Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2020

XÍCH LÔ - Phan Ni Tấn

Từ ngày đi tù Cộng sản về hành nghề đạp xích lô, Hồ Nhượng chưa từng nghe ai gọi "xích lô" dịu dàng đến như thế. Tiếng gọi của cô gái từ bên kia đường nhỏ nhẹ như sợ chạm đến tự ái nghề nghiệp của người xích lô khiến anh cười thầm. Hồ Nhượng dễ dàng cảm nhận được tiếng gọi đó vừa thoát ra khỏi vành môi đã vội ngậm lại như sự lỡ lời của người biết tự trọng. Thời buổi này gặp được một người lương thiện là điều may mắn cho anh. Hồ Nhượng nghĩ vậy. Gấp tờ báo nhét vô túi quần sau, Hồ Nhượng sửa lại cặp kính cận dầy như đít chai xong anh cẩn thận đẩy xe băng qua đường. Lúc tới gần Nhượng mới thấy rõ đó là một thiếu nữ xinh đẹp, duyên dáng, vừa dung dị vừa thanh lịch trong chiếc áo dài màu hoàng kim, đứng che dù đỏ với vẻ bồn chồn e ngại như cực chẳng đã mới gọi xích lô. Cô gái hơi cúi xuống, rụt rè chào hỏi, ngập ngừng giọng trỏng không:<!>
- Dạ…, chú cho… tới đường Lương Hữu Khánh (*).
Nghe giọng nói, Hồ Nhượng biết ngay cô là người đồng hương xa quê như anh. Đã lâu lắm, gần 40 năm xa Huế, mỗi lần gặp người cùng quê, dù không nói ra, song anh đều xao động. Nhất là nghe nói đến đường Lương Hữu Khánh, từ dưới đáy lòng trống trải lâu nay của Hồ Nhượng lại dâng lên một cảm xúc vừa bồi hồi vừa tiếc nuối bâng khuâng. Đã mười năm rồi Hồ Nhượng tránh không trở lại con đường này, con đường có quá nhiều kỷ niệm đẹp mà đau khổ tràn bờ.
Khi tới ngã ba đường Bùi Thị Xuân vừa rẽ trái vào đường Lương Hữu Khánh, Hồ Nhượng có cảm tưởng như anh đang trở về thăm lại căn nhà xưa. Căn nhà nhỏ, nơi người tình chưa vong thân trên biển, đã cho anh một cuộc tình lãng mạn và nồng nhiệt. Cũng căn nhà nhỏ bên hông con hẻm tuy nhỏ và ngắn nhưng nó giống như lưỡi dao cứa vào lòng anh một vết thương dài. Con hẻm, nơi anh đến rồi mãi mãi ra đi.
Mười năm lặng lẽ trôi qua trên dòng đời ngược xuôi trăm hướng, nỗi đời cũng hỗn độn trăm bề. Sau một cuộc cách mạng đổi đời, một chế độ đã thay tên, một thời đại trôi qua, dù căn nhà xưa vẫn còn đó nhưng linh hồn của nó giờ chỉ còn là hình ảnh của một thời đã qua.
Cô khách nhỏ đã vô nhà từ bao giờ mà Hồ Nhượng vẫn đứng trên lề đường, trước căn nhà xưa hồn vía thì lãng đãng tận đâu đâu. Cô gái này là ai? Cô là gì của căn nhà này? Điều kỳ lạ là ngay lần đầu tiên giáp mặt cô ở giữa chợ Hồ Nhượng bỗng cảm thấy gương mặt đẹp như ngọc này hao hao như người tình xưa của anh, nhất là đôi mắt buồn thăm thẳm. Hồ Nhượng vẫn đứng đó lẻ loi trong hoài niệm cho đến khi tiếng kèn lỗ mãng của một chiếc xe hào nhoáng chạy vụt qua Hồ Nhượng mới giựt mình choàng tỉnh, ngơ ngác nhìn quanh.
Rồi như một tên tội phạm vừa bị phát hiện, Hồ Nhượng hốt hoảng phóng lên yên xe, cắm đầu đạp thục mạng như ma đuổi. Dù không quay đầu nhìn lại nhưng rõ ràng trong giấc mơ anh nhìn thấy sau ót mình thình lình mọc ra một con mắt, con mắt giống như Nhị lang thần Dương Tiễn có con mắt thứ ba mọc trước trán trong Phong Thần diễn nghĩa. Qua con mắt này Hồ Nhượng nhìn thấy cô gái trong chiếc áo dài màu hoàng kim, che dù đỏ chập chờn đứng giữa đường nhìn theo Hồ Nhượng bằng con mắt vô cùng buồn thảm.
Cứ thế, anh xích lô Hồ Nhượng, lâu nay vẫn sống bằng đôi chân lao động hàng ngày, anh ra sức đạp hoài, đạp mãi, chạy mãi, chạy xa dần hình ảnh cô gái thiên thần cho đến khi cô biến mất trong giấc mộng chưa bao giờ nở một chút nụ cười hạnh phúc trên môi anh.
Mơ đến đây Hồ Nhượng nhận thức được mình đang dần dần thức tỉnh từ một giấc mộng mà anh coi như là một chuyện hoang đường; khốn nỗi vừa trở mình Hồ Nhượng chợt nghe con sáo hót, trong tiếng hót lanh lảnh mọc ra một bàn tay kéo anh rơi ngược vào mộng mị.
Vừa lồm cồm đứng dậy Hồ Nhượng nín thở hầu như không tin vào mắt mình khi nhìn thấy cô gái trẻ xinh xắn trong màu áo hoàng kim, tay che dù đỏ lại chập chờn hiện ra thành một linh hồn trong suốt đang chập choạng trôi về hướng mình. Định thần nhìn kỹ Hồ Nhượng lại thấy chiếc linh hồn nhỏ kia dần dần hiện hình thành người tình năm xưa đang thổi hạnh phúc trong lòng bàn tay lướt thướt như những giọt mưa. Hồ Nhượng cảm nhận được hương mê của hạnh phúc lúc thì nhấn anh chìm sâu xuống đáy sâu lúc lại nâng anh lên chơi vơi với một hồn ma trần truồng có thân hình đẹp đẽ, có đôi tay thật dài quấn siết lấy anh trên căn gác nhỏ âm u, lạnh lẽo, không đèn.
Cứ thế, Hồ Nhượng giữ chặt lấy thân hình mảnh mai để nghe hạnh phúc trườn đi như rắn rồi bất thần ngốc đầu vực dậy biến thành đôi tay vững chắc đẩy lui những âm mưu của từng đợt sóng dữ đang cố sức giằng nàng ra khỏi vòng tay Hồ Nhượng.
Hình ảnh trở nên ghê rợn khi Hồ Nhượng thấy sức hút của luồng nước biển dựng đứng tấm thân ngọc ngà trên đầu sóng cả rồi cuồng nộ quật mạnh nàng xuống vực sâu dày vò, giằng xé, tan tác trong màu đen ngòm đậm đặc của nước biển.
Mặt cắt không còn giọt máu, Hồ Nhượng kinh hoàng thét lên:
- Trời ơi! Hồ Nhượng lao theo rồi giựt mình thức dậy.
Thời gian trong cơn mộng dữ khác với đời thực, không có cánh, vẫn lạnh lùng trôi đi. Trong mơ màng, Hồ Nhượng dụi mắt để xem đây là thực hay mộng rồi ngơ ngác nhìn ra cửa sổ. Bầu trời xanh ngăn ngắt làm anh rùng mình nghĩ tới màu thâm đen của thủy mộ. Lúc này mộng đã qua đi, sóng yên bể lặng, nhưng thần trí của Hồ Nhượng vẫn mơ hồ nghe trên cao vọng lại tiếng hót của con sáo.
(*) Lương Hữu Khánh sống vào thế kỷ 16, là trọng thần dưới triều nhà Lê, có công khôi phục và lập nên nhà Lê trung hưng. Lương Hữu Khánh còn là một nhà thơ, tánh tình thanh liêm, cương trực, luôn luôn giữ gìn đạo lý gia phong, tôn trọng đạo đức, lấy dân và nước làm trọng.

Không có nhận xét nào: