Thứ Sáu ngày 9 tháng 12 vừa qua mọi người lại có dịp xôn xao bàn luận về tin từ nhật báo Washington Post, và đã được báo chí khắp nơi tường thuật lại, về việc Tổng thống Barrack Obama công bố nội dung của bản phân tích mới nhất của cơ quan tình báo CIA về việc Nga đã ảnh hưởng tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đầu tháng 11 vừa rồi.<!>
Bản phân tích này được thuyết trình trong một buổi họp tối mật cho Obama và một số nghị sĩ trong Ủy ban Tình báo Thượng Viện.
Không chỉ ảnh hưởng tới hệ thống bầu cử Mỹ qua việc công bố những tài liệu ăn cắp được từ hệ thống điện toán có hại cho Đảng Dân chủ và ứng cử viên Hillary Clinton như đã có tin không chính thức từ mấy tuần trước, mà bản báo cáo còn khẳng định tin tặc của Nga còn nhúng tay vào việc hướng các nỗ lực phá hoại này nhằm tạo thuận lợi giúp Donald Trump đắc cử. Được biết tin tặc Nga cũng đồng thời xâm nhập hệ thống điện toán của Đảng Cộng Hoà nhưng đã chọn không phổ biến những gì lấy được.
Tổng thống Obama cũng đồng thời ra lệnh cho các cơ quan tình báo làm một cuộc tổng điều tra về vụ tin tặc Nga xâm nhập lũng đọan hệ thống bầu cử của Mỹ nhằm làm suy yếu nền dân chủ và hỗ trợ ứng cử viên có khuynh hướng nghiêng về Nga. Cuộc điều tra phải hoàn tất trước khi ông Obama rời nhiệm sở vào ngày 20 tháng 1 năm tới, để ngăn ngừa những chuyện như thế có thể xẩy ra trong tương lai.
Tất nhiên phía Tổng thống đắc cử Trump phản ứng dữ dội trước tin này, cho là hoàn toàn vô căn cứ. Riêng ông Trump, một người vốn chỉ tin những gì có lợi cho mình và ngang nhiên đặt điều dối trá như vụ “hàng triệu cử tri bỏ phiếu bất hợp pháp”, còn công khai chỉ trích cơ quan CIA đã từng tỏ ra bất khả tín vì trong quá khứ đã sai khi nhận định về kho võ khí giết người hàng loạt của Saddam Hussein mà thực sự không hiện hữu -- một điều các đảng viên Cộng Hoà không hề muốn nhắc tới, coi là “cấm kỵ”, vì đó chỉ là cái cớ để chính quyền Tổng thống Bush Con đem quân vào Iraq, đầu mối của tình hình bất ổn ở Trung Đông từ hơn chục năm nay.
Sáng thứ Hai, ba ngày sau khi ông Obama xác nhận tin tình báo là có bàn tay của chính quyền Nga của Tổng thống Putin nhúng tay vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, các nhà lãnh đạo lưỡng viện Quốc hội, trong đó ngoài các dân biểu Dân chủ còn có cả Thượng nghị sĩ chủ tịch Thượng viện Mitch McConnell và chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, cả hai thuộc đảng Cộng Hoà hiện là đảng đa số tại Quốc hội, cùng lên tiếng chính thức hỗ trợ cuộc điều tra, bất chấp phản đối của ông Trump.
Tại sao ông Obama chờ tới bây giờ mới lên tiếng về việc tin tặc Nga này, mặc dù ông đã được cho biết từ đầu tháng 10, trước cả ngày bầu cử, tạp chí The Atlantic, có thể nói là lâu đời nhất (159 tuổi) của làng báo Mỹ, hôm Chủ nhật đã chất vấn trong bài viết, do nhà bình luận Kaveh Waddell ký tên, có tựa đề “Tại sao Obama không tiết lộ tin về việc Nga ảnh hưởng tới cuộc bầu cử?” (*) khi đã biết từ trước cả ngày bầu cử. Sau khi The Atlantic nêu vấn đề, nhiều cơ quan báo chí khác, trong đó có các tờ The New York Times và Washington Post, đã đào sâu hơn vào vụ tin tặc Nga này.
Sau đây là bản dịch bài báo của tờ The Atlantic:
Quyết định của ông [Obama] có thể đã khiến bà Clinton bị vuột mất chức tổng thống.
Thứ Sáu tuần rồi, chính quyền của ông Obama đã rọi đèn pha vào các nỗ lực của chính phủ Nga nhằm ảnh hưởng lên cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Tòa Bạch Ốc tuyên bố là Tổng thống đã ra lệnh cho cộng đồng tình báo tiến hành một cuộc “duyệt xét toàn bộ” vụ tin tặc liên quan tới cuộc bầu cử, khởi đầu một cuộc điều tra mà các viên chức cho biết sẽ phải hoàn tất trước khi TT Obama chấm dứt nhiệm kỳ thứ hai trong vòng gần sáu tuần tới. Tối đó, các viên chức hành pháp đã tiết lộ với The Washington Post kết quả của cuộc điều tra bí mật nhằm phanh phui động lực của Nga khi khởi động các cuộc tấn công tin tặc liên hệ tới bầu cử. Cơ quan CIA đã kết luận là Nga “đã can dự vào cuộc bầu cử 2016 để giúp Donal Trump đắc cử tổng thống.”
Các viên chức Quốc hội đã từng kêu gọi Toà Bạch Ốc giải toả thêm tin tức về việc Nga nhúng tay vào cuộc bầu cử 2016 – và đã liên tiếp phàn nàn là hành pháp không chịu phổ biến mọi điều mà họ biết về vấn đề này – cho thấy họ như được bạch hoá bởi việc tiết lộ tin này. Thế nhưng thông tin này đã đến quá trễ để thay đổi cuộc bầu cử.
Cơ quan CIA chỉ chia sẻ khám phá gần đây nhất của họ tuần rồi với các thượng nghị sĩ chóp bu, tờ Post tường trình, nhưng không rõ họ đã đi tới khẳng định này từ bao giờ. Tuy nhiên trong một cuộc phỏng vấn với MSNBC hôm thứ Bẩy, Chủ tịch phe thiểu số Thượng viện đảng Dân chủ Harry Reid --người đã từng gay gắt buộc tội (Nga) – nói Giám đốc FBI Jim Comey đã biết tham vọng của Nga “từ lâu”, nhưng không chịu tiết lộ thông tin này.
Nếu thực là như thế, tại sao chính quyền ông Obama đã không chịu thúc đẩy việc tiết lộ sớm hơn?
Một lý do có thể là toà Bạch Ốc ngại không muốn bị nhìn là đã thiên vị Hillary Clinton, đặc biệt trong một cuộc bầu cử mà đối thủ của bà luôn nói là có gian lận. Mặc dù ông Obama đã từng đi khắp nơi vận động cho bà Clinton, chính phủ của ông không muốn phơi bầy ông ra trước những tấn công là ông đã dùng tin tức tình báo để phá ngầm cuộc tranh cử của ông Trump, theo tờ Post.
Thay vì thế, các viên chức cao cấp Toà Bạch Ốc đã tập hợp các nhà lập pháp nồng cốt – lãnh đạo của cả lưỡng viện, cộng với các nhân vật Dân chủ và Cộng hoà thuộc các ủy ban tình báo và nội an -- để yêu cầu họ buộc tội Nga đã lũng đọan bầu cử với tư cách lưỡng đảng. Nỗ lực này đã bị nhiều nhân vật Cộng hoà cản trở không chịu hợp tác, kể cả Chủ tịch Thượng nghị viện thuộc Đảng Cộng hoà Mitch McConnell. (Vào sáng thứ Bẩy, bản thông cáo chung lưỡng đảng kết án vụ tin tặc được ban bố là do Chủ tịch Thượng viện khối thiểu số Chuck Schumer, Jack Reed, thuộc đảng Dân chủ, và hai nghị sĩ Cộng hoà John McCain và Linsey Graham.)
Cũng có thể tại chính quyền của ông Obama, cũng như nhiều nhà thống kê và giới am hiểu, đã tỏ ra quá lạc quan trong sự phân tích của họ cho rằng bà Clinton sẽ thắng. Các viên chức chính quyền có thể đã mạnh dạn hơn trong việc tung ra lời kết án khích động – và có thể đưa tới xung đột chính trị hay liên mạng với Nga -- nếu họ đã nghĩ là ông Trump có nhiều cơ thắng cuộc hơn.
Sự im lặng từ Tòa Bạch Ốc và cơ quan CIA là một trái ngược với việc tuyên bố chỉ vài tuần trước ngày bầu cử của (Giám đốc FBI) Comey là cơ quan của ông đang xem xét các tài liệu mới có liên hệ tới cuộc điều tra (đã đóng) về điện thư của bà Clinton.
Hành động gần nhất với việc cáo buộc Nga trong nỗ lực giúp ông Trump đắc cử mà chính quyền của ông Obama đã làm là vào tháng 10, một tháng trước ngày bầu cử. Trong một bản thông cáo chung, cả thẩy 17 cơ sở tình báo Mỹ nói rằng họ “tin tưởng” là Điện Kremlin đã ra lệnh xâm nhập vào “các tổ chức chính trị Mỹ” và rằng những tài liệu rỉ rỏ tìm thấy trên Wikileaks.com, DCLeaks.com, và trên mạng đã được công nhận là bởi một tên tin tặc gọi là “Guccifer 2.0” cho thấy có liên hệ tới Nga. Bản thông cáo cho biết những tài liệu đánh cắp và phanh phui này là “nhằm để gây trở ngại trong tiến trình bầu cử Mỹ”, nhưng bản thông cáo không nêu rõ là các hoạt động này có nhằm giúp ứng cử viên này đối với ứng cử viên khác.
Bà Clinton đã nêu các chi tiết trên trong kỳ tranh biện thứ ba. “Chúng ta chưa hề bao giờ bị một chính phủ ngoại bang can dự vào việc bầu cử của chúng ta,” bà nói. “Chúng ta đã có tới 17 cơ quan tình báo, cả dân sự lẫn quân sự, tất cả cùng kết luận là những tấn công gián điệp này, những tấn công tin tặc này, đến từ chốn cao nhất trong Điện Kremlin.”
Ông Trump phản pháo là “nước này không hề có một ý niệm nào” là ai ở đằng sau các vụ tin tặc đó, không cần biết tới các tường trình của những cơ quan tình báo. (Sau khi bản phân định của CIA tiết lộ hôm thứ Sáu, phiá ông Trump đã hạ uy tín của cơ quan này: “Mấy người này cũng đồng thời đã tuyên bố Saddam Hussein có võ khí tổng hủy diệt,” bản thông cáo của phe Trump nói. Thực tế, chính quyền ông George W. Bush đã cho thấy là đã suy diễn từ những khám phá của CIA để biện hộ cho chiến dịch xâm lăng Iraq vào năm 2003.)
Trong những dịp xuất hiện vận động tranh cử, ông Obama đã không làm lớn tuyên cáo của cộng đồng tình báo hồi tháng 10, có thể vì thế mà sự phát hiện có bàn tay Nga nhúng vào đã vuột khỏi các tít lớn và trôi tuột khỏi ý thức của các cử tri.
Có thể tin tình báo gần đây nhất của CIA -- rằng Nga đã nỗ lực giúp ông Trump thắng -- sẽ không thay đổi kết quả bầu cử. Song nếu nó đã có thể cung cấp cho cử tri lý do để nghi ngờ Trump, thì việc chính quyền của ông Obama đã lưỡng lự trong việc phổ biến thông tin rằng có bàn tay của Điện Kremlin có thể đã khiến bà Clinton bị thất cử.
Và tác giả Kaveh Waddell kết luận: “Tổng thống Obama có thế có lý do để suy ngẫm về quyết định này của ông trong một thời gian dài vậy.”
Đọc tới đây tôi càng cảm thấy ngưỡng mộ tư cách quân tử -- có người gọi là nhu nhược -- của ông Obama. Ngưỡng phục rồi thì tôi lại chợt nghĩ đến lời của một ông bạn cao niên, dân tốt nghiệp Học viện Quốc Gia Hành Chánh, cựu công chức thời Việt Nam Cộng Hoà, cựu tù “cải tạo” và cựu thuyền nhân, nay là một công chức quận về hưu.
Một bữa anh ta bảo với tôi thế này: “Mình sẽ không bao giờ thắng tụi cộng sản.” Tôi trố mắt nhìn anh, bất bình, đòi anh giải thích. Anh đáp gọn lỏn: “Vì mình không thể ác bằng họ.”
Chả lẽ cái ngay thẳng, tư cách quân tử phải thua? Chả lẽ cái ác cứ mãi thắng? Tôi không muốn tin như vậy.
[TD, 2016-12]
Trùng Dương
(*) Kaveh Waddle, “Why Didn’t Obama Reveal Intel About Russia’s Influence on the Election? His decision may have cost Clinton the presidency.”https://www.theatlantic.com/technology/archive/2016/12/why-didnt-obama-reveal-intel-about-russias-influence-on-the-election/510242/. Sau bài này của The Atlantic, nhiều tờ báo cũng đã đặt vấn đề tại sao TT Obma đã không thông báo sâu rộng tin này, đặc biệt khi có tới 17 cơ quan tình báo cả quân sự lẫn dân sự đã lên tiếng trong một thông cáo chung vào đầu tháng 10: “Yes, 17 intelligence agencies really did say Russia was behind hacking”,http://www.usatoday.com/story/news/politics/onpolitics/2016/10/21/17-intelligence-agencies-russia-behind-hacking/92514592/ .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét