Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2016

Lá Thư Úc Châu Trang Thơ Nhạc cuối Tuần (23 July 16) - TS Nguyễn Nam Sơn

1. Sông Mẹ: Phạm Duy - Ban Hoa Xuân (1964) - Gs TranNangPhung - HungThe - NNS
<!>
2. Thu, Hát Cho Người: Vũ Đức Sao Biển - Quang Minh - Gs TranNangPhung - HungThe - NNS
3. Cô Láng Giềng - Hoàng Quý - Sĩ Phú - Gs TranNangPhung - HungThe - NNS
4. Bướm Trắng - Nguyễn Bính - Anh Bằng - Vũ Khanh - Gs TranNangPhung - HungThe - NNS (HD)
Tình thân,
NNS
........................................................................................................
Chuyện Thời sự & Xã hội
(i) Trịnh Anh Tuấn: Tặng những người bạn của tôi
Tôi có rất nhiều những người bạn tham gia các cuộc biểu tình, từ năm 2011 đến nay, cả ở Sài Gòn lẫn Hà Nội, như một định mệnh trên một quãng đời đầy kỉ niệm.
Ngày 17/07/2011, cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược ở Biển Đông là lần thứ ba ở Sài Gòn và thứ bảy ở Hà Nội trong mùa hè rực lửa năm ấy. Đó cũng bắt đầu cho những màn bắt bớ kinh hoàng những người biểu tình. Ngày này 5 năm trước, hơn 20 người biểu tình ở Sài Gòn bị bắt, đánh đập giữa chợ Bến Thành. Ở Hà Nội con số còn nhiều hơn, tôi nhớ không nhầm là 46. Năm nay, số người biểu tình ở Hà Nội còn nhiều hơn, khoảng 60 người theo tính toán của tôi. Ở Sài Gòn, trước sự tàn bạo của lực lượng công an, không có một cuộc biểu tình đúng nghĩa diễn ra, dẫu có những màn biểu thị thái độ của người dân Sài Gòn sau phán quyết của Tòa án trọng tài thường trực LHQ tại La Hague.
Năm năm đã trôi qua. “ Thời gian qua kẽ tay / Làm khô những chiếc lá / Kỷ niệm trong tôi
Rơi như tiếng sỏi trong lòng giếng cạn
Riêng những câu thơ còn xanh
Riêng những bài hát còn xanh…” ( Thời gian- Văn Cao)”
Những người bạn năm xưa của tôi, cũng như tôi, thay đổi như chưa bao giờ nghĩ tới. Những bạn trẻ tuổi hai mươi năm xưa giờ đã thành những người trưởng thành khi nào không biết. Những con người năm ấy giờ đây in hằn đầy những vết chân chim trên khuôn mặt. Tất cả trong đó là những ưu tư về những mất mát của đất nước trước sự uy hiếp của kẻ thù phương Bắc. Đau đớn hơn, là sự hèn nhược và sự tiếp tay của bầy nội gian đang hiện hữu đầy rẫy trên quê hương mình. Những trái tim trinh nguyên nồng nhiệt vì đất nước những ngày mới bắt đầu ấy, giờ găm đầy những vết xước khi chứng kiến Tổ quốc bị tàn phá, hủy hoại, xẻ thịt và xâm lấn từng ngày.
Và tôi không thể nào kể hết được những uất ức của bạn bè tôi trong thời gian năm năm ấy. Những năm tháng tù đày. Những trận đòn trong đồn công an đến nhừ tử, nằm cả nửa tháng mới dậy đi lại được. Những lần bị đuổi khỏi nhà trọ trong đêm vì công an yêu cầu. Những lần bị đuổi việc vì công an đến công ty gây áp lực. Những lần dằn mặt, tấn công ngay giữa thanh thiên bạch nhật bởi những người lạ mặt. Những giọt nước mắt của cô bé tuổi 20 giấu đi hằng đêm vì sự dè bỉu từ gia đình, hàng xóm vì “phản động, đi biểu tình”. Nhiều lắm, khó thể nào kể hết.
Sau những trò hèn hạ đó, nhiều người đã phải về quê, sống một cuộc đời lặng lẽ trong nỗi niềm hờn ghen và băn khoăn về đất nước. Nhiều người lặng lẽ, giấu mình cho đến khi qua đi những đợt sách nhiễu của an ninh. Cũng nhiều người phải bỏ nước mà đi. Một số người khác, lì lợm và cứng đầu hơn, tiếp tục gồng mình lên hứng chịu những màn đánh đập, sách nhiễu, làm việc của công an ngày này qua ngày khác. Một vài trong số đó đi tù, một số hứng chịu mọi đòn thù hèn hạ của công an. Hoặc cả hai, hoặc là nhiều chiêu trò khác. Những người ít ỏi đó, tìm cách bảo vệ nhau, nâng đỡ nhau, thăm hỏi nhau qua những trận đòn, qua những năm tháng tù đày biệt xứ. Có vài người giờ vẫn chưa về.
Năm năm đã trôi qua. Trước đây, chỉ là một đơn vị hành chính Tam Sa trên đảo Hoàng Sa. Rồi cắt cáp tàu thăm dò dầu khí Bình Minh 2. Rồi Trung Quốc tuyên bố về đường lưỡi bò 9 đoạn chiếm trọn Biển Đông. Rồi những lần ngư dân bị bắt bớ, đánh đập, đâm chìm tàu đánh cá. Giờ mọi thứ còn tệ hơn, là một thành phố Tam Sa với những tour du lịch từ đất liền Trung Hoa ra đó. Là khu vực nhận diện phòng không ADIZ ở Biển Đông khi Trung Quốc không chỉ thể hiện bành trướng dưới mặt biển mà còn trên không trung. Là những hòn đảo nổi nơi Trường Sa được Trung Quốc bồi đắp thành những sân bay, khu vực quân sự. Phillippines đã đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Ngày 12/07, PCA đưa ra phán quyết về đường lưỡi bò là vô giá trị. Dẫu vậy, những phản ứng của những người nắm quyền Việt Nam vẫn vậy. Vẫn chỉ là tuyên bố “phản đối, phản đối” mỗi khi Trung Quốc đâm chìm tàu, bồi đắp đảo hay cắm giàn khoan. Chưa có một động thái nào cho thấy Việt Nam sẽ khởi kiện Trung Quốc như Phillippines cả.
Và đó, những người biểu tình chống Trung Quốc vẫn bị bắt bớ, giam cầm một cách vô tội vạ. Trước ngày PCA ra phán quyết 2 ngày, một người biểu tình nổi tiếng ở Hà Nội, Lã Việt Dũng, bị tấn công bởi mật vụ phải vào cấp cứu tại bệnh viện. Những lần biểu thị thái độ của người dân đối với quân xâm lược bị những người cộng sản nắm quyền ra lệnh đàn áp thẳng tay. Hi vọng về một tương lai đẹp đẽ, vẹn nguyên của đất nước vẫn chìm trong bóng tối của tham lam và bạo tàn.
Tuy thế, nhiều người đã không hề khuất phục, họ vẫn tiếp tục. Nhiều người mới đã xuất hiện, tham gia vào những không gian biểu thị thái độ về tình hình đất nước, về Biển Đông bằng nhiều hình thức; từ trên internet cho đến bên ngoài. Chỉ có một niềm vui nho nhỏ đến với tôi là cái nhìn của xã hội đối với những người dám biểu tình đã bớt gay gắt, bớt ác cảm và dễ chấp nhận hơn dù hệ thống tuyên truyền của nhà nước vẫn ra rả suốt ngày trên VTV và báo đài.
Và để đạt được một sự thay đổi nho nhỏ đó là một sự đánh đổi không hề nhỏ của bao nhiêu người. Đó là sự đánh đổi của bao năm tháng tù đày, bao trận đòn thù từ phía công an, bao nhiêu nước mắt, xương máu và nỗi đau. Đánh đổi bao nhiêu năm tháng thanh xuân chỉ để đau đáu về một đất nước đau khổ, bất công, chia ly và mù mịt tương lai. Dẫu vậy, điều đó cũng chỉ làm cho họ, những người tội gọi là bạn, yêu nước nhiều hơn. Giống như một tình yêu không bao giờ trọn vẹn. (Hà Nội, 18/07/2016)

*** Nhà văn Phạm Đình Trọng: Chúng tôi đang có mặt
Nhận lời ông bạn lính hẹn sáng chủ nhật 17.7.2016 sẽ mang đến trả tôi quyển sách và cùng tôi đến thăm ông bạn lính của chúng tôi đang nằm bệnh viện. Nhưng khi vào mạng xã hội thấy những người bạn ngoài Hà Nội thông báo kêu gọi người dân cũng sáng chủ nhật 17.7.2016 xuống đường biểu tình đòi nhà nước cộng sản kiện Tàu Cộng ra Tòa Trọng tài quốc tế về đường lưỡi bò và đòi nhà nước cộng sản phải truy tố hình sự Formosa đầu độc biển nước ta thì tôi biết cuộc hẹn của tôi với ông bạn lính đổ bể rồi.
Tàu Cộng đang vây hãm chúng ta bốn phía, đang bức hại chúng ta đủ đường. Formosa danh nghĩa Taiwan nhưng hồn cốt cũng là China mà thôi. Và không khí chống Tàu Cộng xâm lược đang sôi sục khắp nước thì chủ nhật 17.7.2016 an ninh cộng sản lại kéo đến giăng quân chốt chặn kín mọi ngả đường trước nhà tôi, làm sao tôi có thể ra khỏi nhà đi thăm ông bạn lính đột quị đang nằm bệnh viện được!
Ông ơi, đừng đến tôi nữa nha. Tôi không ra khỏi nhà được đâu! Sáng chủ nhật, xuống mảnh sân trước nhà lung linh những vệt nắng sớm, tận mắt nhìn rõ những tên công cụ bạo lực của nhà nước cộng sản đứng ngồi lố nhố cả một đám, tôi liền phôn cho ông bạn như vậy. Sao? Ông lại bị họ cầm tù tại nhà rồi à? Quái gở quá! Chúng ta đã ném cả tuổi trẻ vào bom đạn sốt rét để dựng lên cái nhà nước quái gở này à? Lúc này tôi càng phải đến với ông. Thôi khỏi. Mai mốt tôi được tự do, ông hãy đến tôi và tôi sẽ đi với ông.
Dứt cuộc trò chuyện trên điện thoại với ông bạn lính, tôi lại vào bàn làm việc với chiếc laptop. Làm việc mệt không động não được nữa tôi liền vào mạng xã hội thư giãn. Ôi, Sài Gòn của tôi đây. Không thông báo biểu tình nhưng Sài Gòn không im lặng, không thờ ơ trước vận nước đang chung chiêng, nghiêng ngả, đang nguy nan, khốn khó do những người cộng sản gây ra. Những người trẻ Sài Gòn đã có những hình thức rất sáng tạo, rất độc đáo, rất trẻ trung, rất Sài Gòn bộc lộ thái độ chính trị, bộc lộ trách nhiệm công dân. Một cô gái trẻ trung, xinh đẹp dong cổ thần chết Formosa đi diễu phố cho người dân Việt Nam nhận thức được rằng Formosa đã mang chết chóc, mang diệt chủng đến đất nước chúng ta.
Ở ngả đường khác của Sài Gòn. Từng cặp, từng cặp, hai người trên một xe máy. Người ngồi trước hai tay cầm lái. Người ngồi sau hai tay giơ cao khẩu hiệu viết trên vải trắng. Đoàn xe máy với những khẩu hiệu phấp phới như bay lượn giữa dòng xe cuồn cuộn tuôn chảy: Yêu nước phải kiện China! Việt Nam xấu hổ với Philippines! Đường 9 đoạn của Trung Quốc vô giá trị! .  .  .
Những người già như tôi, như nhà thơ Phan Đắc Lữ, nhà báo Kha Lương Ngãi, nhà nghiên cứu Hạ Đình Nguyên, .  .  . sức lực đã để lại ở những ngả đường chiến tranh rồi, đâu còn đủ sức ngồi trên xe máy giơ cao khẩu hiệu “Yêu nước phải kiện China”  chạy bon bon giữa phố đông. An ninh mật vụ nhà nước cộng sản có thể giam cầm được vài chục người già đó tại nhà của họ nhưng làm sao có thể giam cầm được hàng triệu, hàng triệu những người trẻ trung đã ý thức được vận nước đang trong tay họ.
Nghĩ rằng những người đã hết thời như chúng tôi, dù ngồi nhà nhưng mỗi người cũng giữ chân được năm, mười tên công cụ bạo lực của nhà nước cộng sản và ngoài đường kia sẽ giảm bớt bóng công cụ bạo lực đi để những người trẻ cứ giương cao khẩu hiệu “Yêu nước phải kiện China” bon bon trên xe máy thức tỉnh nhân dân về vận nước, tôi lại thấy như chúng tôi đang có mặt bên những người trẻ kia trên đường phố Sài Gòn đang lung linh nắng đẹp.

*** Ns Tuấn Khanh: Lắng nghe con tim mình thức tỉnh
Thư cho người bạn trẻ,
Có thể bạn sẽ thất vọng sau khi đọc những gì tôi sẽ viết dưới đây, nhưng nếu trong phút giây nào đó, tôi may mắn được bạn nhận ra những điều tôi gửi gắm vào, hy vọng, bạn và tôi sẽ còn có thể chia sẻ với nhau trên suốt con đường dài dầy những biến cố của đất nước mình.
Trước việc các ngôi sao giải trí của Trung Quốc rầm rộ giương cao biểu ngữ đường chín đoạn trên biển Đông để bác bỏ phán quyết của tòa trọng tài La Haye, Hà Lan về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc, bạn đã hỏi rằng người Việt cần phải làm một cái gì đó mạnh hơn nữa để đáp trả. Vài ngày trước, nhiều ngôi sao giải trí Việt Nam cũng đã làm hành động đáp trả bằng cách giơ cao biểu ngữ Việt Nam có chủ quyền với Hoàng Sa và Trường Sa. Thậm chí, rất nhiều người không cần là nghệ sĩ cũng có những hoạt động như vậy.
Làm gì? Chúng ta sẽ làm thêm những gì, để gọi là yêu nước?
Kết quả của tòa trọng tài quốc tế, phủ quyết sự điên cuồng của Bắc Kinh đòi sở hữu 80% biển Đông, là một cơ hội thú vị cho người Việt được giương cao suy nghĩ của mình, được biểu lộ công khai lòng yêu nước. Tôi chỉ muốn nhắc cho bạn nhớ, rằng nhiều năm trước đây, rất nhiều người giương biểu ngữ Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam đã luôn bị đánh đập, đã bị gọi là “phản động”. Có những con người vô danh đã mỗi ngày lặng lẽ viết lên tường, bỏ lại một mảnh giấy trên đường như mật mã để nhận ra nhau, với những dòng chữ yêu nước như vậy. Nhạc sĩ Việt Khang chỉ với câu hỏi “Việt Nam còn hay đã mất, mà giặc Tàu, ngang tàng trên quê hương ta” đã nhận 4 năm tù giam. Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình cũng nhận 6 năm tù với “Hoàng Sa nay đâu – sao biển máu dâng trào, Trường Sa nay đâu – nhuộm thắm giọt máu đào”. Tất cả những lời yêu nước xé lòng ấy, có quá xa lạ và bất thường với hiện thực hôm nay không?
Tôi nhớ vô cùng những ngày tháng mà tôi và các người bạn chuyền tay nhau những chiếc áo có in gạch chéo trên đường chín đoạn của Trung Quốc, phản đối âm mưu xâm lược của Bắc Kinh. Những chiếc áo phải đưa thầm cho nhau dưới gầm bàn. Có những người rơi vào khó khăn vì giữ những khẩu hiệu như vậy. Có những người đang mặc áo, cũng bị xé rách. Bạn hãy tự đặt câu hỏi cho mình, những người ấy hôm nay ở đâu, trong phong trào yêu nước hợp pháp lúc này?
Hãy cùng tôi nhận ra rằng, lòng yêu nước có cơ hội của riêng mình để bùng phát, nhưng sự tồn tại của lòng yêu nước không phải là hoạt động vô giác chỉ khởi động theo điều kiện. Có thể lòng yêu nước được biểu hiện rầm rộ, nhưng cũng có lúc lòng yêu nước rất cô đơn. Lòng yêu nước, đơn giản bắt đầu từ sự nhìn ngó chung quanh mình mỗi ngày. Nếu bạn biết cau mày trước những điều vô pháp, biết tức giận trước các vấn nạn của xã hội chung quanh mình và không ngại bày tỏ về lẽ phải và sự thật, thì lòng yêu nước đã rọi những tia sáng đầu tiên lấp lánh trong trái tim bạn. Clarence Darrow (1857-1938), luật sư và nhà cải cách lỗi lạc của Hoa Kỳ có nói rằng “Tinh thần yêu nước thật sự được bắt đầu từ việc căm ghét sự bất công ngay trên mảnh đất quê hương của mình, hơn bất cứ nơi nào khác”.
Vậy, hãy bắt đầu sống như một người yêu nước ngay khi bạn nhận thức được về hơi thở của mình, con đường đi dưới chân mình. Khi bạn vượt lên cao, nhìn thấy được những điều chung quanh mình và khao khát lên tiếng, đó là sự thức tỉnh lớn lao mà chỉ có duy lòng yêu nước cao quý mới có thể thúc đẩy bạn – vào bất kỳ thời điểm nào, và đôi khi, tự thân chứ không màng đến một người đồng hành.
Bạn hỏi tôi vì sao không cùng đưa hình phản đối đường chín đoạn của Bắc Kinh như nhiều người khác. Hãy hứa với tôi nhé, nếu hôm nay chúng ta không giương biểu ngữ để mừng cùng Philippines về kết quả tòa án La Haye, Hà Lan, thì chúng ta nhớ phải luôn luôn nuôi trong tim mình một ngọn lửa yêu nước không đợi bất kỳ một điều kiện nào, và cũng cần không cần sự cho phép của bất cứ ai. Đừng nghĩ Việt Nam chỉ có kẻ thù là Bắc Kinh với nụ cười nham hiểm trên môi họ, mà kẻ thù của chúng ta, đôi khi nằm ngay trên đất nước mình với những thỏa hiệp, hám danh lợi, phản bội và sẳn sàng bán rẻ tổ quốc với những lời ngụy biện ngu xuẩn.
Tôi biết bạn rất vui vì hiện có nhiều ngôi sao Việt đang cùng bộc lộ lòng yêu nước qua biểu ngữ. Tôi cũng như bạn, đã vui như trẻ dại khi đọc được những dòng tâm huyết của nghệ sĩ Thành lộc, nghệ sĩ Nguyễn Công Vượng… Họ đúng là những người ấp ủ trong tim lòng yêu nước và chỉ luôn muốn cất cao giọng nói. Nhưng trong việc hưởng ứng luôn dễ bị đẩy thành phong trào, cũng có những kẻ muốn đóng vai yêu nước để được bằng vai phải lứa với các ngôi sao Trung Quốc, họ chọn đối chọi chỉ vì muốn mình cũng được nhìn nhận và cảm thấy khoái trá vì được nâng tầm như là một ngôi sao.
Bạn và tôi, chúng ta cần sống như những người yêu nước thức tỉnh trước thời cuộc. Và xin hãy nhận rõ đâu là kẻ thù và đâu là những kẻ dựa dẫm kẻ thù, hãm hại quê hương mình. Kẻ thù có thể mặc quân phục nhưng cũng có thể mặc những bộ veste sang trọng đắt tiền. Thậm chí, kẻ thù cũng có thể là những kẻ cùng tiếng nói, màu da và luôn lên giọng ái quốc. Ngọn lửa thức tỉnh về lòng yêu nước trong tim bạn chính là điều cao quý nhất – sẽ giúp bạn nhận ra mọi thứ – mà không cần phải khoác lên mình bất kỳ chiếc áo lộng lẫy nào của danh hiệu nhà ái quốc được phong tặng. Nhà ái quốc được tung hô, đôi khi chính là người có thể hò la to nhất mà không biết mình đang hò la vì cái gì – nhà văn Mark Twain (1835-1910) đã từng viết như vậy. Và vì sao chúng ta phải yêu nước trong thức tỉnh? Nếu không thức tỉnh trước những lời ngụy trá, những hứa hẹn mật ngọt… chúng ta sẽ trở thành những kẻ ái quốc u mê: những kẻ ái quốc vui vì được đập cánh, rộ lên theo mùa của lễ hội.
Có rất nhiều bài học về lòng yêu nước trên thế giới này. Tôi không thể kể hết cho bạn. Nhưng yêu nước, bản chất của nó là khi bạn nhận ra mình mang danh dự, trách nhiệm với tổ quốc mình chứ không vì một ai, hay vì một đảng phái nào. Tôi thích ông già nhà văn Mark Twain lắm, vì ông rất tàn nhẫn trong ngôn ngữ, nhưng ít có gì có thể diễn đạt hay như ông. Chẳng hạn với câu nói nổi tiếng của ông “Hãy luôn trung thành với Tổ quốc. Và chỉ trung thành với chính quyền, một khi nó xứng đáng với điều đó”.
Bạn hỏi tôi phải nên hành động như thế nào. Tôi khó có thể trả lời toàn ý cho bạn về điều này. Tôi cũng không muốn khuyên bạn xuống đường biểu tình, vì bạn có thể là một người bồng bột. Nhưng nếu bạn bắt gặp một ai đó trên đường phố đang giương khẩu hiệu chống Bắc Kinh xâm lược, hay phản đối sự tồn tại phi nhân và phi lý của Formosa chẳng hạn, hãy chào và dành cho người yêu nước ấy một nụ cười. Đó là một nụ cười thật sự ấm áp để bạn, tôi, và người ấy cùng hiểu với nhau trong niềm hy vọng, rằng, dân tộc chúng ta, quê hương chúng ta đang thức tỉnh. (Nguồn: nhacsituankhanh.wordpress.com)

*** Khanh Lâm Nguyễn: Tôi sẽ sống, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng cho một nước VN không CS
Tự bạch
Tên thật: Nguyễn Thị Lâm.
SN: 01.11.1981, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc
Tình trạng hôn nhân: đã ly hôn và có 1 con gái 5.5t.
Nơi ở: xã Cổ Điển, Đông anh, HN
Nghề nghiệp hiện tại: kinh doanh hải sản, Hải sản 3 miền Bắc Trung Nam: Trung Định .văn phòng tại chợ Hải Bối, ĐA, HN.
Đã từng làm: NVKD, HuongDanVienDuLich, lễ tân, thu ngân, làm nail tóc, dạy bơi, kinh doanh tự do Mỹ phẩm,… miễn là to make money!
Tôi chưa bao giờ nói với bạn tôi là ai vì tôi hiểu rằng các bạn quan tâm đến thông tin trên fb của tôi chứ không phải là quan tâm đến cá nhân tôi, bởi vì tôi chỉ là dân thường chứ không phải người nổi tiếng. Đó là những lời rất thật lòng. Nhưng giờ thì đã đến lúc tôi muốn được chia sẻ như một cách làm vơi đi những áp lực. Tôi đã từng sống như một cái máy: làm việc, làm việc đến mười mấy giờ đồng hồ một ngày. Làm việc ban ngày và đi làm cả đêm (hải sản bán hàng buổi đêm). Tôi và chị gái kinh doanh Hải sản tại chợ Long Biên, HN …
Tôi sinh ra ở Vĩnh Phúc trong một gia đình không thể giàu có sau ít nhất 2 lần đổi tiền mà tôi còn nhớ được, ông bà ngoại tôi là những địa chủ giàu có trước 1975 nhưng họ rất tốt bụng. Thậm chí cha tôi hồi đó chỉ là một đứa trẻ mồ côi ‘ người làm thuê cho ông bà, nhưng ông bà vẫn gả mẹ tôi – con gái rượu duy nhất cho người làm thuê nghèo khó.
Cải cách ruộng đất, ông bà mất hết cả, đường làng chạy qua giữa ngôi nhà của ông bà tôi ngăn ra thành 2 nửa đến bây giờ vẫn còn ở Chấn Hưng Vĩnh Phúc. Bố mẹ tôi là những tiểu thương đã trở nên giàu có mua được nhà, xe đầu tiên ở Vĩnh Yên khi đèn điện đối với người dân vẫn còn là thứ xa xỉ phải dùng tiết kiệm… Sau 2 lần Nhà nước “đổi tiền”mà bản chất là cướp sạch của dân đối với những người am hiểu về tài chính, nhà tôi thành trắng tay! Tôi còn nhớ, lúc đó nhà tôi có nhiều tiền lắm, bố tôi đã từng bị bắt lên đồn CA tra hỏi về việc vì sao lại có Rượu để uống, vì sao lại “ có vẻ” có nhiều tiền? Tôi mười mấy tuổi, đêm đó nhìn người thân của tôi lặng lẽ khiêng một bao tiền ném xuống hồ. HỒ đó ngày trước gọi là Hồ Láp, dưới chân dốc Dốc Láp không xa nhà tôi ở… xong. Tôi chưa bao giờ hiểu được chuyện gì đã xảy ra cho đến 2 năm gần đây khi bắt đầu quan tâm đến chính trị VN một cách tình cờ từ vụ án Cù Huy Hà Vũ 2015…
Tôi bắt đầu viết fb như một cách thỏa mãn cá nhân và chia sẻ những tin tức mà tôi quan tâm trong vòng 9 tháng cho đến khi nhiều người công nhận là fb này đã trở nên hot. Tôi không quan tâm đến điều đó nếu như không phải vì hot mà nó bị tấn công mạnh mẽ. Ngày nào cũng nhận được thông báo bị hack, report, bị đổi mật khẩu … từ khắp các thể loại trình duyệt…. tôi đã từng bị mất quyền kiểm soát fb này trong khoảng 15 ngày mới lấy lại được và đó lý do tôi sử dụng thêm fb Khanh Nguyenn
Đòi lại được nick tôi viết một stt tuyên bố sử dụng cả 2 facebook để chống cộng “hai tay hai súng”.
Tôi chỉ xuống đường với ACE khi tôi đã hiểu rõ là mình có quyền biểu tình, tôi đang tiến và tôi sẽ không dừng lại.
Nổi tiếng là mong ước của nhiều người, song đối với những “phản động”theo cách gọi của CSVN thì vô cùng khổ sở: bị CA bắt bớ vô cớ, bị thanh tra thanh mẹ cơ sở làm ăn, bị mất việc, bị mất chỗ ở, bị bôi nhọ, bị cô lập và tung tin đồn nhảm, đánh phá đời tư…
Tôi lập fb này ban đầu là nick ảo, ẩn danh ẩn mặt, chủ yếu là tránh bọn ANCS chứ không phải vì muốn lừa dối người khác. Sau lần đầu tiên xuống đường phản đối vụ xử tù Nguyễn Viết Dũng, tôi bắt đầu sử dụng avata là chính mình! Nhiều ACE đấu tranh đã được gặp con gái tôi khi bé ở HN. Như thế cho đến nay, tôi bị CA CS bắt giữ lần đầu tiên (bắt nguội) 8.5 sau thành công nức tiếng của cuộc biểu tình phản đối Formosa ngày 1.5 vừa qua trên truyền thông quốc tế …
Như một qui luật tất yếu dưới chế độ độc Đảng của CSVN, các bằng cấp của tôi bị xếp xó với kỹ năng ngoại ngữ dần dần mai một. Vì những mưu sinh và tôi là một người cầu tiến …
CS VN không thể khuất phục được tôi bởi vì tôi là người có bản lĩnh sống, vốn sống từ một gia đình có truyền thống làm kinh tế dù chỉ là các tiểu thương. Hầu hết người nhà tôi đều làm kinh doanh tư nhân.
Nhưng bây giờ tôi biết là tôi đang muốn gì. Tôi muốn học English giỏi như trước đây và phải giỏi hơn trước đây để có thể mang tiếng nói của dân VN trong nước ra quốc tế. Tôi muốn mình không phải ngớ ngẩn cả người khi vô tình tiếp xúc với khách nước ngoài tại HN mà không hiểu họ đang nói gì. Tôi đặt một câu hỏi : tại sao Người Mỹ có thể đi khắp thế giới mà gần như không cần visa (công dân toàn cầu), trong khi người VN đi đến đâu cũng gặp khó khăn, và đi phỏng vấn visa tại các ĐSQ nước ngoài thì thôi rồi là … trượt.
Tại sao nước VN giàu tài nguyên với vị trí địa lý “quyến rũ”như một cô gái đẹp, người VN thông minh có tiếng, cộng đồng người Việt hải ngoại thành công không thua kém các cộng đồng người Nhật, người Hàn … mà VN giờ đây tụt hậu hơn cả Lào và Cam? Vừa đau đáu vừa tiếc nuối và cay cú!
Và mỗi ngày tôi nhìn thấy những bất công, những xấu xa tràn lan trên đất nước này, đã tan hoang dưới quyền cai trị của ĐCS! Tôi dần dần thấy rõ mục tiêu, lý tưởng của cuộc đời mình. Không sức mạnh nào hạ gục được tôi, tôi sẽ sống, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì một VN không phải là của CS.
Tôi có niềm tin “chế độ chỉ là nhất thời, Tổ Quốc và nhân dân mới là vĩnh viễn”. Tôi tỉnh ra khi mình đã không còn ở thời trẻ sung sức nhất, nhưng tiếng nói nhỏ bé từ lương tri vẫn có sức lan tỏa mãnh liệt. Chỉ mong thời gian hãy đợi tôi để mọi thứ không là quá muộn. Cái án tử 2020 sát nhập Tàu đang lơ lửng trên đầu. Còn là con dân nước Việt, ai có thể ngồi im? Tại sao tôi chống Cộng? Ở với Trung quốc thì sống còn khổ hơn chết. Nếu đằng nào cũng chết thì tại sao lại không lựa chọn một cái chết cho oanh liệt!
Ps: Hình con gái và những tấm bằng có thể đem đốt của tôi.
(Chứng chỉ Noại ngữ, tiếng Anh; Cấp bằng Hướng dẫn viên Du lịch; Hình con gái 5.5 tuổi). Hà Nội 21.7.2016

(ii) Trí Quân: Đánh gục ngư dân
Về nhờ trên chiếc tàu cứu nạn của ngư dân cùng làng. Để lại giữa Hoàng Sa xác con tàu cá bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tan nát.
Chuyện ở Gành Cả, Bình Châu vùng biển Bình Sơn, Quảng Ngãi. Vẫn lại là làng biển này. Nếu cần vinh danh, thì cùng với Lý Sơn, những ngư dân tại đây xứng đáng dựng tượng đài hơn ai hết. Nếu hỏi trên đất nước này nơi nào ngư dân kiên gan nhất, gan lỳ nhất, trước sự hung hãn của tàu Trung Quốc, và cũng đổ nhiều máu nhất, hy sinh nhiều tàu thuyền, tài sản nhất, cũng chính con người nơi đây.
Như câu chuyện vừa xảy ra ở Hoàng Sa trưa ngày 9/7. Hai tàu hải cảnh Trung Quốc đua nhau húc chìm tàu cá của 5 ông cháu, rồi vừa trơ mắt nhìn những ngư dân tay không chới với lặn ngụp trên sóng dữ suốt 6 tiếng đồng hồ, vừa quyết liệt ngăn không cho tàu của bạn chài đến cứu vớt.
Hình ảnh mang tính điển hình cho thế giới đang có nhiều phân rã này. Khi một gia đình gồm 3 thế hệ ngư dân nghèo Việt Nam chơi vơi trong cuộc đương đầu không cân sức với những kẻ to lớn nghênh ngang đại diện cho một “cường quốc”! Điển hình cho sự dã man không giới hạn của những thế lực bị mù lòa bởi lòng tham chiếm đoạt, bành trướng. Bất chấp luân lý và pháp lý, lương tâm lẫn lương tri.
Những ngày qua, chúng ta bị chìm lấp đi bởi những thông tin về Formosa, về chiếc xe cứu thương chở đứa bé hấp hối bị chặn lại để làm tiền, về những vụ bổ nhiệm con cháu, cánh hẩu vào những chiếc ghế béo bở …Và một chút hân hoan trước phán quyết của Tòa trọng tài thường trực quốc tế (PCA) về biền Đông.
Chúng ta đang đau đớn về cá chết và những bờ biển chết.
Nhưng người dân Việt Nam, xin hãy giật mình cảnh giác khi biển cũng đang “chết” ngay chính giữa khơi xa. Bởi biển đang mất dần ngư dân. Khi người con trai là thuyền trưởng không kiếm được ngư dân đi cùng, đã buộc phải huy động cả cha già ngoài bảy mươi, cả đứa con trai 17 tuổi đang còn đi học, và cả con rể là một thầy giáo về nhà nghỉ hè. Cùng nhau trên một chuyến tàu định mệnh. Người làng chài cho biết, những chuyến tàu “đại gia đình” bất đắc dĩ như vậy ngày càng nhiều. Chứng tỏ người đi biển ngày một ít đi. Cả những nơi không ô nhiễm, lòng người cũng nguội dần với biển! Đáng sợ hơn cả khi biển chết, đó là khi biển mất hết ngư dân.
Trên bờ, Formosa đã đánh gục ngư dân. Giữa biển, sự cuồng bạo của những kẻ xâm lấn liên tiếp nhấn chìm ngư dân. Sự hô hào quan tâm nếu chỉ có ở trên giấy sẽ làm nguội lòng ngư dân... Điều đó sẽ khiến chúng ta vĩnh viễn mất biển. Mất đi cương vực lãnh hải mà cha ông đã gìn giữ ngàn đời.

*** Ts Hà Sĩ Phu: Lời bình
Vâng, thực tế là hai bên đang cùng "kiểm soát biên cương", phối hợp việc rải chất độc với khủng bố, đàn áp, xen lẫn an ủi, sao cho ngư dân bỏ thuyền, bỏ biển, bỏ đất, bỏ nhà không nước trống, bỏ biểu tình, bỏ phản đối hai đảng Việt và Trung, bỏ phản đối cướp nước và bán nước…, cứ thế là dâng trọn và chiếm trọn một đất nước, một quốc gia, một nòi giống, cứ ngọt lịm tê tái không cần một cuộc chiến tranh nào, thế giới chẳng có cớ gì mà can thiệp (mà ta cũng chẳng cho can thiệp, bọn Tư bản xấu xa biết gì tính ưu việt của thế giới Cộng sản mà can thiệp). Thỉnh thoảng cũng ra điều phản đối Trung Cộng vài câu, nhẩy nhót vài điệu thương nhớ Trường Sa như xoa chút dầu cù là tự sướng cho vết tử thương bớt sưng tấy để có sức chịu đòn tiếp tục cho đến ngày tận cùng.
Mà cũng chẳng còn thấy đau lâu nữa đâu, sắp hết biết đau rồi! Chẳng cần chờ đến một ngày xa xôi cuối thế kỷ như ông Tổng Trọng tiên đoán, CNXH sẽ "hoàn thiện" gọn gàng sớm hơn ông Trọng mong muốn.
Cái gọi là Việt Nam sẽ chết tiệt, chết lịm, chết ngọt đúng như quy trình đã thiết kế như thế hay sao ? ! ? ! ? !...
Đúng như lời tác giả Trí Quân ở đây đã cảm thán: “Mất đi cương vực, lãnh hải mà cha ông đã gìn giữ ngàn đời. Đáng sợ thay!". Phải thêm “Đáng tự nguyền rủa thay! Tức thì đấm ngực mà chết! “Họa” tự chuốc lấy thì đành chịu, còn làm gì được (Thiên tác nghiệt do khả vi, tự tác nghiệt bất khả hoạt 天 作 孽 猶 可 違 自 作 孽 不 可 活). HSP tự nhủ lòng mình mấy câu “mất lập trường” như vậy, chẳng qua thấy đau thì buột miệng kêu (thằng chả chịu đau quá kém), mong quý đàn anh nào (chịu đau tài nghệ hơn) thấy trái tai cũng không chấp!
Kính, Hà Sĩ Phu

*** VietTuSaiGon: Thân phận miền Trung
Dù nói theo cách nào, miền Trung cũng là miền đất thân phận nhất trên cả nước. Cái eo tựa như chiếc đòn gánh oằn mình chịu đựng cuộc phân tranh Trịnh – Nguyễn, rồi cuộc phân chia Nam – Bắc để một bên Nam vĩ tuyến 17 cho dù có cố gắng cách gì cũng không thể trở thành miền Nam được bởi nề nếp xôi đậu, bởi những ông nằm vùng… Và để rồi thời gian ngắn ngủi ấy trôi qua, miền Trung xóa đi ranh giới Nam - Bắc, dấu vết của tự do cũng phai mờ, thay vào đó là một miền Trung mưa chang, nắng cháy và khốc liệt trên mọi nghĩa.
Chỉ riêng hai cuộc chiến Mậu Thân 1968 và Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 đã ngốn của miền Trung gần ba triệu sinh mạng, không nơi nào nhiều mộ hoang và am thờ cô bác chết đường chết chợ như miền Trung. Đáng sợ hơn là dấu mốc 30 tháng 4 năm 1975, miền Trung chính thức bước vào thời kì chó ăn đá gà ăn muối. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên, địa lý đã cộng hưởng với sự khắc nghiệt của chính trị khiến cho người miền Trung trở nên bi thảm từ đó.
Suốt hơn mười năm trải qua thời kỳ kinh tế tập trung bao cấp, người miền Trung thấu hiểu thế nào là ba hạt cơm dính trên một lát sắn (khoai mì) khô và thế nào là ba bữa đói một bữa thèm no. Thậm chí bảy bữa đói một bữa lưng bụng. Những thức quà trở thành đắt đỏ, mang hồn cốt ẩm thực của người miền Trung bây giờ như bánh trôi nước sắn, bánh canh, cơm hến, bắp rang nóng nhúng canh rau muống, ốc xào lá gừng… Tất cả đều là thành tựu, là kết tinh của thời mò cua bắt ốc. Người ta nghèo quá, đói quá phải nghĩ đến việc đi bắt từng con ốc, đi hái từng cọng rau muống để nấu canh với muối và rang bắp đang nóng đổ vào canh ăn cho khỏi ngấy, bởi không có cơm, hay là xúc hến về luộc rồi rang bắp bỏ vào, bữa nào có cơm sắn độn thì bỏ vào đó để tăng dưỡng chất.
Đó chỉ mới là chuyện miếng ăn, chuyện tự do ư? Đó là câu chuyện hết sức viễn vông đối với người miền Trung nói riêng và người dân cả nước nói chung, nhưng dù sao thì với người miền Trung, kinh nghiệm nói một tiếng “phản động” thì bị gọi lên hội đồng xã, bị đánh đến không còn một cái răng thì nhiều vô kể, có những nhân chứng sống, từng bị gọi lên trụ sở xã, (thời đó gọi là hội đồng xã) để đánh gãy gần hết hai hàm răng chỉ vì khi chứng kiến đoàn xe của Phạm Văn Đồng hụ còi đi qua thì nói “mấy thằng cha này làm gì mà ồn ào quá!”.
Thời đó chưa kịp qua, con người cũng chưa kịp hồi tỉnh sau những chấn động kinh hoàng thì tiếp đó, miền Trung là cái rốn của sự xâm lăng, từ biển đảo cho đến đất liền, núi cao, không đâu là không có sự xuất hiện của kẻ xâm lăng. Từ việc tận thu tài nguyên thiên nhiên biển đảo như rong biển, san hô, nhử yến sào, tận thu tài nguyên rừng… cho đến việc người Trung Quốc được nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam dành cho sự ưu ái quá mức cho phép. Hay nói khác đi là hầu như nhà cầm quyền đã bán đứng, bán một cách rẻ rúng từ tài nguyên cho đến con người, lãnh thổ, lãnh hải của đất nước mà mức thu về chẳng có gì khác ngoài một cái gái rẻ mạt chưa từng thấy cũng như sự khinh khi, coi thường. Và điều này dẫn đến hệ lụy cả một miền Trung đau đớn dây chuyền, hậu quả đầu tiên là hèn nhát dây chuyền. Bởi có muốn dũng cảm cũng không được dũng cảm. Biết người Trung Quốc xúc phạm bà mẹ quê lên thành phố Đà Nẵng bán chuối qua ngày đoạn tháng, biết rằng họ xúc phạm người Việt đó, và bẩn thỉu đó nhưng chẳng thể làm gì được hơn ngoài sự can thiệp vừa phải, gần như năn kỉ kẻ xấu tha cho người mẹ quê kia. Bởi vì nếu chúng đụng vào người Việt thì không sao, cùng lắm thì bị trả về nước, nhưng người Việt đụng vào chúng thì hậu quả khôn lường bởi đã húc đầu vào bức tường “bốn tốt mười sáu vàng” của đảng Cộng sản Việt Nam.
Và khi mà thế giới đã lên đường với đầy đủ hành trang văn minh, công kĩ nghệ tiến bộ, tự do, dân chủ, hòa bình, người thương yêu người trong thế giới phẵng của thời đại số thì Việt Nam ra sao? Miền Trung ra sao? Miền Trung, phía Đông vẫn có nhiều gia đình đói khổ mò cua bắt ốc, phía Tây vẫn có nhiều gia đình thiếu ăn đào củ mài qua ngày đoạn tháng, đồng bằng có nhiều gia đình mất đất, mất ruộng vì công trình của Trung Quốc mọc lên. Đặc biệt là công trình của Trung Quốc thuê tại miền Trung Việt Nam, tuy họ đã tiến hành dự án từ rất lâu nhưng vấn đề ký hợp đồng chỉ mới diễn ra nhiều nhất từ năm 2015 đến nay. Vì sao?
Vì trên tất cả mọi cuốn bìa đỏ, bìa hồng nhà đất của cư dân Việt Nam đều ghi thời hạn sử dụng đất ruộng và đất vườn chấm dứt vào năm 2014. Từ năm 2015 đến nay, nhà nước bỏ ngỏ quyền sử dụng đất ruộng và đất vườn của người dân. Người dân, đặc biệt là nông dân vốn kham khổ làm ăn, ít ai để ý cái bìa đỏ, bìa hồng nên cũng không mang nó đi gia hạn, mà có gia hạn thì chưa chắc đã được. Hệ quả của vấn đề này là khi có một công trình hay một khu công nghiệp mọc lên trên đất nông nghiệp, người nông dân chỉ được nhận một số tiền ít ỏi gọi là đền bù cho mùa màng chưa thu hoạch chứ chưa chắc đã được nhận tiền đền bù diện tích đất đã mất. Bởi diện tích này không được gia hạn và đã thuộc về quản lý nhà nước trên danh nghĩa quản lý toàn dân.
Và những mẫu hợp đồng thuê đất mà Trung Quốc đã ký thuê của Việt Nam thời hạn 49 hoặc 67 năm đều xuất hiện rất nhiều kể từ đầu năm 2015 đến nay không phải là không có lý do của nó. Dân oan ngày càng nhiều cũng không phải không có lý do. Và đáng sợ nhất khi điều này đến với người miền Trung, bởi cái nghèo, nỗi đau đã quá đủ với người dân miền Trung.
Thử nghĩ, khi mà cả một bờ biển dài làm sinh kế cho hàng chục triệu gia đình trong đó gồm ngư dân, người buôn bán, nông dân và những người kinh doanh du lịch trở thành một bờ biển chết, vùng biển chết, kinh tế trì trệ, đời sống cơ cực, nhà cầm quyền không những không thương dân, thương đồng bào của họ mà còn bán rẻ nỗi đau của đồng bào, bán rẻ sự cơ cực của đồng bào cho kẻ thủ ác, kẻ đã xả độc vào lòng biển quê hương với cái giá 500 triệu Mỹ kim (có thể là cái giá thực cao hơn nhiều!) để rồi nhân dân tự gồng mình chống chọi với đau khổ, với con bệnh đang ủ trong cơ thể và trong môi trường.
Có thể nói rằng khúc ruột miền Trung đã quá đau khổ, đã quá lầm than, đã trả giá cho đau khổ và lầm than của mình bằng máu và nước mắt. Nhưng, dường như nỗi đau này chưa bao giờ chạm tới lòng trắc ẩn của những “đày tớ nhân dân”, nếu không muốn nói đó là một loại cơ hội của họ. Như lời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: “Thời gian qua, hiện tượng hải sản chết đột ngột ở các tỉnh miền Trung đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình bầu cử…”. Thật là tội nghiệp cho miền Trung!
Bởi hơn ai hết, miền Trung đã nhường cơm xẻ áo, miền Trung đã mang cả sinh mệnh của mình để giao phó cho chế độ (có nơi nào có nhiều liệt sĩ Cộng sản hơn miền Trung?!) để rồi đến ngày hôm nay, người miền Trung té ngửa nhận ra nơi quê hương, bản quán của mình được chọn làm hố rác cho kẻ cướp nước, đời sống, sinh mệnh của người miền Trung không đáng giá bằng đống rác thải đầy độc tố của ngoại bang! Còn thân phận nào đau hơn thân phận miền Trung?!
3. Thơ từ Bạn bè

(i) Huy Uyên: Thư về Phú-Yên
Sân ga Đại-Lảnh nằm chờ khách
Tuồng nhớ ai khép mắt chiều sương
Tàu qua Tuy-Hòa đêm đi không hết
Ghé ga Tu-Bông nằm sát bên đường .
     Phố ai giờ trông sao hiu-quạnh
     Rừng mãi hoài chở gió hàng dừa
     Sông dài tan trôi từng ngọt mặn
     Bãi cát êm phủ trắng giấc mơ xưa .
Biển xanh cổ tích xuyến xao người
Về cầu Bà-Nôi,Chà-Là nghe tiếng hát
Nước xanh màu ngọc-bích da trời
Bước chân ai quay về cùng cát .
     Thoai thoải đồi thông chiều Vạn-Giả
     Màu nước đêm ở lại Đầm-Môn
     Bãi-Giếng trôi dưới vầng trăng rớt
     Nhà thờ Bằng-Lăng chậm tiếng chuông buồn .
Em nghiêng tóc thả xuống trong vườn
Vân-Hòa chan sương,nắng,gió
Ngồi bên đèo Quá- Câu ngó xuống Ô-Loan
Phượng-Hoàng xưa cánh chim bay có mỏi .
     Mặt hồ soi tháng ngày gợn gió
     Dải đồi xuôi thoai thoải sắc xanh
     Em có về kịp mùa ruộng mía
     Chân trời đàn trâu nhai cỏ ngoài đồng .
Ai đưa tình em tới dốc Găng
Dưới vịnh Xuân-Đài xanh mắt đèo Cả
Xuôi Bắc chiều qua vội Vạn-Ninh
Chia hai tình ai lối về Cổ Mã .
     Đi qua Phú-Yên lòng thấy nhớ
     Người ngày xưa giờ ở đâu rồi
     Quê nhà bạc màu năm tháng cũ
     Đã dấu đi nhiều quay quắt trong tôi !

(ii) Trần Yên Hòa: Màu Cố Quận
Cố quận về trong bước chân quen
Ngó xuống phố màu rêu cổ độ
Ta chấp chới cõi lòng sơ ngộ
Bao nhiêu năm hình ảnh vô thường
      Có thời nào lòng trót vấn vương
      Giòng sông xưa mịt mù mây xám
      Người qua ta, tim ta sầu ảm đạm
      Trót gánh trên vai, gánh nặng san hà
Nhưng suốt đời ta mãi là ta
Một hình bóng tưởng chừng bất diệt
Ôi em, em như là truyền thuyết
Cố quận buồn sương phủ núi đồi xa
      Ta trở về khi hết can qua
      Thấy màu mắt em trong ngần vô kể
      Và áo tím em hiền như thể
      Tiếng trống reo giữa buổi tan trường
Ta về qua quận lỵ ngùi thương
Tưởng em đứng ba mươi năm và khó
........................................................................................................
Kính
NNS

Không có nhận xét nào: