Cái cây cuối cùng bị đốn xuống,
Dòng sông cuối cùng khô hạn
Con vật cuối cùng bị đánh bắt,
Thì chúng ta mới biết được rằng tiền không thể ăn được.”
Câu nói “thấm thía” trên là câu slogan trong các biển hiệu được đặt trang trọng nhiều chỗ công cộng ở Singapore, nơi ông Lý Quang Diệu (Thủ tướng đầu tiên của Singapore) đã từng mơ ước năm 1960: “Hy vọng là một lúc nào đó Singapore sẽ phát triển được như Sài Gòn.” Và sau 56 năm, câu “cuộc đời không như là mơ” đã ứng nghiệm với lời ông cũng như bao con người khác từng cảm thán khi… cuộc đời không như là mơ!
Sự phát triển của Singapore đến thời điểm đó chưa bao giờ có thể so sánh được với Sài Gòn. Làm sao bằng được khi so một Hòn Ngọc Viễn Ðông với một đất nước nghèo khó, bé nhỏ vừa thành lập? Bây giờ thì càng không thể so sánh một Con Rồng Châu Á, thu hút vốn đầu tư, nhân tài bậc nhất với một thành phố vừa mất tên vừa bị mất vô số thứ khác, trong đó có cả người tài và lòng tin.
Cách đây hai năm, khi tận mắt nhìn những hàng cây cổ thụ ở khu trung tâm Sài Gòn bị xẻ thịt, những dòng người hối hả tràn vào Thương Xá Tax ngày thanh lý cuối cùng trước khi tòa nhà lộng lẫy này bị đóng cửa, những tiểu thương và những thị dân ngậm ngùi lau nước mắt, những tấm hình share khắp nơi trên mạng xã hội, đa phần kèm theo đó là sự phẫn nộ, bất lực khi nhìn một phần ký ức, một phần cuộc sống bị xóa nhòa dần mà không làm gì được. Tôi đã tấm tức khóc và “hận cả thế giới” suốt nhiều ngày liền. (Trong cái rủi có cái may, sau lần đó trình độ thơ văn của dân Sài Gòn cũng cải thiện rõ rệt). Thế nhưng vừa rồi, cách đây vài tuần thôi, khi hàng chục, trăm cây cổ thụ ở con đường đẹp nhất nhì Sài Gòn-đường Tôn Ðức Thắng-bị chặt bỏ và dời đi. Tôi chả thèm đến ngó, không có một tia cảm xúc “thương vay khóc mướn” như vô số lần mình đã trải. Khi đọc những dòng tin về sự kiện này thì giật mình nhìn lại và hiểu ra, lòng tin của bản thân đã mất. Không phải lòng tin với bất cứ ai mà là lòng tin đối với chính mình. Tôi không tin tôi sẽ có thể buồn mãi được, vì mỗi ngày Sài Gòn đều bị mang ra cắt xén để chánh thức trở thành một thành phố Hồ Chí Minh thật sự trong mắt những người coi đó là sứ mệnh. Rồi cũng có khi ngồi một mình tự hỏi điều đó đủ gọi là bi kịch hay chưa? Khi chính nơi tôi sinh ra và lớn lên không hề an bình như đã được dạy và học. Miền Trung biển chết, Miền Tây ruộng chết, Cao Nguyên rừng chết, Ðồng Bằng người chết. Ngay cả Sài Gòn, nơi được xem là an toàn nhất cũng đang chết dần chết mòn… Cùng chung cơ thể, có lẽ nào tay chân mắt mũi bị nạn hết mà khúc ruột vẫn an toàn?
Thị dân dù đắm chìm trong dòng đời bon chen hối hả nhưng chưa bao giờ lơ là thời cuộc. Ai ai cũng mang trong sâu thẳm một chữ buồn. Rồi chẳng biết làm gì hơn mà đi khắp nơi, tìm cho mình một chỗ trú an toàn, có thể ngồi đó mà ôn lại một Sài Gòn mà họ chưa từng thấy, kể cho nhau nghe chuyện “người Sài Gòn” như là… thần thoại dưới những tàn cây xưa cũ. Chỗ đó là Dinh Ðộc Lập.
Dinh Ðộc Lập, ngày nay còn gọi là dinh Thống Nhất hay hội trường Thống Nhất được Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Ðình Diệm quyết định khởi công vào ngày 1/7/1962 trên nền dinh Norodom (dinh Thống đốc) do người Pháp xây dựng từ năm 1868. Dinh còn gọi là Phủ Tổng thống đưa vào sử dụng chính thức vào ngày 31/10/1966. Ðây là một trong những công trình kiến trúc “sống lâu” nhất Sài Gòn dẫu qua bao nhiêu dâu bể và thay đổi của thời cuộc. Nơi đây từng là công thự đẹp nhất Á Ðông – chỗ ở của những người quyền lực nhất và cũng là nơi chứng kiến nhiều biến cố lịch sử, thị dân còn gọi là “Nhà Trắng Việt Nam”. Ngày nay, Dinh Ðộc Lập được xem là một di tích lịch sử văn hoá và là nơi hội họp, tiếp khách của các cấp lãnh đạo trung ương đương thời. Ở mặt sau Dinh Ðộc Lập còn có một quán cà phê luôn đông khách cũng bị/được đặt cái tên rất lịch sử – cà phê 30/4 – thu hút tầng lớp trí thức, nhà báo, nhà văn, công an, bác sĩ lẫn nhân viên văn phòng làm việc ở xung quanh khu vực trung tâm cũng xem đây là chỗ để tiếp khách, họp mặt. Còn sinh viên học sinh thì xem đây là nơi lý tưởng đến chụp “kỷ yếu”, lưu giữ ký ức một thời áo trắng. Vì ngoài “lợi thế lịch sử”, nơi đây còn có không gian thoáng đãng, có thể đậu nhiều xe hơi lẫn xe máy, có chỗ vui chơi dành riêng cho trẻ em. Ngoài ra ở đây còn có một hệ thực vật vô cùng đa dạng.
Khuôn viên, khách của quán cà phê 30/4 trong Dinh Độc Lập
“Quán cà phê này ba mẹ ngồi mong Bim lớn trong bụng mẹ, khi nào con ra đời sẽ dẫn con đến chơi dưới những rặng cây cổ thụ lớn, thảm cỏ xanh, yên tĩnh vắng tiếng xe ồn ào, thỉnh thoảng một vài trái banh tennis đánh lạc ra ngoài khiến cho anh chàng mới biết đi thò tay lấy được vô cùng thích thú…” Một người mẹ đã thì thầm với con mình trên… mạng xã hội như vậy khi ngồi ở đây. Ðọc những dòng “tâm thư” ít ỏi thôi mà tôi có thể tưởng tượng ra một chuyện tình dài… Bạn có muốn nghe không?
Bãi đậu xe 2 bánh
Bên cạnh những cây dầu cao trật cổ, những thảm cỏ xanh mát mắt là những chú bồ câu thân thiện, những đội sóc nâu chuyền cành “mưu sinh” ngó trước dòm sau đầy… cảnh giác. Suốt khoảng thời gian quán cà phê này mở cửa (7am đến 6pm), khách hàng sẽ luôn chìm trong khoảng trời mát rượi bởi các tán cổ thụ lung lay múa che hết nắng, bên tai ngoài những ồn ã chuyện trò còn có tiếng ve kêu da diết hoặc những giọt mưa xuyên qua kẽ lá bay bay đến đâu mát lòng mát dạ đến đó. Sài Gòn ngày càng “đất chật người đông”, bỏ lại tất cả bực dọc với nắng nóng, kẹt xe, khói bụi và ồn ào, mệt mỏi, ai lại không thèm một bầu không khí trong lành, ve kêu gió thổi, vừa gần gũi thiên nhiên vừa lịch sự, an toàn để thưởng thức vị đắng, vị ngọt, vị thơm của ly café bay bổng. Ngó từng giọt café rớt chầm chậm xuống đáy ly rồi ngó qua tòa nhà sống cùng lịch sử, sau đó… google tìm kiếm những điều mình chưa bao giờ có. Ngoài uống cà phê bạn có thể tận mắt nhìn thấy lịch sử ở ngay trước mặt. Chắc hẳn sẽ không có ai không có ấn tượng và yêu thích khuôn viên xung quanh Dinh Ðộc Lập, công trình kiến trúc lớn màu trắng được bao phủ bởi một màu xanh ngắt của thảm cỏ nhìn như bất tận cùng những cây cảnh, cổ thụ, đài phun nước… tất cả hòa quyện một cách sang trọng. Ðiều mà bạn sẽ khó thấy được ở bất cứ di tích lịch sử nào ở Việt Nam. Tôi tự hỏi tại sao nơi ở các lãnh đạo Việt Nam bây giờ khi lên báo đập vào mắt dân đa phần chỉ toàn gỗ quý, dát vàng, cũng đồ sộ đấy chứ, nhưng không hề “mát mắt” chút nào, nó đè lên người nhìn một cảm giác sợ hãi và trĩu nặng vô hình. Ðó có phải là cách phát triển của ngành kiến trúc Việt Nam hay không?
Dinh Độc Lập 2016
Thật tiếc, tôi không phải là một người am hiểu về kiến trúc để có thể trả lời câu hỏi quá “chuyên môn” trên. Như cho dù thế nào, sau bao năm, Dinh Ðộc Lập vẫn đứng đó làm “nhân chứng” cho một Sài Gòn của quá khứ, dâu bể tang thương mà đẹp nao lòng trong trái tim của bao nhiêu là người Sài Gòn, cũ lẫn mới.
Ai đó đã từng nói: “Người Sài Gòn không cần phải là người sanh ra, lớn lên ở mảnh đất này. Muốn làm người Sài Gòn thì hãy sống như… người Sài Gòn là được!”
Ngoài những ấn tượng trên, điều thu hút tôi đến đây (nhất) chính là món lẩu riêu cá chép rất ngon miệng, vừa ăn. Cá chép rất tươi (và bự) cùng nước dùng nấu rất vừa miệng, chua chua, ngọt thanh và beo béo vị cá khiến tôi và cô bạn rất thân lần nào đến cũng… nhịn đói trước để có thể ăn hết một phần 3 người ăn có thể không hết. Một lần sau khi ăn xong nàng sẽ vỗ bụng, nói một câu vô cùng… chân lý:
– Không được chọn nơi mình sinh ra. Nhưng ít nhất chúng ta có quyền chọn món ăn mình yêu thích.
Tôi liền hưởng ứng:
– Yên tâm đi, nơi mình sinh ra thì cả thế giới này ai cũng giống nhau mà, việc gì phải chọn!
Nơi vui chơi dành cho trẻ em
Hình ảnh chỉ mang tính chất… nhem thèm
Sinh viên chụp ảnh kỷ yếu ở Dinh Độc Lập
DuUyên - (baotreonline)
ps:Biết nói sao bây giờ khi lịch sử sang trang hơn 41 năm, Hãy để những gì đẹp nhất vào kí ức & kĩ niệm.
Giờ hiện tại uống ly chanh đường , tưởng chừng như uống môi em ngọt năm nào ...cho mát, xua đi những
ý nghỉ miên mang của ánh sáng và bóng tối thời cuộc, hoài niệm về tuổi học trò trong thời chinh chiến thật
đẹp và thánh thiện .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét