sẽ họp cả Hạ viện lẫn Thượng viện để tuyên bố người đắc cử. Ứng viên Tổng thống và ứng viên Phó Tổng thống mỗi người nhận được trên 270 phiếu đại cử tri sẽ được tuyên bố đắc cử. - VOA
9.
Phụ tá của ông Trump xoa dịu quan điểm về ‘một nước Trung Hoa’

Người sắp đảm nhiệm chức Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc của Tổng thống tân cử Donald Trump ngày 18/12 lên tiếng xoa dịu khả năng ông Trump có thể xem xét lại chính sách hàng chục năm nay của Washington về ‘một nước Trung Hoa’.

Kể từ năm 1979 tới nay, Mỹ công nhận Đài Loan là một phần của ‘một nước Trung Hoa’ nhưng ông Trump đã khơi dậy phản đối ngoại giao từ Bắc Kinh sau cuộc điện đàm với Tổng thống Đài Loan, Thái Anh Văn, hôm 2/12.
“Chúng tôi không gợi ý là chúng tôi sẽ xem xét lại chính sách ‘một nước Trung Hoa’ ngay lúc này,” ông Reince Priebus phát biểu trong cuộc phỏng vấn hôm qua với Fox News.

Ông Priebus nói ông Trump “lúc này chưa phải là Tổng thống và ông ấy tôn trọng đương kim Tổng thống.”

Cách đó một tuần, chính ông Trump trong cuộc phỏng vấn với Fox News đã chất vấn lý do vì sao Mỹ phải bị ràng buộc bởi chính sách ‘một nước Trung Hoa’ mà không có điều kiện.
Thứ bảy tuần này, ông Trump tiếp tục lên tiếng chỉ trích Trung Quốc sau khi Bắc Kinh đánh cắp thiết bị lặn không người lái của Mỹ ở Biển Đông. Ông Trump gọi đây là một hành động ‘vô tiền khoáng hậu.’

Dù Trung Quốc hứa sẽ trả lại, nhưng ông Trump đã lên Twitter nói rằng không cần thiết, rằng Mỹ cứ việc để cho Trung Quốc giữ của mà họ đã lấy cắp ấy đi.

Ông Priebus nói bình luận của ông Trump không mang tính khiêu khích và rằng “80%” dân Mỹ nhất trí rằng hành động của Bắc Kinh là không thích đáng.
Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, ngờ rằng Trung Quốc có thể đã thu nhặt được vài thông tin kỹ thuật ‘khá giá trị’ từ thiết bị ấy. Ông McCain lên án hành động của Bắc Kinh là vi phạm luật pháp quốc tế. Người lâu nay chỉ trích chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama cho rằng Mỹ chưa đủ oai trên thế giới và hành động vừa qua của Trung Quốc phản ánh điều đó. - VOA

10.
Thượng nghị sĩ McCain tố cáo Hải Quân Mỹ phí phạm ngân sách

Chủ tịch Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện Hoa Kỳ John McCain vào hôm qua 19/12/2016 đã cực lực phê phán binh chủng Hải Quân Mỹ là đã phí phạm ngân sách vào việc chế tạo chiến hạm mới, cụ thể là loại tàu cận chiến ven bờ LCS cực đắt, nhưng đang bị vấn đề động cơ và chưa chứng minh được hiệu năng tác chiến.

Trong bản báo cáo tựa đề « Phí phạm bậc nhất tại Mỹ : Không thể bảo vệ (America’s most Wasted : Indefensible) », ông McCain cho rằng khoảng ngân sách 12,4 tỷ đô la chi cho 26 chiếc tàu cận chiến duyên hải Littoral Combat Ship là ví dụ nghiêm trọng nhất của những gì bị ông gọi là những khoản chi tiêu lãng phí của Lầu Năm Góc.
Bản báo cáo nêu bật là từ chi phí dự kiến ban đầu chỉ là 220 triệu đô la cho mỗi chiếc tàu, giá phải trả đã tăng vọt lên thành 478 triệu đô la. Đối với thượng nghị sĩ McCain, vào lúc quân đội đang phải đối phó với những thách thức về an ninh quốc gia ngày càng đa dạng và phức tạp, Hoa Kỳ « đơn giản là không thể lãng phí nguồn tiền quý báu dùng cho quốc phòng vào các chương trình không cần thiết hoặc kém hiệu quả » như là chương trình chế tạo loại tàu chiến ven biển.

Phó đô đốc Hải Quân Thomas Rowden, đã bảo vệ chương trình này trước Ủy Ban Quân Sự Hạ Viện hồi đầu tháng 12. Ông cho biết đã xác định rõ những vấn đề xung quanh chương trình LCS, và đang nỗ lực tìm giải pháp.

Loại chiến hạm mới LCS đã được Hải Quân Mỹ phô trương như là một kiểu tàu rất hiện đại, có năng lực hoạt động hữu hiệu tại các vùng biển nông gần bờ, đặc biệt là ở Biển Đông. Bộ Quốc Phòng Mỹ đã quyết định sẽ cho 4 chiến hạm loại này trú đóng thường xuyên tại Singapore. - RFI

11.
Giáo dục trực tuyến miễn phí cho mọi người trên toàn cầu

Học viện Khan có trụ sở tại Silicon Valley giúp giáo dục miễn phí trên mạng cho tất cả mọi người trên toàn thế giới. Khởi đầu từ một cổng dạy kèm trên mạng, nay học viện Khan đã đến với hàng triệu học viên toàn cầu qua các bài học trực tuyến.
Sứ mạng của Học viện Khan là “cung cấp các lớp học miễn phí trên toàn thế giới cho bất cứ người nào, bất cứ ở đâu.” Trung thành với sứ mạng này và với sự tiếp sức của Internet, Học viện Khan đã đến với hơn 100 triệu người có tinh thần học hỏi trên toàn cầu mỗi năm.

Người sáng lập Học viện Khan ông Salman Khan giải thích về ý tưởng rất đơn giản của việc thành lập Học viện này.

“Chúng ta có thể dùng công nghệ để thể hiện sống động những gì diễn ra trong lớp học.”

Là một người tốt nghiệp về tài chánh tại Viện Công nghệ Massachusetts MIT, ông Khan nói ông luôn luôn say mê ý tưởng dùng phần mềm giúp mọi người học hỏi và làm cho việc học có tính cách cá nhân hơn. Ông đã có cơ hội thử nghiệm ý kiến này khi một người họ hàng cần giúp môn đại số lớp 7.

Ông Khan nói tiếp:
“Và chỉ qua điện thoại thôi, trong khoảng 5 hay 6 tuần lễ để làm em ấy chú tâm. Tôi không nghĩ tôi đã làm điều gì đặc biệt. Em ấy tiếp thu và thậm chí còn vượt trội trong lớp.”

Ông Khan nói đó là lúc ông bắt đầu say mê với ý tưởng là chúng ta cần phải xa rời kiểu học cổ điển.

“Có nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy cá nhân hóa việc học và cá nhân hóa sự tập trung có thể giúp mọi người học nhanh hơn.”
Những bài giảng của Học viện Khan trên mạng đã giúp cho những người có nhu cầu học hỏi trên toàn thế giới. Mỗi tuần đều có một vài bài giảng tương tác được đưa lên mạng, bao gồm những đề tài khác nhau trong đó có toán, sinh học, vật lý, hóa học, kinh tế, và những môn học khác qua những video trên YouTube. Kênh YouTube của Học viện Khan đã có gần 3 triệu người đăng ký, và hơn 10 triệu học viên vào xem các bài học mỗi tháng như ông Mark Halberstead, một kỹ sư phần mềm ở Colorado đã đưa lên mạng một video cám ơn ông Khan.

“Tôi nghĩ Học viện thực có ảnh hưởng rất sâu đậm lên cuộc đời của tôi.”

Ông Khan cũng nhớ lại câu chuyện của một thiếu nữ Afghanistan ở một thị trấn bị Taliban chiếm đóng. Cô không có trường để học. Cô tự học qua Học viện Khan.

Ngoài Học viện Khan, ông Salman Khan còn thành lập một trường học có tên là Khan Lab. Khan Lab là trường tiểu học phá bỏ khái niệm cổ truyền về giáo dục. Trường Khan Lab nhìn về quá khứ để tìm phương cách mới dạy trẻ em chuẩn bị cho tương lai.

Em Mishal Junaid, 12 tuổi, dành thời gian học tập mỗi ngày ở trường nhiều hơn nhiều người lớn đi làm  toàn thời gian, do đó những ý nghĩ của em về ngôi trường này có thể khiến nhiều người ngạc nhiên.

Em Junaid nói:
“Khi em thức giấc vào buổi sáng, em muốn thức dậy ngay, không giống như thời đến lớp trước đây, em chỉ muốn ngủ tiếp, chẳng muốn đến trường.”

Việc này khiến cha mẹ em ngạc nhiên.

Ông Junaid Qurashi, cha em Mishal nói:
“Đến mức chúng tôi lo âu tại sao con chúng tôi trở về nhà vui vẻ như vậy. Chúng có thực sự học được điều gì không?”

Em Junaid và bạn học cùng lớp, tuổi từ 5 đến 15, tham dự lớp học thí nghiệm Khan Lab. Trường học mở cửa từ 8 giờ rưỡi sáng cho đến 6 giờ chiều, không phân cấp lớp, và không có bài tập mang về nhà.

Em Holly Thompson học sinh trường Khan Lab nói:

“Bạn phải chọn những gì bạn muốn học, không phải giáo viên giao bài tập và bảo bạn làm. Bạn phải tự vạch ra mục đích, bạn phải có một thời khóa biểu. Bạn tham dự những lớp khác nhau.”

Trường này là sáng kiến của ông Salman Khan, người sáng lập Khan Academy nổi tiếng về những video giáo dục trên mạng miễn phí được hàng triệu người sử dụng trên toàn thế giới. Ông Khan nói ông bắt đầu Trường Khan Lab vì ông nhận thấy hệ thống giáo dục hiện hành có nhiều khuyết điểm và ông muốn tạo ra một kiểu mẫu học hỏi tốt hơn.

Ông Salman Khan nói:
“Điều tôi thấy là tương lai nhìn lại quá khứ. Có rất nhiều điều hay về trường học một lớp mà bạn có thể đã có tại những khu vực nông thôn mà hiện nay vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi, với những lớp học có nhiều lứa tuổi học chung với nhau. Lợi điểm ở đây là những học sinh lớn có thể chịu trách nhiệm và hướng dẫn cho những học sinh nhỏ tuổi. Các học sinh nhỏ tuổi được nhiều người chăm sóc. Các em có thầy giáo nhưng các em cũng có học sinh đầu tư vào công việc của các em nữa.”

Ông Khan cho hay học sinh cũng học bài vở theo đà riêng của mình thông qua các video và được giáo viên chú ý nhiều hơn qua các cuộc đối thoại cô-trò thay vì những bài giảng. Các em cũng học bằng cách làm các dự án. Các nhà giáo dục tại trường nói cách học như vậy chuẩn bị tốt hơn cho các học sinh trong tương lai.

Ông Dominic Liechti, giám đốc điều hành Trường Khan Lab nói:
“Chúng ta đang tiến đến cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư, lúc đó phần lớn lực lượng lao động sẽ được các robot thay thế mà chúng ta lúc này chuyện học hành vẫn còn bó buộc trong bốn bức tường lớp học, bị kẹt trong những cái giả tạo. Điều chúng tôi đang nỗ lực làm tại đây là thực sự thách thức những cái đó và nói lên những điều cần phải thay đổi.”

Ông Khan cũng đang thử nghiệm để xem những yếu tố nào của trường học tư này có thể áp dụng tại các trường công hay không.

“Một số các nguyên tắc của trường là mở quanh năm, lớp học toàn thời gian, đó là những nguyên tắc cốt lõi-không nhất thiết đối với những gia đình có lợi tức cao. Điều tôi nghĩ quan trọng đối với các học sinh là cân bằng thời gian vui chơi của các em nếu tất cả các công việc đều được hoàn tất ở trường trong khoảng thời gian từ 8 giờ rưỡi sáng đến 6 giờ chiều.”
Trường Khan Lab sẽ mở rộng. Trường dự trù bắt đầu các lớp học cho học sinh đủ tuổi để vào trung học vào mùa thu năm 2017. - VOA

Tin Việt Nam 
12.
Đằng sau hội nghị với các chức sắc tôn giáo

Truyền thông Việt Nam đưa tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa tham dự hội nghị và gặp gỡ với 55 chức sắc tôn giáo trong nước. Trong bài phát biểu, ông Phúc khẳng định “chính sách nhất quán, đúng đắn của Đảng và Nhà nước về tự do tín ngưỡng, tôn giáo” và không quên cảnh báo rằng “cần ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để kích động chia rẽ nhân dân, gây rối an ninh trật tự, lợi dụng chống phá Nhà nước.”

VietnamNet tường thuật rằng “Đại diện các tổ chức tôn giáo đánh giá cao luật Tín ngưỡng, tôn giáo vừa được Quốc hội thông qua.” 
Tuy nhiên, Giám mục phêrô Nguyễn Văn Khảm, Tổng Thư ký của Hội đồng Giám mục Việt Nam cho rằng bộ luật này có những bước thụt lùi so với những dự thảo trước đây. Phát biểu tại hội nghị, Giám mục Khảm nói: “Chúng tôi lấy làm tiếc khi phải nói rằng có nhiều nhu cầu trong sinh hoạt tôn giáo của người dân chưa được bộ luật quan tâm và đáp ứng đúng mức, dù đã được đề xuất.” 

Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, Hội thánh Tin lành Memnonite, thành viên của Hội đồng Liên Tôn, một nhóm các tổ chức tôn giáo độc lập không được công nhận, cho VOA Việt ngữ biết ông có cùng nhận định với đức giám mục Nguyễn Văn Khảm. Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng nói:

“Tôi đồng ý với linh mục Nguyễn Văn Khảm. Ngài nói vậy là đúng. Nó không những đi lùi so với những luật đã được thông qua, mà còn đi lùi so với dự thảo và các pháp lệnh về tôn giáo trước kia.”
Hội đồng liên tôn trước đó đã bác bỏ hoàn toàn Dự luật tôn giáo và tín ngưỡng, vì cho rằng chấp nhận luật này “là góp phần dung dưỡng chế độ vô thần độc tài toàn trị.” 

Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng không tin rằng các kiến nghị nêu lên lại hội nghị lần này sẽ được nghiêm túc xem xét. Mục sư Hùng nói:

“Nhìn bề ngoài có vẻ như là luật này có lấy sự góp ý. Nhưng sự thật những góp ý chân thành để bảo vệ quyền tự to tôn giáo, quyền con người của các tôn giáo thì người ta sẽ gạt bỏ.”

Mục sư nói tiếp: 

“Người ta lấy các đóng góp ý kiến đó chẳng qua là để tạo ra vẻ dân chủ bề ngoài. Còn thật sự thì họ sẽ bác bỏ và tôi không hy vọng sẽ có cải tiến.” 
Luật tín ngưỡng và tôn giáo được Quốc hội thông qua ngày 18/11/2016 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018.

Trước khi thông qua luật này, vào tháng 10/2016, hơn 50 xã hội dân sự trong và ngoài nước, trong đó có Nhóm Nghị sĩ ASEAN về Nhân quyền, Human Rights Watch và Ân xá Quốc tế gởi kháng nghị thư yêu cầu hoãn thông qua dự luật tín ngưỡng, tôn giáo.
Trong một cuộc phỏng vấn với VOA ngày 21/11, Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ David Saperstein nói: “Tại khu vực của các dân tộc thiểu số, người H’mông, người Thượng, các nhóm thiểu số theo Ky tô giáo, hay các giáo hội Tin Lành phái Phúc Âm, vẫn phải đối mặt với những vụ sách nhiễu nghiêm trọng của chính quyền” và Hoa Kỳ “vẫn quan ngại sâu sắc về một số hành động đàn áp diễn ra ở cấp tỉnh.”

Tờ South China Morning Post số ra ngày 02/12/2016, đưa tin rằng “Luật tôn giáo mới của Việt Nam là bình phong cho trấn áp chính trị?” - VOA

13.
Mưa lũ các tỉnh miền Trung làm 24 người chết

Cơ quan chức năng Việt Nam hôm thứ Hai cho hay mưa bão gây lũ mấy ngày qua đã làm ít nhất 24 người chết và 9 người mất tích ở khu vực các tỉnh miền Trung. Mưa lũ làm ngập một khu vực rộng lớn, kể cả phố cổ Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam. 
Theo báo chí trong nước, hơn 32.000 hecta hoa màu và cây trồng bị phá hủy và mức độ thiệt hại lên tới 32 triệu đô la.

Theo báo điện tử VnExpress, ngày hôm thứ Hai 19/12 nước mưa đã rút, khu vực Thừa Thiên Huế - Bình Định chỉ còn mưa nhỏ, lũ trên các sông đang xuống, riêng Bình Định hàng nghìn hộ dân vẫn bị cô lập do nước rút chậm và một số tuyến giao thông bị chia cắt.

Việt Nam thường xuyên hứng chịu bão nhiệt đới và mưa to. Nhưng mưa lớn vào tháng 12 như trong mấy ngày qua là khác thường.

Theo một báo cáo chính thức của Uỷ ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai, tỉnh Bình Định có số người chết cao nhất với 16 người kể từ khi mưa lớn bắt đầu vào ngày 12/12. Có ít nhất 2 người mất tích và hàng trăm ngôi nhà bị chìm trong nước lũ tại Bình Định. - VOA

14.
Mỹ kêu gọi phóng thích ông Trần Anh Kim, Lê Thanh Tùng

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius hôm 19/12 ra tuyên bố bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về việc Việt Nam vừa tuyên án hai nhà hoạt động ôn hòa Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng tổng cộng 25 năm tù giam.

Tòa án tỉnh Thái Bình hôm 16/12 tuyên án ông Kim 13 năm tù và ông Tùng 12 năm tù về tội danh 'hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ theo Điều 79, Bộ luật Hình sự Việt Nam.

Cáo trạng nói cựu trung tá Trần Anh Kim, 67 tuổi, có ý tưởng thành lập tổ chức 'Lực lượng quốc dân dựng cờ dân chủ', với thành viên nòng cốt là sĩ quan và hạ sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân đội Việt Nam Cộng hòa, có mục đích lật đổ chế độ hiện nay để thành lập một nhà nước dân chủ.
Ông Kim tự xưng là chủ tịch của lực lượng và đề cử ông Lê Thanh Tùng, cũng là một cựu sĩ quan quân đội, làm phát ngôn viên. Hai ông chưa kịp cho ra mắt tổ chức này thì đã bị công an Việt Nam bắt hôm 21/9/2015.

Trong tuyên bố trên website sứ quán Mỹ tại Việt Nam, đại sứ Mỹ nói tất cả mọi người cần phải có quyền tự do ngôn luận và hiệp hội. Ông chỉ ra rằng “Xu hướng gần đây của các vụ bắt giữ và kết tội các nhà hoạt động ôn hòa là đáng lo ngại và đe dọa làm lu mờ sự tiến bộ của Việt Nam về nhân quyền. Khoảng thời gian án tù dài cũng mang ý nghĩa về mức độ nghiêm trọng của chúng”.
Đại sứ Osius nhấn mạnh: “Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam thả những cá nhân này và các tù nhân lương tâm khác, và cho phép tất cả cá nhân tại Việt Nam thể hiện quan điểm chính trị của mình mà không lo sợ bị trừng phạt”.

Ông nói thêm rằng Hoa Kỳ cũng thúc giục chính phủ Việt Nam “đảm bảo các đạo luật và hành động của họ thống nhất với các điều khoản về nhân quyền trong Hiến pháp của Việt Nam, và các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của Việt Nam”.

Việt Nam chưa phản hồi chính thức về tuyên bố của đại sứ Mỹ.

Các chính phủ và tổ chức quốc tế đã nhiều lần lên án Việt Nam về việc kết án người bất đồng chính kiến bằng các điều luật 79 và 88 và kêu gọi Hà Nội hủy bỏ những điều luật bị cho là vi phạm nhân quyền này.
Hà Nội trước nay khẳng định chỉ xử lý những người phạm pháp, không bỏ tù ai vì bất đồng chính kiến. - VOA

15.
Bộ chính trị cấm tiệc tùng xa hoa mừng thăng chức

Chính phủ Việt Nam vừa ra quyết định cấm các cán bộ đảng viên tổ chức liên hoan tiệc tùng sau mỗi kỳ họp và khi thăng chức.
Đây là động thái mới nhất của Hà nội nhằm chấn chỉnh vai trò và nếp sống của cán bộ nhà nước sau khi một buổi tiệc ‘hoành tráng’ mừng một quan chức tỉnh được thăng chức gây tranh luận và bức xúc trong xã hội.

Theo bản tin ngày 19/12 của truyền thông trong nước, Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã ký ban hành một quy định về một số việc “cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên” trong đó nghiêm cấm họ lợi dụng các hoạt động họp hành và mít tinh để tiệc tùng lãng phí.
Quy định 55 do thường trực ban bí thư bộ Chính Trị Đinh Thế Huynh ký, được báo điện tử VnMedia trích dẫn, yêu cầu “chấm dứt ngay tình trạng ăn uống, ‘chè chén’ sa hoa, lãng phí, gây phản cảm trong dư luận xã hội.”

Đầu năm nay, tiệc mừng tân phó giám đốc sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Nghệ An đã được tổ chức linh đình với sự tham gia của nhiều quan chức nhà nước. Hình ảnh bữa tiệc được một người tham gia tải trên 1 trang Facebook cá nhân trong đó cho thấy một sân khấu lớn được tranh trí cầu kỳ với tấm biển ghi “Đêm giao lưu chúc mừng đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu, tỉnh ủy viên – phó giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An.” Theo báo điện tử VietTimes, đêm giao lưu chúc mừng hoành tráng được đưa lên Facebook và bị nhiều người chỉ trích. VietTimes trích lời một lãnh đạo tỉnh Nghệ An nói rằng “tấm phông nền đã gây phản cảm trong dư luận,” và vụ việc “cần kiểm điểm, phê bình, có hình thức kỷ luật và rút kinh nghiệm.”

Việc các cơ quan nhà nước tổ chức liên hoan sau các kỳ họp rất phổ biến ở Việt Nam, chi phí cho các tiệc tùng này thường được trích ra từ ngân sách nhà nước. Quy định mới của bộ Chính Trị được Dân Trí trích dẫn, nghiêm cấm giao lưu liên hoan mừng thăng chức, lợi dụng hiếu hỉ để ăng uống tiệc tùng, biếu xén quà cáp với mục đích vụ lợi.
Tháng trước Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban lệnh cấm “chúc Tết thủ tướng” và yêu cầu “tất cả hệ thống hành chính không chúc Tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bao phong bì.” Ngày 17/12, Thủ tướng Phúc một lần nữa nhắc lại lệnh này và yêu cầu các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước thực hiện nghiêm túc chỉ thị này.

Dịp Tết Nguyên Đán sẽ rơi vào tuần cuối cùng của tháng 1 kéo sang đầu tháng 2 năm 2017.

Theo bình luận của Thanh Niên Online, “nạn biếu xén quà cáp ‘vượt khung’ vào những dịp Tết thực ra là một dạng hối lộ, bôi trơn”. Để dẹp tệ nạn hối lộ, mới đây Cục Phòng Chống Tham Nhũng – Thanh Tra Chính Phủ đã mở 3 đường dây nóng tố tham nhũng và mãi lộ vào dịp Tết Nguyên Đán sắp tới.

Tuy nhiên tình trạng “hối lộ, bôi trơn” ở Việt Nam vẫn rất phổ biến và được coi là một bước không thể thiếu trong công việc kinh doanh. Một khảo sát về xung đột lợi ích do Thanh tra Chính Phủ và Ngân Hàng Thế Giới thực hiện trong năm 2015 cho thấy có gần 50% doanh nghiệp được hỏi thừa nhận rằng họ phải tặng quà cho cán bộ công chức nhà nước. Một khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh Tế Trung Ương gần đây cũng cho thấy gần một nửa số doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam phải trả các khoản chi phí không chính thức cho các cơ quan nhà nước để có thể “bôi trơn” cho việc kinh doanh của họ trong năm 2015.

Trong bảng xếp hạng Trace Matrix – một tổ chức quốc tế vận động chống hối lộ có trụ sở tại Mỹ - Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có chỉ số rủi ro hối lộ cao nhất thế giới. Việt Nam đã ban hành luật phòng chống tham nhũng trong hơn 10 năm qua và gần đây có sửa đổi nhưng theo nhận xét của tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh tác động của luật này rất hạn chế. - VOA

16.
Thủ tướng Campuchia thăm Việt Nam, bàn các vấn đề ‘nóng’

Hôm 20/12, Thủ tướng Campuchia Hun Sen bắt đầu chuyến thăm chính thức kéo dài 2 ngày tại Việt Nam. Một chuyên gia về quan hệ Việt Nam – Campuchia nói chuyến thăm rất “có ý nghĩa” và những vấn đề “nóng” trong quan hệ hai nước sẽ được bàn thảo giữa hai nguyên thủ quốc gia.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban biên giới quốc gia Việt Nam, nói với VOA:

“Một vấn đề hết sức trọng đại, đó là giải quyết vấn đề biên giới, tức là quá trình phân định cắm mốc đang đến giai đoạn cuối cùng, mà hai bên cũng đã có những cuộc đàm phán rất có ý nghĩa. Có lẽ lần này thủ tướng hai bên sẽ có những quyết định chính trị cần thiết để nhanh chóng giải quyết công việc có ý nghĩa lịch sử này. Đấy là một trong những nội dung mà tôi cho chuyến thăm này là rất có ý nghĩa”.

Theo tường thuật của Zing news, thủ tướng hai nước đã đồng ý giao cho Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc phối hợp giải quyết vấn đề tranh chấp biên giới bằng các giải pháp “công bằng, hợp lý”. 

Vấn đề tranh chấp biên giới giữa Việt Nam và Campuchia đã kéo dài nhiều năm và đặc biệt căng thẳng trong những năm gần đây, dẫn đến những cuộc xung đột giữa người dân sống dọc theo hai bên bên giới. 

Đảng cầm quyền Campuchia của Thủ tướng Hun Sen đã bị đảng đối lập chỉ trích vì đã có những nhân nhượng với Việt Nam trong vấn đề phân định cắm mốc biên giới. Nhưng quyết định gần đây của chính quyền Campuchia về việc nhờ người Pháp giúp đỡ về bản đồ dùng để phân định biên giới đã được phía đối lập ủng hộ.

Campuchia đang trong giai đoạn vận động cho các cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào năm tới. Mặc dù chính quyền của ông Hun Sen thường bị cho là “thân Việt Nam”, nhưng trong một cuộc phỏng vấn với VOA, lãnh đạo đảng đối lập CNRP của Campuchia, ông Sam Rainsy, nói ông nghĩ rằng Việt Nam cũng sẽ ủng hộ cho chính quyền của đảng CNRP nếu đảng này thắng cử. 

Về vấn đề này, TS. Trần Công Trục nói việc bầu chọn lãnh đạo là quyền tự quyết của người dân Campuchia. Việt Nam sẽ không có bất kỳ can thiệp nào, nhưng ông hy vọng đảng được chọn lựa sẽ có “thiện chí”, có tinh thần hợp tác, đảm bảo cho tinh thần hữu nghị giữa Việt Nam và Campuchia, cũng như đóng góp cho hòa bình, ổn định trong khu vực. Ông nói:

“Chính phủ Việt Nam hết sức quan tâm đối với đồng bào mình sống bên Campuchia, nhưng đồng thời cũng phải nói rõ cho người [Việt Nam ở] Campuchia là phải tôn trọng luật pháp của Campuchia, không làm điều gì có thể gây ra ảnh hưởng đối với phía Campuchia, với quy định của Campuchia. Nhưng đồng thời, Việt Nam cũng sẵn sàng đấu tranh với những đảng phái chính trị lợi dụng chuyện đó để bài xích, gây chia rẽ, mâu thuẫn trong quan hệ giữa hai nước”.
Tháp tùng Thủ tướng Hun Sen đến Việt Nam lần này có Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh, Bộ trưởng Ngoại giao cấp cao và Hợp tác Quốc tế Prak Sokhon, Bộ trưởng cao cấp và Chủ tịch Ủy ban Biên giới Quốc gia Var Kim Hong và nhiều quan chức cấp cao khác.

Ngoài vấn đề biên giới, TS. Trần Công Trục nói những vấn đề khác như Việt kiều ở Campuchia và hợp tác kinh tế, thương mại… cũng sẽ được đem ra thảo luận. - VOA

17.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình: Biển miền Trung đã sạch

Biển miền Trung đến bây giờ có thể nói đã sạch. Đây là khẳng định mà ông Trương Hòa Bình, Phó thủ tướng Việt Nam đưa ra với Tổng giám mục Bùi Văn Đọc ở Sài Gòn hôm nay.

Báo Thanh Niên loan tin này, cho biết thêm là Phó thủ tướng Trương Hòa Bình dẫn đầu phái đoàn chính phủ đến Tòa Tổng giám mục Sài Gòn chúc mừng lễ Giáng Sinh.
Tại cuộc gặp ông Trương Hòa Bình nhắc lại thảm họa môi trường biển do nhà máy gang thép Hưng Nghiệp Formosa ở Hà Tĩnh gây nên hồi đầu tháng Tư vừa qua. Theo lời của ông Trương Hòa Bình thì vụ việc thu hút sự chú ý của người dân, trong đó có đồng bào Công giáo.

Trong thực tế nhiều vùng chịu tác động bởi thảm họa môi trường là những làng chài ven biển và ngư dân chủ yếu là giáo dân thuộc giáo phận Vinh.
Một số cuộc biểu tình, tuần hành với sự tham gia của hằng ngàn giáo dân dưới hướng dẫn của các linh mục quản xứ đến trước nhà máy gang thép Formosa và cơ quan chức năng yêu cầu bồi thường thỏa đáng cho người dân chịu tác động cũng như buộc Formosa ra khỏi Việt Nam, trả lại biển sạch cho người dân mưu sinh. - RFA

Không có nhận xét nào: