Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2016

Lá Thư Úc Châu Trang Thơ Nhạc cuối Năm 2016 - TS Nguyễn Nam Sơn

Merry Christmas & Happy New Year 2017
Nhạc Xuân:
1.  Mộng Chiều Xuân: Ngọc Bích - Loan Châu
<!>
2.  Xuân Muộn: Hoài Linh - Hà Thanh
3. Bến Xuân Xanh: Dương Thiệu Tước - Thái Thanh 
4.  Anh Cho Em Mùa Xuân: Nguyễn Hiền - Kim Tuấn - Quang Dũng
Tình thân,
NNS
.............................. .............................. .............................
I. Chuyện Thời sự & Xã hội
(i) Tưởng Năng Tiến: Chuyện phiền vào lúc cuối năm
Khi bạn đứng tần ngần trước một quầy hàng bầy thiệp giáng sinh, và tất cả đều đã “off” từ bốn đến sáu chục phần trăm thì mọi chuyện (kể như) đã lỡ. Chúng ta lại chậm trễ mất rồi. Năm ngoái, cũng vào khoảng thời gian này đây. Nghĩa là cái lúc mà Noel đã đến sát tận lưng, và tết Dương Lịch đang lù lù trước mặt thì (không dưng) bạn nhận được dăm ba cánh thiệp muộn màng.
Thiệp có đặc tính chung là thường chuyên chở một thứ nội dung làm sẵn, và hoàn toàn đã nhẵn – đại loại như: “…một mùa giáng sinh tràn đầy ân sủng Chúa và một năm mới tràn đầy hạnh phúc.” Ân sủng Chúa, nếu có, e cũng khó mà có thể phân phát tùm lum cho toàn thể nhân loại được. Chúng ta đông quá, và mỗi lúc một thêm đông. Sức Chúa, cũng như sức người, có hạn thôi chớ bộ. Còn hạnh phúc thì sợ rằng chưa ai biết nó hình dáng hay mùi vị (thực sự) ra sao. Chúng ta chỉ đều hiểu (một cách rất lơ mơ) rằng hễ nói đến hạnh phúc thì chớ dại mà mong cho nó “tràn đầy.” Mọi thứ đầy đều dễ đổ. Và hạnh phúc thì (ôi thôi) cứ đổ bể rầm rầm, ở bất cứ thời nào, và bất cứ nơi đâu.
Bạn có thể không để ý đến nội dung hàm hồ của những tấm thiệp kiểu đó nhưng tên người gửi vẫn khiến bạn phải lưu tâm (chút đỉnh) chớ, đúng không? Ủa, có nhiều thằng cha lạ hoắc; tại sao chả lại gửi thiệp làm chi vậy cà? Có những con mẹ mà bạn tưởng rằng đã hoàn toàn và vĩnh viễn bước ra khỏi đời mình rồi thì (bỗng dưng) chiều cuối năm – khi nắng vàng dịu dàng đang nhẹ nhàng ôm ấp những thảm cỏ xanh mênh mông ở California –  bạn lại nhận được một cánh thiệp (từ nơi xa xăm) của … cố nhân! Mà không phải là loại thiệp dởm, mua hàng lố đâu. Thiệp loại (cực) chiến, kích thước dềnh dàng, mắc tiền là cái chắc. Cũng không phải chỉ có một chữ ký vội vàng (cẩu thả) bên dưới hàng chữ “Merry Christmas and Happy New Year,” hay vài câu viết thêm vừa vô nghĩa, vừa ngớ ngẩn – như thường thấy – đâu nha. Người ta tuy chỉ viết đôi dòng ngắn ngủi nhưng thiệt là thấm đậm, nồng nàn và (vẫn) tình tứ hết biết luôn: "Cố nhân ơi biết chiều nay ta buồn!"
Những cánh thiệp muộn màng (và bàng hoàng) như thế, đôi lúc, làm kẻ nhận vô cùng bối rối. Nó là bằng chứng hùng hồn về cách cư xử (rất) thiếu văn minh của bạn. Nó khiến chúng ta lấy làm tiếc là tại sao mình lại vô tâm đến thế, sao không nhớ gửi thiệp cho thiên hạ – như họ đã (đều đặn) gửi cho mình – vào dịp cuối năm. Có lúc, yếu lòng hơn, nó còn (dám) khiến bạn tự hứa là sang năm sẽ nhớ ghé qua hàng bán thiệp cho phải chuyện, và ghé sớm – cho xong chuyện.
Nếu đến đúng cái lúc gọi là “sang năm” đó mà chúng ta thực hiện được lời hứa một cách nghiêm chỉnh đàng hoàng thì cuộc đời (rõ ràng) là ổn thỏa, và dễ sống biết chừng nào.
Cuộc đời, than ôi, vốn cùng khó sống. Bởi vậy, khi mà bạn có đủ trí nhớ (và nghị lực) để dừng xe, tắp ngay vào một cửa tiệm nào đó thì chuyện gửi thiệp (e) lại muộn mất rồi.
Bạn lại đứng tần ngần trước trước một rừng thiệp giáng sinh, và tất cả đều đã “off” từ bốn đến sáu chục phần trăm – y như năm ngoái, hoặc năm kia vậy. Và tình trạng này (không chừng) đã xẩy ra từ năm kỉa, hay năm kìa lận.
Chèng ơi, nếu duyên nợ của bạn đối với mấy tấm thiệp mà cứ nhì nhằng (triền miên) từ năm này qua năm khác, hay từ thập niên nọ đến thập niên kia thì cũng đừng vì thế mà … bi lụy quá, rất hại cho sức khỏe. Như vậy, không chừng, còn là một điều may mắn nữa đó nha.
– Ủa, may sao? – Dạ, đúng!
Nói tình ngay thì bạn cũng không may gì mấy. Có điều, chắc chắn, là bạn vẫn may mắn hơn cả đống người Việt tha hương khác. Xin đơn cử một thí dụ, về một trường hợp rất không may, bằng cách tiếp tục câu chuyện đang bỏ dở.
Có kẻ ngay sau khi thấy rằng chuyện gửi thiệp giáng sinh không còn kịp nữa thì họ quyết định ngay là mua thiệp xuân để gửi đi cho kịp Tết. Họ thua keo này (liền) bầy keo khác. Họ suy tính cái rẹt; hành động cái rột. Thấy mà đã mắt, nghe mà sướng tai. Trong sinh hoạt hàng ngày của họ không có những giờ phút (vớ vẩn) kiểu như “tần ngần,” “do dự” hay “nuối tiếc”… về bất cứ chuyện gì. Bạn thấy họ sống mà ham quá, đúng không? Khoan, gượm chút xíu nha … Có nhiều chuyện (ngó) tưởng vậy chớ không phải vậy. Từ từ rồi bạn sẽ thấy là họ cũng khốn đốn thấy mẹ luôn …
Hãy hình dung ra chính bạn đang ngồi ngay ngắn nơi bàn viết, với một đống thiệp xuân –  mua trước Tết cả tháng trời –  và với địa chỉ của tất cả những người quen trên “toàn thế giới” đi. Rồi sao nữa? Không lẽ ký tên cái ào bên dưới câu “Cung Chúc Tân Xuân” rồi gửi (đại) đi sao?
Đâu có được, cha nội! Làm như vậy thì thà “làm biếng” còn hơn. Mỹ, Tây, Tầu, Đại Hàn, Ba Lan, Nhật Bổn, Miên, Lèo, Miến Điện … thì sao không biết, chớ người Việt mà nhận được một cái thiệp ký tên (xuông) như vậy là họ mích lòng (cấp kỳ) à nha. Bạn phải viết vô đó vài chữ cho nó đàng hoàng chớ. Câu hỏi  hỏi đặt ra là (Trời ơi) biết viết cái gì đây? 
Với bố mẹ, anh chị, cô dì, chú bác… đang còn (kẹt) ở Việt Nam thì bạn tính sao? “Một mùa Xuân an bình” hay “con cầu chúc bố mẹ, anh chị, các em, các cháu luôn được vui tuơi và khỏe mạnh trong năm mới…” Nghe đặng không?
Nè (tui nói cho mà hay nha) dù thân nhân ở quê nhà có thương yêu bạn cách mấy, và có xuề xòa dễ tính đến đâu chăng nữa, họ cũng không chấp nhận được những lời cầu chúc vô tâm và vô trách nhiệm quá cỡ  vậy đâu. Nếu ở Việt Nam mà có “một mùa xuân an bình,” hay một cuộc sống “vui tươi và khỏe mạnh” thì đâu có lý do gì để cả nước phải chen chân đi lấy chồng xa, đi lao động xuất khẩu, hay băng băng chui đầu vào  rừng núi xứ người để trở thành … một đám người rơm – hay còn gọi là người rừng, hoặc nouveaux boat people,  những thuyền nhân mới của thế kỷ 21 – những kẻ tứ cố vô thân, bị  trấn lột, bị cuỡng dâm, và bị coi như rác ruởi bên lề xã hội, ở đất lạ xứ người.
Rồi chúng ta viết điều gì trên cánh thiệp giáng sinh gửi cho một đứa em, hay đứa cháu, đi lấy chồng xa (nhưng không ở nhà chồng) và đang ở trong …nhà thổ?  Và chúng ta nói sao với một người thân đi xuất khẩu lao động nhưng chưa được trả một đồng tiền lương nào, cả năm nay? “Một năm mới tràn đầy hy vọng”chắc?
Thôi bỏ đi Tiến ơi. Hết năm rồi, nói chuyện gì khác (một bữa) được không? Sao không gửi cho nhau đôi lời chúc mừng may mắn và vui vẻ cho rồi. Mệt mỏi nguyên năm rồi (bộ) chưa đủ hay sao cà?
O.K. That’s fine! Như vậy, giữa chúng ta – những kẻ may mắn, không ít đứa còn được coi như “thành đạt” nữa là khác (dù là “thành đạt trong thời buổi nhiễu nhưong) và đều đang sống an bình phú túc ở hải ngoại – sẽ gửi cái gì “cho nhau” qua cánh thiệp cuối năm? Những lời chúc tụng truyền thống đều quá date hết trơn rồi, đâu còn sài được nữa? “Chúc ông bà, anh chị…làm ăn phát tài gấp năm, gấp mười năm ngoái” nhá? Đ… mẹ, nói vậy có đứa dám tưởng là mình xúi nó đi ăn cướp nhà băng hay bán ma túy. Cũng chớ có quen miệng mà “boong” một câu, kiểu như “đầu năm sinh con trai cuối năm sinh con gái” nha, má non. Cái gì chớ phá thai là chuyện rất phiền, và tốn tiển dữ lắm. Đừng có nói năng lạng quạng mà gây thù chuốc oán như không.
Hay là cũng bỏ qua luôn mấy chuyện lẻ tẻ đó đi. Phang đại một lời cầu chúc cho quê hương và đại cuộc cho nó …ngon lành. Tới luôn bạng vàng, đâu có chết thằng Tây nào mà sợ: “Chúc đất nước sớm tai qua nạn khỏi” nhá.
Hay: “Hãy giữ vững niềm tin để mai này chúng ta sẽ cùng về xây dựng lại Việt Nam.”
Nghe thì cũng vui nhưng nghĩ lại (e) hơi khó. Với hiện trạng (nát như tương) ở ngoài này, ngó bộ, mốt (hay ngày kia) cũng chưa chắc về nổi chớ đừng nói chi mai; trừ khi, bạn được mời về tham dự Đại Hội Việt Kiều (vào năm tới, nếu có) hay giả dạng làm du khách “chơi lén” một chuyến thì không kể. Khó há. Lờ tít chuyện thiệp xuân thiệp tết đi thì cũng hơi kỳ, nhưng nhào vô cái vụ này thì phiền phức quá. Đời sống, tự nó, đã phiền  phức quá rồi mà. Bầy thêm chuyện để phiền mình (và phiền lẫn nhau) làm chi, cho má nó khi? Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận hoàn toàn vai trò trang nhã, có tính cách truyền thống, rất đáng giữ gìn, của những cánh thiệp trao đi gửi lại – vào dịp cuối năm. Rõ ràng là nó đẹp, và vô cùng lịch sự nhưng chỉ e nó không hợp (mấy) trong lúc này thôi. Cái lúc mà chúng ta vẫn còn đang sống giữa những mùa xuân ly loạn đó mà.

(ii) Ts Nguyễn Đình Thắng: Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua luật chế tài kẻ vi phạm nhân quyền
KG: Quý vị đồng hương đã tham gia các cuộc tổng vận động từ nhiều năm qua
Thưa Quý Vị,
Trong 6 năm qua, Quý Vị đã bỏ nhiều công sức để đồng hành cùng chúng tôi trên từng chặng đường quốc tế vận nhằm giành lại nhân quyền cho hơn 90 triệu đồng bào ở trong nước. Hôm nay chúng ta đang đứng trước ngưỡng của một thắng lợi lịch sử.
Lúc 1 giờ trưa hôm nay, Thượng Viện Hoa Kỳ đã thông qua luật chế tài người vi phạm nhân quyền toàn cầu, mà tên chính thức là Global Magnitsky Human Rights Accountability Act, như một phần của dự luật chuẩn chi ngân sách quốc phòng, viết tắt là NDAA (National Defense Authorization Act), với tỉ số áp đảo 92 / 7.
Thứ Sáu vừa qua, Hạ Viện đã thông qua luật này, cũng với đa số áp đảo: 375 / 34.
Luật này sẽ được chuyển sang Toà Bạch Ốc vào đầu tuần tới. Chúng tôi  tin rằng Tổng Thống Obama sẽ không dùng quyền phủ quyết vì NDDA cần được thông qua để duy trì các chương trình và hoạt động quốc phòng. Hơn nữa, việc phủ quyết của Tổng Thống, nếu có, cũng chỉ mang ý nghĩa tượng trưng vì Quốc Hội sẽ dễ dàng phủ định nó bằng số phiếu vượt xa mức đa số 2/3 cần thiết.
Sau khi Tổng Thống ký ban hành, lần đầu tiên luật pháp Hoa Kỳ sẽ có những biện pháp chế tài cụ thể và mạnh mẽ nhắm trực tiếp vào những thủ phạm của các hành vi vi phạm nhân quyền, bất luận họ ở đâu trên thế giới.
Luật chế tài người vi phạm nhân quyền sẽ tiếp sức đáng kể cho chúng ta trong công cuộc đấu tranh cho nhân quyền của 90 triệu đồng bào ở trong nước. Cá nhân những giới chức chính quyền và giới lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam từ nay sẽ phải đối mặt với các biện pháp chế tài nếu bị chứng minh là liên can đến các hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng đối với người dân.
Các cuộc vận động ở địa phương và các buổi tổng vận động ở Quốc Hội từ năm này sang năm khác của chúng ta đã đóng góp đáng kể cho thành quả này.  Tôi xin gửi lời tri ân đến tất cả quý vị đồng hương đã dấn thân và vô cùng kiên nhẫn khi đồng hành với chúng tôi trong suốt 6 năm qua. Đối với những đồng bào Việt Nam ở trong và ngoài nước nói chung, chúng tôi sẽ theo dõi và sẽ thông báo khi luật được ban hành – và điều này có lẽ sẽ xảy ra nội trong tuần tới đây.
Dưới đây là nội dung tóm tắt về luật chế tài người vi phạm nhân quyền. Chúng tôi sẽ có bài viết phân tích chi tiết ảnh hưởng của luật mới này lên chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, và hướng dẫn những cách thức nào để chúng ta tận khai thác các biện pháp chế tài trong luật mới cho công cuộc thay đổi đất nước.
Các điều khoản chính trong ngôn ngữ chế tài các kẻ vi phạm nhân quyền trầm trọng hay tham nhũng trầm trọng gồm có:
- Luật áp dụng đối với những kẻ vi phạm trầm trọng (giết hại, tra tấn, và các hình thứ đàn áp nặng nề) nhân quyền đối với những người:
- Phanh phui các hành động phi pháp (bao gồm cướp đoạt tài sản, tham nhũng, hối lộ, hay chuyển lậu tài sản ra nước ngoài) của các giới chức chính quyền;
- Giành lại, thực thi, bảo vệ hay phát huy các quyền con người được quốc tế công nhận (như quyền tự do tôn giáo, phát biểu, hội họp, lập hội, xét xử công bằng và bầu cử dân chủ).
- Kẻ vi phạm là giới chức chính quyền ngoại quốc, thuộc hạ của họ trong việc thi hành các sự vi phạm, hay kẻ tiếp tay hỗ trợ cho việc thi hành này.
Các hình thức chế tài gồm có:
- Cấm nhập cảnh Hoa Kỳ, và thu hồi chiếu khán nhập cảnh Hoa Kỳ nếu đã được cấp;
- Đóng băng tài sản của kẻ vi phạm, kể cả ở Hoa Kỳ, được di chuyển qua Hoa Kỳ hay đang nằm dưới tên của một công dân hay thường trú nhân Hoa Kỳ.
Danh sác các đối tượng để chế tài phải được đề nghị bởi cả Chủ Tịch (thuộc đảng đa số) lẫn người lãnh đạo đảng thiểu số của các Uỷ Ban sau đây:
- Uỷ Ban Ngân Hàng, Gia Cư và Thành Thị (Committee on Banking, Housing and Urban Affairs) của Thượng Viện;
- Uỷ Ban Đối Ngoại của Thượng Viện;
- Uỷ Ban Dịch Vụ Tài Chính của Hạ Viện;
- Uỷ Ban Đối Ngoại của Hạ Viện.
Nếu là đối tượng bị đàn áp là người tranh đấu nhân quyền thì sự đề nghị chỉ cần đến từ một trong 4 uỷ ban trên; nếu liên quan đến cưỡng đoạt tài sản hay tham nhũng thì sự đề nghị phải cùng lúc đến từ 2 trong số 4 uỷ ban kể trên với điều kiện 1 ở Hạ Viện và 1 ở Thượng Viện.
Bộ phận Dân Chủ, Nhân Quyền và Lao Động của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng có thể nộp danh sách đề nghị.
Tổng Thống Hoa Kỳ có 120 ngày kể từ khi nhận được danh sách đề nghị để phúc trình với Quốc Hội về các biện pháp áp dụng theo đòi hỏi của luật; Tổng Thống có thể cứu xét biện pháp áp dụng dựa trên các thông tin được cung cấp bởi những tổ chức phi chính phủ chuyên theo dõi tình trạng nhân quyền hoặc được cung cấp bởi các uỷ ban thuộc Quốc Hội kể trên. Ngày 10 tháng 12 mỗi năm (Ngày Quốc Tế Nhân Quyền), Tổng Thống có trách nhiệm phúc trình tổng hợp cho Quốc Hội về việc thực thi luật trong năm.
Tổng Thống có thể miễn áp dụng luật đối với một số cá nhân nếu chứng minh rằng lý do miễn là vì kẻ vi phạm đã bị truy tố đích đáng ở quốc gia sở tại, vì kẻ vi phạm đã hoàn toàn thay đổi thái độ, hay vì do lợi ích quốc gia Hoa Ky (phải đi kèm với lời biện minh thích đáng).
Luật có hiệu lực 6 năm, sau đó sẽ tự động mất tính hiệu lực trừ khi được Quốc Hội gia hạn. (8 - 12 - 2016 - http://machsongmedia.com)

(iii) Đào Như: Tương quan giữa Obama-Putin và Trump qua vụ việc tin tắc Nga xâm nhập thông tin bầu cử Mỹ
Chiều 16-12-2016, nhân dịp đọc diễn từ cuối năm cùng với các giới báo chí, các cơ quan truyền thông và người dân Mỹ, Tổng thống Obama đề cập đến 2 vấn đề lớn: Chiến tranh ở Syria và nạn tin tặc Nga tấn công thông tin bầu cử của Đảng Dân Chủ Mỹ.
Tổng thống Barack Obama đã lên tiếng thống trách Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xâm nhâp những thông tin của đảng Dân Chủ về cuộc tranh cử tổng thống Mỹ trong những tháng vừa qua. Với những dữ kiện chính xác được cung cấp tứ hai tổ chức bảo vệ an ninh của Mỹ là FBI và CIA, Tổng thống Obama đoan chắc rằng ở Nga bất cứ những hành đen tối như thế nầy lúc nào cũng Putin nhúng tay vào. Theo báo cáo của FBI và CIA đích thân Putin đã điều khiển-directed-việc xâm nhập trái quấy nghiêm trọng này. Hôm đầu tháng 12, Tổng thống Obama tỏ ra cho thiên hạ thấy ông vô cùng giân dữ và ông cảm thấy cần phải hành động mạnh chống lại Putin. Điều này làm cho thế giới lo âu.
Dĩ nhiên về phía Nga họ luôn luôn bác bỏ luận điệu này của Mỹ. Nga còn tố cáo Trung Quốc mới là quốc gia có nhiều tổ chức tin tặc nhiều hơn họ nhiều. Người phát ngôn điện Kremlin hôm 15-12 cho rằng sự cáo buộc của Bạch ốc đối với Tổng thống Putin của họ là sỗ sàng! Ngay cả Putin miệng thì cứ leo lẻo và cho rằng kết luận của FBI và CIA là vô căn cứ, không có cơ sở. Còn phần bà Hillary Clinton lúc nào cũng ấm ức qui trách nhiệm cho Nga và FBI trong việc bà thất cử vừa rồi…Tổng thống Obama cũng cảm thông hoàn cảnh éo le này của bà. Donald Trump cho việc tố cáo tin tặc Putin là vô căn cứ. Nếu biết rõ tin tặc Nga xâm nhập thông tin bầu cử Mỹ từ nhiều tháng trước, tại sao đảng Dân Chủ không chịu tố cáo vào lúc ấy, phải đợi ông ta đắc cử Tổng Thống, đảng Dân Chủ mới tố cáo Nga? Mặc dầu lập luận của Trump có phần chủ quan nhưng xem chừng ông rất có lý trong trường hợp và vị thế của ông.
Trong thực tế ai cũng biết giữa Hoa Kỳ và Nga không có thỏa thuận nào cấm không được tiến hành hoạt động thâm nhập thông tin tình báo của nhau. Nga có quyền do thám Mỹ và Mỹ có quyền do thám Nga. Đồng thời các cơ quan an ninh của cả hai bên cũng có quyền làm tất cả những gì có thể  để ngăn chận và phòng chống tin tặc.
Dĩ nhiên trước khi đọc bài diễn văn cuối năm hôm 16 tháng 12, Tổng thống Obama đã nắm rõ nguyên tắc này. Do vậy, cuối bài diễn văn ông tuyên bố ông sẽ yêu cấu Tổng Thống Nga, ông Putin, hãy bỏ và thôi không xâm nhập vào thông tin của Mỹ. I’ll call Putin to cut it out. Giới báo chí và truyền thông cảm thấy nhẹ nhỏm như vừa vứt đi nỗi lo sợ rằng những va chạm giữ Mỹ và Nga về vấn đề tin tặc sẽ bùng nổ to. Họ rất mừng khi Tổng thống Obama giơ cao mà đánh nhẹĐây là thái độ của một nhà lãnh đạo lão thành. Thế giới hôm nay tránh nhất là thái độ gây hấn hung hãn liều mạng theo kiểu Trung Quốc, có thể gây hiểu lầm và có hành đông bất cập gây tai hại cho nền hòa bình thế giới.
Thật là tế nhị khi ông Obama tuyên bố sau bài diễn văn là ông sẽ yêu cầu Tông thống vừa đắc cử Donald Trump sẽ có buổi điện đàm với Tổng thống Nga, Putin, và thuyết phục ông này hãy từ bỏ và thôi sử dụng tin tặc xâm nhập thông tin của nhau. Để lời đề nghị của mình có hiệu năng, Tổng thống Obama bèn hạ thấp sự va chạm giữa Bạch cung và Donald Trump về việu bầu cử vừa rồi, ông xem cuộc kiểm phiếu phổ thông trong ba tiểu bang Wisconsin, Michigan và Pensylvania là không hợp lệ không coi trọng truyền thống dân chủ của Mỹ. Nghĩa là Tổng thống Obama nhìn nhận sự đắc cử của Đoanald Trump là việc đã rồi!
Trước thái độ này của TT Obama, chắc chắn người hùng Donald Trump khó mà từ chối lời đề nghị của Tổng thống Obama. Nếu Donald Trump sẵn sàng nói chuyện với Putin, thì chắc nhà lãnh đạo Nga hợp tác với Donald Trump. Đây là cơ hội vàng để cho Putin lên mặt với dân Nga là được Tổng thống tân cử của Mỹ đích thân yêu cầu ông không dùng tin tặc xâm nhập thông tin của Mỹ.      
Thật là lý thú thế giới hôm nay nói chung và hai dân tộc Nga Mỹ nói riêng, đang đối diện với 3 người hùng của họ: Vladimir Putin là một gian hùng, Donald Trump là một anh hùng, còn Barack Obama là một trầm hùng, người có thể giải quyết mọi tranh chấp trên thế giới qua đường lối hòa đàm tránh được cuộc mọi cuộc xung đột vũ trang cho nhân loại ./.
(Đào Như - Thetrongdao2000@yahoo.com - Arlinton Heights-Usa - 17-12-2016)

(iv) Hoàng Long (VOA): Gặp gỡ đại cử tri gốc Việt từ chối bỏ phiếu cho ông Trump
Những ngày này anh Vũ Bảo Kỳ không khỏi băn khoăn về tương lai sắp tới của nước Mỹ, và anh không cố che giấu điều đó.
Như những người theo Đảng Cộng hòa khác, lẽ ra anh đang rất hoan hỉ mới phải. Đảng của anh vừa thắng lớn trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua: một Tổng thống Cộng hòa sắp sửa dọn vào Tòa Bạch Ốc, cả hai viện Quốc hội đều do phe Cộng hòa kiểm soát, và ở cấp bang phe Cộng hòa áp đảo trong những cơ quan lập pháp và dinh thống đốc khắp cả nước. Chỉ mới mấy tháng trước, đó là viễn cảnh trong mơ của Đảng Cộng hòa.
Nhưng bây giờ sự lạc quan của anh bị lấn át bởi nỗi e ngại và nghi ngờ về đường hướng của chính quyền mới dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump, phần nhiều vì một số nhân vật được chọn vào nội các. “Đây là những người mà tôi không tin tưởng là họ có đủ lương tâm, nói thật, để lãnh đạo nước Mỹ,” anh nói.
Lương tâm” là thứ đã khiến vị doanh nhân Vũ Bảo Kỳ gần 30 năm gắn bó với Đảng Cộng hòa này đưa ra một quyết định mà không phải quan chức Đảng Cộng hòa nào cũng có thể làm được. Đầu tháng 8 năm nay, anh Bảo Kỳ từ chức đại cử tri của bang Georgia ở miền nam vì không thể chấp nhận người mà đảng anh đề cử để lãnh đạo đất nước. “Tôi sẽ không bỏ phiếu cho Donald Trump trong cuộc tổng tuyển cử. Tôi không thẹn với lương tâm nhưng tâm hồn tôi đang bị thử thách,” anh Bảo Kỳ viết trong một thông cáo gửi đi vài giờ trước khi từ chức. “Những chiêu trò và hành vi ngu xuẩn của Trump đã củng cố niềm tin của tôi rằng ông ta thiếu sự suy xét, tính khí và phong thái trang nghiêm để lãnh đạo đất nước này… Hãy quên đi sự thiếu tế nhị về mặt chính trị, đây đơn giản là sự mị dân hèn hạ.”
Ngày Bầu Cử, anh viết vào lá phiếu tên Jeb Bush, em trai của Tổng thống George W. Bush và là ứng cử viên Cộng hòa đã bị ông Trump đánh bại trong đợt bầu cử sơ bộ hồi đầu năm nay.
Nếu không từ chức, anh lẽ ra sẽ cùng 537 thành viên khác của Đại cử tri đoàn bỏ phiếu chính thức chọn Donald Trump làm Tổng thống vào ngày 19 tháng 12 tới đây. Ông Trump giành chiến thắng ở bang Georgia, nơi mà lâu nay vẫn ngả theo ứng cử viên Đảng Cộng hòa.
Trong một cuộc phỏng vấn với VOA, anh Bảo Kỳ giải thích quyết định của mình: “Lúc mà tôi lên tiếng về việc này đó là tại vì tôi thấy có một số sự kiện làm cho mình không đồng ý từ phía ông Trump. Căn bản là những lời ông ấy nêu lên, từ nói xấu ông Thượng nghị sĩ John McCain đến chuyện gia đình Khan có người con là cựu đại úy đã mất [trong một vụ tấn công tự sát] ở bên Iraq, tôi mới thấy đó là lúc mà mình cần lên tiếng để phản đối lời của ứng cử viên lúc đó.” Những người ủng hộ ông Trump khi đó gọi anh là “nỗi nhục nhã” và cáo buộc lập trường của anh đang giúp ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton. Nhưng trên trang Facebook của anh, bạn bè chia sẻ những lời khích lệ và cảm ơn. “Khá lắm Baoky Vu! Anh làm tất cả chúng tôi rất tự hào,” một người viết. “Những người mà tôi quen biết trong guồng máy chính phủ tiểu bang tại đây, họ ủng hộ tôi dù họ là Đảng Cộng hòa, vì ngay lúc đó họ cũng rất sợ ảnh hưởng của ông Trump với những người ứng cử viên Đảng Cộng hòa lúc đó,” anh Bảo Kỳ cho biết. Rồi ông Trump bất ngờ đắc cử. Không những ông đánh bại bà Clinton một cách rõ ràng về số phiếu Đại cử tri đoàn mà còn giúp nhiều ứng cử viên Cộng hòa khác đắc cử hoặc tái đắc cử. Giới lãnh đạo Đảng Cộng hòa, từng ngần ngại trong việc công khai ủng hộ ông Trump, giờ đang dang rộng vòng tay nồng ấm. Ngay cả cựu ứng cử viên tổng thống Mỹ Đảng Cộng hòa năm 2012 Mitt Romney, một trong những người từng đả kích ông Trump bằng những lời khắc nghiệt nhất, cũng đã ca ngợi ông Trump sau khi bước ra khỏi một cuộc phỏng vấn hồi gần đây cho chức vụ Ngoại trưởng.
Hành trình chinh phục hoàn toàn Đảng Cộng hòa của ông Trump đã hoàn tất. Những người được gọi là cử tri ‘lương tâm’ như anh Bảo Kỳ giờ đối diện với hiện thực mà họ không thể phủ nhận. Anh biết mình phải làm gì: chấp nhận người mà anh từng không thể chấp nhận.
Kiên định giữa làn sóng dân túy
Anh Bảo Kỳ thuộc thành phần có chủ trương ôn hòa và lối tiếp cận thực tế trong Đảng Cộng hòa. Lập trường của anh về một số vấn đề còn gần với Tổng thống Barack Obama của Đảng Dân chủ hơn là những người bạn đồng đảng của anh trong Quốc hội. Nếu là một nhà lập pháp, anh có lẽ là một trong những người có khả năng giúp mở ra đối thoại, thu hẹp chia rẽ và tạo dựng đồng thuận. Anh tin rằng công ăn việc làm mất đi phần nhiều là do những tiến bộ của công nghệ làm thay đổi căn bản nền kinh tế chứ không phải sự toàn cầu hóa; rằng di dân bất hợp pháp là nguồn nhân công quan trọng góp phần duy trì đà tăng trưởng cho nền kinh tế Mỹ; rằng ai tuyên bố có thể ngay lập tức bãi bỏ và thay thế Đạo luật Chăm sóc Y tế Giá phải chăng (Obamacare) thì đó là “lừa bịp”; rằng Đảng Cộng hòa nên chấp nhận hôn nhân đồng tính; và rằng hoạt động của con người góp phần đưa tới biến đổi khí hậu. Nhưng năm 2016 là năm mà cử tri khước từ đường lối trung dung của cả hai chính đảng để đón nhận thông điệp dân túy chống toàn cầu hóa, chống nhập cư của ông Trump. Anh Bảo Kỳ khước từ thông điệp đó, dù việc này khiến anh phải từ bỏ chức vụ mà anh coi là “vinh dự chỉ có một lần trong đời.”
Rời Việt Nam vài ngày trước khi Sài Gòn thất thủ vào tháng 4 năm 1975, cậu bé Bảo Kỳ 8 tuổi cùng gia đình đến Úc sinh sống vài năm trước khi định cư ở thành phố Atlanta ở Mỹ. Với kinh nghiệm làm việc trong ủy ban cố vấn của Tổng thống George W. Bush về người Mỹ gốc Á và người từ những đảo Thái Bình Dương, anh hiện là chuyên viên về kinh tế-tài chính của một công ty cố vấn chiến lược ở Atlanta. Anh cũng phục vụ trong vai trò thành viên hội đồng quản trị của một số tổ chức địa phương. Tháng 5 vừa qua, anh được đại hội Đảng Cộng hòa cấp bang bổ nhiệm làm một trong 16 đại cử tri của Georgia sau nhiều năm tham gia sinh hoạt chính trị. Nhưng gia đình chính là nơi đầu tiên anh tiếp thu những tư tưởng của Đảng Cộng hòa. Ba của anh, 82 tuổi, từng là thành viên Hội đồng an ninh quốc gia của Việt Nam Cộng hòa. “Tôi đã được cơ hội trưởng thành trong môi trường khá cởi mở,” anh Bảo Kỳ chia sẻ. “Ba tôi và má tôi, nhất là ba tôi, đã sinh hoạt trong công cuộc đấu tranh cho dân chủ và tự do tại Việt Nam từ xưa đến nay, nên tôi đã được truyền lại những nguyện vọng và hiểu biết về chính sách của Cộng hòa”. 
Tin tưởng sâu sắc vào những lý tưởng của đảng mà Tổng thống Lincoln và Reagan từng lãnh đạo, anh bất mãn trước điều mà anh nói là “một số thành phần quá khích” trong Đảng Cộng hòa đang gây áp lực buộc giới lãnh đạo phải thuận theo đường lối của họ. “Một số thành phần quá khích trong Đảng Cộng hòa đã lôi kéo dư luận này quá đi về hướng bảo thủ,” anh nói. “Nó đã làm cho những người như tôi, như [Chủ tịch Hạ viện] Paul Ryan, như [Lãnh đạo Khối Đa số Thượng viện Mitch] McConnell, như [Thượng nghị sĩ bang Georgia Johnny] Isakson thấy khó chịu”. Hệ quả là sự tin tưởng của cử tri đối với truyền thông chính thống xuống thấp đến mức kỷ lục và sự lên ngôi của những tin tức giả trên mạng xã hội. Một phân tích của BuzzFeed News hồi gần đây cho thấy trong số 20 câu chuyện tin tức bịa đặt thu hút nhiều tương tác nhất trên Facebook vào ba tháng cuối trước Ngày Bầu Cử, 17 trong số đó là thông tin có lợi cho ông Donald Trump. Đó là điều làm anh Bảo Kỳ rất lo ngại. Và đó cũng chính là lý do vì sao anh tỏ ra ngờ vực cựu Trung tướng Michael Flynn, người được ông Trump chọn làm cố vấn an ninh quốc gia và là người đã từng đăng lên Twitter một đường link dẫn tới một câu chuyện bịa đặt về sự dính líu của bà Clinton trong đường dây tội phạm tình dục với người vị thành niên. (Ông này mới đây đã lặng lẽ gỡ bỏ dòng tweet này, theo CNN). Nhận thấy tác động của những tin tức như vậy đối với cộng đồng người Mỹ gốc Việt, anh đưa ra lời kêu gọi khẩn thiết: “Nếu chúng ta thực sự tin là chúng ta đã là nạn nhân của những tuyên truyền của chế độ cộng sản từ xưa đến nay thì chúng ta cũng phải cẩn thận khi mà bên [Mỹ] này họ cũng có những cơ quan tuyên truyền mà nó có thể phá hoại nề nếp dân chủ ở Hoa Kỳ.”
‘Tiếng chuông cảnh tỉnh’
Cuộc bầu cử đã kết thúc. Những luận điệu gay gắt lúc tranh cử đã lắng dịu. Và không lâu nữa ông Trump sẽ đối diện với thực tế quản lý bộ máy chính quyền mà ông đã tỏ ra sửng sốt về quy mô của nó trong cuộc gặp gỡ đầu tiên với Tổng thống Obama tại Tòa Bạch Ốc hôm 10 tháng 11, theo báo The Wall Street Journal. Anh Bảo Kỳ cảnh báo rằng ông Trump sẽ sớm nhận thấy ông sẽ không thể thực hiện được một số lời hứa của mình và sẽ phải chọn những phương hướng thực tế hơn. Anh nói anh vẫn mong muốn chính quyền của ông Trump và Quốc hội thành công trong công tác đối nội lẫn đối ngoại.
Nếu có thứ gì mà cuộc vận động tranh cử năm 2016 chưa đảo lộn thì đó chính là những lý tưởng Cộng hòa mà anh Bảo Kỳ đã theo đuổi cả đời. Hơn bao giờ hết, bây giờ anh đang ra sức bảo vệ những lý tưởng đó. “Mỗi cá nhân chúng ta có một vai trò khác nhau,” anh nhấn mạnh, giọng đầy sự xác tín. “Chuyện lên tiếng là rất cần thiết, vì nếu mình không lên tiếng thì nước mình sẽ càng ngày càng xuống”. “Tôi hy vọng với đồng bào Việt Nam mình hoặc là đồng bào các sắc dân khác họ phải coi cuộc bầu cử này là tiếng chuông cảnh tỉnh để mà họ tích cực tham gia hơn chứ không phải là để họ rút lại và ở trong nhà,” anh nói thêm. Dưới thời Tổng thống Trump anh Bảo Kỳ nói anh sẽ tiếp tục lên tiếng, nếu có cơ hội.

(v) Trần Trung Đạo: Chủ nghĩa dân túy Mỹ và Donald Trump
Bốn năm trước trong loạt bài về Thổ Nhĩ Kỳ người viết có giới thiệu chủ nghĩa dân túy (populism) trong đó Mustafa Kemal, người sáng lập nền Cộng Hòa Thổ (Republic of Turkey), quan niệm cách mạng dân tộc dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ là một cuộc cách mạng xã hội nhằm phục vụ cho lợi ích của toàn dân. Ông đề cao các giá trị văn hóa lịch sử Thổ và xem đó như hành trang lên đường hướng tới một tương lai sáng lạn cho dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên trường hợp thành công của Mustafa Kemal là một trường hợp hiếm hoi. Không ít chính trị gia sử dụng dân túy kể cả tại Thổ dưới chính quyền Recep Tayyip Erdoğan, như một phương tiện để dẫn đến mục đích chính trị cực đoan (tả và hữu), và tàn phá niềm tin của các tầng lớp người trước đó đã bầu họ lên. Không ít người hiểu không đầy đủ nội dung và phương tiện của chủ nghĩa dân túy nên thường phân tích quan điểm dân túy với tính tiêu cực nhằm kết án một lãnh tụ chính trị và bỏ qua các mặt tích cực, cao cả có tính lịch sử của chủ nghĩa này.
Trước hết, chủ nghĩa dân túy là gì?
Theo các tác giả Mỹ Mary Beth Norton, David M. Katzman, David W. Blight, Howard Chudacoff, Fredrik Logevall trong cuốn hai của bộ Lịch sử Hoa Kỳ, chủ nghĩa dân túy rút ra từ chữ Latin populus, là chủ thuyết chính trị ủng hộ quyền lực của những người dân thường trong cuộc đấu tranh với tầng lớp đặc quyền (The political doctrine that supports the rights and powers of the common people in their struggle with the privileged elite). Định nghĩa này được chấp nhận rộng rãi nhưng khá tổng quát vì rất ít khi lãnh đạo các phong trào dân túy thừa nhận họ là “đại biểu của tầng lớp người dân thường”. Dù sao, nếu đồng ý với định nghĩa trên, dân túy là một lý tưởng cao cả, qua đó, những người đại diện cho đa số bị thiệt thòi, áp bức để lãnh đạo cuộc đấu tranh chống lại thiểu số nắm phần lớn các đặc quyền, đặc lợi trong xã hội.
Michael Kazin, tác giả của  The Populist Persuasion and A Godly Hero: The Life of William Jennings Bryan, không cho dân túy là một chủ nghĩa mà đúng hơn là một thúc giục, một ngôn ngữ, qua đó người vận dụng hiểu được nguyện vọng của những người bình thường, không bị ràng buộc một cách hạn hẹp bởi giai cấp, nhìn các đối thủ của họ như là một nhóm nhỏ chỉ biết vì tư lợi, phi dân chủ và tìm cách vận động thành phần trước chống lại nhóm nhỏ sau này. Nếu đồng ý với định nghĩa của Michael Kazin thì dân túy còn có thể là một thủ thuật chính trị của những kẻ nắm được thời cơ, vận dụng tâm lý quần chúng để nắm lấy quyền lực bằng các phương pháp dân chủ. Theo định nghĩa này, Hitler cũng là dân túy, ít nhất cho đến khi ông ta tập trung toàn bộ quyền lực trong tay vào đầu năm 1933.
Chủ nghĩa dân túy tại Mỹ: Các học giả phân loại chủ nghĩa dân túy Mỹ dựa trên tư tưởng chính trị như dân túy cánh tả cuối thế kỷ 19 hay dân túy cánh hữu trong thời kỳ đầu của Chiến tranh lạnh và sau này.
Dân túy cánh tả Mỹ
Về mặt lịch sử, Đảng Nhân Dân (People's Party) hay còn được gọi là đảng Dân Túy phát xuất từ phong trào nông dân Mỹ cuối thế kỷ 19. Giới  nông dân trong giai đoạn này phải vừa chịu đựng giá bông sợi xuống thấp, hạn hán kéo dài mà vừa phải mang gánh nặng lãi xuất ngân hàng cao, cộng thêm với giá chuyên chở cao. Trong tình trạng đó, nông dân, nghiệp đoàn và cảm tình viên đã đoàn kết dưới danh nghĩa của Đảng Nhân dân (People's Party), và những người trong phong trào thường được gọi là những nhà dân túy. Đảng Nhân dân đòi hỏi  quốc hữu hóa hệ thống xe lửa, giải tán các ngân hàng cho vay lớn, loại bỏ tiêu chuẩn vàng.
Cao điểm của đảng Nhân Dân là cuộc bầu cử tổng thống năm 1892 trong đó ửng cử viên James B Weaver của đảng chiếm được 8.5 phần trăm số cử tri đi bầu và thắng cử tri đoàn trong năm tiểu bang (Colorado, Idaho, Kansas, Nevada, North Dakota). Sau cuộc bầu cử, Đảng Nhân Dân chia làm hai cánh, một cánh chủ trương tiếp tục là một đảng độc lập và cánh khác chủ trương sáp nhập vào đảng Dân chủ. Dù sau đó tan rã, phong trào dân túy đã để lại nhiều ảnh hưởng trong nhận thức chính trị cũng như chính sách của các lãnh đạo Mỹ sau này trong đó có chính sách New Deal của tổng thống Franklin Delano Roosevelt.
Dân túy cánh hữu Mỹ
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, chủ nghĩa dân túy Mỹ chuyển hướng từ tả sang hữu da trắng. Thượng nghị sĩ Joseph McCarthy chống Cộng sản, Thống đốc Alabama George Wallace chống khuynh hướng quan liêu thư lại trong chính phủ liên bang. Đảng độc lập của George Wallace thắng 13.8 phần trăm số phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1968.  Sau khi tổng thống Barack Obama đắc cử nhiệm kỳ đầu, chủ nghĩa dân túy cánh hữu Mỹ phục hồi mạnh mẽ với sự ra đời của phong trào “Tea Party” vào tháng 2, 2009. Phong trào lấy ý nghĩa từ chiến dịch chống thuế trà của Anh xảy ra tại Boston vào 16 tháng 12, 1773.  Phong trào “Tea Party” là một tập hợp lỏng lẻo của nhiều nhóm Cộng hòa bảo thủ nhằm chống lại các chính sách y tế của TT Obama, đòi hỏi các biện pháp giảm nợ quốc gia, hạ thấp mức thiếu hụt ngân sách, cắt giảm chi phí điều hành chính phủ liên bang và giảm thuế. Mặc dù chỉ là một phong trào, “Tea Party” có ảnh hưởng rất sâu sắc trong nội bộ đảng Cộng hòa. Nhiều thống kê cho thấy hơn 10% người dân Mỹ xác định họ là thành viên của phong trào. Ảnh hưởng của “Tea Party” kéo dài cho tới ngày nay và đóng một vai trò ý nghĩa trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua.
Trump, một nhà dân túy?
Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua, lý luận dân túy lại một lần nữa được mổ xẻ trong sinh hoạt chính trị Mỹ vì cả Bernie Sanders (tả) lẫn Donald Trump (hữu) đều tranh cử mang ít nhiều màu sắc chính trị dân túy. Cả Sanders và Trump đều cho rằng họ dựa trên ước muốn đại đa số nhân dân bị bỏ rơi bởi các hệ thống (establishments), tức những nhóm chế ngự cơ cấu chính trị quốc gia bằng cách nắm giữ các chức vụ quan trọng trong guồng máy điều hành chính phủ hay các trung tâm lý luận của một quốc gia.
Từ quan điểm đó, nhiều nhà phân tích cho rằng Donald Trump là nhà dân túy và ứng cử dựa trên hệ thống lý luận dân túy, tuy nhiên, cũng có một số phản biện, trong đó có Barack Obama, cho rằng Trump chỉ theo chủ nghĩa bảo vệ quyền lợi người bản xứ (nativism) hẹp hòi.
Trong buổi vận động cho bà Hillary Clinton hôm 23 tháng Sáu, 2016 tại North Carolina,  Obama giải thích rằng suốt cuộc đời chính trị ông đã thật sự quan tâm đến vấn đề giáo dục dành cho học sinh nghèo, bảo đảm sức khỏe của mọi người dân đều được quan tâm, và công bằng trong thuế má. Tổng thống nói, những việc làm đó cho thấy “tôi mới nên được gọi là nhà dân túy”. Tuy nhiên quan điểm của TT Obama bị một số  nhà phân tích bác bỏ và cho rằng nói như tổng thống thì Donald Trump mới chính là người dân túy vì ông đã đứng lên chống lại chính phủ thối nát và các nhóm đặc quyền, đặc lợi.
Michael Kazin, tác giả uy tín nghiên cứu về chủ nghĩa dân túy,  cho rằng Trump đã “bày tỏ một mặt của chủ nghĩa dân túy, giận dữ nhắm vào cơ chế và các thành phần ưu tú. Ông tin rằng dân chúng Mỹ đã bị các thành phần ưu tú này phản bội. Nhưng mặt khác của chủ nghĩa dân túy là ý thức của một con người đạo đức, con người đã bị phản bội bởi những lý do và có một đặc tính rất riêng biệt, dù người đó là công nhân, nông dân hay người trả thuế. Trong khi Trump thì khác, tôi không thấy nhiều ý thức như vậy nơi ông”.
Đừng nói chi là bầu cử tổng thống, ngay trong vòng sơ bộ của đảng Cộng Hòa đã cho thấy đảng viên Cộng hòa, những người nghĩ họ là nạn nhân của chính sách toàn cầu hóa,  hệ thống quan liêu thư lại, chi dùng liên bang, đã dứt khoát muốn có một khuôn mặt ngoài cơ chế, người ngoài cuộc quyết tâm phục hồi các quyền lợi, bù đắp những thiệt thòi, củng cố vị trí đang yếu kém của nước Mỹ. Các đặc điểm về cá tính, đời tư, lời ăn tiếng nói không quan trọng bằng các quan tâm về an ninh, thuế má, phát triển kinh tế và màu da. Người đó là Donald Trump. 
Khác với những lãnh tụ phong trào dân túy hữu bảo thủ như  George Corley Wallace hay Pat Buchanan, Trump thu hút thành phần trung hữu. Ông tách ra khỏi khuynh hướng Cộng hòa cực đoạn khi phê bình Pat Buchanan “Tôi đoán chừng ông ta là người ngưỡng mộ Hitler, chống Do Thái, ghét da đen, ghét đồng tính”. Trong tác phẩm quan trọng xuất bản năm 2000 The America We Deserve, Donald Trump đưa ra các chính sách gần với quan điểm trung hữu hơn là bảo thủ.
Trump, một “dealmaker”?
Đa số người Việt quan tâm đến chính sách đối ngoại của Donald Trump. Cũng trong The America We Deserve, ông chủ trương các biện pháp đối ngoại mềm dẻo với Nga và cứng rắn với Trung Quốc. Theo Trump, phương pháp ngoại giao theo kiểu chơi cờ trong Chiến tranh Lạnh đã qua,  “chính sách ngoại giao hiện nay phải đặt trong tay những người giao thương chuyên nghiệp nhằm đạt mục đích cho lợi nhất cho họ (dealmaker)”.  Một ví dụ điển hình cho quan điểm này của Trump xảy ra ngày 3 tháng 12, 2016 khi Bộ Ngoại Giao Trung Cộng gởi một phàn nàn đến Mỹ về cú điện thoại giữa Donald Trump và TT Đài Loan và cho rằng cú điện thoại đã thay đổi chính sách của Mỹ từ năm 1979  nhìn nhận Đài Loan là một phần của Trung Quốc.Cách giải thích của Donald Trump đúng như giọng của một “dealmaker”: “chẳng lẽ bán cho họ nhiều tỉ đô la vũ khí mà không chấp nhận một lời chúc mừng hay sao.” Phát biểu này không phải phát xuất từ cá tính bộc trực mà đã được Trump khẳng định trong tác phẩm của ông ta mười sáu năm trước. Đừng quên, chính sách “Một Trung Quốc”  hiện nay là sản phẩm của Chiến tranh Lạnh khi Mỹ chủ trương thỏa hiệp với Trung Cộng yếu để tập trung đối đầu với Liên Xô mạnh. Ngoài việc gián đoạn ngoại giao với Đài Loan, Mỹ còn chấp nhận Eo Biển Đài Loan (Taiwan Strait) như là một tình trạng thực tế (status quo) thuộc về Trung Cộng. Chính sách này lẽ ra không còn tác dụng gì nữa và phải thay đổi. Nhưng không, hiện nay, Tập Cận Bình mở rộng ‘status quo’ đó bằng cách cấp tốc quân sự hóa các vùng khác trên Biển Đông. Chủ trương của họ Tập là dù không chiếm hết Biển Đông trong thời gian ngắn, ít nhất cũng thiết lập các “status quo” mới để trong trường hợp phải ngồi vào một hội nghị quốc tế, Trung Cộng sẽ dùng các “status quo” đó đặt quốc tế trước một sự kiện đã rồi. Tuy nhiên tham vọng của Tập sẽ phải gặp phải lực đối đầu rất mạnh và cụ thể vì Trump có lẽ đang chủ trưởng xoay trục ngược lại với chính sách của TT Nixon. Trong hướng tới, Trump có thể sẽ thỏa hiệp với Nga để đương đầu với Trung Cộng bành trướng.
Một số người lo ngại một Donald Trump dân túy sẽ đưa nước Mỹ vào vòng độc tài cá nhân, phe nhóm, đảng phái như tại một số quốc gia khác. Điều đó không thể xảy ra trong sinh hoạt chính trị Mỹ. Ngoài nguyên tắc đối trọng (checks and balances) giữa ba ngành, sự đối trọng còn diễn ra trong nội bộ mỗi đảng và đối trọng giữa cử tri và đại diện cử tri diễn ra trong suốt nhiệm kỳ của họ.  
Trở lại với định nghĩa dân túy “là lý thuyết chính trị ủng hộ quyền của những người dân thường trong cuộc đấu tranh với tầng lớp đặc quyền”. Hiện còn khá sớm để áp dụng định nghĩa này vào trường hợp TrumpBốn năm tới mới chính là thời gian để hiểu, đo lường và đánh giá hiệu quả các chính sách đối nội và đối ngoại của Donald Trump và qua đó nhìn ông là một nhà dân túy như Jonathan Chait viết, một người theo chủ nghĩa bảo vệ người bản xứ như TT Obama nhận xét, hay chỉ là kẻ cơ hội như George Clooney gọi Trump. Dù sao, kết quả cuộc bầu cử cho thấy sự xuất hiện của Donald Trump là một đáp ứng trước nhu cầu thay đổi chính sách của người dân Mỹ và chương mới trong lịch sử Mỹ  vừa bắt đầu.

(vi) Mạnh Kim: Trump và Nước Mỹ nhìn từ bên trong
Chiều tối 8-11-2016, nhóm chúng tôi đánh xe lên trung tâm Los Angeles. Đường xá kẹt cứng. Trên đường đi, chủ đề bàn luận sôi nổi là kết quả cuộc bầu cử tổng thống. Ai cũng ủng hộ Hillary Clinton. Tất cả những người tôi tiếp xúc trước đó, từ giáo sư Lê Xuân Khoa đến nhà báo-cựu viên chức ngoại giao Hoa Kỳ David Brown, cũng ủng hộ Hillary. Tin chắc Hillary đắc cử, chúng tôi dự tính ở lại trung tâm Los Angeles chơi cả đêm, để ghi nhận “không khí chiến thắng”. Ngồi trong một quán ăn, chúng tôi dán mắt vào màn hình CNN. Khoảng 7pm, từ Việt Nam, cậu em ruột tôi gọi: Bộ ông Trump thắng rồi hả? Chưa, không sao, còn đang kiểm phiếu, bình tĩnh. Khoảng 8pm, cô bạn thân ở Lake Forrest nhắn: Em lo quá, kiểu này chắc cha nội Trump thắng quá. Ông J. (chồng cô ấy) đang sốc. Nãy giờ ổng uống gần hết chai rượu! Vài phút sau, một bạn khác ở Huntington Beach gửi: Chết mồ anh ơi, ông Trump chắc thắng rồi! Lát sau nữa, tôi nhận được tin nhắn từ anh Ben Ngo: Lát tôi phỏng vấn anh cho BBC Tiếng Việt được không?
Nhìn quanh, tôi thấy người Mỹ dường như chẳng quan tâm đến kết quả. Họ đi chơi đầy phố. Rất đông. Chẳng ai thèm ghé mắt vào các màn hình khổng lồ dựng khắp nơi. Một người bạn của tôi vừa xem tivi vừa mở điện thoại ra “tính điểm”. Trump lên hơn 240 rồi! Hillary mới nhích hơn 100. Tính luôn California thì vẫn thua Trump. Khoảng cách an toàn giữa Trump và Hillary mỗi lúc mỗi giãn rộng. Khoảng 9pm, bản đồ bầu cử nước Mỹ đã đỏ rực. Tiêu rồi. Giờ về hỉ, một anh bạn nói với giọng buồn bã. Ừ, sốc quá, về!
Tôi không ưa Trump. Tôi chưa bao giờ thích lối bỗ bã của Trump. Trong nhiều năm viết về chính trị Mỹ, tôi chưa bao giờ thấy chính trị gia Mỹ nào “tầm xàm” như Trump. Ông ấy kỳ dị, phi truyền thống và tính cách không thuộc tầng lớp tinh hoa chính trị thường thấy ở những hình ảnh quen thuộc như các nguyên thủ học hành từ Harvard. Ghế tổng thống dường như là quá lớn so với kích cỡ “tầm thường” của con người Donald Trump. Tôi tự hỏi: liệu con người này có thể phá nát nước Mỹ? Tôi không phải người Mỹ, chưa sống ở Mỹ đủ lâu để có thể trả lời. Tuy nhiên, những ngày ít ỏi ở Mỹ đã cho tôi cơ hội quan sát từ bên trong. Nước Mỹ khi thấy tận mắt cũng hệt những gì tôi từng đọc nhưng nhìn nó từ bên trong sẽ mang lại một cảm giác khác, giúp đối chứng những gì đã đọc và những gì đang thấy.
Trong Viện bảo tàng hàng không Smithsonian, tôi thấy một bà mẹ dắt con đến góc bàn một tình nguyện viên để được giúp giải thích các thắc mắc trẻ con, chẳng hạn làm thế nào mà máy bay có thể bay được. Ông ấy vừa giảng vừa làm điệu bộ diễn tả. Máy bay cất cánh thế này nhé, cháu thấy chưa, hiểu chưa? À, hay quá. Thích nhỉ. Thằng bé vừa nghe vừa phá lên cười. Trẻ con Mỹ được dạy và học mọi nơi, theo cách như vậy. Tại Smithsonian, người xem đông nhất là học sinh. Tiểu học đi với bố mẹ trong khi trung học thì được nhà trường đưa đến, từng đoàn. Tại Smithsonian, không chỉ có máy bay cổ lỗ sĩ thời anh em Wright mà còn có cả drone quân sự đời mới nhất. Học, không phải chỉ ở nhà trường. Học sử, càng nên không phải chỉ ở nhà trường. Dân Mỹ thích đi bảo tàng. Đến Viện bảo tàng nghệ thuật Metropolitan lúc 2pm ngày thứ hai đầu tuần, tôi đã thấy đông nghịt, đủ lứa tuổi. Những hàng dài kiên nhẫn xếp chờ để mua chiếc vé 25 USD. Người Mỹ thích ăn chơi hưởng thụ nhưng họ cũng thích vun đắp kiến thức. Ở đất nước này, chủ nghĩa vật chất tồn tại song song chủ nghĩa tinh thần. Văn hóa và nhân văn tồn tại song song chủ nghĩa tiêu dùng. Nền kinh tế tiêu dùng lớn nhất thế giới của họ trị giá gần 18 ngàn tỷ USD không chỉ có hàng hóa tiêu xài. Có thể thấy rõ điều đó đặc biệt tại thành phố hoa lệ New York. Tiệm Barnes & Noble tại góc đường Warren và Greenwich không phải là cửa hàng sách. Nó là một thư viện! Tinh thần nhân bản và giá trị của nó, với người Mỹ, không chỉ là những kêu gọi suôn. Nó là một thái độ sống. Đi bộ cùng vợ chồng người bạn trên triền đồi một chiều chập choạng tối, tôi thấy ông chồng (Mỹ) tỏ ra bực bội khi thấy một người chạy xe đạp dưới chân đồi trong khu rừng thưa. Thằng này kỳ, giờ này mà còn chạy xe dưới đó, lại còn bật đèn, làm vậy tụi thỏ rừng sẽ rất hoảng sợ cho xem!
Xã hội Mỹ có không ít chuyện tiêu cực. Xã hội Mỹ, cạnh đó, cũng có vô số ví dụ cho thấy người dân có khả năng điều chỉnh ứng xử và hành vi nhanh như thế nào. Tử tế đã trở thành một thái độ sống. Một nếp sống. Liệu ai đủ khả năng lật đổ được xã hội Mỹ và tất cả giá trị của nó? Nước Mỹ còn là một quốc gia của những thể chế chính trị được ràng buộc chặt chẽ với Hiến pháp. Có rất nhiều bài báo Mỹ cho thấy nền dân chủ Mỹ đang sụp đổ. Tuy nhiên, không nước nào có khả năng sửa sai nhanh bằng Mỹ. Nếu nhận thức được “đang sụp đổ” và thừa nhận nó “đang sụp đổ” thì sự sụp đổ hẳn rất khó xảy ra. Một nền dân chủ được xây dựng từ những giá trị nhân bản khó có thể so sánh với những nền dân chủ giả hiệu được “vun đắp” bằng những “giá trị nhân bản” giả hiệu.
“Trump đang phá nát nước Mỹ”! Từ sau kết quả bầu cử, tôi vẫn theo dõi không sót bất kỳ chi tiết nào liên quan Trump và tôi tiếp tục đọc những bài báo Mỹ báo động về sự “tàn phá nước Mỹ” của Trump. Tôi không thích con người Trump. Giờ cũng vậy. Nhưng thật khó để thuyết phục được tôi rằng Trump sẽ tàn phá và làm sụp đổ nước Mỹ. Một khi chính thức vào Nhà trắng, các định chế chính trị Mỹ sẽ tự khắc trói Trump lại, dù Trump “phi truyền thống” đến mức nào. Các ông nghị Cộng hòa sẽ trói Trump lại. Ưu thế kiểm soát Lưỡng viện của họ có thể chỉ kéo dài vỏn vẹn hai năm và nó sẽ rơi ngược vào tay Dân chủ, nếu họ bất lực nhìn và để cho Trump “tàn phá nước Mỹ”. Và nữa, Trump có thể phớt lờ những gì báo chí Mỹ viết về ông với tư cách ứng cử viên nhưng Trump không thể không bị ảnh hưởng một khi ông vào Nhà trắng với tư cách nguyên thủ.
Tôi vẫn không thích con người Trump nhưng tôi đang theo dõi một tổng thống Mỹ. Điều đó giúp tôi giới hạn lại “phạm vi” quan tâm của mình. Tôi không lưu ý mấy đến việc cá nhân Trump có đọc báo cáo tình báo hàng ngày hay không. Tôi muốn chú mục vào những gì mà một tổng thống Mỹ sắp tới sẽ làm đối với châu Á-Thái Bình Dương, và đặc biệt việc ông ấy có thể “bước qua lời nguyền biển Đông” với Trung Quốc hay khôngLiệu giải pháp “tháo gỡ vấn đề” theo cách chơi “lịch sự” bằng những lá bài chính trị truyền thống đối với một Trung Quốc bất chấp luật chơi quốc tế có còn hiệu quả? Châu Á sẽ như thế nào trong cuộc giằng co quyết liệt này và điều đó sẽ dẫn đến những thay đổi gì đối với quốc gia Việt Nam mình là điều duy nhất mà tôi quan tâm bây giờ.

II. Văn Nghệ
(i) Trần Thảo: Quang Dũng - một dòng thơ bi tráng và diễm lệ
Tôi không nhớ mình đến với thơ của nhà thơ Quang Dũng từ khi nào, nhưng tôi nhớ rõ đó là bài thơ Đôi Mắt Người Sơn Tây của ông, và bài thơ gây ấn tượng mạnh trong tôi ở những câu: Vừng trán em vương trời quê hương / Mắt em dìu dịu buồn tây phương
                 Tôi thấy xứ Đoài mây trắng lắm / Em có bao giờ em nhớ thương.
Trước đó, Lưu Trọng Lư với bài thơ Một Mùa Đông, diễn tả "Đôi mắt em lặng buồn, nhìn thôi mà chẳng nói", và sau này với Nguyên Sa "Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình, để anh giận sao chả là nước biển", tôi đã rất thích lối diễn tả đó rồi, nhưng khi chạm với "Mắt em dìu dịu buồn tây phương" thì tôi mới thực sự sửng sốt, bởi vì tôi chưa thấy ai diễn tả đôi mắt một cách tình tứ và linh động như thế. Có lẽ bị ám bởi câu thơ này của nhà thơ Quang Dũng mà trong đời tôi, tôi đặc biệt có cảm tình với những người con gái có màu mắt nâu, lai tây phương. Điều thú vị là rất nhiều người đã nghĩ rằng cái nhân vật "em", người có đôi mắt đẹp tây phương trong bài thơ ĐMNST, hẳn là một bạn gái tri kỷ nào đó của Quang Dũng, nhưng tất cả đã lầm, bởi chính nhà thơ có lần tiết lộ, đó là hình ảnh của một người em gái rất đẹp trong gia đình của ông.
Quang Dũng tên thật là Bùi Đình Dậu, sau này vì thiếu tuổi đi học, phải mượn tên của người anh họ là Bùi Đình Diệm. Ông sinh năm 1921 ở làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng, Hà Tây. Hà Tây là hai chữ ghép của Hà Đông và Sơn Tây. Hà Đông và Sơn Tây cách nhau bởi con Sông Đáy, chính là địa danh hay xuất hiện trong thơ của ông.
Quang Dũng là người rất cao lớn, đẹp trai. Nhà văn Xuân Vũ đã diễn tả sự bự con của Quang Dũng bằng một ví von rất vui. Ông Xuân Vũ so sánh "Nếu tôi đứng sắp hàng sau lưng Quang Dũng trong cửa hàng mậu dịch thì chắc chắn cô nàng mậu dịch viên sẽ không thể nào thấy tôi."
Nhạc sĩ Trịnh Hưng, tác giả của Lối Về Xóm Nhỏ, bạn thiếu thời của Quang Dũng, cho biết Quang Dũng là người đa tài. Thơ nhạc hoạ gì ông cũng giỏi, lại thêm tính tình phóng khoáng, nên bạn bè rất thương mến ông. Trong đời Quang Dũng có hai niềm đam mê, có khi còn hơn cả ham thích thơ nhạc hoạ, đó là thích đi đó đi đây và kết bạn. Điều này giải thích cho việc năm 1941, ông mới 20 tuổi, đã nổi máu giang hồ vặt, nhảy tàu lửa đi tuốt qua bên Quảng Châu, Vân Nam. Không rõ trong một dịp nào mà trong chuyến đi này ông đã gặp những nhân vật đầu não của Đảng Đại Việt như Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, Hoàng Đạo, Nguyễn Hải Thần v.v... ở Liễu Châu, tỉnh Vân Nam. Với tính cách của Quang Dũng, chúng ta có thể hiểu được trong đầu óc của chàng thanh niên hai mươi ấy chắc chắn có những suy tư về tình trạng nô lệ của nước nhà dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Chàng tuổi trẻ hào kiệt ấy đâu có biết gì về đảng phái chính trị, nhưng bầu máu nóng ấy nếu có người khơi gợi, chắc chắn sẽ đáp ứng tức thì. Theo lời nhà văn Tô Hoài thì thời gian ấy Quang Dũng bị thu hút bởi tài năng của Nhất Linh, nhưng sau đó ông thấy Nhất Linh và Nguyễn Hải Thần chả làm được gì nên Quang Dũng không quan hệ với nhóm Đại Việt nữa. Và cũng trong thời gian ở Quảng Châu, ông đã theo học và tốt nghiệp trường quân sự Hoàng Phố, nơi đã từng đào tạo khá nhiều sĩ quan quân sự cho Việt Minh, sau lên cấp tướng như Nguyễn Sơn, Hoàng Sâm v.v...
Trước khi viết về những hoạt động chính trong đời của Quang Dũng, thiết tưởng cũng nên cùng các bạn tìm hiểu xem cái tên Quang Dũng của nhà thơ từ đâu mà có. Nhiều giai thoại về cái tên Quang Dũng, tôi quả tình không biết sự thật ở đâu, xin được ghi hết ra để mọi người có thể am tường.
Giai thoại thứ nhất do nhạc sĩ Trịnh Hưng kể lại. Rằng ông Nhất Linh rất mến Quang Dũng, khi Quang Dũng còn ở bên Trung Quốc, thì ông Nhất Linh ở Việt Nam đã viết hai cuốn tiểu thuyết Đôi Bạn và Đoạn Tuyệt, và nhân vật Dũng và Loan chính là lấy hình ảnh của anh chàng to con Bùi Đình Diệm và cô Loan, một cô gái có thật, con gái của một công chức ở vùng Việt Bắc, đã từng yêu say đắm nhà thơ, nhưng nhà thơ vì chí tại muôn phương nên chưa đáp lại. Ông Nhất Linh đã gửi hai tác phẩm này qua Tàu để tặng cho Bùi Đình Diệm. Khi nhận được, nhà thơ trẻ này đã thích thú vì cho rằng Nhất Linh đã chọn cho mình cái tên Dũng hay quá, rồi ông nghĩ phải chọn cho mình một cái họ mới có tính cách anh hùng. Vì họ ngoại của ông là họ Trần, và ông cũng ái mộ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, nên thêm vào chữ lót Quang nữa, từ đó ông có tên là Trần Quang Dũng.
Giai thoại thứ hai, do bà Đào Thị Nhung cung cấp, cho rằng Bùi Đình Diệm khi ở vùng Tây Bắc trong trung đoàn Tây Tiến vì nhớ con trai nên đã lấy tên của con là Quang Dũng làm bút hiệu khi làm thơ. Sau này khi con trai tới tuổi đi học phải đổi tên khác là Bùi Quang Vĩnh.
Dù giai thoại nào đúng với sự thật thì cũng chả có gì quan trọng, nhưng những giai thoại này cũng tạo thêm nét huyền hoặc, mờ mờ ảo ảo vốn đã dàn trải trong thơ của ông.
Quang Dũng trở về Việt Nam. Vào thời điểm Việt Minh lợi dụng cuộc biểu tình ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim của công chức Hà Nội, biến thành cuộc nổi dậy cướp chính quyền, và đã thành công tạo nên cuộc Cách Mạng Tháng Tám 1945 với cờ sao rực đỏ phố phường. Với tấm lòng yêu nước nồng nàn, mong mỏi quê hương thoát vòng nô lệ của thực dân, phát xít, Quang Dũng và cả một thế hệ trẻ Việt Nam đã lăn xả vào công cuộc cứu nước chung, nào có ý thức gì về những âm mưu được giấu kín sau những nụ cười khích lệ, những lời cổ võ của những tên cai thầu chính trị cộng sản. Như nhà thơ Nguyễn Chí Thiện viết:
Nhưng rồi một sớm mùa Thu mùa Thu trở lại / Tuổi hai mươi mắt nhìn đời trẻ dại / Ngỡ cờ sao rực rỡ / Tô thắm màu xứ sở yêu thương
Có ngờ đâu giáo giở đã lên đường / Hung bạo phá bờ kim cổ / Tiếng mối rường rung đổ chuyển non sông / Mặt trời sự sống / Thổ ra từng vũng máu hồng...
Năm 1945 là năm Quang Dũng tốt nghiệp Ban Trung Học của trường Thăng Long và đi dạy tư ở Sơn Tây kiếm sống, nhưng vào ngày 19 tháng 8 năm 1945, ông đã bỏ tất cả để gia nhập quân đội. Vai trò đầu tiên của ông là phóng viên tiền phương của báo Chiến Đấu. Đến năm 1947, ông được gửi đi học ở trường bổ túc trung cấp quân sự Sơn Tây. Sau khóa học, ông được bổ về làm đại đội trưởng trong tiểu đoàn 212, thuộc trung đoàn 54 Tây Tiến. Ông đã tham dự chiến dịch Tây Tiến đợt hai, chiến dịch này ngoài công tác phối hợp chiến đấu với quân Lào để đánh Pháp, mở rộng tầm hoạt động ở vùng Tây Bắc, còn có công tác dân vận để lấy sự ủng hộ của dân chúng khu vực này, mà trong mắt của đảng là chưa được giác ngộ cách mạng. Chính trong chiến dịch Tây Tiến này, Quang Dũng và những người con yêu của đất nước, đủ thành phần, hầu hết là người Hà Nội, đã trải qua những tháng ngày cực kỳ gian khổ, và cũng tràn đầy tính cách hào hùng, bi tráng, quyết liệt. 
Mời các bạn đọc bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng để có thể cực cảm được tính cách bi tráng của cuộc chiến đấu hào hùng của những con người không kể đến hy sinh bản thân mình, chỉ mong góp xương máu cho nền độc lập của nước nhà.
Tây Tiến
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi / Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi / Mường Lát hoa về trong đêm hơi.
      Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm / Heo hút cồn mây súng ngửi trời
      Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống / Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.
Anh bạn dãi dầu không bước nữa / Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét / Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói / Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
      Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa / Kìa em xiêm áo tự bao giờ
      Khèn lên man điệu nàng e ấp / Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy / Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc /  Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.
      Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc / Quân xanh màu lá dữ oai hùm
      Mắt trừng gửi mộng qua biên giới / Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
Rải rác biên cương mồ viễn xứ / Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất / Sông Mã gầm lên khúc độc hành
      Tây Tiến người đi không hẹn ước / Đường lên thăm thẳm một chia phôi
      Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy / Hồn về Sầm Nứa, chẳng về xuôi.
Theo nhà thơ Quang Dũng cho biết thì ông viết bài thơ này khi về dự đại hội toàn quân khu III ở làng Phù Lưu Chanh, thuộc Hà Nam. Có nghĩa là bài thơ là một hồi ức về chiến trường . Lúc đầu ông lấy tên bài thơ là Nhớ Tây Tiến, nhưng sau ông cho rằng khi đọc lên là đã nhớ rồi, nên chữ nhớ không còn cần thiết, vì thế bài thơ chỉ còn là Tây Tiến. Viết đến đây, có một ý nghĩ vừa hiện đến trong tôi. Nếu bài thơ Tây Tiến được viết ngay trên dặm trường hành quân, ngay bên chiến trường còn vương khói, thay vì được viết khi nhà thơ về dự đại hội toàn quân ở Phù Lưu Chanh, thì bài thơ sẽ như thế nào nhỉ? Cũng chỉ là một ý nghĩ mà thôi.
Trong bài thơ Tây Tiến, có một câu thơ rất đặc biệt, từng một thời gây cho nhà thơ xất bất xang bang khi phong trào Nhân Văn Giai Phẩm bùng phát. Cai thầu văn nghệ Tố Hữu, vì ganh tài, vì muốn đạp người khác xuống để ngồi vào ngai vị độc tôn, nhất là Quang Dũng còn vướng chút tai tiếng đã từng có liên hệ với nhóm Đại Việt. Thế là Tố Hữu ra lịnh cho đàn em đem Quang Dũng ra phê bình sát rạt ở câu thơ:
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới / Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
Mấy ông quan văn nghệ Hà Nội thi nhau biểu diễn lập trường, cho rằng Quang Dũng luôn mang trong người ý thức tiểu tư sản, thân ở chiến trường mà còn mê gái, thái độ đó không xứng với tư cách của người chiến sĩ nhân dân, chỉ làm xao nhãng lòng quân v.v... Đại khái như thế, họ đã cố tình thì làm gì không bới bèo ra bọ, tìm đủ cách để dìm Quang Dũng xuống. Ở một chế độ toàn trị như miền bắc VN, một người cán bộ văn nghệ, khi lãnh lương, vì thèm ăn một tô phở, đi ăn một mình, rồi sau đó cứ ăn năn mãi vì cảm thấy tội lỗi với gia đình, từ đó có thể hiểu được tại sao những cán bộ văn nghệ, ngoài một số ít còn giữ tư cách, phần lớn đều muốn được đảng ghé mắt tới với những ưu đãi, nên đành muối mặt ném bùn vào nhà thơ Quang Dũng.
Liên hệ tới câu thơ "Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm", có một giai thoại, tôi ghi lại ở đây để các bạn đọc cho vui, chứ tính chính xác tới cỡ nào thì tôi cũng chịu thua.
Tài liệu kể rằng Quang Dũng có một người bạn tên là Nguyễn Ngọc Chương. Anh chàng này để ý tới một người đẹp tên là Kiều Dinh, nhà ở số 68 Phố Hàng Bông. Kiều Dinh có ba chị em khác là Kiều Vinh, Kiều Hinh và Kiều Hương. Cả bốn cô Kiều đều đẹp, và Nguyễn Ngọc Chương muốn giới thiệu một trong các cô này cho Quang Dũng. Thế nên người ta lập luận rằng "dáng kiều thơm" trong Tây Tiến là Quang Dũng nhớ về mấy nàng Kiều này. Tôi thấy điều này chỉ là giai thoại cho vui, chứ nếu đúng như thế thì chữ kiều phải được viết hoa thành Kiều. Và dẫu có được viết hoa, thì ý nghĩa của câu thơ cũng trở nên quá dung tục, eo hẹp, không mở ra cho người đọc hiểu được tâm tình của một chàng trai Hà Nội nhớ về một khung trời rộng lớn của thành đô quê mình.
Sau khi bị gửi đi chỉnh huấn vì cái gọi là "ý thức chính trị", mặc dù Quang Dũng chả có liên quan gì tới phong trào Nhân văn Giai Phẩm, ông được điều về làm Biên Tập Viên của Báo Văn Nghệ, rồi sau đó về công tác ở Nhà Xuất Bản Văn Học. Dù vẫn được làm việc, nhưng đảng luôn để mắt tới ông, lưỡi dao treo lơ lững trên đầu khiến cho người nghệ sĩ đa tài đó muốn làm gì cũng phải ngó trước trông sau.
Nói thế để chúng ta có thể hiểu được hoàn cảnh sống của nhà thơ Quang Dũng vào thời điểm ấy, nhưng theo miêu tả của nhà văn Xuân Vũ, cùng công tác với Quang Dũng ở Báo Văn Nghệ, thì nhà thơ luôn có tư tưởng lạc quan, yêu đời. Ông Xuân Vũ kể lại hoạt cảnh trong phòng làm việc của Báo Văn Nghệ, khi Quang Dũng đi công tác ở đâu đó vừa ghé qua, trên tay luôn là những món quà nhỏ cho mấy bạn cùng phòng, có khi là quả táo, có khi là cái khăn, cái quạt xếp, và ta nghe tiếng cười dòn tan của nhà thơ nữ Xuân Quỳnh... (lúc đó còn là cô bé, chưa lấy kịch tác gia Lưu Quang Vũ) cứ theo đuôi bác Quang Dũng nhờ chỉ dạy về cách làm thơ.
Khi đã sống và làm việc dưới cặp mắt lom lom của đảng, mọi ưu đãi đều không có, đời sống gia đình của nhà thơ Quang Dũng dĩ nhiên là vô cùng chật vật. Có khi ông và vợ phải đi quét lá, gom về làm củi đốt. Được cái là vợ của ông, bà Bùi Thị Thạch, là một người phụ nữ điển hình của nữ giới Việt Nam, với tất cả tình cảm thương chồng thương con, chịu thương chịu khó. Bà luôn thay chồng quán xuyến mọi việc trong gia đình. Bù lại, nhà thơ cũng là người chồng, người cha mẫu mực. Có những sáng tinh mơ, ông dậy thật sớm, quang đôi gánh, nhẹ nhàng bước chân để không làm thức tỉnh vợ con, đi ra cách đó cả cây số để gánh nước trong về cho cả nhà dùng. Về cách dạy dỗ các con, ông là người cha tuyệt vời khi không dùng đòn roi, mà chỉ dùng tâm lý, khuyên răn, đối thoại, dạy cho con điều hay lẽ phải. Các con của ông như nhạc sĩ Bùi Quang Vĩnh, hay cô giáo Bùi Phương Thảo đều luôn nhớ về người cha lúc nào cũng đầy tinh tế và yêu thương của mình.
Về cuối đời, nhà thơ Quang Dũng lâm bệnh nặng, phải nằm ở nhà thương Thanh Nhàn, Hà Nội. Những bạn hữu và đồng sự của ông tại Báo Văn Nghệ, Nhà Xuất Bản Văn Học đồng lòng yêu cầu ông trùm Nguyễn Đình Thi đưa ông vào bệnh viện Việt Xô để đủ phương tiện chạy chữa. Hai ngày sau, ông Nguyễn Đình Thi cho biết phía trên không đồng ý. Phía trên là ai? Dĩ nhiên là ông nhà thơ lộn giống, ca ngợi trùm độc tài Stalin trong những câu:
Thương cha thương mẹ thương chồng / Thương mình thương một thương ông thương mười.../ ...và...Thờ Mao chủ tịch, thờ Stalin bất diệt.
Nhà thơ Quang Dũng sức khỏe yếu dần, và ông đã thực sự xa lìa chúng ta vào ngày 14 tháng 10 năm 1988.
Tôi thật sự chỉ muốn chửi thề một tiếng cho cái thói bạc bẻo của nhà sản nói chung và lũ cai thầu văn nghệ miền bắc Việt Nam lúc đó nói riêng. Chúng chỉ là lũ đầu trâu mặt ngựa, hình dáng con người, nhưng tâm đen như quỷ. Chúng chỉ biết lợi dụng người ta cho đến tàn hơi thở, như một miếng chanh đã hết nước, chúng chả có chút tiếc thương, ném miếng chanh cạn kiệt kia vào sọt rác. Nhưng thói đời vay trả nhãn tiền. Ngày xưa, nhờ đạp người ta dưới gót chân, ra sức nâng bi, tô hồng cho đảng để hưởng vinh hoa phú quý. Ngày tết trước cửa xe khách dập dìu, người ta tới để bái lễ, để dọng vô họng thằng nịnh tặc tiền bạc đô la, nhưng rồi vào tết nguyên đán năm Canh Ngọ 1990, khi Phùng Quán đưa vợ tới để lễ tết ông cậu (Tố Hữu là anh em cô cậu với mẹ của Phùng Quán) thì thấy cái cảnh eo sèo của buổi chợ chiều, đường xá trước cửa vắng tanh. Khi ra về, Phùng Quán đi trước, Tố Hữu ra sau cùng với bà Bội Trâm, vợ của Phùng Quán, Tố Hữu thở dài nói với bà Bội Trâm: "Thằng Quán nó dại, mà cậu cũng dại". Câu nói bỏ lửng ở đó, nhưng người đọc thấy thấm thía vô cùng. Người ta không hiểu đến phút cuối của cuộc đời, trước khi nhắm mắt, Tố Hữu có nhớ đến những nạn nhân mà ông đã vùi dập một cách dã man? Tôi lại đi lạc đề rồi. Hơi đâu mà nhắc tới nhà thơ lộn giống đó cho thêm bẩn hương linh của Quang Dũng, một nhà thơ đã khiến cho nhiều thế hệ trẻ Việt Nam yêu mến và kính trọng.
Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài, chẳng những ông có một thế đứng rất riêng trên thi đàn Việt Nam với những bài thơ mang nặng hồn dân tộc trong cách dùng ngôn ngữ và hình ảnh thật mới lạ, ông còn là nhà văn viết truyện ký hấp dẫn, một họa sĩ xuất sắc từng tham gia triển lãm. Kể từ năm 16 tuổi, với bài thơ đầu tay Chiêu Quân, đến nay Quang Dũng đã có hơn sáu mươi bài thơ. Tính ra cũng không nhiều lắm so với những nhà thơ mới khác, nhưng di sản của ông lại được quần chúng đón nhận và yêu quý. Ngày nay, đọc những câu thơ như:
Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa / Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ
Thoáng hiện em về trong đáy cốc / Nói cười như chuyện một đêm mơ. (Đôi Bờ)
hay: Đây Nhạn Môn Quan đường ải vắng / Trường Thành xa lắm Hán Vương ơi
Chiêu Quân che khép mền chiên bạch / Gió bấc trời Phiên thấm lạnh rồi. (Chiêu Quân)
hay:  Ngõ trúc quanh quanh sầu bóng lá / Trăng vàng rơi rắc nẻo nào xưa
Ngõ cũ không mong người trở lại / Mà mùi hoa mộc vẫn thơm đưa. (Cố Quận)
Chúng ta không khỏi nhớ tới một hình ảnh phong trần "tóc bời lộng gió bốn phương" của một người nghệ sĩ đa tài lãng mạn, một chiến sĩ can trường, khí phách. Năm 2001, Quang Dũng được nhà nước "nghĩ lại" trao cho một Giải Văn Học Nghệ Thuật, nhưng cái thứ bội bạc, nhổ ra rồi liếm lại đó có quý báu gì. Nhân cách lớn của ông, thi ca sắc nét của ông đã có chổ đứng vĩnh cửu trong lòng người thưởng ngoạn. Cái phần thưởng tinh thần đó, dù ai kia có đem hết quyền lực, tiền bạc để mua nó về cho mình cũng không được. Đây là điều an ủi lớn nhất cho hương linh của nhà thơ lớn miền Sông Đáy. (17.12.2016)
.............................. .............................. .............................. ....................
Kính,
NNS

Không có nhận xét nào: