Sinh Viên Sĩ Quan Thủ Đức Nguyễn Hữu Nhân (1969). (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại) - Văn Lan/Người Việt - SAN JOSE, California (NV) – Là một sĩ quan Pháo Binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, pháo thủ Nguyễn Hữu Nhân đã phục vụ trong binh chủng Pháo Binh từ một tiền sát viên, sĩ quan phối hợp hỏa lực, pháo đội phó và sau cùng là xử lý thường vụ pháo đội trưởng Pháo Binh của Tiểu Đoàn 181 Pháo Binh thuộc Sư Đoàn 18 Bộ Binh. Pháo thủ Nguyễn Hữu Nhân cùng những chiến hữu trong pháo đội đã xông pha ngoài mặt trận, tham dự hầu hết các cuộc hành quân do Sư Đoàn 18 Bộ Binh đảm trách. Ngoài những vật dụng mang theo trong những cuộc hành quân, ông Nguyễn Hữu Nhân luôn mang theo tinh thần Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm, như bao lớp trai hùng với những khẩu pháo làm bạn, đã làm kinh hồn bạt vía kẻ thù trên khắp chiến trường thuộc khu 33 Chiến Thuật.
Ngồi tại tư gia ở San Jose, Bắc California, ông Nguyễn Hữu Nhân, người chiến sĩ Tiểu Đoàn 181 Pháo Binh thuộc Sư Đoàn 18 Bộ Binh năm xưa, nhớ lại chuyện đời quân ngũ của mình theo những dòng ký ức, tuần tự như từng thước phim sống động chợt hiện về sau nửa thế kỷ.
Duyên nợ với ngành Pháo Binh
Ông Nhân cho biết khi vào bậc Trung Học, ông chuyển từ Trung Học Bình Long về Trung Học Châu Văn Tiếp Phước Tuy vì đây là nơi ông lớn lên và sinh sống với mùi biển mặn quanh năm cùng những ghe tàu đầy ắp cá sau những chuyến ra khơi. Đời sống của dân miền biển hiền hòa như thế mãi đến năm 1968.
Sau khi rời ghế nhà trường năm 1965, ông làm việc cho Văn Phòng Nhân Viên Dân Chính Hoa Kỳ tại Vũng Tàu (CPO Vũng Tàu), sau đó ông thuyên chuyển xuống Cần Thơ và thành lập CPO Cần Thơ với ông Võ Văn Nhân, một nhân viên Việt Nam tốt nghiệp từ Nhật Bản trở về, cùng với ông Harry Demos, nhân viên dân sự Hoa Kỳ để thành lập CPO cho vùng 4 tại Cần Thơ.
Sau Tết Mậu Thân 1968, Cộng Quân không thi hành hiệp định ngưng bắn Tết Mậu Thân, vì vậy ông Nhân đã nhập ngũ vào Khóa 5/68 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Sau khi học xong giai đoạn một tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, ông được chuyển qua trường Bộ Binh Thủ Đức, tân khóa sinh phải qua giai đoạn hai để trở thành một chuẩn úy.
Khóa 5/68 trường Bộ Binh Thủ Đức có 1,752 tân khóa sinh, ra trường Tháng Giêng, 1969, với cấp bậc chuẩn úy. Và tân Chuẩn Úy Nguyễn Hữu Nhân được chọn cho đi ngành Pháo Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, vào trường Pháo Binh Dục Mỹ Nha Trang để tiếp tục học khóa căn bản sĩ quan Pháo Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Ông Nhân cho biết, ông được chọn về ngành Pháo Binh vì các bài trắc nghiệm của mình trong quân trường. “Đến gần ngày mãn khóa thì các đơn vị sẽ đến trường Bộ Binh Thủ Đức và gọi tên các tân sĩ quan sẽ theo các ngành chuyên môn hay theo các quân binh chủng, và những bài trắc nghiệm đó rất có ảnh hưởng để đi qua các binh chủng và các ngành chuyên môn,” ông cho hay.
Ông Nguyễn Hữu Nhân, học sinh Trung Học Chân Văn Tiếp, Phước Tuy (1964). (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)
Ông Nhân nhớ lại: “Có lẽ vì tôi theo ban B Toán, nên những bài trắc nghiệm đó có ảnh hưởng tốt cho ngành Pháo Binh. Trong suốt sáu tháng trong quân trường đào tạo một sĩ quan Pháo Binh, tôi nghĩ ít nhất chính phủ đã phải tiêu tốn cho mỗi sĩ quan Pháo Binh cả triệu tiền lúc bấy giờ, vì mỗi quả đạn được tính ra tiền và mỗi sĩ quan Pháo Binh sau khi tốt nghiệp khóa căn bản sĩ quan Pháo Binh cũng đã tiêu tốn của chính phủ cả triệu đồng. Chúng tôi học về quan sát, tác xạ trên miền, tâm chạm điểm, tâm nổ cao, tác xạ tiêu hủy (TOT – Time On Target) với ba yếu tố chính của Pháo Binh là nhanh chóng, chính xác và bất ngờ.”
Khóa 5/68 Căn Bản Sĩ Quan Pháo Binh gồm 120 tân chuẩn úy từ trường Bộ Binh Thủ Đức, được học thêm sáu tháng tại trường Pháo Binh Dục Mỹ Nha Trang, nơi những bài học lý thuyết và thực tế được áp dụng để trở thành một sĩ quan Pháo Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, để yểm trợ cho các đơn vị bạn. Khóa Căn Bản Sĩ Quan Pháo Binh hướng dẫn các sĩ quan Pháo Binh có trình độ hiểu biết khi làm tiền sát viên, rồi trung đội trưởng Pháo Binh… với trách nhiệm của người pháo thủ là yểm trợ trực tiếp cho đơn vị bạn.
Các bài học và thực tập tại trường Pháo Binh với tính trách nhiệm là một tiền sát viên Pháo Binh sẽ yểm trợ cho đơn vị bạn như chấm tọa độ, chuyên sử dụng đại bác trong các cuộc hành quân. Nhờ những bài học này mà khi tốt nghiệp, trách nhiệm của sĩ quan Pháo Binh là phải chấm được tọa độ trên bản đồ, biết rõ mình đang đứng tại chỗ nào trên bản đồ để bắn yểm trợ quân bạn trong các cuộc hành quân.
Sau sáu tháng miệt mài trong quân trường Pháo Binh Dục Mỹ, ông Nhân đậu với thứ hạng 19/120 và chọn Tiểu Đoàn 183 Pháo Binh tân lập đóng tại Long Khánh Xuân Lộc.
Pháo Binh quyết định chiến trường
Ông cho hay, năm 1969 binh chủng Pháo Binh được bành trướng, do đó Pháo Binh Dù và Pháo Binh Thủy Quân Lục Chiến ra đời. Pháo Binh yểm trợ trực tiếp cho các quân đoàn và sư đoàn được gọi là Pháo Binh dã chiến, trong khi Pháo Binh diện địa thì yểm trợ trực tiếp cho các tiểu khu và chi khu. Mỗi tiểu khu có một pháo đội và vị chỉ huy trưởng Pháo Binh của tiểu khu là chỉ huy trưởng Pháo Binh tiểu khu, cấp bậc thường là thiếu tá.
Ông Nhân nói: “Binh chủng Pháo Binh được gọi là một ‘binh chủng thông thái’ và người ta thường nói ‘Pháo Binh quyết định chiến trường,’ vì khi cuộc chiến xảy ra giữa ta và địch, thắng hay bại là do sự yểm trợ của Pháo Binh, đó là trách nhiệm rất quan trọng của sĩ quan Pháo Binh.”
“Trách nhiệm của Pháo Binh rất nặng nề, góp phần rất lớn vào sự chiến thắng của đơn vị, người pháo thủ luôn chiến đấu trong tinh thần dũng cảm và kỷ luật. Trong bất kỳ cuộc chiến nào không có Pháo Binh, đơn vị tham chiến cảm thấy rất lo âu vì không có đơn vị yểm trợ trực tiếp cho mình, và Pháo Binh là một đơn vị rất quan trọng trong cuộc chiến. Phải nói Pháo Binh là một đơn vị quyết định chiến trường, nơi nào có Pháo Binh, nơi đó địch quân phải khiếp sợ, giúp cho đơn vị bạn của chúng ta yên tâm chiến đấu, từ rừng sâu đến nơi núi thẳm, hỏa lực của Pháo Binh làm cho địch quân khiếp vía kinh hoàng,” ông tự hào.
Chuẩn Úy Nguyễn Hữu Nhân (dấu X) tham dự khóa học Khẩu Đội Vụ tại trường Pháo Binh Dục Mỹ. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)
Ông cho hay: “Mỗi tiểu đoàn Pháo Binh yểm trợ trực tiếp cho một trung đoàn Bộ Binh. Một sư đoàn gồm có bốn tiểu đoàn Pháo Binh và tiểu đoàn 155 ly thuộc sư đoàn, và ba tiểu đoàn 105 thì mỗi tiểu đoàn yểm trợ trực tiếp cho một trung đoàn như Tiểu Đoàn 181 Pháo Binh yểm trợ trực tiếp cho Trung Đoàn 43 Bộ Binh, Tiểu Đoàn 182 Pháo Binh yểm trợ cho Trung Đoàn 52 Bộ Binh, và Tiểu Đoàn 183 yểm trợ cho Trung Đoàn 48 Bộ Binh.”
“Một tiểu đoàn có ba pháo đội, một pháo đội có ba trung đội, một trung đội có hai đại bác, chiến trường Việt Nam lúc đó thường xài 105 ly và 155 ly, Pháo Binh 175 ly và Pháo Binh Phòng Không,” ông Nhân nói và cho biết ông thuộc Tiểu Đoàn 181 dùng đại bác 105 ly yểm trợ trực tiếp cho Trung Đoàn 43, Sư Đoàn 18 Bộ Binh, hậu cứ đóng tại Xuân Lộc, Long Khánh.
Những trận pháo long trời lở đất của Pháo Binh Sư Đoàn 18 Bộ Binh
Việt Nam Cộng Hòa có khoảng 10 sư đoàn, mỗi vùng chiến thuật có nhiều sư đoàn để bảo vệ vùng chiến thuật đó, Việt Nam Cộng Hòa có bốn vùng chiến thuật gồm Vùng I ở địa đầu giới tuyến, sát ranh với vĩ tuyến 17. Vùng II giáp ranh với Vùng I thuộc các tỉnh miền Trung. Vùng III gồm các tỉnh Long Khánh Biên Hòa, Phước Long, Phước Tuy, Bình Tuy Phước Tuy… và Vùng IV thuộc đồng bằng miền Tây.
Sư Đoàn 18 Bộ Binh, Sư Đoàn 5 và Sư Đoàn 25 chịu trách nhiệm Vùng III Chiến Thuật, thuộc Quân Khu III gồm Long Khánh, Phước Long, Bình Long, chịu trách nhiệm trong vùng lãnh thổ đó, bất cứ lúc nào sư đoàn nhận lệnh thì Tiểu Đoàn Pháo 181 vẫn phải cùng hành quân chung trong vùng lãnh thổ đó.
Thiếu Tá Nguyễn Tiến Hạnh, Khóa 13 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, là tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 181 Pháo Binh cho đến giờ phút sau cùng Tháng Tư, 1975. Lúc đó là năm 1969, khi miền Nam phải đối mặt với những trận đánh ác liệt, chịu áp lực của Cộng Quân khá mạnh mà chúng lấy làm điều kiện cho Hiệp Định Paris 1973.
Mỗi tiểu đoàn pháo có một căn cứ của mình, Tiểu Đoàn Pháo 181 của ông Nhân đóng tại bộ chỉ huy hậu cứ tiểu đoàn ở Xuân Lộc, Long Khánh cuối phi trường Long Khánh.
Trận “Tuyến Thép Xuân Lộc”
Trận “Tuyến Thép Xuân Lộc” được mô tả là trận đánh cuối cùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa mà Sư Đoàn 18 Bộ Binh đã tham dự.
Ông Nhân cho hay, lúc đó Pháo Đội chỉ còn hai trung đội, một đóng tại tiểu đoàn do Trung Úy Cao Ngọc Tú, Khóa 369, và một trung đội đóng tại Căn cứ Núi Thị, là bộ chỉ huy hậu cứ của Tiểu Đoàn 243 do Thiếu Tá Nguyễn Hữu Chế (Khóa 13 Thủ Đức) làm tiểu đoàn trưởng, là một vị chỉ huy xuất sắc của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, và Tiểu Đoàn 243 là một tiểu đoàn mà địch quân khi nghe danh phải khiếp vía kinh hồn.
Ông Nhân đã tham dự trận chiến cuối cùng “Tuyến Thép Xuân Lộc” và đã rời khỏi Xuân Lộc vào đêm 20 Tháng Tư, 1975. Ông cũng đã viết lại những giờ phút cuối cùng ở Xuân Lộc Long Khánh trong những bài viết của Sư Đoàn 18 Bộ Binh.
Tháng Mười Hai, 1974, ông Nhân nhận được lệnh trực tiếp từ tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 181 Pháo Binh, cho biết ông sẽ phải nhận lệnh trực tiếp từ đại tá liên đoàn trưởng Liên Đoàn 7 Biệt Động Quân. Pháo Đội A của Tiểu Đoàn 81 Pháo Binh gồm ba trung đội đóng ở ba vị trí khác nhau, ông Nhân đang ở căn cứ 4 Rừng Lá, Trung Úy Trung ở Núi Thị và Trung Úy Tú đóng ở bộ chỉ huy tiểu đoàn.
Cuộc hành quân phối hợp của Pháo Đội A Tiểu Đoàn 181 Pháo Binh giao cho ông Nhân ba chức vụ cùng một lúc, vừa là trung đội trưởng, pháo đội phó (sĩ quan tác xạ) và pháo đội trưởng. Trên đường di chuyển vào Võ Đắc, ông Nhân đã ở lại Căn Cứ Gia Ray là hậu cứ của Trung Đoàn 52 do Đại Tá Ngô Kỳ Dũng, trung đoàn trưởng trách nhiệm. Sau một đêm bình an và sáng hôm sau ông Nhân lại tiếp tục theo Liên Đoàn 7 Biệt Động Quân để trở vào Võ Đắc, và được lệnh dừng lại ở Chính Tâm 2, đóng vị trí tại đây.
Ông Nguyễn Hữu Nhân (trái) trao kỷ niệm chương cho chiến sĩ Tô Phạm Thái trong buổi kỷ niệm 9 năm thành lập Liên Trường Sĩ Quan Trừ Bị Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Bắc California. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)
Pháo Binh yểm trợ Tiểu Đoàn 344 Địa Phương Quân trong trận Võ Đắc
Tham dự hành quân với Liên Đoàn 7 Biệt Động Quân mà vị chỉ huy trưởng lúc bấy giờ là Đại Tá Nguyễn Kim Tây. Pháo Đội A của ông Nhân nhận lệnh trực tiếp của Liên Đoàn 7 Biệt Động Quân trong trận chiến này, gồm có ba Tiểu Đoàn 32, 58 và 85.
Do sự tình cờ, Đại Úy Lê Phi Ô, tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 344 Địa Phương Quân thuộc tiểu khu Bình Tuy, đã liên lạc được với ông Nhân, hai anh em không ngờ lại được nói chuyện với nhau trong cuộc hành quân này. Biết ông Lê Phi Ô đang rà trên các tần số và khi nghe giọng nói của bên Pháo Binh thì ông Lê Phi Ô xin cho gặp thẩm quyền của ông. Ông Nhân vừa cầm combine và nghe giọng nói của Lê Phi Ô, hai anh em mừng tủi và cũng chỉ nói qua loa vài câu, sau đó Lê Phi Ô xin ông Nhân tác xạ.
Trong lúc nguy kịch, Liên Đoàn 7 Biệt Động Quân đang bị vây và phải dừng quân nên việc tiếp tế hết sức khó khăn. Qua liên lạc với Đại Tá Nguyễn Kim Tây, ông Nhân xin lệnh pháo yểm trợ, được Đại Tá Nguyễn Kim Tây trả lời mình đang bị chận đường không đi được, trong khi đạn bị thiếu hụt trầm trọng, phải để dành để bảo vệ Sư Đoàn 18 Bộ Binh cũng đang thiếu đạn!
Ông Nhân kể: “Khi tôi trình bày tình hình nguy cấp của Tiểu Đoàn 344 Địa Phương Quân, đồng thời trình bày Đại Úy Lê Phi Ô cũng chính là em rể của mình, Đại Tá Nguyễn Kim Tây đồng ý cho bắn chỉ 10 quả! Tôi bèn nghĩ cách điều khiển làm sao để bốn khẩu đại bác bắn cùng một lúc, như vậy số đạn sẽ bắn được nhiều gấp bốn lần mới có thể xoay chuyển tình thế được!”
“Nói nghe dễ chứ ngay cả Pháo Binh cũng phải được huấn luyện rất thuần thục mới bắn được như vậy. Kết quả thật không ngờ, Cộng Quân đang thắng thế bỗng nhiên có đơn vị nào không biết từ đâu tới, bắn chụp trên đầu chúng nổ cùng một lúc 40 quả đại bác. Bọn chúng hốt hoảng bỏ chạy tán loạn, và cả Tiểu Đoàn 344 Biệt Động Quân của Lê Phi Ô cũng thừa cơ hội chạy thoát luôn. Thế mới biết trong chiến trường mà anh em được gặp nhau thật là hy hữu, và có những điều bất ngờ không ai biết trước sẽ sống chết ra sao,” ông Nhân hào hứng kể lại.
Ông tự hào cho biết thêm: “Pháo Binh là một đơn vị yểm trợ trực tiếp cho một đơn vị bạn đang tác chiến ở một nơi khác. Trong chiến trường Việt Nam, trận nào cũng có Pháo Binh tham dự, mỗi khi nghe có Pháo Binh lên tiếng thì đơn vị bạn rất yên tâm vì được yểm trợ để chiến đấu tối đa. Nơi nào có Pháo Binh, nơi đó địch quân phải khiếp sợ!”
(Văn Lan) [qd]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét