Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2016

Một ngày trên đảo Miyajima - Tường thuật: Chiêu Ấn. Hình ảnh: The Viewfinders


alt

Hình 1: Cổng đền Thần Đạo (thần xã) Itsukushima trên đảo Miyajima lúc nước lớn vào buổi sáng.
Sáng ngày 6 tháng Tư, với tâm trạng háo hức sắp sửa có một ngày du ngoạn một địa điểm nổi tiếng, chúng tôi lái xe từ khách sạn Aster Plaza Hiroshima đi trên 20 km đến bến Miyajimaguchi để đáp phà qua đảo Miyajima cách bờ chừng 10 phút. Ngồi trên phà nhìn qua đảo, vừa thấy cổng Torii màu cam đỏ nổi bật sừng sững trên mặt nước, chúng tôi không ai bảo ai đều chỉa ống kính máy ảnh về hướng đó. Nhiều du khách khác cũng chộn rộn lao xao. <!>Phà chưa cặp bờ, mọi người đã sẵn sàng để đổ bộ.
Người Nhật tin rằng đây là nơi thần linh chọn để ngự trị vì nó nằm ở địa điểm thiên nhiên lý tưởng mỹ miều. Họ nói rằng Đền Itsukushima được xây dựng ngoài bờ biển bởi vì toàn bộ hòn đảo chính là hình hài của thần linh chuyển hóa. Sự tinh khiết của thánh địa quan trọng đến nỗi từ năm 1878 không ai được phép sinh hoặc chôn tại đảo. Thai phụ sắp lâm bồn được đưa vào đất liền để sinh nở. Hai ngàn cư dân trên đảo nếu chết phải được chôn cất trong đất liền.
Đền Itsukushima được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ sáu và do một chiến binh lần đầu tiên lên nắm quyền tên là Kiyomori Taira tái thiết kế và tái cấu trúc năm 1168 để có được hình dáng uy nghi trang trọng như hiện nay. Toàn quần thể của Đền đều được xây dựng nằm trên mặt biển nên cấu trúc táo bạo của Đền thay đổi hình dạng theo thủy triều lên xuống. Màu đỏ châu sa tươi thắm của lớp sơn mài phủ lên mọi thanh gỗ của Đền, màu lục của núi rừng nguyên sinh phía sau lưng, màu thanh lam của biển trước mặt đã phối hợp hài hòa tạo nên một cảnh trí rất đẹp theo mỹ quan của người Nhật và cả du khách nữa.
Đền Thần đạo Itsukushima (được mọi người quen gọi thân mật là Đền Nổi) là một thần xã nằm ở đảo Miyajima thuộc Hiroshima. Nhật Bản có tới 500 thần xã mang cùng tên nhưng Đền này là chính. Đền thờ phụng ba vị thần biển Ichik-ishima,Tagori và Tagitsu. Trong Đền có lưu giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật và những cổ vật được xem là quốc bảo.
Cổng đền cao 16m, mái vươn dài 24m, với những cây cột chính bằng gỗ quý có đường kính 1m. Cổng tự đứng vững bằng kết cấu khung và không hề có bộ phận nào chôn dưới mặt đất. Khi thủy triều lên, cổng trông như nổi trên mặt nước. Khi thủy triều xuống, cổng trơ gốc trên nền cát dẻ chắc và mọi người có thể bước đi bộ đến tận chân cổng.
Trọn khu đền bao gồm đền chính, gác 5 mái và nhiều đền thờ nhỏ khác bố trí bao quanh. Hành lang dài nối điện chính với các điện nhỏ, với phòng tấu nhạc kịch và các khu vực khác của đền. Công trình hoàn toàn không sử dụng một vật dụng kim loại nào trong khi xây dựng, kể cả một chiếc đinh. Những kẻ hở giữa các tấm sàn được tính khéo léo sao cho có thể giảm bớt áp lực của triều cường khi có bão lớn.
Thiết kế quần thể Đền được đánh giá là một tuyệt phẩm kiến trúc, được công nhận là di sản văn hóa của thế giới. Cổng torii (điểu cư), được xây dựng lần đầu vào năm 1168, là biểu tượng của ranh phân chia cõi thần linh với thế giới trần tục của con người. Đây là kỳ quan hấp dẫn nhất của đền Itsukushima.
Khi thủy triều lên cao, chiếc cổng làm bằng gỗ long não sơn màu đỏ này trông như nổi trên mặt nước. Giờ thủy triều lên cao nhất được thông báo cho công chúng mỗi ngày qua các phương tiện truyền thông và trên trang web của Đền.
Khách vừa đặt chân lên đảo đã có thể cảm thấy ngay không khí của chốn bồng lai khi nhìn thấy những con hươu sao thảnh thơi đi kiếm ăn tự do một mình hay từng nhóm nhỏ. Chúng tôi thấy nai ở bất cứ đâu trên đảo: nằm nghỉ ngơi trong rừng bụi, trước cửa khách sạn, bám theo xin ăn ngoài đường phố, đi long nhong dưới lòng suối cạn, dưới sàn của ngôi đền và ngay cả mạo hiểm đi xuống biển lúc nước ròng.
Sự thay đổi của thủy triều lúc ròng lúc lớn đã mang lại cho ngôi đền một nét đẹp bí ẩn thách thức trí tò mò của du khách. Đã ngắm cảnh Đền nổi bồng bềnh trên sóng nước vào buổi sáng, chúng tôi muốn ở lại trên đảo suốt trọn một ngày để vừa được ngắm cảnh Đền lúc nước cạn vừa lang thang khám phá nhiều cảnh đẹp khác trên đảo, chờ cho đến chiều tối ngắm cảnh ngôi đền lung linh tỏa sáng rực rỡ trên sóng nước ban đêm. Du khách có thể chọn thuê phòng khách sạn hoặc lữ quán và ở qua đêm trên đảo tuy giá cả mắc hơn trên đất liền.
Chúng tôi khá tham lam nên nấn ná ở lại chụp ảnh phong cảnh lãng mạn cho đến chỉ còn đủ giờ đáp chuyến phà chót thưa người trở vào bờ.
Miyajima (miya là cung điện đền đài; jima là đảo) rộng chừng 30 km2 có khoảng hai ngàn cư dân. Phần lớn diện tích của đảo là núi non với ngọn Misen cao nhất ở độ cao 535 thước từ mặt nước biển. Trên đảo Miyajima, ngoài ngôi đền Itsukushima còn có chùa Daiganji mà nhóm thợ xây cất cũng đảm nhiệm công việc sửa chữa Đền Itsukushima từ thế kỷ 13 đến Minh Trị Duy Tân.
Một trong số bốn tượng Phật của chùa là tượng Yakushinyoraizazou do sư Kuukai tức Koubou daishi (Hoằng Pháp Đại Sư) tạo đúc trước thế kỷ thứ 10. Ông là một trong những vị đại sư Phật giáo nổi tiếng nhất trong lịch sử Nhật Bản.
Trên một ngọn đồi nằm về phía bên trái của Đền Itsukushima có chùa Daiganji và ngũ trùng tháp (tháp năm tầng) Senjyokaku cao 27 m. Tháp này được xây dựng năm 1407 theo mẫu dáng và lối kiến trúc chùa Phật giáo Trung Hoa. Cũng giống như nhiều chùa khác, tháp Senjyokaku được sơn màu son rực rỡ và có cảnh trí rất đẹp.
Năm 1587, Toyotomi Hideyoshi, người đã thống nhất Nhật Bản trong thời kỳ nội loạn sứ quân, đã chỉ thị xây chùa và tháp này để tưởng niệm tử sĩ trong chiến tranh. Tuy nhiên, Hideyoshi đột ngột qua đời nên công trình bị gián đoạn. Nếu không, toàn thể ngôi chùa sẽ được trát vàng lộng lẫy thay vì chỉ trát vàng mái ngói.
Còn một điểm trên đảo đáng khám phá nữa là chùa Daishouin (Đại Thánh Viện) thuộc Phật Giáo Nhật Liên Chánh Tông Nhật Bản. Chùa nằm tận chân núi Misen nên du khách thập phương phải leo hàng trăm bậc thềm mới đến được. Tương truyền rằng Hoằng Pháp Đại Sư Kuukai (Kouboudaishi) tạo ra ngôi chùa này vào năm 806 sau một trăm ngày nhập định khổ hạnh trên ngọn núi Misen.
Hàng trăm tượng Phật được tôn trí trong khuôn viên rộng rãi khiến nơi đây có nét lạ độc đáo kỳ lạ. Hoàng đế Minh Trị, Ngài Đạt Lai Lạt Ma cùng nhiều nhân vật tên tuổi khác nằm trong số hàng triệu khách thập phương từng đến đây kính bái. Nếu du khách còn sức, họ có thể theo các lối mòn để lên đỉnh núi hoặc dùng xe cáp.
Chân Yếu tôi phận già xin kiếu màn leo núi; ngồi ghế kéo bằng dạy cáp cũng không, thà đi dạo qua con đường chính tên Omote-Sando trên đảo với hàng trăm hàng quán bán thức ăn thơm lừng và vô số quà lưu niệm thích hơn.
Món đặc sản ở đây là con hàu: hàu tươi nướng hoặc hàu lăn bột chiên, giá bán mỗi con là 400 yen tương đương với bốn đô Mỹ hay năm Gia-kim. Chúng tôi chỉ ăn thử cho biết cứ nếu muốn ăn cho đã thì ít nhất phải năm con.
alt
Hình 2: Thần xã Itsukushima lúc nước lớn vào buổi sáng.
alt
Hình 3: Chùa Daiganji và Ngũ trùng tháp (tháp năm tầng) Senjyokaku.
alt
Hình 4: Hươu sao hiện diện khắp nơi trên đảo.
Trong Thần Đạo Nhật Bản (Shinto), hươu được xem là sứ giả thiêng liêng của các vị thần. Đó là lý do tại sao tại một vài nơi ở Nhật Bản, du khách có thể gặp phải hươu hoang dã di chuyển tự do trong khu vực đô thị. Loài hươu sống trên đảo Miyajima này được gọi là Nihonjika, nghĩa giản dị rõ ràng là “nai Nhật Bản". Được biết giống nai này sống ở đây từ thời cổ đại, nhưng các tài liệu lịch sử đầu tiên xác nhận sự hiện diện của chúng trên đảo này từ 800 năm trước đây. Người ta ước tính có khoảng 500 con hươu Nhật trên đảo, hầu hết chúng sống trong rừng bụi, nhưng cũng có một số nhóm đã quen tiếp xúc sinh hoạt với người.
Tôi nhận thấy nai ở Công viên Nara đông hơn và dạn dĩ liều lĩnh hơn những con ở đây. Trong Công viên Nara, tôi chứng kiến nai giành ăn với nhau, con này ngoạm sứt lông con kia khiến cho bộ lông của chúng bị lõm mất nhiều mãng lởm chởm trông xấu xí. Ở Công viên Nara, du khách được quyền mua bánh “crackers” cho nai ăn, còn ở Miyajima thì không. Lý do khá rõ ràng: đảo này là nơi chốn của thần linh ngự trị nên các sứ giả (nai) của thần cũng hiền bớt.
alt
Hình 5: NAG Anh Vũ ngồi bên cạnh các tượng Jizo Bosatsu (Địa Tạng Vương Bồ Tát) đặt hai bên lối lên chùa Daishouin nơi chân núi Misen.
Những bức tượng Jizo bằng đá được xem là vị thần cứu tinh trong tín ngưỡng, tôn giáo của người Nhật. Trong văn hóa Nhật Bản, Địa Tạng là Bồ tát hộ mệnh cho trẻ em, cũng như bảo vệ các vong linh của trẻ em hoặc bào thai chết yểu, là vị cứu tinh xoa dịu những đau khổ mà con người phải gánh chịu khi xuống địa ngục và đáp lại lời cầu nguyện sức khỏe cũng như thành công cho những người đang sống. Địa Tạng thường được mô tả là một tỉ-khâu trọc đầu với vầng hào quang, một tay cầm tích trượng để mở cửa địa ngục, tay kia cầm ngọc Như Ý tượng trưng cho ánh sáng xua tan bóng đêm.
Tượng Jizo thường được tạc từ những hòn đá núi lửa đen. Hầu hết các bức tượng Jizo được trang trí bằng quần áo hay yếm của trẻ em. Những gia đình có trẻ đã chết thường đem đồ chơi và quần áo của chúng đặt bên cạnh các bức tượng để cầu xin thần Jizo bảo vệ cho linh hồn chúng.
Theo quan niệm của Phật giáo, sau khi qua đời, hồn sẽ chuyển vào một trong 6 cõi tùy theo nghiệp lúc còn sống đã tạo nên. Tất cả chúng sinh đều phải chết và phải tái sinh trong chu kỳ lặp đi lặp lại như vậy trừ khi họ thoát được những ham muốn và được giác ngộ.
alt
Hình 6: Một ngôi nhà trên đảo duy nhất có treo quốc kỳ Nhật Bản.
Tuy người Nhật được biết có tinh thần quốc gia dân tộc cao nhưng rất hiếm thấy cờ Nhật treo ngoài phố và mọi nơi công cộng khác.
alt
Hình 7: Bãi biển trên đảo lúc nước ròng với Cổng Thần Xã đứng trơ vơ. Du khách xuống tận bờ nước chụp ảnh trong khi một số cư dân trên đảo xuống đó để bươi cát bắt nghêu.
alt
Hình 8: Thủy triều bắt đầu dâng lên vào lúc trời chiều. Một con nai lội xuống nước không biết với mục đích gì.
alt
Hình 9: Màn đêm buông xuống. Đèn dọc theo bờ bật sáng. Cảnh vật thật thơ mộng và lãng mạn.
alt
Hình 10: Trên đường đi trở lại bến phà để bắt kịp chuyến phà cuối, chúng tôi còn cố chụp thêm bức ảnh kỷ niệm một ngày dài trên đảo Miyajima thần tiên.
Chiêu Ấn.
PH-HCA

Không có nhận xét nào: