PHẦN MỘT:
Một chiến thắng cho các dân tộc Phi, Mã Lai, Tân Gia Ba, Nam Dương, Brunei, Việt Nam
Ngày Thứ Ba 12/7/2016, Toà Trọng Tài Thường Trực (PCA - Permanent Court of Arbitration tại The Hague, Hòa Lan), sau 3 năm rưỡi xét xử, đã ra phán quyết sau cùng về đơn kiện Trung Cộng (TC) của Phi Luật Tân. Phán quyết bác bỏ luận cứ của TC về đường lưỡi bò 9 điểm mà TC dựa vào đó để tự đơn phương xác nhận chủ quyền trên 80% Biển Đông và công bố TC đã xâm phạm chủ quyền của Phi tại bãi cạn Hoàng Nham (Scarborough).
<!>
<!>
Đây là một vố rất đau cho TC, một thất bại chiến lược cho Tập Cận Bình với nhiều hậu quả về mặt đối nội, đối ngoại (sẽ trình bày chi tiết ở phần Hai), ngược lại đó là một chiến thắng quan trọng cho Phi Luật Tân, và cũng là một chiến thắng chung cho các dân tộc khác ven Biển Đông, Mã Lai, Tân Gia Ba, Nam Dương, Brunei và Việt Nam, đang chịu áp lực nặng nề của bá quyền TC.
I. Bối cảnh vụ Phi Luật Tân kiện Trung Cộng
1. Bãi cạn Hoàng Nham
Bãi cạn Hoàng Nham hay Scarborough thuộc chủ quyền Phi, quan trọng về kinh tế và an ninh quốc phòng. Trong âm mưu bá quyền trên Biển Đông, TC muốn chiếm lấy bãi cạn này và đã cho công binh đến xây một số công trình nhô lên khỏi mặt nước để ngụy tạo bằng chứng là có sự hiện diện của TC.
Từ tháng 7/2012, dùng hải quân ngăn chặn không cho Phi (ngư dân, hải quân) vào bãi cạn Hoàng Nham. Về mặt chiến lước, sự hiện diện quân sự qua việc xây dựng các cấu trúc nhân tạo nổi trên mặt biển sẽ giúp TC có khả năng khống chế cả vùng Biển Đông phía Tây Phi Luật Tân.
- Bãi cạn Hoàng Nham (Scarborough Shoal)
Bãi cạn Hoàng Nham là một số đảo nhỏ gồm đá, bãi cát, đá ngầm không có người ở, nằm ở tọa độ vĩ tuyến 15,1167 Bắc, và kinh tuyến 117,85 Đông. Vị trí nằm dưới vĩ tuyến 17 trước đây chia đôi Việt Nam, hình tam giác, diện tích tổng cộng khoảng 150 cây số vuông, phần cao nhất cao hơn mặt nước lúc thủy triều cao độ 1,5 mét. Bãi cạn Hoàng Nham cách hải cảng Subic Bay 200 cây số, và cách xa đảo Hải Nam (TC), 950 cây số.
Công Ước Liên Hiệp Quốc về Biển năm 1982 (UNCLOS - United Nations Convention on the Law of the Seas) cho phép mỗi quốc gia có một vùng chủ quyền 12 hải lý ( 22 cây số), một vùng đặc quyền về kinh tế EEZ (Exclusive Economic Zone chu vi 200 hải lý (370 cây số) chung quanh đảo.
Với một đảo nhỏ diện tích độ vài cây số vuông (phải cao hơn mặt nước lúc thủy triều cao) thuộc chủ quyền, một quốc gia có quyền khai thác các khoáng sản dưới đáy biển, hải sản trên một diện tích 410.000 cây số vuông chung quanh đảo. Tài nguyên chung quanh bãi cạn này là hải sản, khoáng sản (dầu hỏa).
Trước tình hình bãi cạn Hoàng Nham bị xâm chiếm, sau 19 năm và nhiều vòng đàm phán song phương với TC thất bại, trước thái độ ngang ngược từ chối thương thuyết và ỷ lại về sức mạnh quân sự, kinh tế để bắt chẹt nước yếu hơn họ, Phi Luật Tân đã quyết định đưa vấn đề này ra trước tòa án quốc tế, vào ngày 22/01/2013, theo quy định của điều 287 và Phụ Bản 7 của Công Ước LHQ về Luật về Biển. Nhằm xác định một cách rõ ràng về chủ quyền của Phi Luật Tân trên bãi cạn Hoàng Nham và trên biển Tây Phi Luật Tân (West Philippine Sea), trước cộng đồng thế giới và phủ nhận đường lưỡi bò 9 điểm của TC.
2. Tòa Trọng Tài Thường Trực (PCA)
Các vấn đề tranh tụng về chủ quyền trên biển, đòi bồi thường quyền lợi liên hệ đến biển, có 3 tòa án quốc tế mà các quốc gia, các xí nghiệp, pháp nhân có thể đệ đơn kiện. Thứ nhất là Tòa Án Quốc tế (International Court of Justice tại The Hague, Hòa Lan). Thứ hai là Tòa ITLOS (International Tribunal for the Law of the Sea tại Hamburg, Đức), Tòa này chỉ chuyên xét xử về luật biển. Thứ Ba là Tòa Trọng Tài Thường Trực (Permanent Court of Arbitration tại The Hague, Hòa Lan), chú trọng về các tranh chấp về thương mại, và về luật biển.
- Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) trụ sở tại Đại sảnh Peace Palace ở The Hague, Hòa Lan. Ảnh: Reuters
Toà PCA được thành lập năm 1899, cách đây 117 năm, để giải quyết các tranh chấp liên hệ đến các đường biên giới trên đất liền, trên biển, các bất đồng trong việc thi hành các công ước, hiệp ước quốc tế, các tranh tụng về thương mại, các vấn đề nhân quyền giữa các quốc gia hay giữa quốc gia với các tổ chức phi chính phủ hay những cá nhân.
Tòa dã xử hơn 120 vụ trong đó liên quan đến nhiều cường quốc như Nga, Hoa Kỳ, Pháp, Anh.
Kể từ khi Công Ước về Biển bắt đầu có hiệu lực từ 16/11/1994, Tòa PCA đã chấp nhận thụ lý nhiều trường hợp kiện. Trong đó có vụ Phi Luật Tân – Trung Cộng.
Có 5 vụ khác chưa có phán quyết sau cùng là tranh chấp giữa Mauritius và Anh (2010), giữa Bangladesh và Ấn Độ (2009), giữa Hòa Lan và Nga (2014), giữa Malta, Sao Tome và Principe (2014), giữa Ý và Ấn Độ (2015). Có 6 vụ khác đã xử xong; đó là những tranh chấp giữa Argentina và Ghana, Barbudos và Trinidad Tobago, Guyana và Suriname, Mã lai và Tân Gia Ba, Ireland và Anh, giữa Phi và TC. Thời gian để đưa ra phán quyết cho mỗi vụ thường kéo dài từ 2 tới 7 năm.
Để tránh đơn kiện bị Tòa bác bỏ, các luận cứ trong hồ sơ kiện của Phi được lựa chọn kỹ lưỡng bới nhóm chuyên viên cố vấn. Không nêu lên vấn đề chủ quyền các đảo, nhưng tập trung vào việc phủ nhận đường lưỡi bò 9 điểm, tố cáo các âm mưu của TC có tính chất khiêu khích, đánh đuổi ngư dân, làm hủy hoại môi sinh, đe dọa sự lưu chuyển tự do trên hải phận quốc tế.
Phi đã lựa chọn Tòa PCA, vì trong điều lệ của Tòa, đây là Tòa Quốc Tế duy nhất chấp nhận tiếp tục xét xử dù phía bị cáo từ chối không hiện diện tại Tòa. Đây là trường hợp của vụ kiện TC của Phi, vì TC nhất quyết phủ nhận thẩm quyền của Tòa PCA và từ chối không tham gia mọi phiên tòa liên hệ đến vụ kiện của Phi Luật Tân.
3. Tiến trình vụ Phi Luật Tân kiện Trung Cộng
Ba tuần sau khi Phi Luật Tân nộp đơn kiện, vào ngày 19/2/2013, TC đã bác bỏ đơn và xác lập chủ quyền của họ trên Biển Đông bằng võ lực. Phi Luật Tân đã trả lời chấp nhận ngày 31/1/2013. Bảy tháng sau, ngày 1/8/2013, TC phúc đáp là họ không đồng ý việc Phi Luật tân đưa đơn kiện trước tòa án trọng tài, đồng thời cho biết họ sẽ không tham dự các buổi điều trần. Dù TC không chấp nhận và sẽ không hiện diện, nhưng hồ sơ vẫn được mở và thủ tục vẫn được tiến hành theo điều 25 trong Thủ Tục bị cáo vắng mặt (failure to appear or make submissions).
Thông báo ngày 27/08/2013, Tòa cho biết sẽ tiến hành theo Thủ Tục của Tòa án (Procedural Order) và cho Phi Luật Tân đến 30/03/2014 để nộp các dữ kiện liên hệ đến đơn kiện. Sau khi nhận được hồ sơ, tòa nhóm họp để thẩm định tính chất xứng đáng (merit) của đơn kiện. Sau đó mời hai phe đến trình bày bảo vệ hồ sơ của mình. Thủ Tục giải quyết tranh chấp (Rules of Procedure) được gởi đến 2 phe.
- Người dân Philippines biểu tình trước Tòa lãnh sự Trung Quốc tại Manila tháng 7/2015. Ảnh: Politico
Vào ngày 22/4/2015, Tòa ra quyết định thứ tư, cho biết, sẽ mở phiên tòa đặc biệt vào tháng 7/2015, nhằm cứu xét việc TC luôn luôn phủ nhận thẩm quyền của Tòa và cho TC quyền nộp hồ sơ cho tới 16/6/2015. Sau phiên xử đặc biệt đó, hai phe có tới ngày 20/7/2015 để xem lại và đưa những sửa đổi trong biên bản về thẩm quyền của Tòa.
Ngày 23/7/2015, Phi đã đệ trình thêm phần trả lời các câu hỏi của Tòa. Về phần TC, Tòa cho họ tới 17/8/2015 để đệ trình phần trả lời, câu hỏi, bình luận liên quan đến phiên tòa đặc biệt, dựa theo điều khoản 5 của Phụ Bản VII Của Công Ước. Tuy nhiên TC không hồi đáp và từ chối không đệ trình hồ sơ.
Tòa mở phiên xử vào tháng 11/2015 để cứu xét xem Tòa có thẩm quyền (Jurisdiction) về vụ kiện hay không? Kết quả là Tòa đã xác nhận thẩm quyền của mình về vụ kiện. Tòa ra phán quyết sau cùng về đơn kiện của Phi vào giữa năm 2016 (ngày 12/07/2016). Trong suốt tiến trình 3 năm rưỡi kiện, TC luôn từ chối thẩm quyền của Tòa PCA và cho biết sẽ không chấp nhận bất cứ phán quyết nào của Tòa.
4. Những thất bại của TC và tay sai lãnh đạo CSVN
Khi tiến hành âm mưu tằm ăn dâu, gặm nhấm dần các đảo tại Trường Sa, bãi ngầm Hoàng Nham kể từ 2012, TC đã ỷ vào sức mạnh quân sự, quyền lợi giao thương, để áp lực lên các quốc gia khác trong vùng, đặc biệt là Phi và Việt Nam qua thành phần tay sai lãnh đạo CSVN.
Với bản chất một chế độ độc tài ngạo mạn, ngang ngược, TC luôn coi thường công pháp quốc tế và suy tính là dân chúng và chính quyền các cường quốc khác trong vùng như Nhật, Úc, Hoa Kỳ sẽ không dám làm gì để không bị thiệt hại về quyền lợi kinh tế và tránh nguy cơ chiến tranh.
TC tương đối thành công trong việc xâm chiếm một cách êm thấm một số đảo tại Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam và bãi Hoàng Nham thuộc chủ quyền Phi, xây dựng phi đạo, căn cứ tiếp liệu tại Gạc Ma, Vành Khăn, Chữ Thập, nhưng đã thất bại trong nỗ lực vận động hậu thuẫn cho lập trường của họ, thất bại trong âm mưu tránh quốc tế hoá vấn đề tranh chấp tại Biển Đông, cũng như giữ sự quan tâm của dư luận và các quốc gia ven Biển Đông, Hoa Kỳ, Úc, Nhật, ở mức độ thấp.
Thứ nhất, là vấn đề quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. TC đã thất bại, không tiên liệu trước được là dư luận lại quan tâm mạnh mẽ đến vùng biển chiến lược này. Trên mạng Internet, mạng xã hội, hàng ngày, hàng chục bài viết nêu lên tầm quan trọng của Biển Đông về mặt lưu chuyển hàng hóa, về mặt an ninh quốc phòng, về mặt chủ quyền kinh tế với vùng Đặc Quyền Khai Thác Kinh Tế (EEZ).
Các động thái mang tính chất bá quyền của TC, ngang ngược dựa trên đường lưỡi bò 9 điểm, hoàn toàn không có một giá trị pháp lý, xâm chiếm, dùng hải quân truy đuổi, đâm chìm tầu đánh cá Việt Nam, bắt ngư dân Phi, Việt Nam, xâm phạm vào hải phận Nam Dương,... được phổ biến rộng rãi trên mạng toàn cầu Internet.
- Một trong những vụ tàu Trung Quốc đâm vào tàu đánh cá Việt Nam. Ảnh: Internet
Để tranh thủ dư luận, TC đã bỏ tiền mua chuộc nhiều học giả, sử gia, nhân vật có tiếng để viết bài ủng hộ cho chủ quyền của Bắc Kinh qua đường lưỡi bò 9 điểm, trên các trang mạng báo lớn tại Anh, Đức, Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Úc.
TC cũng thường xuyên áp lực ASEAN qua tay sai CSVN và các quốc gia nằm hoàn toàn trong ảnh hưởng của họ như Kampuchea, Lào để dễ thao túng và ếm nhẹm vấn đề. Xử dụng các nhóm vận động (lobby) để vận động cho họ trên các diễn đàn quốc tế. Nhưng cuối cùng âm mưu của TC thất bại.
Vấn đề Biển Đông ngày càng được dư luận, chính giới chú ý, với sự lên tiếng cảnh báo công khai của Liên Âu, nhóm G-7, Hoa Kỳ, Nhật, Ấn Độ song song với các động thái cụ thể, như tập trận chung, công khai cho phi cơ, chiến hạm bay trên không phận hay đi vào hải phận mà TC cho là thuộc chủ quyền của họ, hỗ trợ quân sự cho Phi, Việt Nam.
Các dân tộc Phi và Việt Nam đã đóng góp nhiều vào việc Quốc Tế Hóa vấn đề Biển Đông qua các cuộc biểu tình, kiến nghị, hội thảo bảo vệ chủ quyền. Riêng tại Việt Nam, người dân, lực lượng dân chủ trong nước, cùng các cộng đồng, tổ chức tại hải ngoại qua rất nhiều hành động bảo vệ chủ quyền đã tạo được nhiều tiếng vang và quan tâm nơi dư luận thế giới, yêu chuộng công lý và tự do, trong lúc lãnh đạo CSVN, tay sai của TC luôn tìm cách đàn áp, ếm nhẹm vấn đề.
TC và tay sai CSVN đã thất bại, không ém nhẹm được những dàn xếp dâng bán chủ quyền đằng sau lưng dân tộc Việt Nam. Phản ứng của dân tộc Việt Nam, kể từ năm 2010, và liên tục mỗi năm cho đến ngày nay, đã góp phần làm thất bại âm mưu của TC và tay sai CSVN, làm vấn đề Biển Đông trở thành một nan đề tiến thoái lưỡng nan đối với cả TC và CSVN, có nguy cơ dẫn đến sự sụp đổ của chế độ CS.
Thứ hai, là phản ứng mạnh mẽ ngoài sự tiên liệu của TC đến từ các quốc gia ven Biển Đông và của cộng đồng thế giới nói chung. Sau các động thái ngang ngược xâm chiếm của TC, các quốc gia ven Biển Đông đã đồng loạt gia tăng võ trang về hải quân, để bảo vệ hải phận thuộc chủ quyền của mình.
Mã Lai, Tân Gia Ba, Phi, Việt Nam, Nam Dương đều nỗ lực tân trang hải quân, mua tầu chiến từ Nga, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nhật. Việt Nam đã mua 6 tầu ngầm loại Kilo của Nga, khả dĩ gây khó khăn cho hải quân TC với loại hỏa tiễn thiềm du bắn từ dưới nước, cùng 12 tầu hộ tống nhỏ. Nam Dương mua khu trục hạm do Hòa Lan chế tạo.
Hiện nay, hải quân CSVN (45000 người, 66 tầu chiến), là tương đối có khả năng nhất để cầm cự và gây tổn thất cho hải quân TQ, với 6 tầu ngầm loại Kilo, 7 khu trục hạm loại Guepard (4), Sigma (2) của Hòa Lan. Nam Dương (74000 người) có 4 tầu ngầm, 6 khu trục hạm, tương đối có khả năng chống trả chung quanh đảo Natuna. Mã lai (15000 người) có 2 tầu ngầm Scorpene của Pháp, 6 khu trục hạm (2 La Fayette Pháp), đây là các tầu ngầm và chiến hạm rất tối tân. Tân Gia Ba có 4 tầu ngầm, 6 khu trục hạm, thuộc loại tối tân.
- Ấn Độ, Hoa Kỳ và Nhật tập trận chung hồi Tháng 6/2016. Ảnh: eoneindia.com
Đặc biệt thái độ ngang ngược bất chấp công pháp quốc tế đã khiến Ấn Độ tiến gần hơn với Hoa Kỳ và các đồng minh như Nhật, Úc qua các cuộc tập trận chung, cũng như hợp tác quân sự với Hoa Kỳ (mua phi cơ tuần duyên P8A Poseidon, nhờ Hoa Kỳ hỗ trợ kỹ thuật về xây cất hàng không mẫu hạm). Một liên minh không chính thức giữa Hoa Kỳ, Nhật, Ấn Độ được hình thành nhằm đối phó với TC.
Ngoài ra, TC gặp phải phản ứng mạnh của đối thủ đáng gườm nhất là Hoa Kỳ, với sự hiện diện ngày càng thường xuyên và đông đảo của các Đội Tấn Công (Carrier Strike Group), sự phối trí các phi cơ thám sát tại Guam, Phi, các tầu tuần duyên LCS (Littoral Combat Ship) tại Tân Gia Ba.
Trong lúc TC dư biết là tiềm năng của hải quân TC hiện nay chưa đủ sức để đối đầu với hải quân Hoa Kỳ, vốn đứng đầu thế giới về khả năng kiểm báo tầm xa, khả năng phối hợp hỏa lực và các hoả tiễn chống chiến hạm tầm xa LRASM và SM-3 có khả năng chống hỏa tiễn.
Tất cả các nỗ lực đối phó vừa kể đối với chiến lược tằm ăn dâu của TC đã có ảnh hưởng lên phán quyết sau cùng của Tòa PCA. Hiện nay, TC ngày càng được xem là một quốc gia có bản chất du côn (Rogue State), bên trong đàn áp người dân, bên ngoài bất chấp công pháp quốc tế, sẵn sàng dùng sức mạnh để uy hiếp các quốc gia khác yếu kém hơn, dùng mọi thủ đoạn từ đe doạ về quyền lợi kinh tế, uy hiếp bằng quân sự, ngụy tạo chứng cớ, ăn cắp kỹ thuật, dùng tiền để mua chuộc, để tranh đoạt bằng mọi giá quyền lợi về phía họ.
5. Phản ứng của TC
Tuy chờ đợi trước một phán quyết bất lợi, tuy nhiên nội dung phán quyết cho thấy lời lẽ rất cứng rắn đối với TC. TC xem phán quyết của Tòa PCA vừa rồi là một một sự sĩ nhục nặng nề đối với họ.
Chưa bao giờ một cường quốc trên thế giới lại bị Tòa tố cáo vi phạm chủ quyền một nước khác và luận cứ nền tảng mà TC dựa trên đó để cho rằng họ có chủ quyền trên 80% Biển Đông, đường lưỡi bò 9 điểm bị coi là hoàn toàn không có giá trị nào về mặt pháp lý.
Sau phán quyết có tính chất cưỡng chế (binding) của Tòa PCA, TC chỉ còn có 2 thái độ.
Một là tiếp tục bất chấp phán quyết, tiếp tục chiến thuật tằm ăn dâu, tiếp tục lấn chiếm từ từ các đảo tại Trường Sa, bãi cạn Hoàng Nham. Thái độ này có thể sẽ dẫn đến một cuộc chạm trán võ trang với hải quân các quốc gia ven Biển Đông và với hải quân Hoa Kỳ hay Nhật Bản.
Hai là tạm thời dừng bước, tháo gỡ các công trình đã xây cất trên các đảo chiếm được, để bị dư luận cho là một siêu cường bằng giấy, chấp nhận muối mặt để chờ thời. Chấp nhận đàm phán với Phi. Đây cũng là tình huống khó xảy ra, vì bản chất ngạo mạn, coi thường dư luận của chế độ.
Và nếu xảy ra như vậy thì Tập Cận Bình sẽ phải trình bày như thế nào trong nội bộ và uy tín cũng như quyền uy sẽ bị sút giảm nặng nề. TC biết rõ là họ chỉ còn có một khoảng thời giờ thuận lợi hiện nay với sự đồng lõa tay sai của lãnh đạo CSVN để tiến hành âm mưu xâm chiếm Biển Đông.
Một khi có sự thay đổi tại Việt Nam qua một thể chế dân chủ, âm mưu chiếm Biển Đông sẽ hoàn toàn gẫy đổ, vì tiềm năng đề kháng của hơn 90 triệu dân Việt Nam sẽ ngăn chặn được hữu hiệu mọi âm mưu của TC tại Biển Đông.
Cả hai tình huống đều đầy khó khăn, tiến thoái lưỡng nan cho TC, có xác xuất gây thêm mầm mống phân hóa và gẫy đổ trong nội bộ, và có thể dẫn đến sự sụp đổ của chế độ CS.
Tạm kết
TC và Tập Cận Bình đã lên lưng cọp khi âm mưu xâm chiếm Biển Đông. Con đường duy nhất dẫn đến thành công cho họ là âm thầm gặm nhấm các đảo trước sự thờ ơ của thế giới cũng như sự yếu kém của dân tộc Phi và Việt Nam. Không may cho TC, người Phi biết cảnh giác về nguy cơ mất chủ quyền.
- Biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội ngày 13-7-2016. Ảnh: J.B Nguyễn Hữu Vinh
Chính phủ Phi đã biết đưa vụ kiện ra trước Tòa PCA một cách khôn ngoan. Trong lúc, người dân Việt Nam yêu nước, bất chấp bản chất tay sai, yếu hèn của lãnh đạo CSVN đã tiến hành mọi nỗ lực trong khả năng để góp phần quốc tế hóa vấn đề Biển Đông.
Bản chất tráo trở, ngạo mạn, coi thường công pháp quốc tế của chế độ TC đã bị vạch tràn trước thế giới, và họ đang phải dối diện với 2 tình huống, tình huống nào cũng đầy rủi ro cho sự tồn vong của chế độ CS.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét