Nhà thơ và kịch tác gia với dòng thơ trữ tình thời tiền chiến dấn thân vào phong trào Nhân Văn - Giai Phẩm, là một trong ba khuôn mặt kiện tướng khởi điểm phong trào Nhân Văn - Giai Phẩm hiện còn sống tại quê nhà. Suốt cả cuộc đời sống với thi ca, Hoàng Cầm luôn luôn tôn thờ tình yêu, ca ngợi hình ảnh nữ lưu cho dù cuộc tình nghiệt ngã. Đam mê trong tình yêu từ tiền bán thế kỷ XX cho đến thời điểm cuối đời ở hậu bán thế kỷ XX, bước sang đầu thế kỷ XXI, Hoàng Cầm tự thú :
<!>
“Tám mươi khát cả lưỡi dao
Sắc như nước loáng...
Uống vào như chơi
Chín mươi... dẫu đến mười mươi
Khát thương em quá...
Khóc thôi một mình.”
Tình Sử Lá Diêu Bông
Nói đến Hoàng Cầm, bài thơ được nhắc đến Lá Diêu Bông. Văn nhân mang tâm hồn lãng mạn từ tuổi ấu thơ vì mới 10 tuổi đã vương vấn hình bóng người tình trong tâm tưởng, con tim cậu bé sớm ngất ngây rung động trước chân dung người con gái tuổi trăng tròn. Mối tình đó được trang trải cho đời qua hình ảnh “Lá Diêu Bông”. Sau ba thập niên mối tình đơn phương của Hoàng Cầm được bày tỏ qua bài thơ Lá Diêu Bông hình thành vào mùa đông 1959:
“Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều,
Cuống rạ.
Chị bảo:
Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông
Từ nay ta gọi là chồng.
Hai ngày em đi tìm thấy lá
Chi chau mày:
Đâu phải Lá Diêu Bông.
Mùa đông sau em tìm thấy lá
Chị lắc đầu,
Trông nắng vãn bên sông.
Ngày cưới chị
Em tìm thấy lá
Chị cười xe chỉ cắm trôn kim.
Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xòe tay phủ mặt chị không nhìn.
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
Đi đầu non cuối bể.
Gió quê vi vút gọi.
Diêu Bông hời... ới Diêu Bông!”.
Lá Diêu Bông là chiếc lá tưởng tượng, chiếc lá định mệnh để bày tỏ ẩn tình bi thương, chất ngất cho thiên tình sử, vượt thời gian và không gian, dòng thơ được đưa vào cung bậc, trở thành phổ thông qua nhiều ca khúc.
Làng Đình Bảng, Bắc Ninh - quê hương nổi tiếng của quan họ Kinh Bắc - tuy là miền quê nhưng cũng là “nơi đàn bà con gái đa tình, sóng sánh mắt lá răm” trông mòn con mắt.
Trong bài Lá Diêu Bông, mở đầu, Hoàng Cầm đã viết “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng” để phác họa hình ảnh địa phương với bóng dáng trang phục diễm kiều của người gái quê. Năm Hoàng Cầm mới lên mười, từ tỉnh lỵ trọ học, trở về thăm nhà, gặp người con gái 16 tuổi - Vinh - yêu kiều trong chiếc váy bước vào quán hàng xén của thân mẫu, cậu bé quá lãng mạn đã bị “tiếng sét ái tình” (coup-de-foudre) ngay tức khắc.
Tiếng sét ấy đã đi sâu vào trái tim, gần 70 năm sau, Hoàng Cầm tâm sự: “Trước mắt tôi, chị hiện ra sáng rực rỡ như một thiên thần. Ngay lập tức, hồn tôi bị chị chiếm đoạt đến đau điếng. Kể từ giây phút định mệnh ấy, tôi mê man chị chẳng còn biết trời đất, ất giáp, quên hết học hành, sách vở, suốt ngày chỉ ngong ngóng sang bên kia đường số I, xê xế nhà tôi khoảng 20 mét, nơi thiên thần của tôi ngồi bán quán nghèo, phố nhỏ đìu hiu, tỉnh nhỏ... Tôi phải lòng chị, cứ thế giăng mắc tơ tình quanh chị suốt 4 năm trời, đến năm tôi 12 tuổi thì chị đi lấy chồng” (Nguyễn Thị Minh Thái - Thi sĩ Hoàng Cầm... - Kiến Thức Ngày Nay).
Người con gái đó vẫn biết từ lúc gặp nhau đã đi vào mối tình si của cậu bé học trò. Thế nhưng “Chị vẫn dứt áo ra đi. Đi lấy chồng. Tôi mất tăm chị, đầu non cuối bể tôi đi tìm, không thấy. Biền biệt tăm cá bóng chim...”. Theo Hoàng Cầm, Lá Diêu Bông “là chiếc lá huyền thoại, chiếc lá ngây thơ về một tình yêu đầy mộng mị thời thơ ấu”. Chiếc lá ấy mang theo hình ảnh có thật với Hoàng Cầm:
“Tôi còn nhớ mồn một buổi chiều mùa đông... Chị đi về phía cánh đồng chiều còn trơ cuốn rạ. Những dãy núi xanh xanh mờ xa in hình như dao khắc trên nền trời cuối hoàng hôn. Bí mật, tôi lặng lẽ lần theo chị. Tôi thấy chị thẩn thờ tìm đồng chiều. Cuống rạ. Rồi chị lẩm bẩm một mình, dầu chị biết chắc tôi lẵng nhẵng sau lưng: Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông, từ nay ta gọi là chồng...”
(NTMT - KTNN)
Bài thơ gợi hình ảnh chị và em vì vậy tha nhân cứ nhầm tưởng hình ảnh hai chị em gái, người chị đi lấy chồng, người em còn lại với nỗi thẩn thờ; thật ra, ngôn ngữ trong thơ xưng hô em và chị thể hiện cách gọi giữa tác giả với “người tình” nơi cố quận. Tác giả giữ mãi ẩn tình đó qua thời gian khá dài gần bốn thập niên mới tâm sự nỗi niềm.
Trong cuộc nói chuyện Nhà Thơ Hoàng Cầm với Đào Hùng vào ngày 17 tháng 9 năm 2004, Hoàng Cầm đề cập về “tình sử” của bài thơ:
“Bài thơ Lá Diêu Bông tôi viết về một câu chuyện có thật, câu chuyện về mối tình đầu tiên trong đời tôi. Vào một đêm năm 1959, khoảng 3 giờ sáng, tôi chợt tỉnh giấc rồi thao thức không ngủ lại được. Căn nhà ở phố Lý Quốc Sư nằm sâu phía trong, lại thêm thuở ấy ban đêm không có tiếng xe tiếng còi ầm ĩ như bây giờ, nên đêm khuya càng thêm thanh vắng. Chợt tôi thấy lóe trong đầu văng vẳng mấy câu thơ do một người đàn bà đọc bằng giọng lanh lảnh: Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng...
Tôi lấy ngay cây bút chì và tập giấy luôn để sẵn trên đầu giường ghi lại. Rồi từng mẩu ký ức cứ hiện lên trong đầu tôi, hình ảnh người đàn bà, người Chị năm xưa cứ rõ nét dần để đi trọn hết bài thơ.
Tôi nhớ đâu hồi lên 4 tuổi, cha mẹ tôi từ làng quê chuyển lên sống ở một phố nhỏ dọc đường quốc lộ. Gọi là phố nhưng thực ra chỉ có khoảng 14, 15 ngôi nhà dựng dọc hai bên đường, cách thị xã Bắc Giang chừng 6 cây số. Nhà tôi quay về hướng tây, phía trước là đường cái, sau nhà có một mảnh vườn nhỏ có hàng rào dâm bụt, tiếp đấy là đường xe lửa. Người trong phố làm các nghề thợ may, cắt tóc. Cha tôi có tủ thuốc bắc và gánh hàng xén của mẹ.
Lên 5, cha tôi đã cho tôi đến trường, cách nhà chừng 2 cây số. Nhưng đi học xa, dọc đường hay bị trẻ chăn trâu bắt nạt, vì vậy năm sau ông gửi tôi lên tỉnh học. Lên 6 tôi đã đọc thông viết thạo, lại thêm võ vẽ chữ Pháp, nên được nhận vào trường công ở thị xã Bắc Giang. Tôi được gửi ở nhà thầy ký ga Núi Tiết. Mỗi chiều thứ bảy, tôi đi thẳng từ trường ra sân ga lấy vé, đi tàu mất 10 phút là về đến ga gần nhà. Thuở ấy đi tàu dễ dàng nên trẻ con đi một mình cũng không sợ. Cuộc đời của một thằng bé cứ lặng lẽ trôi nếu không có một biến đổi về tình cảm mà dấu ấn của nó sẽ để lại trong lòng tôi nhiều cảm nghĩ đến tận sau này.
Năm đó tôi lên 10, đã học đến lớp ba (cour élémentaire). Một buổi chiều thứ bảy, tôi về nhà như thường lệ. Đang dừng lại ngoài sân nhìn vào trong nhà, tôi thấy có một người đàn bà đang cúi xuống bồ hàng xén của mẹ tôi chọn mua một cái gì đó. Chị mặc chiếc áo phin trắng, ngoài có chiếc gilê màu thẫm. Khi đó nắng xiên khoai dọi vào nhà, lúc chị ngửng đầu lên thì cả khuôn mặt chị được ráng vàng chiếu sáng, tôi thấy bừng lên một khuôn mặt khiến tôi choáng váng cả người. Không hiểu cái máu đa tình có từ bao giờ, mà chỉ mới lên chín lên mười, tôi đã bị khuôn mặt đó làm cho tôi ngơ ngẩn suốt buổi chiều. Mua hàng xong chị ra về, khi đi ngang qua tôi trông theo, thì biết chị là người hàng xóm, ở ngôi nhà ngay bên kia đường hơi xế cửa nhà tôi. Hỏi mẹ thì biết gia đình nhà đó mới dọn về, có ba mẹ con, chị là con gái lớn, còn một cậu em trai nhỏ. Thảo nào tuần trước tôi về chưa gặp. Tên chị là Vinh. Cả ngày chủ nhật hôm sau, tôi cứ ngong ngóng nhìn sang nhà đàng trước, chờ xem chị có xuất hiện không. Đến sáng thứ hai tôi lại quay trở về thị xã.
Về đến Bắc Giang, tôi làm ngay một bài thơ gửi chị, theo thể lục bát. Hồi đó tuy chưa học niêm luật, nhưng tôi đã biết làm thơ lục bát. Nguyên tôi trọ học ở nhà ông ký ga, buổi tối nhà chủ thường tập trung các bà ,các chị trong xóm đến làm hàng xáo. Buổi tối khoảng 9 giờ học xong, trước khi đi ngủ, các bà các chị thường gọi tôi xuống nhà dưới đọc truyện cho mọi người nghe, trong khi họ đang giần sàng thóc gạo. Mỗi tối tôi đọc chừng một tiếng rồi đi ngủ, các bà thường thù lao, khi thì bát chè, khi thì phong kẹo. Nhưng cũng nhờ vậy mà tôi được đọc hết mọi truyện thơ dân gian, từ Phạm Công Cúc Hoa, đến Nhị độ mai, rồi Hoàng Trừu... Tôi có giọng tốt, lại biết ngâm nga, nên được các bà tín nhiệm, và cũng vì vậy mà thơ lục bát cứ ngấm vào người tôi, không cần học cũng biết cách gieo vần.
Tôi chép bài thơ vào tờ giấy học sinh. Trang đầu chép bốn câu có vẽ hoa bướm, trang sau chép nốt bài. Tôi không còn nhớ bài thơ tình đầu tiên đó viết những gì. Chỉ nhớ là tôi nắn nót viết lên đầu trang giấy dòng chữ “Em gửi chị Vinh của em”. Tôi bỏ thơ vào phong bì, chờ hôm về nhà, tìm gặp chị trao tận tay nói: “Em gửi chị cái này.” Chị không mở ra xem, chỉ mỉm cười hơi bí mật rồi bỏ vào túi, không nói gì. Sau đó chị không nhắc đến bài thơ đó, và tôi cũng không hỏi lại.
Từ đấy tôi không chỉ về nhà chiều thứ bảy, mà ngày thứ năm được nghỉ, tôi về cả chiều thứ tư. Mục đích là để được gặp chị. Ngày nghỉ, hễ thấy chị đi đâu là tôi đi theo đấy, đôi khi chị thấy tôi đi theo thì đưa tay dắt. Mỗi khi chị ôm chiếu ra sông giặt, tôi lại lẽo đẽo đi theo, ngồi trên bờ nhìn chị cúi khom mình giặt chiếu ven sông. Tình yêu tôi dành cho chị chỉ có thế, nhưng nó cứ đeo đẳng tôi hết năm này sang năm khác. Tôi càng lớn thì tình yêu đó càng thêm đằm thắm, nhưng tôi chưa biết làm thế nào để bày tỏ mối tình của mình.
Lên 12 tuổi, những đêm sáng trăng, chị Vinh thường tập hợp trẻ em từ 10 đến 15 tuổi cả trai lẫn gái, tụ tập trên bãi cỏ sau ga để tập hát. Chị Vinh có giọng ca tốt, thường cùng một vài chị trong xóm hát Quan họ. Chúng tôi được chị dạy hát đủ loại dân ca như Trống quân, Cò lả... Mỗi khi đứng hát, tôi thường chen vào đứng cạnh chị, có khi tôi đứng trước chị, đầu tôi vừa đúng ngang tầm ngực của chị. Có khi chị ôm lấy vai tôi, tôi hơi ngả đầu vào người chị, chị khe khẽ vuốt cổ xoa lên hai vai tôi. Tôi có một cảm giác là lạ, đó là những giờ phút say sưa nhất của tôi.
Những đêm tháng chín tháng mười, trời hơi se lạnh, đứng dưới gốc cây trên bãi cỏ, tôi được hơi ấm từ người chị truyền sang. Hình như chị cũng cảm thấy sự ham muốn của tôi. Mặc dù lúc đó tôi còn bé, nhưng là một cậu bé khôi ngô tuấn tú, lại có đi học, khác hẳn với những đứa trẻ khác trong xóm. Được chị ôm trong lòng, nhưng tôi chưa bao giờ dám chủ động ôm người chị.
Lần ấy, trong dịp lễ Noel, tôi được nghỉ mấy ngày. Đang đứng ở sân, tôi chợt thấy chị Vinh bỏ cửa hàng đi ra cánh đồng. Tôi vội đi theo. Thấy chị rẽ xuống ruộng, bới các bụi cây ven bờ ruộng. Tôi cũng nhảy xuống theo, không biết chị có nhìn thấy tôi hay không. Chợt chị ngẩng lên hỏi: “Sao mày cứ theo tao lẵng nhẵng như thế này nhỉ?” Tôi không trả lời, nhưng thấy sung sướng vì đã được chị chú ý tới. Rồi chị tiếp tục cúi xuống tìm, cuối cùng bước lên trên một cái gò nhỏ có nhiều bụi cây dại. Tôi hỏi chị tìm cái gì. Chị dừng lại thẳng người lên, nhìn vào mắt tôi nói: “Chị tìm cái lá...” (tôi không nhớ là chị gọi cái lá gì nữa). Rồi chị tiếp lời: “Đứa nào tìm được ta gọi làm chồng...”. Nghe câu nói đó, tôi cảm thấy sung sướng vô cùng, người nóng ran lên. Tôi nghĩ đó là một cái lá gì kỳ diệu lắm, có thể dùng làm thuốc, hoặc dùng đắp lên mặt như các cô gái hồi đó thường làm. Tôi cảm thấy giữa chị và tôi có một tình yêu mãnh liệt. Mà tình yêu đó giống như tình yêu tôi dành cho mẹ. Tôi không có chị gái, vì vậy đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy một tình yêu đối với người chị.
Hai mươi lăm năm sau, câu chuyện đi tìm lá của chị Vinh hiện lại trong bài thơ mà tôi đặt cho cái tên là Lá Diêu Bông.”
... Một tuần sau, khi tôi từ trên tỉnh trở về, nhìn sang trước nhà thấy cửa đóng im ỉm. Tôi vội hỏi mẹ nhà đó đi đâu rồi. Mẹ tôi trả lời, trong giọng nói như có nước mắt: “Nó đi lấy chồng rồi con ạ.” Tôi òa lên khóc, gục đầu vào lòng mẹ. Không biết mẹ tôi có biết mối tình của tôi đối với chị Vinh không, mà sao mẹ lại nói bằng giọng nghẹn ngào? Khi đó cha tôi vừa về, tôi vội lau nước mắt, không dám để cho cha nhìn thấy. Về sau mẹ kể cho tôi biết có một ông Quản khố xanh đi qua đây, trông thấy chị đã mê vì nhan sắc. Chị bằng lòng lấy lẽ, ông Quản đưa cả mấy mẹ con về Phủ Lý quê ông. Từ đấy tôi không gặp chị nữa.
Nhưng câu chuyện chưa kết thúc ở đấy. Năm đó tôi đã 17 tuổi, vừa thi đỗ tú tài xong, đang sống ở Hà Nội. Nhân ngày nghỉ, có một người bạn ở Sen Hồ có người anh cưới vợ, đã rủ tôi về nhà chơi, luôn tiện ăn cỗ cưới. Cỗ bàn xong, chiều hôm đó tôi dạo ra phố Sen Hồ chờ tàu về Bắc Giang. Lúc đó tôi đã viết báo nên cũng có tiền. Tôi mặc bộ complet, thắt ca vát, đầu đội mũ phớt, ra dáng người dân chốn thị thành. Đang thả bộ đi dọc phố, chợt nghe có tiếng gọi: “Cậu Việt ơi!” Nghe giọng quen quen, tôi nhìn sang bên kia đường, thì thấy chị Vinh đang ngồi bên một cái tủ bày bánh kẹo, cạnh một cái chõng bán nước chè. Tôi bước sang đường, chị Vinh mừng rỡ chạy ra, đặt hai tay lên vai tôi rồi kéo vào nhà nói chuyện. Bà mẹ đã già nhưng còn nhớ tôi, hỏi thăm cha mẹ tôi. Một lát sau bà bảo bà có việc phải đi vào làng, tối có thể không về, cậu cứ ở lại xơi cơm. Cậu em đã lớn cũng theo mẹ đi. Hình như cả hai đều biết giữa tôi và chị Vinh còn có nhiều điều muốn nói với nhau. Chị kéo tôi ngồi xuống chõng, chị ngồi cạnh ôm ngang lưng tôi. Tôi nhẹ nhàng khẽ gỡ tay chị ra. Chị kể cho tôi biết tình cảnh của chị sau khi lấy chồng. Chị lấy ông Quản đã có một mặt con. Mấy mẹ con chị về Phủ Lý cũng vẫn tiếp tục buôn bán làm ăn. Nhưng dần dần ông Quản ruồng bỏ chị, đi theo người khác. Cuối cùng ông đã đuổi mấy mẹ con đi. Gia đình chị không muốn trở về chốn cũ, nên đưa nhau về Sen Hồ.
Tôi ái ngại nhìn chị. Lúc này trong tôi không còn cái tình yêu say mê của thời thơ ấu. Tôi chỉ cảm thấy thương cho một con người tiều tụy, nhan sắc đã tàn phai. Bảy tám năm đã trôi qua, nhưng hình ảnh của chị năm tôi lên 10 vẫn còn đọng mãi trong tôi”.
Tình Yêu Qua Ca Khúc
Nhạc sĩ cảm tác, rung động với hồn thơ để sáng tác. Và, “thiên tình sử” Lá Diêu Bông được nhạc sĩ phổ theo thơ, dựa vào câu chuyện để viết thành ca khúc. Phạm Duy viết thành ca khúc Lá Diêu Bông ở hải ngoại vào giữa thập niên 1980 trong tuyển tập “Thấm Thoát Mười Năm”, xuất bản 1985. Phạm Duy dùng nguyên văn bài thơ để viết nhạc, chỉ bỏ vài câu đầu từ “Váy...” đến “Chị bảo”. “Đứa nào tìm được lá diêu bông... Diêu bông hời, hời hỡi diêu bông” và thêm hai câu cuối vào bài hát: “Em đi trăm núi nghìn sông! Nào tìm thấy lá diêu bông bao giờ...”. Nhạc phẩm Lá Diêu Bông nầy mang âm hưởng, sắc thái mới lạ, khó hát nên ít được phổ biến.
Đầu thập niên 1990, ở trong nước, Trần Tiến phổ biến bài nầy mang âm điệu dân ca, bình dân, được nhiều ca sĩ trình bay; vì vậy, đã có nhiều sự nhầm lẫn về tác giả khi nghe bài hát Lá Diêu Bông. Trần Tiến không hiểu được hồn của bài thơ, ngộ nhận nhân vật, nhưng làm nổi tiếng tên tuổi bài thơ Lá Diêu Bông:
“... Ru em, thời thiếu nữ xa xôi; còn đâu bao đêm trăng thanh, tát gàu sòng vui bên anh.
Ru em, thời con gái kiêu sa, em đố ai tìm dược lá diêu bông, em xin lấy làm chồng.
Ru em, thời thiếu nữ xa xôi, mình tôi lang thang muôn nơi, đi tìm lá cho em tôi.
Ru em, thời con gái hay quên, thương em tôi tìm được lá diêu bông, sao em nỡ vội lấy chồng... Diêu bông hỡi diêu bông, sao em nỡ vội lấy chồng”.
Năm 1997, “Nhạc Vàng Productions” giới thiệu CD được phát hành “CD Tình Sử Hoa Diêu Bông” thơ Nguyễn Mạnh Hoàng Cương, nhạc Phạm Vinh. Có 3 bài: I (Lời Người Con Trai) Vũ Thành An đã phổ nhạc dòng thơ nầy của NMHC mang bóng dáng trong thơ của Hoàng Cấm, II (Lời Người Con Gái), III (Giây Phút Lỡ Làng). Ở đây Diêu Bông được “tưởng tượng” như “sắc hoa”, “ti-gôn”, “hoa sim”... cho tình sử nhạc khúc nhưng danh xưng tưởng tượng “thoát xác” qua ý thơ của Hoàng Cầm.
Trở lại hình ảnh Lá Diêu Bông với tơ lòng nhà thơ đắm say trong trường tình. Với hình ảnh người bạn đời Tuyết Khanh, Hoàng Yến; với cả mười người tình đi qua đời, qua trái tim; hình ảnh người con gái quê Đình Bảng vẫn là “đẹp nhất trần gian” ghê thật!.
Hoàng Cầm, nghệ sĩ sống thật với cõi lòng. Qua bao nhiêu đau thương, biến động dồn dập trong cuộc sống, Hoàng Cầm vẫn mang nặng tâm hồn nghệ sĩ, chấp nhận tất cả mọi hệ lụy để sống còn và sáng tác. Trôi nỗi giữa cuộc sống phong ba, bão táp, nhà thơ Sông Đuống có lẽ bị hai cú “shock” mạnh nhất là ngày chị Vinh đi lấy chồng và ngày Bùi Thị Hoàng Yến - đứa con thân yêu nhất - vĩnh viễn ra đi khi 63 tuổi đã làm Hoàng Cầm “hoàn toàn sụp đổ, hàng tháng sau vẫn chỉ là cái xác vật vờ, lờ lững mà thôi”!.
Đọc Lá Diêu Bông, nghe Lá Diêu Bông... một mối tình đơn phương đầy lãng mạn, một huyền thoại về hình ảnh chiếc lá biểu tượng cho tình yêu chất ngất, rướm máu... Chỉ có Hoàng Cầm đam mê, nóng bỏng, lãng mạn của kiếp đời nghệ sĩ.
Nếu so sánh Hán Quang Võ đa tình, đa cảm... mẫn mê với thở Lệ Quyên “thơm như hoa lan”, giữa Ôn Như Hầu (tác giả Cung Oán Ngâm Khúc...) và Dục Đức (Tự Đức) (tác giả Ngự Chế Việt Sử tổng vịnh tập, Luận ngữ Diễn Ca...) cách nhau một thế kỷ còn mập mờ tranh nhau hình ảnh Thị Bằng - “Đập cổ kính ra tìm bóng cũ. Xếp tàn y lại để dành hơi” - thì Lá Diêu Bông có lẽ tha thiết, nặng tình, bi thương hơn bội phần. Nếu so sánh với tuổi yêu đương, có lẽ Hoàng Cầm đứng đầu danh sách nghệ sĩ.
Với “thiên tình sử” Lá Diêu Bông, và với Hoàng Cầm, người nghệ sĩ bị chôn vùi tâm hồn lãng mạn qua thời gian lâu dài trong vùng đất ngục tù, cay đắng... nhưng thời gian đó vẫn giữ được trái tim rực lửa như thuở học trò với người gái quê Kinh Bắc. Còn những ngày cuối đời, ông lại đánh mất hình ảnh đẹp và nghệ sỹ của thưở nào !
Tên tuổi Hoàng Cầm được nhắc nhở qua cung bậc với Lá Diêu Bông, ở hải ngoại, Phạm Duy đã phổ nhiều ca khúc qua dòng thơ của Hoàng Cầm, nổi tiếng như ca khúc Tình Cầm (thơ Nếu Anh Còn Trẻ, 1941):
“Nếu anh còn trẻ như năm ấy
Quyết đón em về sống với anh
Những khoảng chiều buồn phơ phất lại
Anh đàn, em hát níu xuân xanh...”
Chân Dung Nhà Thơ
Hoàng Cầm, tên thật: Bùi Tằng Việt. Sinh năm 1921, làng Đình Bảng, thôn Phúc Tằng, Việt Yên, Bắc Ninh. Theo Hoàng Văn Chí trong tác phẩm Nhân Văn Giai Phẩm - Sài Gòn VN, 1957 - Hoàng Cầm sinh năm 1922 ở làng Lạc Thổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Hải Dương. Theo Đinh Cường trong bài viết “Hoàng Cầm, Nhà thơ Cho Ta Yêu Sông Đuống” sau ngày gặp mặt Hoàng Cầm tại Sài Gòn: “Sinh năm 1921 tại làng Lạc Thổ, Chợ Hồ, huyện Lang Tài, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Thân phụ anh hoạt động trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục nên từ bé anh đã được hun đúc tinh thần dân tộc và ái quốc”. Yêu thơ văn từ thuở học trò, lớn lên, Hoàng Cầm không thích nghề giáo nên dấn thân vào con đường kịch nghệ và thi ca. Năm 1940, Hoàng Cầm đổ tú tài.
Vào thập niên 1940, Hoàng Cầm nổi danh với tác phẩm kịch nghệ như Lên Đường, Kiều Loan, Hận Nam Quan...
Cuối năm 1944, tham gia Việt Minh, được thanh niên làng bầu làm Bí thư đoàn thanh niên cứu quốc. Từ 1938 đến 1945, Hoàng Cầm sống ở Hà Nội. Gia đình muốn ông vào tiếp đại học hay cao đẳng, nhưng ông bỏ học vì muốn đi theo nghiệp văn chương. Cuối năm 1946, trong cuộc phát động cuộc kháng chiến chống Pháp, Hoàng Cầm sơ tán lên Việt Bắc. Tháng 8 năm 1947, ông tham gia Vệ quốc quân ở chiến khu 12. Cuối năm đó, ông thành lập đội Tuyên truyền văn nghệ, đội văn công quân đội đầu tiên. Hoàng Cầm cho biết:
“Tôi không làm việc gì khác ngoài việc sáng tác - làm thơ, viết kịch, diễn kịch. Rồi dạy cho bộ đội cách làm thơ, viết kịch ngắn. Tôi phụ trách đoàn văn công đầu tiên của quân đội, khoảng 15 người. Chữ văn công là sau này khi quan hệ với Trung Quốc từ năm 1950 mới có, nghĩa là văn nghệ công tác đoàn. Còn ban đầu, gọi là đội văn nghệ tuyên truyền, làm việc cho đến hết kháng chiến”.
Năm 1952, ông được cử làm trưởng đoàn văn công Tổng cục Chính trị, hoạt động biểu diễn cho quân dân vùng tự do và phục vụ các chiến dịch. Tháng 10 năm 1954, đoàn văn công về Hà Nội. Đầu năm 1955, do đoàn văn công mở rộng thêm nhiều bộ môn, Hoàng Cầm được giao nhiệm vụ trưởng đoàn kịch nói. Năm 1956, ông chuyển ngành sang Hội Văn Nghệ (tiền thân của Hội Nhà Văn hiện nay) vào năm 1956. Sau đó, ông là phó giám đốc nhà xuất bản của Hội Văn Nghệ, mà sau này là NXB Văn học. Tuy nhiên, không lâu sau, do vụ án “Nhân Văn Giai Phẩm”, ông phải rút khỏi Hội nhà văn vào năm 1958 và về hưu non năm 1970 lúc 48 tuổi. Ngoài bút danh Hoàng Cầm ông còn có các bút danh: Bằng Việt, Lê Thái, Lê Kỳ Anh, Bằng Phi.
Hoàng Cầm nổi tiếng với vở kịch thơ Hận Nam Quan, Kiều Loan.
Năm 1945, kịch thơ Kiều Loan ra đời, diễn viên Tuyết Khanh đóng vai Kiều Loan. Vở kịch Kiều Loan trình diễn lần cuối vào tháng 11-1946 rồi đình bản vì tình hình chiến sự.
“Anh đang sống chung với Tuyết Khanh, nữ kịch sĩ của đoàn kịch Đông Phương do anh Hoàng Tích Linh thành lập trước đây. Tuyết Khanh là người thủ vai chính trong vở Người Điên của Hoàng Cầm. Vở kịch cón mang thêm cái tên Kiều Loan... Đi theo Hoàng Cầm ra vùng kháng chiến, Tuyết Khanh, mà lúc đó Hoàng Cầm cũng đổi luôn tên là Kiều Loan, đang có thai và bắt buộc phải ở lại vùng trung du để Hoàng Cầm và chúng tôi lên đường lưu diễn” (Hồi Ký Phạm Duy - Thời Cách Mạng Kháng Chiến). Và, mối tình thơ mộng đó đã cho ra tác phẩm bằng xương bằng thịt: Kiều Loan. Thế rồi: “Suốt thời gian từ 1948 cho tới năm 1954, từ trong vùng địch chiếm, Kiều Loan mẹ viết thư cho Hoàng Cầm nhiều lần và chẳng bao giờ được trả lời. Sau hiệp định Genève chia đôi đất nước, Kiều Loan mẹ đành phải bế con lên sán di cư vào Nam, trong khi Hoàng Cầm hãy còn ở một nơi nào đó trong vùng quê miền Bắc.
... Đứa bé nằm trong bụng mẹ trong thời kháng chiến năm xưa, hôm nay, trong một ngày lành tháng tốt của năm 1968, đã lấy chồng. Qua tới Mỹ năm 1975, tôi biết tin Kiều Loan mẹ cũng đi tị nạn và đang sống tại vùng Hoa Thịnh Đốn. Vào nam 1982 tôi lại nghe tin Kiều Loan con cũng vượt biên qua tới Mỹ và về sống với Kiều Loan mẹ tại Los Angeles. Ngày đầu năm 1983, trong buổi đi chơi tình cờ, tôi được một người bạn đau lại gặp hai mẹ con Kiều Loan tại căn nhà nhỏ ở downtown Los Angeles” (Phạm Duy - Hồi Ký TCMKC).
Khi định cư tại Hoa Kỳ, Kiều Loan nối nghiệp song thân, cùng với phu quân là Trần Nhật Hiền, nguyên Giám đốc trường Quốc Gia Âm Nhạc Huế, lập ra ban kịch, ra mắt vở kịch Kiều Loan vào năm 1982 tại San José, được lưu diễn nhiều nơi, góp mặt trong việc hồi sinh nền kịch nghệ hải ngoại.
Khi Hoàng Cầm về Hà Nội thì Tuyết Khanh và Kiều Loan đã di cư vào Nam. Hoàng Cầm lập lại cuộc đời với Lê Hoàng Yến ở 43 Lý Quốc Sư Hà Nội. Đứa con gái ra đời được lấy tên mẹ Bùi Thị Hoàng Yến, sau nầy trở thành diễn viên kịch nghệ. Tháng 5-1982, Hoàng Yến qua đời, Hoàng Cầm rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần trầm trọng, như dòng thư gởi ra hải ngoại cho Kiều Loan: “Đến khi chị Yến chết thì bố hoàn toàn sụp đổ, hàng tháng sau vẫn chỉ là cái xác vật vò, lò lững mà thôi...”.
Tưởng nhớ người vợ, Hoàng Cầm bày tỏ niềm rung ảm qua Nén Linh Hương:
“Đã hẳn em bay cõi im-vô-cực
Sao còn mưa mau quất đau lá cành...
Từ hôm em đi ghi âm cười khóc
Ghi nét mày chau ghi sắc môi hồng...”
Bài thơ Xa, khóc Lê Hoàng Yến viết vào tháng 8 năm 1985, vô cùng cảm động:
“Em đâu? Ai xé hồn muôn mảnh
- Tiếng mối tường bên xé tiếng mưa...
Đêm đêm hương khói, ngày không nói
Trang giấy vùng âm đắp ẩm êm
Ai khấn gọi gì qua mộ chí
Chơi sao nuốt nghẹn khối u mềm...”
Tham gia trong thời kỳ kháng chiến, dòng thơ tuyệt vời của Hoàng Cầm qua “Bên Kia Sông Đuống” và “Đêm Liên Hoan” vang vọng, được lan truyền khắp nơi.
Đó là hai người tình, bạn đời chính thức của Hoàng Cầm.
Sau vụ án Nhân Văn - Giai Phẩm năm 1956, Hoàng Cầm được trở về căn nhà xưa, mở quán nhỏ bán cà phê thuốc lá độ nhật.
Tháng 8 năm 1982, Hoàng Cầm bị bắt lần thứ hai và giam 3 năm ở Hoa Lò. Năm 1988, những người liên quan vụ án năm xưa như Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần, Dương Tường, Phùng Quán... mới được phục hồi hội tịch của Hội Nhà Văn Việt Nam. Tác phẩm của họ dần dần được xuất bản trở lại.
Năm 1989, tập kịch Men Đá Vàng được xuất bản ở Sài Gòn, sau gần nửa thế kỷ im bóng.
Về thi ca, Hoàng Cầm sáng tác được 2 tập: Bên Kia Sông Đuống và Về Kinh Bắc. Cho đến năm 75 tuổi, chọn lọc trong khoảng 300 bài thơ liên quan đến hình ảnh 13 người đẹp đi vào trái tim với “Thơ Hoàng Cầm - 99 Tình Khúc”. Theo nhà thơ: “Tôi biết ơn tất cả những người con gái đã đi qua đời tôi, đã gieo gió bão trên cánh đồng thi ca của riêng tôi”. Năm 1998, thi phẩm Thơ Hoàng Cầm gồm hai phần: Vọng Về Kinh Bắc và Thơ Tình (Tình Ngây, Tình Si Mê, Tình xưa) được xuất hiện.
Trước kia, Hoàng Cầm gắn liền với hình ảnh Kiều Loan. Và, bài thơ Lá Diêu Bông, rất ngắn nhưng đã làm sống lại tên tuổi Hoàng Cầm một thời, ngay cả hải ngoại.
Có bài thơ đã vượt không gian và trường tồn với thời gian vào quảng đại quần chúng; chẳng hạn, Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu. Ngày xưa, thi hào Lý Bạch xem bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu cùng thời Thịnh Đường ở Trung Hoa, ngưỡng mộ phóng bút: “Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc?. Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu!”. Hoàng Hạc Lâu làm sống mãi tên tuổi Thôi Hiệu trải qua nghìn năm sau. Hoàng Hạc Lâu được rất nhiều nhà thơ Việt Nam dịch, cảm tác từ thời tiền chiến cho đến nay, trong tâm trạng con người lưu vong khắp bốn phương trời.
Viễn Khách
Vở kịch thơ Viễn Khách tả câu chuyện về đời Hồ Quý Ly của tác giả Hoa Thu được được đăng trên báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy từ 27 tháng 8 đến 24 tháng 12 năm 1949 ỏ Hà Nội. Vở kịch nầy được Hoa Quỳnh Kịch Xã của Vũ Khắc Khoan, Phan Tại... diễn ở Nhà Hát Lớn Hà Nội và sau đó cho trình diễn các nơi. Vở kịch nổi tiếng với cái tên Hoa Thu mới lạ nên gây xôn xao và nhiều người cho là Hoàng Công Khanh hay Hoàng Cầm và nhà thơ im lặng...
Sau nầy, Đinh Cường tuy gặp Hoàng Cầm ở Sài Gòn nhưng cũng viết: “Viễn Khách (ba màn, viết năm 1952, kịch nầy Hoàng Cầm ký tên Hoa Thu, do Thế Lữ dựng, Mộng Lan thủ vai chính)”. Đinh Cường tuy gặp Hoàng Cầm mà không hỏi lại dựa vào bài viết trên tạp chí Quê Mẹ ở Pháp năm 1984 khi đăng tiểu sử của Hoàng Cầm.
Tháng 10 năm 1993, Hoàng Cầm mới cải chính bị ngộ nhận, đăng trên báo Văn Nghệ số 49:
“... Không ngở 35 năm sau (1957-1992) câu chuyện Hoa Thu Viện Khách đột nhiên trở lại với tôi trên cái căn gác xếp tồi tàn mà tôi đang ở và làm việc. Khoảng tháng 9-1992, tôi bỗng nhận được một bức thư từ Mỹ, phong bì dày cộm gói ghém 8 trang giấy hồng rộng khổ, gói ghém cả một bầu tâm sự bi đát của cả một đời cô gái khuê các... Thì ra tác giả kịch thơ Viễn Khách lại chính là người yêu của Hoa Thu. Vì một lẽ riêng, tác giả lấy bút hiệu của người tình, Hoa Thu, ký dưới tác phẩm của mình. Còn tên thật của Hoa Thu là Đặng Thị Đức Hoan, năm nay 69 tuổi, hiện ở bang Washington, Mỹ. Trong thư, sau những tâm sự buồn phiền, bà Hoan có yêu cầu tôi đính chính cho rằng: Hoàng Cầm không phải là tác giả kịch thơ Viễn Khách, vì ở nước ngoài, nhất à ở Mỹ hiện nay, đa số những người Việt yêu chuộng môn kịch thơ, cứ đinh ninh vở Viễn Khách là do Hoàng Cầm viết, bởi lẽ nhiều tờ báo khi viết về tiểu sử Hoàng Cầm đều kể đến Viện Khách trong số những tác phẩm kịch thơ của tôi. Cả Phạm Duy, một trong những người bạn xa quê hương của tôi, cũng đã viết ở mấy tờ báo như vậy...”.
Sau đó, bài viết Tác Giả Kịch Thơ Viễn Khách Là Ai? đăng trên nhật báo Người Việt số ra ngày 25 tháng 4 năm và ngày 2 tháng 5 năm1999 với tất cả tài liệu, thư từ của người trong cuộc cho biết Hoa Thu là Lê Huyền Linh.
Thái độ ỡm ờ của Hoàng Cầm về tác giả vở kịch Viễn Khách cũng khó hiểu. Hoàng Cầm sinh hoạt văn nghệ ở Hà Nội nhưng đến năm 1993, sau lá thư của bà Đặng Thị Đức Hoan mới viết: “... Tôi cứ ngờ ngợ như vậy mãi đến năm 1957, mới được nhìn thấy vở kịch Viễn Khách ký tên Hoa Thu tên tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy năm 1949. Đọc kỹ cả vở kịch mới thấy đó là một kịch bản viết bằng thơ hoàn toàn không có dấu hiệu gì của tôi từ câu chuyện đến nội dung đến từng câu từng chữ”. Nếu không có lá thư từ Mỹ gởi về để xin minh xác, Hoàng Cầm có lên tiếng?
Từ Nhân Văn Đến Điếu Văn
Hình ảnh nhà thơ Hoàng Cầm rất đẹp trong lòng người yêu thơ, kịch qua bao thập niên, Hoàng Cầm với nòi tình, với bao nỗi bất hạnh được bày tỏ qua những bài thơ được viết thành ca khúc... Hoàng Cầm đáng yêu , đáng quý của thới Nhân Văn, thế nhưng khi Tố Hữu qua đời, bài Điếu Văn của hoàng Cầm đã tự bôi tro trát trấu hình ảnh năm xưa.
Bài Điếu Văn của Hoàng Cầm với Tố Hữu: Thương Tiếc Nhà Thơ Cách Mạng
“... Anh Tố Hữu, một đồng nghiệp của tôi từ thời kháng chiến chống đế quốc Pháp, hôm nay đã bay vào cõi hư khoâng tịch mịch. Với Đảng Cộng sản VN, với gia đình anh, đây là một nỗi mất mát to lớn.
Riêng với tôi, từ sớm nay nghe tin anh qua đời, tôi đã có những phút bâng khuâng vô hạn. Bâng khuâng vì sự ra đi của một con người, bởi lẽ con người có sinh ắt có tử, không ai thoát được luật trời. Có những cuộc ra đi đầy ai oán, xót thương, có những cuộc ra đi đầy tiếc hận. Nhưng với anh, sự ra đi này thật đúng với lẽ trời, vì chính anh cũng đã được trời ban cho một tuổi thọ đáng mô ước.
... Thế thôi, đứng trước hương hồn anh, trước cõi chết mịt mờ màu tro nguội lạnh cũng đang chờ tôi chờ hết thảy chúng ta, tôi không còn biết nói gì hôn là cầu chúc hương hồn anh được siêu sinh, mong anh yên nghỉ trong hương thơm hoa cỏ của tổ quốc VN bất diệt. Cầu Trời Phật cho anh được siêu sinh tĩnh độ trong khói trầm từ đài hoàn vũ quảng đại và nhân từ.” Hoàng Cầm (Lao Động số 332. Ngày 11 tháng12-2002).
Trong cuốn Hồi Ký Nguyễn Đăng Mạnh ghi lại hình ảnh Tố Hữu ra lệnh bắt Trần Dần theo lời kể của Hoàng Cầm:
“Hồi Hoàng Cầm cho in tập Giai Phẩm Mùa Xuân, có đăng bài của Trần Dần, Tử Phác. Tố Hữu triệụ tập mấy người đến họp:
Hoàng Cầm, Văn Phác, Chế Lan Viên... Tố Hữu cầm cuốn Giai Phẩm Mùa Xuân hỏi mọi người: Các anh thấy tập sách này thế nào?
Không ai dám trả lời, vì không đoán được ý Tố Hữu. Chế Lan Viên nhanh trí, đoán trúng ý thủ trưởng. Anh nói: Cuốn sách đại phản động!
Tố Hữu hỏi Văn Phác: Hiện nay chúng nó đang ở đâu?
Văn Phác: Thưa, các anh ấy đang đi thực tế ở Yên Viên
Tố Hữu lệnh - Hoàng Cầm nhớ đúng 6 tiếng: Gọi nó về, bắt lấy nó
Thế là Văn Phác làm giấy tờ bắt Trần Dân, Từ Phác...”
Khi bài báo đăng tải, Nhà văn Hoàng Tiến viết về hình ảnh Hoàng Cầm:
“Nhân đọc trên báo Lao Động thấy nhà thơ Hoàng Cầm, người bị điêu đứng trong vụ án Nhân Văn, có bài thương cảm viếng nhà thơ Tố Hữu, gây cảm xúc mà bật ra mấy câu sau:
Tố Hữu mất đi
Hoàng Cầm viết lời ai điếu
Đăng đầu tiên, báo Lao Động, trang 5.
Ông trời xanh rõ thật oái oăm
Khiến dân đen bật cười khúc khích.
Hoàng Cầm vị thuốc đắng
Nên giã tật rất tài.
Chuyện thế gian,
thôi, gác bỏ ngoài tai
Phất tay áo,
đến Trúc Lâm:
“Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên” (*)
(*): Bài “Cư Trần Lạc Đạo”của Trần Nhân Tông đệ nhất tổ Trúc Lâm thiền phái. Người viết xin phép đảo câu đầu và câu cuối...”
Năm 1953, Tố Hữu khóc Stalin “thương ông thương mười”, nửa thế kỷ sau Hoàng Cầm khóc Tố Hữu, xem như cá mè một lứa! Năm 2008, Hoàng Cầm nhận Giải Thưởng Văn Chương do nhà nước Việt Nam trao cho, ông phát biểu:
“Chỉ tiếc là giải thưởng này đến với chúng tôi quá muộn, giá như chúng tôi được thừa nhận vào thời gian sau thống nhất đất nước năm 1975 thì tốt hơn. Giờ ông Trần Dần, ông Phùng Quán mất rồi. Tôi cũng đã 86 tuổi, ông Lê Đạt gần 80 tuổi. Thương các anh em không còn sống để biết mình được thừa nhận. Bây giờ thấy giải thưởng vẫn đẹp, nhưng mà chậm”.
Khi được hỏi về số tiền của giải thưởng có an ủi được ông khi đã ở tuổi gần đất xa trời? Ông trả lời:
“ 60 triệu đồng của giải thưởng rất có lợi cho tôi, nó an ủi được tuổi già. Tôi sẽ cho con cháu một ít, chữa bệnh một ít, thế thôi. Tôi không từ chối giải thưởng, vì như vậy sẽ lố bịch. Nhà nước tặng giải thưởng là xứng đáng. Chúng tôi có tác phẩm, tác phẩm có giá trị thật sự cơ mà? Chúng tôi không cần phải ra vẻ cao đạo từ chối giải thưởng. Giải thưởng chứng tỏ giá trị của chúng tôi vẫn còn, là thật, trước sau vẫn còn đó, nó tồn tại với nhân dân. Chúng tôi xứng đáng, nên chúng tôi không từ chối”.
Hoàng Cầm đã chứng kiến hung thần văn nghệ Tố Hữu thanh trừng, hành hạ bao nhiêu văn nghệ sỹ quen thân với ông qua mấy thập niên nhưng không giữ được hào khí như Hữu Loan trong tuổi gần đất xa trời. Không khóc những người đồng cảnh ngộ sa cơ thất thế mà lại thương vay khóc mướn tên đồ tể văn nghệ với những lời ai oán!
Hình ảnh nhà thơ Hoàng Cầm đẹp nhất trong tác phẩm Quê Nhà Bốn Mươi Năm Trở Lại của Phan Lạc Tiếp. Và, từ nguồn cảm hứng đó, tôi viết về Hoàng Cầm. Nhưng nay... Than ôi! Hoàng Cầm
Viết lại 4-2009
(ViệtVăn Mới)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét