Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2020

HUẾ CỦA TUI - Nguyễn Thế Phước

Inline image

Tui là thằng bảo hoàng, bảo hoàng hơn cả Vua! Cái chi nằm trong bộ óc tui rồi thì tui không muốn đổi, và cũng không thể đổi được. Rứa mới kỳ! Có rứa cho nên từ ngày xa Huế đi kiếm cơm ở tận xứ sở của Vua Chế Mân hồi xưa, tui cứ bo bo giữ trong đầu hình ảnh Huế của tui - Huế của những tháng năm đầu đời cho đến khi biết yêu, rồi cưới vợ và ... bỏ xứ ra đi. Đi kiếm cơm thời nớ quá cực. Hai cấy dôn lương tháng sáu chục đồng giấy lộn nhân hai cọng thêm hai đồng sản khoa (ai mà biết hai đồng nớ để mần chi!) của mụ vợ tui nữa vị chi là một trăm hai mươi hai đồng. Mà nghĩ thử coai, mỗi buổi sáng nếu tui vô cantine kêu một ly cà phe (không có dấu mũ, không phải vì viết sai chính tả mà vì cà hoài không phê nên không thể goại là cà phê được) với năm điếu thuốc Lao Động hay Hoa Mai, Hải Đảo chi đó thì cũng tốn hết hai đồng, đi toong một ngày “lao động” của một tên thợ mổ! Bởi rứa đành nhịn để tiền mua bột “loạn xạ cốc” nuôi con.
<!>
Cực thì cực nhưng hàng năm cũng ráng bồng bế nhau về Huế, trước thăm cha mẹ vợ, sau để thỏa mãn nỗi nhớ Huế khôn nguôi. Ráng cằn táy mua vé tàu ngồi lê ngồi lết mấy ngày trời, chờ tới Lăng Cô là bụng dạ bắt đầu sôi lên, qua Thừa Lưu, Cầu Hai, Đá Bạc mắt nhìn chăm chăm ra cửa sổ. Tới Truồi, Nong ngồi đứng không yên; qua Phú Bài, An Cựu nhấp nha, nhấp nhổm mong cho tới Ga Huế. Rứa mà khi xuống tàu, ra ga đón cyclo về nhà tự nhiên lại buồn thúi ruột! Ga Huế không giống như ngày xưa, khi tui còn chạy lên chạy xuống nhà thằng bạn có bà mẹ mở quán cơm ở đó. Đường Lê Lợi răng buồn chi lạ, có mô như những ngày áo trắng rợp đường xanh. Xe qua cầu Trường Tiền, thấy cái bảng tên Cầu Tràng Tiền tự nhiên nổi giận! Trường, không phải Tràng! Trường, không phải Tràng nghe, nghe chưa! Để rồi lại càng xông máu khi thấy hai bên cầu có hai cái cùm kẹp chặt mấy vài cầu. Trời hỡi Trời ngó xuống mà coai, cầu mà còn bị cùm huống chi là người! Chưa kể là sau ni còn thêm một mớ đèn xanh, đỏ, tím, vàng thấy phát khiếp! Về nhà, ngày lại ngày, tui xách xe đạp chạy quanh. Tìm chút kỷ niệm xưa cho bõ những ngày thương nhớ.

Về Gia Hội nhìn lại ngôi nhà thời thơ ấu. Cái bót Cò, nơi tui thường đi băng để vô nhà chừ là Đồn Công An, không dại chi bước vô. Vòng qua kiệt Quang Hoa để vô, thấy chỗ mô cũng lạ hoắc. Cái bến nước xưa có cây sung sây trái, ngôi nhà anh Vạn mé bờ sông, trường đá gà cạnh vườn nhà tui, nhà mụ bán chè gánh trước mặt nhà tui, nhà Bác Tự có con là anh Bé Cọ bị tử thương ở Đài Phát Thanh năm nào chừ mô cả rồi, lạ hoắc, nhìn không ra!
Vòng xe vô Tô Hiến Thành thăm ông anh con bà cô ruột, qua Diệu Đế vòng về Ngự Viên. Căn nhà làm bánh biscuit còn đó mà người không biết có còn. Nơi mụ Rớt bán bún gần ngã ba chừ nhà muốn sụp. Quay lại đường Ngự Viên, dòm vô chè ông Thân, nơi hồi xưa mỗi ngày đi học, đi ngang dòm vô mà ... thèm! Đối diện quán ông Thân là nhà ông Đại Tá, trong nớ có o bạn học hồi xưa hay bị thằng quậy là tui khỏ đầu.Chỉ tại hồi nớ tui bị ở lại lớp nên không chịu học, chỉ đi quậy khắp lớp mà thôi.
Rẽ phải về phía Bãi Dâu. Đi ngang trường Gia Hội xưa vang tiếng khóc ngày Xuân, muốn vô thắp nén nhang cho những nạn nhân xấu số nhưng biết làm răng để thực hiện đây! Xuống tí nữa là nhà một o bạn học khác, tui thường xuống nhà o vì các em o là đàn em Hướng Đạo của tui. Mà khi nớ o chưa là bạn học nên cũng chẳng mấy khi noái chuyện, he he! Đi thẳng xuống Bãi Dâu nhớ hồi còn học tiểu học, đi trại Đầu Thứ Đàn Tuyết Sơn trong Gia Đình Phật Tử ở đây, được mẹ mua cho hai miếng fromage La vache qui rit để ăn với bánh mì. Lạ, fromage hồi nớ ngon hơn chừ nhiều. Chừ tui ăn hộp ni qua hộp khác thấy không ngon bằng!

Đạp ngược lại qua cầu Đông Ba. Con đường đi học hồi xưa Ngự Viên- Cầu Đông Ba-Của Đông Ba-Mai Thúc Loan-Lê Thánh Tôn-Đặng Dung cửa trước, Nguyễn Biểu cửa sau vô trường Bồ Đề Thành Nội chừ quá nhiều thay đổi. Thành Nội xưa hiếm có nhà lầu. Đường Mai Thúc Loan nhiều nhà xây ngon lành cũng không có lầu, gioải lắm là có gác mà thôi. Nhiều thứ để nhớ trên con đường ni. Chừ nhà lầu san sát, một ngôi nhà cũ chừ thành ba bốn căn lầu cao lỏng chỏng. Tui ưa cái chợ Xép lụp xụp gần mấy hồ sen hơn nhà lầu sơn vẽ hào nhoáng, trời à!
Tới cửa Hiển Nhơn một thời Quốc Gia Âm nhạc và Kịch nghệ Huế mới buồn hơn. Biết tìm mô cái rêu phong cổ kính ngày ngày tui vô ra nữa. Chừ sơn vàng sơn đỏ giống mấy cái am. Đại Nội ơi, Lâu đài còn đó, thành quách còn đây mà hồn ở mô rồi! Lầu Ngũ Phụng một thời, Điện Thái Hòa, Cần Chánh buồn tênh trong lòng thằng con xa xứ. Tả vu, Hữu vu nay tráng lệ nhưng tui nhớ cái hoang tàn ngày xưa trước Cấm cung. Duyệt Thị Đường xưa là trường tui học nhạc, nét hoang sơ xưa tìm lại khó làm răng. Nhớ khi xưa tan học dưới ánh trăng, chừ mô nữa những ngày thanh xuân nớ!

Trở về Hữu ngạn, đi dọc đường Lê Lợi, thấy hai hàng long não ủ rũ buồn tênh? Cây buồn hay tui buồn đây hè? Tui không biết nhưng lòng tui chùng xuống, hàng cây xưa nay ủ rũ buồn tênh. Áo trắng xưa, đẹp tuyệt những bóng hình, chừ mô cả để cây sầu áo não! Trường Đồng Khánh, nơi cả bầy em gái tui theo học chừ đổi tên thấy lạ lẫm, vì răng? Mụ vợ tui xưa cũng học trường ni,một thời đóng vai Trưng vương lẫm liệt. Lững thững vô trường, đi từ trước ra sau, nhớ một thời những bước chân làm hồn tui rung động. Qua Quốc Học thấy cũng nhiều thay đổi, chắc tại vì thiếu vắng bạn thâm giao. Nhìn cột cờ bỗng nhớ năm nao, đi sinh hoạt bạn mình leo tới ngọn. Hồi ức trở về, nhớ mùa Xuân năm cũ, loạn binh đao tạm trú dưới trường ni. Ra thăm lại Bình phong Long Mã, rồi bước qua Bia Chiến sĩ trận vong. Kỷ niệm ngày xưa chất chứa trong lòng, chừ mô nữa những ngày tươi đẹp nớ. Kìa bến sông, nơi trại bè xuôi phố, qua sông Đào về Tiên Nộn hội quân. Nhớ quay quắt, và buồn chất ngất!

Viện Đại Học Huế, xưa tui chỉ vô đó có một lần khi đi nghe một nữ nghệ sĩ Mỹ độc tấu Tây Ban Cầm nhưng chừ bước ngang cũng đong đầy cảm xúc. Trường Bình Linh nơi tụi tui chơi basquette mỗi chiều chừ không còn là trường nữa. Cái cảm giác tiếc nuối ngôi trường xưa cũ Pellerin đeo đuổi tui hoài cho dù tui không học trường ni. Răng lạ rứa hè!
Vòng Nguyễn Huệ về phía An Cựu, đi ngang nhà thờ Phủ Cam, nhà dòng Les Pères Rédemtouristes, trường Providence, nhà thờ Nhà nước, L’Acceuil bỗng nhớ những Noel xưa, lúc thì cùng bạn đi lễ nữa đêm rồi về nhà bạn ăn réveillons tới sáng và sau này cùng một nàng Tiên tay trong tay dung dăng dung dẻ dạo Giáng sinh. Chừ thì thấy khác quá, khác quá. Tôi nghiệp cho Huế trong tui ghê.
Bến xe An Cựu, chừ coai có vẻ đẹp hơn hồi xưa lụp xụp bụi bặm mà tui lại thấy không quen. Tui muốn thấy những chiếc xe bus xanh An Cựu-Đông Ba, muốn thấy mấy chiếc Dodge, Chevy cũ mèm bênh cạnh mấy chiếc Renault rực hai màu vàng đỏ của Phi Long-Tiến Lực. Ừ, tui bảo hoàng nên đổi đẹp cũng không ưa!
Cầu Thứ Bảy, đường Triệu Ẩu chừ cũng nhiều lầu. Có chỗ xây to và đẹp, hình như là Trung Tâm Thi Đấu Thể dục Thể thao. Vòng về sân vận động Tự Do, nơi một thời mới lớn. Dân Nguyễn Tri Phương nên sân vận động là nhà. Chạy xe lòng chảo sau giờ học Thể dục, chui hàng rào coai cọp đá banh, cả chuỗi ngày vô tư lự nơi đây, thằng tui ơi.
Đầu đường Xóm Chỉ là quán cơm Âm phủ của bác Thôi. Tui nhớ mãi những lần đau ốm, được mẹ cho đoại cháo xương đậu xanh là thiếu điều muốn lành bệnh chơ hồi nớ chưa từng được kéo ghế nơi đây cho dù hắn chỉ là quán bình dân, giá cả không mắc.
Rẽ ngả sau vô miếu Ông Cọp, qua cống là nhà bạn tui, một thời chè Sầu bột lọc bọc thịt quay nức danh nước Huế. Bạn hiền xất bất xang bang sau 1975, chừ về vườn bày trò đàn hát, tạc tượng rồi dông xe khắp mọi miền cùng bà chủ ở yên sau. Thôi thì cũng qua một đời, mong có ngày gặp lại nhau ôm nhau bằng xương bằng thịt chơ tán trên fb không đã xí mô cả bạn miềng hí.

Đám ruộng kéo dài từ nhà bạn xuống thấu Xã chừ không còn. Nhà, toàn là nhà! Kỷ niệm xưa bừng bừng sống dậy cho dù tui ở đây chỉ có sáu năm. Vùng đất ni nhỏ xíu nhưng có tới mấy ôn Nghè, ôn Huyện. Ôn Nghè Cơ, Ôn Nghè Hàn vui thú điền viên với đám trò nhỏ tại nhà. Ôn Nghè Đồng tài hoa đàn hát, thơ văn. Còn Ôn Huyện ở trước mặt nhà tui là bà con, Ôn là thân sinh của cậu Lê tui, khi nớ là Hiệu Trưởng Nguyễn Tri Phương. Tui hay chui rào vô vườn hái đào đỏ mặc dù nhà tui có tới ba cây đào xanh. He he, trái roai ngoài Bắc, trái mận trong Nam nhưng ở Huế thì hắn cứ là đào, ai noái chi thì noái! Ngôi nhà xưa của tui chừ không còn ba cây đào nữa mà là ba căn nhà lầu mọc choán hết khu vườn.
Ngược lại lên Chợ Cống, thấy moại thứ đều đổi thay. Ngôi chợ cạnh cống ngòi chừ đông đúc. Chắc có lẽ tại có cây cầu thông về Lại Thế quê vợ tui! Quán bún bò trên đường Chợ Cống hồi đám Y 15 tụi tui về từ Miền Nam Trung phần và Cao Ngyên Lâm Viên tính tiền đoại bún mắc gấp hai bình thường chừ không biết có còn? Gánh bún o Hoa hồi xưa bán trước rạp Hưng Đạo dời về đầu đường Xóm Chỉ, hễ cứ thấy tui về là múc cho tui một đoại có cái giò khoanh và mấy lát bò bắp chừ có còn đắt khách? Khuôn Phú Lâu xưa tui đi sinh hoạt với anh Liên Đoàn Trưởng Hà Thúc Hoan vẫn như cũ nhưng có vẻ chật chội hơn. Cái ao bên cạnh chùa chừ biến mất, thay vô đó là nhà. Dãy nhà Mụ Đội xây cho thuê còn đó nhưng cái sân rộng phía trước, hồi tụi tui hay cắm trại chừ không còn. Gần đầu đường, vô kiệt là quán café Sông Xanh rồi nhà thầy cô Nguyễn Hữu Thứ- Thân Thị Giáng Châu khi tui về không mấy đổi thay.

Qua Đập Đá hướng về Vỹ Dạ mới lạ con mắt. Những ngôi nhà vườn tuy còn đó nhưng đổi thay lạ lẫm vô cùng. Nhà rường xuất hiện, nhà lầu, khách sạn, hàng quán rực rỡ muôn màu. Nhớ một lần, về uống café Vỹ Dạ Xưa với bạn Saigon bị tụi hắn mắng: Coi Huế của ông kìa cũng bởi mấy o bưng dọn mặt mày xinh xắn, áo dài đẹp đẽ mà mặt lạnh như tiền, hỏi không thèm ừ hử thấy ngán ơi là ngán ... ngẫm! Qua Cồn Hến về Chùa Pháp Hải, nhớ Thầy Đức Tâm hiền hòa, nhớ những lần về làm Lễ Tinh thần với Thiếu Đoàn Đinh Bộ Lĩnh. Dạo một vòng thăm lại mấy lò luộc hến, mấy quán chè chừ không còn chòi lá như xưa.
Đi xuống chợ Mới dòm qua một chút. Trường Thế Dạ vẫn cũ như dạo nào. Quán giấm nuốc xưa có lần được ba mẹ cho ăn chừ không còn nữa. Bên tê đường một quán khác mới mở trong sân rộng không biết có ngon bằng! Ở khúc quanh chừ có hãng bia Huda to đùng án ngữ. Đầu chợ Mai dáo dác tìm quanh, chỗ mô rồi hàng bún xưa cùng em ăn bữa lỡ, biết anh nghèo thiếu ăn em không nỡ, đoại bún to em rợt bớt hai phần! Vòng vô Lại Thế quê em, thấy cảnh nghèo vẫn theo cùng năm tháng. Cảnh quê không đổi, chỉ thấy hàng tre hình như sưa hơn thì phải. Nhìn hàng tre nhớ mỗi mùa mưa, chạy soi khắp nơi tìm hái nấm mối đem về cho mẹ ướp muối tiêu rồi nướng trong lá chuối vừa thơm vừa ngon hơn cả mỹ vị cao lương!

Về thăm lại trường xưa Nguyễn Tri Phương. Trường thay đổi mà cảnh quan xung quanh cũng đổi. Không có phải vì rứa hay không mà ít có cảm xúc bồi hồi! Ngôi trường tui theo học bảy năm trời chừ là trường cấp hai tức là Trung học Đệ Nhất cấp hồi xưa. Khách sạn Thuận Hóa trước mặt trường hồi xưa chừ hết cửa đóng then cài, cũng là khách sạn, có chỗ nhảy đầm hàng đêm cho các tay chơi lịch lãm. Tui không biết nhảy vì hồi xưa ba tui dọa bẻ què giò đứa mô dám bước vô piste nhảy đầm.
Chạy ra Morin chừ là khách sạn, một thời tui quậy phá tại đây. Khi nớ Morin chia hai cho Trường Văn khoa và Trường Khoa học, tui ở dưới lầu hay đứng ngóng lên các người đẹp Văn khoa. Qua Kho Bạc một thời tui hay vô ra nộp tiền vô ngân khố giúp mẹ tui khi nớ làm thuê cho ông bác nhà giàu sụ. Rồi Bưu Điện mà đối diện là quán xôi thịt hon, chỗ mà tui ba năm mới có một ngày rằm được vô ăn ở đó. Trường Lê Lợi xéo xéo bên tê, nơi tui vô học lại lớp nhì, thành tên học trò quậy phá, tới chừ bạn còn nhắc. Trường Jeanne D’Arc kín cổng cao tường, nơi tui chưa từng bước vô nhưng Nhà Thờ Phanxicô trước mặt trường thì tui đã từng tới đó tập hát cho Ban Thánh Ca mặc dù tui là người ngoại đạo.

Lần ra Chaffanjon, nơi mà năm khi mười họa tui được ăn một cái pate chaud thơm phức, là nơi mà năm 1967 tui đi học lớp Anh văn miễn phí ở đó và dịp Noel, được coai film Waterloo bridge do Robert Taylor và Vivian Leigh đóng. Không biết có điềm chi báo trước hay không nhưng đầu năm 1968 thì Huế nổi cơn khói lửa binh đao như trong film tui được coai trước đó! Góc tê đường phía đường Ngô Quyền là Đài truyền hình Huế, cạnh đó là nhà Thầy Ưng Luận, ba của bạn tui. Thấy chẳng có chi lạ ngoài nhà Chaffanjon thành Cửa hàng Bách hóa. Lần tới Công viên Chiến thắng Hạ Lào chừ thêm cái tượng của ai đó tui không quen! Nơi nhà thầy Viện Trưởng ở xưa kia thì thành Ty Thể dục Thể thao. Café Góp gió, nơi xưa kia tụi tui xép ve ngồi yên thì chừ thành cửa hàng bán xe hai bánh Honda hay Yamaha chi đó. Ra phía trước, cerle sportif chừ có nhiều chỗ bán đồ ăn và café. Tui quên dòm, không biết mấy cái peris- soires có còn hay đã bán làm đồ phế thải. Xưa, mỗi sáng cuối tuần, tụi tui dậy sớm, chế café bỏ vô thermos rồi đạp xe ra cercle thuê mấy chiếc, chèo lên tận cồn Giã Viên, gác mái chèo lại với nhau rồi nhâm nhi café giữa sông, lúc nớ còn bốc khói cuồn cuộn cho tới khi mặt trời lên mới thong thả chèo về trả thuyền, tắm một trận rồi mới về nhà. Dòm qua bên tê, Thư Viện Đại Học Huế vẫn còn đó nhưng ngôi trường Thành Nhân rồi sau này là Hưng Đạo thì đã được dùng vô mục đích khác rồi! Nhớ ngày xưa, hàng ngày lo tới Thư Viện sớm để sắp hàng, mong vô trước để mượn cho được quyển Chimie générale Collection U nghiền ngẫm. Độc một cái là cả thư viện chỉ có một quyển nên không cho mượn về nhà, đành tốn công chờ chực. Sau ni, tụi tui tìm cách lén lén đem ra ngoài, chạy qua Ưng Hạ photocopy những trang cần dùng rồi lại lén đem vô trở lại mà trống ngực đánh thùng thùng, sợ bị bắt gặp thì tiêu! Sau lung thư viện, chừ có cả một dãy hàng ăn trên đường Trương Định. Có người noái cơm hến đó ngon, tui tới ăn một lần rồi biến, không khi mô trở lại nữa. Cơm hến chi mà thay vì tóp mỡ lại bỏ vô đó một đống mì sợi chiên, hôi rình! Quán café chị Hoa, nơi tụi tui ngồi đồng đập domino uống café ký sổ chừ không còn nữa. Chị đã về lại nhà bên Gia Hội, gần xéo với bót Cò ngày xưa.
Bệnh Viện Huế chừ cũng thấy lạ. Tui ghé vài lần thăm bạn, thăm đàn anh rồi thôi vì không muốn chạm mặt những người không muốn gặp. Thôi thì duyên hết, nợ cũng nỏ còn, cuộc thế đổi thay có khi quên đi cho khỏe trí.

Ra phía sau về lại trường xưa, mình lạc lõng như khách nhàn du vãn cảnh. Đi một vòng hồi tưởng chút tình xưa rồi quay gót. Qua Trường Phú Vĩnh, nhớ hồi Tiểu học đi thi giải Bóng Bàn và Vũ cầu Học sinh Tiểu học Thừa Thiên. Rẽ về ngó ngang nhà cũ ở từ sau Mậu Thân cho tới 75 mà có chút chua xót trong lòng. Lên dốc Bến Ngự ghé thăm nhà Ông già Bến Ngự. Nhớ hồi xưa hay lên bỏ bánh rán cho bà cụ con dâu của cụ Phan tức là mẹ anh Phan Thiệu Cát. Nhớ nhất là bia mộ hai chú chó trung thành Vá và Ky của cụ. Rồi Chùa Từ Đàm, nơi tôi thường thơ thẩn bên gốc cây bồ đề lượm hạt mỗi lần theo ba tui đi họp Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Trung nguyên Trung phần, nơi hàng năm tui dự Lễ Phật Đản, nơi mỗi đầu Xuân lên thắp nhang trước khi đi viếng mộ ông bà. Nghe đâu giờ chừ chùa cũ đã bị đập để xây chùa mới, tui xót xa như mất một người thân! Là Phật tử nhưng tui không mấy hứng thú với chuyện xây chùa. Tui quan niệm chùa còn tốt thì mắc chi phải xây lại, để tiền nớ giúp đỡ kẻ nghèo có phải hơn không! Nhứt là Chùa Từ Đàm, tui đã quen với chùa cũ rồi, xây mới lại thì còn chi là chùa của tui! Không biết cây Bồ Đề chừ còn tươi hay đã buồn vì vắng cảnh chùa xưa! Không biết tượng BS. Lê Đình Thám có còn nơi vườn bông bên hông chùa trước nhà Tăng? À mà nhà Tăng chắc chừ cũng bị đập rồi cũng nên. Buồn nhiều.

Qua “Con đường Nam Giao thẳng mà không bằng” tui đi thẳng lên Đàn Nam Giao. Sau cú phá hoại đầy tính “cách mạng”, Đàn Nam Giao chừ đã được tái thiết nhưng không còn như xưa. Tái phục dựng rồi bày trò tế lễ, còn lớn tiếng quảng cáo “Lễ Tế linh thiêng” nghe phát lợm! Răng họ không nhớ hồi xưa họ phá nát Đàn ra hè? Xưa lễ tế, nhà vua phải rời hoàng cung lên trai cung ăn chay nằm đất suốt 7 ngày bảy đêm rồi mới vô tế còn chừ thì anh chàng bá vơ mô đó, đêm trước còn đi uống bia ôm, bữa sau tới mang hia đội mũ mà khấn vái, Trời Đất mô mà chứng cho đây! Chạy lên Đồi Thiên An ôn kỷ niệm xưa, thấy tàn tạ mà thương vô kể! Hồ Thủy Tiên chừ vô bắt mua vé, tui khoải vô. Đồi Thánh Giá chừ coi xuống sắc, thương cho Đức Chúa Trời chịu tội cho đám chiên ghẻ để chừ hắn tác oai tác quái. Chợt nhớ lại mấy câu thơ hồi còn trẻ:
Kỷ niệm xa về dâng đầy ánh mắt
Nhớ chăng em ngày tháng hạ thần tiên .....
Ôi ngày xưa!

Vòng qua Lăng Thiệu Trị mới đau lòng hơn. Lăng của một vì vua, sau 1975 trở thành bãi đậu xe của Công Ty Ô Tô, khi tui về vẫn mang dấu tích hoang tàn, không biết chừ có được sửa sang! Vòng qua hai lăng Tự Đức, Khải Định chỉ đứng bên ngoài vì không muốn bỏ tiền mua vé, tuy thấy có khá hơn nhưng vẫn lộ nét thô thiển ở những chỗ trùng tu.
Trên đường về, tui ghé ngang ChùaTừ Hiếu, Tường Vân, Thiền Lâm, những nơi chốn tui thường lui tới. Một cảm giác bùi ngùi xâm chiếm cõi lòng tui. Những ngày xưa đầy kỷ niệm với các ngôi chùa Huế như một cuốn film quay chậm hiện lên trong trí óc kẻ xa quê. Bạn bè chừ mỗi đứa một phương, tìm mô thấy những ngày tư lự cũ! Rồi Tây Lộc, Tây Linh; rồi Bao Vinh, Thế Dạ, rồi quanh quất khắp nơi để nỗi buồn càng ngày càng lớn. Ra đi trong độ tuổi thanh xuân, những chuyến về thăm ngày càng thưa thớt, cho tới sau năm 2000 thì vài ba năm mới trở lại một lần.

Rồi lần nữa dứt áo ra đi. Rời xa đất tổ, bỏ lại đứa con gái rứt ruột đẻ ra một mình đơn chiếc, hơn mười năm trời chưa một lần trở lại quê hương, vì rứa nỗi nhớ ngày càng lớn dần. Năm năm trước, trong buổi lễ tuyên thệ để trở thành công dân Hoa Kỳ, nỗi đau càng dằn xé tâm can. Mỏi mòn trông đợi được nhập quốc tịch để bảo lãnh gia đình con gái, rứa mà trong lễ tuyên thệ, khi nghe người ta cho một phút để từ bỏ quốc tịch, tui như rớt tõm xuống hố sâu! Tui không còn là người Việt Nam nữa sao! Tui chừ mất gốc rồi sao! Lễ xong, nhìn quanh nhìn quất thấy thiên hạ mặt mày hớn hở, chụp hình chụp bóng lia chia, tui hối vợ tui đi về liền tức khắc. Về tới nhà tui nằm vùi suốt buổi. Buồn tê tái, buồn thâm trầm!
Tui vốn dĩ là thằng nhớ dai, chuyện chi cũng nhớ, nhớ đủ thứ tới nỗi thằng bạn nối khố, sau khi tui trả lời cho hắn về một bài hát, hắn meo cho tui và chưởi: Mi khùng mà răng thứ chi mi cũng nhớ cả rứa! Tui trả lời: Bởi rứa tau mới khùng! Chừ tui cũng đang khùng vì cái nỗi nhớ Huế quay quắt đang hành hạ tui. Để trong bụng không được, tui viết ra cho xả bớt nỗi niềm! Ai có nhớ Huế mà đọc thì xin đại xá, vì đây chỉ là Huế của tui mà thôi. Mà lỡ thấy có chỗ mô giống giống thì cùng nhớ với tui cho có bạn. Biết khi mô mới được gặp lại Huế của tui hè, Huế ơi!

Phước Cà Tửng

Không có nhận xét nào: