Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 23/7 - Lê Minh Nguyên


Biển Đông: Cam Bốt lại bị tố cáo cản trở đồng thuận trong ASEAN --- Quân khu miền Nam Trung Quốc phô trương vũ khí mới --- Cố vấn an ninh của tổng thống Mỹ đến Trung Quốc<!>

Vào lúc các ngoại trưởng 10 quốc gia trong ASEAN đang tề tựu về Vientiane, thủ đô Lào, để tham gia Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN lần thứ 49, sẽ chính thức khai mạc vào ngày mai, 24/07/2016, Cam Bốt vừa bị tố cáo là đã một mình đứng ra chống lại mọi ý muốn đề cập đến Biển Đông trong các văn kiện của toàn khối. Phnom Penh một lần nữa chứng tỏ vai trò nước tiếp tay cho Trung Quốc.

Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN lần này tại Lào rất được chú ý vì mở ra không đầy hai tuần sau khi Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết, bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông. Giới quan sát chờ xem Hiệp Hội Đông Nam Á sẽ phản ứng chính thức ra sao về phán quyết của tòa trọng tài quốc tế.

Theo hãng tin Pháp AFP, cuộc tranh cãi trong hậu trường ASEAN trên vấn đề Biển Đông hiện đang diễn ra gay gắt, đặc biệt với việc Cam Bốt có dấu hiệu sẵn sàng tiếp tay cho Trung Quốc ngăn chặn mọi tuyên bố của ASEAN về Biển Đông.

Một nhà ngoại giao Đông Nam Á đã tiết lộ vào hôm nay với hãng tin Pháp rằng cho đến lúc này Cam Bốt là nước duy nhất đứng ra chống lại việc ASEAN ra tuyên bố chung về Biển Đông. Nhà ngoại giao này khẳng định: "Tình hình rất nghiêm trọng. Cam Bốt gần như phản đối tất cả, thậm chí còn không muốn nói đến yêu cầu tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao từng được ghi lại trong các văn kiện trước đây".
Cũng theo AFP, một bản dự thảo tuyên bố chung mà hãng tin có được bản sao, cho thấy đoạn nói về Biển Đông hoàn toàn bỏ trống.

Cam Bốt từng bị tố cáo là tay sai của Trung Quốc trong ASEAN, đã từng phá vỡ Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN vào năm 2012 vì không muốn tuyên bố chung của hội nghị đề cập đến Biển Đông.
Cam Bốt là nước được Trung Quốc qua tâm ve vãn với những khoản đầu tư đáng kể, và thường xuyên đi theo lập trường Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông.
Nước Lào cũng thường bị xếp vào diện thân Trung Quốc trong khối ASEAN, nhưng theo một số nhà ngoại giao, trong tư cách chủ tịch ASEAN, Lào không thái quá như Cam Bốt, mà vẫn cố tìm cách ra được một bản tuyên bố, cho dù nội dung đã bị giảm nhẹ.

Theo nhà ngoại giao Đông Nam Á được AFP trích dẫn thì "Lào không nhất thiết phải ra mặt đứng về bên nào, vì chỉ cần có một thành viên phản đối, thì ASEAN không đạt được đồng thuận".
Ngay từ hôm qua, một nhà ngoại giao khác đã xác nhận bế tắc trong ASEAN trên vấn đề Biển Đông: "Quan điểm các bên không thay đổi. Cam Bốt vẫn duy trì một đường lối cứng rắn. Lào thì ẩn đằng sau vai trò Chủ tịch ASEAN của mình và không nói bất cứ điều gì. Nhưng đồng thời Lào cũng cẩn thận không để mích lòng Trung Quốc". - RFI

Theo hãng tin Ấn Độ PTI, ngày 22/07/2016, Bộ chỉ huy Khu quân sự chiến lược miền Nam Trung Quốc vào hôm qua đã phô trương một loạt vũ khí mới, trong đó có cả các loại tên lửa tầm xa. Đây là một động thái rõ ràng nhắm mục đích thị uy, vì cùng một lúc, nhiều lãnh đạo cao cấp đã kêu gọi quân đội Trung Quốc sẵn sàng chiến đấu sau khi Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết bác bỏ "quyền lịch sử" của Trung Quốc ở Biển Đông.
Nhân chuyến thị sát của nhiều lãnh đạo quân sự cao cấp, Khu quân sự chiến lược miền Nam của Quân Đội Trung Quốc, phụ trách mặt trận Biển Đông, đã giới thiệu một loạt vũ khí mới dùng trên biển và trên không. Hình ảnh về các loại vũ khí này được trình chiếu trên truyền hình nhà nước.

Khu quân sự chiến lược miền Nam (Trung Quốc gọi là "Chiến Khu Nam Bộ") vừa được thành lập đầu năm 2016, trên cơ sở sát nhập quân khu Quảng Châu và một phần của quân khu Thành Đô cũ. 
Theo giới chuyên gia quân sự, động thái phô trương hiếm hoi này không ngoài mục tiêu cho thấy rằng Khu quân sự vừa được thành lập này đã sẵn sàng đối phó với bất kỳ một vụ đối đầu quân sự nào với Mỹ.
Việc phô trương vũ khí diễn ra nhân chuyến ghé thăm của nhân vật lãnh đạo thứ hai trong quân đội Trung Quốc là tướng Phạm Trường Long (Fan Changlong), phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương. Theo Tân Hoa Xã, tướng Phạm Trường Long đã kêu gọi quân đội nhận thức rõ các "mối đe dọa hiện thời đối với chủ quyền, an ninh và lợi ích của Trung Quốc".

Tháp tùng tướng Phạm Trường Long, còn có tướng Mã Hiểu Thiên (Ma Xiaotian), tư lệnh Không Quân, và tướng Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe), chỉ huy lực lượng tên lửa.
Một chuyên gia phân tích quân sự tại Bắc Kinh nhận định: "Tất cả các loại vũ khí được cho thấy trên các phương tiện truyền thông nhà nước là loại vũ khí phòng thủ tầm ngắn và tầm trung, phạm vi hoạt động lên đến 1.500 km. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc sử dụng chiến lược răn đe hạn chế để cảnh cáo Mỹ là không nên thách thức Bắc Kinh ở Biển Đông". - RFI

Cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ tới Trung Quốc trong chuyến công du ba ngày, từ ngày mai 24/07 đến 27/07/2016. Bà Susan Rice là lãnh đạo cao cấp nhất của Hoa Kỳ tới Trung Quốc kể từ sau phán quyết của Tòa Trọng Tài, bác bỏ tham vọng chủ quyền "lịch sử" của Trung Quốc tại Biển Đông, ngày 12/07.
Nhà Trắng ra thông báo cho biết tại Bắc Kinh lần này, bà Rice có kế hoạch gặp lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo một giới chức Mỹ, nhiệm vụ của cố vấn an ninh Susan Rice là chuẩn bị cơ sở cho các đối thoại giữa tổng thống Hoa Kỳ và chủ tịch Trung Quốc tại thượng đỉnh G20, sẽ diễn ra tại Trung Quốc tháng 9/2016.

Theo Reuters, chuyến đi của cố vấn Susan Rice chỉ được chính thức công bố vào hôm qua, 22/07. Bà Susan Rice tới Trung Quốc vào một thời điểm hết sức nhạy cảm. Bị xử thua trong vụ kiện Biển Đông, Trung Quốc có nhiều khả năng phản ứng mạnh, khiến xung đột có nguy cơ bùng phát.
Trả lời Reuters, cố vấn của tổng thống Mỹ cho biết bà "thường xuyên trao đổi với các đối tác Trung Quốc" trong những ngày gần đây và "chúng tôi hiểu rõ quan điểm của nhau". Về thông điệp gửi đến Trung Quốc, bà nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ kêu gọi tất cả các bên kiềm chế".

Tuy nhiên, cố vấn an ninh của tổng thống Mỹ cũng khẳng định quân đội Hoa Kỳ vẫn sẽ tiếp tục các hoạt động trên không và trên biển tại Biển Đông, để bảo vệ quyền tự do hàng hải, bất chấp việc Trung Quốc cảnh báo các hoạt động như vậy có thể dẫn đến "thảm họa".
Trong chuyến công du Trung Quốc, tại Thượng Hải, bà Rice sẽ "gặp gỡ nhiều công dân Trung Quốc", tiếp xúc với các lãnh đạo doanh nghiệp để "thảo luận về điều kiện dành cho các doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở Trung Quốc". Theo phát ngôn viên của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Ned Prix, bà Rice nhấn mạnh việc "Mỹ cam kết mở rộng hợp tác và quản lý tốt các bất đồng với Trung Quốc". - RFI

2.
Tay súng Munich ‘hành động đơn lẻ’

Vụ nổ súng tại một trung tâm mua sắm ở Munich, Đức, khiến chín người thiệt mạng và tay súng sau đó đã tự sát, cảnh sát Đức cho hay.
Trong cuộc họp báo, cảnh sát cho biết thêm, nghi phạm là một người song tịch Đức - Iran 18 tuổi sống ở Munich nhưng chưa rõ động cơ gây án.
Mười sáu người bị thương, trong đó có người trong tình trạng nghiêm trọng.
Cuộc truy lùng kẻ tấn công quy mô diễn ra sau báo cáo cho thấy có đến ba tay súng liên can đến cuộc tấn công.
Thi thể nghi phạm được tìm thấy cách trung tâm mua sắm Olympia ở quận Moosach, phía tây bắc thành phố, khoảng 1km.

Cảnh sát trưởng Munich Hubertus Andrae tuyên bố rằng nghi phạm chưa từng nằm trong hồ sơ cảnh sát và được ghi nhận không có liên hệ với các nhóm khủng bố, dù cuộc điều tra đang tiếp diễn.
Báo cáo ghi nhận các nhân chứng nhìn thấy hai người rời khỏi hiện trường trong một chiếc xe hơi "phóng với tốc độ đáng kể", nhưng sau đó hai người này được xác nhận không liên can, ông nói thêm.

"Chưa rõ động cơ gây án vụ này", ông nói.
Ông Andrae cũng nói rằng trong số thương vong có cả nạn nhân là trẻ em, nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Sau vụ tấn công, hệ thống giao thông bang Bavarian tạm ngừng hoạt động và có sơ tán ở nhà ga trung tâm.
Giao thông công cộng hoạt động trở lại vài giờ sau khi cảnh sát thận trọng tuyên bố "không còn nguy cơ".

Hàng ngàn người bị mắc kẹt bởi tình trạng khẩn cấp và không thể về nhà được cư dân địa phương mời tạm trú.
Tin tức đầu tiên về vụ nổ súng tại phố Hanauer Street xuất hiện lúc gần 18:00 giờ địa phương (23:00 giờ Việt Nam hôm 22/7).
Các nhân chứng cho biết kẻ tấn công nổ súng trên đường Hanauer trước khi chuyển đến trung tâm mua sắm Olympia gần đó.
Cảnh sát mô tả đây là "tình thế khủng bố cấp".

Nhân chứng Luan Zequiri, người có mặt ở trung tâm mua sắm, nói với đài truyền hình Đức N-TV rằng kẻ tấn công đi giày lính và đeo balô.
Trước đó, tin tức nói những kẻ tấn công vẫn đang lẩn trốn.
Các trực thăng cảnh sát quần đảo trên bầu trời thành phố, và các lực lượng đặc nhiệm tham gia chiến dịch lớn của cảnh sát.
Đài phát thanh công Bavaria đưa tin một đơn vị an ninh biên phòng tinh nhuệ, GSG9, tới Munich cùng một số trực thăng.
Thủ tướng bang Bavaria, Horst Seehofer họp bàn về khủng hoảng với các cố vấn an ninh.

Các lực lượng an ninh được đặt trong tình trạng cảnh giác sau khi một thiếu niên nhập cư đâm và làm bị thương năm người trên tàu tại Bavaria hôm thứ Hai, trong vụ tấn công mà nhóm tự xưng là Nhà nước Hồi giáo nhận trách nhiệm.
Giới chức cảnh báo về mối nguy có thêm các vụ việc khác xảy ra.
Hiện, quốc gia láng giềng, Cộng hoà Czech đang tăng cường an ninh biên giới. - BBC

3.
Ngoại trưởng Boris của Anh: Brexit không có nghĩa là cô lập

Bộ trưởng Ngoại giao Anh Boris Johnson hôm thứ Sáu nói rằng kế hoạch rút khỏi Liên hiệp Âu châu của Anh quốc không có nghĩ là nước ông đi vào con đường cô lập.
Đáp lại một câu hỏi, ông Johnson nói: “Tôi nêu lên một sự tương phản rất rõ rệt giữa Brexit và bất cứ hình thức cô lập nào. Brexit có nghĩa là chúng tôi nhìn ra bên ngoài nhiều hơn, tương tác nhiều hơn, năng động hơn, nhiệt huyết hơn và cam kết nhiều hơn trên trường thế giới so với trước đây.”
Vị cựu thị trưởng London gây nhiều chú ý và là một nhân vật đại diện cho phong trào Brexit này đã đến thăm Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên sau khi trở thành nhà ngoại giao hàng đầu của Anh quốc. Ông đến New York để gặp gỡ với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và sau đó gặp Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon và các nhà ngoại giao khác tại trụ sở của Liên Hiệp Quốc.

Ông cho biết, trong cuộc họp, ông và nhà lãnh đạo Liên Hiệp Quốc đã thảo luận về những vấn đề đang căng thẳng trên toàn cầu, trong đó có các cuộc chiến tranh ở Syria và Yemen.
Ông Johnson cũng xuất hiện một lúc tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bàn về vấn đề Libya, và ông tham gia biểu quyết cho nghị quyết về việc di chuyển kho vũ khí hóa học của nước này sang cho các nước thứ ba để hủy. - VOA

Tin Hoa Kỳ
4.
Mỹ: Bà Clinton chọn ông Tim Kaine làm ứng viên phó tổng thống

Chỉ ít ngày trước khi diễn ra Đại Hội đảng Dân Chủ, hôm qua, 22/07/2016, ứng viên cho chức tổng thống Mỹ Hillary Clinton đã tuyên bố nghị sĩ Tim Kaine, cựu thống đốc tiểu bang Virginia, một thành viên tích cực của đảng Dân Chủ sẽ là ứng viên phó tổng thống trong liên danh tranh cử của mình trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Thông tín viên của RFI Anne-Marie Capomaccio tường trình từ Philadenphia:

“Ứng viên của chức tổng thống Mỹ Hillary Clinton lý giải sự lựa chọn của mình như sau : “Tim Kaine chưa bao giờ thất bại trong một cuộc bầu cử nào cả. Ông ấy sẽ là một ứng viên hoàn hảo cho chức phó tổng thống”. 
Đúng là thượng nghị sĩ Kaine vẫn còn ít được dân chúng biết đến, nhưng ông hoàn toàn phù hợp với chân dung của một phó tổng thống mà ứng viên của đảng Dân Chủ cho chức tổng thống Mỹ đưa ra. Đó là người chia sẻ các giá trị, người có khả năng thay thế tổng thống khi cần. Đó chính là vai trò của một phó tổng thống.

Ông Tim Kaine, 58 tuổi, đã từng là thống đốc Virginia. Người thân và cộng sự đều đánh giá ông là người tham công tiếc việc. 
Các lập trường chính trị của Tim Kaine thiên về cánh trung. Ông Tim Kaine là một người theo Công giáo. Cá nhân ông không đồng tình với việc nạo phá thai, nhưng ông “tôn trọng sự lựa chọn của mỗi người phụ nữ”. Ông vốn luôn đấu tranh chống lại án tử hình, nhưng khi còn đương chức tại bang Virginia, ông đã không loại bỏ hình phạt này. Thượng nghị sĩ Tim Kaine cũng chưa bao giờ phản đối các hiệp ước trao đổi tự do mậu dịch. 

Về phía phe của ông Sanders, vốn hy vọng có một ứng viên cho chức phó tổng thống thiên về cánh tả hơn chắc hẳn sẽ thất vọng trước sự lựa chọn này của bà Clinton. Tuy nhiên báo chí Mỹ thì đánh giá rằng bà Hillary Clinton đã có một chọn lựa khôn ngoan, không tiềm ẩn nguy cơ nào cả. Nghị sĩ Kaine chưa bao giờ gây ra một cuộc luận chiến nào cả. Con đường chính trị của ông cho đến giờ không hề có tì vết.” - RFI

5.
Ngoại trưởng Mỹ sẽ gặp Ngoại trưởng Nga bên lề các hội nghị ASEAN để bàn về Syria

Giữa lúc kỳ hạn 1/8 cho cuộc chuyển tiếp chính trị tại Syria đang tới gần, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry đang chuẩn bị gặp gỡ với Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavrov vào đầu tuần tới bên lề các cuộc họp của Hiệp Hội các quốc gia Đông Nam Á- ASEAN, tổ chức tại thủ đô Vientiane của Lào.
Trong một cuộc họp bàn tròn hôm thứ Sáu, Ngoại Trưởng Kerry nói với các nhà báo cùng du hành với ông: “Tôi tin rằng cuộc họp kế tiếp của chúng tôi sẽ diễn ra bên lề cuộc họp ở Châu Á. Tôi sẽ gặp ông (Lavrov) ở Châu Á.”

Trước đó trong tuần, ông Kerry nói Mỹ và Nga đã hoạch định “các bước cụ thể” cho hướng đi mà họ sẽ thực hiện ở Syria.
Ông Kerry nói cho tới nay, mọi sự “đang diễn tiến trên tinh thần xây dựng và đang có tiến bộ.”
Các bước cụ thể mà Ngoại Trưởng Mỹ nói tới gồm: củng cố lệnh ngưng các hành động thù nghịch, tăng cường cuộc chiến chống các phần tử chủ chiến Nhà Nước Hồi giáo, cũng như của mạng lưới Al-Nusra.

Nhiều bản tin khác nhau dường như chỉ ra rằng Washington đã gửi một đề nghị cho Moscow để chia sẻ thông tin về những mục tiêu cụ thể sẽ tấn công tại Syria. Một kế hoạch như vậy sẽ phải đối đầu với sự chống đối từ Ngũ Giác Đài và cộng đồng tình báo Mỹ.
Những người chống đối nói Mỹ không yêu cầu Nga chia sẻ thông tin để đổi lại, và họ tin chắc rằng Moscow cuối cùng sẽ khai thác bất cứ thoả thuận nào để củng cố chế độ cầm quyền ở Syria, trong khi tìm cách làm suy yếu các chiến binh nổi dậy đang gặp khó khăn ở Syria.
Ngoại Trưởng Kerry phản bác rằng, “nói như vậy là phi lý, không đúng sự thật. - VOA

Tin Việt Nam
6.
VN: sập nhà hàng nổi gây chết người

Một nhà hàng nổi ở vịnh Vĩnh Hy, tỉnh Ninh Thuận, bị sập khiến “nhiều người rơi xuống biển” và ít nhất hai người thiệt mạng, truyền thông Việt Nam đưa tin.
Trưa 23/7, nhà hàng trên bè nổi của công ty du lịch Vĩnh Tiến ở vịnh Vĩnh Hy, tỉnh Ninh Thuận, bị sập.
Vịnh Vĩnh Hy nằm cách thành phố Phan Rang khoảng 40 km.

Một người dùng mạng xã hội hôm 23/7 chia sẻ clip được cho là quay tại hiện trường cho thấy cảnh tượng hỗn loạn, một số người đứng trên mái nhà nổi và tàu ném phao cứu sinh, áo phao, thùng xốp xuống nước với những tiếng la hét “cứu trẻ con trước”.
Một Facbooker có nick Linh Vo có mặt tại hiện trường mô tả: "Nhóm chúng tôi mới ra nhà bè kêu cua sò chưa kịp ăn, có thể do lượng khách đông nên bè bị sập, may mà kịp thoát ra được cầu treo, không là chết hết".

VnExpress hôm 23/7 cho hay ông Trần Văn Đông, Bí thư huyện Ninh Hải, Ninh Thuận, xác nhận vụ việc và cho biết lực lượng cứu hộ đang tìm nạn nhân.
“Hàng trăm du khách đang ngồi ăn uống tại nhà hàng bè nổi thì bất ngờ một bên cầu tàu của bè bị sập, nhà hàng đổ nghiêng”, báo này viết.

Báo dẫn lời một nhân chứng nói cảnh tượng “rất hỗn loạn do các nạn nhân giành nhau lên những chiếc tàu đến cứu".
Báo Zing cho hay, hai nạn nhân tử vong cùng là nam thanh niên đến từ TP Hồ Chí Minh.
Báo này dẫn lời ông Trần Văn Nam, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Vĩnh Hải mô tả "nhà hàng nổi được làm bằng gỗ, lợp tôn được gắn với các thùng phi bằng nhựa giúp nổi lên mặt biển. Tại vị trí nhà hàng nổi, Muốn ra nhà hàng, du khách đi theo đường dẫn cũng làm bằng thùng phi nhựa và gỗ, hoặc có thể đi thuyền ra. Tại khu vực vịnh Vĩnh Hy có rất nhiều nhà hàng nổi như thế này".

'Cam kết chất lượng'

Hôm 23/7, trả lời BBC qua điện thoại, một nhân viên nhà hàng của công ty du lịch Vĩnh Tiến nói:
“Thời điểm diễn ra vụ việc có khoảng 200 khách đoàn đang có mặt trên bè, chủ yếu đến từ TP Hồ Chí Minh”.
Nhân viên này cũng cho biết thêm rằng nhà hàng trên bè nổi "nằm cách bờ khoảng 10 mét và ở độ sâu 3 - 4 mét".

BBC liên hệ ông Châu Thanh Hải, giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận và ông Châu Thanh Đào, giám đốc công ty du lịch Vĩnh Tiến nhưng chưa nhận được phản hồi.

Trang fanpage của công ty này viết:
“Vĩnh Tiến cam kết luôn nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư và nâng cấp mới các loại sản phẩm. Phục vụ đúng tuyến, đúng điểm, đúng thời gian, và bán đúng giá niêm yết”.
Tháng trước, ít nhất hai trẻ em và một người lớn mất tích trong vụ lật tàu du lịch ở sông Hàn Đà Nẵng với hơn 40 người được cứu sống.
Truyền thông trong nước cho hay một tàu du lịch chở gần 50 hành khách đi ngắm cảnh sông Hàn về đêm bị lật đêm 4/6.

43 người được cứu và đã được đưa vào bệnh viện trong đó có 4 người Malaysia. - BBC

Không có nhận xét nào: