Đối mặt với "thách thức địa lý chính trị đáng kể nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc", quân đội Mỹ sẽ điều chỉnh sự phân bổ lực lượng, với trọng tâm là châu Á - Thái Bình Dương. Hàng nghìn binh sĩ Mỹ vốn đang đóng tại Đức sẽ được điều động tới các căn cứ quân sự Mỹ ở Guam, Hawaii, Alaska, Nhật Bản và Australia trong đợt điều chỉnh lại sự phân bổ lực lượng lớn nhất của quân đội Mỹ kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.
<!>
Máy bay do thám của quân đội Mỹ hạ cánh tại căn cứ quân sự ở Okinawa, Nhật Bản sau khi thực nhiệm vụ trên Biển Đông. Ảnh: New York Times.
Andy Van
Thời thế thay đổi
Thời thế đã thay đổi và những ưu tiên cũng vậy. Trong Chiến tranh Lạnh, chiến lược quốc phòng của Mỹ cho rằng điều quan trọng là phải giữ một sự hiện diện quân sự đủ lớn trên lãnh thổ châu Âu để làm đối trọng với sức mạnh khi đó của Liên Xô.
Vào thập niên 2000, mối quan tâm được hướng tới khu vực Trung Đông, chiến trường của "cuộc chiến chống khủng bố" do Mỹ và đồng minh phát động.
Và đến bây giờ, mọi kế hoạch đều xoay quanh Trung Cộng.
"Để ứng phó với hai đối thủ cạnh tranh đầy quyền lực (Trung Cộng và Nga), các lực lượng Mỹ cần phải được triển khai ở nước ngoài theo cách hướng về tuyến đầu và viễn chinh hơn so với những năm gần đây", Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O'Brien viết trong một bài ý kiến trên tạp chí Wall Street Journal vào tháng trước.
Để thực hiện kế hoạch này, chính quyền Tổng thống Trump sẽ rút bớt lực lượng ở Đức, từ 34.500 lính xuống còn 25.000 binh sĩ. Một phần trong số 9.500 quân nhân này sẽ được điều động tới một địa điểm khác ở châu Âu, có thể là Ba Lan, và số còn lại sẽ được đưa tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hoặc đưa trở về Mỹ.
Tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ông O'Brien nhận định: "Mỹ và các đồng minh phải đối mặt với thách thức quân sự đáng kể nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc".
Bắc Kinh đang tăng cường chi tiêu quân sự để nâng cao năng lực chiến đấu của Quân Giải phóng Nhân dân. Sách trắng quốc phòng của Nhật Bản ước tính chi tiêu quân sự thực tế của Trung Cộng là nhiều hơn so với những gì nước này công bố, vốn gấp 3 lần chi tiêu quốc phòng của Nga.
Điểm mấu chốt trong chiến lược phòng thủ của Trung Cộng là chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) - nỗ lực để giữ tàu chiến và máy bay Mỹ cách xa bờ biển Trung Cộng. Để đạt được mục tiêu này, quân đội Trung Cộng đang nỗ lực để nâng cao sự chính xác của hệ thống hỏa tiễn và radar.
Trung Cộng đã tăng cường ngân sách quốc phòng để hiện đại hoá và cải thiện năng lực của quân đội nước này. Ảnh: Getty.
Các nhà phân tích nhìn ra ba xu hướng chính trong các kế hoạch toàn cầu của quân đội Mỹ. Một là sự dịch chuyển địa chính trị từ châu Âu sang Trung Đông rồi châu Á - Thái Bình Dương. Thứ hai là sự thay đổi từ giao chiến trên bộ sang sự phối hợp của hải quân và không quân. Và cuối cùng, một trong những đặc điểm của chính quyền Trump, và việc cố gắng giảm chi tiêu quốc phòng.
Kế hoạch của ông Robert O'Brien có vẻ như làm hài lòng cả 3 yêu cầu này.
Những xu hướng mới
Về mặt năng lượng, sự dịch chuyển trọng tâm xa rời khu vực Trung Đông bắt nguồn từ cuộc cách mạng dầu đá phiến của Mỹ. Lợi ích của Mỹ ở Trung Đông bắt đầu giảm dần khi nước này không còn phụ thuộc năng lượng vào khu vực Vùng Vịnh nhiều như trước kia.
Vào năm 2011, chính quyền Obama bắt đầu thực hiện chính sách xoay trục/tái cân bằng sang châu Á, dựa trên sự thừa nhận rằng việc tập trung vào Trung Đông đã tạo ra lỗ hổng quyền lực ở châu Á - Thái Bình Dương, tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của Trung Cộng.
Quân đội Mỹ cũng đã thay đổi với việc phân bổ nguồn lực nhiều hơn cho không quân hải quân, vì nguy cơ về một vụ tấn công trên bộ quy mô lớn vào châu Âu giờ đây giường như là không có.
Khái niệm Tác chiến Không - Hải được công bố vào năm 2010 để hoá giải chiến lược phòng thủ chống tiếp cận/chống xâm nhập của Trung Cộng, trong đó sử dụng phóng pháo cơ tầm xa và tàu ngầm.
Nếu như có đụng độ với Trung Cộng, quân đội Mỹ sẽ sử dụng Thủy Quân Lục Chiến với sự yểm trợ quan trọng của không quân và hải quân, do nhiều khả năng chiến trường sẽ là ở Biển Hoa Đông, Biển Đông hoặc vùng biển nào đó ở Thái Bình Dương hoặc Ấn Độ Dương.
Tài chính là xu hướng thứ 3, Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần công khai bày tỏ sự không hài lòng với chi tiêu quốc phòng khổng lồ dành cho việc duy trì binh sĩ Mỹ trên toàn thế giới, và từng yêu cầu các quốc gia sở tại chia sẻ nhiều hơn khoản chi phí này.
Tổng thống Trump đặc biệt chỉ trích Đức vì nước này không thực hiện cam kết chi tiêu quốc phòng tương đương với 2% GDP mà các nước NATO đã đồng ý sẽ thực hiện vào năm 2024.
"Đức đã vi phạm (quy định) trong nhiều năm trời. Và họ nợ NATO hàng tỷ USD, và họ sẽ phải trả. Chúng ta đang bảo vệ nước Đức, và họ thì đang vi phạm. Điều đó không hợp lý", ông Trump nói vào giữa tháng 6.
Tổng thống Trump và phu nhân Melania chụp ảnh cùng các quân nhân Mỹ trong lần tới thăm Căn cứ Không quân Ramstein tại Đức vào năm 2018. Ảnh: AP.
Sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương đã giảm xuống còn 131.000 nghìn lính năm 2018, so với con số 184.000 binh sĩ vào năm 1987.
Mặc dù sự sụt giảm này chỉ là phần nhỏ so với thay đổi trong số lượng binh sĩ Mỹ đóng tại châu Âu - 354.000 xuống còn 66.000 - trong cùng giai đoạn, xu hướng chung vẫn sẽ là việc giảm sự hiện diện của nhân lực.
Chính quyền Tổng thống Trump đang trong quá trình đàm phán kéo dài với Seoul về việc chia sẻ chi phí cho số lượng quân Mỹ đồn trú tại đây, và một những cuộc đàm phán tương tự cũng sẽ được tổ chức với Tokyo vào cuối năm nay.
Nikkei Asia Review
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét