Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2016

Kyle Huỳnh, 15 tuổi, chọn cái chết làm lời cảnh tỉnh


Ông Thịnh Huỳnh, ba của em Kyle Huỳnh, và lá thư em để lại trước khi tự vẫn. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
WESTMINSTER, Calif. (NV) – Kyle Huỳnh, 15 tuổi, học lớp 10 tại trung học Bolsa Grande, treo cổ tự tử tại nhà ngày 29 Tháng Mười Một gây xúc động mạnh nơi bạn học, đau buồn nơi gia đình, hoang mang nơi cộng đồng; và trên hết, để lại quá nhiều câu hỏi cho bất cứ bậc phụ huynh nào có con đang bước vào tuổi trưởng thành.
<!>
Nguyên nhân cái chết thương tâm của Kyle chắc sẽ mãi là một bí mật nếu không được “giải mã” bằng 3 lá thư tuyệt mạng do chính em viết, để lại; một cho tất cả mọi người, một cho bạn bè, và một cho gia đình.
Kyle là một học sinh giỏi, “chỉ một điểm B, còn lại toàn điểm A từ năm lớp Bốn đến nay,” là “người vui tính và hài hước, sống chan hòa với mọi người,” theo nhận xét của các bạn cùng lớp.“Ngày Thứ Ba, 29 Tháng Mười Một, cảnh sát Garden Grove chính thức báo tin cho trường trung học Bolsa Grande hay rằng em Kyle Huynh, học sinh lớp 10, qua đời vì tự tử tại nhà vào lúc rạng sáng cùng ngày,” ông Thịnh Huỳnh, thân phụ Kyle, nói với Người Việt.
Cái chết “kỳ tử” của Kyle không chỉ khiến gia đình đau khổ, mà hơn thế nữa, khiến họ tự vấn: “Tôi cứ ngồi suy nghĩ, thắc mắc, tự hỏi, tại sao lại như vậy?”, ông Thịnh thổ lộ với Người Việt.
“Tôi thiếu cái gì? Có điều gì tôi chưa làm? Tôi sai sót chỗ nào? Con tôi giận cái gì? Có ai làm gì nó buồn? Chuyện gì lại đẩy một đứa bé 15, 16 tuổi chưa hiểu đời là mấy lại đi đến chỗ treo cổ?”, ông Thịnh nói.
Thịnh Huỳnh, người đặt những câu hỏi trên, chính là người cuối cùng nói chuyện, dặn dò đứa con trai trước khi rời nhà lúc 9 giờ tối, để chưa đầy 4 tiếng đồng hồ sau, trở về và nhìn thấy con mình thành người thiên cổ.
Nén nỗi đau, và thực hiện theo ý nguyện trong thư tuyệt mạng của con trai, người cha đau khổ “muốn kể câu chuyện về con, chia sẻ nỗi niềm của mình, vì nhìn thấy được cái tâm của nó và muốn thức tỉnh mọi người, những bậc làm cha, làm mẹ.”
“Vui tính, hài hước, sống chan hòa với mọi người”
Đó là nhận xét chung của bạn bè về Kyle. Có lẽ cũng chính từ tính tình đó mà rất đông bạn bè em, cả thầy cô giáo, từ tiểu học đến trung học đệ nhất cấp và trung học hiện tại đến nhà quàn Peek Family hôm Thứ Năm và Thứ Sáu vừa qua để tiễn đưa em về cõi vĩnh hằng.
Kyle là con trai út trong gia đình có đầy đủ ba mẹ và một chị gái đang học năm thứ nhất đại học UC Riverside.
“Hai chị em nó khá thân thiết. Năm ngoái hai đứa học cùng trường, chị nó lớp 12, nó lớp 9. Chị nó đưa đón nó đi học. Năm nay, con gái tôi vào đại học, mỗi cuối tuần mới về, thì tôi chính là người đưa đón, đi các sinh hoạt ngoại khóa,” ông Thịnh cho biết.
“Kyle là đứa trẻ rất, rất bình thường, không có bệnh gì hết. Bác Sĩ Trinh Bùi là bác sĩ gia đình của cháu từ nhỏ biết rõ điều này. Hôm cháu mất, vì đã từng ghi nguyện vọng hiến tặng cơ phận cho khoa học nên bác sĩ gia đình được thông báo, và cả văn phòng Bác Sĩ Trinh đến dự đám tang chia buồn.”
Đối với bạn học, Kyle là người “vui tính,” theo lời thân phụ. “Kyle ít nói. Nhưng khi cần nói thì nó nói. Riêng với bạn bè thì nó vui vẻ lắm. Nó hài lắm, có thể gây cười cho bạn bè, biết nói giỡn, nói chơi. Ngay cả lá thư để lại cho bạn bè cũng viết hài hước nữa.”
Ba của Kyle cho biết, trừ một điểm B em có ở năm học lớp Bốn, còn lại, từ đó đến nay, kết quả học tập của toàn điểm A.
Không một dấu hiệu báo trước
“Nếu con tôi có bất cứ một biểu hiện nào khác thường mà tôi nhận thấy, hay nó có thố lộ điều gì thì con tôi đã không nằm trong đó,” ông Thịnh nói, tay chỉ về hướng quan tài, nơi Kyle đang ngủ giấc ngàn thu.
Hành động tự tử của cậu học sinh lớp 10 ngay trước ngày trở lại trường sau kỳ nghỉ lễ Thanksgiving gây nên sự choáng váng với tất cả.
Ông Thịnh kể: “Ngày Thanksgiving, mọi người qua nhà em tôi họp mặt, ăn uống vui vẻ đến tối mới về. Ngày Thứ Sáu, ‘After Thanksgiving,’ cháu hẹn đi chơi với bạn bè. Thứ Bảy cháu còn đòi chị chở đi mua đồ để làm ‘project’ tiếng Việt, chiều Thứ Bảy, rồi qua ngày Chủ Nhật, các bạn đến nhà làm ‘project’ với cháu, trưa tôi đi mua pizza cho tụi nó ăn.”
“Ngày Thứ Hai, 28 Tháng Mười Một cũng vậy, mọi chuyện diễn ra bình thường. Cháu chơi bắn game trong phòng, cháu mê chơi bắn game lắm, chơi với nhiều bạn bè trên mạng. Trưa, cháu tự ra lấy pizza nướng ăn, rồi lại vào phòng chơi tiếp. Chiều, mẹ cháu đi ăn với mấy người bạn ở Boston qua chơi, tôi ở nhà. Đến khoảng 7 giờ, như thường lệ, tôi vào phòng hỏi con đói bụng chưa, con muốn ăn gì ba mua con ăn. Nó nói chưa nghĩ ra muốn ăn gì. Tôi đề nghị ăn cơm sườn, vì nó thích cơm sườn. Cháu đồng ý. Thế là tôi nhắn tin cho vợ là khi nào đi về thì ghé mua cơm sườn cho con.”
Theo lời ông Thịnh, sau nhiều lần thúc giục, con trai ra ăn tối, và lại trở vào phòng tiếp tục chơi game một cách vui vẻ. Trong khi đó vợ chồng ông cùng những người bạn chuẩn bị đi dự họp mặt bạn bè từ nhiều nơi khác về 
Ông Thịnh kể tiếp, “khoảng 9 giờ tối thì chúng tôi đi. Trước khi đi, tôi vào phòng cháu, vẫn thấy nó đang cười ha hả nói chuyện với bạn bè trên phone, tay thì bắn game, tôi dặn chừng 10:30 giờ, 11 giờ nhớ dẫn con chó đi vệ sinh rồi nhốt nó lại, và nhắc nó đi ngủ sớm để mai còn đi học. Cháu nói, ‘OK, daddy.’”
Và đó là cuộc trò chuyện cuối cùng của ông Thịnh và con trai.
Gần 1 giờ sáng, ông Thịnh về nhà. Mở cửa garage, ông nhìn thấy con trai trong tư thế có thể sẽ ám ảnh cả cuộc đời ông.
Ông Thịnh hồi tưởng giây phút hãi hùng ấy, “Tôi đặt cháu xuống, làm hô hấp nhân tạo cho con. Tôi cứ làm, trong bao lâu tôi không biết, và cứ hỏi tại sao vậy, chuyện gì vậy. Tôi không biết chuyện gì xung quanh nữa.”
Rồi cảnh sát đến nơi, “tôi nghe ai đó nói ‘he’s gone. Nó đi rồi.’”
“Tôi cởi áo lạnh của mình, kê đầu cho cháu, và tôi cứ ôm nó, ôm nó trong bao lâu tôi cũng không biết.” Đến khi tỉnh ra, ông Thịnh thấy tay mình bị còng ra phía sau và đang ngồi ở sau nhà. “Tay chân, đầu gối của tôi bị chảy máu, bầm hết. Những ngón tay tôi tê đi, không cảm giác gì cả. Đó là những gì tôi thấy sau cùng cho đến hôm gặp lại cháu ở nhà quàn.”
Những lá thư để lại
Rồi cảnh sát yêu cầu mọi người không được đi đâu. Họ khám xét nhà.
“Có một cảnh sát gốc Việt, tên Định, nói cho tôi biết là cháu có để lại ba lá thư. Cháu đã ghi sẵn tờ ‘note’ để chỗ máy vi tính, chỉ dẫn cách mở máy và vào đâu để đọc những lá thư đã được viết sẵn đó. Cảnh sát theo đó vào, đọc để tìm hiểu lý do cháu chết. Viên cảnh sát kêu tôi bình tĩnh đọc thư đi rồi tính, nhưng tôi không đọc. Tôi không dám đọc…,” ông Thịnh nhớ lại.
Ba lá thư của Kyle để lại ghi rất rõ:
Thư gửi mọi người – “Hãy tìm cách để thân nhân và bạn bè tôi đọc được thư này. Điều này vô cùng quan trọng!”
Thư gửi bạn bè – “Rất quan trọng! Nếu ai đó trong gia đình mình đọc xong những dòng này, xin vui lòng tìm cách để bạn bè con nhìn thấy và đọc nó, bằng cách đưa lên Facebook hay bất cứ mạng xã hội nào. Xin cám ơn!”
Thư gửi gia đình – “Nếu người đang đọc thư này là bạn bè tôi, xin vui lòng đừng đọc tiếp vì thư này chỉ dành cho người thân trong gia đình tôi. Cám ơn!”
Những lá thư để lại đã cho biết lý do vì sao cậu học trò chưa qua tuổi 16 không muốn tiếp tục sống.
“Mình nghĩ là mọi người xứng đáng được nghe lời giải thích tại sao mình lại hành động như thế.
Vâng, có nhiều lý do để mình chọn cách hành xử này. Bắt đầu từ sự chán nản của mình. Mình nghĩ nỗi buồn chán đã nhen nhóm phát triển trong mình từ năm học lớp Bốn, những ý nghĩ về việc tự tử cũng manh nha từ khi ấy. Việc đến trường chỉ làm cho nỗi chán chường của mình trở nên tệ hại hơn, nhưng thật là may mắn vì các bạn chính là niềm vui giúp mình sống đến hôm nay,” Kyle viết như thế trong thư gửi mọi người (cả gia đình và bạn bè).
Trong thư gửi bạn bè, em còn viết, “mình đã phải chịu đựng chứng bệnh chán chường trong một thời gian. Cho dù các bạn không hề biết điều này nhưng các bạn đã thực sự là lý do giúp mình sống lâu hơn. Không có các bạn, mình nghĩ mình đã tự tìm đến cái chết từ lâu rồi.”
Theo những gì trong thư, chính căn bệnh trầm cảm, nhưng lại cố tình giấu, không cho ai biết, cùng với nỗi chán ghét việc học cùng hệ thống giáo dục đã khiến em không còn muốn tiếp tục sống.
Những lá thư cậu học trò để lại, ngoài việc nói lý do mình chọn cái chết bằng cách tự tử, còn lại, là những lời nhắn gửi trìu mến nhất mà em muốn gửi đến những người ở lại, đừng ai cảm thấy buồn phiền, có lỗi, hay oán trách việc ra đi của em. Đó là sự lựa chọn, là lối thoát cho chính em.
“Mình cũng hy vọng rằng lá thư này sẽ khép lại những ưu tư của mọi người về cái chết của mình, sẽ làm cho nỗi đau của mọi người nhẹ vơi đi.
… Khi bạn thật sự thấy chán nản hay buồn rầu, làm ơn nói ra với ai đó, bất kỳ ai. Bạn có bạn bè, có gia đình, đó là những người luôn sẵn lòng vì bạn và yêu thương bạn, giúp bạn bằng mọi cách để vượt qua. Mình biết mình giống như kẻ giả dối khi nói điều này, nhưng làm ơn đừng để nỗi buồn, cơn giận dữ hay bất cứ điều gì làm cho cảm xúc của bạn cứ tăng mãi trong lòng, bởi mình có thể bảo đảm rằng bạn sẽ làm điều gì đó để rồi phải hối tiếc.
Kyle Huỳnh, 15 tuổi, chọn cái chết làm lời cảnh tỉnh

Kyle Huỳnh, 15 tuổi, chọn cái chết làm lời cảnh tỉnh
Bạn học của Kyle Huỳnh trong nhóm Key Club. (Hình: Thịnh Huỳnh cung cấp)

Tận đáy lòng, mình rất nhớ mọi người và cám ơn tất cả những điều mọi người đã mang đến cho mình.
Và, nếu có Thiên Đàng hay Cõi Niết Bàn nơi thế giới bên kia, mình thật sự ao ước được gặp lại mọi người ở đó.
Lần sau cuối cho đến khi mình gặp lại nhau, vĩnh biệt!” Kyle đã viết như thế trong thư để lại.
Nỗi lòng người ở lại
“Tôi cứ nghĩ sao lại kỳ như vậy, một đứa bé, nội thương, ngoại thương, bà con thương, anh em thương, cha mẹ thương, bạn bè còn thương hơn, thầy cô thương, vậy mà vẫn khiến nó không muốn sống. Điều gì khiến nó đi vào hoàn cảnh không muốn sống? Không muốn sống và không sợ chết. Con người ta sợ nhất là chết, người nghèo cũng sợ chết, người giàu càng sợ chết hơn. Vậy thì điều gì đưa một đứa bé như con tôi vào suy nghĩ không muốn sống và không sợ chết. Nó có nỗi buồn, nỗi đau gì còn hơn chết. Cái gì làm nó không sợ chết, mà lại thấy cái chết chính là sự giải thoát cho nó, làm cho nó sung sướng,” người đàn ông đặt một loạt câu hỏi liên tiếp, rồi im lặng trong thoáng chốc trước khi bật lên nụ cười che đậy nỗi chua xót của một người cha đã không thể làm cho con mình tỉnh lại.
Ông nhìn người đối diện, nói, như nói với chính mình: “Tại sao vậy? Tôi cứ tự hỏi hoài, dù cháu nói rất rõ ràng là nó muốn đi mà. Nhưng cái gì đưa nó đến suy nghĩ đó? Nội tâm gì khiến nó chọn như vậy? Đến giờ này tôi vẫn tự hỏi. Nhưng tôi không phải là nó, nên không cảm giác được điều mà nó cảm giác được.”
Điều quan trọng mà ông Thịnh cho biết thêm, là “những lá thư đó cháu viết xong từ ngày 23 Tháng Mười Một, ngay trước ngày Thanksgiving. Ngày cháu mất là đêm 28 Tháng Mười Một, nhưng tôi biết cháu không thể viết thư đó trong một ngày, vì cháu ghi tên các bạn cháu rõ ràng lắm, nó đã phải viết đi, rồi viết lại, đọc, sửa đọc sửa rồi mới hoàn chỉnh.”
“Nhìn lại mọi chuyện, tôi nghĩ có thể cháu đã dự tính ‘đi’ vào đúng ngày Thanksgiving, vì thư đã xong vào ngày hôm trước rồi. Tôi nhớ hôm lễ Tạ Ơn, cháu nói bị đau bụng, nhức đầu, xin ở nhà không đi qua nhà cô ăn tiệc. Nhưng tôi chỉ nghĩ cháu kiếm chuyện để ở nhà chơi game nên bắt cháu phải đi. Thì nó đi, vẫn vui vẻ. Cho đến ngày nó mất. Nếu nó giấu thì nó giấu quá giỏi. Không ai biết hết. Cha mẹ không biết, bạn bè không biết…”
Cái chết quá bất ngờ của người con trai khiến người cha tiếp tục đặt ra hàng loạt các câu hỏi, và vẫn đang đi tìm câu trả lời tại sao một cậu bé 15, 16 tuổi lại thấy cái chết là sự giải thoát, dù như ông nói, “Trong thư cháu có viết rõ là cháu biết mình bị trầm cảm nhưng cháu cố tình giấu, vì cháu biết nếu con nói ra, ba mẹ sẽ tìm cách giúp con nhưng con không muốn được giúp.”
Ông nói như tâm sự, “Hôm đưa tang cháu, nhiều bạn bè nó lên nói rằng tụi nó cũng bị như vậy. Nhưng điều khác nhau là con tôi giấu, không muốn được giúp đỡ, trong khi những đứa bạn con tôi luôn nói chúng muốn được giúp, được lắng nghe, nhưng lại không có ai giúp chúng!”
“Chỉ hai tuần trước đây thôi, nếu có nghe ai đó kể rằng con mình đang vui vẻ, có tất cả, học giỏi, được yêu thương, tự dưng một đêm họ trở về nhà và nhìn thấy con họ đã chết trong garage thì tôi cho đó là chuyện hoang đường. Cho đến khi chuyện xảy ra với chính mình, thì mình mới biết. Con tôi không phải là đứa đầu tiên và cũng sẽ không là đứa cuối cùng hành động như thế!”, người cha chia sẻ.
Người cha vừa mất con nói như rút hết ruột gan,“Giờ con tôi đã đốt thành tro rồi. Tôi chỉ muốn thức tỉnh mọi người, hãy giúp những đứa bé đang mong được giúp. Phụ huynh hãy tự hỏi bản thân, mình muốn con mình làm điều gì đó cho mình hay cho bản thân nó. Nếu thật sự nói thương con thì hãy biết điều gì tốt cho con chứ không phải cho mình. Đừng đợi chuyện gì xảy ra thì hối hận cũng muộn. Người lớn chưa chắc lúc nào cũng đúng.”

Thư ‘gửi đến mọi người (bạn bè và gia đình)’
LTS – Được sự đồng ý của gia đình, Người Việt đăng lại nguyên văn nội dung lá thư gửi “Everyone,” do Người Việt chuyển sang Việt ngữ.
HÃY TÌM CÁCH ĐỂ NGƯỜI THÂN TRONG GIA ĐÌNH VÀ BẠN BÈ TÔI ĐỌC ĐƯỢC LÁ THƯ NÀY! ĐIỀU NÀY RẤT QUAN TRỌNG!
Khi mọi người đọc được lá thư này thì mình đã chết rồi, chết vì tự tử.
Với những ai không biết, xin giới thiệu, tên mình là Kyle Huỳnh, điều này hơi thừa với những ai đang đọc thư là bạn bè và người thân của mình.
Xin nói một chút về mình, món ăn mà mình thích là spaghetti, màu mình thích là xanh lá cây, số mình thích là số hai, truyện mình thích là bất cứ truyện nào mà nhân vật chính thay đổi hoài, phim mình thích dĩ nhiên là Avatar nhưng mình cũng thích nhiều phim khác nữa, nhạc thì mình nghe bất cứ loại nào khiến mình cảm thấy thoải mái. Mình thật sự không có thú vui giải trí nào hết, mình chỉ thích ngủ và chơi game trên mạng với bạn bè hoặc đi chơi với họ. Mình rất là yêu nhóm Key Club và hầu hết thành viên trong nhóm. Môn học mình thích là khoa học và tâm lý, bất cứ cái gì thật sự có liên quan đến trí tuệ con người. Mình thích mặc áo quần đơn giản như áo thun không có hình vẽ, chỉ một màu trơn thôi.
Mình nghĩ là mọi người xứng đáng được nghe lời giải thích tại sao mình lại hành động như thế.
Vâng, có nhiều lý do để mình chọn cách hành xử này. Bắt đầu từ sự chán nản của mình. Mình nghĩ nỗi buồn chán đã nhen nhóm phát triển trong mình từ năm học lớp 4, những ý nghĩ về việc tự tử cũng manh nha từ khi ấy. Việc đến trường chỉ làm cho nỗi chán chường của mình trở nên tệ hại hơn, nhưng thật là may mắn vì các bạn chính là niềm vui giúp mình sống đến hôm nay.
Tuy nhiên, càng lớn, chuyện học hành càng trở nên khó hơn. Mình không muốn mọi người lo lắng, vì thế mình che giấu sự buồn chán của mình.
Bài tập ở trường, các projects đến hạn nộp, điểm số, sự căng thẳng, tất cả những điều ngớ ngẩn đó chỉ làm cho nỗi chán chường của mình mỗi lúc một tệ hơn. Mình hiểu rằng chúng ta cần học hành cho một tương lai tươi sáng và những điều tương tự thế, nhưng vấn đề khốn nạn của hệ thống học đường là những học sinh thông minh nhất cảm thấy “bị nhồi nhét,” trong khi những đứa dở hơn thì muốn làm gì làm, không cần quan tâm.
Ngoài nỗi chán chường ra, mình còn quyết định kết liễu cuộc đời khi nhận ra rằng mình không thể đóng góp được gì có giá trị cho thế gian này. Mình luôn muốn giúp mọi người bằng mọi cách mà mình có thể, chính xác hơn là giúp loài người nhận ra rằng điều mà chúng ta làm đối với môi trường sống và đối với nhau là sai. Nhưng mình biết rằng điều đó là không thể. Con người luôn sát hại nhau bởi những lý do điên rồ và hủy diệt môi trường sống trong khi chúng chẳng làm gì nên tội ngoài việc giúp ích cho chúng ta mà thôi. Không gì có thể thay đổi được những việc làm đó. Đấy là điều khiến mình cảm thấy bức bối rất nhiều khi không thể làm được gì hết để tạo nên sự thay đổi, đặc biệt là với thằng nhóc 15 tuổi mà ba mẹ lại kỳ vọng nó đi vào lãnh vực y khoa.
Mình hiểu là mọi người có thể cho rằng mình ghét thế gian này, nhưng mình vẫn tin còn có người thật sự tốt ở đâu đó, hy vọng một ngày nào đó họ có thể thay đổi nhân loại, nhưng thật là tệ khi mình không thể chờ đợi đến ngày nhìn thấy điều ấy.
Nếu phải nói ra lý do vì sao mình tự tử thì đó chính là nỗi buồn chán, là căn bệnh trầm cảm, mình ghét việc học hành và hệ thống giáo dục, căm thù loài người và cảm thấy bất lực trong việc thay đổi thế giới.
Mình viết lá thư này hy vọng rằng nó sẽ giải thích cho mọi người hiểu tại sao mình không thể tiếp tục sống lâu hơn nữa. Điều này không phải chỉ thoáng hiện trong đầu mình ở một đêm, mà nó đã kéo dài trong nhiều năm và đã đến thời điểm mình không muốn sống tiếp.
Mình thật sự ao ước có một cách nào đó khiến mình vui hơn với những điều này, nhưng buồn thay, niềm ao ước đó không có.
Mình cũng hy vọng rằng lá thư này sẽ khép lại những ưu tư của mọi người về cái chết của mình, sẽ làm cho nỗi đau của mọi người nhẹ vơi đi.
Mình biết là mình ích kỷ khi kết thúc cuộc đời mình và là nguyên nhân của nhiều nỗi buồn, nhưng hãy làm ơn, làm ơn, làm ơn hiểu là tại sao mình làm như thế. Mình ghét thấy người ta buồn, người ta suy sụp, đặc biệt khi đó lại là những bạn bè của mình, vì mình không muốn ai khác cảm giác sự tồi tệ giống như mình từng cảm nhận. Vì vậy, làm ơn đừng buồn, hãy cố gắng tìm niềm vui bất cứ khi nào bạn có thể và tận hưởng từng giây phút đó.
Cũng như khi bạn thật sự thấy chán nản hay buồn rầu, làm ơn nói ra với ai đó, bất kỳ ai. Bạn có bạn bè, có gia đình, đó là những người luôn sẵn lòng vì bạn và yêu thương bạn, giúp bạn bằng mọi cách để bạn vượt qua. Mình biết mình giống như kẻ giả dối khi nói điều này, nhưng làm ơn đừng để nỗi buồn, cơn giận dữ hay bất cứ điều gì làm cho cảm xúc của bạn cứ tăng mãi trong lòng, bởi mình có thể bảo đảm rằng bạn sẽ làm điều gì đó để rồi phải hối tiếc.
Tận đáy lòng, mình rất nhớ mọi người và cám ơn cho tất cả những điều mà mọi người đã mang đến cho mình.
Và, nếu có Thiên Đàng hay Cõi Niết Bàn nơi thế giới bên kia, mình thật sự ao ước được gặp lại mọi người ở đó.
Lần sau cuối cho đến khi mình gặp lại nhau, vĩnh biệt!
Kyle C. Huỳnh

“Là những nhà giáo dục, chúng tôi hiểu rằng tất cả mọi người, trẻ em cũng như người lớn, có cách xử lý áp lực khác nhau. Những chuyên gia tâm lý tại trường có đủ khả năng để giúp học sinh đối chọi với những khó khăn của cuộc sống.
Phương thức của Học Khu là bảo đảm và giúp mọi học sinh phát triển toàn vẹn về tâm tư xã hội để thành công; và việc này gồm có những cách suy nghĩ tích cực về bản thân các em.
Tất cả nhân viên của Học Khu, kể cả nhân viên vệ sinh, nhân viên phòng ăn, giáo viên và trợ giáo đều được giao phó trách nhiệm phải lưu ý đến sự vui vẻ của các em.
Chúng tôi khuyến khích tất cả học sinh và phụ huynh nên thông báo cho thầy cô hay hiệu trưởng nếu thấy bất cứ học sinh nào có dấu hiệu trầm cảm hay tuyệt vọng. Sau đó chúng tôi sẽ tận dụng mọi năng lực để giúp học sinh này.”
-Abby Milone, phát ngôn viên Học Khu Garden Grove-

“Cái chết của Kyle là một sự đau lòng cho gia đình em cũng như cho Học Khu Garden Grove. Chúng tôi luôn luôn để ý đến những dấu hiệu và triệu chứng khác lạ về tâm lý và tinh thần của học sinh để kịp thời ngăn chặn những hành động thái quá của các em. Tuy nhiên, như Kyle, em không hề biểu lộ gì để nhà trường phải quan tâm. Em vẫn sinh hoạt một cách quá bình thường như mọi học sinh khác. Đây là một sự đáng tiếc!
Nhà trường lúc nào cũng có những chuyên viên tâm lý sẵn sàng nói chuyện với hoặc gia đình, hoặc bạn học của Kyle về chuyện này. Tuy vậy, Tháng Giêng năm 2017, học khu Garden Grove sẽ thành lập thêm một lực lượng đặc nhiệm để tích cực hơn trong việc giúp đỡ học sinh với những tâm lý phức tạp. Ban đầu, lực lượng này sẽ gồm chuyên viên tâm lý rành nghề; sau đó, chúng tôi sẽ có thể cần thêm sự đóng góp của học sinh.”
-Jeff Layland – Chuyên viên tâm lý, Học Khu Garden Grove-

Phụ huynh học sinh trung học Bolsa Grande
“Nguyên cuối tuần rồi, con trai tôi buồn thấy rõ. Nó vô phòng, đóng cửa chơi game trên máy điện tử một mình. Tối Thứ Sáu, nó ăn rất ít. Sáng Thứ Bảy thì không đi lễ với gia đình. Hỏi ra mới biết nó buồn vì có người bạn cùng trường tự tử. Vì cùng tuổi 15 nên con tôi bị ảnh hưởng nhiều dù nó không quen thân với em đó (Kyle). Con tôi nói em đó (Kyle) không có vẻ gì là trầm cảm cả. Ngược lại, em còn có nhiều bạn nữa là khác.”
-Thành Nguyễn-
“Tôi không biết em Kyle nhưng xin chia buồn với gia đình em.
Theo lời con tôi, Kyle vui vẻ, hay cười, ít nói và không chơi thể thao. Con tôi nói, nhìn cách xử sự của Kyle, em giống như bao nhiêu thiếu niên khác. Nghĩa là không ai có thể tiên đoán để mà ngăn chận chuyện không hay này.
Chuyện xảy ra làm chúng tôi và những người quen rất lo. Ở tuổi này, các em rất bất chợt, đang vui rồi lại buồn ngay. Làm thế nào để mà canh chừng được.”


-Đôn Nguyễn- 

“Thật tội cho em Kyle và gia đình em. Ở tuổi này (15) các em có những vấn đề phức tạp riêng tư. Mà làm cha mẹ có con ở tuổi này cũng vô cùng khó khăn.

Làm cha mẹ thì phải khuyến khích con mình học hành cho thật giỏi. Nhưng làm sao để biết lằn mức giữa sự khuyến khích và sự ép buộc?”


-Tuyền Nguyễn-

Không có nhận xét nào: