Vào khoảng năm 1953, Hà Nội ở trong thời kỳ cực thịnh, phát triển về mọi mặt.
Riêng về những món đồ chơi của trẻ con cũng đã
rất nhiều thứ vui mắt, đủ cho mọi lứa tuổi.
Có những thứ dành cho học sinh tiểu học. Có loại chế tạo cho lứa tuổi trung học.
Đặc biệt là thời Pháp ở Việt Nam, không
thấy món đồ chơi nào dành cho người lớn. Có thể giai đoạn đó , đồ chơi là chỉ cốt
nhắm vào trẻ con. Còn khi đã trưởng thành, ai cũng bận rộn về những công việc cần
thiết cho bản thân và quan trọng cho xã hội.
Sau 20-7-1954,Việt Nam bị chia
đôi.
Miền Nam sống trong thái bình ,thịnh
vượng.
Đầu tháng tám năm 1964 khu trục hạm
Maddox của Mỹ đang ở trong vùng vịnh Bắc Việt thì bị tấn công bởi tàu tuần
duyên của Việt Cộng.Hai lần tất cả. Lần đầu tiên vào ngày 2-8 và lần thứ
nhì ngày 4- 8.
Sau biến cố đó, Mỹ bắt đầu đổ quân vào Việt
Nam.
<!>
Cùng theo với việc này là sự tràn ngập tất cả mọi
thứ hàng hóa của người Mỹ. Báo chí, sách vở đủ mọi loại, in rất đẹp và thường rất
dầy. Một điểm đặc biệt nữa, tôi để ý ngay
là ngoài những món đồ chơi dành cho trẻ em mọi lứa tuổi, lại còn những món đồ
chơi cho người lớn. Thí dụ những hộp trong đó có những miếng nhỏ bằng nhựa hay
kim loại mà khi lắp lại với nhau người ta có thể có một chiến hạm, một tiềm thuỷ
đĩnh, nhiều kiểu máy bay, từ vận tải tới chiến đấu .Những thứ này được treo trong nhà bầy trên mặt bàn, hay trong tủ kính. Những món này
người thì nhờ những bạn bè người Mỹ mua trong PX để được giá rẻ, kẻ thì mua tại
mấy chỗ trời Mỹ, giá cũng ngang ngửa. Loại
chợ trời hàng Mỹ này họp tại ba, bốn nơi trong mỗi tỉnh lớn, hoặc một chỗ nhất
định trong tỉnh nhỏ.
Một món đồ chơi tôi cho là mới lạ. Đó là những hộp, trên mặt có
in những bức tranh. Thường thường là một
hình phong cảnh. Đa số là cảnh núi non, thác nước, sông biển trên đất Hoa Kỳ.
Cũng có bức vẽ cảnh sinh hoạt của miền
Tây nước Mỹ. Những hoạt động tìm vàng.
Trẻ con người lớn mở những hộp này ra, không thấy bức tranh nào .Chỉ thấy toàn những mảnh vụn nhỏ. Nói đúng
ra là bức tranh đã bị cắt bằng máy thành
500, 700 hay cả 1000 miếng. Muốn tạo được một
bức đẹp như ở trên nắp cái hộp giấy người ta phải mất nhiều công.Trước hết bầy tất cả những mảnh vụn này ngửa mặt lên, dù
lung tung, không theo thứ tự nào trên mặt bàn hoặc là trên sàn nhà. Sau đó ngồi
ngó từng miếng .Khởi sự bằng lắp 2 miếng
vào với nhau sao cho hợp rồi 3,4, miếng, cho tới hết.
Công việc này là một giải trí đặc
biệt cho cả trẻ em lẫn
người lớn .Từ vài tuổi trở lên
cho đến lúc đã gần đất xa trời. Nói thế có nghĩa là dù sức khỏe yếu đến đâu
cũng vẫn tiêu khiển được.Chỉ cần phải có cặp mắt còn thấy
được mới có thể tạo nên bức tranh.
Chữ tiếng Anh để chỉ việc này là to do
a jigsaw.
Mới đầu thấy hay hay, tôi cũng thử.
Tôi không sao lắp được cả. Dù cho
chỉ năm,bẩy miếng cũng không khớp vào với nhau được.
Thỉnh thoảng lắm tôi có thấy một vài hộp , trên nắp có hình của những cô đào
chiếu bóng ̣ (đó là tiếng nôm để gọi những nữ tài tử xinê). Lẽ dĩ nhiên số người
thích những nữ tài tử này cũng có , có khi còn
nhiều hơn số người thích hình
phong cảnh
Tôi chưa bao giờ cho là mình sẽ lắp những mảnh hình thành được một bức tranh . Thế nhưng, nay tôi
tự nghĩ: mình thử cố lắp những mảnh hình, được vẽ bởi những người khác
nhau. Nam có, nữ có,từ những người trong y-giới và cả những ngành khác.
Nhưng toàn là người Việt Nam.
Mảnh hình chữ Nhân
Đời sống quân ngũ là nơi có nhiều điều kiện nhất để gặp rất nhiều người
với đủ mọi cá tính, để làm bạn. Bạn để vui đùa, bạn đi uống rượu, bạn để đánh bài,
bạn trong lúc chiến đấu, vân vân… Nếu một người ở trong quân ngũ một năm, số
người quen biết tương đối ít.Nhưng đã đi lính hai mươi lăm năm số lượng quen ắt
đếm không kể xiết. Có người sống ¼ thế kỷ
trong quân đội, mà cuối cùng chỉ còn liên lạc với ba người. Chẳng phải tất cả
những người ông đã biết trong những đơn vị ông từng phục vụ đều đã hy sinh.Cùng
không phải đã giải ngũ hết, sống trong môi trường khác, nên ông không liên lạc với nhau được.
Yếu tố chính trong việc này liên quan đến lòng
nhân.Xin mời xem một quân nhân , ông Vũ văn
Tâm, vẽ lại cảnh này.
…“Bây giờ xin
phép được dông dài về ông bạn già mà tôi vừa quý mến vừa khâm phục.Trong suốt
cuộc đời lính gần 25 năm, qua nhiều nơi Bắc,Trung,Nam quen biết rất nhiều bạn
bè. Nhưng cuối cùng cho đến nay tôi chỉ còn liên lạc với ba người bạn trong đó
có một người là bác sĩ Bạch Đình Minh. Có
một điều lạ lùng là cả ba người đều gặp gỡ nhau tại cùng đơn vị: trung đoàn 181,
Pleiku, nơi quanh năm mùa đông, vào năm 1955, 1956. Tôi xin phép kể chi tiết một
chút về cơ duyên đặc biệt đã cho chúng tôi gặp gỡ nhau. Pleiku vào thời đó còn
ít người lắm, nhất là người Việt. Đơn vị tôi phần lớn là lính Thượng, không nói
rõ tiếng Việt. Họ thường nói tiếng Pháp vì những đơn vị này của Pháp chuyển
sang. Trước Bác sĩ Minh là Bác sĩ Đỗ Xuân Giụ và một số bác sĩ nữa, tôi không
nhớ hết tên. Anh Giụ cũng đã ở cùng đơn vị với tôi, trong một đơn vị tại khu
chiến (secteur) Ninh Giang trước 1954.
Một kỷ niệm và
cũng là một ấn tượng về bác sĩ Minh mà tôi không bao giờ quên là một buổi chiều
mưa ,mà như anh đã rõ, đường xá Pleiku khi mưa thường lầy lội. Tôi đứng cửa
nhìn trời, thấy bác sĩ Minh mặc áo mưa đi bộ ngoài đường. Tôi hỏi:_ “Anh đi đâu giữa lúc trời mưa
này?”
Bác sĩ Minh đáp:_“
Tôi sang trại gia binh .Tôi nói :_“ Trời gần tối rồi, trại gia binh mãi bên kia
đồi, sao không để mai hãy đi?”
Ông đáp:_ “Buổi chiều nay, tôi có khám và cho
thuốc một anh lính thượng. Tôi đã dặn dò cách uống, nhưng sợ anh ấy không hiểu
rõ, nên phải đến tận nơi xem lại.”
Chỉ một sự việc
thế thôi mà tôi thêm cảm mến và kính phục Ông ấy từ ngày đó.”
Vũ văn Tâm.
…
Mảnh hình chữ Nghĩa
Thật ra tôi nghe đến tên của ông
Bạch Đình Minh từ 1955.
Hiệp định Genève ký vào ngày 20-7-1954,
thì tháng 8-1954, anh Trần Xuân Ninh và tôi đã vào
tới Sài gòn. Số người di cư tăng quá nhanh.Chính phủ dùng một bệnh viện đang
xây dở dang ở đường Général Lizé cho họ
tạm trú.Cả ngàn người trong đó. Ngày nào chúng tôi cũng vào bệnh viện này(sau trở thành Bệnh Viện Bình
Dân.) để tìm xem có thấy một người bạn
hay một thân nhân nào không.
Một hôm anh Ninh thấy một người bạn
quen tên là Thái Văn Tùng, trước cũng học Chu Văn An ngoài Bắc, hơn anh Ninh một
lớp. Anh Tùng nói,không có ai họ hàng quen thuộc ở trong Nam, và hiện cũng không
có chỗ nào để ở. Anh Ninh mời anh Tùng về nhà. Anh Tùng rất cảm động. Chúng tôi
ăn cùng mâm. Và buổi tối Anh Tùng cũng ngủ cùng một gầm bàn với chúng tôi (Đây
là nhà chú ruột tôi, rất đông người ,vô cùng chật chội). Anh Tùng có khuôn mặt
xương xương, quê ở Nghệ An. Vì thế, nói chuyện với Ninh và tôi rất hợp. Lý do:
anh không lạ gì tỉnhVinh, và chúng tôi lại đã sống tại đó một thời gian khá
dài. Anh kể, ba má anh giầu có trong làng. Vì thế bị Việt Ming đấu tố đến mất mạng.
Anh bỏ trốn.
Anh hơn tôi 5 tuổi. Lúc nào tôi cũng
phục anh về cách cư xử với mọi người. Một hôm anh đi đâu chơi về không biết, khoe
với chúng tôi rằng, mới gặp lại một ông thầy
cũ,dậy anh ở Vinh. Thầy đối xử với anh hết
sức ân cần và dặn anh cứ mỗi thứ bẩy, chủ nhật đến chơi với ông. Mỗi lần thăm ông xong trở về, vẻ mặt anh Tùng vui tươi hân
hoan như vừa gặp một bậc cao tăng đắc đạo. Anh kể lại những mẩu chuyện liên quan đến mọi đức tính của thầy. Anh bảo thầy tên là Bạch
Đình Minh,thần trí khoan hoà,đang học Y Khoa.
Bác sĩ Minh đã có lần mời anh Tùng
về nhà ông ở. Nhưng anh Tùng xin từ chối
và tiếp tục ở lại với chúng tôi.
Năm 1957, Bác sĩ Minh lên Pleiku làm
việc tại Quân Y Viện.
Bác sĩ Minh đã dùng Nghĩa
, đối xử với người.
Tuyên thệ sau
khi trình Luận Án Y Khoa Bác sĩ.
Bác sĩ Minh mặc
áo choàng đen,đại diện anh em
đọc lời thề
Hippocrates.
Hình kỷ niệm sau lễ Trình luận án .
Hàng trước,từ
trái qua phải:
Giáo sư Trịnh
Văn Tuất,Khoa Trưởng Phạm Biểu Tâm, Giáo Sư Nguyễn Đình Cát.
Hàng sau: từ trái qua phải, Bs Để, Bs
Trần Lâm Văn Bao,
Bs Phạm Hữu Phước, Bs Huyền,Bs Bạch Đình
Minh,
Bs Phạm Văn Biểu, Bs Từ Uyên.
Dưới đây là một câu chuyện một
người khỏe mạnh đi thăm một người bệnh. Thông thường khi một người đang nằm bệnh
viện được một người đến thăm, câu chuyện thường là liên quan đến bệnh. Người bị
bệnh sẽ tỉ mỉ kể những chi tiết mình bị
bệnh trong hoàn cảnh nào. Kế đó, lúc nhập viện, rồi hiện trạng khá hơn hay tồi
hơn lúc đầu. Còn người đi thăm phần chính cũng hỏi, xoay quanh những điều vừa kể.
Thế nhưng câu chuyện bác sĩ Phan
Ngọc Hà( tức Phan bảo Thư) kể một trường hợp hơi lạ.
“ Vốn sinh sau đẻ muộn, tôi chỉ mới nghe tên
tuổi của bác sĩ Bạch Đình Minh vào đầu năm 1968 sau biến cố Tết mậu thân. Khi
đó tôi đang học lớp dự bị Y khoa (APM) niên
khóa 67- 74. Tôi đi thăm anh của một người
bạn thân đang được điều trị ở Tổng y viện Cộng Hòa.
Đến thăm anh,
anh hỏi tôi có biết bác sĩ Bạch đình Minh, bác sĩ điều trị cho anh không? Tôi
trả lời rằng có nghe nói nhưng chưa gặp bao giờ .
Suốt buổi anh
chỉ nói về bác sĩ Minh, nào là sự liêm khiết, khiêm tốn, và sự tận tụy đối với
thương bệnh binh… Những câu chuyện về gương thanh liêm hay tận tụy của vị bác
sĩ do chính anh chứng kiến hay do người khác kể lại. Chuyện bác sĩ Minh chỉ có mỗi
một chiếc xe đạp để đi lại.
Anh nói huyên
thuyên và tôi chỉ ngồi nghe một cách
thích thú về những đức tính tốt của một thần tượng trong nghề nghiệp tương lai
của mình đến nỗi khi ra về tôi đã quên hỏi anh về tình trạng sức khỏe, mục đích
của lần viếng thăm ngày hôm ấy.
Bác sĩ Phan Ngọc Hà.
Mảnh hình chữ Lễ
Bác sĩ Hà kể một chuyện khác:
Năm cuối cùng ở
trường y khoa tôi có nhiều dịp gặp bác sĩ Minh
hơn khi đi thực tập ở trung tâm Y-khoa Gia- định, bệnh viện Nguyễn Văn Học.
Khi ấy cụ đã về làm bác sĩ thường trú của trung-tâm, đảm trách chức vụ nội khoa
ở lầu 2. Tôi làm nội trú ngoại khoa ở lầu 1D của bác sĩ Nguyễn Duy Cung. Một
hôm có việc lên lầu hai thăm một bệnh
nhân gặp cụ ở cầu thang. Cụ chào tôi trước khi tôi chào cụ. Thấy tôi đi hơi vội
vã, cụ đứng lại nhường lối đi và nói: đi cẩn thận. Nghĩ lại, tôi thật vô lễ với
cụ. Đáng lý tôi phải chào cụ trước, và nhường lối đi cho cụ thì mới phải phép.
Lời khuyên cẩn thận thật đơn giản
nhưng nếu tôi ghi nhớ trong mọi hành động và suy nghĩ, tôi đã tránh được rất
nhiều lỗi lầm.
Bác sĩ Phan Ngọc Hà.
Hành động tránh đường của bác sĩ Bạch
Đình Minh có nhiều ý nghĩa.
Thứ nhất cụ là người trọng Lễ.
Thông thường người Việt mình quan
niệm lễ là cách người nhỏ dùng khi đối xử với các bậc trưởng thượng, hoặc cũng có thể là giữa hai người ngang hàng với nhau. Nhưng xã hội
ít khi đòi hỏi người trên phải có lễ đối với người dưới .
Bác sĩ Bạch Đình Minh khác hẳn.
Ông tránh đường nhường cho bác sĩ Phan Ngọc Hà vì
khi đó bác sĩ Minh đã coi bác sĩ Hà cũng như là chính mình. Thứ hai chỉ một
thoáng qua nhận xét thấy bác sĩ Phan Ngọc Hà đi hơi vội vã, bác sĩ Minh đoán ngay
một bệnh nhân đang trong tình trạng khẩn cấp rất cần sự săn sóc của một bác sĩ. Trong
nghề y khoa nhiều khi chỉ sớm một phút, đã có thể cứu được một mạng người. Và trễ một phút đã có thể
một người chết oan. Nghĩ tới điều này trước nhất nên bác sĩ Minh lập tức nhường
đường để một bệnh nhân có thể được giúp đỡ kịp thời. Một hành động này thôi
chúng ta là sẽ thấy ngay hai điều: Một lòng Nhân
cao cả và một
cách Lễ nghiêm trang, lúc nào cũng đầy trong cách
hành xử của bác sĩ Minh. Lại thêm một lời khuyên:Đi cẩn thận. Đó là cách nói của
kẻ Trí. Bởi sơ sẩy một chút chính người
bác sĩ đang cần đi tới giúp bệnh nhân sẽ bị té. hai chuyện không tốt sẽ xảy ra:
Bệnh nhân lâm nguy, và bác sĩ gặp nạn, thương tích nặng nhẹ tới mức nào chưa biết được.
Bác sĩ Minh trọng Lễ nhưng không hề là người nhu nhược. Ông
vô cùng bất khuất.
Khoảng 1968, số thương bệnh binh
tăng nhiều, gấp đôi khả năng tối đa ấn định
cho một Tổng y viện là 2000.
Các quân y sĩ và y tá tận tụy làm
việc không kể ngày đêm, không ngừng tay mà vẫn không xuể.
Có kẻ nói xấu lên bộ Tổng Tham Mưu.
Bộ Tổng Tham Mưu cử một phái đoàn
được dẫn đầu bởi Đại tá ĐVK, xuống thanh tra. Đúng giờ hẹn đại tá ĐVK bước vào
phòng hội Tổng Y Viện.
Y sĩ trưởng Tổng Y Viện là Đại tá
Phạm Hà Thanh đang bận trong phòng giải
phẫu, chưa xong nên không ra để họp được
với Đại Tá ĐVK. Y sĩ Trung tá Bạch
Đình Minh, Chỉ huy phó, được chỉ
định đại diện cho Đại Tá Thanh .
Đại Tá ĐVK lên tiếng chỉ trích Tổng Y Viện, rằng
các bác sĩ và y tá không làm tròn nhiệm
vụ , bê bối trong công việc.
Du học tại Hoa Kỳ, 1962.
Từ trái sang phải:
Y sĩ Thiếu Tá Phạm Hà Thanh,Y sĩ Đại
Úy Bạch Đình Minh.
Bác sĩ Minh trình bày:_ “Nhân danh là chỉ huy phó Tổng y
viện Cộng Hòa tôi xin nói ngay rằng các Quân Y sĩ và y tá của chúng tôi trong
thời gian qua đã làm việc ngày đêm không ngừng. Các bác sĩ không hề đi trễ về sớm.Không ai trong giờ làm việc đi làm ở phòng mạch tư.Không ai bỏ trực gác. Ngay cả
Chỉ Huy Trưởng và Chỉ Huy Phó cũng đều trực gác như các bác sĩ khác. Hiện giờ số
bệnh nhân đã nhiều gấp đôi số lượng tối đa được ấn định là 2000, quá mức khả năng điều trị. Và cũng quá sức cố gắng, tận
tụy của y sĩ và y tá. Xin bộ tổng tham
mưu tăng cường nhân lực vật lực.
Tất cả những báo cáo nhằm chỉ trích về Tổng Y Viện Cộng Hòa đều
không đúng sự thật.”
Đại Tá ĐVK không những không muốn
công nhận sự tận tụy của các bác sĩ và y tá, mà lại còn nổi giận, muốn lớn tiếng,
lấy thịt đè người, khiển trách:_ “ các anh làm việc tắc trách. Đã có nhiều báo
cáo lên bộ Tổng Tham Mưu…”
Bác sĩ Minh liền nói:- “Tôi đã trình bày hết tất cả mọi sự thật. Nếu
Đại Tá muốn nghe thêm những điều gì khác, xin Đại Tá cảm phiền ngồi đây chờ Đại
Tá chỉ huy trưởng của chúng tôi, giải phẫu xong sẽ tới đây. Bây giờ tôi không
còn gì để trình bầy với Đại Tá nữa. Tôi phải trở về ngay trại bệnh để lo cho những bệnh nhân.Xin
Thiếu Tá Quản Lý Tổng Y Viện ở lại mời Đại Tá sơi nước.”
Bác sĩ Minh bước ra khỏi phòng hội,đi
thẳng, không cần biết thêm phái đoàn ĐVK
đến bao giờ thì tự ra về, hay còn ngồi trơ lại đó chờ gặp Đại Tá Phạm Hà
Thanh.
Là một Trung Tá mà Bác sĩ Minh dám bỏ phòng họp không muốn
nghe thêm một Đại Tá muốn nổi giận, cả
vú lấp miệng em , thì đủ biết Bác sĩ Minh bất khuất là dường nào. Đó là cái Dũng của kẻ sĩ.
Từ phải sang
trái: Nha sĩ Đại Úy Đỗ Đình Vị ,
Y sĩ Trung Tá
Bạch Đình Minh(giữa) và hai con,
Mảnh hình chữ Trí.
Năm 1957,Bác sĩ Minh là Ysĩ Trưởng Quân Y Viện Pleiku.
Khi Đại tá Nhẩy Dù Đỗ Cao Trí được bổ nhiệm làm tư lệnh Quân Khu 3 trên
Pleiku, một bác sĩ Nhẩy Dù, tên V.V.Cửu
đi theo. (Quân Khu 3 hồi đó có Bình Định,Phú Yên,Pleiku, Kontum; sau này thêm
Nha Trang và Ban mê Thuột mới đổi tên thành Quân Khu 2).
Bác sĩ Cửu, dựa hơi Tư Lệnh, muốn
lên mặt có quyền. Ông hạ lệnh các bác sĩ phải cắt tóc ngắn.Ngày mai Tư Lệnh sẽ
đi khám tóc.Sẽ có một người lính cầm tông đơ đi
theo.Ai tóc dài, sẽ bị đưa một đường thẳng từ trước ra sau.Và để cái lệnh của mình phải
được tuyệt đối thi hành, bác sĩ Cửu đã
nhấn mạnh thêm :_ “ Cắt càng ngắn càng tốt”.
Bác sĩ Bạch Đình Minh không phải
muốn phá kỷ luật quân đội nhưng chỉ muốn cho Bác sĩ Cửu biết, không phải là cấp
trên, ông ta có quyền muốn nói gì thì nói.
Ngày hôm sau sẽ là ngày khám
tóc. Là Y sĩ Trưởng , Bác sĩ Bạch Đình Minh cắt trọc lốc . Các đồng nghiệp
khác, đoàn kết lại, làm theo. Trong số
đó có bác sĩ Trịnh Cao Hải cùng lứa với
Bác sĩ Minh, Bác sĩ Trương Minh Tiên,Bác
sĩ Nguyễn Mạnh Đức, Dược sĩ Phạm Hy Tân. Khi bác sĩ Cửu trình diện nhóm bác sĩ ở
Quân Y Viện cho Đại tá Trí, Đại tá Trí hỏi sao có hiện tượng đó. Bác sĩ Minh
thưa_ “ Bác sĩ Cửu ra lệnh .”
Bác sĩ Cửu ở trong tình trạng khóc giở mếu giở.
Vị Tư Lệnh chỉ nhìn bác sĩ Cửu
không nói gì, nhưng ý như muốn bảo “ông ra cái lệnh gì mà kỳ cục vậy?”
Bác sĩ Cửu tự cảm thấy sượng mặt.
Bác sĩ Bạch Đình Minh biết kỷ luật là sức mạnh của quân đội. Ông tôn trọng nó,
nhưng ông không bao giờ dùng nó để đánh
bóng cá nhân hay làm một chiêu bài để mình quát
thét mắng chửi anh em.
Cuối năm 1960, Bác sĩ Minh đi làm
Ysĩ Trưởng Quân y viện Nha Trang. Đại Tá Trí giữ chứcTư Lệnh Quân Trấn Nha
Trang, Đồng Đế.
Thời đó Việt Cộng chưa tấn công
nhiều.Hết giờ làm việc, quân nhân có thể mặc thường phục.Tuy nhiên Đại tá Trí không muốn ai lợi dụng xe Jeep là thứ
dùng trong lúc làm việc, chứ không phải để lái đi chơi loanh quanh. Do đó ông hạ lệnh không một quân nhân nào dù cấp
bực cao đến đâu,hoặc nắm chức vụ gì đi
chăng nữa, được phép mặc quần áo dân sự
lái xe jeep đi chơi. Hoặc là tài xế mặc
quân phục lái, người ngồi cạnh mặc dân phục cũng không được. Lệnh này có rất
nhiều điều hay. Thứ nhất không ai được lạm
dụng quân xa. Thứ hai tránh cho dân chúng nhìn vào thấy quân đội chỉ gồm
toàn những người “ngồi chơi”, phí phạm
công quỹ.
Sau khi lệnh này ban ra các quân
y sĩ lẽ dĩ nhiên cũng phải tuân hành. Tuy nhiên đang là Y sĩ trưởng Quân Y viện bác sĩ Minh hỏi Đại tá
Trí một câu rằng:_ “Thưa Đại Tá, buổi chiều hết giờ làm việc, và nếu không phải
phiên trực, chúng tôi mặc thường phục đi dạo phố ăn uống,hoặc đi chơi ngoài bãi
biển.Đi tới chỗ nào chúng tôi đều nói cho thuộc cấp biết. Nếu bất chợt một quân
xa chạy ra nơi chúng tôi đang ngồi và bảo rằng có chuyện khẩn cấp trong quân y
viện. Thưa Đại Tá khi đó chúng tôi phải làm gì?
Phải chờ đón được một xe xích lô rồi
mới về quân y viện, hay sẽ phải đi bộ hoặc chạy bộ để kịp về quân y viện cứu chữa
thương bệnh binh. Xin đại tá cho chỉ thị.”
Đại tá Trí thấy câu hỏi của bác sĩ Bạch Đình Minh, rất có lý. Câu hỏi
này không nhắm vào việc cố ý bất tuân thượng lệnh nhưng lại quan tâm tới tính mạng thương bệnh
binh. Điều này phát ra từ tấm lòng Nhân của một bác sĩ tận tâm. Đại Tá Trí chỉ suy
nghĩ một vài giây, rồi nói ngay:_ “Lệnh không được mặc thường phục ngồi trên quân xa,
áp dụng cho mọi binh chủng, ngoại trừ Quân Y.”
Được một lệnh như vậy, không phải
dễ gì đối với một vị tư lệnh. Đây cũng không phải một đắc thắng có liên quan đến
cảm tình cá nhân. Đồng thời cũng không phải là một cách để vênh vang khoe với những bạn đồng ngũ là quân
y hơn các anh em binh chủng khác. Tất cả
những điều này phát ra từ lòng Nhân của Bác sĩ Minh .
Với cách trình bầy của kẻ Trí, Bác sĩ Minh đã khiến vị tư lệnh
cho một lệnh thích hợp có lợi cho thương
bệnh binh.
…
Khi 17, 18 tuổi, tôi có đến nhà một
kiến trúc sư ở đường Hồng Thập Tự Sàigòn.
Tôi gõ cửa.Chính ông ta ra mở.Tôi
xưng tên họ rồi nói: _ “Sở dĩ tôi mạo muội đến đây vì muốn hỏi ông vài điều về tử
vi. Tôi đã mua bộ sách ông vừa xuất bản viết
về môn bói toán này.Tôi đã đọc. Nhưng có một chỗ khúc mắc nên xin diện kiến ông
để thỉnh ý.”
Ông mời tôi vào trong nhà. Ngồi
trong nhà ông này có thể nhìn qua bên kia đường thấy hàng rào Dinh Độc Lập.
Tôi mở bộ sách của ông ra rồi xin ông giải thích cho một vài điều. Ông
Kiến Trúc Sư vui vẻ, giải đáp tận tình.
Sau đó có một thời gian tôi nghiên cứu
kỹ,và áp dụng môn tử vi vào đời sống.
Lá số tử vi gồm 12 ô vuông, gọi
là cung, xếp liên tục xung quanh đường
chu vi của tờ giấy.Mười hai cung đó là:
mệnh, huynh, thê, tử, tài, tật, di, nô,
quan, điền, phúc, phụ. Số sao trong khoa Tử Vi gồm 14 chính tinh (sao chính) và
80 bàng tinh(sao phụ). Trong cả hai nhóm này, có phúc tinh nôm na gọi là những
sao tốt và hung tinh tức sao xấu. Tuy nhiên có sách lại liệt kê thêm một ít sao nữa.
Mỗi người đều có đầy đủ số lượng sao kể trên, kể cả tốt lẫn xấu.
Chúng ta hãy tưởng tượng ra cảnh
dưới đây ,thì sẽ hiểu nguyên lý của môn Tử Vi.
Ông Trời ngồi trước bàn .Trên mặt
bàn có một tờ giấy trắng, có tên một người.
Mười hai ô vuông, gọi là cung, đã kẻ sẵn,xếp liền nhau liên tục theo chu vi của
tờ giấy.
Ông Trời cầm trọn nắm sao trong tay. Rồi tùy hứng, không
chọn lựa gì trước, mở nắm tay ra, thả hết xuống .
Đám sao sẽ tùy nghi, chẳng theo một
thứ tự nào hết, muốn lăn tới ô nào thì lăn, muốn ngừng lúc nào thì ngừng.
Khi tất cả đã yên vị, số mệnh của kẻ có tên
trên tờ giấy đã an bài. Nếu một hai,
cung có nhiều sao tốt quá thì những cung còn lại tất nhiên phải lãnh những sao xấu.Rủi có một cung nào gặp
toàn sao xấu tụ lại, thì phần tương ứng với cung ấy của đời người đó sẽ thê thảm.
Trở lại chuyện bác sĩ Bạch đình Minh.
Năm 1945 Ông Minh đang học năm thứ nhất y-khoa tại Đại
Học Hà Nội.Tới hồi tháng 12 -1946 chiến
tranh bùng nổ ra giữa Pháp và Việt Minh. Các trường phải đóng cửa. Kể cả Đại Học.
Ông Minh về Nghệ An là nơi quê hương bản quán của gia đình.
Việt Minh đã kiểm soát được toàn bộ vùng này . Ông Minh
về được ít lâu thì chúng bắt giữ thân phụ
Ông, là người đang giầu có nhất
vùng thời đó. Chúng chưa giết ngay.
Suốt 7 năm sống tại đây, ông Minh
thấy rõ bộ mặt thật
của cộng sản.Ông biết không thể sống
được với chúng và tìm mọi cách để trốn
đi.
Mãi đến năm 1952 ông mới may mắn chạy thoát lên được Hà nội đúng vào ngày đám cưới của cô
em gái . Vợ con phải đi những chuyến
khác, vào những lúc khác nhau. Nhưng cuối
cùng cũng tới được cả.
Thân mẫu ông Minh cũng ra được khỏi vùng Việt Minh.
Riêng thân phụ ông vẫn còn bị giữ trong trại tập
trung ở Nghệ- An.
Ông Minh đi học Y khoa tiếp.Các bạn cùng lớp thuở trước
đã tốt nghiệp Y Khoa Bác sĩ hết cả rồi.
Hai năm sau, hiệp định Genève được
ký kết vào ngày 20-7-1954, chia đôi đất nước.
Mỗi người, mỗi gia đình suy nghĩ
và tự quyết định.Biết rằng mình không thể ở lại được với cộng sản,nhưng đi,thì phải bỏ bố lại.Có
nên đi hay không?
Ông Minh tiến thoái
lưỡng nan.
Ông đang ngụ tại đền Lý Triều Quốc Sư ở Hà nội.
Ông thắp hương khấn vái để xin ý
kiến ,có nên đi hay không. Ông lắc ống Xâm,xin một quẻ.
Quẻ ra như sau:
Phen này ắt hẳn người sang đón
Chớ ngại đường trường, sự hiểm nguy
Bình an phú quý mưu cầu được
Mây có thang lên, nước có cầu .
Đưa mắt đọc, ông tin gia đình ông sẽ thoát môt cách bình an. Nhưng đến
hai chữ Phú quý, ông ngừng lại. Ông biết rất rõ, tiền bạc ngập trời và ruộng nương thẳng cánh cò bay của
ông Bố đã đưa đến tai họa cho chính Bố mình.
Ông vái cám ơn thần linh. Xin phù hộ cho được bình
an trong chuyến đi. Ông còn hứa sau
này ra bác sĩ, chỉ chuyên tâm lo cho bệnh nhân mà thôi, không nghĩ đến phú qúy.
Ông hứa với thần linh, và ông cũng tự hứa với mình
như thế.
Có lẽ ông Minh đã nghiên cứu lẽ
huyền vi của Tạo Hoá. Bao nhiêu sao tốt đã vào hết hai cung Tài Bạch và Điền Sản
của bố mình rồi, còn lại toàn sao xấu dồn cả vào cung Mệnh, cho nên mới gặp tai
họa lớn.
Và chắc nhà còn Phúc nên chính
mình và vợ con chưa, hay không bị lọt vào trong tình trạng thê thảm hoặc nguy đến
tính mệnh như Bố.
Cách suy nghĩ này của kẻ Trí đã hướng dẫn cách sống và mọi hoạt động của ông sau này.
Quả thật ông và gia đình
vào được trong Nam bình an.
Năm 1958,ông tốt nghiệp Y khoa
bác sĩ.
…
Mảnh hình chữ Tín
Thuở còn ở tiểu học, tôi đọc được
câu chuyện dưới đây trong Cổ học tinh
hoa,rất lấy làm thích:
Treo kiếm trên
mộ
Quí Trát sang
sứ nước Tấn có đeo thành bảo kiếm qua chơi với vua nước Từ.
Vua nước Từ ngắm
thanh kiếm, ra dáng thích, muốn xin mà không nói ra.
Quí Trát vì còn phải đi sứ thượng quốc, tuy
chưa dâng vua Từ được thanh kiếm ấy, nhưng trong tâm đã định cho.
Khi sang sứ Tấn
xong, về qua Từ, thì vua Từ không may đã mất, đành tháo thanh kiếm đưa cho tự-quân.
Các người theo
hầu ngăn lại, nói:_“ Thanh kiếm ấy là của
báu của nước Ngô, không phải là thứ
để tặng được.
Quí Trát nói:_ “Không phải là ta tặng. Độ trước
ta lại đây, vua Từ xem kiếm của ta, tuy chẳng nói ra, mà như dáng muốn lấy. Ta
vì còn phải đi sứ thượng quốc chưa dâng được. Tuy vậy đã định cho. Nay vua Từ chết
mà ta chẳng hiến thanh kiếm, thì ta tự dối tâm ta. Tiếc kiếm mà dối tâm, người liêm
không chịu làm.
Nói xong bèn
tháo thanh kiếm đưa cho tự- quân.
Tự-quân nói:_
“Tiên- quân tôi không có dặn lại việc ấy , tôi không dám nhận kiếm.”
Quí Trát bèn treo thanh kiếm vào cái cây ở mộ vua Từ rồi đi.
Người nước Từ ai
cũng khen Quí Trát rằng không quên người thân-cố, đem thanh gươm báu treo vào cây
bên mộ.
Tân-tự
Một người đã nói ra điều gì mà giữ được, thật đáng trọng. Có đức tính này sẽ gây được lòng tin của thiên hạ. Đó là giữ
chữ tín vói người đời. Việc này khó. Thế nhưng, có những điều mình tự hứa , mà
giữ được mới thật là khó nhất. Đó là giữ chữ tín đối với chính mình. Khó nhất vì
sao? Điều gì trong đầu của mình, tự mình
mình biết, tự mình mình hay. Có thay đổi cũng chẳng ai biết đâu mà dò. Có tráo trở
ngược lại cũng không một ai đoán được. Vì sự dễ dàng này nên không ai cảm thấy bị ràng buộc, và
thay đổi tùy thích.
Quí Trát giữ được chữ tín đối với
chính mình.
Bác sĩ Bạch Đình Minh ra trường.
Ông giữ chữ Tín cho chính mình. Ông rất
nhớ điều đã tự hứa. Ông chỉ chuyên tâm lo chữa trị, giúp đỡ bệnh nhân. Ông không
hề dùng nghề nghiệp này để tích tụ tiền của. Liêm khiết tuyệt đối, dù Ông đã giữ
chức Chủ Tịch Hội Đồng Miễn Dịch nhiều năm tại Quân Y Viện Nguyễn Huệ Quân Khu
II và Tổng Y Viện Cộnh Hòa, Quân Khu III.
Xin mời xem Bác sĩ Nam Minh Bách kể về Bác sĩ Bạch Đình
Minh :
…Bạn tôi có
kinh nghiệm bản thân. Xuất thân trong nhung lụa, gia đình đại điền chủ kiêm đại
tư bản, anh không xa lạ gì đời sống giầu sang phú quý. Trong anh em miền Bắc
không ai có ông bố giầu có như anh. Ngoài sở hữu chủ mấy trăm mẫu ruộng, ông là
người xuất nhập cảng đầu tiên cùng Denis
Frères hay Descours Cabaud. Nghe nói ông có cả tiền triệu hiện nay vẫn
còn nằm tại ngân hàng ngoại quốc. Cậu cả, anh bạn tôi học trường tỉnh nhưng khi
hội tuyển Hồng Kông Nam Hoa đấu sân Mangin
với Ancre sportive hay Olympic Haiphongais là có xe đón lên Hà Nội xem xong đưa về.
Năm 1944 không
biết quen nhau từ trước hay gia đình sắp đặt, chàng kết duyên với một thiếu nữ
vừa trẻ đẹp vừa nhu mì, nhưng không ai biết sau này sẽ can đảm phi thường với sức
mạnh tinh thần không thua gì chàng trai xứ Nghệ. Gia đình nàng còn giầu có, bề
thế hơn, cơ sở kinh doanh Hà Nội Hải Phòng cạnh tranh với doanh thương Pháp.
Sinh viên Y Khoa Bạch Đình Minh
cùng vợ và hai con, chụp hình với song thân và cô em gái (mé trái hình).
Sau này hai
anh chị cho là quá giầu có đưa tới đại họa và chọn thanh bạch làm lối sống.
Năm 50 cải
cách xuống đất. Bố anh bạn ở Nghệ an lãnh khổ sai dài hạn.
Gia đình may mắn thay chạy thoát ra Hà Nội.
…Những ngày
kinh hoàng tại Nghệ an còn thêm một bài học nữa. Giầu sang phú quý, nhất là giầu
sang quá sức như ông bố, mang lại những nguy hiểm không lường. Luật nhân quả,
luật bù trừ ,quy luật trời đất không ai tránh khỏi. Quy luật không nhân nhượng,
không thương tiếc, áp dụng ngay trước mắt không cần tới thế hệ sau.
Anh bạn quyết
định không bao giờ giầu sang phú quý nữa. Ông bố bao nhiêu tiền ngoại quốc cũng
chỉ một ngày là tan như mây khói. Giấc mộng Nam Kha. Và anh sẽ trở thành bác sĩ
duy nhất không có phòng mạch, không có xe hơi, đi xe đạp cả tại Việt Nam lẫn Hoa
Kỳ. Anh muốn gạt bỏ giầu sang phú quý, chỉ cần phúc đức.
Anh giữ đúng lời
hứa thanh bạch và lương tâm nổi tiếng từ Pleiku,Tổng Y viện Duy Tân Đà Nẵng, Nha
Trang và Tổng y viện Cộng Hòa. Lính đồn canh Tổng y viện biết rõ bà xách giỏ
leo lên xe lam, đi chợ cùng đám người làm, là bà bác sĩ, quần áo giản dị nhưng
rất quý phái, ai cũng biết. Nhưng họ không biết trước kia gia đình bà nhập cảng
cả những xe hơi Âu Mỹ đẹp nhất Bắc Hà.
…Anh bạn tôi
có sức mạnh phi thường nhờ bà mẹ và bà vợ. Không ai có thể cho vợ con sống
thanh bạch nếu bà mẹ và bà vợ không đồng ý. Thiếu gì người muốn thành đức Khổng
nhưng chỉ Khổng trong lời nói chứ không trong việc làm. Vì nội tướng không cho
phép. Có lẽ quang cảnh ông bố ra tòa án nhân dân Nghệ An cũng luôn luôn trong
ký ức nên hai bà trở nên Phật Lão hơn anh bạn tôi nữa. Các bà quyết tâm tìm phúc đức chứ không tìm phú quý.
Và các bà đã thành công.
Bác sĩ Nam Minh Bách
Bác sĩ Bạch đình Minh và gia đình
được cấp một chỗ để ở, trong khuôn viên Tổng y viện Cộng Hòa. Khi
đó ông là chỉ huy phó.
Một lần phu-nhân Bác-sĩ Minh đi chợ về. Xe lam đậu trước cổng. Bà bác sĩ vừa khiêng những
giỏ thực phẩm bước xuống xe thì một chiếc
guốc bị đứt quai.Bà trượt chân .Guốc văng ra xa. Bà cúi nhặt.Tay cầm 2 chiếc guốc, cùng lúc vừa xách, vừa
vác mấy cái bị đựng thực phẩm,đi chân đất bước vào cổng.Mấy
người lính gác cổng,thấy thế chạy lại, muốn
xách dùm mấy cái bị .
Bà đưa tay ngăn lại nói:_ “ Các anh có lòng tốt
muốn giúp,tôi xin cám ơn. nhưng tôi không dám nhận. Cứ để tôi tự xách những thứ
này.”
Mấy người lính nói:_ “Bà cứ để tụi tôi xách dùm,có sao đâu.” .
Phu nhân Bác sĩ Minh đáp :_ “Đừng, đừng!Nếu
không , tôi sẽ cảm thấy áy náy vô cùng.”
Với những lời nói này, Bà đã để lộ phật
tánh cũng như tinh thần tôn trọng
nhân-vị của anh em binh sĩ dưới quyền.
Cung cách này khác hẳn thái độ của một số bà có chồng làm chưa lớn lắm, nhưng cứ mở miệng ra là lên
giọng sai bảo những người phụ tá dưới
quyền chồng hay hạch sách các binh sĩ ở cấp thấp hơn nữa .
Người ta thường nói: _“ thế gian
được vợ, hỏng chồng. Khó được như Rồng,đẹp cả
một đôi.”
Khó, nhưng chúng ta đã thấy.
Hai vợ chồng bác sĩ Bạch Đình Minh thật là đẹp cả một đôi. Cả hai đều
phật tâm, phật tánh.
Mảnh hình Gạt bỏ phú quý
Xin được nói thêm một chút về
nhân vật đã treo kiếm trên mộ, kể ở trên. Quí Trát nguyên là em ruột của vua Ngô thời đó. Người anh làm vua được bốn
năm muốn nhường ngôi lại cho em. Quí Trát từ chối, trả lời :_ “Ta coi sự phú
quý khác nào như gió thu thoảng qua mà thôi. Ta chẳng thiết gì nhận.”
Đầu thập niên 70, phu nhân Tổng Thống
Nguyễn Văn Thiệu thiết lập bệnh viện Vì Dân tại ngã tư Bẩy Hiền. Bệnh viện này được trang bị tất cả những dụng
cụ y khoa tối tân nhất của Âu Mỹ vào thời bây giờ. Khi bệnh viện sắp hoàn thành,
bác sĩ Bạch Đình Minh là người được mời
giữ chức giám đốc. Bác sĩ Minh đã hỏi lại, bệnh viện này chữa cho tất cả mọi tầng
lớp dân chúng hãy dành riêng cho một loại người nào? Câu trả lời là,bất cứ ai
có đủ phương tiện tài chính đều có thể
được vào khám bệnh và chữa trị tại đây. Còn những người không có tiền bạc, thì hãy tới những bệnh viện công lập, có rất nhiều
trong thành phố .
Bác sĩ Minh liền trả lời:_ “Được làm giám đốc
một bệnh viện tối tân nhất là một điều hân hạnh cho tôi. Nhưng giữ chức này mà
phải từ chối, không nhận những người nghèo, thì thực lòng tôi không nỡ.
Tôi xin không dám nhận. Chức vụ
này nên dành cho một người khác.”
Yếu tố nào đã khiến hai vợ chồng
bác sĩ Minh có cùng một tần số trong
cách suy nghĩ và sinh hoạt?
Xin thưa :
1- Cả hai gia đình đều là
danh gia vọng tộc.Họ Bạch ở vùng
Nghệ An. Họ Lê tại Hà Nội.
Ông Tổ họ Bạch
, tên là Bạch Liêu đã đậu Trạng
Nguyên, năm 1266.
Ai đã đến thăm Văn Miếu ở Hà Nội đều có thể thấy tấm
bia liệt kê tên 46 vị Trạng Nguyên của nước ta.
Trạng nguyên Bạch Liêu là vị thứ 6,
trước Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi là vị thứ 8. Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh
Khiêm là vị thứ 32.
Nhạc phụ của Bác sĩ Minh là Cụ
Lê Đình Gioãn, uyên thâm Hán học. Cụ là một nhà văn , một nhà thơ , bút hiệu Nhất Anh, thường có bài đăng trên Văn Hóa Ngày Nay.
Lầu Hoàng Hạc
Người xưa cưỡi hạc vàng đi mãi
Hoàng Hạc lầu nay vắng bóng người
Một vẫy hạc vàng thăm thẳm biệt
Ngàn năm
mây trắng lững lờ trôi
Hán-Dương dòng lặng cây mơ bóng
Anh vũ bờ thơm co rợn trời.
Này bóng chiều buông đâu cố quận?
Sông đùn khói sóng, não lòng ai!
Nhất Anh dịch
2-Một yếu tố nữa là cả hai gia
đình đều rất giầu có. Khi Việt Minh lên,
thân phụ Bác sĩ Minh bị đại họa. Nhạc phụ bác sĩ Minh,vốn là chủ hãng xe hơi
Aviat và Citroen, may mà thoát được, không bị giết, cũng không bị bắt làm tù khổ
sai. Vào đến trong Nam đương nhiên nhạc phụ bác sĩ Minh cũng đã mất hết 99 % của
cải. Từ đó Cụ chỉ vui sống trong cảnh
thiên nhiên ở Đà Lạt, viết văn ,làm thơ.
Bác sĩ Minh cũng như phu nhân đã
trải qua tất cả mọi điều đều giống nhau. Do đó dễ tâm đầu ý hiệp,
tâm ý tương thông .Cả hai cùng không lao
vào vòng danh, lợi nữa, chỉ coi phúc đức
là mục đích tối hậu.
Có lần, khi Thủ tướng Trần Văn
Hương thành lập nội các ông đã mời Bác
sĩ Bạch Đình Minh giữ một chức tổng trưởng. Bác sĩ Minh đã quyết định gạt bỏ
phú quý. Ông từ chối.
Nhưng khi trình bầy, ông chỉ nói rằng, ông không muốn làm chính trị, chỉ muốn làm việc
chuyên môn .
Quí Trát thời Đông Chu và Bác sĩ
Minh thời Việt Nam Cộng Hòa, hai người sống cách nhau cả mấy ngàn
năm,nhưng phong cách giống nhau.Thật đáng phục.
Trên đây chúng ta đã xem những bức hình do
những người thuộc phái nam ghi lại.
Để cho bức tranh được toàn mỹ tôi
xin phép dùng một mảnh hình có vài cảnh phác họa lại bởi một người tên là Phan Cẩm
Anh. Người này vốn rất thân với gia đình
Phó Tổng Thống Trần Văn Hương và được cụ
coi như một cháu gái trong nhà. Phu quân của Bà là bác sĩ Nguyễn Đức Thụ ,Y khoa Đại học Sài gòn 1974, là người
chăm sóc sức khoẻ cho Cụ sau khi mất nước.
Xin mời xem:
Những lần thăm
bệnh sau của nhà tôi, cụ Hương tâm sự nhiều hơn về những vui buồn trong cuộc đời
tham chánh của Cụ. Cụ cũng luôn nhắc đến
những người mà cụ đặc biệt quý mến như bác sĩ Bạch Đinh Minh. Cụ hỏi nhà tôi:
_ “Con có biết
bác sĩ Bạch Đình Minh không?”. Nhà tôi thưa “có”và giải thích:
_ “Con học chung một lớp với con trai của bác
sĩ Minh . Cụ Hương ngậm ngùi kể lại:
_ “Bác
sĩ Minh là một người rất thanh bạch mà chú rất đặc biệt quí trọng. Hồi trước có
lần chú tặng bác sĩ Minh một chiếc đồng hồ đeo tay để bác sĩ Minh dùng đi khám
bệnh. Bác sĩ Minh chỉ đeo có một tuần rồi đem trả lại chú, không chịu nhận nữa.
Chú thấy bác sĩ Minh phục vụ trong quân đội hết lòng tận tụy và giầu tinh thần
trách nhiệm với chức vụ nên chú đã đề nghị lên Tổng thống Thiệu tưởng thưởng “Bảo
Quốc Huân Chương” cho bác sĩ Minh. Bác sĩ Minh từ chối không nhận, viện cớ rằng
ông đã được làm việc ở chỗ an toàn, xin
dành huy chương ấy cho những người đã xả thân chiến đấu ,hy sinh xương
máu của mình cho đất nước. Chú cố thuyết phục để bác sĩ Minh nhận nên kể cho
bác sĩ Minh nghe câu chuyện này: Một lần, chú đi thanh tra một tỉnh dưới quê, đến
thăm một ngôi trường làng nhỏ, hẻo lánh. Gặp một thầy giáo già đang dạy học ở
đó. Sau khi hỏi chuyện chú được biết người thầy giáo này đã dậy học ở ngôi trường
trên suốt mấy chục năm qua… Chú nghĩ vị thầy kia cũng đã cống hiến cả cuộc đời
của mình để để góp công phục vụ quốc gia
đất nước, nên chú cũng đã đề nghị tưởng thưởng Bảo Quốc Huân Chương. Bác sĩ Minh
cũng đã cống hiến cho đất nước lòng phục vụ cao cả của ông. Nghe chú nói vậy
bác sĩ Minh cũng khảng khái nhất định khước từ không chịu nhận huân chương này.
Phan Cẩm
Anh
Tháng
giêng/1996.
Trở lại tấm Bảo Quốc Huân Chương.
Bác sĩ Minh là một người tự trọng,
và ông nghĩ rằng những người chiến sĩ đáng được thưởng huy chương này vì đã đem
xương máu bảo vệ quốc gia.
Tôi cho rằng Phó Tổng Thống Trần
Văn Hương lại suy tư cách khác. Cụ nghĩ rằng bác sĩ Minh là một
người tiêu biểu, đã giữ được nhiều đức tính của những người sống trong nước Việt
Nam Cộng Hòa. Phong thái này của bác sĩ Minh
đã biến ông thành như một thứ bảo
tàng viện của những đức tính của những người đáng trọng của
miền Nam Tự Do. Đó cũng là một cách bảo vệ quốc gia. Nói cho rõ hơn, là bảo vệ những
truyền thống tốt đẹp : cung cách cao
quí của những con người sống tại miền Nam Tự Do và sự
tận tâm của các Bác sĩ của nước Việt Nam Cộng Hòa,
Chính vì thế mà sau đó Phó Tổng Thống Trần Văn
Hương đã gặp Bác sĩ Minh lần nữa để khẩn khoản nói:
_ “Đây không phải là trường hợp một Phó Tổng
Thống ân thưởng Bảo Quốc Huân Chương cho
một người. Xin coi đây như là món quà riêng của già Hương này tặng Bác sĩ. Bác sĩ nhận dùm đi.”
Một vị Phó Tổng Thống, nổi tiếng liêm khiết,
thẳng thắn, đạo đức nhất của Việt Nam Cộng
Hòa mà xưng là “Già Hương này” với bác sĩ Minh tức là đã kể bác sĩ Minh là bạn chí thân.
Bác sĩ Minh đành nhận tấm Bảo Quốc
Huân Chương.
Đúng là, đồng
thanh tương ứng, đồng khí tương cầu.
…
1975. Con trai lớn bác sĩ Minh là bác sĩ Bạch Thế Thức, khóa
21 quân y hiện dịch, đang phục vụ trong trại ngoại khoa tại Tổng y viện Duy Tân,
Đà Nẵng.
Bác sĩ Bạch Thế Thức đã trở thành
một bác sĩ giải phẫu vì lý do sau đây: Tết Mậu Thân 1968 ,Việt Cộng đánh 44 tỉnh
cùng một lúc.Chúng đã chiếm được nhiều nơi trong thành phố Sàigòn.Các chiến sĩ
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đang cố gắng đánh bật chúng ra. Nhiều chiến sĩ hy
sinh. Xe hồng thập tự ùn ùn chở thương binh tới Tổng Y viện Cộng Hòa. Các bác
sĩ và y tá khẩn cấp làm việc không kịp
thở.
Anh Thức thấy rất nhiều thương
binh,lẫn tử sĩ, chật ních bên trong
phòng cấp cứu và cả bên ngoài nữa,trong số đó có một chiến sĩ thủy quân lục chiến bị thương nặng, đang quằn
quại nằm, chờ được cứu chữa.
Khi đó Anh Thức đang học APM ở
Khoa học Đại Học, nhưng trù trừ chưa biết rồi sẽ học ngành nào. Đứng trước cảnh này, anh Thức lập tức quyết định:_
“Mình phải học Bác sĩ, và phải trở thành
một bác sĩ giải phẫu,để sau này có thể cứu
giúp được người, trong những hoàn cảnh
thập tử nhất sinh như thế này.”
Tháng ba 1975, Đà Nẵng mất.Bác sĩ Thức chạy vào được Sài
Gòn. Vào những ngày cuối tháng tư, dân số thủ đô khoảng 2.000.000 người. Ai
cũng mong thoát. Nhưng với dân số đông như vậy, hy vọng thoát được cho mỗi người
là một phần triệu.Thoát cách nào cũng được, đường bộ, đường thủy, phi cơ.Ngày 29-4,
trong tình trạng tuyệt vọng chẳng làm sao tìm ra được phương tiện để chạy, bác
sĩ Thức chán quá, nằm ngủ trong căn nhà ở Khánh Hội. Anh Thức tuy ở quân y
nhưng lúc nào cũng thích không quân. Anh nghiên cứu đủ loại máy bay. Anh có tài
lạ, là dù ngồi trong nhà hay làm trong bệnh viện,chỉ cần nghe tiếng máy bay
xa xa, ở trên trời, là anh đã biết ngay đó là chiếc máy bay gì.
Trong lúc đang ngủ trưa, giữa niềm tuyệt vọng,
anh chợt nghe tiếng máy bay hơi lạ trên bầu trời Khánh Hội.Anh hiếu kỳ, vùng dậy,
chạy ra ngoài đường ngó lên trời.Xong, anh cúi đầu nhìn lại xuống đất.Anh thấy
mọi người rùng rùng chạy.Anh chợt nghĩ, tại sao mình không tiếp tục đi tìm đường chạy, mà lại nằm ngủ một
cách vô lý như thế này?Anh lấy chiếc xe
gắn máy Honda chạy đi thám sát bến Bạch Đằng. Rồi lại chạy về.
Anh dắt mẹ và vợ là bác sĩ Nguyễn Thúy San, vốn
học cùng lớp, và đứa con đầu lòng mới 4
tháng , cộng thêm 5 đứa em, tất cả là 9 người chạy trở lại bến Bạch Đằng. Trời xui đất khiến, mới tới Thương khẩu ở
Khánh Hội, chợt thấy một xà lan Mỹ không
biết từ đâu chạy tới, tắp vào bờ . Anh kéo cả gia đình bước xuống.
Gia đình Anh là một trong những người đầu tiên đặt chân lên sàn xà lan này.Thẳng
ra biển.
Ngày 30-4-1975. bác sĩ Minh đang ở
bệnh viện Nguyễn Văn Học. Ông đang đâm kim vào rút nước tủy sống để chữa cho một bệnh nhân. Hoàn
tất việc này, ông vừa buông mũi kim xuống xong thì Việt Cộng tràn vào cửa trước
bệnh viện. Ông chạy thẳng ra cửa sau. Một người quen,cùng quê ở Nghệ An, kéo ông
chạy xuống Rạch Giá. Từ đó, may mà kiếm được thuyền, chạy thoát.
Trở lại quẻ xâm Bác sĩ Minh đã
thành tâm khấn vái tại đền Lý Triều quốc sư
mà xin được:
Phen này ắt hẳn người sang đón
Chớ ngại đường trường, sự hiểm nguy
Bình an phú quý mưu cầu được
Mây có thang lên, nước có cầu .
Quẻ đã
linh nghiệm, ứng vào gia đình này hai lần.Lần đầu vào năm 1954.Lần
thứ nhì,1975.
Tới đất Mỹ Bác sĩ Thức và vợ là
Bác sĩ Thúy San tiếp tục được nghề cũ sớm .Bác sĩ Minh cũng lấy lại được bằng hành nghề sau đó . Về sau, hai người con trai
của bác sĩ Thức cũng tốt nghiệp bác sĩ trên đất Mỹ.
Tứ đại đồng đường , trong đó ba
thế hệ liền nhau cùng hành nghề cứu nhân
độ thế.Hai đứa chắt đích tôn sinh đôi của Bác sĩ Minh , còn nhỏ, chưa tham dự
công việc này được.
Suốt đời bác sĩ Minh và phu nhân chỉ nghĩ đến
việc làm phúc.
Phúc quả nhiên đã đến.
Từ lúc 10 tuổi tôi đã thích nhiếp ảnh.
Bây giờ, tôi biết mình vừa chụp xong được một bức Chân Dung.
Chân Dung Bác sĩ Bạch Đình Minh.
Trần Xuân Dũng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét