Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2023

Giới Thiệu Sinh Hoạt và Kính Chuyển Tin Nóng Thế Giới Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


THÔNG BÁO CUỐI CÙNG V/V ĐÓNG GÓP $30,400.00 (BA MƯƠI NGÀN BỐN TRĂM ĐÔ LA) CHO ĐNH CÁM ƠN ANH KỲ 16 CỦA ACE CỰU CSQG & THÂN HỮU (CHỦ NHẬT TUẦN NÀY!)
Kính gởi Quý Niên Trưởng, Quý Chiến Hữu và Quý Thân Hữu,
Cho đến hôm nay, qua tin tức ghi nhận được biết ACE Cựu CSQG và một số Thân Hữu thân thiết đã tích cực đóng góp để giúp đỡ Thương Binh và Quả Phụ VNCH nhân ĐNH Cám Ơn Anh Kỳ 16 với kết quả như sau:
<!>
1- Hội Ái Hữu CSQG Nam CA: Hội Trưởng Nguyễn Doãn Hưng đã thu góp: $13,400.00
2- Hội Ái Hữu CSQG Houston, Texas: Hội Trưởng Lê Văn Thao đã thu góp trong BCH Hội: $1,150.00 (đã gởi trực tiếp đến Hội H.O.)
3- Khóa 1 Học Viện CSQG: NT Nhữ Đình Toán đã thu góp: $ 2,500.00
4- Tổng Hội CSQG đã thu góp: $13,350.00

Tổng Cộng $30,400.00

Trân trọng kính báo.
Thái Văn Hòa











Giới Thiệu Sinh Hoạt Hội Đoàn Quân Đội: Buổi Cơm Thân Mật Họp Mặt Tháng 7 Của Gia Đình Không Quân Bắc Cali

Chúc Mừng!
Buổi Cơm Thân Mật Họp Mặt tháng 7 này, có “Quân Số” kỷ lục! chưa bao giờ thấy! trên…35 cánh chim cùng…hội ngộ!
Rất đúng nghĩa “không bỏ anh em, không bỏ bạn bè!” thật thú vị, an ủi cuộc đời. Mỗi tháng được gặp mặt “Điểm Danh”, ai khỏe, ai yếu, ai còn, ai mất, quá ấm áp tình nghĩa!
Không phải khoe, sinh hoạt ý nghĩa này, chỉ thấy Gia Đình Không Quân Bắc Cali làm được chuyện này! có sinh hoạt hàng tháng như thế này...thôi nhé!
Chúc Mừng! Chúc Mừng!




Tin Biến Chuyển Thời Cuộc, Đang Được Chú Ý Nhất:

Chuyến Đi Của Bộ Trưởng Tài Chánh Mỹ Thăm Trung Quốc, Nhằm Ổn Định Quan Hệ Song Phương!


(Hình: Bộ trưởng Tài chánh Hoa Kỳ Janet Yellen đến Phi trường Quốc tế Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 6/7/2023.)

-Chiều 6/7/2023, Bộ trưởng Tài chánh Mỹ Janet Yellen đã đến Bắc Kinh, mở đầu chuyến đi 4 ngày nhằm cải thiện quan hệ thương mại song phương trong bối cảnh hai nước đang có nhiều bất đồng về kinh tế. Hãng tin AP cho biết ít có khả năng bà Yellen được Chủ tịch Trung Quốc tiếp.

Đây là lần đầu tiên bà Yellen công du Trung Quốc trong cương vị Bộ trưởng Tài chánh Hoa Kỳ. Chuyến đi này đã được dự trù từ lâu nhưng đã bị dời lại do căng thẳng từ vụ phát giác khinh khí cầu Trung Quốc trên không phận Mỹ hồi tháng 2/2023. Theo giới quan sát, chuyến đi này cũng như chuyến công tác trước đó của Ngoại trưởng Antony Blinken nhằm chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Bà Janet Yellen thăm Trung Quốc vào lúc mà quốc gia này đang gặp khó khăn kinh tế, đặc biệt là do Hoa Kỳ tăng lãi suất chỉ đạo, khiến vốn ngoại quốc đầu tư ồ ạt đổ về Mỹ, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc liên tục bị mất giá trong nhiều tuần qua.

Bộ Tài chánh Mỹ cho biết Hoa Thịnh Ðốn và Bắc Kinh muốn "mở rộng các kênh đối thoại nhằm tránh hiểu nhầm và đẩy mạnh hợp tác trên một số chủ đề liên quan đến kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu, hay khủng hoảng nợ mà các nước đang phát triển phải đối mặt".

Tuy nhiên hãng tin Anh Reuters ghi nhận chiều 6/7, Trung Quốc chỉ cử một viên chức "hàng thứ yếu" ra phi trường đón Bộ trưởng Tài chánh Hoa Kỳ khi bà đáp xuống phi trường Bắc Kinh. Thái độ lạnh nhạt đó báo trước chuyến đi này sẽ không đem lại nhiều kết quả. Theo chương trình nghị sự, tại Bắc Kinh ngày 7/7, bà Yellen sẽ hội kiến Thủ tướng Lý Cường, cựu Phó Thủ tướng Lưu Hạc và gặp gỡ nhiều doanh nghiệp Trung Quốc.


Bộ trưởng Tài Chính Mỹ: "Không thể" tách rời kinh tế Hoa Kỳ với Trung Quốc


(Hình: Bộ trưởng Tài chánh Hoa Kỳ, Janet Yellen, (G), trong cuộc họp với các thành viên của Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 7/7/2023.)

-Trong ngày làm việc chính thức hôm 7/7/2023 tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Tài chánh Hoa Kỳ Janet Yellen tìm cách trấn an các tập đoàn Mỹ khi bác bỏ khả năng hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này "tách rời nhau" vì kịch bản đó sẽ "gây bất ổn cho kinh tế toàn cầu".

Trong cuộc gặp các doanh nhân Mỹ tại Phòng Thương mại Hoa Kỳ ở Bắc Kinh, Bộ trưởng Tài Chính Mỹ Janet Yellen cho rằng trong kịch bản kinh tế Mỹ "tách rời" kinh tế Trung Quốc, nền kinh tế thế giới sẽ bị bất ổn. Đồng thời, bà Yellen chỉ trích chính quyền Bắc Kinh trong thời gian gần đây đã có những hành vi trừng phạt các doanh nghiệp Mỹ, thông báo hạn chế xuất cảng một số kim loại chiến lược.

Các phát biểu của Bộ trưởng Tài chánh Mỹ được đưa ra vào lúc có nhiều chính khách tại Hoa Thịnh Ðốn kêu gọi giảm thiểu mức độ lệ thuộc của kinh tế Mỹ vào Trung Quốc "trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị" hiện nay.

Tuyên bố của Bộ trưởng Tài chánh Mỹ thu hút sự chú ý của giới quan sát. Một chuyên gia Trung Quốc thuộc Viện Khoa Học Xã Hội tại Bắc Kinh được AFP trích dẫn giải thích, "trong chính quyền Biden, bà Yellen là người có đầu óc thực dụng nhất và chuyến công tác của bà cho phép hai bên xích lại gần nhau". Giờ đây Trung Quốc và Hoa Kỳ "bắt đầu xây dựng lại" mối quan hệ song phương.

Dù vậy, chính Bộ trưởng Tài chánh Mỹ ghi nhận, chuyến đi của bà là "cơ hội để trao đổi, tránh để xảy ra những hiểu nhầm" vào lúc mà hồ sơ kỹ thuật bán dẫn là cái gai trong quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đầu tuần, Bắc Kinh thông báo từ ngày 1/8 sẽ hạn chế xuất cảng kim loại hiếm mà Mỹ và phương Tây đang cần để sản xuất chíp điện tử. Trong những tháng gần đây, Trung Quốc liên tiếp cho mở điều tra và khám xét trụ sở của nhiều công ty ngoại quốc.

Theo chương trình nghị sự, hôm nay Bộ trưởng Tài chánh Hoa Kỳ, sẽ gặp Thủ tướng Lý Cường, với cựu Phó Thủ tướng Lưu Hạc, và thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc Dị Cương (Yi Gang). Một viên chức Mỹ được AFP trích dẫn, cho biết Janet Yellen "thảo luận về viễn cảnh kinh tế thế giới" và tình hình kinh tế của Mỹ cũng như của Trung Quốc.


Bộ Trưởng Tài Chánh Mỹ Bắt Đầu Chuyến Thăm Trung Quốc Giữa Bối Cảnh Hai Bên Căng Thẳng Đối Đầu


(Hình: Bộ trưởng Tài chánh Mỹ Janet Yellen (phải) đến Phi trường Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh và được ông Dương Anh Minh (giữa) - Vụ trưởng Vụ Quan hệ Kinh tế Quốc tế của Bộ Tài chánh Trung Quốc, tiếp đón vào ngày 6/7/2023.)

-Bộ trưởng Tài chánh Hoa Kỳ Janet Yellen vừa đến thủ đô Trung Quốc hôm thứ Năm (6/7/2023), bắt đầu chuyến thăm 4 ngày, dự kiến sẽ tập trung vào việc hạ giảm căng thẳng trong quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, bất chấp kỳ vọng rất thấp của cả hai bên.

Bà Yellen đã nhận được sự chào đón không nồng nhiệt từ một viên chức Bộ Tài chánh Trung Quốc và đặc phái viên Hoa Kỳ tại Trung Quốc, Nicholas Burns, khi bà bước xuống máy bay của chính phủ Mỹ, sau khi một cơn mưa lớn mang lại chút dễ thở cho Bắc Kinh vốn đang trong bầu khí ngột ngạt.

Tuy nhiên, cả hai bên đều nghi ngờ chuyến thăm của bà Yellen có thể làm giảm bớt nhiều căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung, trong khi các viên chức thừa nhận rằng cả hai nước đều đặt việc bảo vệ an ninh quốc gia lên trên quan hệ kinh tế.

"Đặc biệt nếu có những điều mà chúng ta có thể không đồng ý, thì việc chúng ta nói chuyện với nhau lại càng quan trọng hơn", một viên chức Hoa Kỳ đi cùng bà Yellen phát biểu khi đến Bắc Kinh.

"Tôi không nghĩ là không có kết quả, tôi quả quyết nói điều đó".

Viên chức này cho biết thêm rằng bà Yellen sẽ giải quyết về các hành vi "không công bằng" của Trung Quốc, bao gồm các hành động trừng phạt gần đây đối với các công ty Mỹ và các rào cản tiếp cận thị trường.

Vào thứ Sáu (7/7), bà sẽ gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và cựu viên chức kinh tế Lưu Hạc, người được nhiều người coi là thân cận của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, các nhà bình luận Trung Quốc cho rằng những lo ngại của Hoa Kỳ đối với các hoạt động thương mại của nước này chỉ là giả tạo.

"Tôi không xem đó là bà Janet Yellen không được chào đón nồng nhiệt, nhưng Trung Quốc không thể nuốt tất cả những viên thuốc độc và tiếp tục nở nụ cười", Wang Huiyao, Chủ tịch của một tổ chức nghiên cứu, Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, nói, ám chỉ những biện pháp trừng phạt ngày càng tăng của Hoa Kỳ đối với một số công ty Trung Quốc.

Trước chuyến thăm của bà Yellen, các nhà phân tích Trung Quốc nói với truyền thông nhà nước rằng bài phát biểu hồi tháng Tư của bà, trong đó xếp việc bảo đảm lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ và các đồng minh là cốt lõi của chính sách kinh tế với Trung Quốc, đã không truyền cảm hứng lạc quan.

Zhu Feng, Giáo sư Quan hệ Quốc tế tại Đại học Nam Kinh, nói với tờ Hoàn cầu Thời báo rằng việc bà Yellen nhấn mạnh đến an ninh quốc gia có nghĩa là Hoa Kỳ khó có thể ngăn chặn "sự lấn lướt về kinh tế và kỹ thuật" của Trung Quốc.

Theo lời viên chức Hoa Kỳ, bà Yellen sẽ nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ không ủng hộ việc tách rời và kêu gọi Trung Quốc minh bạch hơn về luật gián điệp mới của họ, cũng như tiến bộ trong việc giải quyết vấn đề nợ quốc tế.

Mặc dù không có đột phá lớn nào được kỳ vọng, nhưng các viên chức Mỹ nói bà Yellen sẽ thúc đẩy mở ra các đường dây liên lạc và phối hợp mới về các vấn đề kinh tế, đồng thời nhấn mạnh hậu quả của việc cung cấp vũ khí sát thương cho Nga, một khẳng định mà Trung Quốc đã kiên quyết bác bỏ.

Khi Đại sứ Trung Quốc Tạ Phong gặp bà Yellen ở Hoa Thịnh Ðốn hôm thứ Hai, ông kêu gọi Hoa Kỳ "hết sức chú ý" và hành động để giải quyết những lo ngại chính của Trung Quốc về kinh tế và thương mại.

Wu Xinbo, một chuyên gia nghiên cứu về Mỹ tại Đại học Phúc Đán, người am tường quan điểm của Bắc Kinh, nói rằng thuế quan thương mại do chính quyền Trump áp đặt và các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc là mối quan tâm chính của Bắc Kinh.

Chuyến đi được mong đợi từ lâu của bà Yellen diễn ra vài tuần sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Antony Blinken, người đã đồng ý với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng sự cạnh tranh lẫn nhau không nên dẫn đến xung đột, trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa quân đội hai nước bị đóng băng.

Cả hai chuyến thăm đều được coi là quan trọng để cải thiện liên lạc sau khi quân đội Hoa Kỳ bắn hạ một khinh khí cầu của Trung Quốc trên bầu trời của Mỹ.

Các viên chức Mỹ đến Trung Quốc trước khi một cuộc gặp có thể xảy ra giữa Tổng thống Joe Biden và Tập Cận Bình tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu-Thái Bình Dương dự kiến vào tháng 11 tại San Francisco (California, Hoa Kỳ).


Khởi Động Lại Quan Hệ Mỹ-Trung, Nhiệm Vụ Bất Khả Thi của Janet Yellen
(Thanh Hà)


(Hình: Bộ trưởng Tài chánh Hoa Kỳ Janet Yellen đến Phi trường Quốc tế Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 6/7/2023.)

-Bộ trưởng Tài chánh Hoa Kỳ Janet Yellen bắt đầu chuyến công du Trung Quốc trong 4 ngày, kể từ hôm 6/7/2023, với mục đích "khởi động lại quan hệ song phương", tránh để hai nền kinh tế lớn nhất thế giới lâm vào thế "đối đầu". Nhưng cả Bắc Kinh lẫn Hoa Thịnh Ðốn không kỳ vọng nhiều về chuyến đi này, do đôi bên đều đặt mục tiêu bảo vệ an ninh quốc gia lên trên thương mại và kinh tế.

Ba ngày trước khi tiếp Bộ trưởng Tài chánh Mỹ, nhân danh mục tiêu "bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia", Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo hạn chế xuất cảng một số kim loại hiếm để sản xuất linh kiện bán dẫn và phục vụ kỹ thuật cao. Đây là đòn mới nhất trong cuộc chiến giữa hai siêu cường kinh tế hàng đầu thế giới. Một số nhà phân tích thậm chí còn xem đây là màn "đánh phủ đầu" trước khi bà Janet Yellen đặt chân đến Bắc Kinh. Trong bối cảnh đó, lời kêu gọi của Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Thịnh Ðốn "thu hẹp bất đồng" Mỹ Trung, hay những tuyên bố của Bộ trưởng Tài chánh Mỹ về thiện chí cùng với Bắc Kinh hành động vì khí hậu, môi trường, cùng đề phòng nguy cơ một đại dịch mới… có đáng tin cậy hay không?

Căn cứ vào những phát biểu mạnh mẽ của Bộ trưởng Tài chánh Mỹ hôm 20/4/2023, Giáo sư Châu Phong (Zhu Feng), chuyên về quan hệ quốc tế Đại học Nam Kinh, trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo, nhận định: Chừng nào còn đặt an ninh quốc gia lên hàng đầu, ít có khả năng Hoa Kỳ ngừng "uy hiếp Trung Quốc về kinh tế hay kỹ thuật".

Một chuyên gia khác thuộc trung tâm nghiên cứu Center for China and Globalization thậm chí cho rằng Trung Quốc không thể "nuốt nổi những viên thuốc có tẩm chất độc mà vẫn ngậm cười". Chuyên gia này trực tiếp nhắm vào những tuyên bố của bà Janet Yellen hồi mùa xuân vừa qua: Lần đầu tiên từ 40 năm nay, một thành viên trong chính quyền Mỹ đặt vế an ninh lên trên những lợi ích kinh tế. Hoa Thịnh Ðốn khẳng định muốn thiết lập "quan hệ kinh tế lành mạnh" với Trung Quốc, song chính quyền Mỹ "trước hết tìm cách bảo vệ lợi ích về an ninh của quốc gia và của các nước đồng minh" và vẫn "toàn quyền ban hành lệnh trừng phạt đối với những thực thể vi phạm nhân quyền". Nhìn từ phía Bắc Kinh, đó là điều không thể chấp nhận được.

Hơn nữa, Bộ trưởng Tài chánh Mỹ đến Bắc Kinh lần này vào lúc luật mới về chính sách đối ngoại của Trung Quốc và luật mới chống gián điệp, vừa có hiệu lực ngày 1/7/2023, đều mở rộng quyền hạn của chính quyền Trung Quốc đối với các doanh nghiệp ngoại quốc hoạt động tại Hoa Lục, nhân danh "an ninh quốc gia". Tổng thống Biden, theo tiết lộ của báo tài chánh The Wall Street Journal, đang chuẩn bị ban hành luật mới giới hạn đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Mỹ vào "các lĩnh vực nhậy cảm tại Hoa Lục"

Lindsy Gorman, thuộc trung tâm nghiên cứu German Marsaill Fund of the United States, được thông tấn xã AFP trích dẫn, nhìn nhận: "Không thiếu những bất đồng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc". Làm thế nào hạ nhiệt căng thẳng khi mà Hoa Thịnh Ðốn và Bắc Kinh cùng "lao vào một cuộc cạnh tranh chiến lược"? Chắc chắn là Bộ trưởng Tài chánh Mỹ sẽ yêu cầu phía Trung Quốc giải thích về quyết định giới hạn xuất cảng gallium và germanium, hai kim loại hiếm cần thiết để sản xuất linh kiện bán dẫn. Các nhà quan sát không loại trừ khả năng, đây là đòn để Bắc Kinh, đòi Hoa Thịnh Ðốn nới lỏng các biện pháp kềm tỏa các doanh nghiệp của Trung Quốc.

Có điều là vài tuần trước đây, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cũng vừa công du Trung Quốc, dù ông đã được Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp đón, nhưng dường như "kết quả cũng không nhiều". Trung Quốc không đưa ra cam kết cụ thể nào thể hiện thiện chí làm hạ nhiệt căng thẳng với Mỹ. Thế rồi, giữa hai chuyến đi Bắc Kinh của hai thành viên nặng ký trong chính quyền, Tổng thống Mỹ Joe Biden, không hiểu cố ý hay vô tình, đã xếp ông Tập Cận Bình vào danh sách các nhà "độc tài".

Ngần ấy dấu hiệu báo trước mục tiêu sưởi ấm quan hệ kinh tế và thương mại Mỹ-Trung của bà Yellen không dễ thực hiện. Vả lại ai cũng biết rằng khúc mắc trong bang giao hiện nay giữa Hoa Thịnh Ðốn và Bắc Kinh không chỉ thu hẹp ở vế kinh tế, mà đã lan sang ngoại giao và chiến lược. Dường như cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ đều có nhu cầu trấn an công luận trong nước rằng họ không yếu mềm trước đối phương, nên trước ngày bà Yellen công du Bắc Kinh, chính quyền hai nước cùng báo trước là "không kỳ vọng nhiều" vào kết quả chuyến đi này. Đây là đánh giá từng được đưa ra vài tuần trước khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lên đường sang Trung Quốc.


Bà Yellen Chỉ Trích Các Hành Động 'Trừng Phạt' của Trung Quốc Đối Với Các Công Ty Mỹ


(Hình: Bộ trưởng Tài chánh Hoa Kỳ Janet Yellen và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, ngày 7/7/2023.)

-Reuters cho hay hôm 7/7/2023, Bộ trưởng Tài chánh Hoa Kỳ Janet Yellen kêu gọi Trung Quốc cải cách thị trường và chỉ trích các hành động "trừng phạt" gần đây đối với các công ty Mỹ và các biện pháp kiểm soát xuất cảng mới đối với một số khoáng sản quan trọng.

Bà Yellen, người vừa đến Bắc Kinh hôm thứ Năm (6/7), cho biết các động thái này nhấn mạnh sự cần thiết của các chuỗi cung ứng đa dạng và "linh hoạt", đồng thời cảnh báo rằng Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ chống lại điều mà bà gọi là "các hoạt động kinh tế không công bằng" của Trung Quốc.

Bà Yellen đưa ra nhận xét này với Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Trung Quốc sau cuộc đàm phán mà một viên chức Bộ Tài chánh gọi là "thực chất" với ông Lưu Hạc, cố vấn kinh tế hàng đầu cho Chủ tịch Tập Cận Bình, và Giám đốc ngân hàng trung ương sắp mãn nhiệm của Trung Quốc Dịch Cương (Yi Gang). Bà Yellen cũng có cuộc gặp Thủ tướng Lý Cường hôm thứ Sáu (7/7).

Không có bước đột phá lớn nào được kỳ vọng trong chuyến công du này, với việc các viên chức của cả hai bên thừa nhận rằng việc bảo vệ các lợi ích an ninh quốc gia giờ đây quan trọng hơn là làm sâu sắc thêm các mối quan hệ kinh tế.

Trung Quốc hy vọng Hoa Kỳ sẽ có "những hành động cụ thể" để tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển lành mạnh của quan hệ kinh tế và thương mại song phương, Bộ Tài chánh Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố hôm 7/7.

"Không có bên thắng cuộc nào xuất hiện từ một cuộc chiến thương mại hoặc từ việc tách rời và 'phá vỡ dây chuyền'", tuyên bố nói thêm.


(Hình AP: Phái đoàn của bà Yellen tọa đàm với các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc hôm 7/7/2023.)

Các công ty Hoa Kỳ tại Trung Quốc hy vọng chuyến thăm của bà Yellen sẽ bảo đảm thương mại và các tuyến thương mại giữa hai nền kinh tế vẫn mở, bất kể căng thẳng địa chính trị ở mức độ nào.

Chủ tịch AmCham Michael Hart nói: "Chuyến thăm của bà Yellen có ý nghĩa quan trọng vì nó cho phép có nhiều cuộc đối thoại hơn, nó cho phép nhiều nhân vật cấp trung hơn từ cả hai phía đến dự".

Ông nói thêm: "Tôi nghĩ rằng nếu có thêm một năm không có các chuyến thăm của các nhà lãnh đạo hàng đầu của chính phủ Hoa Kỳ, thị trường sẽ trở nên lạnh hơn".

Bà Yellen cho biết bà đến để hướng tới một "mối quan hệ ổn định và mang tính xây dựng" giữa hai nước, đồng thời nói rõ rằng Hoa Thịnh Ðốn sẽ hành động để bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia và nhân quyền của mình.

Trao đổi thường xuyên có thể giúp cả hai nước giám sát rủi ro kinh tế và tài chính vào thời điểm nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với "những khó khăn như cuộc chiến bất hợp pháp của Nga ở Ukraine và những tác động kéo dài của đại dịch", bà Yellen nói thêm.

Bà Yellen cho biết bà sẽ nói rõ với các viên chức Trung Quốc rằng Hoa Thịnh Ðốn không tìm cách "chia cắt hoàn toàn các nền kinh tế", nhưng nêu lên mối lo ngại về việc họ trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp trong nước, các rào cản đối với việc tiếp cận thị trường đối với các công ty ngoại quốc, và "các hành động trừng phạt" gần đây đối với các công ty Hoa Kỳ.

Bà Yellen cho biết Hoa Thịnh Ðốn vẫn đang đánh giá các biện pháp kiểm soát xuất cảng mới của Trung Quốc đối với gali và germani, những khoáng chất quan trọng được sử dụng trong các kỹ thuật như chất bán dẫn, nhưng cho biết động thái này nhấn mạnh sự cần thiết của "chuỗi cung ứng linh hoạt và đa dạng".


Tin Quốc Tế Đó Đây***

Ukraine: AIEA Đòi Tiếp Cận Toàn Bộ Khu Vực Nhà Máy Điện Nguyên Tử Zaporijjia


(Hình: Nhà máy điện nguyên tử Zaporijjia của Ukraine.)

-Trong khi Nga và Ukraine cáo buộc nhau lên kế hoạch "tấn công" nhà máy điện nguyên tử Zaporijia, Cơ quan Nguyên tử Năng Quốc tế (AIEA) tỏ ra rất quan ngại. Hôm 5/7/2023, AIEA yêu cầu được tiếp cận toàn bộ khu vực nhà máy do Nga kiểm soát từ mùa Xuân 2022, để "xác minh không có mìn hoặc chất nổ". Trước đó, Ukraine cho rằng "có nhiều vật giống như chất nổ được đặt" trên nóc các cơ sở chứa lò phản ứng 3 và 4.

Trong một thông cáo, được thông tấn xã AFP trích dẫn, Tổng Giám đốc AIEA Rafael Grossi nhấn mạnh "vào lúc căng thẳng và hoạt động quân sự gia tăng ở trong vùng, đội ngũ chuyên gia của (AIEA) phải có quyền kiểm chứng tình hình trên thực địa" một cách "độc lập và khách quan". Vài tuần trước, nhân viên của AIEA có mặt ở khu vực nhà máy đã thanh tra nhiều địa điểm, nhưng "cho đến lúc đó, không thấy có dấu vết của mìn hay chất nổ". Tuy nhiên, họ đã không được lên nóc các cơ sở có lò phản ứng số 3 và 4, cũng như một số khu vực của hệ thống làm mát lò phản ứng.

Chính quyền Kyiv kêu gọi cộng đồng quốc tế có "những biện pháp ngay lập tức" để đối phó những nguy cơ trên. Sau khi gặp Thống đốc vùng Zaporijjia tối 5/7, Đặc phái viên Stéphane Siohan của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) gởi về bài tường trình:

"Ông Yuriy Malyshenko không trả lời điện thoại di động, một mắt nhìn về chiến tuyến, mắt kia hướng về phía thành phố Energodar, nơi đặt nhà máy điện nguyên tử, cách đó khoảng 50 cây số về phía đông nam. Thống đốc vùng Zaporijjia khẳng định là có gì đó mờ ám ở nhà máy này: "Người Nga làm gì ở đó à? Trước hết đó là những hành động đi ngược với các công ước quốc tế. Chúng tôi có những thông tin cho biết họ đã gài mìn khu vực này và người ta không biết chuyện gì xảy ra bên trong nhà máy".

Ukraine cũng như cộng đồng quốc tế ngày càng quan ngại, nhưng Thống đốc vùng Zaporijjia, đang ở tuyến đầu, kêu gọi mọi người giữ bình tĩnh. Ông trấn an: "Tình hình đáng lo ngại, nhưng không hề giống như thảm họa Chernobyl. Trong trường hợp xảy ra tai nạn, lượng phóng xạ thải ra sẽ rất nhỏ, nhất là vì hiện nay các lò phản ứng không hoạt động. Tuy nhiên, cần phải chuẩn bị, vì bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra. Người Nga có thể đang toan tính gì đó".

Tại Zaporijjia, cho dù để phòng ngừa, một số người đang tích trữ lương thực, nhưng người dân nói chung vẫn bình thản. Thống đốc vùng Zaporijjia cho biết: "Hiện giờ chỉ có một số ít người dân đã quyết định rời đi, chúng tôi tiếp tục làm việc và làm mọi thứ để giành được thắng lợi sớm nhất có thể. Chúng tôi đã lập kế hoạch di tản trong trường hợp khẩn cấp. Chúng tôi đã sẵn sàng cho mọi tình huống".

Ở phía Nam thành phố, cuộc phản công của Ukraine tiếp diễn. Suy cho cùng, chính cuộc phản công đó sẽ định đoạt số phận của nhà máy".


Nga Oanh Kích Lviv, 4 Người Thiệt Mạng

-Sáng 6/7, Nga đã bắn phi đạn vào một tòa chung cư cao tầng ở thành phố Lviv ở miền Tây Ukraine, làm 4 người thiệt mạng và 9 người bị thương, hơn 50 căn hộ bị phá hủy.

Một tòa nhà văn phòng cũng chịu nhiều thiệt hại. Theo Thị trưởng Lviv Andri Sadovy, "đây là vụ tấn công nghiêm trọng nhất nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự ở Lviv từ đầu cuộc xâm lược quy mô lớn". Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định sẽ có biện pháp đáp trả "thích đáng" vụ tấn công trên.

Ở mặt trận miền Đông, ngày 6/7, lãnh đạo lực lượng ly khai vùng Donetsk khẳng định quân Nga tiến ở quanh khu vực Vuhledar, dù lực lượng Ukraine chống trả dữ dội. Quân Ukraine đã phá hủy một kho xăng dầu của Nga ở Makaivka, hiện do quân Nga chiếm đóng.

Trước đó, ngày 5/7, quân Nga cũng oanh kích khu vực Sumy ở Đông-Bắc Ukraine, nơi có khoảng 279 vụ nổ, theo chính quyền địa phương. Sumy từng bị quân Nga oanh kích bằng drone vào đầu tuần, khiến 3 người chết.


Prigozhin Đang ở Nga, Ðiện Cẩm Linh Khẳng Định Không Theo Dõi


(Hình: Cựu đầu bếp của Putin, ông chủ công ty lính đánh thuê Wagner tại Mạc Tư Khoa, ngày 8/4/2023.)

-Yevegeny Prigozhin, chủ nhân của tập đoàn lính đánh thuê Wagner, đang ở Saint-Petersburg, Nga, theo thông báo ngày 6/7/2023 của Tổng thống Belarus. Ðiện Cẩm Linh khẳng định "không theo dõi di chuyển" của kẻ đã cầm đầu vụ binh biến gây náo loạn nước Nga.

Theo thông tấn xã AFP, trong một cuộc họp báo ở Minsk, Tổng thống Alexander Lukashenko, phát biểu: "Về Prigozhin, ông ấy đang ở Saint-Peterburg. Ông ấy ở đâu vào sáng nay ư? Có thể là đã đi Mạc Tư Khoa, hoặc ở đâu đó, nhưng ông ấy không có mặt ở Belarus". Tổng thống Belarus cũng cho biết là quân của Wagner vẫn đang ở "trong các doanh trại cố định của họ" ở Ukraine, chứ "hiện giờ" không ở Belarus, do "chưa giải quyết được" vấn đề Wagner đóng quân ở nước này.

Để tránh đổ máu, chính quyền Mạc Tư Khoa và chủ nhân Wagner, qua trung gian Tổng thống Lukashenko, đã nhất trí là Prigozhin sẽ tị nạn ở Belarus cùng với khoảng 7-8.000 quân tham gia vụ binh biến.

Trả lời báo giới ngày 6/7, phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh Dmitri Peskov khẳng định "chúng tôi không theo dõi di chuyển của ông ấy". Ông cũng cho biết là nguyên thủ Nga trao đổi "khá thường xuyên" với đồng nhiệm Belarus.

Nhà riêng của Prigozhin ở Saint-Peterburg đã bị khám xét. Tối 5/7, nhiều cơ quan truyền thông Nga đồng loạt đăng hình ảnh khu biệt thự sang trọng với một máy bay trực thăng đỗ trong vườn. Các nhà điều tra đã khám xét và phát giác rất nhiều thỏi vàng, các cọc tiền Mỹ kim và rúp, nhiều loại vũ khí, sổ thông hành mang nhiều tên khác nhau và một tủ đầy tóc giả. Theo trang Fontanka, một bức ảnh chụp "nhiều thủ cấp bị chặt" cũng được tìm thấy.


Ăn Miếng Trả Miếng, Nga Trục Xuất 9 Nhà Ngoại Giao Phần Lan


(Hình: Tòa nhà Bộ Ngoại giao Phần Lan tại Helsinki. Nga thông báo trục xuất các nhà ngoại giao Phần Lan với lý do nước này theo đuổi chính sách "đối đầu" với Mạc Tư Khoa.)

-Hôm 6/7/2023, Nga thông báo trục xuất 9 nhà ngoại giao Phần Lan, nước láng giềng của họ và là thành viên mới nhất của Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO), trong một động thái "ăn miếng trả miếng".

Tháng trước, Phần Lan cho biết họ đã trục xuất 9 nhà ngoại giao Nga, cáo buộc họ làm các nhiệm vụ tình báo.

Bộ Ngoại giao Nga nói Nga cũng đã quyết định đóng cửa lãnh sự quán Phần Lan tại St Petersburg, đồng thời cáo buộc Phần Lan theo đuổi chính sách "đối đầu" với Mạc Tư Khoa.

"Lưu ý rằng các bước được thảo luận về việc Phần Lan gia nhập NATO đặt ra mối đe dọa đối với an ninh của Liên bang Nga, và việc khuyến khích chế độ Kyiv tham chiến và bơm cho chế độ này vũ khí phương Tây rõ ràng là hành động thù địch chống lại đất nước chúng tôi", tuyên bố của Nga nói.

"Việc làm này của chính quyền Phần Lan không thể không phản hồi".

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto gọi các biện pháp này là "phản ứng gay gắt và không đối xứng đối với các quyết định trục xuất của Phần Lan".

Ông cho biết Phần Lan đang chuẩn bị đóng cửa lãnh sự quán Nga ở Turku.


Tổng Thống Ukraine Công Du Bảo Gia Lợi


(Ảnh: Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky (phải) tiếp Thủ tướng Bảo Gia Lợi Kiril Petkov ở Kyiv, Ukraine, ngày 28/4/2022.)

-Hôm 6/7/2023, Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky đến thăm Bảo Gia Lợi.

Mục đích của chuyến đi chưa được thông báo chính thức, nhưng theo các chuyên gia, Sofia đang có kế hoạch cung cấp vũ khí giúp Kyiv chống lại quân đội Nga. Từ Sofia, thông tín viên Damian Vodénitcharov của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết cụ thể:

Về mặt chính thức, chuyến đi này vẫn còn là bí mật, hoặc ít nhất là chưa được xác nhận bởi bất kỳ cơ quan nhà nước nào. Chỉ có Bộ trưởng Quốc Phòng Todor Tagarev thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng chuyến đi đã được chuẩn bị trước.

Tuy vậy, chính giới Bảo Gia Lợi đã có những phản ứng mạnh mẽ. Liên minh cầm quyền của hai đảng của cựu Thủ tướng Boyko Borissov và Kiril Petkov hoan nghênh chuyến thăm của ông Zelensky. Trong khi đó, đảng Phục Hưng theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan và thân Nga tuyên bố Tổng thống Ukraine sẽ không được hoan nghênh tại Bảo Gia Lợi. Đảng Xã Hội, cũng thân Nga, thì vẫn phản đối việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, và cho biết sẽ trực tiếp nói điều này với Tổng thống Zelensky.

Vào năm 2022, Quốc hội Bảo Gia Lợi đã từ chối tiếp Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba và nghe phát biểu của Volodymyr Zelensky. Tuy nhiên, chính phủ mới được bầu đã cho biết ý định gửi trực tiếp vũ khí cho Ukraine, nhưng không phải là chiến đấu cơ MIG-29 hay xe tăng, những loại vũ khí mà quân đội Ukraine đang rất cần.

Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Mỹ CNN hôm qua, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết ông đã từng kêu gọi các đồng minh phương Tây nhanh chóng chuyển giao vũ khí để Kyiv sớm tiến hành phản công ở phía Đông và phía Nam Ukraine, bởi vì càng giao chậm, quân Nga càng có thêm thời gian tăng cường phòng thủ.


Lãnh Đạo NATO Nói Việc Kết Nạp Thụy Điển Đang Trong 'Trong Tầm Tay'


(Hình: Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg.)

-Hôm thứ Năm (6/7/2023), Tổng Thư ký Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết việc Thụy Điển trở thành thành viên của liên minh là trong tầm tay sau cuộc họp ở Brussels nhắm vượt qua sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Stoltenberg cho biết các nhà lãnh đạo Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gặp nhau tại Vilnius vào thứ Hai trước thềm hội nghị thượng đỉnh của liên minh quốc phòng tại thành phố này vào cuối tuần, với mục tiêu giải quyết những trở ngại còn lại đối với việc Thụy Điển gia nhập NATO.

"Tham vọng chính của tôi bây giờ là đạt được thỏa thuận này tại hội nghị thượng đỉnh", ông nói sau cuộc gặp với các viên chức Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ và Phần Lan tại trụ sở NATO ở Brussels.

Thụy Điển và Phần Lan đã nộp đơn xin gia nhập NATO vào năm 2022, từ bỏ các chính sách không liên kết quân sự kéo dài hàng thập niên của Chiến tranh Lạnh khi Nga xua quân xâm lược Ukraine khiến cấu trúc an ninh của Âu Châu thay đổi liên tục.

Đơn xin gia nhập liên minh phải được tất cả các thành viên NATO chấp thuận. Trong khi Phần Lan được bật đèn xanh vào tháng Tư, Thổ Nhĩ Kỳ và Hung Gia Lợi vẫn chưa chấp thuận cho Thụy Điển. Stockholm đang làm việc để tham gia hội nghị thượng đỉnh NATO vào tuần tới ở Vilnius.

Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom nói với các phóng viên tại Brussels: "Chúng tôi đang hy vọng và mong có một quyết định tích cực vào tuần tới".

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết Thụy Điển chứa chấp các thành viên của các nhóm chiến binh, chủ yếu là những người ủng hộ Đảng Công nhân người Kurd (PKK), những người mà ông cáo buộc tổ chức các cuộc biểu tình và tài trợ cho các nhóm khủng bố.

Thụy Điển cho biết họ đã đáp ứng các yêu cầu đã thỏa thuận trong các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cả việc đưa ra một dự luật mới coi việc trở thành thành viên của một tổ chức khủng bố là bất hợp pháp.


Tổng Thống Mỹ Joe Biden "Rất Mong" Thụy Điển Gia Nhập NATO


(Hình: Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) tiếp Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson (trái) tại Tòa Bạch Ốc, Hoa Thịnh Ðốn, Hoa Kỳ, ngày 5/7/2023.)

-Hôm 5/7/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiếp Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tại Tòa Bạch Ốc để thảo luận về nỗ lực của Stockholm gia nhập Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO), đang bị Hung Gia Lợi và Thổ Nhĩ Kỳ ngăn chặn.

Phát biểu tại phòng Bầu dục, Tổng thống Biden cho biết ông hoàn toàn ủng hộ việc Thụy Điển trở thành thành viên của NATO và nhận định rằng Stockholm sẽ làm cho liên minh quân sự trở nên mạnh mẽ hơn. Từ Hoa Thịnh Ðốn, thông tín viên Guillaume Naudin tường trình:

"Thụy Điển là một người bạn quý báu, có năng lực và nhiệt tình. Ông Joe Biden đã không tiếc lời khen ngợi Thụy Điển khi tiếp Thủ tướng Ulf Kristersson tại phòng Bầu dục. Thủ tướng Thụy Điển cám ơn Tổng thống Mỹ, và mặt khác, khẳng định Thụy Điển có thể đóng góp nhiều cho NATO.

Thực sự là hai nước có nhiều lợi ích chung: Mối quan hệ quốc phòng song phương, nỗ lực phối hợp để cạnh tranh với Trung Quốc và trợ giúp Ukraine chống xâm lược Nga. Chính cuộc xâm lăng của Nga đã thúc đẩy Thụy Điển xin gia nhập NATO sau nhiều thập kỷ duy trì quy chế trung lập và không liên minh quân sự. Mặc dù vậy, yêu cầu của Thụy Điển đang còn bị chặn bởi hai quốc gia: Hung Gia Lợi, với việc phê chuẩn tư cách thành viên đã nằm trong kế hoạch của Quốc hội, và nhất là Thổ Nhĩ Kỳ, vốn không hài lòng về thái độ của Thụy Điển đối với các phong trào đòi độc lập của người Kurdistan, bị Ankara coi là khủng bố.

Do đó, việc thu nhận Thụy Điển vào NATO phần lớn phụ thuộc vào thiện chí của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Ulf Kristersson, việc gia nhập nên diễn ra càng sớm càng tốt và hội nghị thượng đỉnh Vilnius vào tuần tới chắc chắn là thời điểm tốt. Joe Biden sẽ có mặt ở đó và tìm cách thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ ngừng phản đối việc Thụy Điển gia nhập liên minh".

Trong một cuộc điện đàm vào hôm 5/7, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan và đồng nhiệm Thụy Điển Tobias Billstrom đã nhất trí tổ chức các cuộc đàm phán mới để thảo luận về hồ sơ Thụy Điển gia nhập NATO.


Pháp: Chính Phủ Muốn Hạn Chế Tạm Thời Mạng Xã Hội Trong Trường Hợp Bạo Động


(Hình: Cảnh sát chống bạo động khai triển tại Lyon, Pháp, ngày 30/6/2023.)

-Mười ngày sau vụ thiếu niên Nahel bị bắn chết ở Nanterre, ngoại ô Paris, ngành Tư pháp hôm 6/7/2023, đã quyết định tiếp tục tạm giữ cảnh sát đã nổ súng. Vụ sát hại đã dẫn đến tình trạng bạo lực, phá hoại, hôi của trên khắp nước Pháp trong nhiều đêm, với thông tin lan truyền trên mạng xã hội. Để hạn chế thiệt hại, chính phủ Pháp muốn giới hạn tạm thời các mạng xã hội trong trường hợp xảy ra bạo động.

Phát ngôn viên chính phủ Olivier Véran nêu khả năng "tạm khóa một số tính năng", như "tính năng định vị trên một số nền tảng, giúp thanh niên tập trung ở một địa điểm". Theo ông Véran, "đó là những lời kêu gọi tổ chức biểu lộ sự thù hận ở nơi công cộng" và như vậy chính phủ "có thẩm quyền để có thể đình chỉ".

Thông tấn xã AFP cho biết, trước đó, một số người thân cận với Tổng thống Macron đã phải thanh minh cho phát biểu ngày 4/7 của nguyên thủ Pháp khi cho rằng "phải suy nghĩ về cách sử dụng mạng xã hội trong giới thanh niên, trong gia đình, trường học, cần phải áp dụng các biện pháp cấm đoán". Họ khẳng định chủ nhân điện Elysée "không hề muốn cắt các mạng xã hội hoàn toàn" mà chỉ "có thể dừng tạm thời các mạng xã hội". Phát biểu của ông Macron ngay lập tức đã bị các phe đối lập chỉ trích mạnh mẽ, so sánh với tình trạng ở "Trung Quốc, Iran, Bắc Hàn".

Các vụ bạo động đã gây thiệt hại hơn 1 tỉ Euro ở Pháp. Trong buổi điều trần ngày 5/7 trước Ủy ban Luật của Thượng viện, Bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin đã nêu số liệu thống kê tạm thời: 23.878 vụ đốt trên đường phố, 12.031 xe bị thiêu rụi, 105 Tòa Thị chính và 2.508 tòa nhà bị đốt hoặc bị phá, trong đó có 273 tòa nhà "thuộc các lực lượng an ninh", 168 trường học bị tấn công, 17 Thị trưởng bị đe dọa, trong đó nghiêm trọng nhất là vụ nhà riêng của Thị trưởng L'Hay-les-Roses (ngoại ô Paris) bị đâm xe và phóng hỏa.

Kể từ khi xảy ra các vụ bạo lực, cảnh sát đã bắt thẩm vấn 3.505 người, riêng Paris và vùng phụ cận là 1.373 người. Tổng thanh tra Cảnh sát Quốc gia Pháp (IGPN) đã cho mở điều tra về 10 vụ, trong đó có 2 vụ nghiêm trọng. Vụ thứ nhất là một thanh niên bị hôn mê do bị thương nặng ở đầu ở Mont-Saint-Martin (miền Đông Pháp) nơi lực lượng đặc nhiệm Raid can thiệp hôm 30/6. Vụ thứ hai liên quan đến một thanh niên 27 tuổi chết trong đêm 1 rạng sáng 2/7 ở Marseille, có thể do trúng đạn flash-ball của cảnh sát.


Nhật Bản Phản Đối Nam Hàn Tập Trận ở Quần Đảo Tranh Chấp


(Hình: Quần đảo Takeshima.)

-Nhật Bản vừa gửi công hàm phản đối Nam Hàn tập trận quân sự ở các đảo đang tranh chấp, nói rằng điều đó là "rất đáng tiếc", Reuters dẫn thông tin từ Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết trong một tuyên bố hôm 7/7/2023.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết họ đã triệu tập một nhà ngoại giao cấp cao của Đại sứ quán Nam Hàn ở Tokyo, và Đại sứ quán Nhật Bản tại Hán Thành cũng đã triệu tập một viên chức cấp cao của Nam Hàn để đưa ra phản đối.

"Quần đảo Takeshima là một lãnh thổ vốn có của Nhật Bản và điều này không thể tranh cãi, dựa trên các sự kiện lịch sử và dựa trên luật pháp quốc tế", bộ này cho biết trong một tuyên bố.

"Cuộc tập trận của quân đội Nam Hàn là không thể chấp nhận được và vô cùng đáng tiếc", tuyên bố của phía Nhật nói thêm.

Nhật - Hàn từ lâu đã có bất đồng về chủ quyền của nhóm đảo nhỏ được phía Nhật gọi là Takeshima và phía Nam Hàn gọi là Dokdo, nằm ở khoảng giữa hai nước láng giềng Đông Á trên Biển Nhật Bản, còn được gọi là East Sea.

"Cuộc tập trận bảo vệ lãnh thổ East Sea được thực hiện nhằm thực hiện sứ mệnh bảo vệ lãnh thổ, con người và tài sản của chúng tôi", một viên chức quân đội Nam Hàn cho biết.

Viên chức này cho biết thêm rằng quân đội Nam Hàn đã tiến hành cuộc tập trận định kỳ hàng năm.


Chiến Hạm Nga Thăm Cảng Thượng Hải, Thao Dượt Chung Với Hải Quân Trung Quốc


(Ảnh: Hải quân Nga và Trung Quốc tập trận chung ngày 18/03/2023 trong vùng biển Ả Rập.)

-Thêm một dấu hiệu Nga và Trung Quốc thắt chặt hợp tác quân sự: Truyền thông Trung Quốc ngày 6/7/2023 đưa tin hai chiến hạm của Nga Gromkiy và Sovershenniy, thuộc Hạm đội Thái Bình Dương, đã cập cảng Thượng Hải. Trong chuyến viếng thăm 7 ngày, từ 5 đến 11/7/2023, ngoài các hoạt động giao lưu, hai chiến hạm Nga sẽ thao dượt chung với Hải quân Trung Quốc.

Hãng tin Anh Reuters nhắc lại hai chiến hạm Gromkiy và Sovershenniy, đóng tại căn cứ Vladivostok, trên đường đến Thượng Hải đã đi qua eo biển Đài Loan hồi cuối tháng Sáu vừa qua. Tiếp theo đó, tàu Nga đã đi qua khu vực gần đảo Okinawa của Nhật, nơi Mỹ đặt căn cứ quân sự. Đây là lần đầu tiên Hạm Đội Thái Bình Dương của Nga trở lại Trung Quốc từ sau đại dịch Covid.

Hôm đầu tuần, Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc đã tiếp tư lệnh hải quân Nga, đô đốc Nikalai Yevmenov tại Bắc Kinh. Đôi bên đã nhấn mạnh tiếp tục đẩy mạnh, nâng hợp tác quân sự song phương lên một "tầm cao mới". Phía Trung Quốc đã nói thêm Hải quân hai nước "có những hoạt động trao đổi và phối hợp thường xuyên (…), tiếp tục thường xuyên tổ chức các cuộc thao diễn, tuần tra và tập trận chung".

Cuối tháng 6/2023 bộ Ngoại Giao hai nước đã có một cuộc họp "tham khảo ý kiến nhau" về hồ sơ phòng thủ chống phi đạn. Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc, ông Lưu Chấn Lập đã có một cuộc họp qua video với đồng cấp Nga, tướng Valery Gerassimov cũng trong tháng Sáu vừa qua.

Theo giới quan sát, việc chiến hạm Nga cập cảng Thượng Hải là bước kế tiếp nhằm đẩy mạnh hợp tác quân sự song phương theo quyết định được Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Nga thông qua hồi tháng 3/2023, hơn 1 năm từ khi Mạc Tư Khoa đưa quân xâm chiếm Ukraine. Trong thông cáo chung kết thúc chuyến công du Liên bang Nga của ông Tập Cận Bình, lãnh đạo hai nước đã lên án phương Tây, đứng đầu là Mỹ và NATO, thách thức "ổn định" trong khu vực Á Châu-Thái Bình Dương.


Trung Quốc Đón Chiến Hạm Nga Tới Thượng Hải Tập Trận Chung


(Hình: Chiến hạm Trung Quốc và Nga tập trận chung tại Biển Hoa Đông ngày 27/12/2022.)

-Trung Quốc tiếp đón hai chiến hạm Nga sau khi hai tàu này đi ngang Đài Loan và Nhật Bản, và các tàu này dự kiến sẽ tổ chức một cuộc tập trận chung với hải quân Trung Quốc trong chuyến thăm lần này, thể hiện sự hợp tác quân sự lâu dài Nga-Trung.

Hai khu trục hạm - Gromkiy và Sovershenniy - cập cảng tại trung tâm tài chính Thượng Hải hôm 5/7/2023, truyền hình nhà nước Trung Quốc đưa tin. Cả hai tàu đều thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga, có trụ sở tại Vladivostok.

Trong chuyến thăm kéo dài 7 ngày, hai tàu này sẽ tiến hành các cuộc tập trận với hải quân Trung Quốc tại Thượng Hải, bao gồm các bài thực hành về di chuyển đội hình, thông tin liên lạc và cấp cứu trên biển, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc.

Hai tàu này, thuộc hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga, đã đi qua vùng biển gần Đài Loan vào cuối tháng 6 rồi đi ngang qua quần đảo Okinawa của Nhật Bản, nơi đặt căn cứ quân sự lớn của Hoa Kỳ, vào đầu tháng này.

Hành trình này đã khiến Nhật Bản phái các tàu theo dõi hoạt động của chúng trong khi Đài Loan, nơi mà Trung Quốc tuyên bố là một phần lãnh thổ của mình, đã khai triển một máy bay và các tàu ra giám sát trong lúc chúng đi ngang qua.

Cuối chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Mạc Tư Khoa để hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 3, hai nhà lãnh đạo đã đưa ra một tuyên bố chung trong đó có những cáo buộc quen thuộc chống lại phương Tây - rằng Hoa Thịnh Ðốn đang phá hoại sự ổn định toàn cầu và NATO đang tiến vào khu vực Á Châu- Thái Bình Dương.

Trung Quốc và Nga đã cam kết tăng cường quan hệ quân sự, và đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc đã gặp người đứng đầu hải quân Nga, Đô đốc Nikolai Yevmenov, tại Bắc Kinh.

Trước đó không lâu, Bộ Ngoại giao Nga và Trung Quốc đã tổ chức một vòng tham vấn về phòng thủ phi đạn vào cuối tháng 6.

Cũng trong tháng rồi, ông Lưu Chấn Lập, Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc, và ông Valery Gerasimov, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, đã họp trực tuyến với nhau. Ông Gerasimov được hãng thông tấn Tass dẫn lời cho biết hai bên sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác quân sự.


Chủ Tịch Trung Quốc Yêu Cầu Quân Đội Xả Thân Chiến Đấu Trong Bối Cảnh Căng Thẳng


(Hình: Hình ảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được chiếu trên màn ảnh lớn trong lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm Nhật Bản đầu hàng trong Ðệ nhị Thế chiến, quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 3/9/2015.)

-Ngày 6/7/2023, Chủ tịch Trung Quốc đã đi thị sát Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Đông. Tại khu vực có tầm quan trọng lớn, nằm gần Đài Loan, ông Tập Cận Bình, trong cương vị tổng tư lệnh, đã kêu gọi quân đội phải "dám chiến đấu, thiện chiến và bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia".

Theo đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc CCTV, ông Tập nhấn mạnh "hiện giờ, thế giới bước vào giai đoạn biến động và thay đổi, tình hình an ninh của đất nước chúng ta trở nên bất ổn và bất định".

Đài Loan được coi là điểm nóng ở khu vực, là tâm điểm bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc. Bắc Kinh coi hòn đảo tự trị là một tỉnh ly khai và quyết tâm đưa về "đất mẹ" kể cả phải dùng vũ lực nếu cần thiết. Do đó, ông Tập yêu cầu quân đội "phải nghiên cứu kỹ kế hoạch tác chiến và tập trung huấn luyện chuẩn bị cho một cuộc chiến thực sự và tăng tốc cải thiện khả năng chiến thắng".

Chuyến thị sát của ông Tập diễn ra vào lúc Bộ trưởng Tài Chính Mỹ Jenet Yellen thăm Bắc Kinh nhằm giảm căng thẳng trong quan hệ song phương. Reuters nhắc lại Trung Quốc và Hoa Kỳ đối đầu nhau từ nhiều năm nay về quy chế của Đài Loan. Trước đó, trong chuyến công du Trung Quốc vào đầu tháng 06/2023, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tỏ thiện chí xoa dịu mối quan hệ với tuyên bố "ủng hộ nguyên trạng" đối với Đài Loan.

Trung Quốc từng thị uy sức mạnh, bao vây Đài Loan trong vòng nhiều ngày để phản đối chuyến công du Đài Bắc của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đầu tháng 08/2022. Tương tự, Đài Loan cũng bị lực lượng Trung Quốc tập trận bao vây ba ngày để đáp trả cuộc gặp giữa Chủ tịch Hạ viện hiện nay Kevin McCarthy và Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tại tiểu bang California, Mỹ vào tháng 04/2023.


Các Công Ty Khai Mỏ Trung Quốc Bị Cáo Buộc Vi Phạm Nhân Quyền


(Ảnh: Một thợ mỏ ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.)

-Các công ty khai thác khoáng sản Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm nhân quyền ở ngoài lãnh thổ Trung Quốc, theo một báo cáo của tổ chức phi chính phủ Business & Human Rights Resource Centre, được công bố hôm 6/7/2023.

Theo thông báo của tổ chức này, được thông tấn xã AFP trích dẫn, 39 công ty khai thác mỏ của Trung Quốc có dính líu đến 102 trường hợp cáo buộc vi phạm nhân quyền và hủy hoại môi trường trong khoảng thời gian từ tháng 1/2021 đến tháng 12/2022.

Phát ngôn viên của tổ chức cho biết những vi phạm nhân quyền và hủy hoại môi trường là rất phổ biến trong các hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến các loại khoáng sản, phục vụ cho tiến trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.

Những trường hợp bị cáo buộc vi phạm nhân quyền được ghi nhận ở 18 quốc gia, gồm 27 trường hợp ở Nam Dương, 16 ở Peru, 12 ở Cộng hòa Dân chủ Congo, 11 ở Miến Điện và 7 ở Zimbabwe.

Trung Quốc hiện đang chiếm thế thượng phong trong lĩnh vực giải quyết và tinh chế các khoáng chất cần thiết cho tiến trình chuyển đổi sinh thái, đặc biệt là đồng, niken và coban, những kim loại được sử dụng để sản xuất pin. Dự kiến đến năm 2040, nhu cầu toàn cầu đối với các khoáng sản này sẽ tăng gấp sáu lần. Do đó, tổ chức phi chính phủ nói trên kêu gọi Trung Quốc và nhiều quốc gia khác thi hành "các biện pháp khẩn cấp" để hạn chế những mặt tiêu cực của tiến trình chuyển đổi này.


Trung Quốc Báo Cáo Hàng Trăm Người Chết Vì COVID Trong Tháng 6


(Hình: Một phụ nữ mang khẩu trang đứng gần một bảng quảng cáo thành phố Thượng Hải, ngày 6/7/2023. Trung Quốc báo cáo trong tháng Sáu có 239 người thiệt mạng vì COVID.)

-Ngày 6/7/2023, Trung Quốc báo cáo rằng trong tháng Sáu vừa rồi có 239 người thiệt mạng vì COVID, một tháng gia tăng đáng kể sau khi nước này dỡ bỏ hầu hết các biện pháp ngăn chặn.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc báo cáo 164 ca tử vong vào tháng Năm, không có trường hợp nào trong tháng Tư và tháng Ba.

Trung Quốc bắt đầu áp dụng chiến lược ngăn chặn "zero-COVID" vào đầu năm 2020 và nói rằng phong tỏa nghiêm ngặt, cách ly, đóng cửa biên giới và xét nghiệm hàng loạt đã cứu được nhiều mạng sống.

Tuy nhiên, các biện pháp này đột ngột được dỡ bỏ vào tháng 12 năm ngoái mà không có sự chuẩn bị trước, dẫn đến đợt bùng phát cuối cùng khiến khoảng 60.000 người thiệt mạng, theo con số chính thức. Theo CDC Trung Quốc, số ca tử vong trong năm nay đạt đỉnh điểm vào tháng Một và tháng Hai, ở mức cao nhất là 4.273 người vào ngày 4/1, nhưng sau đó giảm dần về zero vào ngày 23/2.

Các viên chức y tế Trung Quốc không cho biết liệu họ có dự kiến xu hướng này sẽ tiếp tục hay liệu họ có khuyến nghị khôi phục các biện pháp ngăn ngừa hay không.

Hai trong số các trường hợp tử vong trong tháng Sáu là do suy hô hấp vì nhiễm trùng, trong khi CDC cho biết những trường hợp khác liên quan đến các bệnh lý nền như tiểu đường, bệnh tim, cao huyết áp và các bệnh mãn tính khác.

Từ ngày 3/1/2020 đến ngày 5/7/2023, Trung Quốc báo cáo với Tổ chức Y tế Thế giới có 99.292.081 ca xác nhận nhiễm COVID và 121.490 trường hợp tử vong.

Các chuyên gia ước tính rằng hàng trăm nghìn người, có lẽ nhiều hơn, có thể đã chết ở Trung Quốc – cao hơn nhiều so với con số chính thức mà Bắc Kinh báo cáo, nhưng vẫn là tỷ lệ tử vong thấp hơn đáng kể so với ở Hoa Kỳ và Âu Châu.


Phi Luật Tân Nói Số Tàu Trung Quốc Tăng 'Đáng Báo Động' ở Vùng Biển Tranh Chấp


(Hình: Một tàu hải cảnh của Trung Quốc.)

-Hôm 7/7/2023, quân đội Phi Luật Tân cho hay số lượng tàu đánh cá của Trung Quốc gia tăng "đáng báo động" trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, và họ cho rằng điều này đe dọa an ninh ở Bãi Cỏ Rong giàu dầu mỏ và khí đốt, theo Reuters

Chỉ từ một chục tàu đánh cá vào tháng 2, số lượng tàu đánh cá Trung Quốc "bủa vây" bãi cạn Iroquois, ngay phía nam Bãi Cỏ Rong, đã tăng lên 47 chiếc vào tháng trước, theo Bộ Tư lệnh Miền Tây của quân đội Phi Luật Tân (WESCOM).

"Trung Quốc phải ngừng đưa tàu đến đây để tôn trọng quyền chủ quyền của chúng tôi", ông Ariel Coloma, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Miền Tây, cho biết trong một tuyên bố.

Chưa có bình luận ngay lập tức từ đại sứ quán Trung Quốc tại Manila.

Máy bay quân sự của Phi Luật Tân cũng ghi nhận sự hiện diện của ba tàu hải cảnh và hai tàu Hải quân Trung Quốc "thường xuyên lảng vảng" tại Bãi cạn Sabina, giống như Iroquois, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân.

WESCOM cho biết: "Những diễn biến này làm dấy lên lo ngại đáng báo động về ý đồ và hành động của Trung Quốc trong các vùng biển tranh chấp này".

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin nói với người đồng cấp Phi Luật Tân, Gilbert Teodoro, hôm 6/7 rằng cam kết của Hoa Kỳ bảo vệ đồng minh của mình là vững "như bàn thạch", kể cả ở Biển Đông, theo bản tóm tắt cuộc điện đàm của Hoa Kỳ.

Phi Luật Tân hôm 5/7 đã cáo buộc Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc quấy rối, cản trở và "hành động nguy hiểm" chống lại các tàu của họ, sau một sự việc khác gần một thực thể chiến lược ở Biển Đông.


Tập Đoàn Meta Tung Ra "Threads" Để Cạnh Tranh Với Twitter


(Hình: Logo ứng dụng mới Threads của Meta (màu đen trắng), đối thủ của Twitter.)

-Tối 5/7/2023, tập đoàn Meta chính thức ra mắt Threads, mạng xã hội có những đặc tính và chức năng gần giống với Twitter, tại 100 nước. Chỉ trong vòng 7 tiếng đầu tiên, Threads đã có hơn 10 triệu người đăng ký. Tin nhắn "Chào mừng đến với Threads" của chủ nhân Meta Mark Zuckenberg nhận được vài ngàn "like" chỉ trong vài phút. Đây được cho là dấu hiệu cho thấy sự khởi đầu thành công của mạng xã hội mới này.

Threads được coi là phiên bản "đối thoại viết" của Instagram, mạng xã hội của Meta, chủ yếu là hình ảnh và không có quảng cáo. Dù là một ứng dụng độc lập, Threads có thể nhanh chóng thu hút một lượng lớn người sử dụng do người dùng Instagram có thể dùng cùng tài khoản để đăng nhập. Hiện Instagram có hơn 2 tỉ tài khoản. Rất nhiều người nổi tiếng thế giới đã đăng kí Threads như ca sĩ Shakira, diễn viên Jack Black hay đầu bếp Anh nổi tiếng Gordon Ramsey.

Theo thông tấn xã AFP, Threads hiện chưa được sử dụng ở Liên Hiệp Âu Châu do tập đoàn Meta muốn có thời gian tìm hiểu những hệ quả của quy định mới về các thị trường kỹ thuật số (DMA), có hiệu lực từ đầu tháng Năm trong khối 27 nước.

Threads của tập đoàn Meta được coi là đối thủ cạnh tranh của Twitter vào lúc mạng xã hội của tỉ phú Elon Musk phải đối mặt với nhiều tranh cãi. Ngày 1/7, Elon Musk đacthông báo một loạt hạn chế đối với ứng dụng được ông mua với giá 44 tỉ Mỹ kim năm 2022, như hạn chế số lượt đọc tweet hàng ngày. Thông báo này khiến nhiều người sử dụng Twitter phẫn nộ.

Theo ông Danni Hewson, phụ trách phân tích tài chánh của công ty đầu tư AJ Bell, được thông tấn xã Reuters trích dẫn, "các nhà đầu tư rất vui mừng với khi thấy Meta có một vũ khí "giết Twitter"". Một số khác thì cho rằng Threads là cơ hội để tạo một phiên bản ít độc hại hơn Twitter.

Không có nhận xét nào: