Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 24 tháng 7, 2023

ĐIỂM TIN 24/07/2023 = Long Đỗ


TT Pháp đến Nouvelle-Calédonie, bắt đầu chuyến công du Nam Thái Bình DươngTổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đến Nouvelle-Calédonie, lãnh thổ hải ngoại của Pháp tại tây nam Thái Bình Dương vào hôm nay, 24/07/2023, bắt đầu một chuyến công du 5 ngày sẽ đưa ông đến Vanuatu và Papua New Guinea, hai đảo quốc nhỏ trong khu vực.Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (G) cùng bộ trưởng Nội Vụ Gerald Darmanin (T), bộ trưởng Hải Ngoại (P) đến sân bay quốc tế La Tontouta ở Nouméa, ngày 24/07/2023. AFP - LUDOVIC MARINTrọng Nghĩa
<!>
Phát biểu vào chiều nay ngay sau khi đặt chân xuống phi trường quốc tế Nouméa, thủ phủ vùng Nouvelle-Calédonie, tổng thống Pháp đã phác họa ba trọng tâm trong chuyến đi của ông: “Tập hợp”, “khôi phục niềm tin chung” và “mở cửa ra quốc tế”.

Nhắc lại chuyến thăm Nouvelle Calédonie đầu tiên của ông cách nay hơn 5 năm, chính xác là vào tháng 5 năm 2018, tổng thống Macron khẳng định là Paris đã tuân thủ các cam kết đối với người dân tại vùng lãnh thổ hải ngoại này, cụ thể là cho phép Nouvelle-Calédonie tổ chức 3 cuộc trưng cầu dân ý về quyền tự quyết.

Theo tổng thống Pháp, trên cơ sở ý hướng mà người dân Nouvelle-Calédonie đã thể hiện thông qua các cuộc trưng cầu dân ý – tức là tiếp tục ở lại với nước Pháp – chính quyền trung ương trong năm qua đã nỗ lực chuẩn bị và chuyến thăm lần này là dịp để ông mở ra một “trang mới” cho vùng Nouvelle-Calédonie, cả về định chế lẫn các dự án phát triển tương lai.

Đối với tổng thống Macron, bài toán khó về vùng Nouvelle Calédonie vẫn là xu thế đòi độc lập ngày càng mạnh của người dân, cho dù là cả ba cuộc trưng cầu dân ý vào những năm 2018, 2020 và 2021 đều bác bỏ khả năng vùng này độc lập. Kết quả của cuộc bỏ phiếu vào tháng 12 năm 2021 với chiến thắng áp đảo của câu trả lời “không” (96,50% số phiếu) đã gây tranh cãi dữ dội, vì trưng cầu dân ý đã bị phong trào chủ trương Nouvelle-Calédonie độc lập tẩy chay.

Theo chương trình dự kiến, quy chế tương lai của vùng Nouvelle-Calédonie sẽ được tổng thống Macron đề cập đến trong cuộc gặp vào ngày thứ Tư 26/07 với tất cả các lực lượng chính trị tại lãnh thổ hải ngoại này. Riêng buổi làm việc ngày mai 25/07sẽ được dành cho hồ sơ môi trường, cụ thể là vấn đề bờ biển bị xói mòn.

Theo đặc phái viên RFI tại Nouméa, cao vọng của tổng thống Macron là biến Nouvelle-Calédonie thành trung tâm phát huy ảnh hưởng quốc tế và lợi ích chiến lược của Pháp ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Bom mìn của Nga làm chậm đà phản công của Ukraina

Ukraina hôm nay, 24/07/2023, thông báo đã chiếm lại hơn 16 km2 từ quân đội Nga vào tuần trước. Nhưng ở mặt trận phía nam, đà phản công của quân Ukraina rất chậm, mỗi ngày Kiev chỉ tiến được hơn 1 km2, do lực lượng công binh gặp rất nhiều khó khăn trong việc rà phá bom mìn mà quân Nga đặt khắp nơi.


Một người lính gỡ mìn ở Irpin, gần Kiev, Ukraina, ngày 19/04/2022. AP - Efrem Lukatsky
Phan Minh
Từ phía nam khu vực Dnipro, đặc phái viên RFI Stéphane Siohan gửi về bài phóng sự :

"Chúng tôi đang ở trong một doanh trại quân đội cách mặt trận 20 km. Mới hôm qua, Andriy đã ở một nơi không xa Staromaiorske, trên tuyến đầu của cuộc phản công. Andriy chỉ huy một nhóm đặc công của Lữ đoàn phòng vệ lãnh thổ 128. Anh phải dùng dao để dò mìn dưới đất khi tiến gần các vị trí của quân địch.

Andriy nói : « Lần cuối cùng mà chúng tôi tiến lên trước nhóm xung kích, chúng tôi vượt qua 300 mét đầu rất nhanh, chỉ mất hai hoặc ba tiếng đồng hồ. Nhưng khi quay lại vào ngày hôm sau, chúng tôi đã mất cả ngày để tiến được 600 mét. Tất nhiên, nhóm của chúng tôi thường là mục tiêu tấn công của pháo binh Nga, nhưng chúng tôi có thể làm gì khác ? Chúng tôi vẫn phải làm nhiệm vụ khi được huy động. »

Sau khi vô hiệu hóa mìn, nhóm của Andriy dùng các băng bằng nhựa để đánh dấu mặt đất, tạo ra một hành lang hẹp mà đơn vị tấn công sẽ đi qua. Nhưng theo Oleksandr, một kỹ sư rà phá bom mìn thuộc Lữ đoàn 128, nhiệm vụ này hết sức gian nan.

Oleksandr nói : « Họ đã đặt bao nhiêu quả mìn ? Tôi không biết. Chúng tôi đã tìm thấy 250 quả mìn trên diện tích 100 m2. Tôi có cảm giác như có bao nhiêu mìn từ thời Liên Xô họ đều đặt hết vào Ukraina. »

Để tiến xa hơn, những người lính rà phá bom mìn sẽ cần có drone được trang bị camera hồng ngoại để định vị mìn và thiết bị tiên tiến để kích nổ chúng từ xa.

Hàng ngày, những chiến binh của Lữ đoàn 128 mở những con đường mới, nhưng với tốc độ này, biển Azov vẫn còn rất xa."

Nga cáo buộc Ukraina dùng drone ‘‘tấn công’’ thủ đô Matxcơva

Nga tố cáo Ukraina tấn công thủ đô Matxcơva bằng drone trong đêm 23 rạng sáng 24/07/2023. Một trong hai drone đã rớt xuống gần khu vực bộ Quốc Phòng Nga.


Công nhân dọn dẹp kính bị vỡ sau một vụ tấn công bằng drone ở Matxcơva, Nga, ngày 14/07/2023. AP
Trọng Thành
Theo thông báo của bộ Quốc Phòng Nga,‘‘sáng hôm nay, một mưu toan của chế độ Kiev sử dụng hai drone tấn công khủng bố nhắm vào các vị trí nằm trong khu vực thành phố Matxcơva đã bị ngăn chặn’’. Theo hãng thông tấn Nga TASS, nhiều mảnh vỡ của drone đã rớt gần trụ sở bộ Quốc Phòng, tại đại lộ Komsomolsky Prospekt, một trục đường chính của thủ đô Matxcơva. Phóng viên của AFP, có mặt tại chỗ, chứng kiến một tòa nhà bị hỏng mái. Chiếc drone thứ hai nhắm vào một trung tâm thương mại ở phố Likhatcheva, gần một đại lộ vành đai Matxcơva.

Đô trưởng Sergei Sobyanin cho biết cụ thể là các drone đã tấn công vào một số tòa nhà ‘‘không phải nơi ở của dân cư’’ vào khoảng 4 giờ sáng, giờ địa phương. Bộ Quốc Phòng Nga và đô trưởng Matxcơva đều cho biết không có nạn nhân nào trong các vụ tấn công này.

UNESCO lên án ‘‘bước leo thang mới’’ của Nga
Các cuộc ‘‘tấn công’’ bằng drone nói trên diễn ra ngay sau vụ quân Nga oanh kích nhà thờ Chính Thống Giáo Chúa Biến Hình, di sản UNESCO, ở thành phố cảng Odessa của Ukraina đêm hôm trước. Ít nhất 25 công trình kiến trúc lịch sử tại Odessa đã bị trúng tên lửa Nga trong đợt tấn công này. Tổng thống Ukraina tuyên bố sẽ trả đũa ‘‘các hành động khủng bố của Nga tại Odessa’’.

Theo AFP, tổ chức UNESCO hôm qua đã ‘‘cực lực lên án’’ các hành động tấn công tàn bạo của quân đội Nga’ nhắm vào nhiều di tích văn hóa, lịch sử, trong đó có nhà thờ Chúa Biến Hình Spaso-Preobrazhensky, có tuổi đời hơn 2 thế kỷ. Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay nhận định : ‘‘Các hành động hủy diệt khủng khiếp này đánh dấu một bước leo thang bạo lực chống lại các di sản văn hóa của Ukraina’’. Lãnh đạo UNESCO kêu gọi chính quyền Nga ‘‘tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế về bảo tồn di sản’’.

Mỹ điều thêm một tàu ngầm hạt nhân đến Hàn Quốc

Hoa Kỳ hôm nay, 24/07/2023, đã điều thêm một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đến đảo Jeju, chỉ vài ngày sau khi tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Mỹ cập cảng Hàn Quốc trong bốn thập kỷ.


Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Annapolis tại căn cứ hải quân trên đảo Jeju, Hàn Quốc, ngày 24/07/2023. © AP/South Korea Defense Ministry
Phan Minh
Theo hãng tin Anh Reuters, Hải Quân Hàn Quốc cho biết tàu USS Annapolis đã tiến vào một căn cứ hải quân ở đảo Jeju, miền nam Hàn Quốc, để bốc dỡ hàng tiếp liệu cho quân đội. Tuy nhiên, Seoul không cung cấp chi tiết cụ thể về nhiệm vụ của USS Annapolis.

USS Annapolis không được trang bị vũ khí hạt nhân như USS Kentucky và chuyên về tác chiến chống hạm và chống tàu ngầm. Vào tháng 9 năm ngoái, USS Annapolis đã được điều đến khu vực này để tham gia tập trận ba bên với Hàn Quốc và Nhật Bản đối phó với tàu ngầm ở vùng biển quốc tế ngoài khơi bán đảo Triều Tiên.

Trước đó, USS Kentucky, tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Hoa Kỳ, đã cập cảng Busan, Hàn Quốc hôm 18/07. Đây là chuyến thăm đầu tiên đến Hàn Quốc kể từ những năm 1980 của một tàu ngầm có tên lửa đạn đạo trang bị vũ khí hạt nhân (SSBN) của Hoa Kỳ. Chuyến đi Hàn Quốc của tàu USS Kentucky trùng với thời điểm hai nước khởi động các cuộc thảo luận về phối hợp ứng phó trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân với Bắc Triều Tiên.

Vài giờ sau chuyến thăm của USS Kentucky, Bình Nhưỡng đã có phản ứng với việc phóng hai tên lửa đạn đạo hôm 19/07 và bắn một số tên lửa hành trình hôm 22/07.

Bầu Quốc Hội Tây Ban Nha: Đảng cánh hữu về đầu, nhưng không đủ ghế để lập chính phủ liên hiệp

Kết quả cuộc bầu cử Quốc Hội Tây Ban Nha là khá bất ngờ so với các thăm dò dư luận gần nhất. Theo kết quả kiểm hơn 99% phiều bầu tối hôm qua, 23/07/2023, đảng bảo thủ cánh hữu PP rốt cuộc chỉ giành được 136 ghế trên tổng số 350. Đồng minh tiềm năng của PP là đảng cực hữu Vox chỉ được 33 ghế. Như vậy, hai đảng này không có đủ đa số 176 ghế để lập chính phủ liên minh.


Lãnh đạo Đảng Nhân Dân đối lập Alberto Nunez Feijoo sau cuộc bầu cử Quốc Hội, Madrid, Tây Ban Nha, ngày 24/07/2023. REUTERS - JUAN MEDINA
Trọng Thành
Sự sụp đổ của đảng Xã Hội mãn nhiệm cánh tả và làn sóng cực hữu đã không xảy ra như một số dự đoán. Theo AFP, tỉ lệ cử tri tham gia bầu cử hôm qua đã lên đến gần 70%, cao hơn 3,5% so với kỳ bầu cử trước 2019. Quyết định tổ chức bầu cử sớm 6 tháng trước kỳ hạn, và chiến lược của thủ tướng Pedro Sanchez động viên cử tri ngăn chặn nguy cơ đảng cực hữu trở lại cầm quyền dường như đã mang lại kết quả.

Từ Tây Ban Nha, đặc phái viên Romain Lemaresquier của RFI phác họa ba kịch bản sau bầu cử:

Có ba kịch bản. Kịch bản thứ nhất đã được người đứng đầu Đảng Nhân Dân (PP) đã đề cập vào tối Chủ nhật này. Đó là sau đã có kết quả chính thức, đảng cánh hữu sẽ đứng ra lập chính phủ, với hy vọng các lực lượng chính trị khác tại Quốc Hội sẽ không bỏ phiếu chống. Kịch bản này có thể xảy ra vì đảng PP là lực lượng chính trị về đầu trong cuộc bầu cử và có thể được Quốc vương chỉ định để lập chính phủ.

Tuy nhiên, sáng kiến đó không có bất cứ cơ hội nào để thành công. Trong trường hợp này, nhà vua có thể yêu cầu thủ tướng mãn nhiệm Pedro Sanchez thành lập một liên minh, một kịch bản có thể xảy ra, nhưng rất phức tạp. Lãnh đạo đảng Xã Hội sau đó sẽ phải đàm phán với đảng cực tả SUMAR. Điều này sẽ diễn ra nhanh chóng.

Tuy nhiên, thương lượng hứa hẹn sẽ khó khăn với các đảng chủ trương ly khai như các đảng ở Catalan hay ở xứ Basque, hoặc đảng cấp vùng như quần đảo Canary. Các đảng phái này, đặc biệt là đảng JUNTS của người Catalan, sẽ tìm cách đạt được nhiều nhân nhượng. Thật khó tưởng tượng đảng Xã Hội PSOE sẽ chấp nhận mọi yêu cầu của họ, đặc biệt là việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về quyền tự quyết.

Nếu phương án thứ hai này thất bại thì Tây Ban Nha có thể chuyển sang tổ chức các cuộc bầu cử mới để có được đa số rõ ràng hơn. Đây là lựa chọn thứ ba.Và nếu điều này xảy ra, bầu cử có thể được tổ chức vào cuối năm nay hoặc thậm chí vào đầu năm tới’.

Từ năm 2015 đến 2019, trước khi đảng Xã Hội lên cầm quyền cùng với đảng cực tả Podemos, cử tri Tây Ban Nha đã phải 4 lần bầu lại Quốc Hội.

Bầu Quốc Hội Cam Bốt : Đảng cầm quyền tuyên bố chiến thắng, Mỹ chỉ trích ‘‘không công bằng’’

Một ngày sau cuộc bầu cử Quốc Hội, Đảng Nhân Dân Cam Bốt (CPP) của thủ tướng Cam Bốt Hun Sen hôm nay, 24/07/2023, tuyên bố giành được 120 ghế trên tổng số 125 ghế dân biểu. Cuộc bầu cử Quốc Hội Cam Bốt, với khoảng ‘‘84% cử tri đi bầu’’, bị giới bảo vệ nhân quyền lên án là ‘‘dàn dựng’’, bị Hoa Kỳ chỉ trích là ‘‘không công bằng’’.


Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen (P), chủ tịch Đảng Nhân dân Cam Bốt (CPP) và phu nhân Bun Rany (T), sau khi bỏ phiếu ở Takhmua, tỉnh Kandal, Cam Bốt, ngày 23/07/2023. AP - Heng Sinith
Trọng Thành
Người phát ngôn đảng CPP Sok Eysan gọi thắng lợi trong cuộc bầu cử hôm qua là ‘‘vang dội’’. Đảng của ông Hun Sen, cầm quyền từ gần 40 năm nay, giành được gần như toàn bộ số ghế, 5 ghế dân biểu còn lại thuộc về đảng FUNCIPEC, một đảng thân chính quyền.

Hãng tin Anh Reuters hôm nay dẫn lại thông báo của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, chỉ trích một cuộc bầu cử ‘‘không tự do, không công bằng’’. Bà Eva Kusuma Sundari, dân biểu Indonesia, thành viên sáng lập nhóm các Nghị viên ASEAN vì Nhân quyền (ASEAN Parliamentarians for Human Rights - APHR) kêu gọi ‘‘cộng đồng quốc tế không rơi vào chiếc bẫy hợp thức hóa màn kịch’’ của chế độ Hun Sen.

Theo giới quan sát, kết quả cuộc bầu cử Quốc Hội Cam Bốt gần như đã được biết trước, trong bối cảnh toàn bộ các đảng phái đối lập tại Cam Bốt hoàn toàn bị gạt ra ngoài. Tối hôm qua vào lúc kết quả sơ bộ được thông báo, từ Phnom Penh, thông tín viên RFI Juliette Buchez cho biết thêm về một số thủ đoạn siết chặt kiểm soát bầu cử của chính quyền Hun Sen:

‘‘Tại Phnom Penh và trên toàn quốc, kết quả được thông báo không gây ngạc nhiên. Vào thời điểm này, đảng của thủ tướng Hun Sen, cai trị đất nước với bàn tay sắt gần 4 thập niên, nhận được hơn 80% phiếu bầu. Nếu như một vài ghế dân biểu có thể thuộc về một đảng khác, thì điều này chắc chắn không đủ để chống lại một đa số áp đảo như vậy.

Kết quả đã được biết trước, cho dù chính quyền Cam Bốt cố gắng duy trì vẻ ngoài của một chế độ đa nguyên chính trị trong cuộc bầu cử Quốc Hội. Các đảng đối lập có uy tín, đã hoặc bị tư pháp giải thể, hoặc bị ủy ban bầu cử bác bỏ tư cách ứng cử, hoàn toàn vắng bóng từ năm 2018.

Tỉ lệ cử tri vắng mặt cũng bị đảng cầm quyền thao túng. Hồi tháng trước, nhà cầm quyền đã sửa đổi luật bầu cử khiến cho việc không bỏ phiếu trở nên khó khăn hơn. Tỉ lệ cử tri bỏ phiếu lên đến 84%, theo các kết quả sơ bộ.

Hiện tại, còn hai ‘‘ẩn số’’. Trước hết là số phiếu trắng. Trong lúc một số cử tri đưa lên mạng xã hội hình ảnh các lá phiếu bị gạch chéo, thủ tướng Hun Sen tối hôm nay kêu gọi những người này khai báo với các ủy ban bầu cử địa phương để tránh bị truy tố. Ẩn số thứ hai là danh tính của tân thủ tướng Cam Bốt. Con trai ông Hun Sen, vừa đắc cử tại Phnom Penh, có đủ điều kiện để được bổ nhiệm vào ghế thủ tướng. Trước cuộc bỏ phiếu, đã có liên tiếp các dấu hiệu theo hướng này’’.

Không có nhận xét nào: