Tượng John Wayne tại
John Wayne Airport Santa Ana
John Wayne Airport Santa Ana
Theo các hãng thông tấn và truyền hình lớn của Hoa Kỳ, vào ngày 27/6/2020, Đảng Dân Chủ Quận Hạt Orange đã thông qua nghị quyết khẩn cấp yêu cầu Ban Giám Sát Quận Hạt đổi tên Phi Trường John Wayne (tài tử đóng phi cao-bồi Miền Tây) vì ông này theo chủ nghĩa Da Trắng Là Thượng Đẳng và những tuyên bố mù quáng (bigot). Sự kiện gây ngạc nhiên cho không ít người. Bởi vì đối với các kịch sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ, văn-thi-sĩ, họa sĩ, nhất là các tài tử điện ảnh…họ đều có cuộc sống cởi mở, đôi khi phóng túng, buông thả và ít liên hệ tới chính trị. Và nếu có bộc lộ khuynh hướng chính trị thì thường là cấp tiến (Liberal). Vậy tại sao John Wayne lại “dính” vào một vụ tai tiếng như thế này?
<!>
Để tìm hiểu sự thật, tôi tìm đọc tiểu sử của John Wayne, trong đó có cuộc phỏng vấn do tạp chí Playboy thực hiện năm 1971 được ghi trên Wikipedia. Trong cuộc phỏng vấn này, John Wayne đã nói như sau, “Với rất nhiều người Da Đen, có cái gì đó căm phẫn cùng bất bình và có thể đúng. Thế nhưng chúng ta không thể bỗng dưng quỳ gối xuống và trao quyền lãnh đạo cho người Da Đen. Tôi tin vào chủ trương Da Trắng Là Thượng Đẳng cho đến khi nào người Da Đen được giáo dục về tinh thần trách nhiệm. Tôi không tin vào việc giao phó quyền và vị trí lãnh đạo và phán xử cho những người vô trách nhiệm. Tôi không cho rằng chúng ta đã làm sai khi khi lấy đất nước vĩ đại này từ tay người Da Đỏ. Sự kiện đánh cắp đất nước này chỉ là vấn đề sinh tồn. Có rất nhiều người lúc bấy giờ rất cần đất mới và người thổ dân Da Đỏ đã ích kỷ chỉ giữ đất cho chính họ mà thôi.”
(With a lot of blacks, there's quite a bit of resentment along with their dissent, and possibly rightfully so. But we can't all of a sudden get down on our knees and turn everything over to the leadership of the blacks. I believe in white supremacy until the blacks are educated to a point of responsibility. I don't believe in giving authority and positions of leadership and judgment to irresponsible people. ... I don't feel we did wrong in taking this great country away from the Indians. Our so-called stealing of this country from them was just a matter of survival. There were great numbers of people who needed new land, and the Indians were selfishly trying to keep it for themselves.)
Nay John Wayne đã qua đời năm 1979 vậy thì luận bàn về quan điểm chính trị của tài tử này có phải là việc làm thừa thãi không? Tôi xin thưa, không. Bởi vì những người nổi tiếng, được quần chúng tôn làm thần tượng, dù chết đi nhưng họ vẫn tác động vào thời đại. Chẳng hạn chủ trương “Bất bạo động” của Gandhi và Chủ Nghĩa Phát-xít của Hitler. Hiện nay tại Mỹ và Châu Âu, các nhóm Tân Phát-xít đang phát triển mạnh mẽ. Còn chủ nghĩa Maoist vẫn còn tồn tại ở Phi Luật Tân, Nepal và Ấn Độ. Từ việc ái mộ nghệ thuật, sự nghiệp chính trị đến bắt chước theo lối sống, lối suy nghĩ của “thần tượng” là chuyện rất bình thường. Chúng ta nên nhớ, loài người không những bắt chước cái đúng, bảo vệ cái đúng mà còn bắt chước cái sai và bảo vệ cả cái sai. Do đó chúng ta cần phân tích xem quan điểm của John Wayne có hợp lý hay không.
Theo tôi, lý luận của John Wayne không ổn đối với việc người Da Đen không thể giữ địa vị lãnh đạo đất nước hay trở thành các thẩm phán xét xử.
-Xứ này là một nền Cộng Hòa, tức xây dựng trên ý chí của toàn dân mà người Da Đen là một thành phần của khối quốc dân. Do đó họ có đầy đủ quyền hạn và trách nhiệm của một công dân.
-Thứ hai, đây là một nền dân chủ cho nên người lãnh đạo do toàn dân bầu ra. Giả dụ người dân bầu một ông/bà Da Đen làm tổng thống, thống đốc tiểu bang, thị trưởng thì đó là một việc hợp pháp và thể hiện dân chủ. John Wayne không thể nại cớ “Da Trắng Là Thượng Đẳng” để tước quyền lãnh đạo của họ, vừa bất hợp pháp vừa chà đạp lên ý chí của cử tri Da Đen lẫn Da Trắng. Rất nhiều người Da Trắng đã bỏ phiếu cho ứng cử viên Da Đen khi ứng cử viên này đáp ứng nguyện vọng của họ như trường hợp của Ô. Obama.
-Nếu nói rằng chỉ trao quyền lãnh đạo cho người Da Đen khi nào họ tỏ ra có “tinh thần trách nhiệm”. Câu hỏi đặt ra ở đây, “Thế nào là có tinh thần trách nhiệm”? Thiếu gì người Da Trắng chẳng có tinh thần trách nhiệm gì cả, sao chúng ta vẫn cứ bầu các ông/bà Da Trắng lãnh đạo đất nước? Ngoài ra đến khi nào thì John Wayne xác nhận người Da Đen “Có tinh thần trách nhiệm”? Một trăm năm nữa chăng? Và ai có thẩm quyền làm chuyện xác nhận này? Tổng thống, quốc hội hay một cuộc trưng cầu dân ý? Khi phán rằng người Da Đen không có tinh thần trách nhiệm là “vơ đũa cả nắm”. Chúng ta không thể lấy một vài người gian lận trợ cấp xã hội (welfare) rồi kết luận rằng cả chủng tộc đó là những người gian trá. Dù chỉ sống ở Hoa Kỳ có 35 năm, nhưng đọc lịch sử tôi thấy người người nô lệ Da Đen rất trung thành với chủ Da Trắng thì đó là tinh thần trách nhiệm chứ còn gì nữa? Người Da Đen đã đóng góp rất lớn vào gia tài văn hóa nước Mỹ như ca nhạc, thể thao, văn chương, nghệ thuật. Ngoài ra rất nhiều binh sĩ Da Đen đã hy sinh trong Đệ II Thế Chiến, trong Chiến Tranh Việt Nam và ngày nay trên các chiến trường Iraq, Syria và A Phú Hãn… họ chết để giữ yên Hoa Kỳ để cho mấy ông/bà Da Trắng lãnh đạo đất nước này. Giả dụ ngày mai đây thế hệ thứ hai của người Việt, sinh ra tại Hoa Kỳ có đầy đủ tài đức ra ứng cử tổng thống và đắc cử…vậy thì John Wayne nếu sống dậy, liệu ông có chấp nhận không?
-Trao quyền lãnh đạo cho người Da Đen phải thông qua các cuộc bầu cử công khai và hợp pháp chứ tại sao John Wayne lại nói người Da Trắng “quỳ gối”? Phải chăng đây là lời nói kích động tự ái của người Da Trắng và mang mặc cảm thù ghét khi thấy người Da Đen giữ các chức vụ quan trọng trong xã hội?
-John Wayne phát biểu ý kiến này sau cuộc cách mạng da màu của Mục Sư Martin L. King năm 1968 làm cho đại khối người Da Trắng chuyển hóa cái nhìn về người Da Đen, cho thấy ông là người có máu kỳ thị chủng tộc và đi ngược lại trào lưu chung của nước Mỹ.
Còn về vấn để người Da Trắng lấy đất và tiêu diệt người Da Đỏ, tôi không đồng ý với John Wayne hai điểm:
-Thứ nhất: Mình dùng vũ lực chiếm đất của người ta rồi lại kết tội họ “ích kỷ chỉ giữ đất cho riêng mình mà thôi”. Lý luận gì kỳ cục vậy?
-Thứ hai: Nếu người Âu Châu nhập cư hay đi tìm thuộc địa thấm nhuần tư tưởng bác ái của Thiên Chúa Giáo thì họ phải dùng biện pháp hòa bình như mua đất, trao đổi hàng hóa để lấy đất của người Da Đỏ chứ. Đằng này toàn dùng bạo lực để xâm chiếm rồi ra sắc lệnh xua đuổi họ như thời Tổng Thống Andrew Jackson năm 1830. Chúng ta hãy đọc tài liệu của History & Culture với bài viết của Robert Mcnamara đăng ngày 12/12/2019 nhan đề, “Indian Removal and the Trail of Tears. Andrew Jackson's Policy Led to a Shameful Episode in US History”
Tạm kết luận:
Là một Phật tử, tôi nương theo lời dạy của Đức Phật không thù ghét, không kỳ thị bất cứ chủng tộc nào. Tại Hoa Kỳ, người Da Trắng đang là đa số cho nên họ lãnh đạo đất nước là chuyện đương nhiên. Thế nhưng nếu có một ông Da Đen hay Da Màu (như Việt Nam, Đại Hàn, Phi Luật Tân…) nổi bật lên và được bầu vào chức vụ lãnh đạo thì điều đó cũng bình thường và công bằng thôi. Đức Phật dạy rằng muôn loài chúng sinh đều có Phật tánh và đều thành Phật. Giá trị của con người không phải ở màu da, sự thông minh, mà là đạo đức và sự đóng góp của cá nhân ấy cho nhân loại, cho cộng đồng, đất nước.
Tôi hoàn toàn không vương một ý niệm thù ghét nào đối với tài tử John Wayne. Ông có tài đóng phim, với một khuôn mặt khả ái rất thích hợp với loại phim cao-bồi mà hồi còn bé tôi rất thích. Thế nhưng di sản tinh thần mà ông để lại thật đáng buồn. Nó đáng buồn là vì chính quan niệm “Da Trắng Là Thượng Đẳng” đã đẻ ra Chủ Nghĩa Thực Dân và chính sách kỳ thị chủng tộc, đã gây bao đau khổ cho các quốc gia chậm tiến Á-Phi, Châu Mỹ La Tinh cùng thổ dân Da Đỏ.
Dĩ nhiên chúng ta không thể thay đổi được quá khứ nhưng cần biết để hướng về một tương lai tốt đẹp, nhân bản hơn cho nhân loại. Qua những biến động toàn cầu do cái chết của George Floyd, vấn đề người Da Đen và thổ dân Da Đỏ là hai vấn đề nhức nhối của nước Mỹ. Nước Mỹ đang là bá chủ thế giới, họ chẳng sợ ai hết, ngay cả Nga hay Trung Quốc. Nhưng lo sợ nhất vẫn là vấn đề chia rẽ và xung đột ngay trong lòng nước Mỹ. Nếu không khéo giải quyết, một thảm kịch sẽ xảy ra.
Theo AP ngày 25/6/2020, Tổng Thống Hoa Kỳ muốn khởi đầu Ngày Lễ Độc Lập bằng cách viếng thăm tượng đài Mount Rushmore vào ngày 3/7 với tượng của bốn tổng thống nhưng đã gây nên phản ứng từ người thổ dân Da Đỏ. Các người phản đối nói rằng, “Mount Rushmore là biểu tượng của Da Trắng Là Tối Thượng là một cấu trúc của kỳ thị chủng tộc vẫn còn tồn tại tới ngày nay. Nó là một sự phi pháp đã ăn cắp đất của người Da Đỏ rồi tạc tượng những kẻ đi chinh phạt và phạm tội diệt chủng.” (Mount Rushmore is a symbol of white supremacy, of structural racism that’s still alive and well in society today,” said Nick Tilsen, a member of the Oglala Lakota tribe and the president of a local activist organization called NDN Collective. “It’s an injustice to actively steal Indigenous people’s land then carve the white faces of the conquerors who committed genocide.)
Đào Văn Bình
(California ngày 2/7/2020)
Mời đọc thêm :
Đạo Phật chủ trương mọi chúng sanh đều có Phật tánh, đều bình đẳng. Sắc tướng chúng sanh có dị biệt là do Nhân Quả, vì Vô minh tạo Nghiệp báo mà ra. Được làm Người đã là một Thiện Quả nhứt trong các chúng sanh khác. Vậy Người có nên tự cho mình là thông minh nhứt để có quyền sát hại hoặc nô lệ các chúng sanh khác để phục vụ cho Người không? Hay là phải yêu thương, giáo dục giúp chúng sanh khác có cuộc sống an bình, giúp tạo Thiện nghiệp để được chuyển Nghiệp, hóa thân trong kiếp sau. Việc ăn chay là việc tạo Thiện Nghiệp cho mình và tôn trọng mạng sống của chúng sanh khác. Người không được tự cho mình quyền sát hại mạng sống của chúng sanh khác.
Trong chúng sanh Người cũng có những dị biệt cũng là do Nghiệp báo. Ai cũng muốn Mình (bản Ngã) là nhứt mọi phương diện. Người Việt có tự cho mình không thông minh, hèn kém để muốn biến thành người Mỹ trắng "thượng đẳng không"? Người Việt ở Âu Mỹ cũng được gọi là dân thiểu số, da màu và vẫn bị kỳ thị với quan niệm "da trắng thượng đẳng". Vậy mà có những người Việt vẫn không thấy mình bị kỳ thị, lại kỳ thị những dân thiểu số khác, dùng lời lẽ miệt thị, coi họ là "mọi", là "chệt", "ba tàu ở dơ", là tụi "rệp", tụi "Mễ",v...v...
Đạo Chúa, Đạo Hòi, Đạo Phật, hay đạo nào khác cũng lấy Tình thương người là gốc. Đạo Phật với Tâm Từ Bi còn thương mọi chúng sanh. Thấy chúng sanh nào "thua kém" hơn mình thì phải lấy Tâm Từ Bi thương, giúp. Thấy chúng sanh Người, Bò, Heo, Gà, Cá... bị giết trước mặt mình thì mình có xúc cảm không? Do những hành động của chúng sanh Người trong quá khứ mà có bản Tuyên ngôn Quốc Tế Nhân quyền, có Hội bảo tồn động vật hoang dã, thú hiếm, có luật cấm, hạn chế săn, bắn.
Nhìn ngược lại lịch sử, Người da đen Phi châu sống theo tự nhiên với thiên nhiên xung quanh họ. Người da trắng đến Châu Phi xăm chiếm đất đai khai thác tài nguyên rất cần nhân lực. Người đen bản địa là ngưồn nhân lực không công cho tham vọng của thực dân da trắng. Đã vậy khi trở về xứ lại bắt Người da đen theo về làm nô lệ cho mình suốt đời làm việc trong các nông trại. Khi cần tiền thì đem Người đen ra chợ bán như món hàng hoặc để lại cho con cháu. Vợ, chồng, con cái người nô lệ cũng là nô lệ của người chủ như nuôi súc vật. Cuộc chiến tranh Nam Bắc ở Mỹ đã giúp bãi bỏ chế độ nô lệ cả trăm năm năm rồi nhưng vẫn còn vương vấn nuối tiếc trong lòng những Người "da trắng thượng đẳng". Dù đã có nhiều luật lệ cấm kỳ thị nhưng Người Việt đang sống trong xã hội Âu Mỹ có thực sự cảm thấy như vậy không? Người đen cũng có mặc cảm và luôn nhận thấy bóng dáng kỳ thị vẫn phản phất đó đây trong xã hội. Hiện tượng George Floyd gây bùng nỗ chỉ là giọt nước tràn ly. Hình ảnh bị chèn cổ đế chết hiện ra trước mặt mọi người trên thế giới, dù hiện tượng này có thể đã từng xảy ra trong quá khứ nhưng khuất mắt, đã đi ngược lại với bản Hiến chương LHQ về Nhân quyền. Người da đen bất bình là chuyện đương nhiên, mà sự bất bình còn lan rộng đền những cộng ôồng thiểu số khác, nhứt là giới trẻ được giáo dục cấp tiến, không bảo thủ, theo lý tưởng bình đẳng, nhân ái, muốn công lý và luật pháp được công bằng với tất cả mọi người.
Nhìn, nhắc lại quá khứ, học lịch sử để tránh đi và vết xe đỗ lập lại trong tương lai. Người Nhựt hằng năm đều đến hai thành phố bị bom nguyên tử để làm lễ kỷ niệm không phải "thù" Mỹ, mà để dân Nhựt ghi nhớ những sai lầm trong quá khứ và không để tái diễn trong tương lai. Trái lại đảng CS, nhà nước Trung quốc luôn đem lịch sử để kích động nhắc nhở người dân nuôi lòng thù hận, theo truyền thống đầy bảo thủ với phương Tây và Nhựt với ý đồ làm cho người dân quên những vấn đề nội bộ. Nhắc lại quá khứ không nhằm mục đích học hỏi, ôn cố tri tân, mà gây thêm hận thù, đào sâu hố phân cách, chia rẽ, chính trị hóa. Theo luật Nhân Quả, những người cố tình gây chia rẽ, mất đoàn kết sẽ chịu hậu quả do Nghiệp của mình tạo ra.
Nguyễn Mạnh Hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét