Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 31 tháng 12, 2018

Năm 2018 : Bước đường gập ghềnh của Macron với nước Pháp - Anh Vũ

mediaTổng thống Pháp Emmanuel Macron trong một cuộc họp báo ở điện Elysée ngày 17/12/2018.Chỉ còn ít giờ nữa năm 2018 sẽ khép lại. Đây là một năm không hề yên ả đối với tổng thống Emmanuel Macron trên lộ trình bề bộn cải cách nước Pháp. Từ bê bối nội bộ đến khủng hoảng Áo Vàng dai dẳng, guồng máy cải cách bị chững lại đặt chính phủ Macron trước viễn cảnh một năm mới đầy khó khăn<!>
Những hình ảnh biểu tình, bạo động liên tiếp xuất hiện trong các chương trình thời sự truyền hình vào các ngày thứ Bảy của tháng cuối cùng năm 2018 đã gần như trở nên quen thuộc ở Pháp. Đó là điều trái hẳn với những lời chúc của tổng thống Macron nhân dịp đón năm mới 2018. Trên truyền hình trực tiếp, ngày 31/12/2017, ông Macron hy vọng : « Năm 2018 dưới mắt tôi sẽ là năm đoàn kết toàn dân »
Quả thực ước muốn đoàn kết mọi người đã đến với ông Macron, nhưng chỉ kéo dài trong vài tháng đầu năm. Về đối ngoại, ông Macron đã gây dựng được một hình ảnh đẹp về một nguyên thủ trẻ, chững chạc, cứng rắn trên trường quốc tế. Ở trong nước, uy tín trong dân của vị tổng thống trẻ này đầu năm vẫn còn cao.Các cuộc cải cách được tiến hành với quyết tâm mạnh mẽ. Cuộc cải cách Công ty Đường sắt Quốc gia (SNCF), một chương trình cải tổ chưa có chính phủ nào trước đó thành công, nhưng cuối cùng chính phủ Macron đã vượt qua được sau 3 tháng đọ sức quyết liệt với các công đoàn và nhân viên hỏa xa.
Nước Pháp của tổng thống Macron được thực sự sống trong những giờ phút lễ hội, đoàn kết toàn dân là ngày 15/07/2018, khi đội tuyển quốc gia bóng đá Pháp đăng quang ngôi vô địch thế giới. Thế nhưng, niềm hân hoan đó cũng chẳng kéo dài được bao lâu. Ba ngày sau đó, nổ ra vụ bê bối lạm quyền, cậy thế liên quan đến nhân viên an ninh của phủ tổng thống Alexandre Benalla, từng là cận vệ riêng của ông Macron và dường như được tổng thống sủng ái đặc biệt. 
Đoạn vidéo ghi lại cảnh nhân vật này mặc sắc phục cảnh sát, trấn áp thô bạo người biểu tình và nhiều phát giác về những đặc quyền của nhân viên này trong phủ tổng thống bung ra, đã kéo chính phủ vào vòng xoáy của một cuộc khủng hoảng nho nhỏ về các thức điều hành chính quyền của ông Macron. Nhà nghiên cứu chính trị Jérôme Fourquet, giám đốc viện thăm dò dư luận Ifop, trả lời đài truyền hình France 24 cho rằng : « Vụ Benalla bung ra đã khiến dư luận phẫn nộ và cho rằng cách lãnh đạo của Macron cũng chẳng khác gì so với các chính quyền trước ông. Trong khi ông Macron lên nắm quyền hứa hẹn sẽ làm chính trị theo cách khác ».
Sau nhiều ngày im lặng, tổng thống Pháp phải lên tiếng nhận một phần trách nhiệm, nhưng với giọng điệu có vẻ như thách thức dư luận. Tiếp đó cách thức phát biểu của ông trong nhiều vấn đề khác lại càng làm dấy thêm tranh cãi, chỉ trích về tính cách cá nhân của ông Emmanuel Macron.Ông Jérôme Fourquet nhận xét tiếp : « Suốt cả năm qua, người ta chỉ bàn tán về tính cách của tổng thống. Đó là hình ảnh của một vị tổng thống trẻ, ngạo mạn, xa rời dân, không quan tâm đến những lo toan của người dân... ». Nhưng được các đảng đối lập tận dụng tối đa. 
Mùa hè khép lại với một sự cố lớn trong nội bộ chính phủ Pháp. Lần lượt các nhân vật như, Nicolas Hulot, bộ trưởng Môi Trường, một người có uy tín rộng rãi trong dân chúng, rồi bộ trưởng Nội Vụ Gérard Collomb, một người được coi là trung thành với ông Macron từ buổi đầu từ chức. Tổng thống Pháp dường như trở nên đơn độc. Trong khi tình hình kinh tế dậm chân tại chỗ, tỷ lệ được lòng dân của ông Macron ngày thêm xuống dốc. Theo cùng với tiến trình cải cách của chính phủ là nỗi hoài nghi và thất vọng của dân cũng tăng lên và đỉnh điểm là việc tăng thuế đánh vào nhiên liệu. 
Giá xăng lên cao như giọt nước làm tràn ly. Những người Áo Vàng biểu tình lần đầu ngày 17/11 trên các giao lộ và nhanh chóng trở thành một phong trào rộng lớn quy tụ nhiều tầng lớp xã hội đưa ra các yêu sách cải thiện đời sống và đòi Macron từ chức. Làn sóng phẫn nộ của người dân lên cao kéo chính phủ Macron vào một cuộc khủng hoảng mang tên « Áo Vàng ». Chính phủ đã lùi bước, bỏ thuế nhiên liệu. Tổng thống Macron ngày 10/12 lên truyền hình thông báo một loạt quyết định để chứng tỏ đã lắng nghe những người Áo Vàng với hy vọng làm dịu nỗi bất bình người dân. Thế nhưng, phong trào Áo Vàng vẫn không chịu từ bỏ cuộc đấu tranh và các yêu sách của họ chỉ càng dài thêm. 
Dường như những người Áo Vàng tiếp tục bám trụ, phản đối chính quyền Macron đến cùng. Trong vòng một năm chỉ số được lòng dân của tổng thống Emmanuel Macron đã giảm từ 50% xuống còn 23%, kỷ lục cho một tổng thống Pháp trong một năm rưỡi cầm quyền.Cho đến tận ngày cuối năm này, sợi dây liên hệ giữa tổng thống Macron và tầng lớp bình dân đã bị cắt đứt. Đối lập chính trị thì ngày càng khai thác để chống phá quyết liệt đến độ cực đoan. Bài diễn văn chúc năm mới tối 31/12 của tổng thống Macron với quốc dân không hề đơn giản : Làm sao làm dịu cơn phẫn nộ của người dân và trước mắt là thoát khỏi khủng hoảng để có thể mở ra viễn cảnh cho công cuộc cải cách đầy gian khó trong năm mới 2019.

Không có nhận xét nào: