Hội Ân xá Quốc tế công bố Bản Báo Cáo về tình trạng hành hạ, ngược đãi của các Tù Nhân Lương Tâm tại Việt Nam trong buổi họp báo ngày 12 tháng 7 ở trụ sở của Amesty International tại Paris. RFA<!->
Trong buổi họp báo ngày 12 tháng 7 vừa qua, tại trụ sở của Amesty International tại quận 19, Paris, Hội Ân xá Quốc tế đã công bố lần đầu tiên Bản Báo Cáo về tình trạng hành hạ, ngược đãi của các Tù Nhân Lương Tâm tại Việt Nam.
Bản Báo cáo có tựa đề “Nhà tù trong nhà tù: Tra tấn và ngược đãi các Tù Nhân Lương Tâm tại Việt Nam” dày 52 trang, một công trình nghiên cứu của ông John Coughlan, (nhân viên Amnesty Intenational, đặc trách nghiên cứu về Việt Nam) được thực hiện từ tháng 11 năm 2015 qua 150 giờ phỏng vấn 18 nam và nữ cựu Tù Nhân Lương Tâm đã được thả trong 5 năm qua, chủ yếu là qua điện thoại, email. Để giữ an toàn cho người được phỏng vấn, một số tên của các Cựu Tù Nhân Lương Tâm đã được thay đổi.
5 hình thức tra tấn trong nhà tù Việt Nam
Trong khoảng 1 tiếng đầu của buổi họp báo, ông John Coughlan trình bày 5 hình thức tra tấn phổ biến nhất được áp dụng trong hơn 17 nhà tù tại Việt Nam :
1/ Giam cách ly và cưỡng bức mất tích:
Người bị giam giữ mà không có bất kỳ tiếp xúc nào với thế giới bên ngoài, đặc biệt là gia đình, bạn bè, luật sư và bác sĩ độc lập. Thủ tục này tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra tấn và các cách đối xử tồi tệ đối với tù nhân. Thời gian giam cách ly kéo dài cũng chính là một vi phạm về lệnh cấm tra tấn. Hình thức tra tấn này gắn liền với cách đối xử tồi tệ của hệ thống nhà tù đối với tù nhân lương tâm, nó được áp dụng một cách tự động ngay sau vụ bắt giữ. Tất cả những người được phỏng vấn đều cho biết họ đã trải qua các giai đoạn cách ly, có khi đến hơn 2 năm.
Quản giáo và cán bộ giáo dục không áp chế được tinh thần của tù nhân thì họ chuyển sang cho an ninh trại làm việc. Những an ninh trại là người người vi phạm nhân quyền và đàn áp tù nhân ác liệt nhất.- Ông Nguyễn Văn Hải (Blogger Điếu Cày)
Các cuộc phỏng vấn của Ân xá Quốc tế cũng nêu lên những trường hợp mất tích cưỡng bức, tức là nhà cầm quyền không hề thông báo cho gia đình cũng như luật sư biết nơi giam giữ và tình trạng sức khỏe của thân nhân hay thân chủ của họ, qua đó họ đã đặt tù nhân nằm ngoài sự bảo vệ của pháp luật.
2/ Gây ra những đau đớn nghiêm trọng về thể xác:
Ân Xá Quốc Tế dẫn chứng một số trường hợp lạm dụng thể xác tù nhân lương tâm mà có thể được coi là tra tấn hoặc đối xử tồi tệ. Bản báo cáo cũng nêu trường hợp một tù nhân tên Lu (tên đã được đổi. RFA) bị tra tấn trong 4 tháng liền và quản giáo trại giam đã hạ nhục ông bằng cách bắt ông ăn thức ăn thừa của chó.
Công an và cán bộ trại giam cũng như một số tù nhân chính là những người phạm tội lạm dụng cấu thành tra tấn và đối xử tồi tệ với Tù Nhân Lương Tâm. Một số người trong số các tù nhân này là “ăng ten”, đánh đập các tù nhân khác dưới sự xúi giục hoặc với sự đồng thuận bằng cách làm ngơ của quản giáo nhà tù.
3/ Biệt giam:
Biệt giam là một hình thức cô lập chủ yếu do các cán bộ nhà tù Việt Nam sử dụng để khiến tù nhân lương tâm cảm thấy cô đơn và bị bỏ rơi. Họ cảm thấy nơi giam giữ họ là một “nhà tù trong nhà tù”. Họ bị biệt giam trong những tình trạng vô cùng tồi tệ do những hoạt động cổ vũ của họ trong tù hoặc trước khi đem ra xét xử. Ân Xá Quốc Tế dẫn chứng một số trường hợp trong đó có người bị biệt giam đến hơn 10 tháng. Nhân chứng kể lại họ có cảm giác hoàn toàn bị bỏ rơi và chỉ mong được chết.
4/ Quyền về sức khỏe và từ chối điều trị y tế:
Bản báo cáo nêu lên một số trường hợp các Tù Nhân Lương Tâm chỉ nhận được thuốc kém phẩm chất sau hàng tuần, hàng tháng khiếu nại với cán bộ tù. Một số trường hợp khác cho biết họ chỉ nhận được thuốc men, điều trị nếu họ chịu nhận tội.
Sự khước từ điều trị y tế là một hình thức tra tấn, thụ động nhưng rõ ràng, vì đây là sự cố ý gây đau đớn về thể xác cũng như tinh thần, với mục đích ép buộc tù nhân thú tội.
5/ Chuyển nhà tù như một hình thức trừng phạt:
Ông John Coughlain trình bày yếu tố cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng trong việc lạm dụng có hệ thống trong các trại tù Việt Nam là việc di chuyển các Tù Nhân Lương Tâm liên tục qua các nhà tù: một thủ tục có tính toán nhằm cách ly họ xa hơn với gia đình, làm mất tinh thần và trừng phạt họ vì họ đã tham gia những hoạt động cổ vũ trong nhà tù. Không hề có thông báo trước đến họ hay gia đình họ, các tù nhân lương tâm thường xuyên bị chuyển từ trại giam hay nhà tù này sang nơi khác, mang họ đến khắp nơi trên đất nước, cách xa gia đình hàng ngàn cây số.
Hầu hết các cựu Tù Nhân Lương Tâm trong bản báo cáo đều cho biết họ phải trải qua nhiều đợt chuyển trại giam. Việc chuyển trại thường xảy ra đối với các Tù Nhân Lương Tâm không nhận tôi, dám chống lại chính sách “cải tạo” của quản giáo hoặc các Tù Nhân Lương Tâm nổi tiếng có thể ảnh hưởng đến các tù nhân khác. Những lần chuyển trại giam này có thể kéo dài hơn 24 giờ, trong khoảng thời gian đó, tù nhân bị cùm và không được cho ăn uống. Bản báo cáo đề cập đến trường hợp của ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải như một chứng minh cho hình thức trừng phạt này: trong vòng 6 năm rưỡi giam giữ, ông đã bị di chuyển 20 lần qua 11 nhà tù.
Ông Nguyễn Văn Hải, biệt danh Điếu Cày, một cựu Tù Nhân Lương Tâm, hiện định cư tại Hoa Kỳ, cũng được mời trao đổi trong buổi họp báo, ông cho biết đó là một hình thức để bẻ gãy ý chí các Tù Nhân Lương Tâm có bản lĩnh qua việc gây khó khăn cho việc thăm nuôi của gia đình cũng như cắt đứt sự chuyển tải thông tin từ trại giam ra bên ngoài. Qua hệ thống viễn liên skype, Ông Nguyễn Văn Hải cho biết :
“Khi một tù nhân mới bị chuyển đến 1 trại giam, các quản giáo và giám thị trại giam muốn áp đặt ngày lập tức các quy định của trại cho các tù nhân mới, trong đó có nhiều quy định trái pháp luật. Họ muốn ngay lập tức áp đảo tinh thần của tù nhân mới: đầu tiên là quản giáo rồi đến cán bộ giáo dục. Có trường hợp quản giáo và cán bộ giáo dục không áp chế được tinh thần của tù nhân thì học chuyển sang cho an ninh trại làm việc. Những an ninh trại là người người vi phạm nhân quyền và đàn áp tù nhân ác liệt nhất. Tù nhân nào mà nhà tù không khuất phục được họ thì lại có tác động tốt đến các tù nhân khác, các tù nhân khác sẽ noi gương họ để tiếp tục đấu tranh, không còn sợ hãi nữa.
Khi một tù nhân bản lĩnh dùng các căn cứ pháp lý hiên ngang đấu tranh bảo vệ quyền con người của mình thì các tù nhân khác cũng nhận thức được các quyền ấy để tự bảo vệ. Các tù nhân còn liên kết với nhau để đấu tranh tập thể. Nhưng việc không khuất phục được một tù nhân cứng đầu như vậy sẽ làm cho uy quyền của quản giáo giảm sút trong mắt các tù nhân khác. Vì vậy cách cuối cùng là quản giáo sẽ chuyển các tù nhân đi các trại giam khác để họ dễ làm việc và cũng để gửi một tín hiệu đến các tù nhân khác là nếu các anh không nhận tội, không chấp hành thì chúng tôi sẽ chuyển các anh đi thật xa, khi đó gia đình của các anh sẽ rất vất vả, tốn kém tiền bạc và thời gian để đi thăm các anh. Và người tù nhân cứng đầu đó trong trại giam mới sẽ lại tiếp tục đầu tranh cho quyền của mình, lại liên kết bạn bè để tiếp tục đấu tranh trong nhà tù mới.
Việc chuyển tù nhân từ miền Bắc ra miền Nam và từ miền Nam ra miền Bắc đã khiến gia đình họ vô cùng vất vả. Việc tù nhân không được thăm nuôi thường xuyên và giam giữ cách lý hoàn toàn với bên ngoài khiến mọi thông tin về cuộc đấu tranh trong nhà tù không đưa ra bên ngoài được. Không nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ bên ngoài, các cuộc đấu tranh trong tù sẽ rất đơn độc và dễ bị đàn áp. Đó cũng chính là lý do vì sao tôi liên tục bị chuyển trại và anh Trần Huỳnh Duy Thức cũng lần lượt đi qua các trại giam đã từng giam giữ tôi. Đây cũng là cách đối xử với những tù nhân không chịu khuất phục họ trong các trại tù.”
Bản Báo Cáo “Nhà tù trong nhà tù: Tra tấn và ngược đãi các Tù Nhân Lương Tâm tại Việt Nam”
Hiện nay, tại Việt Nam vẫn còn 84 Tù Nhân Lương Tâm đang bị giam giữ, một số lượng lớn so với các nước á châu khác. Mặc dù vào ngày 5 tháng 2 năm 2015, Việt Nam đã phê chuẩn công ước UNCAT về việc chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt, hạ nhục con người, thế nhưng bản báo cáo cho thấy hơn 1 năm qua, trên thực tế Việt Nam vẫn không đáp ứng được những đòi hỏi bởi UNCAT, trong đó có việc sửa đổi bộ luật tố tụng hình sự và luật tạm giữ và tạm giam. Ân Xá Quốc Tế kêu gọi Việt Nam sửa đổi các luật này trước khi được thông qua.
Báo cáo được viết một cách xây dựng để chính quyền Việt Nam dựa vào đó mà cải thiện chính sách của họ và để giúp cộng đồng thế giới có tài tiệu nói chuyện với chính phủ.- Ông John Coughlan
Những trường hợp được ghi lại trong bản báo cáo này là bằng chứng thực tế cho thấy Việt Nam không tôn trọng công ước UNCAT, bản báo cáo nêu bật khoảng cách giữa những cam kết của Việt Nam đối với quốc tế và những sự thật đang diễn ra trong các nhà tù tại Việt Nam. Qua bản báo cáo này, Ân xá quốc tế hy vọng sẽ gióng lên tiếng nói để các nước khác có thể gây áp lực yêu cầu Việt Nam cải thiện điều kiện giam giữ đối với các Tù Nhân Lương Tâm. Ông John Coughlan cho đài Á Châu Tự Do biết mục đích của bản báo cáo này:
“Mục đích của Hội Ân Xá Quốc Tế khi đưa ra bản báo cáo này là để góp phần gia tăng quyền làm người của mọi cá nhân, để đóng góp và việc giảm sự tra tấn, không riêng gì cho các Tù Nhân Lương Tâm mà cho toàn thể các tù nhân. Báo cáo được viết một cách xây dựng để chính quyền Việt Nam dựa vào đó mà cải thiện chính sách của họ và để giúp cộng đồng thế giới có tài tiệu nói chuyện với chính phủ. Mục tiêu tối thượng của Hội Ân Xá Quốc Tế là nâng cao quyền lợi cho từng cá nhân. Đó là mục đích của chúng tôi.”
Cuối cùng Bản Báo cáo đưa ra 23 kiến nghị cho Việt Nam, trong đó có các điểm chính như sau :
- Chấm dứt việc bắt bớ và lập tức trả tự do cho các Tù Nhân Lương Tâm.
- Chấm dứt việc tra tấn và đối xử tàn bạo tại các đồn công an, trại giam.
- Điều tra các khiếu nại và báo cáo của các tù nhân một cách nhanh chóng và có biện pháp với cán bộ vi phạm.
- Sửa đổi các bộ luật hình sự, luật tố tụng hình sự và luật về thi hành tạm giữ và tạm giam.
Bản Báo Cáo “Nhà tù trong nhà tù: Tra tấn và ngược đãi các Tù Nhân Lương Tâm tại Việt Nam” sẽ được tiếp tục giới thiệu ở trụ sở chính. của Hội Ân xá quốc tế tại Luân Đôn và các nơi khác trong thời gian tới.
T. A.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét