1. CÁI CHO NHÂN ÁI
Sau khi vượt biển thành công và tỵ nạn tại Thailand khoảng 6 tháng, tôi được nước Mỹ chấp thuận cho định cư. Lộ trình chuyến bay từ Bangkok đến San Francisco Hoa kỳ sẽ quá cảnh ở Tokyo, Nhật Bản. Chuyện sau đây xảy ra khi đoàn chúng tôi già trẻ lớn bé gần một trăm người tỵ nạn, áo quần xốc xếch ngồi chờ 3 tiếng ở phi trường Tokyo để đợi chuyển chuyến bay đi đến miền đất hứa. Thời gian khá lâu nên ai cũng bắt đầu cảm thấy đói. Tôi và vài người nữa trong đoàn bèn tới một gian hàng nhỏ bán bánh mì ngay trong phi trường gần đó để mua. Lúc trả tiền, người bán hỏi có phải Vietnamese refugees không? Tôi trả lời phải.
<!>
Họ nói khỏi trả tiền, lại còn tặng thêm mỗi người một lon nước.
Tôi trở về chỗ ngồi chưa kịp thưởng thức thì đã thấy hai vợ chồng chủ tiệm khệ nệ khiêng ra một khay đầy bánh mì kẹp thịt và một bình nước lọc với ly giấy tới chỗ những người tỵ nạn đang ngồi để tặng cho cả đoàn. Khi đưa bánh, thấy trong đoàn có một bé sơ sinh, họ bèn cho người đi mua thêm một bình sữa.
Hình ảnh làm tôi nhớ mãi là có một bà cụ trong đoàn vì cảm kích lòng tốt của hai người chủ tiệm, theo lối Việt Nam, bà cúi đầu chắp tay xá cám ơn thật sâu. Hai vợ chồng họ bèn nghiêm trang đứng và cùng cúi đầu trước bà cụ xá lại để trả lễ.
Khi đó, tôi vẫn còn nhỏ nên hơi ngạc nhiên về thái độ lịch sự của họ. Càng lớn lên tôi mới hiểu không dễ gì có một tấm lòng như vậy.
Hai người này tuy là người cho nhưng họ vẫn có tấm lòng kính trọng với người nhận. Một cái cho nhân ái, vô vị lợi, không phải là cái cho bố thí của một anh nhà giàu với một người ăn xin trên hè phố. Mấy chục miếng bánh mì chắc không phải món tiền lớn đối với họ nhưng vẫn là một số tiền đáng kể mà họ phải bỏ công làm mới có.
Họ biết rằng trong vài tiếng nữa thôi, những người Việt tỵ nạn này trong sẽ đi về những miền xa xôi và chắc sẽ không có cơ hội gặp lại… nhưng họ vẫn sẵn lòng giúp đỡ mà không hề nghĩ đến sự đền đáp.
Một lần nữa, dù rất muộn màng, tôi xin nghiêng mình cảm tạ tấm lòng nhân ái của đôi vợ chồng người Nhật tại phi trường Tokyo năm nào./.
(A true story) ThaiNC
2. CHIẾC ÁO
ThaiNC
Một hôm lái xe trên đường, tình cờ nghe radio đọc câu chuyện sau đây có tựa đề là “Chiếc Áo”, tôi bèn kể lại nhưng không nhớ tên tác giả là ai!
“Ở một tỉnh lỵ nhỏ có chàng học sinh nọ con nhà khá giả, mỗi ngày đi học đều để ý một cô bán chè xinh xắn gánh chè bán dạo trên cùng quãng đường.
Trời mùa Thu gió se se lạnh nhưng cô bao giờ cũng chỉ mặc manh áo đơn sơ, oằn mình dưới gánh chè trĩu nặng làm cho anh thương hại đau xót, bèn về nhà xin mẹ một cái áo len và hôm sau lấy hết can đảm tặng cô bán chè đó. Chỉ vậy thôi chứ không có một lời tỏ tình nào xa hơn nữa!
Sau đó, chàng trai phải nhập ngũ làm nghĩa vụ người trai thời chinh chiến và đã ra đi biền biệt bốn phương trời.
Trải qua một thời gian thật dài hai mươi năm sau, chàng trai đó tình cờ trở lại cố hương, bước đi trên quãng đường ngày xưa, bao kỷ niệm cũ trở về từ ký ức. Anh lại thấy một cô bán chè tướng giống y như người xưa và đặc biệt cô đang mặc đúng chiếc áo len mà anh đã tặng. Nhưng không phải! Cô còn trẻ lắm, không thể là người xưa của anh.
Cô là con của cô bán chè năm xưa. Cô bán chè thuở nọ, người mà anh tặng chiếc áo, đã không còn nữa. Mẹ của cô gái đã qua đời sau một cơn bạo bệnh. Mẹ cô cho cô chiếc áo len và nói đây là tình đầu của mẹ, mối tình thầm kín chất chứa bao nhiêu năm. Cô hỏi người đó là ai, mẹ cô lắc đầu và nói: ngày sau, khi con đang mặc chiếc áo này, nếu có người đàn ông nào tới hỏi tức là người đã tặng cho mẹ chiếc áo, là người mà mẹ đã thầm yêu mến trao trọn mối tình đầu.
Và hôm nay cô đã gặp được người đó.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét