Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2016

Cha mẹ da vàng , con da vỏ chuối !! - Nguyễn Thị Hải Hà(NJ/USA )

Katherine-Min
Nhà văn Mỹ gốc Đại Hàn Katherine Min
Thỉnh thoảng đọc một truyện hay, tôi vẫn tự hỏi vì sao mình thấy nó hay. Vì nó lạ, vì nó quen thuộc, hay vì nó có cái gì đó đánh mạnh vào tâm lý của mình? Với tôi truyện “Quyến Rũ Nhà Sư”(Katherine Min) có cả ba yếu tố. Điểm thu hút tôi nhiều nhất là truyện ngắn này chứa đựng nhiều sự xung đột. Xung đột vì sự khác biệt văn hóa Đông Tây, nam và nữ, cha và con gái, và trẻ với già.<!>
Lý do đưa đến sự xung đột trầm trọng nhất giữa cha mẹ và con cái có lẽ là không muốn các con lấy vợ lấy chồng khác chủng tộc. Phản ứng này có lẽ là do ý muốn bảo vệ giống nòi. Điều này suy nghĩ ra thì cũng lạ. Mình bỏ giống nòi ra đi, đến một quốc gia khác lại cứ khăng khăng gìn giữ phong tục tập quán quê nhà và bắt con cái cũng sống theo cách sống của mình. Khổ một điều là bọn trẻ không có cùng khái niệm phong tục tập quán của cha mẹ.  Anh tôi có hai con trai. Ba mươi tuổi và hai mươi sáu tuổi. Hai cậu này thuộc thế hệ một rưỡi, sang Mỹ từ khi cậu lớn lên sáu và cậu nhỏ lên ba. Một lần trong bữa tiệc anh nói với con nhưng để cho cả “đại gia đình” nghe. “Lấy vợ lấy chồng, nên lấy người Việt, hợp với nếp nhà, đúng với phong tục, con cái gần gũi với ông bà hơn. Mai sau tụi nó còn biết mình là người Việt.” Cậu lớn học xong ra ở riêng. Cậu nhỏ có vị hôn thê người Mỹ. Anh tôi không nói ra nhưng chắc chắn có phần nào thất vọng. Em tôi cũng có hai con, một gái một trai, thế hệ một rưỡi. Cô lớn năm nay mười chín tuổi, da trắng môi hồng, tóc dài, và rất dễ thương. Bố cô tỉ tê: “Bố mong là sau này con sẽ lấy chồng người Việt.” Cô bé này rất ngoan, chăm học, chăm làm, rất thùy mị. Thế nhưng khi nghe bố nói thế đã nhìn thẳng vào mắt bố nói: “Don’t even think about it.” Ngay lập tức, cô cho bố biết, bố không có quyền chọn lựa người trăm năm cho cô.
Nhờ đọc sách của những nhà văn trẻ gốc Việt, nghe bàn đến sự băn khoăn về nguồn gốc và bản sắc (identity) của người Việt thế hệ thứ hai, những lần trò chuyện với con, tôi hỏi các cô tự xem mình là người Việt hay người Mỹ. Cô lớn trả lời: “Không Mỹ cũng không Việt. Con ở lưng chừng giữa Mỹ và Việt.” Cô nhỏ nói: “Con nghiêng về hướng con là người Mỹ nhưng con không quên con có nguồn gốc Việt. Con có một chút Việt và một chút Mỹ.” Cả hai đứa con tôi, thuộc thế hệ thứ hai. Nếu có ngày nào, một hoặc cả hai cô, lấy chồng là người Việt, chắc chắn không phải do bố mẹ đặt để, mà tình cờ gặp, quen, và rơi vào quỹ đạo tình yêu. Không có gì đẩy các cô ra khỏi vòng tay của bố mẹ nhanh hơn là bảo các cô, lấy người bố mẹ chọn cho các cô, bất kể màu da và quốc tịch của người hôn phối.
Tôi nhìn thấy một chút bóng dáng tôi trong bà mẹ của Gina, không phải cái chuyện nấu món gà khô queo và nhạt thếch cho người Mỹ, chỗ này thì tôi càng dở tệ hơn,  mà ở chỗ một người phụ nữ Á châu luôn bị bắt đứng ở sau chồng và con, lời nói của bà không được chồng con nễ trọng, cho dù bà cũng vào đại học.
Tôi yêu sự xung đột trong quan niệm tình dục, Katherine Min đặt giữa Hi Joon và Gina. Ông bố dặn đừng để mấy thằng Mỹ lợi dụng con thì Gina đi lợi dụng mấy chàng Mỹ đẹp trai. Hi Joon dùng cái khung đạo đức Á châu để răn dạy cô con gái. Chỉ có người Á châu, theo luân lý Khổng Mạnh, có cái quan niệm giữ gìn trinh tiết, tình dục là sự dâng hiến của phụ nữ dành cho phái nam. Phụ nữ Tây phương không nghĩ thế. Tình dục là sự hưởng thụ của cả đôi bên. Gina chỉ thừa hưởng ở bố cái màu da, bên trong cô là một cô gái Mỹ.
Rõ ràng cha mẹ da vàng, nhưng con cái thì có da như màu quả chuối.
Có lần tranh cãi với các con, tôi nói đùa: “Tụi mi giống như mấy trái chuối vậy, chỉ có cái vỏ màu vàng.” Một trong hai đứa trả lời: “Mẹ nói vậy coi chừng bị bắt lỗi là có ý nghĩ sai lầm về chính trị (politically incorrect). Tụi con cũng có thể ví với cái bánh twinkies, nhưng có nhân chocolate.”
 Chúng ta, thế hệ di dân thứ nhất, cố gắng giữ gìn nguồn gốc của mình. Tại sao? Để làm gì? Tại sao chúng ta không thay tên đổi họ, hòa vào dân tộc bản xứ đang dung chứa chúng ta, hòa vào cho đến lúc tan biến mất dấu luôn, để biến thành một dân tộc nào đó mà không là dân Việt nữa? Chúng ta ra đi mà vẫn mang theo trong lòng câu tục ngữ, “Cây có cội nước có nguồn.” Nhưng chúng ta cũng biết rằng “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài.” Khi con cháu sống theo cách Mỹ thì chúng ta bảo rằng tụi trẻ bị Americanized, bị Mỹ hóa. Mỹ hóa, hay mất gốc, là một cái gì rất xấu xa, làm chúng ta xấu hổ vì không biết dạy con giữ nguồn gốc Việt. Mấy chục năm về trước, khi từng ở Việt Nam, chúng ta nghe nói, “ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép duyên con.” Tuy nhiên sang xứ lạ vì muốn bảo toàn văn hóa chúng ta đòi con cháu lấy chồng cưới vợ Việt. Khi không được toại nguyện chúng ta buồn bã than phiền.
Có phải chúng ta đòi hỏi một điều quá đáng hay không?   
Có lẽ tôi nên giải thích thêm về chuyện nhân vật Hi Joon cố gắng luộc trứng bằng cách cho nước chảy qua quả trứng, cho độc giả không biết cuộc sống ở Hoa Kỳ. Hi Joon, sang Mỹ đi học khi trong túi chỉ có năm mươi đô la. Sinh viên ở ký túc xá có thể ăn trong câu lạc bộ. Khi câu lạc bộ đóng cửa nghỉ hè hay nghĩ lễ sinh viên sẽ ăn ở ngoài. Sinh viên ở ký túc xá thường không được phép nấu nướng trong phòng vì sợ cháy nhà, ngoại trừ những phòng đặc biệt ưu tiên cho sinh viên hậu đại học. Loại phòng dành cho sinh viên thường khi hai người ở chung một phòng và không được phép nấu nướng. Không được nấu và không muốn tốn tiền ăn ngoài, Hi Joon không có cách nào để luộc trứng bèn cho quả trứng vào chiếc vớ rồi mở nước nóng ở phòng vệ sinh cho chảy lên quả trứng. Nhưng nước nóng của ký túc xá không bao giờ đủ nóng để chín quả trứng vì nếu nước nóng quá sinh viên (toàn là cậu ấm cô chiêu) sẽ bị bỏng. Vì vậy Hi Joon không thành công trong việc luộc quả trứng dù có cố gắng rất nhiều. Gina so sánh việc ông nấu quả trứng cũng giống như ông nuôi dạy cô con gái theo khuôn mẫu người Hàn, tốn rất nhiều công nhưng không thành công.
Cute_Asian_Children_photos_HU187_350A
Tôi cũng nhìn thấy tôi (một phụ nữ Việt) qua nhân vật Hi Joon (người đàn ông Hàn), ít nói vì nói tiếng Anh không trôi chảy và vì không thể nói hết những gì muốn nói nên trong lòng cứ hậm hực như cái nồi áp suất đóng kín nắp. Tôi hiểu sự xung đột văn hóa trong lòng của những bậc cha mẹ gốc Việt. Tôi lớn lên với phong tục “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó,” “gọi dạ bảo vâng,” “trẻ cậy cha, già cậy con,” “cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư.” Chưa hết, còn “công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” nữa chứ. Chúng ta muốn nhưng không thành công trong việc giáo dục thế hệ thứ hai theo cách sống mà chúng ta được dạy dỗ. Con cái của chúng ta không hiểu quan niệm chữ hiếu theo cái cách mà chúng ta hiểu.
Thử quan sát một vài hình ảnh một số nhà văn gốc Việt đã miêu tả các bậc cha mẹ. Nam Lê viết về một người bố của nhân vật chính (cũng có tên là Nam Lê) trong tác phẩm “The Boat,” bắt con học đàn bằng cách khẽ lên mu bàn tay. Ông bố ngồi ở bàn tiệc, ăn tiết canh, tiết dính giữa kẽ răng, làm người đọc liên tưởng đến một người có ít nhiều chất man rợ, ít nhất cũng qua cái nhìn của người con. Andrew Pham viết về một người bố có cô con gái muốn trở thành nam giới. Ông bố luôn trừng phạt các con bằng roi vọt, và Chi là người bị bố đánh đòn nặng nhất. Chi bỏ nhà đi sống bụi đời, biến đổi giống thành phái nam lấy tên là Minh. Chi có cuộc sống bất hạnh về sau tự tử. Tôi có đọc một bài tiểu luận mà bây giờ tôi không còn nhớ tên tác giả hay tựa đề bài tiểu luận, chỉ nhớ đại ý tác giả đã đặt câu hỏi về chữ hiếu, tại sao con gái Việt Nam phải chịu ơn phụ mẫu nhiều đến thế. Nhà văn Bich Minh Nguyễn trong quyển Pioneer Girl cũng có cái nhìn thiếu thiện cảm về một bà mẹ chỉ lo o bế con trai dù cho cậu con trai ăn cắp tiền, lười biếng và không vâng lời. Bà mẹ luôn luôn gắt gỏng rầy mắng đứa con gái, không bao giờ nói một lời khen ngợi. Bây giờ, hễ tôi gặp một tác phẩm bày tỏ lòng thương yêu cha mẹ thì tôi biết tác giả là người Việt sống trong nước, hay là người hải ngoại thuộc thế hệ di dân thứ nhất. Ở thế hệ di dân thứ một rưỡi tôi chỉ gặp Andrew Lam là còn phân vân, khi mẹ qua đời rồi ai sẽ thay mẹ đốt hương thờ cúng ông bà. Hầu hết những tác giả gốc Việt mà tôi có cơ hội đọc, cũng giống như Katherine Min, có cái nhìn ít thiện cảm về cách đối xử của cha mẹ.
Ông bố Hi Joon không hiểu vì sao con gái Gina của ông luôn có thái độ bất hòa với bố, luôn giận dữ, và thiếu kính trọng. Tôi tự giải thích là vì Hi Joon cũng như các bậc cha mẹ gốc Việt luôn luôn rầy mắng chứ ít khi khen ngợi, chúng ta quen sống với châm ngôn, “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi,” trong khi lớp trẻ lớn lên với quan niệm Tây phương, tinh thần dân chủ cũng được áp dụng vào gia đình, con cái có quyền bày tỏ ý nghĩ và nếu cần thì phản đối. Tôi nhớ có lần nhìn thấy một cái bảng trang trí trong phòng nha sĩ cho thiếu nhi. Đó là một bài thơ có tựa đề Children learn what they live, có nghĩa là trẻ con học cách đối xử với người đời bằng cách người lớn đối xử với chúng. Trẻ em sống trong môi trường phê phán khiển trách lớn lên sẽ là người hay chỉ trích và nguyền rủa. Tôi đã tự hỏi, tại sao cách dạy dỗ này kỳ cục thế, nó khác với cách tôi được dạy dỗ, thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi.
Tôi thông cảm với nhân vật Hi Joon khi ông chua chát nói rằng đáng lẽ ông nên gửi cô con gái về cho chị (hay em gái) của ông, Cô Soo, để Gina được nuôi dạy thành phụ nữ Hàn. Tôi hiểu nhưng tôi không tin rằng cách nuôi dạy này là cách tốt nhất cho Gina. Làm sao một phụ nữ da vàng luôn luôn im lặng, ngoan ngoãn, và phục tùng, có thể thành công trong xã hội Mỹ, vốn là nơi đòi hỏi họ phải có tài chỉ huy, quản lý, điều hành. Làm sao người ta có thể nhảy từ tuân lệnh sang ra lệnh? Họ phải làm thế nào khi không ai tuân lệnh họ ban ra?
Người Việt Nam thường hay nói rằng tình yêu dành cho con cái là diễn tiến một chiều qua câu tục ngữ mưa trên trời mưa xuống chứ không từ dưới đất mưa lên. Mình yêu thương con nhưng chưa chắc được con yêu thương. Quan sát sự xung đột của nhân vật Hi Joon và Gina tôi biết rằng “sắp nhỏ” cũng yêu thương cha mẹ, đến lúc trưởng thành cũng nhận ra sự vất vả và lòng hy sinh cha mẹ dành cho con. Tuy nhiên, yêu thương của những người trẻ gốc Việt không có nghĩa là tuân lệnh hay vâng lời; Trong khi, chúng ta cứ một mực đòi các con phải thờ cha kính mẹ. Tôi cũng nhận ra rằng, cha mẹ hãy để cho con cái sống cuộc đời của chúng, và chúng ta phải sống cuộc đời của chúng ta khi con cái trưởng thành. Nếu không chúng ta sẽ có lúc tự hỏi mình, “Cái cuộc đời chưa được sống theo ý muốn của mình, mặt mũi và tiếng nói của nó ra làm sao?”

Nguyễn thị Hải Hà
7.2016

Không có nhận xét nào: