Trang tin Đông Phương (hk.on.cc) ngày 18.11 cho biết, hôm 16.11, tại Phòng Bầu dục trong toà Bạch Cung, TT Trump nói với các nhà báo: “Người Trung Quốc muốn đạt được một hiệp nghị. Họ đã chuyển tới tôi một bản danh mục, trên đó liệt kê ra những điểm họ muốn làm; nhưng tôi vẫn chưa thể chấp nhận những điểm (nhượng bộ) đó.” Ông nói rõ thêm, dù Trung Quốc đã trao danh mục nhượng bộ 142 khoản nhưng vẫn thiếu 4 - 5 điểm quan trọng, “vẫn chưa đủ” để có thể đạt được một hiệp nghị. TT Donald Trump và Chủ Tịch Tập Cận Bình sẽ gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 vào cuối tháng này tại Buenos Aires.<!>
Cố vấn kinh tế Tòa Bạch Ốc Larry Kudlow hôm 27/11 cho biết nhiều ngày trước khi diễn ra bữa ăn tối quan trọng giữa TT Trump và Chủ Tịch Tập cận Bình này, hiện vẫn không có cuộc thương thảo nào giữa các cố vấn của hai nhà lãnh đạo được lên lịch. Cho đến giờ Tòa Bạch Ốc vẫn thất vọng trước phản ứng của Trung Quốc đối với vấn đề thương mại. “Phản ứng của họ [TC] thật đáng thất vọng bởi vì… chúng tôi không thấy thay đổi gì lớn trong cách tiếp cận của họ.”
Còn TT Mỹ Donald Trump vẫn chuẩn bị tăng thuế lên hàng nhập cảng từ Trung Quốc nếu không có đột phá nào về các vấn đề thương mại trong bữa ăn tối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 1/12 tới đây. Ông cũng nhắc lại “Mỹ đã giúp tạo nên thành công cho Trung Quốc, nhưng mỗi năm bị họ lấy đi 500 tỷ USD” và nhấn mạnh nay Mỹ quyết không cho phép xảy ra tình hình như thế nữa.
Ông Trump nói kinh tế Trung Quốc gần đây đang chuyển sang xấu đi. Tuy Ông nói không muốn dồn Trung Quốc vào tình cảnh rất tồi tệ, nhưng ông nhấn mạnh tính chất của quan hệ mậu dịch Mỹ - Trung phải là cùng có lợi, Mỹ không thể là kẻ ngốc trong cuộc. Ông khẳng định, từ nay về sau Mỹ sẽ không thể để Trung Quốc chiếm lợi lộc nhiều hơn. Bản tin của Reuters cũng không nói rõ được “4-5 điểm quan trọng còn thiếu” đó là những gì, nhưng cho rằng, nếu liên quan đến hàng hóa thông thường vào thị trường hoặc dịch vụ tiền tệ không mang tính then chốt thì Trung Quốc ắt sẽ đáp ứng vì họ đang rất muốn thoát khỏi tình cảnh khốn đốn.
Bản tin của Reuters cho rằng, danh mục những nhượng bộ của Trung Quốc chủ yếu gồm 3 loại: những thứ Trung Quốc muốn thỏa thuận, những thứ Trung Quốc đang giải quyết và những thứ họ không muốn thỏa thuận.
Có học giả Trung Quốc tiết lộ, lằn ranh cuối của Trung Quốc trong đàm phán là: không cản trở đến sự chuyển hình và gia tăng kinh tế; còn Mỹ thì yêu cầu Trung Quốc căn cứ vào tiêu chuẩn kinh tế thị trường, chấm dứt việc chính phủ tài trợ cho các công ty theo kế hoạch “Made in China 2025” hoặc 2035, chấm dứt việc lấy cắp bản quyền sở hữu trí tuệ… Đó đều là những yêu cầu đụng chạm đến “lằn ranh cuối”.
Ngoài ra, căn cứ vào việc mới đây Cố vấn kinh tế Tòa bạch Ốc Larry Kudlow nói cuộc đàm phán Donald Trump – Tập Cận Bình sẽ không chỉ hạn chế trong vấn đề mậu dịch, nên có thể suy đoán trong các “vấn đề quan trọng còn thiếu” có thể liên quan đến Biển Đông và Đài Loan.
RFI tiếng Trung quốc cho biết, ông Donald Trump nói, Trung Quốc muốn đạt được một hiệp nghị về mậu dịch, Mỹ có lẽ cũng không cần tiếp tục đánh thuế thêm đối với hàng hóa nhập cảng của Trung Quốc nữa.
Ông nói với các phóng viên: kinh tế Mỹ rất tốt, còn kinh tế Trung Quốc không tốt, thị trường chứng khoán lao dốc nên Trung Quốc đang cấp thiết muốn đạt được một hiệp nghị mậu dịch.
Cũng cần kể thêm cuộc "đấu khẩu nảy lửa" giữa Phó tổng thống Mỹ Mike Pence và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây ở hội nghị APEC tại Papua New Guinea cho thấy giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới này đang tồn tại những bất đồng sâu sắc trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong thương mại, làm dấy lên lo ngại về một cuộc "Chiến tranh Lạnh mới."
Phó tổng thống Pence nhắm vào sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc cũng như tranh cãi về thương mại giữa hai nước khiến APEC lần đầu tiên trong lịch sử không ra được tuyên bố chung cho thấy triển vọng hòa giải, thu hẹp bất đồng trong vấn đề thương mại giữa hai nước vẫn rất mờ mịt, báo hiệu một cuộc gặp Trump – Tập không nhiều hứa hẹn.
Chính quyền Trump cũng rục rịch chuẩn bị các vũ khí khác ngoài đòn áp thuế để gia tăng áp lực với Trung Quốc trong chiến tranh thương mại. Bộ Thương mại Mỹ hôm 19/11 bắt đầu công khai thảo luận về những quy định mới, cho phép Bộ hạn chế xuất cảng một số công nghệ quan trọng để bảo vệ an ninh quốc gia. Quy định này nếu có hiệu lực sẽ cho phép Mỹ ngăn chặn việc xuất cảng những công nghệ tối tân tới Trung Quốc và giảm thiểu nguy cơ bị sao chép hay xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Theo Đạo luật Kiểm soát Xuất cảng mới được quốc hội Mỹ thông qua, chính quyền Trump được quyền phong tỏa, ngăn chặn doanh nghiệp xuất cảng "những công nghệ mới nổi và mang tính nền tảng" tới các quốc gia đối thủ. Các công nghệ cao mà Tòa Bạch Ốc muốn tăng cường kiểm soát xuất cảng liên quan tới 14 lĩnh vực, trong đó có công nghệ sinh học, robot và trí tuệ nhân tạo.
Chính quyền các tổng thống Mỹ trước đây thường chỉ áp dụng quy định hạn chế xuất cảng với các công nghệ có liên quan trực tiếp đến năng lực quân sự. Việc chính quyền Trump mở rộng quy định này để bao trùm những sản phẩm về lý thuyết có thể ứng dụng cho lĩnh vực quân sự được coi là một bước tiến đáng kể nhằm tăng sức ép với Trung Quốc.
TT Trump cũng đề cập đến khả năng đạt được thỏa thuận với Trung Quốc, nhưng giới quan sát cho rằng đây chỉ là "đòn gió" của Tổng thống Mỹ, khi chính quyền của ông vẫn có những động thái chuẩn bị cho một cuộc chiến dài hạn.
Theo Bloomberg, viễn cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể giải quyết cuộc chiến thương mại thông qua cuộc gặp cuối tháng bên lề hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Argentina là điều rất khó xảy ra.
Trung Quốc có nhượng bộ 142 khoản, Mỹ nói “vẫn chưa đủ” cho một hiệp nghị.
Cuộc đối đầu này giữa Mỹ và TQ được dự đoán sẽ kéo dài, trong khi Trung Quốc dường như chưa có sự chuẩn bị tốt và có thể đã "tự bắn vào chân" bằng quyết định sai lầm khi lựa chọn đòn áp thuế trả đũa trong chiến tranh thương mại với Mỹ, theo Washington Post.
Bộ Tư pháp Mỹ gần đây cũng tăng cường điều tra, truy tố các cá nhân, tổ chức Trung Quốc có hành vi gián điệp kinh tế và thành lập một lực lượng đặc biệt để đối phó với các thủ đoạn kinh tế bất hợp pháp của Trung Quốc./.(VA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét